2020
Yêu như Chúa dạy
4.6.2020 Thứ Năm
Mc 12, 28-34
YÊU NHƯ CHÚA DẠY
Hôm nay, nhà luật sĩ đến hỏi Chúa: “Trong các điều răn, điều nào trọng nhất?” Chúa đáp: “Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi” (Đnl 6, 4-5). Nhưng điều mới mẻ là Chúa đem chắp nối với một câu khác trích ở Sách Lêvi (19, 18), dạy rằng “ngươi không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình”. Chúa đã cách mạng hóa Luật Bác Ái yêu thương.
Xưa nay, trước Chúa Giêsu, chưa ai đặt ngang hàng sự mến Chúa và yêu người. Ngài đã hợp nhất lại thành một lề luật duy nhất và đó là lề luật mới, là đặc điểm của Tin Mừng : mến Chúa và yêu người; yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em. Nhưng Thiên Chúa, Người chỉ có một, là Ðấng duy nhất, còn anh em tôi là ai? Phải chăng chỉ quan niệm như người Do thái? Anh em tôi là người thân, là người đồng bào, là người đồng hương. Anh em tôi, theo quan niệm của Chúa, là tất cả: là người ngoại bang Samaritanô, là người đàn bà ngoại tình, là mụ đàn bà chua ngoa bên bờ giếng Giacóp, là người đất Cananeen, là tất cả mọi người.
Với Tin Mừng hôm nay, nhiều khi chúng ta có tâm trạng ngượng ngịu như ông luật sĩ Do thái. Chúa dạy phải mến yêu Thiên Chúa hết trí khôn, hết linh hồn. Chúng ta dễ dàng nói: Lạy Chúa, con xin vâng. Nhưng “ngươi hãy thương yêu anh chị em ngươi như chính mình ngươi!”
Chúa Giêsu đã tháo gỡ khó khăn đó với lời giải đáp và quy hướng tất cả vào hai giới răn nền tảng quan trọng nhất mà “tất cả luật Mô-sê và các ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào” (Mt 22, 40) là “mến Chúa – yêu người”. Hai giới răn nối kết nhau cách sâu đậm, gói gọn trong hạn từ “tình yêu”. Chúa Giêsu không chỉ dạy nhưng Ngài còn sống trọn vẹn hai giới răn ấy.
Suốt hành trình dương thế, Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong tình yêu qua đời sống cầu nguyện và vâng phục thánh ý Người trong mọi sự: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 26). Với con người, Ngài đã chấp nhận tự hạ để nhận lấy thân phận yếu đuối mọn hèn. Ngài chia sẻ tình yêu qua việc an ủi người đau khổ, chữa lành những ai bệnh tật và nâng dậy kẻ tội nhân. Ngài đã yêu bằng một tình yêu trao hiến đến tận cùng mà đỉnh cao là cái chết đầy tủi nhục trên thập giá. Ngài mời mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Nhưng Luật Bác Ái là điều răn mới, là luật tình thương của Chúa, không còn được xét đi xét lại, xét tới,xét lui… gì nữa: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi và thương yêu anh em như chính mình ngươi”.
Sau này, Chúa Giêsu lại bước thêm một bước nữa, khi Người dạy chúng ta phải yêu mến Chúa và thương yêu anh em như Ngài đã thương yêu (Ga 15, 13-14). Tình yêu ấy không còn chỉ là một việc noi gương Chúa mà là một sự hiệp nhất với Ngài.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ gặp thấy những phiền phức, những thử thách đòi buộc lòng bác ái nhỏ hẹp của chúng ta phải mở rộng thêm ra. Trong các đức tính nhân phẩm của mỗi người, không có hai người giống nhau, đừng vơ đũa cả nắm. Ðời người không phải là một cuốn băng Cassette đã được sang từng sơ-ry giống nhau. Bác ái không có biên giới, nếu có biên giới thì không còn là bác ái nữa.
Chúng ta cần có một con tim rộng mở như Chúa, để có thể yêu thương như Ngài và cùng với Ngài chúng ta thực thi đức bác ái. Ðức ái không nên có hậu ý hay vụ lợi. Sao con trách móc khi người ta phủi ơn con. Công nghiệp của con mất đi sao? Hay là con bắt Chúa cám ơn con: “Ai làm cho người hèn mọn ngất trong các anh em là làm cho chính Ta”.
Chúng ta mến Chúa và yêu người với chính tình yêu của Ngài, tình yêu Ngài tiếp nhận từ Ðức Chúa Cha và thúc đẩy Ngài hy sinh mạng sống. Không phải chỉ yêu mình nơi kẻ khác mà là yêu mến Chúa nơi họ, không phải chỉ hiến bản thân mình là tận hiến tất cả cho Chúa. Ðó là chìa khóa mở cửa vào Nước Trời Tình Yêu.
Ta thấy loài chim nếu không có đôi cánh vỗ đập đồng điệu hài hoà thì không thể bay bổng được; con người nếu không có đôi chân cân đối thì bước đi sẽ lệch lạc khập khiễng. Giới răn “mến Chúa yêu người” mà Chúa dạy chúng ta hôm nay “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” không chỉ vì ngoài chúng ra “không có điều răn nào lớn hơn” mà còn vì chúng giống nhau (Mt 22, 39) đến độ cần có sự hài hoà, đồng điệu và cân đối, không thể mến Chúa nếu không yêu người: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20).
Yêu thương người là như thế, là mất mát, là thiệt thòi, là liên lụy vì anh em mình. Một khía cạnh của yêu thương anh em là cho đi, cho đi bằng việc làm. Việc làm đây hiểu là sự giúp đỡ bằng lời nói can thiệp, bằng đời sống phục vụ tha nhân, bằng sức khỏe, bằng tiền của, bằng thời gian… Thật ra ý muốn tốt mà ta cho dù vô hình khó kiểm chứng được. Cho đi, bằng thái độ có thể bị coi là giả tạo bôi bác. Nhưng cho đi bằng tận tâm giúp đỡ, bằng chấp nhận gian khổ thì thấy rõ và dễ gây kết quả tốt. Và đó là cho người khác thấy được Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu người đang nhìn qua chúng ta để thấy được Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã cách mạng hóa nhân loại bằng tình yêu hết cỡ của Ngài. Ai bằng lòng đi theo Ngài là lập tức bước vào ngay con đường tình yêu trải rộng ấy. Cũng chính nhờ tình yêu mà chúng ta đang sống và đang phục vụ. Cũng chính vì tình yêu mà chúng ta được giao tế và liên hệ với Ngài và anh em của Ngài. Không còn gì thúc đẩy chúng ta hơn tình yêu nữa đâu. Tình yêu của Chúa đồng nghĩa với những hy sinh, từ bỏ, thiệt thòi, can đảm, tha thứ, dâng hiến… tất cả những đức tính đó phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đang nói chuyện với nhau hôm nay đây không ngoài mục đích nào khác là mời nhau nhận ra tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa qua anh em trong giữa mùa chay này.
Yêu Chúa trong Cựu Ước là thờ lạy, là vâng phục Ngài. Trong Tân Ước, thập giới Sinai vẫn còn giá trị. Yêu Chúa là yêu hết linh hồn, là giữ trọn Lời Chúa, là thực thi Lời Chúa và theo Chúa bằng con đường từ bỏ, và không gì dứt lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, cho dù là đau khổ, hoạn nạn, thử thách. Tình yêu mạnh hơn sự chết nữa.
Với mùa Chay ta đang sống, mỗi tín hữu được kêu gọi thể hiện sống động giới luật yêu thương qua ba việc làm đã được Chúa Giêsu chỉ dạy: cầu nguyện, chay tịnh và thực hành bác ái. Qua cầu nguyện, chúng ta thật sự cảm nghiệm được tình yêu Chúa để rồi đáp trả bằng sự quy phục tận hiến với “hết lòng, hết trí khôn và hết sức mình” cùng việc hy sinh từ bỏ ý riêng để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Chính khi con tim chấp nhận từ bỏ mọi thứ để được lấp đầy và nung nấu trong tình yêu chân thật sẽ thôi thúc chúng ta trao ban tình yêu ấy cho tha nhân bằng việc lành phúc đức với những đòi hỏi cao cả nhất, ngay cả với chính mạng sống mình, bởi “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
2020
Tin vào đời sau
3.6.2020 Thứ Tư
Mc 12, 18-27
TIN VÀO ĐỜI SAU
Trong thân phận làm người, ai cũng phải chết. Nhưng không phải mọi người đều có cái nhìn như nhau về sự kiện này. Có nhiều người tin rằng chết là hết. Nhưng cũng có nhiều người tin đó chỉ là một bước chuyển tiếp cần thiết để đưa người ta vào một cuộc sống mới. Phái Sa-đốc trong Tin Mừng hôm nay đã chủ trương không có sự sống đời sau.
Trước quan điểm của họ, Chúa Giêsu đã khiển trách sự sai lầm đó là do họ đã không tìm hiểu Kinh Thánh và không tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài cho biết, sau khi sống lại, con người sẽ giống như các thiên thần, không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đó là một cuộc sống mới chứ không phải là trở lại cuộc sống trần thế. Chính Chúa Giêsu đã minh chứng lời của Ngài bằng cái chết và sự phục sinh của mình. Đó chính là một bảo chứng chắc chắn cho đức tin của chúng ta.
Trong câu 18, thánh sử giới thiệu về các nhân vật. Đó là nhóm Xađốc và Chúa Giêsu. Thánh sử cũng nói về quan điểm và niềm tin của nhóm này: không tin có sự sống lại. Chúng ta cũng theo dõi cuộc tranh luận gay go này trong câu tiếp theo. Phái Xađốc mở đầu bằng một vấn nạn mà trong luật Môsê cho phép : khi người chồng chết, nếu vợ của anh ta vẫn chưa có con trai, thì người anh hoặc em trai của người chết đó phải cưới bà này để nối dõi tông đường (Dnl 25, 5-10). Luật này khá phổ biến trong thời bấy giờ nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống và đảm bảo việc thụ hưởng tài sản kế thừa: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình” (c.19).
Kế đó, họ giả thử một trường hợp nhà có 7 anh em trai, lần lượt cưới người vợ của người đi trước, rồi tất cả đều chết mà không có mụn con nào và sau đó người phụ nữ ấy cũng chết, thì ở đời sau, bà ta sẽ là vợ của người nào, vì cả 7 anh em đều lấy nàng làm vợ” (c.20-23). Một vấn nạn hy hữu được đặt ra từ cửa miệng của các Xa-đốc với mục đích bôi nhọ và nhạo báng niềm tin vào cuộc sông mai sau của nhóm biệt phái và của Chúa Giêsu.
Trước tình huống này chúng ta thấy giáo thuyết về sự sống lại như lâm vào ngõ cụt. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu giải thích vấn nạn này thế nào:
“Chúa Giêsu nói: Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (c.24). Chúa Giêsu cho họ thấy niềm tin của họ vào Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa chỉ là hình thức, ngoài môi miệng. Vì nếu họ đọc Kinh Thánh, hẳn họ đã thấy các tổ phụ, cha ông họ tin vào sự sống lại.
Ở đây, chính họ xem nhẹ quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa có quyền năng tạo dựng muôn vật, muôn loài từ hư không, bằng chính Lời của Ngài. Vậy bây giờ, Ngài lại không đủ quyền phép để cho con người có cuộc sống vĩnh cửu hay sao? Đến câu 25, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định con người từ cõi chết sống lại sẽ bước vào một đời sống mới, đời sống tinh thần chứ không dựng vợ gả chồng như họ đã sống trong cuộc sống trần gian tạm bợ này. Sự liên kết theo xác thịt không có ở nơi cuộc sống mai sau nữa. Cách thế tồn tại của con người đã được biến thể.
Chúa Giêsu còn dẫn chứng Kinh Thánh qua Sách Xuất hành là cuốn sách mà họ công nhận. Trong chương 3 có nói về bụi gai bốc cháy, nơi Thiên Chúa gặp gỡ Môsê. … để khẳng định niềm tin sai lệch của họ. Thiên Chúa phán với Môsê: “Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”. Theo truyền thống xa xưa, các tổ phụ là những người đối thoại với Thiên Chúa trong khoảnh khắc, khi đó họ bước vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định: Người là Thiên Chủa của kẻ sống, chứ không của kẻ chết (c.27) và Ngài đúc kết bằng một lời cứng cõi, đanh thép: Các ông lầm to!
Chúa Giêsu đã trả lời cho họ về sự sống lại và sự sống đời sau. Sự sống lại và sự sống đời sau không giống như sự sống tự nhiên nơi trần gian này: ai là vợ của ai mà cuộc sống đời sau sẽ giống như cuộc sống của các thiên thần. Người ta từ cõi chết sống lại không còn lấy chồng lấy vợ nữa. Họ hoàn toàn sống một đời sống thiêng liêng, sự sống của chính Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, không mong manh nhất thời chóng qua.
Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn minh chứng cho họ về sự sống lại qua việc Thiên Chúa là Chúa kẻ sống chứ không phải là Chúa kẻ chết. Vì Ngài là sự sống, cội nguồn của sự sống, Đấng làm chủ sự sống và sự chết nên Ngài có quyền trao ban sự sống đời đời ấy cho những ai tin vào Ngài “Thiên Chúa phán: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.
Nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống và là Thiên Chúa hằng sống thì Ngài có quyền trao ban sự sống ấy cho những ai tin vào Ngài. Tuy nhiên, sự sống đời đời ấy đã được ban tặng cho Đức Giêsu và cho những ai tin vào Ngài “Như Ta sống bởi Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta cũng sẽ sống nhờ Ta như vậy”.
Ta thường gặp những đau khổ, những thử thách. Chúng ta không được hạnh phúc trong đời sống gia đình và gặp nhiều những bất hạnh khác. Thường chúng ta hay thất vọng, thậm chí có người tìm đến cái chết để được giải thoát. Hoặc chúng ta vững vàng hơn, nhưng lại có suy nghĩ tiêu cực: “Ráng sống cho hết ngày đoạn tháng!”… Tất cả những điều đó là không đúng đắn. Giây phút hiện tại sẽ là hạnh phúc nếu có Chúa. Đau khổ, thử thách, bất hạnh của chúng ta sẽ được giải gỡ nếu có Chúa.
Ta vẫn tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại trong kinh Tin Kính. Đây quả thực không phải là một công thức sáo rỗng, nhưng chứa đựng một niềm tin lớn lao. Nó như bánh lái cho cuộc đời hiện tại của chúng ta. Vì đức tin không đơn thuần là việc đồng ý với một ý niệm, nhưng là chấp nhận một chân lý, là chấp nhận đặt cược cuộc đời mình cho điều ta tuyên xưng và thiết lập một tương quan yêu thương với Đấng làm nên cuộc đời chúng ta. Đó chính là nhào nặn cuộc đời mình cho được thẩm thấu lòng yêu mến Chúa và lòng yêu thương anh em.
2020
Của Xêda
2.6.2020 Thứ Ba
Mc 12, 13-17
CỦA XÊ DA
Sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu thế tục hóa ngày hôm nay rất dễ dẫn chúng ta đến một lối hiểu chưa đúng về Lời Chúa. “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Người ta có thể nghĩ Chúa Giêsu đang phân ranh giới rạch ròi giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa nhà thờ và xã hội, giữa đời sống tâm linh và cuộc mưu sinh giữa đời; bên này không phạm đến bên kia. Thưa, hoàn toàn không phải thế !
Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda, nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa; con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài.
Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Trong truyền thống Do Thái, Thiên Chúa là Đấng chủ tể siêu việt trên tất cả: toàn thể vũ trụ càn khôn và con người mọi nơi mọi thời, dù có là Xê-da đại đế chăng nữa, hết thảy đều phục quyền Người. “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12, 29-30). Chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn chân-thiện-mỹ, phải hiện diện trong mọi suy nghĩ, mọi tình cảm ước muốn cũng như trong từng hành vi cử chỉ của chúng ta. Nếu đồng tiền in hình Xê-da nhắc ta nhớ đến trách nhiệm và quyền lợi công dân, thì hình ảnh Thiên Chúa ta mang nơi mình vẫn hằng mời gọi ta đến với Chúa bằng trọn vẹn thể xác tâm tư, để Người trao ban cho ta sự sống và hạnh phúc viên mãn.
“Của Xê-da trả cho Xê-da”. Xê-da – Hoàng đế La-mã – vị vua ‘bách chiến bách thắng’ ở đây có thể nói là biểu tượng cho sức mạnh, sự giàu sang, và quyền uy phù phiếm của trần tục. Xê-da đã qua đi cũng đồng nghĩa với việc mọi sức mạnh, vinh quang, giàu sang phú quí vật chất rồi cũng sẽ qua đi, bởi vì ‘phù vân nối tiếp phù vân, trần gian hết thảy chỉ là phù vân’ (x. Gv…).
Tuy nhiên, Chúa cho phép tất cả những phù vân đó được có giá trị và tồn tại khi nó qui về Thiên Chúa trong đức ái. Khi Đức Giê-su nói “của Xê-da trả về cho Xê-da” thì mặc nhiên Ngài đã xác định thế quyền và những cơ cấu tổ chức xã hội có vị trí của nó trong sinh hoạt đời sống con người, và con người sống trong tổ chức xã hội nào thì có quyền lợi và bổn phận đối với xã hội mình đang sống, miễn là nó không đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.
Do đó, mọi nghĩa vụ và quyền lợi mà các cơ chế tổ chức, xã hội, con người đặt ra đều tốt đẹp, có ý nghĩa khi nó nhằm phát triển xã hội, xây dựng con người và làm cho thế giới tốt đẹp. Vì vậy mà đối với Giáo hội, mọi hình thức trốn thuế hay thâm lạm của công… đều lỗi đức công bằng và là hành vi tội lỗi. Bởi vì con người đã hưởng quyền lợi từ các cơ chế tổ chức thì cũng có bổn phận và nghĩa vụ phải đóng góp, xây dựng nó là lẽ đương nhiên của cuộc sống.
“Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Như đã nói: Có gì dưới gầm trời này mà không thuộc về Thiên Chúa. Vì thế cuộc đời con người là một cuộc hành trình tìm kiếm và đi về với Thiên Chúa. Con người với linh hồn, thể chất, tài năng, sức khỏe, và những điều kiện vật chất như tiền bạc, của cải, những ân huệ thiêng liêng của linh hồn, những ân huệ tự nhiên phong phú của vũ trụ, môi trường sống… tất cả là để phục vụ hạnh phúc con người, và con người có bổn phận phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa để đáp lại muôn ngàn hồng ân Chúa đã thương ban bằng cả cuộc sống mình. Vì vậy, con người không nên, không được phép chạy theo, tôn thờ sức mạnh, quyền lực, của cải và coi nó là mục đích cuộc đời mình, hay phục vụ cơ chế chỉ vì cơ chế, nhưng biết dùng nó như phương tiện để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
“Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, khi nói điều này, Chúa Giêsu còn có ý minh định con người đừng đem chính trị xen vào tôn giáo, cũng đừng hạ tôn giáo xuống thành những tổ chức chính trị trần tục; Nhưng như tâm linh hướng dẫn hành vi con người, tinh thần đạo đức tôn giáo do ánh sáng của Lời Thiên Chúa sẽ giúp con người có những hành động đúng khi thi hành chính trị.
Ngoài ra giáo huấn “của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” cũng dạy chúng ta biết thực hiện đức công bằng trong cuộc sống; không xâm phạm quyền lợi cũng như của cải của tha nhân; đồng thời biết sống yêu thương và tôn trọng những giá trị của nhau, biết trau dồi và phát huy khả năng riêng của mình. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người – mỗi người có một giá trị riêng biệt; nhưng như Ba Ngôi là một, Thiên Chúa sáng tạo chúng ta khác nhau, là để chúng ta cần đến nhau, bổ túc cho nhau, tạo nên sự hiệp nhất và cùng nhau xây dựng cuộc sống phong phú và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã dùng dòng chữ này cùng với hình của hoàng đế trên đồng tiền để thoát khỏi thế lưỡng nan mà phe Hêrôđê và nhóm Pharisêu đặt ra: Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?
Nếu trả lời “có”, Người đã đụng chạm đến lòng ái quốc của người Do Thái. Nếu trả lời “không”, Người sẽ gặp khó khăn đối với người Rome. Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này để khỏi rơi vào cái bẫy của họ. Người còn mở ra một vấn đề khác quan trọng hơn: “Của Xêda, trả về Xêda; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.
Đồng tiền mang hình ảnh của hoàng đế thì trả về cho hoàng đế. Còn chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Người, nên chúng ta phải dâng hiến cả con người mình cho Thiên Chúa.
Nhìn lại bản thân, biết bao lần ta thậm chí còn hạ Thiên Chúa xuống hàng tùy phụ trong bậc thang giá trị của đời mình. Ta sẵn sàng làm mọi sự để giành cho được chút ít danh vọng, quyền lực hão huyền mà bất tuân lề luật Thiên Chúa. Ta lao tâm khổ trí tìm kiếm mọi cơ hội để làm giàu nhưng hiếm khi nào lo nghĩ phải sống sao cho thánh thiện đạo đức. Ta có thể vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè nhưng lại không sắp xếp nổi thời gian cho giờ kinh tối gia đình. Ngày hôm nay, Lời Chúa mời gọi ta trả lại cho Thiên Chúa những gì xứng đáng thuộc về Người, trả lại cho Người vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời ta.
2020
Đừng sát nhân nữa
1.6.2020 Thứ Hai
Mc 12, 1-12
ĐỪNG SÁT NHÂN NỮA
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “những người làm vườn nho sát nhân” để nói lên thực trạng thái độ của con người xưa và nay đối với lời mời gọi nên công chính của Thiên Chúa. Bằng cách dùng hình ảnh những tá điền sát nhân, Chúa Giêsu cho thấy thái độ phản nghịch và ngoan cố của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do Thái trước lời kêu gọi hoán cải và tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa, đã được loan báo qua các ngôn sứ và Người Con. Bằng cách nói: “người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ”, Chúa Giêsu ám chỉ chính Ngài là Con Thiên Chúa, Người được Thiên Chúa sai xuống thế làm người, để công bố Tin Mừng Nước Trời và để cứu độ nhân loại qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Mở đầu chương 12, tác giả cho thấy Chúa Giêsu miêu tả về một người chủ vườn nho. Ông ta có vẻ quí mến và quan tâm khá nhiều đến vườn nho của ông. “Ông rào giậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh…. rồi cho tá điền canh tác….” (c. 1). Trước khi đi xa, ông chủ đã bố trí, sắp dặt mọi công việc đến nỗi ông tin tưởng giao vườn nho cho các tá điền trong thời gian ông vắng mặt. Vì công việc bận rôn nơi phương xa, và không thể về để thu hoạch hoa lợi,nên ông phái đầy tớ của ông đến, thay mặt ông thu góp mùa màng (c. 2).
Ở đây chúng ta thấy rõ 2 thái cực đối lập. Ông chủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và các tá điền chỉ việc chăm sóc, thu hoạch không vất vả. Giậu đã rào. Bồn đã xây và có cả tháp canh để trông chừng kẻ cướp. Các tá điền chỉ việc tưới bón, cắt tỉa… đến mùa hái nho cho vào bồn đạp nho.
Vậy mà các tá điền không thu hoa lợi cho chủ. Họ muốn chiếm đoạt cho họ phần hoa lơị này và cả vườn nho nữa. Họ đánh đập những đầy tớ đến thu hoa lợi, đuổi họ ra về tay không. Ông chủ không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng họ nên sai đầy tớ khác đến, vì cho rằng : có lẽ đầy tớ trước không biết cách thu hoa lợi chăng ? Càng ngày ông càng sai nhiều nhóm đầy tớ khác nhau đến, nhưng kết quả “ tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.
Hơn nữa họ còn bị đánh đập, bị hạ nhục và bị giết chết (c. 3-5). đến nỗi ông không còn đầy tớ để sai đi nữa ( có lẽ một phần bị giết hại, một phần vì quá sợ… nên không ai dám làm việc cho chủ nữa). Cuối cùng, ông chỉ còn một người nữa oà người con yêu dấu. Ông quyết định cử cậu con trai yêu quí của mình đến gặp họ để giải quyết vấn đề vì nghĩ rằng : Ít ra chúng sẽ tôn trọng con trai ta (c. 6)
Công trình của Thiên Chúa khác hẳn với dự tính của chúng ta. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ. Tảng đá đó là Đức Giêsu. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm tảng đá góc, nối kết các dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa với dân Do Thái (người tin vào Chúa Giêsu). Nhờ Chúa Giêsu mà hai bức tường này đựơc liên kết dính liền với nhau, do đó bảo đảm sự vững chắc của chúng.
Sau một chuỗi giải thích và phân tích dụ ngôn, các thầy thượng tế, kinh sư chợt hiểu ra một điều là: Chúa Giêsu đang có ý nhằm nói đến họ. Và họ tìm cách bắt Chúa Giêsu vì sự xỉ nhục này, nhưng họ sợ đám đông, vì dân chúng đang say mê lắng nghe giáo thuyết của Ngài : một vị giảng sư có uy quyền trong lời nói và việc làm chứ không như các kinh sư của họ. Họ không bắt được Chúa Giêsu vì có lẽ chưa đến giờ của Ngài. Thế là họ đành bỏ Ngài mà đi. Họ bỏ đi để chờ dịp thuận tiện.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu lên án nhiều người Do Thái xưa và nhiều người thời nay luôn cứng lòng tin, luôn tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, và lôi kéo người khác làm theo, nhưng Thiên Chúa thì vẫn luôn yêu thương và nhẫn nại với họ. Thiên Chúa còn khẳng định rằng họ vẫn luôn cần đến Ngài qua con người và sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu xác nhận điều ấy bằng lời: “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”(Mc 12, 10-11). Dù con người có tin hay không, chấp nhận hay chối bỏ, thì sự thật vẫn là Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, và nhờ Ngài mà hết thảy những ai tin vào Kinh Thánh và sống như thế, sẽ được sống lại và sống đời đời.
Từ dụ ngôn ấy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khuôn mặt của mình ẩn núp đâu đó trong hình ảnh những tá điền sát nhân. Đó là khi chúng ta nghi ngờ sự hiện hữu hoặc tình yêu của Thiên Chúa. Đó là khi chúng ta chạy theo tiền bạc, của cải, những vui thú trần thế mà bỏ lơ lời mời gọi sống theo giới luật mến Chúa yêu người. Đó là khi chúng ta rơi vào não trạng duy lý, duy khoa học và duy thế tục, mà thực hành lối sống như thể đã chối bỏ đức tin của mình.
Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn ở đó, bên cạnh chúng ta, và luôn kiên nhẫn, chờ đợi chúng ta quay về. Ngài mãi yêu thương, tỏ mình cho chúng ta qua Hội Thánh hữu hình của Ngài, và qua chính những người sống quanh ta. Chúng ta được mời gọi để điều chỉnh lại lối sống của mình, cũng là để tái khám phá khuôn mặt nhân từ của Ngài vốn hằng hiện diện trong cuộc đời ta. Ngài muốn ta sống gắn bó với Ngài ngay giữa những thực tại trần thế này.
Qua và với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ các thủ lãnh tôn giáo Do thái đã khai thác vườn nho, đó là Dân Chúa, nhưng họ đã dùng hoa quả thiêng liêng để trục lợi vật chất. Mỗi lần Chúa gửi các sứ giả tới, để kéo dân chúng quy về với ơn gọi chân chính của mình, thì họ đã giết các sứ giả đó và giết luôn Con Một Thiên Chúa. Họ phải chuốc lấy thảm bại và hình phạt. Con Thiên Chúa sẽ trở nên viên đá góc một ngôi nhà mới là Hội Thánh. Dân Thiên Chúa, vườn nho của Chúa, sẽ được giao cho các thủ lãnh khác trong thời Tân ước. Cũng vậy, Thiên Chúa tôn trọng và tín nhiệm mỗi người chúng ta khi trao cho mỗi người trách nhiệm phù hợp với khả năng của mình: bậc sống, địa vị, tài năng, phương tiện sống…