Aenean nec eros. Vestibulum ante ipsum primis in faucibus orci luctus et ultrices posuere cubilia curae. Suspendisse sollicitudin velit sed leo.

Chuyên mục
  • Bài giảng
  • Các loại khác
  • Chia sẻ
  • Chưa phân loại
  • GH Hoàn Vũ
  • GH Việt Nam
  • Giáo dục
  • Hạnh các Thánh
  • HĐGM Việt Nam
  • Kinh Thánh
  • Phim giáo dục
  • Phụng vụ
  • Sách
  • Suy niệm Chúa nhật
  • Suy niệm hàng ngày
  • Tài liệu giáo dục
  • Tài liệu phụng vụ
  • Thần học
  • Thánh ca
  • Thánh lễ
  • Thánh lễ trực tuyến
  • Thư chung
  • Thư viện
  • Tin tức
  • Triết học
  • Tư liệu
  • UBGD Công giáo
  • Video
From Gallery
Stay Connected
UyBanGiaoDucHDGM.net
  • Trang chủ
  • Thư chung
    • HĐGM Việt Nam
    • UBGD Công giáo
  • Tin tức
    • GH Việt Nam
    • GH Hoàn Vũ
  • Phụng vụ
    • Thánh lễ
    • Thánh lễ trực tuyến
    • Suy niệm hàng ngày
    • Suy niệm Chúa nhật
    • Tài liệu phụng vụ
  • Giáo dục
    • Chia sẻ
    • Tài liệu giáo dục
  • Thư viện
    • Sách
      • Kinh Thánh
      • Triết học
      • Thần học
      • Các loại khác
    • Video
      • Bài giảng
      • Thánh ca
      • Phim giáo dục
      • Hạnh các Thánh
      • Tư liệu
  • Liên hệ

Danh mục: HĐGM Việt Nam

Home / Thư chung / HĐGM Việt Nam
07Tháng Mười
2022

Biên bản Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam

07/10/2022
Anmai, CSsR
GH Việt Nam, HĐGM Việt Nam, Thư chung, Tin tức
0

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

ĐẠI HỘI LẦN THỨ XV

 

BIÊN BẢN

 

Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XV từ thứ Hai, ngày 03/10/2022 đến thứ Sáu, ngày 07/10/2022 tại Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, với sự hiện diện đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.

Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục vui mừng chuyển lời thăm hỏi và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô tới cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, giải thích về Tông hiến “Praedicate Evangelium” (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam.

Hội đồng Giám mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Tổng giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tới thăm và trao đổi kinh nghiệm mục vụ.

Trong dịp Đại hội lần này, Hội đồng Giám mục:

  1. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đoàn dân Chúa về định hướng mục vụ ba năm (2023-2025);
  2. Phê chuẩn bản dịch toàn bộ Kinh Thánh Tân ước của Ủy ban Kinh Thánh;

III. Chấp thuận cho thử nghiệm đề án Thư viện điện tử của Ủy ban Văn hóa và thông tin giáo sĩ của dự án số hóa dữ liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam;

  1. Tiếp tục trao đổi về Tiến trình phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu;
  2. Lắng nghe Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trình bày về Hội nghị thường niên của các Đại chủng viện;
  3. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hộiđồng Giámmục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2025.

Ban Thường vụ gồm có:

Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng

Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng thư ký: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Phó Tổng thư ký: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn

Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm có:

1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin

Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân

2/ Ủy ban Kinh Thánh

Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản

3/ Ủy ban Phụng tự

Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn

4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh

Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

5/ Ủy ban Thánh nhạc

Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị

6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng

Chủ tịch: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến

7/  Ủy ban Giáo sĩ  –  Chủng sinh

Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang

8/ Ủy ban Tu sĩ

Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

9/ Ủy ban Giáo dân

Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản

10/ Ủy ban Truyền thông xã hội

Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước

11/ Ủy ban Giáo dục Công giáo

Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai

12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ – Thiếu nhi

Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên

13/ Ủy ban Văn hóa

Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân

14/ Ủy ban Công lý – Hòa bình

Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường

15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình

Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

16/ Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas

Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu

17/ Ủy ban Mục vụ Di dân

Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

18/ Văn phòng Mục vụ Đối thoại Đại kết và Liên tôn: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri

19/ Hội Thừa sai Việt Nam: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long.

Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2023 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vinh, từ ngày 17 đến 21/4/2023.

Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Hà Nội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi và khánh thành Tòa Tổng giám mục vào sáng thứ Sáu, ngày 07/10/2022.

Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 07/10/2022

Tổng thư ký
Hội đồng Giám mục Việt Nam

(đã ấn ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho

Read More
07Tháng Mười
2022

Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành

07/10/2022
Anmai, CSsR
HĐGM Việt Nam, Thư chung
0

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa

VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Anh chị em thân mến,

1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.

2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo hội Công giáo.

3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.

4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:

– Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;

– Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

– Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.

5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:

a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.

b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.

c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.

Anh chị em thân mến,

6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.

7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.

8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.

Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.

Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội
Ngày 07 tháng 10 năm 2022

(đã ấn ký)

+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

(đã ký)

+ Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký

Read More
29Tháng Tư
2022

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Biên bản Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022

29/04/2022
Anmai, CSsR
HĐGM Việt Nam, Thư chung
0

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022

(25-29/4/2022)


BIÊN BẢN

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tiến hành Hội nghị thường niên kỳ 1 năm 2022 tại Tòa Giám mục Thái Bình, từ chiều thứ Hai ngày 25/4/2022 đến thứ Sáu ngày 29/4/2022, với sự tham dự đông đủ các thành viên của Hội Đồng Giám Mục, trừ Đức cha giáo phận Nha Trang vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Trong niềm hân hoan, Hội Đồng Giám Mục chào đón phái đoàn Tòa Thánh gồm có: Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski, Thứ trưởng ngoại giao; Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, viên chức Bộ Ngoại giao; linh mục Han Hyuntaek, viên chức Bộ Loan báo Tin Mừng. Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, cùng hiện diện với phái đoàn Tòa thánh trong dịp này.

Hội Đồng Giám Mục vui mừng lắng nghe những chia sẻ của phái đoàn Tòa Thánh về chuyến viếng thăm và làm việc với Nhà nước Việt Nam, về những đóng góp rất tích cực của mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam trong các hoạt động từ thiện bác ái, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đó là những chứng từ sống động của Tin Mừng.

Trong buổi gặp gỡ này, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski trình bày những suy tư và phương thế thực hành Thông điệp “Fratelli Tutti” (Tất Cả Anh Em) và Tự sắc “Vos estis lux mundi” (Các Con Là Ánh Sáng Thế Gian) của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hội Đồng Giám Mục chúc mừng Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh; Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục chính tòa giáo phận Hải Phòng.

Trong Hội nghị lần này, Hội Đồng Giám Mục:

  1. Thảo luận chương trình và nội dung cho Đại hội của Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15 sắp tới;
  2. Chia sẻ về tiến trình và góp ý cho Bản tường trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận và quốc gia: “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”;
  3. Phê chuẩn bản dịch bốn sách Phúc Âm của ủy ban Kinh thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; bản dịch Sách Lễ Rôma bằng tiếng J’rai của giáo phận Kontum;
  4. Tiếp tục thảo luận về tiến trình phong chân phước và phong thánh cho hai Tôi tớ Chúa là Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte;
  5. Trao cho ủy ban Giáo lý Đức tin soạn thảo “Thông cáo” về “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”;
  6. Trao đổi về:

– Đại hội Quốc tế Giáo lý viên lần thứ 3 tại Rôma, từ 9-10/9/2022;

– Việc tham dự Đại hội Gia đình Thế giới tại Rôma vào tháng 6 năm 2022;

– Việc tổ chức kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Loan báo Tin Mừng;

– Nghi thức tiếp nhận Thừa tác viên giáo lý;

– Đề án số hóa dữ liệu;

– “Quỹ giúp Đất thánh” và “Đồng Tiền Thánh Phêrô”.

Hội Đồng Giám Mục ấn định Đại hội lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, từ ngày 10/10/2022 đến 14/10/2022.

Hội Đồng Giám Mục kết thúc trong niềm vui cùng với Giáo phận Thái Bình cử hành Thánh lễ Tạ ơn, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận (1936 – 2021).

Tòa Giám mục Thái Bình, ngày 29/4/2022

Tổng thư ký
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

(đã ấn ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho

Read More
04Tháng Tư
2022

GIÁO HỘI QUAN NIỆM VỀ TÔN GIÁO

04/04/2022
Anmai, CSsR
HĐGM Việt Nam, Thư chung
0
GIÁO HỘI QUAN NIỆM VỀ TÔN GIÁO
Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần III, sẽ nói về Giáo Hội quan niệm về tôn giáo trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes), Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate).
Vấn nạn đời người
Trước hết, con người chúng ta có nhiều câu hỏi về thân phận của mình và muốn biết câu trả lời: “Con người là gì? Đời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Đâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống của chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?” (NK số 1). Từ những vấn nạn đó đưa dẫn con người đến niềm tin tôn giáo.
Ý nghĩa Tôn giáo
Chúng ta tìm hiểu sơ lược về từ ngữ “tôn giáo”. Tùy theo quan điểm của mỗi người mà từ ngữ “tôn giáo” gợi lên những ý tưởng khác nhau. Một số xem tôn giáo là niềm tin vào Thiên Chúa, việc cầu nguyện hoặc tham gia vào một nghi thức. Những người khác thì hiểu tôn giáo như là một việc suy gẫm về một chủ đề thần linh; vẫn còn những người khác tin rằng tôn giáo đề cập đến một thái độ cảm xúc và mang tính cá nhân đối với một điều gì đó, vượt trên con người, ở bên ngoài thế giới này; và có những người chỉ đơn giản đồng nhất tôn giáo với các việc đạo đức.
Dĩ nhiên, trong xã hội hiện nay, con người chúng ta phần đông thừa nhận quyền bính hoặc nguyên lý cao hơn mà định mệnh của con người phụ thuộc vào đó. Đối với quyền bính đó, con người vâng phục và tôn trọng. Từ niềm tin này phát xuất thái độ ngưỡng mộ, tôn thờ và lòng đạo đức, phù hợp với mô hình xã hội và có thể tạo thành quy tắc của cuộc sống: tôn giáo (x. Tự điển Thần học căn bản).
Qua các ý tưởng trên, chúng ta thuộc Kitô giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta có một đời sống liên kết mật thiết với Ngài qua các việc thờ phượng, tham dự các nghi lễ, các việc đạo đức bình dân khác.
Giáo Hội và Tôn giáo
Giáo Hội Công Giáo là một tôn giáo, luôn tin tưởng rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người, chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thích được ý nghĩa tối hậu, những vấn nạn của đời sống con người: “Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề trên. Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Chúa Kitô, Đấng đã hóa thân làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn” (GS số 41).
Nhưng ngược lại, ngày nay, chúng ta thấy nhan nhản những phong trào, đoàn hội, những mê tín lan tràn. Điều đó dẫn đến một số người đã từ chối tôn giáo, từ chối tin tưởng vào Thiên Chúa, tin tưởng vào khoa học nhiều hơn, đánh mất nguồn gốc tôn giáo, đánh mất khái niệm và những thực hành tôn giáo, tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo: “Tại nhiều nơi, quan niệm nầy không những được diễn tả trong các trường phái triết học, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương, nghệ thuật, các giải thích của các khoa học nhân văn và sử học, cũng như ảnh hưởng tới dân luật khiến cho nhiều người hoang mang” (GS số 7). Thật sự gây hoang mang cho nhiều người, nhưng với niềm tin vững mạnh, là những Kitô hữu, chúng ta cần có một ý thức sống động hiện hành hơn về Thiên Chúa chúng ta, chúng ta chấp nhận có tôn giáo.
Tôn giáo không đối lập với phát triển kinh tế, xã hội
Nhiều người nghĩ rằng tôn giáo sẽ ngăn cản bước tiến kinh tế và xã hội. Tin Thiên Chúa, tuân giữ các giới răn sẽ ảnh hưởng đến phẩm giá con người, kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong thời đại mà khoa học tự cho là đang phát triển về nhiều lãnh vực khác nhau: y tế, kinh tế, xã hội nhân văn,… Họ cho rằng mục đích của đời người là tại thế giới vật chất hiện tại này, con người tự quyết định vận mệnh của mình, sống hay chết là do mình, không có thế giới ngày sau. Lập trường này khó chấp nhận việc lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội cho rằng: “Nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa… Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng hy vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này… Trong khi đó, mỗi người vẫn còn là một câu hỏi chưa giải đáp cho chính mình, một câu hỏi chỉ thấy lờ mờ… Chỉ một mình Thiên Chúa là Ðấng kêu gọi con người suy nghĩ sâu xa hơn và tìm hiểu khiêm tốn hơn mới đem lại được câu giải đáp hoàn toàn và hết sức chắc chắn” (GS số 20).
Đức tin và khoa học hòa hợp
Chúng ta có nên xem xét khoa học như là một hệ thống khép kín, và giả định rằng tất cả thực tại là trong tầm tay của nó hay không? Chưa phải là một hệ thống độc lập và sử dụng phương pháp hoàn toàn hợp lý, khoa học chính nó cũng dựa trên những giả thuyết. Con người của chúng ta có thể dùng tâm trí, dùng phương pháp khoa học để tìm hiểu về trật tự của thế giới vật lý, nhưng con người phải dừng lại trước những kỳ quang của vũ trụ. Đứng trước những kỳ quang nầy, con người phải công nhận có một Đấng sáng tạo và điều khiển những kỳ quang đó: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra” (GS số 36).
Đối thoại và cộng tác với các tôn giáo khác
Mỗi một tôn giáo có những nét đặc trưng khác nhau, dạy điều lành điều tốt, tránh điều dữ. Giáo Hội luôn tôn trọng những ý niệm và ngôn ngữ tinh tế của các tôn giáo khác: “Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng ta của đức tin và đời sống Kitô giáo” (NK số 2). Cộng tác và đối thoại với nhau để mang lại hạnh phúc cho con người, cho tất cả mọi người chớ không riêng gì một số người được ưu đãi.
Giáo Hội Công Giáo có cái nhìn tốt về tôn giáo. Tôn giáo dẫn con người đến sự hoàn thiện. Giáo Hội luôn tránh những mê tín dị đoan, tôn trọng những chiều kích hợp với lý trí, với nhận thức, tập quán của các tôn giáo khác nhau. Chúng ta hợp lực để mang đến sự giải thoát khỏi đau khổ và bất hạnh, chỉ ước mong hạnh phúc đời nầy và đời sau.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Gp. Vĩnh Long
Read More

Điều hướng bài viết

  • Page 1
  • Page 2
  • …
  • Page 7
  • Next page
Bài viết mới nhất
Luật tình yêu
01/02/2023
Chúa nhật VI thường niên A
01/02/2023
Tiệc vui
01/02/2023
Video nổi bật
https://www.youtube.com/watch?v=Td144YDsaGo
Sự kiện sắp tới

There are no upcoming events at this time.

Ủy ban Giáo dục Công giáo – Trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Liên hệ

72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM Get Directions

Phone: +84 931 436 131

Email: [email protected]

Ban chuyên môn
  • Ban Tài liệu và Truyền thông
  • Ban Giáo chức
  • Ban Kỹ năng và Giá trị sống
  • Ban Khuyến học
  • Ban Học viện Thần học
  • Ban Hội Học sinh – Sinh viên
Chuyên mục
  • Tin tức
  • Thư chung
  • Giáo dục
  • Phụng vụ
  • Thư viện
© 2020 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo - HĐGM Việt Nam | Design by JT