2024
VUA TÌNH YÊU – VUA SỰ THẬT
VUA TÌNH YÊU – VUA SỰ THẬT
Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, tiếp nối qua hành trình rao giảng Tin mừng rồi cuộc Tử nạn, Phục sinh và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.
Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Đây là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Sau diễn từ cuối cùng quan trọng trước công chúng trong đó Đức Giêsu loan báo rằng, giữa “thời tai họa”, Người sẽ đến quy tụ toàn thể loài người để hưởng “một mùa hè tươi đẹp” Đức Giêsu đề cập đến cái chết của người và Người bước vào cuộc thương khó: Đó là phần kết và là đỉnh cao của “Tin Mừng” theo Thánh Máccô, mà chúng ta đã đọc suốt năm nay.
Chúa nhật cuối cùng này, chúng ta thay đổi thánh sử. Đây là một trang Tin Mừng của Thánh Gioan, nhưng đúng ra chúng ta vẫn ở trong cùng một mạch văn cũ, là trong cùng một kết luận. Thánh Gioan chỉ đưa ra tước hiệu là Vua trong cuộc thương khó, vừa đau khổ vừa vinh quang. Bỗng nhiên, liên tiếp ông nói về “Vua”, “Vương quyền” (Ga 18,33.36.37.39; 19,3.12.14.15.19.21) nhưng đó là một ông Vua bị đóng đinh mà vương miện của Người là những gai nhọn. Vậy thì rõ ràng là “Vương quyền” của Đức Giêsu ở trên một bình diện hoàn toàn khác với bình diện chính trị.
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ. Ngài đã được Chúa Cha ban cho mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18). Nhưng Ngài đã sống như một người tôi tớ phục vụ. Trong cuộc sống trần thế, Ngài vẫn luôn ý thức về vai trò quan trọng của mình trong việc cứu độ nhân loại. Ngài biết mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng cả cuộc đời Ngài là một sự phục vụ không ngừng. “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân…
Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn” (Lc 22,25-27). Chúa Giêsu tự nhận mình là người phục vụ như một kẻ hầu bàn, chỉ mong cho thực khách được ngon miệng. Kiểu làm vua của Chúa Giêsu là phục vụ, chứ không phải là được người ta phục vụ. Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để làm cử chỉ hầu hạ của người nô lệ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Với Chúa Giêsu, cử chỉ đó là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính đích thực. Qua cung cách của Ngài, Chúa Giêsu đưa ra định nghĩa đúng đắn về quyền bính. Quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ và phục vụ cho đến hy sinh mạng sống.
Cử chỉ phục vụ cao cả nhất và khiêm hạ nhất của Chúa Giêsu là cái chết của Ngài trên thập giá. Cần chiêm ngưỡng vị vua bị đóng đinh thật lâu để hiểu được cách làm vua của Ngài. Trên đầu Ngài có gắn tấm bảng ghi dòng chữ: “Giêsu Nagiaret Vua dân Do Thái”, được viết bằng ba thứ tiếng: Do Thái, La Tinh, Hy Lạp, để ai cũng đọc được. Một vị vua lạ lùng! Không ngai vàng, chỉ có thập giá. Không vương miện, chỉ có vòng gai. Không cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không quan quân đứng hầu, chỉ có người qua kẻ lại nhiếc móc, chế nhiễu, lăng mạ. Một vị vua không có chút quyền lực, cũng chẳng áp bức ai.
Một vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ tất cả. Thập Giá vừa đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm, vừa nâng Người lên cao. Chúa Giêsu trở thành vua vũ trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con đường tử bỏ mình để khiêm tốn phục vụ, con đường hẹp nhưng không phải là con đường cùng, mà là con đường dẫn đến vinh quang. “Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,3). Vua Giêsu hôm nay vẫn tiếp tục thu hút cả vũ trụ nhân loại với Ngài. Nước của Ngài đã được khai mạc và nước ấy vẫn lan rộng không ngừng nhờ có những người dám “đứng về phía sự thật” và “nghe được tiếng Ngài mời gọi” (Ga 18,37).
Nước của Vua Giêsu không có trên bản đồ, bởi lẽ Nước ấy “ở trong thế gian này” nhưng “không thuộc về thế gian này”. “Ở trong thế gian”, nghĩa là không xa cách, nhưng hòa quyện với thế gian như men trong bột, như muối ướp thức ăn. Nhưng “không thuộc về thế gian này”, nghĩa là không chạy theo những thần tượng của thế gian: quyền lực, tiền của, khoái lạc… Thế gian sa đọa là thế gian chống lại Nước Chúa và cũng chống lại quyền lực của con người. Thế nên, xây dựng Nước Chúa cũng là xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng con người. Chúng ta cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến”, được mọi người nhận biết. Nhưng Nước Cha chỉ thành tựu khi Chúa Giêsu Kitô được mọi người tuyên xưng là Chúa, là Đấng Cứu Độ là Vua cả hoàn vũ. Nước Cha và Nước Chúa Kitô là một. “Vào lúc tận thế, Chúa Kitô sẽ trao lại Nước cho Chúa Cha, sau khi Ngài đã hủy diệt và khuất phục quyền lực sự dữ, để cuối cùng, Thiên Chúa làm mọi sự cho mọi người” (x.1Cr 15,24-28).
Hôm nay, Giáo hội kêu mời chúng ta tôn vinh và nhìn nhận Chúa là Vua, Vua cá nhân, gia đình và xã hội. Giáo hội chọn ngày Chúa nhật sau hết của năm Phụng vụ, để tôn vinh Chúa, như chóp đỉnh của vũ trụ. Trong cả năm, chúng ta mừng các mầu nhiệm về Chúa, mừng sự toàn thắng của các thánh. Nhưng khi chúng ta ca ngợi sự toàn thắng của các Thánh là chúng ta ca ngợi sự toàn thắng của Chúa nơi các Thánh. Nên để kết thúc năm Phụng vụ, Giáo hội mời chúng ta hướng về Chúa Giêsu là trung tâm của vũ trụ, là Đấng Thánh, Đấng qui tụ vạn vật để trao lại cho Đức Chúa Cha: “Mọi sự đã nhờ Ngài mà có và không Ngài thì không gì đã thành sự” (Ga 1,3). Ngài là Vua vũ trụ.
Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã xác định: “Ta là Vua”. Ngài là Vua vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật. Ngài là Vua vì đã chiến thắng tội lỗi và ma quỉ, nhờ sự chết và sự sống lại vinh quang. Nhưng Ngài tuyên bố rõ ràng: Nước Ngài không phải ở trần gian này. Vương quyền của Ngài không dựa trên vũ khí thế lực. Vương quyền của Ngài dựa trên tình yêu. Bao nhiêu vua chúa, bao nhiêu triều đại vang bóng một thời, rồi đi vào quên lãng và điêu tàn sụp đổ. Còn Ngài, Ngài vẫn chiến thắng, vẫn hiển trị trên các tâm hồn. Không ai đòi hỏi như Ngài dám đòi hỏi, nhưng cũng không ai được yêu mến như Ngài được yêu mến. Chúa là Vua các Thánh Đồng Trinh, là Vua các Thánh Tử Đạo, là Vua mọi tâm hồn.
Đấng là Vua vinh hiển ấy, tiên tri Danien đã nhìn thấy “như Con Người đến trong đám mây trời… quyền năng vĩnh cửu” (Dan 7,13), và Gioan, cụ già trên đảo Patmos đã được thị kiến: “Đấng là Alpha và Ômêga là nguyên thủy, là cùng tận, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Đấng là Thiên Chúa” (Kh 1,8). “Ngài làm cho chúng ta thành một vương quốc tư tế, để phụng sự Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa và Cha của Ngài”.
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi
Vậy thì vương quyền của Chúa Kitô Vua hệ tại điều gì? Đó là quy tụ lại để cùng lắng nghe “một giọng nói” tất cả những ai thuộc về sự thật”. Người “trị vì” nhờ Đức tin mà chúng ta dâng cho Người, nhờ thái độ tín thác mà chúng ta đặt vào Lời của Người, nhờ nếp sống hằng ngày của chúng ta luôn phù hợp với “Tiếng nói của Người. Không ai có thể thoát khỏi “Vương quyền” này.
Là con người, chúng phải chọn lựa thái độ theo hay chống lại “Sự thật”. Làm vinh danh Chúa Kitô Vua, không phải là đốt hương trầm cho Người, không phải là tổ chức những lễ long trọng mừng Người, giống như những danh vọng hư ảo của các Vua Chúa trần gian. Nhưng chính là lắng nghe tiếng nói của Người, và làm sao cho cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và xã hội hoàn toàn phù hợp với “Tiếng nói đó”
2024
Khát Vọng Tìm Kiếm Thiên Chúa
Khát Vọng Tìm Kiếm Thiên Chúa
Trong câu chuyện, ông Da-kêu là một người giàu có nhưng lại cảm thấy thiếu thốn về mặt tâm linh. Khát vọng tìm kiếm Đức Giê-su trong tâm hồn ông đã thúc đẩy ông vượt qua rào cản về chiều cao và đám đông để có thể thấy Ngài. Điều này nhấn mạnh rằng dù chúng ta có địa vị xã hội nào, khát vọng chân chính để tìm kiếm Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Ngài.
Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta cùng nhau suy ngẫm về một câu chuyện rất đặc biệt trong Tin Mừng thánh Lu-ca, câu chuyện về ông Da-kêu. Đây không chỉ là một câu chuyện về sự cứu rỗi mà còn là một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa đầy ý nghĩa. Ông Da-kêu, một người giàu có nhưng lại thiếu thốn về mặt tâm linh, đã thể hiện khát vọng mãnh liệt để gặp gỡ Đức Giê-su. Sự khao khát này không chỉ là mong muốn nhìn thấy Ngài, mà còn là ước mơ tìm kiếm sự cứu rỗi và ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Khi ông Da-kêu quyết định leo lên cây sung, đó không chỉ là một hành động thể lý, mà còn là biểu tượng cho lòng khao khát mãnh liệt trong tâm hồn ông. Dù ông là một người có địa vị xã hội, một người giàu có, nhưng bên trong, ông vẫn cảm thấy thiếu thốn và không hài lòng. Sự giàu có vật chất không thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn của ông. Chính khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa đã thúc đẩy ông vượt qua những rào cản, cả về thể xác lẫn tâm lý.
Hành động của ông cho thấy rằng khi chúng ta thực sự khao khát điều gì đó, chúng ta sẽ không để bất kỳ rào cản nào ngăn cản. Ông đã vượt qua sự ngại ngùng của bản thân và sự phán xét của người khác. Ông không để cho sự thấp bé của mình hay sự đông đúc của đám đông khiến mình nản lòng. Thay vào đó, ông đã tìm ra cách để nhìn thấy Đức Giê-su, Đấng mà ông biết có thể mang đến cho ông sự thay đổi mà ông đang khao khát.
Hơn nữa, hình ảnh ông leo lên cây sung còn thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực cá nhân. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa không chỉ là một ý nghĩ hay một mong muốn đơn thuần; nó cần được thể hiện qua hành động. Chúng ta cần phải sẵn sàng vượt qua những khó khăn và thử thách, không chỉ trong cuộc sống mà còn trong hành trình tâm linh của mình. Đôi khi, điều này có thể yêu cầu chúng ta phải thoát ra khỏi vùng an toàn, từ bỏ những gì quen thuộc để tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cuối cùng, sự tìm kiếm của ông Da-kêu là một bài học cho mỗi người chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mà luôn sẵn sàng chào đón những ai khao khát tìm kiếm Ngài. Chính trong cuộc hành trình tìm kiếm này, chúng ta sẽ khám phá ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống, và điều này sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở nên trọn vẹn hơn.
Sự gọi mời từ Đức Giê-su dành cho ông Da-kêu không chỉ đơn thuần là một lời mời gọi mà còn thể hiện một sự chấp nhận đầy yêu thương. Khi Ngài gọi tên ông, điều đó không chỉ cho thấy Ngài biết rõ về ông, mà còn phản ánh sự quan tâm sâu sắc mà Thiên Chúa dành cho từng cá nhân. Đức Giê-su đã nhìn thấy tâm hồn khao khát tìm kiếm Ngài trong Da-kêu, một người mà xã hội đã gán cho cái mác “tội lỗi.” Điều này nhấn mạnh rằng không ai, bất kể địa vị xã hội hay quá khứ của họ, bị loại trừ khỏi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Khi Ngài nói: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông,” đó là một lời khẳng định về sự hiện diện và sự sẵn sàng của Thiên Chúa để đến gần với những ai đang tìm kiếm Ngài. Đây là một lời mời gọi không chỉ đơn thuần đến nhà ông, mà còn là mời gọi ông bước vào một mối quan hệ sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Đức Giê-su không chỉ đến để thăm viếng, mà còn để biến đổi đời sống của ông.
Chúng ta có thể thấy rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng xa lạ, mà là một người Cha yêu thương, luôn sẵn sàng chào đón và lắng nghe chúng ta. Ngài muốn chúng ta mở lòng, bày tỏ những khao khát, ước muốn của mình, và Ngài sẽ đáp ứng những nhu cầu ấy. Điều này kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy can đảm để đến gần với Ngài, mặc dù có thể chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng.
Hơn nữa, lời mời gọi của Đức Giê-su cũng cho thấy rằng Ngài không chỉ đến với những người hoàn hảo hay những người được xã hội tôn vinh. Ngài đến với những người đau khổ, những người lầm lạc và những ai đang tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng sự cứu rỗi không chỉ dành riêng cho một nhóm người nào đó mà là dành cho tất cả mọi người.
Khi chúng ta nhìn nhận lời gọi của Đức Giê-su trong cuộc sống của mình, hãy nhớ rằng Ngài luôn muốn chúng ta bước ra khỏi cái “tôi” của mình, bỏ lại những rào cản, để có thể mở lòng tiếp đón Ngài. Ngài chờ đợi chúng ta bước đến với Ngài, giống như Da-kêu, với một tâm hồn khao khát. Khi chúng ta dám bày tỏ khát vọng và nhu cầu của mình, chúng ta sẽ trải nghiệm được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa trong đời sống của mình.
Khi ông Da-kêu xuống cây và mừng rỡ đón tiếp Đức Giê-su vào nhà, đó chính là biểu hiện của sự biến đổi. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đã làm thay đổi cuộc đời ông. Sau khi được Chúa chấp nhận, ông đã tự nguyện chia sẻ tài sản của mình với người nghèo và đền bù cho những người mà ông đã lừa gạt. Đây chính là dấu hiệu cho thấy sự cứu rỗi không chỉ là sự tha thứ mà còn là một cuộc sống mới, một sự biến đổi toàn diện từ nội tâm. Khi chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa với khát vọng chân thành, Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi chúng ta quá bận rộn với công việc, với những lo toan thường nhật mà quên đi khát vọng tâm linh trong chính mình. Chúng ta có thể tự hỏi: “Mình đang tìm kiếm điều gì trong cuộc sống này? Mình có đang cảm thấy thiếu thốn về mặt tâm linh không?” Hãy dành thời gian để lắng nghe nhu cầu của chính mình và dám bày tỏ những khát vọng đó với Thiên Chúa.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng trong cộng đồng có rất nhiều người đang cần sự chấp nhận và yêu thương. Hãy mở lòng đón nhận những người xung quanh, đặc biệt là những người bị xã hội xa lánh. Có thể đó là những người nghèo khó, những người bị hiểu lầm, hay những người đang sống trong nỗi cô đơn. Hãy tìm cách giúp đỡ họ, tạo cơ hội để họ có thể bày tỏ khát vọng của mình và cùng nhau trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng sự tìm kiếm Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện mà còn phải dẫn đến hành động cụ thể. Khi chúng ta tìm thấy sự chữa lành từ Chúa, hãy chia sẻ điều đó với những người khác. Chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng, hỗ trợ những người đang cần giúp đỡ. Điều này không chỉ thể hiện tình yêu thương mà còn là cách để sống thực tế với khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống.
Kính thưa cộng đoàn, câu chuyện về ông Da-kêu là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng chờ đón chúng ta. Khát vọng tìm kiếm Ngài trong tâm hồn sẽ dẫn dắt chúng ta đến với sự cứu rỗi và biến đổi. Hãy để những khát vọng đó trở thành động lực thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn, yêu thương hơn và phục vụ cộng đồng nhiều hơn. Amen.
2024
Cần có một tấm lòng
10.11 Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
1 V 17:10-16; Tv 146:7,8-9,9-10; Dt 9:24-28; Mc 12:38-44; Mc 12:41-44
Cần có một tấm lòng
Trong ngôn ngữ “nhà Đạo”, câu nói “Đồng tiền của bà goá” đã trở thành thông dụng, ám chỉ những điều rất nhỏ mọn và đơn sơ nhưng được thực hiện với thiện ý và tấm lòng chân thành.
Lời Chúa hôm nay nói đến hai người phụ nữ goá bụa. Một người ở thành Sarepta thời ngôn sứ Elia, một người thời Chúa Giêsu. Mỗi người một cách, cả hai đều quảng đại và chân thành. Trong truyền thống Do Thái thời xưa, người phụ nữ goá bụa bị coi như đồ bị chúc dữ (x. Tb 3,7-9). Họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi trong đời sống hằng ngày và trong những sinh hoạt cộng đồng. Vậy mà Lời Chúa hôm nay lại muốn khẳng định với chúng ta: họ là những người đáng tôn trọng, bởi họ đã có những nghĩa cử đẹp. Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước đều diễn tả Thiên Chúa là Đấng yêu thương bênh vực những người goá bụa, cô nhi và kẻ cô thân cô thế. Ngài là chỗ dựa cho họ. Các ngôn sứ và các tác giả Thánh vịnh còn khẳng định rõ: ai đối xử bất công với những người thiệt thòi này sẽ bị Thiên Chúa báo oán.
Người phụ nữ thời ngôn sứ Elia, nghèo đến mức chỉ còn một chút bột và chút dầu trong bình, nhưng cũng sẵn sàng làm cho vị ngôn sứ tấm bánh. Tấm bánh mà bà tặng cho vị ngôn sứ là tất cả những gì bà có, là niềm hy vọng cuối cùng của hai mẹ con bà. Vậy mà bà hy sinh tất cả. Sự hy sinh của bà đã được ghi nhận và thưởng công ngay lập tức. Từ đó, hũ bột của bà không vơi và bình dầu của bà không cạn cho đến khi mưa xuống trên xứ sở. Đó chính là sự thưởng công “nhãn tiền” mà bà được hưởng, do lòng rộng rãi của bà đối vị ngôn sứ.
Người phụ nữ thứ hai được nhắc đến trong Tin Mừng cũng là người đàn bà goá nghèo. Bà công đức vào Đền thờ chỉ vẻn vẹn hai đồng tiền kẽm, là số tiền rất nhỏ so với giá trị tài chính đương thời, nhưng Chúa Giêsu khẳng định: bà đã dâng cúng tất cả mình có với lòng quảng đại và như thế có nghĩa bà bỏ nhiều hơn những người giàu có. Tác giả Tin Mừng cũng nhắc đến sự tương phản trong thái độ và y phục của những người cùng bước vào Đền thờ hôm ấy: trước hết là những kinh sư súng sính trong bộ áo thụng để phô trương và biểu diễn, rồi đến những người giàu có vênh vang khoe sự giàu sang. Bên cạnh họ, người đàn bà goá khiêm hạ, chỉ công đức được một chút tiền bạc. Tấm lòng của bà đã được ghi nhận, của cho không bằng cách cho. Khi nhắc lại cách công đức của bà góa nghèo, Chúa Giê-su khẳng định: cùng với tặng vật, người cho cần có một tấm lòng.
Đức Giêsu đã cho chúng ta hiểu sâu xa thế nào là dâng cúng ! Ngài thấy thực sự có rất nhiều người bỏ tiền, tuy nhiên họ bỏ tiền nhưng vẫn còn dư dật. Có nhiều người bỏ tiền nhưng muốn cho người khác thấy, cho người khác biết mình bỏ nhiều vv…Họ dâng cúng vì khoe khoang của cải, vì vênh vang, tự cao, tự đắc. Chúa muốn con người, chúng ta đừng bắt chước ngườu Pharisêu, bọn Biệt phái giả hình, kiêu ngạo, khoe khoang, khoác lác. Ngài nói rằng làm phước tay phải, đừng cho tay trái biết, Ngài dạy chúng ta bài học khiêm tốn,ý hướng ngay lành :” Còn ngươi khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được kín đáo. Và Cha của ngươi, Đấng thấu suốt những gì kín đáo,sẽ trả công cho ngươi “ ( Mt 6,3-4) hoặc “ Khi ăn chay hãy xức thuốc thơm trên đầu vv và vv…”. Chúa Giêsu nhắc nhở con người, nhắc nhớ chúng ta đừng ham danh, lợi dụng địa vị, chức quyền để trục lợi vật chất. Người ta cho người khác, cho Chúa của dư dật, còn bà góa nghèo cho Chúa của nuôi thân…
Chúa Giêsu mời gọi nhân loại, con người và chúng ta hãy biết chia sẻ, làm giầu tâm hồn, bản thân bằng chính sự cho đi sức khỏe, tài năng, tiền của đối với những người nghèo khổ, những người bất hạnh vì chính lòng quảng đại, sự chân thành chia sẻ của chúng ta sẽ làm cho những người khác được hạnh phúc. Vâng, người ta chỉ cho đi cái mình có.Cái cho đi không chỉ giá trị ở món quà đắt tiền, hay món quà có giá trị, mà cái giá trị nằm ở tấm lòng cao quý cho đi của chúng ta.
Điều sâu xa hơn Chúa muốn nơi chúng ta là dám sống phó thác, tin tưởng vào Chúa, dám đặt trọn đời sống ta trong tay Chúa. Dù Chúa ban cho chúng ta có của dư dật hoặc túng thiếu, một khi ta dám quảng đại với Thiên Chúa và với anh em, thì Thiên Chúa không quên việc chúng ta làm và Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Cần gạt bỏ khỏi mình lối sống hình thức, giả tạo với Chúa và phô trương với mọi người, mà không có sự chân thật bên trong. Cũng cần cảnh giác với các phong trào từ thiện như là dịp để đánh bóng tên tuổi của mình hay của nhóm mình mà thiếu đức bác ái thật sự. Vì bác ái Kitô giáo không chỉ là việc bố thí, cho đi những của dư thừa, cũng không phải là công tác từ thiện xã hội, mà là sự chia sẻ ngay cả những cái mình đang cần đang dùng. Việc dâng tặng cho Chúa và giúp đỡ anh em là vì nhận ra Chúa là chủ mọi loài và anh em là hình ảnh của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa, hãy để Lời Chúa hôm nay soi dọi cõi lòng mình, để lên án lối sống của mình.
Chắc chắn ai trong chúng ta đều có bóng dáng của người kinh sư. Chúng ta không ít lần sử dụng dáng vẻ bên ngoài lộng lẫy, đặc biệt dáng vẻ đạo đức thánh thiện, nhằm che lấp những xấu xa bên trong con người mình, hầu tìm hư danh và trục lợi từ người khác, cách riêng những người nghèo và những người thấp cổ bé họng.
Thói chạy theo hư danh, ham muốn của cải luôn bám sát con người. Con người luôn bị cám dỗ chạy theo và tìm kiếm những thứ đó. Tệ hại hơn là khi chúng ta dựa vào tôn giáo để trục lợi của cải và hư danh. Là những ki-tô hữu, những người con cái của Chúa, Chúa cấm chúng ta làm tôi hai chủ, Chúa muốn chúng ta ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính trước, hoặc như thánh Phao-lô mời gọi: hướng lòng lên những gì thuộc thượng giới (Cl 3,2), bởi vì “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì” (Mt 16,26).
Chúa Giê-su đến thế gian để cứu độ nhân loại. Ngài kêu gọi con người tội lỗi ăn năn sám hối để đón nhận Tin mừng, để mở lòng ra với Chúa, để đặt mình trong thái độ sẵn sàng đón nhận những phúc lành và ơn cứu độ của Chúa.
Chúng ta được mời gọi ra sức cộng tác với ơn Chúa để thanh luyện con người của mình, đặt mình trong chiều hướng quay về với Chúa, tẩy trừ thói chuộng hư danh và trục lợi của cải vật chất, đến với Chúa bằng tấm lòng thành, đóng góp cho nhà Chúa tùy theo khả năng, hầu mỗi ngày chúng ta thanh thản bước theo làm môn đệ Chúa, xứng danh là ki-tô hữu hơn, xứng danh là con cái Chúa hơn, xứng với tình yêu và lòng mong đợi của Chúa hơn.
2024
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
3.11 Chủ Nhật Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
Đnl 6:2-6; Tv 18:2-3,3-4,47-51; Dt 7:23-28; Mc 12:28-34
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Trang Tin Mừng mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ hôm nay là do thánh
Marcô chép. Marcô thì quen chép ngắn gọn, nên đôi khi không đủ ý. Muốn đầy đủ
hơn, chúng ta phải đọc thêm đoạn Tin Mừng của Thánh Mathêu, cũng chép về câu
chuyện này, nhưng đầy đủ hơn. Theo bản chép của thánh Matthêu, để trả lời cho
câu hỏi của một người luật sĩ xem điều luật nào trọng nhất, thì Chúa Giêsu sau khi
đưa ra luật mến Chúa, đã nói “Còn điều thứ hai cũng giống như điều trước” và
Chúa Giêsu đưa ra luật yêu người. Nghĩa là Đức Giêsu đã xếp luật Yêu thương
người nặng với luật mến Chúa. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã nâng luật yêu người
lên cao bằng luật mến Chúa.
Phía trên đã nói rằng mọi người, không phân biệt là có đạo hay không có
đạo, đều trân trọng tình cảm yêu thương. Tuy nhiên tình thương của người ta có
nhiều cấp bực khác nhau: thương một người bạn thì không bằng thương anh em
ruột, thương anh em cũng không bằng thương cha mẹ, và thương ai cũng không thể
nào bằng thương người tình của mình. Đối với một người có đạo, thì họ nghĩ phải
thương yêu Chúa trên hết, kế đó mới là tình thương đối với những người khác. Còn
Chúa Giêsu thì dạy phải đặt tình thương người và tình thương Chúa ngang nhau.
Nghĩa là ta thương Chúa bao nhiêu thì cũng phải thương người bấy nhiêu. Nói cách
khác, ta phải coi người ta như Chúa vậy, và phải thương người ta như thương Chúa
vậy. Đó chính là điểm độc đáo thứ nhất của Tình Thương Công Giáo.
Mến Chúa và yêu người là nội dung căn bản của toàn bộ lời giảng dạy và
việc làm, toàn bộ cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu. Ngài đã mạc khải tình
thương của Thiên Chúa được thể hiện qua việc sai Con Một của Ngài nhập thể làm
người, sống giữa mọi người để làm nền tảng cho lòng mến Chúa và yêu người của
những người tin Chúa. Qua những dụ ngôn, như dụ ngôn “người Samari nhân
hậu”, dụ ngôn “cảnh phán xét cuối cùng” v.v… Chúa Giêsu đã đi tới chỗ nhập cả
hai giới mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất: mến Chúa thì yêu
người, yêu người thì mến Chúa. Một tình yêu người được diễn tả một cách cụ thể,
qua việc cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, cho người không có áo mặc, băng bó
vết thương tích cho người không quen biết… Tình yêu thương người đồng loại
được diễn tả qua những cử chỉ, việc làm dù là nhỏn mọn, theo giáo huấn của Chúa
Giêsu đều hơn cả những nghi lễ, những lễ vật người ta muốn dâng cho Thiên Chúa
để tỏ lòng yêu mến và tôn kính Ngài. Bởi vì Thiên Chuá đã chọn, đã muốn được
tôn vinh, được yêu mến nơi con người, và những con người bé mọn, nghèo hèn,
hẩm hiu… được tôn vinh và được yêu mến. Những cử chỉ của lòng thương người,
vẫn theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đã thay thế mọi nghi lễ, lễ vật người ta cử
hành và dâng cúng để tỏ lòng yêu mến Chúa.
Yêu Chúa không hệ tại tuân giữ một cách hình thức một số lề luật, tham dự
một số nghi lễ. Việc tuân giữ này không làm nên tình yêu đích thực, nếu không
phát xuất từ tâm tình thâm sâu bên trong.
Yêu người cũng không phải là “cho của dư thừa”, cũng không chỉ là “cho
cái mình có”, mà là trao thân hiến mạng cho kẻ khác, là chấp nhận bị tước đoạt, là
xác tín rằng nơi con người có cái gì đó của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu
thương, được Ngài cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu, xứng đáng được phục
vụ và yêu thương đến cùng.
Vì vậy, tình yêu Chúa phải là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu
người, yêu tha nhân. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như cội nguồn và phải quay
trở về Thiên Chúa như là cùng đích của nó. Hơn nữa, chỉ có tình yêu Chúa mới
nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài. Ngay trong tình yêu vợ chồng, nếu
không được nuôi dưỡng bằng tình yêu mến Chúa, một tình yêu quên mình, tha thứ,
hy sinh, phục vụ người mình yêu, thì tình yêu vợ chồng cũng sớm phai nhạt và có
nguy cơ tan rã… chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa bằng cách sống gắn
bó với Ngài, chúng ta mới có thể tôn thờ Thiên Chúa đích thực và thực sự yêu
thương tha nhân.
Giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ giúp chúng ta đi vào
trong ý định của Thiên Chúa và góp phần đổi mới cộng đồng nhân loại. Giới răn
mới cải thiện mối tương quan giữa người với người, từ các mối tương quan hạn
hẹp giữa hai cá nhân cho đến các mối tương quan rộng lớn giữa nước này với nước
khác, giữa dân này với dân kia. Bác ái phá đổ mọi hàng rào chủng tộc hay màu da,
vượt trên mọi phân biệt quốc gia hay tôn giáo, xoá bỏ mọi thành kiến hay những
hiềm khích quá khứ. Yêu người đồng loại đâu chỉ là yêu kẻ gần gũi hay thích hợp
với ta, nhưng còn là “bước tới”, là làm cho mình trở nên gần gũi với tha nhân, dù
người ấy có ở xa hay ở ngoài vòng thân bằng quyến thuộc của mình. Vì thế, người
Kitô hữu có thể yêu thương người mình không chọn. Bác ái thực sự vượt trên cảm
tình. Nó đòi hỏi phải có một sự trao ban không hoàn lại, ngay cả khi làm ơn mà
phải mắc oán, làm phúc và phải mang hoạ vào thân…
Cuối cùng, người Kitô hữu không yêu bằng lời nói, bằng môi mép, nhưng
bằng hành động cụ thể. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai có của cải đời này,
thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà đóng lòng dạ lại với anh em, thì làm sao
tình yêu Thiên Chúa lưu lại trong người ấy được?” (Ga 3, 17// Gc 14-17). Một tình
yêu chân thật bắt ta đem hết tài năng và của cải mà phục vụ người khác. Như Chúa
Giêsu đã thí mạng cho nhân loại, người Kitô hữu cũng phải là những người dấn
thân xây dựng công lý và hoà bình, để hết thảy, dù xa hay gần, đều đạt đến hạnh
phúc Nước Trời.
Đối với chúng ta, yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô,
như Thánh Gioan còn nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì
đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em. Nếu Thiên Chúa
yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương
nhau” (1Ga 3,16; 4,11).
“Đây là lệnh truyền chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô là: “Ai yêu mến
Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình” (1Ga 4, 20-21).
Nhìn ngắm Chúa Kitô trên thập giá và nhất là được hiệp thông với Ngài
trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cầu xin được thêm lòng yêu mến Cha trên trời
và yêu thương anh em đồng loại như Ngài đã yêu thương chúng ta.