2023
Nói và làm
5.11 Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
St 1:142; Tv 131:1,2,312; Mt 23:1-12
Nói và làm
Người ta thường hay nói, khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ lời nói đến việc làm. Đúng như thế, trong thực tế, những lời tuyên bố hoặc những đề nghị góp ý dạy bảo người khác thì vẩn dễ hơn khi chính mình thực hiện những điều đó, chẳng hạn khi tranh cử tổng thống hay những địa vị xã hội, thường các ứng viên cũng hay tuyên bố rất nhiều, nếu đắc cử tôi sẽ cải cách điều này, chấn chỉnh điều kia,.. thế nhưng khi đã đắc cử thường không mấy khi họ nhớ đến những lời hứa trước đây, hoặc những lời khuyên lời góp ý cho người khác thì dễ hơn khi mình thực hành, và chúng ta cũng thấy có những khoảng cách rất khác biệt giữa lời nói và việc làm của người này người khác, kể cả của linh mục và tu sĩ.
Lời Chúa hôm nay chủ yếu nhắm vào các tư tế bất trung, những nhà lãnh đạo tôn giáo bất xứng. Là sứ giả của Thiên Chúa, họ có trách nhiệm chuyển thông Lời Chúa và thánh ý của ngài một cách trọn vẹn. Đồng thời, họ phải cố gắng sống đúng điều mình rao giảng, làm gương mẫu cho người khác. Thiếu trách nhiệm trong giáo huấn hay trong cách sống, họ làm cho người khác lầm lạc, thay vì đi đúng đường; họ dẫn đưa người khác đến sự xấu, thay vì phải xa tránh tội lỗi. Và như thế, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa, và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Cũng trong chiều hướng đó, Chúa Giêsu đã cảnh giác dân chúng về cách sống của các luật sĩ và biệt phái, là những người chỉ nói mà không làm; đặt những gánh nặng lên vai người khác, còn họ thì không hề đụng tới; họ thích khoe khoang, hay làm nổi, cho người khác để ý; họ kiêu ngạo, muốn dùng tôn giáo để thống trị, áp bức người khác.
Đó là những tư tế biến chất ngày xưa. Ngày nay, trong Giáo Hội, có khi chúng ta gặp những mục tử cũng rơi vào những khuyết điểm như thế. Trong trường hợp đó, chúng ta phải có thái độ nào ?-
Trước hết, theo lời Chúa Giêsu, chúng ta đừng noi theo hành vi của họ, nhưng hãy làm và tuân giữ những điều họ giảng dạy. Bởi vì đó là Lời Chúa; đó là thánh ý Chúa. Thiên Chúa thì cao trọng hơn các thừa tác viên của ngài. Các thừa tác viên có thể không tốt, nhưng thánh ý Chúa thì luôn luôn tốt đẹp, cao quí. Khi công bố, rao giảng, thừa tác viên công bố, rao giảng Lời của Chúa. Khi dâng lễ, cầu nguyện, linh mục đều kết thúc: chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con.. Như thế, rõ ràng là, không phải nhân danh chính mình mà linh mục rao giảng, hay cầu nguyện. Giá trị của lời rao giảng, hay lời cầu nguyện vì thế không hoàn toàn tùy thuộc vào giá trị bản thân của linh mục. Do đó, hạnh kiểm không tốt của các vị ấy không phải là cái cớ để chúng ta từ chối giáo huấn của Chúa. Là những người được rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về sự đón nhận của chính chúng ta.
Đồng thời, cũng nên nhớ rằng, các vị ấy cũng là con người, cũng có những yếu đuối của thân phận con người như chúng ta. Bởi vì, đã là con người, thì không ai là hoàn toàn. Do đó cần phải thông cảm. Hơn nữa, đó là những ân nhân quí báu của chúng ta. Dù chưa hoàn hảo, nhưng Chúa đã dùng các vị ấy như những cộng tác viên cần thiết, như những dụng cụ không thể thiếu, để chuyển thông ơn thánh cho chúng ta, nhất là qua các bí tích. Cũng đừng quên rằng, các vị ấy đã dâng hiến trọn đời mình, đã từ bỏ gia đình, quê hương, xứ sở, đến sống và làm việc với chúng ta, có khi chết giữa chúng ta, để giúp đỡ, làm ơn cho chúng ta. Vì thế, lòng yêu mến, biết ơn đòi chúng ta phải nhiệt tình nâng đỡ các vị ấy, cả tinh thần lẫn vật chất, trong việc chu toàn sứ mạng được trao ban. Những ý kiến xây dựng, những lời động viên, khuyến khích, sự thông cảm, cộng tác tích cực… đôi khi còn cần hơn cả khí trời hô hấp. Bởi vì biết đâu vì sự thiếu nâng đỡ và lời cầu nguyện của chúng ta mà các vị ấy đã không sống đúng với sứ mạng được trao phó.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là, những lời cảnh giác trên đây cũng liên hệ đến mỗi người chúng ta. Là kitô hữu, nhưng thử hỏi có ai dám tự hào là đã luôn sống hoàn toàn theo lời Chúa dạy. Biết bao lần, chúng ta đã nói rất hay mà không làm. Biết bao nhiêu lần, lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Biết bao nhiêu lần chúng ta tỏ ra độc đoán, kiêu ngạo, cho mình luôn luôn có lý, luôn luôn nắm chắc chân lý, và bắt người khác phải theo quan điểm riêng tư của mình. Và chúng ta cũng thích làm nổi, cho người khác để ý qua qua cung cách xử thế, qua y phục, liên hệ, tiếp xúc.. của chúng ta.
Thực tế, những người này họ giữ luật không phải vì Chúa mà chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy những cái xấu xa bên trong, họ để ý đến chỗ nhất chỗ nhì ở nơi công cộng, nơi hội đường hơn là việc thờ phượng Thiên Chúa, họ tìm kiếm không phải là ý Chúa, mà là lời khen ngợi từ nơi người khác. Sâu xa hơn nữa, như lời tiên tri Malakhi, họ đã đi trệch đường và lôi kéo nhiều người đi theo họ, họ trở thành gương mù gương xấu cho biết bao nhiêu người trong đời sống đạo. Đáng lẽ những bậc thày trong dân họ sẽ phải là những người trước tiên tôn vinh danh Chúa qua đời sống của họ, trở thành gương sáng cho những người khác trong việc tuân giữ giới răn lệnh truyền của Chúa, nhưng rất tiếc họ đã không chu toàn việc bổn phận ấy nên họ đáng bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Chúng ta hãy nhìn lại chính mình. Hãy cố gắng điều chỉnh nếp sống của mình. Hãy giúp chính mình và anh em chung quanh, kể cả những vị lãnh đạo tinh thần của mình, luôn sống tốt hơn, đẹp hơn theo giáo huấn của Chúa bằng một đời sống huynh đệ, đơn sơ và phục vụ.
Lời Chúa hôm nay cũng là lời nhắc nhở cho những người có trách nhiệm trong cộng đoàn giáo xứ, cần phải trở thành những người đi đầu và làm gương sáng trong việc sống đức tin và thực hành những lời dạy của Chúa qua đời sống cá nhân và gia đình của họ, vì đời sống của những người này đang ảnh hưởng trên người khác.
Để có thể giới thiệu Chúa cho người xung quanh, thì người Công giáo chúng ta, trước khi giảng dạy, nói về Chúa cho họ thì hãy bắt đầu bằng những việc làm bác ái yêu thương cụ thề, bằng những cử chỉ đẹp đối với nhau, bằng sự quảng đại và thông cảm với nhau, vì nếu ngay những người đồng đạo, cùng một niềm tin mà chúng ta không yêu thương phục vụ nhau được, thì là sao người ngoại có thể tin rằng chúng ta có thể yêu thương và phục vụ người khác một cách thật lòng được, và càng không thể tin vào Đấng mà chúng ta tôn thờ và rao giảng.
Xin Cho mỗi người chúng ta biết khiêm nhường nhìn lại chính mình để sửa đổi cho phù hợp với lời Chúa dạy hôm nay.
2023
Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa
22.10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Is 45:1,4-6; Tv 96:1-3,4-5,7-8,9-1011; Mt 22:15-21
Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa
Thời bấy giờ, dân Do Thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Lamã. Có những kẻ cộng tác với đế quốc, thì ủng hộ việc nộp thuế. Nhưng cũng có những người muốn lật đổ ách thống trị, thì chống đối việc nộp thuế, bởi vì làm như thế chẳng khác nào nối giáo cho giặc.
Trong một bối cảnh như vậy, câu hỏi có nên nộp thuế cho César hay không, quả là một cái bẫy. Trả lời là có thì mất lòng dân. Còn trả lời là không thì sẽ bị kết án là chống đối nhà nước. Trước hết Chúa Giêsu bảo họ đưa cho mình xem đồng tiền La mã. Hành động này đẩy họ vào cái thế phải trả lời cho chính câu hỏi đã nêu ra, bởi vì mang trong người đồng bạc La mã là chấp nhận những sự ràng buộc của La mã. Tiếp đến hình và chữ ký trên đồng tiền này đã đem lại cho Chúa Giêsu một câu trả lời đầy lý tưởng: Của César hay trả cho César, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.
Với câu trả lời này, Chúa Giêsu không nề nhằm mục đích đưa ra nền tảng cho một học thuyết chính trị, cũng không hề có ý định tách biệt thế giới làm hai. Một thuộc về César, một thuộc vê Thiên Chúa. Ngài để việc này tuỳ cá nhân quyết định vì mỗi người phải giải quyết về những đối nghịch giữa Thiên Chúa và trần gian.
Là người Kitô hữu, chúng ta có hai quyền công dân đi đôi với nhau, sở dĩ như vậy vì chúng ta là công dân của hai thế giới, đó là thế giới trần gian và thế giới thiên quốc. Như vậy, chúng ta phải tôn trọng những đòi buộc của mỗi bên. Chính vì thế mà trong bức thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Hãy vâng phục các vị cầm quyền, hãy nộp cho họ những gì chúng ta mắc nợ. Mong rằng giữa hai quyền công dân này không bao giờ xảy ra những xung đột, nhưng luôn đi song song và bổ túc cho nhau, vì đạo chỉ đẹp khi ở trong đời và đời chỉ tốt khi ở trong đạo.
Thái độ của những người Do Thái đồng hương với Đức Giêsu đối với đế quốc Rôma rất khác nhau, tùy theo kế sách của họ phản ứng trước sự đô hộ như thế nào. Một số người thì muốn an phận, và chấp nhận nộp thuế để khỏi phiền hà, cho dù họ rất khó chịu. Một số khác bằng lòng nộp thuế vì họ coi nhà cầm quyền Rôma như là đại diện cho quyền bính của Thiên Chúa (xem Rm 13, 1-7; 1P 2, 13-17). Một số khác, theo phe thân vua Hêrôđê, sẵn lòng cộng tác với chính quyền Rôma, và được nhà nước bảo hộ trao ban những đặc quyền trong các tổ chức dân sự. Họ tự nguyện nộp thuế, không phản đối. Một số khác thì hoàn toàn tuyệt vọng, vì tiền thuế cao là một gánh nặng, khiến họ dễ lâm cảnh nợ nần, mất đất đai để sinh sống. Khi không còn tiền để trả nợ, họ sẽ bị bán làm nô lệ (Mt 18, 23-25). Còn một nhóm khác lại nhất quyết không chịu nộp thuế, vì họ nghĩ tất cả mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa (Lv 25,23). Một ít thành phần thì hoàn toàn cự tuyệt chống đối, và bất hợp tác với đế quốc trong bất cứ vấn đề gì. Cũng có một số người cực đoan, ngấm ngầm hình thành nhóm ái quốc, quyết nổi dậy cướp chính quyền bằng vũ lực, lật đổ sự cai trị của đế quốc. Sử gia Josephus có nêu tên một vài lãnh tụ cách mạng, cầm đầu nhóm nổi dậy vào đầu thế kỷ thứ nhất, trong đó có Guiđa người Galilê (Cv 5,37) người đã nổi dậy chống nền đô hộ, đương nhiên chống cả việc nộp thuế, nhưng cuộc nổi dậy bị thất bại.
Khi đưa ra câu hỏi hóc búa này để vặn hỏi Đức Giêsu, người Pharisiêu muốn hạ uy tín Ngài. Nêú Ngài cổ vũ việc nộp thuế, có nghĩa là Ngài thỏa hiệp với ngoại bang, với kẻ thù của dân tộc, như vậy dân sẽ không còn tin Ngài là một ngôn sứ nữa. Các sứ ngôn luôn rao giảng về đường lối Thiên Chúa đối kháng với đường lối cầm quyền của đế quốc, của Xê-da. Nếu chủ trương như thế, uy tín của Đức Giêsu sẽ không còn. Còn nếu Ngài trả lời không phải nộp thuế, Ngài tự đặt mình vào tình huống rất nguy hiểm vì sẽ bị nhà cầm quyền Rôma sờ gáy ngay lập tức.
Giữa hai trạng huống này, Đức Giêsu đã tìm ra một giải pháp. Đồng tiền thuộc về hoàng đế Xê-da, hãy trả về cho Xê- da. Rồi quay về Thiên Chúa, Ngài nói với đám đông, tất cả mọi sự phải quy hướng về Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa, phải trả về cho Thiên Chúa. Đối với những người tin, thì tất cả mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, không chừa cái gì. Thế rồi, Đức Giêsu phóng một tầm nhìn để tương đối hóa những quyền bính trần gian, khi Ngài nhấn mạnh rằng chỉ Thiên Chúa mới là Đấng tối cao, nắm quyền trên mọi sự. Câu trả lời khôn ngoan của Đức Giêsu khiến những kẻ chống đối và muốn gài bẫy Ngài rất kinh ngạc. Họ câm họng không nói được gì, và đợi chờ một dịp khác để bắt bí Ngài.
Trong Tin Mừng, những người chất vấn Đức Giêsu nêu ra câu hỏi không phải với dụng ý ngay chính và thật lòng. Họ chỉ muốn gài bẫy để ám hại Ngài. Dẫu sao, trình thuật cũng có thể gợi ý cho các Kitô hữu thời nay biết cách ứng xử, khi phải đối mặt với một chính quyền có những hành động đi ngược thánh ý của Thiên Chúa và thiết định những luật lệ về luân lý trái nghịch với lương tâm Công giáo.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta quy hướng về nước Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Ngài trong câu trả lời về bổn phận đối với Thiên Chúa và đồng thời cũng phải chu toàn nghĩa vụ trần thế, mời gọi chúng ta trước tiên phải luôn hướng vọng về Thiên Chúa, và đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng trong cuộc đời chúng ta.
Lời Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy dấn thân nhiều hơn nữa, đặt Chúa vào chỗ nhất trong cuộc sống của mình, đặt Chúa vào chỗ nhất trong mọi sinh hoạt xã hội của mình. Tất cả mọi biến cố, tất cả những gì chúng ta đang thừa hưởng là đến từ Thiên Chúa và đều do tình yêu thương của Ngài trao ban.
2023
Lời mời dự tiệc và lời đáp trả
15.10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Is 25:6-10; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Pl 4:12-14,19-20; Mt 22:1-14; Mt 22:1-10
Lời mời dự tiệc và lời đáp trả
Dụ ngôn nhà vua mở tiệc đãi khách được trích đọc hôm nay gợi lại cho chúng ta một bữa tiệc khác trọng đại hơn rất nhiều. Đó là tiệc Thánh thể.
Thánh lễ là một bữa tiệc thật nhiệm mầu. Bữa tiệc này vô cùng cao quý vì cung cấp cho khách mời thực phẩm đem lại sự sống đời đời, chứ không như tiệc trần gian, dù có ăn bao nhiêu rồi cũng phải chết.
Là tín hữu Công giáo, chúng ta luôn được mời gọi tham dự hai bữa tiệc: Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, linh mục đại diện Chúa Giêsu vẫn tha thiết mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Thật là diễm phúc nếu chúng ta đón nhận chính Đức Giêsu Kitô vào lòng để được hòa tan vào Ngài, tâm sự với Ngài. Sau rước lễ, nên dành những giây phút quý giá và hiếm hoi để “hòa tan” vào Đức Giêsu Kitô – hòa tan cả linh hồn và thể lý. Chúa Giêsu muốn ở gần chúng ta – không rời dù chỉ trong tích tắc – nên Ngài mới thiết lập Bí tích Thánh Thể, đúng như Ngài đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)
Tình yêu của Chúa Giêsu quá lớn lao, chúng ta không đủ mức để hiểu thấu. Câu nói đó là lời hứa của Chúa Giêsu, cũng là câu cuối cùng của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, và cũng chỉ có Phúc Âm này ghi lại câu này. Mọi điều Chúa hứa đều ứng nghiệm chính xác: “Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn; giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.” (Tv 111,5)
Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như chuyện một ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước đến dự tiệc, nhưng họ lấy lý do để từ chối khéo. Ông lại sai đầy tớ đi mời lần hai, họ vẫn không đến. Sau đó, nhà vua liền sai các đầy tớ ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào. Trong số người dự tiệc, có một người không mặc y phục lễ cưới. Nhà vua hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22,12). Người ấy câm miệng không nói được gì. Cuối cùng, anh ta đã bị quăng ra bên ngoài vì không mặc y phục lễ cưới.
Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Thời nay, những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Thiên Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Có người nhân danh đạo tại tâm để từ chối dự lễ Chúa nhật. Có người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do “có thực mới vực được đạo”.
Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền. Khi rãnh mới đi lễ… Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh hoạt xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.
Thánh lễ chính là Tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Mọi sinh hoạt Kitô giáo đều bắt nguồn và đặt nền nơi Thánh lễ ngày Chúa Nhật.Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là một bằng chứng trung thành với Chúa Kitô và với Hội Thánh, đồng thời các tín hữu hiệp thông với nhau trong tin yêu, nâng đỡ và khuyến khích nhau. Thu xếp công việc, dành ưu tiên cho Chúa, hân hoan dự bàn tiệc Thánh Thể. Khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.
Theo cốt chuyện dụ ngôn thì tiệc cưới ám chỉ bàn tiệc nước Trời; nhà vua ám chỉ Thiên Chúa; con nhà vua ám chỉ Ðấng Cứu thế; đầy tớ chỉ về các ngôn sứ và các tông đồ; khách từ chối dự tiệc cưới ám chỉ dân được chọn trong Cựu ước; thành phố bị tàn phá ám chỉ Giêrualem bị phá huỷ năm bảy mươi. Cũng như trong dụ ngôn tá điền gian ác, vườn nho được trao cho tá điền khác là dân ngoại, thì trong dụ ngôn tiệc cưới, khách ngoài đường là dân ngoại và người tội lỗi cũng được mời vào dự tiệc cưới.
Y phục lễ cưới ở đây được hiểu theo nghĩa bóng là người được mời dự tiệc cưới nước Trời phải bận quần áo thích hợp cho cơ hội. Người được mời dự tiệc phải tỏ ra dấu hiệu nào đó là họ chấp nhận lời mời gọi một cách nghiêm chỉnh. Họ phải hội đủ những tiêu chuẩn, những đòi hỏi nào đó của Phúc âm. Áo cưới thích hợp họ phải bận là áo đức tin vào Ðức Kitô.
Tiệc cưới nước Trời được dành ưu tiên cho dân được tuyển chọn trong Cựu ước. Tuy nhiên dân được chọn lại coi thường, không đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua các ngôn sứ của Người. Gioan tiền hô, vị ngôn sứ cuối cùng trong Cựu ước đến kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối để dọn đường cho Ðấng Cứu thế, thì họ giả điếc. Khi Ðấng Cứu thế đến, thì họ tẩy chay Người. Và khi dân được chọn từ khước, thì lời mời gọi dự tiệc cưới được gửi đến cho hết mọi người ở các ngả đường. Ðiểm này nói lên lòng quảng đại của đức vua. Tuy nhiên không phải vì thế mà việc vào ngồi bàn tiệc cưới không có điều kiện. Ðiều kiện vào ngồi bàn tiệc cưới là bận áo cưới.
Hình ảnh bữa tiệc giúp người tín hữu kiên vững trong đức tin, mặc dù phải trải qua muôn vàn thử thách. Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình. Đối với thánh nhân, thử thách, gian nan và thiếu thốn không quan trọng, vì ngày xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng sẽ chu cấp dư dật cho những ai biết quảng đại cho đi.
Lời Chúa hôm nay vừa phê phán những người được mời trân trọng mà lại chối từ, vừa khẳng định: những ai được mời ồ ạt sau này cũng phải có điều kiện cần thiết để dự tiệc. Mặc dù lời mời gọi của Chúa được gửi đến hết thảy mọi người, Nước trời không phải một thứ “dồn toa” tổng hợp ai cũng được vào, nhưng là nơi dành cho những ai thiện chí thực thi Lời Chúa và bền tâm mến Chúa yêu người.
Bữa tiệc tương lai và bữa tiệc hiện tại không phải là một ảo tưởng hoang đường nhằm ru ngủ chúng ta trước thực tại của cuộc sống. Đó chính là niềm hy vọng giúp ta vững bước, đồng thời nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Ngài không ngừng mời gọi chúng ta hãy sống thánh thiện và nhân ái, để chuẩn bị cho hạnh phúc vĩnh cửu, là bữa tiệc đời đời Chúa dành cho những ai trung tín với Ngài.
Lời mời gọi dự tiệc cưới nước Trời cũng được tiếp tục gửi đến vô số người từ khi Giáo hội được thiết lập trong những hoàn cảnh và thời điểm khác nhau. Hôm nay mỗi người cần tự vấn lương tâm xem mình đang đáp trả laị lời mời gọi của Chúa như thế nào?
2023
Trở nên tá điền tốt
8.10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm
Is 5:1-7; Tv 80:9-12,13-14,15-16,19-20; Pl 4:6-9; Mt 21:33-43
Trở nên tá điền tốt
Qua dụ ngôn những người tá điền nổi loạn chúng ta thấy ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa đã rào giậu và chăm sóc cho vườn nho của mình. Còn những tá điền nổi loạn chính là dân Do Thái, dân tộc đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho muôn vàn hồng ân. Còn các đầy tớ được sai đến là các tiên tri. Nhờ các tiên tri mà Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài cho họ, thế nhưng họ đã đối xử dã man và tàn bạo đối với những người được Thiên Chúa sai đến. Nào là đánh đập, nào là giết đi.
Sau cùng ông chủ đã phải sai phái chính người con trai duy nhất của mình đến với họ, để tỏ cho họ thấy lòng nhân từ thương xót vô biên của Ngài, nhất là sau những biến cố đáng buồn đã xảy ra. Người con duy nhất này là hình ảnh tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng đã bị họ giết chết trên thập giá. Cái chết khổ đau này làm cho Ngài liên tưởng tới lời thánh vịnh 118: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường, đó là việc Thiên Chúa đã làm và thực lạ lùng dưới mắt chúng ta. Tảng đá góc tường là nơi câu móc những bức tường của toà nhà, nó nắm giữ một vai trò, một vị trí rất quan trọng.
Cuối cùng Thiên Chúa đã phải bỏ rơi dân Do Thái, để chọn cho mình một dân riêng mới, đó là Giáo Hội, để đem lại cho Ngài nhiều hoa trái.
Câu chuyện trên cũng làm cho chúng ta nhớ tới hinh ảnh vườn nho của tiên tri Isaia. Vườn nho này được chủ hết sức chăm sóc với hy vọng sẽ có được những trái nho đặc biệt, thế nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược, khiến cho chủ phải nổi giận: Còn việc gì nữa mà Ta đã không làm cho vườn nho của Ta. Ta mong ước có được những trái ngon trái ngọt, vậy tại sao nó chỉ cho toàn những trái chua trái dại?
Còn chúng ta thì sao? Phải chăng tâm hồn chúng ta chỉ là một cây nho cằn cỗi? Thiên Chúa cũng đã đổ xuống cho chúng ta biết bao nhiêu ơn lành hồn xác, thế mà con người chúng ta vẫn không thể đâm bông kết trái. Có lẽ chúng ta cần phải dừng lại, để hồi tâm xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống, trước khi nó đã quá muộn.
Chúa trao cho nhân loại vườn nho của Ngài, vườn nho đã được Ngài chu đáo tạo mọi điều kiện để trổ sinh hoa lợi: Ngài đã rào giậu, xây bồn đạp nho, xây cả tháp canh… Ngài cho nhân loại canh tác, nhưng thay vì nộp hoa lợi cho chủ, chúng ta lại muốn chiếm đoạt cả vườn nho. Tất cả phải quy về Chúa, là nguồn gốc và là chủ mọi sự, chúng ta lại tự tiện sử dụng cho riêng mình, không nghĩ đến Chúa.
Chúng ta tưởng rằng chỉ có dân Do thái mới giết Chúa, còn chúng ta thì tốt. Nhưng không, chúng ta cũng phản bội, tiếp sức cho những người vô đạo, ủng hộ những hành động bạo lực, vô luân của thế gian. Nhiều người trong chúng ta đã sống như thánh Phao-lô đã nói: “như kẻ thù của thập giá”; chúng ta tôn thờ thân xác và nhục dục, chạy theo tiền của, chà đạp lương tâm. Phải chăng chúng ta cũng là những tá điền sát nhân?
Chúng ta đang ở vào một thời điểm quan trọng của một thời mới. Thời con người tiến bộ về khoa học, và muốn chiếm đoạt vương quyền của Thiên Chúa. Con người của thế kỷ hai mươi mốt này, đa số muốn loại trừ Thiên Chúa, làm như Thiên Chúa cản bước tiến của họ. Họ muốn trở thành “siêu nhân” và muốn giết chết Thiên Chúa. Người chủ trương mạnh mẽ nhất là một triết gia người Đức, Ông Frederic Nietzsche. Ông đã tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết rồi!” Lạ thay! Thiên chúa vẫn sống, còn ông đã gởi thân vào ba tấc đất và chỉ còn là một bộ xương. Ảnh hưởng của phong trào này vẫn còn là một thách thức đối với chúng ta là những người tin Chúa.
Qua dụ ngôn ông chủ và các tá điền trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn chúng ta cộng tác với Người tuỳ theo những nén bạc Chúa trao vì vậy mỗi người phải ra công làm việc để để sinh lời cho Nước Chúa là Giáo hôi, gia đình hay xã hội chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu, Đấng làm việc liên liên lỉ theo thánh ý Chúa Cha (Ga 5,17), đem lại ơn cứu độ cho con người, chúng ta, những người Kitô hữu, cũng ra công làm việc để mưu cầu hạnh phúc, giúp đỡ chia sẻ với người khác và thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Mỗi người, tuỳ theo hoàn cảnh, địa vị và ơn ban riêng Chúa ban, phải làm việc và sinh ích lợi cho mọi người. Bậc làm cha mẹ thì lo làm tròn bổn phận của người làm cha làm mẹ, giữ gìn gia đình hạnh phúc. Kẻ làm con cái lo sao chữ đạo hiếu cho tròn. Người sống đời dâng hiến làm việc bằng cách tuân giữ kỷ luật tu trì và rao giảng Tin Mừng cứu độ hầu mưu ích cho các linh hồn và sáng danh Chúa.
Vậy ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban cho chúng ta được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng ta trong đời sống thường ngày dù’ nhỏ hay lớn đều nêu cao tinh thần tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết siêng năng làm việc để chu toàn bổn phận sinh lợi cho Nước Chúa là làm sao cho Tin Mừng được mọi người biết đến, yêu thích và sống theo để mọi người cùng nhau xây dựng đức tin và hạnh phúc ngay đời này và đời sau.