2024
ỔN ĐỊNH NHỊP SỐNG
21.7 Chúa Nhật thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm
Gr 23:1-6; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Ep 2:13-18; Mc 6:30-34
ỔN ĐỊNH NHỊP SỐNG
Như chúng ta đã biết dân Do Thái, một phần sống bằng nghề chăn nuôi, nên hình ảnh mục tử, người chăn dắt đoàn chiên, là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi. Đavít ngày xưa, khi còn là một em bé chăn chiên, đã được Samuel xức dầu đặt làm vua. Sau này, trên ngai vàng, Đavít đã hướng dẫn dân Chúa tới một thời đại hoàng kim. Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh mục tử, không phải để chỉ các vua mà còn ám chỉ chính Thiên Chúa, Ngài sẽ đích thân chăn dắt dân Ngài.
Lời tiên báo của các tiên tri đã được Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Ngài, bởi vì Ngài chính là vị mục tử nhân lành. Thái độ nhân lành ấy đã được biểu lộ qua việc ân cần chăm sóc mà đoạn Tin Mừng ngắn ngủi sáng nay đã ghi lại.
Trước hết là đối với các môn đệ đang mệt mỏi vì những cuộc hành trình truyền bá Phúc Âm, Ngài đã khuyên các ông hãy tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút. Tiếp đến là đối với đám đông đang đói lời giảng dạy cũng như đang khát sự dẫn dắt, Phúc Âm đã ghi lại: Nhìn thấy họ, Chúa Giêsu đã động lòng thương xót và Ngài đã làm phép lạ để họ được ăn no giữa chốn hoang vắng.
Không một trang Phuc Âm nào, mà chúng ta không thấy được những hành động bác ái yêu thương Chúa Giêsu đã thực hiện, nào là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết được sống lại, tất cả những hành động này chỉ nhằm một mục đích duy nhất là xoa dịu mọi nỗi đớn đau của con người. Hơn thế nữa, Ngài còn dành một tình cảm đặc biệt cho những kẻ tội lỗi. Ngài đối xứ với họ như mục tử đối xử với những con chiên lạc. Ngài đã lên đường tìm kiếm họ, và nhất là Ngài đã tha thứ cho họ. Cái ước vọng duy nhất của Ngài, đó là cuối cùng chỉ còn lại một đoàn chiên và một chủ chiên. Cũng trong ước vọng duy nhất này mà Ngài đã chấp nhận chịu chết để đoàn chiên, là tất cả chúng ta được sống.
Thiên Chúa đã dùng tiên tri Giêrêmia để quở trách và kết án những người lãnh đạo dân Chúa. Họ chẳng lo lắng đến dân chúng lại còn làm cho dân chúng phải điêu đứng và phân tán. Tuy nhiên Thiên Chúa đã mở ra cho thấy một viễn tượng tươi sáng. Mầm công chính xuất phát từ dòng Đavít, sẽ làm vua thống trị, sẽ thực thi hoà bình và công lý. Đó chính là Chúa Giêsu.
Thực vậy, Chúa Giêsu là mục tử nhân lành mà tiên tri Giêrêmia đã diễn tả. Ngài thương dân vì họ bơ vơ không có chủ chăn và ngài băt đầu dạy họ nhiều điều. Ngài như đồng cỏ non và như dòng suối mát để xoa dịu cơn đói khát của con người. Thế giới ngày nay tràn ngập ngôn từ, đầy dẫy những lời lẽ tuyên truyền và quảng cáo, thì liệu còn chỗ nào dành cho lời Chúa hay không. Nếu con người nghe theo tiếng Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài thì ngày kia, chỉ còn lại một đoàn chiên và một chủ chiên. Chúa Giêsu không phải là kẻ chăn thuê, chỉ làm vì lợi lộc. Trái lại Ngài chăm sóc cho từng con chiên một, băng bó những con bị thương, và vác lên vai con bị đau yếu. Ngài dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, và tới dòng suối mát. Ngài dám thí mạng sống để bảo vệ đoàn chiên, và cuối cùng, Ngài đã trở nên của ăn nuôi sống cho đoàn chiên.
Tiếp đến Chúa Giêsu còn là vị mục tử hoà giải. Tội lỗi đem lại sự phân cách với Thiên Chúa, sự bất hoà với nhau và sự hỗn loạn trong xã hội. Như lời sách Sáng Thế Ký đã nói: Vì ngươi bất tuân nên đất đai sẽ nguyền rủa ngươi. Người mục tử đích thực của đoàn chiên sẽ tiêu diệt tội lỗi, xoá bỏ đi sự ngăn cách giữa trời và đất, sự thù hận giữa người với người. Bằng thập giá, Ngài đã thực hiện được mục đích đó, đồng thời tụ họp chúng ta lại với nhau. Đôi tay Ngài dang rộng như muốn ôm trọn cả nhân loại như lời thánh Phaolô: Chúng ta trở nên gần gũi nhau nhờ máu Đức Kitô. Cây thập giá gồm hai nét. Nét dọc nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Còn nét ngang nối kết chúng ta lại với nhau.
Sau cùng Chúa Giêsu là mục tử an bình. Ngài đã thực hiện lời tiên tri Giêrêmia, tách biệt khỏi những kẻ chăn thuê vì lợi lộc để chứng thực mình là mục tử nhân lành. Ngài xua đuổi chó sói, và những kẻ cướp bóc. Ngài dạy dỗ và cứu vớt những con chiên lạc, dẫn đưa đoàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi. Đi bên Ngài chúng ta không còn sợ hãi chi, và không lo thiếu thốn thứ gì cả. Ngài chính là sự sáng. Đi theo Ngài chúng ta sẽ không bao giờ bị lầm đường lạc lối.
Chúng ta hãy nhìn vào bài học của các tông đồ hôm nay. Chúa mời gọi các ông rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa. Chúa cũng nhắn gửi các ông phải tránh những nơi ồn ào để có một tâm hồn tĩnh lặng và an bình. Biết bao ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài, ồn ào ngay cả những lúc chúng ta làm việc với ý hướng tốt nhằm phục vụ các linh hồn. Đó là những ồn ào của danh vọng, khi chúng ta thích được mọi người vỗ tay khen ngợi. Đó là những ồn ào của tiền bạc, của những cuốn hút trước một lối sống tục hóa. Người môn đệ Chúa Giêsu muốn thể hiện một tình yêu mục tử tinh ròng phải tránh tất cả những xôn xao ầm ĩ đó để tâm hồn được tĩnh lặng và để được nghỉ ngơi an bình bên Chúa.
Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.
Những vị mục tử ngày hôm nay, những cánh tay nối dài của Đức Giêsu, những con người được Chúa tin tưởng trao phó cho sứ mệnh cứu thế, cần phải học cho mình những bài học căn bản này để tâm hồn chúng ta luôn được thảnh thơi và an bình.
Sự bình an chân thật chỉ có thể có được nếu chúng ta biết lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa. Đức Giêsu chính là sự bình an của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta chân lý này trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay: ” Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần”. Chúng ta chỉ có thể kiến tạo cho mình sự bình an chân thật, nếu trong cuộc sống, chúng ta năng rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi. Đó không phải là sự nghỉ ngơi về thân xác, nhưng là sự tĩnh lặng trong sâu tận tâm hồn để sống kết hiệp với Chúa luôn mãi.”
2024
THIÊN KIẾN
7.7 Chúa Nhật thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm
Ed 2:2-5; Tv 123:1-2,2,3-4; 2 Cr 12:7-10; Mc 6:1-6
THIÊN KIẾN
Người ta thường nói “không nơi đâu đẹp bằng quê hương”, “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Khi nói những điều đó là người ta muốn minh chứng rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương, yêu mến nơi sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương, còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm của những người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm cố hữu bình dân: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Ngài tại quê hương Nagiarét của Ngài.
Ngài trở về quê hương Nagiarét sau hơn một năm đi giảng dạy khắp nơi. Hôm ấy đúng vào ngày Sabat, mọi người đến hội đường để nghe đọc Kinh Thánh và nghe diễn giảng. Chúa Giêsu cũng vào đây để dự phụng vụ lời Chúa. Hôm nay, sau bài đọc, như luật cho phép, Ngài diễn giảng lời Chúa. Kết quả: dân chúng không nhận ra Ngài là ai và họ khinh khi Ngài, họ có thái độ hiểu lầm Ngài, hiểu lệch lạc về con người của Ngài. Bởi vì Ngài nói như một người có uy quyền, như bậc thầy nói với học trò, như một người muốn gây dựng cho mọi người lòng tín nhiệm nhau để tiến tới tin nhau. Điều Ngài dạy vượt mọi khuôn phép cổ truyền đến nỗi mọi người phải thắc mắc.
Từ thuở tạo thiên lập địa, Kinh Thánh đã chứng minh nỗi đau, sự nghiệt ngã do lòng người cao ngạo gây ra: Tổ tông loài người đã cao ngạo đến mức không thể hiểu nổi. Được làm người hạnh phúc, tự do, và thấm đẫm tình yêu Thiên Chúa đã là một ân phúc tuyệt vời, vậy mà tổ tông đã không coi đó làm đủ, lại dám nuôi một giấc mộng tầm cỡ thiên đàng: đòi bằng Thiên Chúa, Đấng mà mình phải phát xuất từ đó. Tổ tông không ngờ giấc mộng của mình lại chính là ảo vọng và tội lỗi.
Bởi cao ngạo quá đỗi, tổ tông đã kéo theo những mất mát cũng lớn không kém: mất Thiên Chúa. Bằng chứng là tổ tông đã tìm cách trốn Thiên Chúa. Mất cả tương quan với đồng loại. Mới ngày nào Ađam còn reo to vui mừng khi được Eva làm bạn: “Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nhưng sau khi phạm tội, tình nghĩa thắm thiết đã không còn. Nguyên tổ bắt đầu đổ lỗi cho nhau: “Người đàn bà Chúa ban cho con đã hại con”. Và trong tội, nguyên tổ đã đánh mất chính mình, trở thành những kẻ vong thân, sống trong lầm lũi, sợ hãi và tủi nhục.
Và hôm nay, một lần nữa, bài Tin Mừng lại cho thấy người đương thời của Chúa Giêsu, cụ thể là chính đồng hương của Chúa đã sai lầm vì cao ngạo. Chính cái lý lịch xem ra rất tầm thường của Chúa mà họ đã xúc phạm nặng nề với Chúa: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?”. Cũng chính cái lý lịch ấy, làm cho họ, thay vì được nhiều ơn lành từ Chúa Giêsu, thì ngược lại, họ đánh mất tất cả. “Người đã không làm phép lạ nào được”. Có Thiên Chúa ở với mình, nhưng không biết đón nhận, vì thế, họ đã đánh mất cả Thiên Chúa: Không những không thể làm phép lạ, Chúa Giêsu còn bỏ ra đi. Người “qua các làng chung quanh mà giảng dạy”. Khi cố tình đẩy Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời mình, những người đồng hương của Chúa đã làm tổn thương mối liên hệ với Chúa Giêsu xét như một con người: tổn thương mối tương quan giữa người với người.
Mãi đến tận bây giờ, vì không nhìn nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa, sự cao ngạo quá mức ấy, đã làm cho người Dothái, là những đồng hương của Chúa Giêsu, đã qua hai mươi thế kỷ, vẫn cứ vuột mất ơn cứu độ, vẫn là những người mỏi mòn trông chờ Đấng Cứu Thế của lời hứa. Ngày xưa, vì cao ngạo, tổ tông đã thất bại thảm hại. Bây giờ, cũng vì cao ngạo, quê hương của người Dothái, cũng chính là quê hương của Chúa Giêsu, đã tự mình tách khỏi ơn cứu độ. Đó quả là một thất bại thảm hại còn lớn gấp ngàn lần thất bại của tổ tông.
Dấu vết thất bại ấy, đã để lại một tấm gương ngàn đời cho muôn thế hệ. Vậy mà bài học trong tội tổ tông và bài học từ những trang Tin Mừng, lắm khi cả tôi và bạn vẫn chưa thuộc. Sự cao ngạo của ta đã nhiều lần làm gãy đổ tương quan giữa ta với Thiên Chúa, giữa ta với nhau, và với chính ta. Có một cách để chữa trị lòng cao ngạo đó chính là tình thương. Sự cao ngạo của những người đồng hương của Chúa Giêsu, trước hết là một lối mòn của những kẻ không biết yêu thương. Chúng ta hãy dành tặng nhau lòng yêu thương. Có yêu, ta sẽ không còn đố kỵ, không còn kỳ thị, không còn chấp nhất, không còn định kiến, không thiển cận và cũng hết hẹp hòi. Tất cả những điều đó (đố kỵ, kỳ thị, chấp nhất, định kiến, thiển cận, hẹp hòi…) là con đẻ của cao ngạo. Bởi đó, tình thương sẽ giúp ta dẹp bỏ thói cao ngạo. Mọi người hãy yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới là giải pháp trọng vẹn hòng chữa trị cao ngạo.
Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở về thái độ vô ơn và bất cập của chúng ta? Tại sao chúng ta không khuyến khích nhau vươn lên thay vì kèn cựa và nói hành nói xấu lẫn nhau? Tại sao chúng ta không có cái nhìn tốt về nhau để sống vui tươi lạc quan, thay cho cái nhìn thiển cận và thiếu yêu thương chỉ dẫn đến làm đau lòng nhau? Xin Chúa giúp chúng ta đủ khôn ngoan nhận ra giá trị lớn lao của nhau, để có thái độ tôn trọng và tri ân. Xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn rộng mở và giầu lòng quảng đại để chúng ta đón nhận nhau trong yêu thương, và nhất là biết đối xử tốt với nhau khi còn đang sống bên nhau, đừng để thời gian trôi qua trong sự tiếc nuối xót xa…, vì mình đã không một lần đối xử tốt với những người thân yêu mà nay đã không còn.
2024
NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU
30.6. Chúa Nhật thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
Kn 1:13-15,2; Tv 30:2-4,5-6,11-12-13; 2 Cr 8:7,9,13-15; Mc 5:21-43; Mc 5:21-24,35-43
NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng cái chết, không chỉ trong tư tưởng, nhưng là một khát vọng của con người ở mọi nơi mọi thời. Sự sống lại của Chúa Giêsu khẳng định, khát vọng ấy thực sự có thể, vì cái chết không phải là một phần cấu trúc sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, Chúa là Sự Sống: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1,13).
Bởi ác quỉ ghen tương nên tử thần đột nhập vào thế gian (x. Kn 1, 13-15), nhưng Thiên Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16,10). Lời Thánh Vịnh trên được Chúa Giêsu là Đầu và là Trưởng Tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Chỉ có Lời quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết.
Thế giới ngày hôm nay đang cần đến câu trả lời của cá nhân mỗi người chúng ta đối với lời truyền của Chúa Giêsu là Chúa sự sống : “Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đến gặp gỡ con người trong trong những hoàn cảnh khó khăn và đau đớn nhất. Phép lạ phục sinh cho con gái ông Giairô cho chúng ta thấy rõ quyền lực của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết. Ngài là Chúa của sự sống, và là Đấng chiến thắng sự chết.
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” là lời tuyên xưng vào sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa, cho phép chúng ta hát vang lời Alleluia ở giữa một thế giới, bóng tối tử thần đang đe dọa chúng ta.
Đoạn Tin Mừng thánh Marcô hôm nay như một dạng “phóng sự” được thánh Phêrô trực tiếp chứng kiến những sự kiện, chúng ta cần đọc với cái nhìn đơn giản mới thấy được sự phong phú của nó.
Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết ông, ông tiên phong tin cậy vào Chúa Giêsu. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, trong lúc ốm đau bệnh tật, vô phương cứu chữa, hy vọng tiêu tan, thì lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật tha thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến…để nó được khỏi và được sống !” Chúa Giêsu không nói một lời nào, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi nhận lời chúng ta cầu nguyện. Chúa đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta.
Một câu hỏi cất lên giữa đám đông khiến các môn đệ sửng sốt “Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi: Ai chạm đến Ta?” (Mc 5, 31) Thì ra “có một người đàn bà bị bệnh” (Mc 5, 25) đã đi lẫn vào trong đám đông đến sau Người. Có thể bà sợ đến với Chúa trước nhiều người. Sợ họ biết việc mình làm. “Mười hai năm trời sống với bệnh xuất huyết” (Mc 5, 25), nghe nói về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền trong dân, cơ hội tuyệt vời đã đến, bà quyết định chạm tới áo Chúa.
Phản ứng của Chúa Giêsu không làm bà ngạc nhiên và xấu hổ. Không ai đụng đến áo Chúa mà Chúa không biết. Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là người vô danh, mất hút giữa đám đông. Chúa thấy chúng ta kêu cầu, cả lúc chúng ta không thể hiện công khai. Chúa biết tất cả vì Người là Đấng toàn tri, là sức mạnh của Thiên Chúa, là Sự Sống. Người đàn bà đã nhận lại được sự sống qua việc chữa lành nhờ đụng chạm tới áo Chúa Giêsu (x. Mc 5, 33). Bởi trong chính cuộc đối thoại với người đàn bà nhút nhát đang tuyệt vọng này, từ việc chữa lành thể xác Chúa ban cho bà ơn cứu độ, bình an và sức khỏe xác hồn.
Dù đến với Chúa thế nào đi chăng nữa, lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Bạn có biết sự hào phóng, ân hạn, nhưng không của các món quà của Chúa Giêsu Kitô” (2Cr 8, 9).
Những “người nhà” Giairô là những người tốt. Với sự thận trọng, họ sẽ gặp người cha và báo cho ông biết về cái chết của con gái ông: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa ?” (Mc 5, 35). Nói thế, không phải họ thiếu lòng tin, nhưng là họ không thể tưởng tượng được một tình huống đã chết rồi có thể sống lại được.
Thoáng nghe lời họ nói, Chúa Giêsu bảo: “Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó” (Mc 5, 39). Họ thấy nực cười, vì chính lúc Giairô vắng nhà thì con gái ông trút hơn thở lần cuối. Chúa mời gọi ông Giairô: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin” (Mc 5, 36). Giairô đã tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa. Ông được mời đi xa hơn sự tin tưởng là sống niềm tin vào Chúa.
Chúa Giêsu muốn chúng ta có một niềm tin sắt đá, một đức tin chuyển núi rời non, vượt trên sự chết. Kẻ có tội không bao giờ chết trước mặt Thiên Chúa. Người ấy có thể sống lại nhờ ân sủng Thiên Chúa trao ban, vì Chúa là Sự Sống. “Thiên Chúa không vui mừng khi người sống phải chết” (Kn 1,13).
Chúng ta đừng quên rằng, nguyên nhân gốc rễ của sự dữ, của bệnh tật, của sự chết, là chính tội lỗi dưới mọi hình thức. Trong trái tim của từng người nói riêng và nhân loại nói chung tàng ẩn một căn bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người đó là tội lỗi. Tội lỗi cá nhân, ngày càng bén rễ sâu vào trong tâm thức con người, nó làm cho con người mất đi ý thức về chính Chúa. Đúng thế, chúng ta đừng đánh mất ý thức về Thiên Chúa trong con người chúng ta. Đừng làm suy giảm nhận thức về Thiên Chúa trong chúng ta. Bởi con người không thể lấy cái thiện vượt cái ác nếu không tác động của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta kín múc lấy ân sủng, và sự sống từ chính Ngài, để chống lại tội lỗi và sự chết.
2024
THỬ THÁCH VÀ NIỀM TIN
- 6Chúa Nhật thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
G 38:1,8-11; Tv 107:23-24,25-26,28-29,30-31; 2 Cr 5:14-17; Mc 4:35-41
THỬ THÁCH VÀ NIỀM TIN
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.
Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.
Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.
Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.
Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng chính mạng sống của mình.
Đọc kỹ bản văn Mátthêu, chúng ta thấy có sáu lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm vào của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: “Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không?” Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: hãy giúp mình rồi trời sẽ giúp cho.
Đừng quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống thể xác (của ăn, áo mặc, tuổi thọ), vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
Sở dĩ con người lo lắng thái quá mà mất đi cả hạnh phúc trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Chim trời không gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội không canh cửi mà vẫn xinh đẹp rực rỡ. Con người còn hơn chim trời cũng như hoa cỏ đồng nội bội phần. Nếu con người biết tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, biết đón nhận từng giây phút hiện tại Ngài ban cho, thì con người sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Ngược lại, con người sẽ phải vất vả cực nhọc và cuối cùng, cũng chỉ là người bắt bóng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.