2024
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024 – 2025
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024 – 2025
Các con thân mến,
Trang thông tin điện tử Vietnamnet, thứ ba, 13/8/2024, đã đăng tải về lịch tựu trường của học sinh 63 tỉnh – thành, do Bộ GD – ĐT ban hành khung kế hoạch cho năm học mới. Theo đó, dự kiến năm học 2024-2025, học sinh cả nước sẽ tựu trường từ ngày 21 đến 29/8 và đồng loạt khai giảng vào 5/9. Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa thì chúng ta lại bước vào một chu kỳ mới của hành trình trao dồi kiến thức hoàn thiện bản thân. Theo dõi thông tin qua các mặt báo, cha muốn điểm lại một vài sự kiện liên quan trực tiếp tới các con: Học sinh lớp 12 căng mình tăng tốc cho kỳ thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024, – Các sĩ tử học ngày học đêm “chạy nước rút” cho kỳ thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024, – Hơn 1 triệu sĩ tử tập trung làm thủ tục dự thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024, – Phụ huynh đưa con đi thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông 2024 lo lắng như mình đang đi thi, – Nén nỗi đau mất vợ chở con “thi Tốt Nghiệp”,… Những câu chuyện này, chắc chắn đã để lại nơi các con và gia đình những ký ức khó quên. Trong cái nhìn đức tin, chúng ta cám ơn Chúa vì những ơn lành mà Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, kiên trì thực hành lời kêu gọi đầy nhân ái của Ngài: Anh em hãy học với tôi (x. Mt 11, 29) để bước vào năm học mới. Học nơi nhà trường và học với Chúa Giêsu, cha tin rằng: không bao giờ trở nên một mâu thuẫn, mà ngược lại, nó sẽ giúp con người phát triển toàn diện.
1. Một sự kiện đáng quan tâm
Ngày 17/7/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một sứ điệp đến cuộc gặp gỡ lần thứ XXI các lãnh đạo mục vụ giới trẻ của châu Mỹ Latinh và Caribe, diễn ra tại Asuncion, Paraguay, từ ngày 15 – 20/7. Trong đó, người mời gọi giới trẻ hãy để Chúa Giêsu biến đổi sự lạc quan tự nhiên thành tình yêu đích thực và hãy sống tuổi trẻ như một món quà cho Chúa Giêsu và thế giới. Cuộc gặp gỡ có chủ đề “Này thanh niên, Ta truyền cho ngươi: hãy chỗi dậy” (Lc 7, 14). Đức Thánh Cha khẳng định lệnh truyền “chỗi dậy” của Chúa Giêsu không chỉ là một trách nhiệm của các thế hệ mới, nhưng còn là ước muốn của Người, muốn nhìn thấy những người trẻ được đổi mới, đầy năng lượng, để sống một cách xứng đáng và tràn đầy trong một cuộc sống mới hiệp thông với Người. Đức Thánh Cha giải thích: đừng sợ Chúa đi ngang qua chúng ta và thì thầm vào tai, cúi xuống và đưa tay nâng chúng ta dậy mỗi khi chúng ta vấp ngã. Chúa Giêsu muốn chúng ta đứng vững trên đôi chân của mình và phục hồi. Chúng ta đừng ngại để Người bước vào đời mình.
Chúa Giêsu đi ngang qua chúng ta, Ngài ban sức mạnh giúp chúng ta chỗi dậy khi vấp ngã. Trong cuộc sống thể lý, sức khỏe và sức mạnh rất cần thiết cho một con người. Người yếu đuối, bệnh hoạn không thể có một sinh hoạt tốt, họ phải nghỉ dưỡng, họ cần sức mạnh để chỗi dậy và lao động có hiệu quả tốt hơn. Trong lãnh vực siêu nhiên, ơn sức mạnh của Chúa giúp chúng ta chỗi dậy khi sa ngã, giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn trong việc thờ phượng Chúa. Hãy can đảm để Chúa đi ngang qua chúng ta, Người sẽ nâng đỡ con người yếu đuối và đức tin nhỏ bé của mình, nhất là khi chúng ta đang sống trong một môi trường mà dường như chưa bao giờ bị thao túng bởi mạng xã hội về truyền thông như hôm nay. Chúng ta cần sức mạnh của ơn Chúa để nhận thức cái đúng và cái sai, để giữ vững niềm tin trong một môi trường mà sự thật về các thông tin được xếp ở hàng thứ yếu. Chúng ta cần sức mạnh của Chúa để mình khỏi bị dẫn dắt đến thái độ và hành vi đi ngược lại với đức tin của mình.
2. Hướng về một năm học mới
Nhiều ngày qua, giới truyền thông và một ít chuyên gia phân tích sự kiện, đã gọi một phần của chương trình lễ Khai mạc Olympic Paris 2024 là “báng bổ” Thiên Chúa, mà nơi Từ điển Tiếng Việt giải thích hành vi này là một sự giễu cợt, bài bác những điều người ta cho là linh thiêng. Nhìn sự kiện này từ góc độ đức tin, cha cảm thấy ngỡ ngàng và lo lắng về những thách thức mà đức tin Kitô giáo đã và đang phải đối diện. Bởi đó, cho năm học mới này, dựa theo ý tưởng và chú giải về Phúc âm Mt 13, 54-58, “Chúa Giêsu về thăm Nadarét”, cha muốn chia sẻ với các con trong tư cách là người đồng hành rằng: Hãy tin vào Chúa, tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai.
Đoạn Phúc âm trên thuật lại rằng: hôm ấy, những người Do Thái hỏi Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (Ga 6, 28) Chúng tôi phải đầu tư vào cái gì? Chúng tôi phải tổ chức ra sao? Điều nào trước và điều nào sau? Và Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6, 29). Mặc dù không được mô tả cách rõ ràng, nhưng cha nghĩ đến một câu hỏi có thể được nêu lên: ai là Đấng được Thiên Chúa sai đến? Chúng ta cũng cần câu trả lời cho thắc mắc này để định hướng cho đức tin của mình. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã rất nhiều lần chứng minh cho người Do Thái biết rằng: Người chính là Đấng được Chúa Cha sai đến, ngang qua lời dạy và các việc Người đã làm. Thánh Phêrô và các Tông đồ cũng đã tuyên xưng như thế trước mặt Chúa Giêsu (x. Mt 16, 13-19). Hơn nữa, Người còn là Đấng có khả năng cung cấp cho chúng ta “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6, 51). Vậy, tin vào Chúa Giêsu là chúng ta đang làm việc Thiên Chúa muốn.
Nếu tin vào Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến, đã bén rễ sâu trong trái tim và cuộc sống của chúng ta, thì các công việc khác sẽ dễ dàng đi theo. Niềm tin ấy sẽ thúc đẩy việc thực hành những việc làm tiêu biểu của lòng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa: tham dự các Bí tích, Phụng vụ, sống đạo, bác ái, tha thứ… Ngược lại, không tin vào Chúa có thể kéo theo những hậu quả như sau: a) Không nhận ra Chúa Giêsu nhập thể: Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu đã nhận lấy tất cả những gì thuộc về con người, ngoại trừ tội lỗi và sống trong thời gian và không gian của nhân loại. Thế nhưng, với nền văn minh hiện đại, tiến bộ về khoa học kỹ thuật số, con người thời đại không nhận ra Chúa Giêsu trong mầu nhiệm này. Người ta từ chối một Đấng Cứu Thế đã hiện hữu trong đời sống trần thế, để dẫn dắt con người trong ân sủng và cứu độ. b) Không nhận ra Giáo hội: Ngày hôm nay, người ta không thể tưởng tượng rằng, Chúa Giêsu phục sinh có thể nói với con người chúng ta trong chính Giáo hội mà Người đã thiết lập. Chính vì thế, họ cũng đặt lên những câu hỏi: Bởi đâu mà Giáo hội của Chúa Giêsu có được sự khôn ngoan và thế giá, để hướng dẫn con người đến với chân lý? Bởi đâu mà Giáo hội khẳng định một cách có thẩm quyền, về sự Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền như vậy? Đó là những câu hỏi của người thời đại, nhưng đó cũng là những vấn đề mà chúng ta phải trải nghiệm như một chứng nhân của đức tin. c) Không nhận ra Bí tích: sự suy yếu của đức tin làm cản trở nhận thức của chúng ta về các Bí tích. Một thực trạng mà nhiều người sẽ dễ dàng nhìn thấy, đó là càng ngày người tín hữu càng ít tham dự các Bí tích, dù biết rằng ân sủng mà Bí tích mang lại luôn có tính cứu rỗi.
Không tin con người Chúa Giêsu, không tin Giáo hội của Chúa Giêsu, không tin những việc làm của Chúa Giêsu qua các Bí tích, thì chỉ còn tin vào “cái Tôi” của mình mà thôi. Từ đó dẫn đến những việc mà chúng ta không thể ngờ trong thế giới ngày nay liên quan đến đức tin của chúng ta. Vậy, hãy can đảm để Chúa đi ngang qua, Người sẽ thêm đức tin và củng cố đức tin của các con.
3. Lời chúc ngày khai giảng
Các con thân mến, ngày 05.9 tới đây, cùng với tất cả bạn bè trên mọi miền đất nước, các con sẽ bước vào năm học mới qua tiếng trống khai trường. Trong bầu khí rộn ràng của ngày khai giảng, cha cầu chúc chúng con một năm học mới vui tươi, thân thiện và an lành với nhiều kết quả tốt đẹp. Cùng với lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho giới trẻ Venice tại quảng trường Vương cung thánh đường Đức Maria Phù hộ ngày 28/4/2024 vừa qua: hãy tắt ti vi và mở sách Tin Mừng ra; hãy tắt điện thoại di động mà gặp gỡ tha nhân, cha muốn nói thêm rằng: các con hãy sử dụng điện thoại thông minh một cách khôn ngoan và ích lợi. Các con hãy dùng mạng xã hội một cách văn minh và trách nhiệm.
Chúc mừng tất cả các con trong năm học mới 2024 – 2025.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 8 năm 2024.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2024
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I NĂM 2024
HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I NĂM 2024
(14 – 18/4/2024)
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục đang phục vụ tại 27 giáo phận tại Việt Nam.
Trong Hội nghị lần này, Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón và lắng nghe chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Marek đã chia sẻ về kết quả chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh; những hy vọng về mối quan hệ giữa Toà Thánh và Việt Nam; dự kiến chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh và khả năng viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài cũng cập nhật một số thông tin của Toà Thánh trong thời gian vừa qua và một số thủ tục hành chính cần lưu ý.
Trong Hội nghị, Hội đồng Giám mục đã:
1. Lắng nghe thông tin về các bước chuẩn bị cho kỳ họp Đại hội lần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2024;
2. Phê chuẩn bản dịch Việt ngữ “Các sách Ngôn sứ” theo đề nghị của Ủy ban Kinh Thánh;
3. Thảo luận và định hướng áp dụng “Các Quy tắc đạo đức ứng xử trong mục vụ liên quan đến trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương”;
4. Thiết lập “Tiểu ban Tư vấn Bảo vệ trẻ vị thành niên” trực thuộc Hội đồng Giám mục và trao cho Đức Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Giám mục Giáo phận Nha Trang làm trưởng Tiểu ban;
5. Đề cử Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, làm Viện Trưởng Học viện Công giáo Việt Nam thay cho Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo xin từ nhiệm vì lý do sức khoẻ;
6. Thảo luận và ban hành “Những Quy định về thủ tục Hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội Việt Nam”;
7. Thảo luận và biểu quyết nâng Trung tâm Hành hương kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tại Sở Kiện thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội thành “Trung tâm Hành hương toàn quốc kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam”;
8. Thảo luận về Trung tâm Bồi dưỡng Giáo sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và tuyên ngôn Fiducia Supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin;
9. Lắng nghe chia sẻ về hoạt động của các Uỷ ban Giáo dân, Uỷ ban Mục vụ Di dân, Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, và Văn phòng Đối thoại Liên tôn.
Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, Giáo phận Phan Thiết.
Hội nghị kết thúc trong niềm vui cùng Giáo phận Vĩnh Long khánh thành Trung tâm Mục vụ sáng ngày 18 tháng 4 năm 2024.
Tổng Thư ký
(đã ấn ký)
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Giáo phận Phan Thiết
Các Đức Giám mục Giáo tỉnh Huế
Các Đức Giám mục Giáo tỉnh Sài Gòn
2024
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2024
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2024
Các con thân mến,
Với chủ đề: “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do”, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người nhớ lại cuộc xuất hành vĩ đại của dân Do Thái từ Ai Cập đi về Đất Hứa, vốn là một cuộc hành trình khởi đi từ sáng kiến của lòng nhân lành Chúa. Qua trung gian của Môisen, tình thương Chúa bao bọc, che chở và dẫn dắt đoàn dân này từ kiếp sống nô lệ đến khung trời của tự do, ngang qua một cuộc hành trình đầy cảm xúc và thử thách trong sa mạc.
Mùa Chay cũng chính là một cuộc hành trình thiêng liêng mà chúng ta được mời gọi bước vào bằng một quyết tâm mới, “trong đó sa mạc một lần nữa trở thành – như ngôn sứ Ôsê đã loan báo – nơi của tình yêu ban đầu (x. Os 2,16-17). Thiên Chúa giáo dục dân Người để họ thoát khỏi cảnh nô lệ và trải nghiệm quá trình chuyển đổi từ sự chết sang sự sống”(Sứ điệp Mùa Chay 2024).
Nếu như đích điểm cuối cùng cuộc hành trình trong sa mạc của dân Do Thái năm xưa, là một vùng đất của tự do và hạnh phúc, thì bốn mươi ngày của Mùa Chay thánh hôm nay, nhờ việc nỗ lực thi hành những điều Chúa dạy một cách nhiệt thành, cũng sẽ dẫn đưa chúng ta đến nguồn mạch ân sủng và hy vọng của con cái Chúa. Cùng với lời tạ ơn Chúa vì ân huệ lớn lao này, cha muốn chia sẻ với các con một vài suy nghĩ về Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh.
- Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của thân xác.
Khi nói về sự phục sinh của Chúa Giêsu, ta thường thấy một cụm từ mang tính chất liên kết: Tử Nạn và Phục Sinh. Sự liên kết hai khái niệm này nhằm mô tả tính xác thực và mạnh mẽ về sự sống lại nơi con người của Chúa chúng ta. Bởi vì, không có chết đi thì sẽ không có sống lại, không có sự chết thật thì việc sống lại nơi cùng một con người, chỉ là một sự ngộ nhận nghiêm trọng và đáng trách. Chúng ta cùng quan sát đôi nét về một dữ kiện nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Tảng đá to đã lấp cửa mộ, nó như một dấu chấm hết mà các môn đệ và những người liên hệ đã đặt vào cuộc đời của Chúa Giêsu ngay lúc này. Tảng đá ấy dường như cũng đè nặng trên tất cả niềm hy vọng của mọi người về vị Thầy kính yêu của họ. Thánh sử Matthêu như muốn xác định rõ ràng về cái chết này, khi thuật lại một sự im lặng buồn bã và thất vọng của những người đang làm công việc táng xác Chúa: “Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về” (Mt 27, 59 – 60 ). Ngôi mộ ấy càng trở nên một chứng tích mạnh mẽ cho sự thật về cái chết của Chúa Giêsu, khi nó được chính quyền Rôma hạ lệnh canh giữ cẩn thận. “Ông Phi-la-tô bảo họ:“Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết.” Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27, 65 – 66 ).
Thế nhưng mọi sự đã thay đổi hoàn toàn, bầu khí ảm đạm tiếc nuối trong ngày lễ nghỉ Sabat của những người tin vào Chúa Giêsu lúc ấy, đã nhanh chóng được xóa tan bởi niềm vui Chúa phục sinh vào ngày hôm sau, tức là ngày thứ nhất trong tuần. Chúa đã sống lại từ thân xác đầy thương tích bởi cuộc khổ nạn và đang được canh giữ hết sức cẩn thận vì nhiều lý do. Sự kiện ấy càng trở nên xác thực khi chính những lính canh mồ, là những người đầu tiên chứng kiến sự sống lại này (x. Mt 28, 11 – 15).
- Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống danh dự.
Chúa chúng ta đã toàn thắng trong mọi sự, đã sống lại trong vinh quang. Chúng ta có thể mạnh dạn tuyên xưng như vậy khi dựa vào lời chứng của các tông đồ. Các ngài bảo đảm với chúng ta, không những bằng lời nói, mà còn bằng cả mạng sống rằng:“Chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 41). Vinh quang ấy không nằm ở một ngôi mộ trống vắng, dù là có sự hiện diện của các Thiên thần như Phúc âm đã mô tả, nhưng là nơi Thánh giá của Chúa Kitô. Bài giảng của thánh An-rê, giám mục Cơ-rê-ta đề cao vinh quang này: “Thánh giá nâng Chúa Kitô lên cao, anh em biết đó, điều ấy là do chính Người nói ra: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi. Bạn thấy đó: thánh giá là vinh quang của Chúa Kitô, thánh giá nâng Người lên cao. Ai có thánh giá là có một kho tàng, vì trong đó, nhờ đó mà tất cả điều cốt yếu cho ơn cứu độ chúng ta được tạo lập và phục hồi.” (Trích Bài đọc 2 Kinh Sách, Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/09).
Quả thật, từ biến cố phục sinh này, Thánh giá Chúa Kitô đã trở nên Thánh giá của Chúa chúng ta. Thánh giá ấy đã không còn là hình ảnh của một án phạt đầy sợ hãi, nhưng trở thành biểu tượng của tình thương. Thánh giá ấy đã và đang tiếp tục được dựng lên khắp nơi trên thế giới, để tôn vinh và nhắc nhở về một tình thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người. Thánh giá ấy đang được nhiều người mang theo trên mình như một sức mạnh đáng tin cậy cho cuộc sống của họ. Thánh giá ấy cũng luôn được những ai có lòng tin ghi dấu trên người, khi khởi sự một điều gì đó quan trọng mà họ phải đối diện. Đặc biệt, với các Thánh tử đạo, Thánh giá Chúa là trên hết, là kho tàng lớn nhất mà các ngài phải bảo vệ bằng mọi giá, kể cả việc hy sinh mạng sống của mình. Trong thực tế, chính cây Thánh giá đã nói lên tất cả nhân danh Chúa. Chúa không im lặng: ngôn ngữ của Ngài bây giờ là ngôn ngữ của Thánh giá. Thánh giá đúng thật là niềm tự hào của người Kitô hữu chúng ta, như lời một bài thánh ca quen thuộc: vinh quang của ta là Thánh giá Đức Kitô…nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát.
- Chúa Kitô phục sinh đối với cuộc sống chúng ta.
Điều cha rất muốn các con giữ lại cho đời sống mình trong những ngày mừng lễ Chúa Phục sinh, đó là chúng ta hãy tin tưởng và sẵn sàng để cho Chúa Kitô được sống lại trong cuộc sống hàng ngày của mình. Bởi vì, nếu Chúa chỉ sống lại từ ngôi mộ đá của 20 thế kỷ về trước, mà không sống lại trong niềm tin của con người hôm nay, thì sự kiện ấy sẽ mãi là một câu chuyện của ngày xưa được kể lại; nếu Chúa chỉ trỗi dậy trong chứng từ của những người đương thời, mà không phục sinh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thì dẫu cho ta có nhiều lần tham gia vào các cuộc cử hành mầu nhiệm trọng đại này, điều ấy cũng chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Mùa Chay là thời gian hành động. Với cha, đó thật sự là khoảng thời gian cần thiết và thuận tiện, để chúng ta lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy ngang qua các cử hành phụng vụ, hầu mang lại một sự hoán cải và đổi mới đời sống, để mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, sự hoán cải và đổi mới ấy không được dừng lại khi Mùa Chay kết thúc. Chúng ta hãy mang lấy thành quả này như một con người mới để bước vào những ngày mừng Chúa chúng ta sống lại, đồng thời, hãy kéo dài và nhân rộng nó để làm chứng cho mọi người thấy rằng Chúa cũng đã và đang sống lại trong tôi.
Ước mong rằng, niềm vui mừng Chúa Phục Sinh của chúng ta hôm nay, thúc đẩy thực hành các nhân đức Tin, Cậy và Mến cách siêng năng và sốt sắng. Các Nhân đức này sẽ trải rộng và bao trùm chúng ta trong phụng vụ Thánh lễ, trong các lời cầu nguyện, trong dấn thân phục vụ tha nhân với tâm tình bác ái yêu thương… và một ngày nào đó hy vọng rằng tất cả chúng ta cùng được chiến thắng với Chúa Kitô. Đó cũng là lời chúc mừng Phục Sinh đầy tin tưởng và yêu mến của cha dành cho từng người chúng con.
CHÚC MỪNG LỄ PHỤC SINH 2024
Vĩnh Long, ngày 25 tháng 3 năm 2024.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2024
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG XUÂN GIÁP THÌN
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN GIÁP THÌN
Các con thân mến,
Năm Quý Mão 2023 đã gần kết thúc. Những ngày cuối năm được xem là thời gian để
nhìn lại, tổng kết, nghĩ ngơi và chuẩn bị cho một chu kỳ mới của cuộc sống. Gọi là chu kỳ
mới, vì những ngày tết vẫn luôn là một mốc thời gian đặc biệt để khởi đầu cho rất nhiều cái
mới: năm mới, tuổi mới, quyết tâm mới, hy vọng mới. Cha vẫn luôn nhớ về những câu giáo
lý đã học từ thuở nhỏ: Ơn Chúa là sự sống và sức mạnh Chúa ban cho chúng ta, giúp chúng
ta sống hạnh phúc đời này và đời sau vĩnh cửu. Những lời ấy càng trở nên thuyết phục và
thúc đẩy nơi chúng ta một hành vi thật xứng hợp với Chúa trong những ngày cuối năm này.
Vậy, cùng với Thánh Tông đồ Phaolô, chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì mọi điều đang có trong
cuộc sống mình, đều phát xuất từ lòng nhân lành của Người (x. 1 Cr 15, 10).
Trong văn hóa Việt Nam, tết là khởi đầu cho những ước vọng đến tương lai, nhưng
cũng là dịp để hướng về cội nguồn. Cho nên sau lời tạ ơn Chúa mỗi khi tết đến xuân về, cha
ước mong tất cả các con hãy để ý đến cụm từ đặc biệt này: “thảo kính và biết ơn”. Đây là
một thái độ sống cần và luôn phải có của chúng ta đối với những người có liên quan và trách
nhiệm về sự hiện diện của chúng ta trong trần thế này, trong đó, phải kể đến những hạnh
phúc và những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đón nhận. Thái độ này vừa biểu lộ nét văn minh
và trưởng thành của một con người, nhưng cũng vừa thể hiện đúng với lời dạy của Chúa
dành cho chúng ta trong đời sống đức tin hàng ngày của mình. Giờ đây, dựa trên các ý chỉ
của phụng vụ những ngày lễ tết, cha muốn chia sẻ với các con những đối tượng cụ thể và
quan trọng cho lòng thảo kính và biết ơn của mình.
1. Biết ơn đối với Thiên Chúa
Nếu như phải tìm một từ ngữ nào thích hợp để nói về Chúa, thì Thánh Gioan đã viết:
Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 1,1). Chỉ cần nhìn ở góc độ tạo dựng như một mối liên hệ đầu
tiên với Thiên Chúa, ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Ngài đã yêu thương con người một cách kỳ
diệu hơn hẳn mọi loài mọi vật được tác sinh trong trần thế này (x. St 1, 26 – 27). Tình yêu
ấy càng lúc càng trở nên lớn lao và sâu đậm, được biểu lộ trong từng trang giấy và câu
chuyện của lịch sử cứu độ mà Kinh Thánh đã mô tả lại cho chúng ta. Với từng người trong
chúng ta, nếu khiêm nhường và chân thành nhìn lại cuộc sống, chúng ta sẽ thấy tình yêu của
Chúa đã và đang tiếp tục trải dài và hình thành nên cuộc đời hiện tại của mình, cho nên chỉ
có một việc làm phù hợp nhất để đáp lại lòng nhân từ của Người, đó là chúng ta cám ơn
Chúa. Biết rằng lời cám ơn này phải được thực hiện luôn luôn trong cuộc sống, thế nhưng
với người dân Đất Việt, Tết là một khởi đầu mới, thì việc nhắc lại và thực hành lời tạ ơn ấy
mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Cám tạ Chúa là việc làm không khó lắm, nhưng đòi hỏi
chúng ta phải ý thức và nỗ lực, đó là yêu mến và sống theo lời khuyên dạy của Ngài. Yêu
mến Chúa, yêu mến những người thân thuộc, yêu mến tha nhân, và yêu mến chính bản thân
mình nữa. Chúng ta không được hành hạ hay khinh miệt bất cứ ai vì họ cũng là công trình
tạo dựng của Người. Lòng yêu mến đó phải được cụ thể hóa bằng việc cầu nguyện, san sẻ,
giúp đỡ, đón tiếp, lắng nghe và tha thứ cho nhau.
Kế đến, chúng ta cũng hãy cám ơn Chúa bằng việc thờ phượng Ngài. Sách GLHTCG
số 2096 dạy rằng: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy. Thờ lạy Thiên
Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và
Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Dựa vào sách
Đệ Nhị Luật (Đnl 6,13), Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa
của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4,8)”. Hãy thờ phượng Chúa
bằng một đời sống đạo kiên trì và trung thành với các Thánh lễ ngày Chúa nhật, đó chính là
biểu lộ cao nhất của đức tin, và đó cũng là những cơ hội để lãnh nhận những ơn lành của
Chúa, vốn là rất cần thiết cho đời sống chúng ta.
2. Thảo kính đối với cha mẹ
Cha mẹ chính là phương tiện đẹp nhất và an toàn nhất mà Chúa dùng để đưa chúng ta
vào cuộc đời này. Cha mẹ cũng chính là những người thầy dạy kiến thức và đức tin đầu tiên
cho chúng ta. Để giúp ta có thể cảm nhận được phần nào công đức to lớn này, người xưa đã
sánh ví bằng những hình ảnh mang tính cách biểu tượng trở thành câu ca dao: “Công cha
như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho
tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Văn hóa Việt Nam qua những truyền thống và phong tục
trong ngày Tết, đều nhấn mạnh và tôn vinh các đấng sinh thành, như một việc làm không
thể thiếu được trong cuộc sống con người. Sách GLHTCG đã mở đầu cho điều răn thứ 4 của
Chúa dạy, bằng việc xác định phần thưởng lớn lao dành cho những ai biết thảo kính đối với
cha mẹ. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa
của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).
Vậy, chúng ta phải thực hành việc thảo kính cha mẹ như thế nào ? Nếu các con chỉ
dừng lại những lời chúc tuổi đầu năm, hoặc hơn nữa là những bao lì xì tượng trưng trong
ngày tết cho cha mẹ thôi, thì quả thật là chưa đủ và chưa đúng với lời dạy và của Chúa.
Chúa Giêsu đã không làm như thế. Phúc âm thuật lại là trong gia đình Nagiaret với Đức Mẹ
và Thánh Giuse, “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Sự vâng phục này bao gồm
lòng kính trọng, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ. Cha có thể bảo đảm với các con rằng: trên thế
gian này, không ai thương các con bằng chính cha mẹ, cũng không ai đi với các con trên
đường đời này dài như cha mẹ. Bởi thế, các con hãy bắt chước Chúa Giêsu là người Thầy
Chí Thánh của mình, cố gắng thật nhiều để thực thi giới răn quan trọng này. Yêu mến một
người nào khác, đôi khi chúng ta phải cân nhắc, nhưng đối với cha mẹ, là việc phải thực thi,
vì đó là truyền thống đạo hiếu của người Việt Nam, và Kinh Thánh dạy. Về giới răn nầy,
Thánh Tông Đồ Phaolô khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của
Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời
hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3) (x. Đnl 5,16).
3. Yêu mến đối với quê hương
Hai chữ “Quê hương” có thể gợi lên thật nhanh chóng nơi chúng ta hình ảnh một mảnh
đất thân thương, một ngôi nhà ấm áp, nơi đó có những ký ức tuổi thơ thật đẹp, hay những
láng giềng chân chất thân tình. Trong cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn, Giáo hội gọi đó là
“một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần. Xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận
quá khứ và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành “người thừa tự”, lãnh nhận
“các nén bạc” làm phong phú căn tính của mình và họ phải làm cho chúng tăng thêm hoa
trái. Theo lẽ phải, mỗi người phải tận tâm với các cộng đồng mà mình là thành viên, và
phải tôn trọng các người cầm quyền có nhiệm vụ mưu cầu công ích” (Sách GLHTCG số
1880). Vừa định nghĩa nhưng cũng vừa nhắc nhở một trách nhiệm đầy đủ của một người
con Chúa.
Ngày mùng 1 Tết, chúng ta được kêu gọi Cầu Bình An Năm Mới. Ý chỉ này chứa
đựng lời khuyên của Thánh Phaolô, là “hãy cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả
mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc
nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tim 2, 1-2). Để có bình an, mọi người
phải mạnh khỏe, có nghề nghiệp ổn định, những nhà lãnh đạo quốc gia phải khôn ngoan và
kiên nhẫn trong việc tìm kiếm và dấn thân cho những thiện ích cộng đồng. Vậy, trong
những ước nguyện đầu năm của mình, chúng ta hãy thể hiện lòng yêu mến quê hương qua
việc cầu nguyện cho hòa bình trên đất nước, yên vui trên người dân, khôn ngoan và kiên
định cho những nhà lãnh đạo, để tất cả cùng hướng đến một cuộc sống yên bình, tự do và
hạnh phúc.
Các con thân mến, chúng ta đang đứng trước thềm năm mới 2024 với niên hiệu Giáp
Thìn. Một lần nữa con rồng Đất Việt lại vươn lên, mang theo những ước mong và khát vọng
cho một năm mới nhiều ơn lành và mọi sự tốt đẹp, thế giới không còn chiến tranh, dịch
bệnh, đau khổ và chết chóc. Cha cầu chúc cho các con và gia đình năm mới an vui mạnh
khỏe, dồi dào phước lành của Chúa Xuân, thành đạt trong công việc học tập và rèn luyện
bản thân.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024.
Vĩnh Long, ngày 25 tháng Chạp năm 2023.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo