2023
Tiệc vui
11.2 Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 3:9-24; Tv 90:2,3-4,5-6,12-13; Mc 8:1-10
Tiệc vui
Ngày hôm nay, ta thấy thánh Matcô đã kể lại hành trình giảng dạy và những việc làm của Chúa Giêsu nơi vùng đất của dân ngoại, trong miền thập tỉnh, gần biển hồ Tibêria.
Ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện như vị cứu tinh chữa lành mọi chứng đau bệnh trong dân. Đến địa hạt Tia, Người trừ quỷ cho con gái một người đàn bà Hy Lạp, gốc Phinêxi thuộc xứ Xyri (Mc 7, 24-30). Sau đó qua vùng Xiđon, Người còn chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Tiếng lành đồn xa, đám dân ngoại nghe và chứng kiến nhiều nhiều phép lạ phi thường Chúa Giêsu đã làm thì kéo đến để nghe Người giảng dạy. Họ đi ròng rã suốt ba ngày đàng và chiều hôm ấy, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, dọn một bữa tiệc thịnh soạn giữa đồng vắng đãi bốn ngàn người ăn no nê.
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. So với lần thứ nhất (Mc 6, 30-44), thấy đám đông dân chúng đi theo, các môn đệ xin Chúa Giêsu cho họ giải tán vào làng mạc tìm thức ăn. Đức Giêsu đề nghị các ông hãy cho họ ăn. Sau đó Người dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá thực hiện phép lạ cho 5 ngàn người đàn ông ăn và còn dư 12 thúng đầy.
Phép lạ lần thứ hai xảy ra là do lòng thương của Đức Giêsu khi thấy đám đông đi theo suốt ba ngày mà không có gì ăn. Từ 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho 4 ngàn người ăn no và còn dư 7 giỏ bánh. Trong Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, cho đức ái và ân sủng của Thiên Chúa.
Trong cuộc sáng tạo kỳ diệu, Thiên Chúa đã hoàn tất mọi việc trong sáu ngày và ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Từ đó “số 7” trở thành khuôn mẫu để quy định thời gian làm việc mà chúng ta thường gọi là “một tuần”.Vì thế phép lạ từ 7 chiếc bánh là một bằng chứng sống động cho tình thương của Thiên Chúa. Người không chỉ cho ăn qua cơn đói mà cho cách hào phóng dư thừa suốt chu trình của 7 ngày sống. Người không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất tạm thời mà còn hướng dân chúng đến nguồn lương thực Thần Linh để được sống muôn đời.
Lương thực, ăn uống là nhu cầu sống còn của loài người.Như đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu, nhân loại hôm nay cũng mong muốn một cuộc sống no cơm ấm áo. Tận sâu trong cõi lòng, chúng ta ấp ủ khát vọng một cuộcsống hạnh phúc, công bằng và bác ái. Đáng tiếc chúng ta lại đặt khát vọng ấy nơi vật chất và nơi con người trần gian nên chỉ nhận được nỗi thất vọng ê chề. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có câu trả lời chính đáng cho mọi khát vọng của chúng ta. Người đã thực hiện tất cả vì yêu thương trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người không chỉ cho ăn bánh vật chất mà còn hiến thân mình làm của ăn nuôi của uống cho loài người được sống đời đời.
Con người được ban cho hai món quà vô giá là sự sống và tình yêu. Sự sống là một huyền nhiệm và tình yêu là điều thiêng liêng cao quý. Tình yêu mang đến cho con người sự sống và sự sống duy trì được là nhờ vào tình yêu. Sự sống và tình yêu đều xuất phát từ Thiên Chúa, hay nói cách khác Thiên Chúa là cội nguồn của sự sống và tình yêu. Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người qua cuộc sáng tạo kỳ diệu để trao ban sự sống cho muôn vật muôn loài. Sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêunhiệm mầu của Thiên Chúa.
Hẳn ta còn nhớ trong thư thứ nhất, thánh sử Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16). Chân lý này được mặc khải nhiều lần cho dân Chúa. Tình yêu Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với dân Israeltrong mọi biến cố. Tình yêu ấy được cụ thể hóa và thành toàn viên mãn nơi Đức Giêsu, một tình yêu đã hiến dâng đã cho đi đến giọt máu cuối cùng. Tình yêu ấy biểu lộ nơi trái tim từ ái của Chúa Giêsu, một trái tim tỏa ra ngọn lửa nồng ấm thiêu đốt mọi thứ yếu hèn của loài người. Trái tim ấy đã mở ra ôm ấp những tâm hồn đau khổ, xoa dịu mọi vết thương và tha thứ mọi tội lỗi. Chỉ có Thiên Chúa mới thấu hiểu mọi nỗi khổ đau phiền lụy của kiếp người, chỉ có tình yêu mới làm cho con người được sống và sống dồi dào sung mãn.
Không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu, một tình yêu được ký kết bằng máu và mạng sống. Lời khẳng định ấy mở ra cho loài người tia hy vọng sau những tháng ngày đi hoang. Tình yêu có một mãnh lực kỳ diệu không chịu khuất phục trướcmột thế lực nào. Biết bao lần loài người đã phản bội, lãng quên lời giao ước để rồi chuốc lấy những đổ vỡ và đắng cay, chuốc lấy những ly tan và chết chóc. Tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa đã xóa nhòa tất cả, cho chúng ta tận hưởng hạnh phúc đích thực. Nơi Chúa Giêsu, hạnh phúc vượt lên các giá trị trần gian, vượt qua những bãi bờ thác ghềnh danh vọng và quyền lực. Hạnh phúc đó được ấp ủ và dưỡng nuôi trong hạnh phúc lớn lao của người Thiên Chúa Cha – Đấng giàu lòng thương xót. Hạnh phúc ấy được kết tinh trong Người Con duy nhất, trở thành hy tế sống động dâng lên Thiên Chúa Cha.
Với con mắt đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa hằng tuôn đổ ân phúc của Người ngay cả lúc chúng ta gặp đau khổ thất bại và mang đầy những lầm lỗi. Vì thế hạnh phúc chính là nhận ra những giới hạn của thân phận con người trước tình thương vô biên của Thiên Chúa. Như bản tình ca được kết dệt bởi những nốt trầm bổng, hạnh phúc không chỉ là lúc chúng ta nhận được nhiều điều may lành nhưng cũng là lúc chúng ta dám cho đi, dám trao tặng, dám hao mòn vì tình yêu; không chỉ là lúc chúng ta sum họp mà cả những lúc chia xa đổ vỡ. Tất cả là hồng ân, không có gì của con người nằm ngoài bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Bao lâu sống xa Thiên Chúa là chúng ta phải gánh chịu nỗi bất hạnh. Chỉ phút giây nào chúng ta còn sống trong ân sủng của Thiên Chúa đó là chúng ta đang có hạnh phúc đích thực. Nói như thánh Augustinô “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên trái tim con cho Chúa, linh hồn con còn mãi khắc khoải cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa”.
Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương đám đông dân chúng, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cũng được mời gọi “cảm thương” trước nhu cầu của tha nhân. Xung quanh chúng ta còn biết bao người đang chịu cảnh thiếu thốn về của ăn vật chất, thiếu công bằng bác ái. Ước gì chúng ta biết trao cho nhau một cử chỉ yêu thương, một ánh mắt thân thiện, một câu nói cảm thông thể hiện tinh thần Phúc Âm, cho tình thương Chúa thẫm đẫm mọi sinh hoạt của đời sống chúng ta.
2023
Hãy mở ra
10.2 Thứ Sáu
Thánh Scholastica, Đt
St 3:1-8; Tv 32:1-2,5,6,7; Mc 7:31-37
Hãy mở ra
Thánh Scolastica và thánh Bênêđitô là hai anh em sinh đôi. Người là em ruột của thánh Biển Đức (Bênêđitô). Hai anh em thánh Scolastica được sinh ra trong một gia đình thánh thiện, quảng đại và bác ái, giàu sang miền Norcia. Hai anh em vừa mở mắt chào đời được mấy tháng đã vội mồ côi mẹ. Hai anh em chỉ biết sống nương nhờ vào tình thương ấp ủ của người cha hiền từ, đạo đức.
Trong cảnh gà trống nuôi con, ông Eurôpiô càng tỏ ra là người cha nhân từ, luôn yêu thương con cái với một tấm lòng rộng mở bao la để bù đắp những thiếu thốn của tình mẫu tử. Lớn lên, hai anh em thánh Scolastica và Biển Đức được cha yêu thương cho đến trường học . Hai thánh nhân đã hết mực yêu thương nhau, khuyên nhủ nhau học hành đến nơi đến chốn để không phụ lòng người cha đã hết mình yêu thương các ngài. Hai thánh nhân luôn bắt chước gương nhân đức của cha mình, lòng yêu mến Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí của các ngài. Khi thành đạt, hai anh em lại chung một chí hướng tận hiến mình cho Chúa để phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn.
Thánh Biển Đức (Bênêđitô) đã lập Dòng, em của Ngài là thánh nữ Scolastica cũng sáng lập Dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Ðối Thoại của thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Bênêđitô ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Bênêđitô từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Bênêđitô và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Bênêđitô kêu lên, “Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?” Thánh Scholastica trả lời, “Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời.”
Ba ngày sau, khi thánh Bênêđitô cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Bênêđitô sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu thánh Bênêđitô cũng từ giã cõi đời.
Thánh Scholastica và Bênêđitô đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
Sau khi Chúa Giêsu bị dân Nadarét loại trừ (6,1-6a), các môn đệ được sai đi rao giảng sự sám hối và trừ quỷ (6,7-13). Nhưng khi Người đề nghị cho đám đông ăn (6,37), thì các môn đệ sửng sốt, cũng ý như khi họ thấy Người đi trên mặt biển (6,51). Những người nghe đọc Tin Mừng có nắm được tương quan giữa khả năng đi trên mặt nước và khả năng nuôi sống đám đông chăng? Việc Chúa Giêsu đi vào vùng Dân ngoại, tại đó Người đã chữa con gái một bà gốc Phênixi xứ Xyri (7,24-30) và chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37) cũng như hóa bánh nhiều lần thứ hai (8,1-10) hẳn là khích lệ các độc giả gốc Dân ngoại nhiều.
Giai thoại Chúa Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng này có thể được coi như một dụ ngôn nói về biết bao hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật của chúng ta hôm nay. Đây là những hoàn cảnh ngặt nghèo khiến chúng ta ở xa rất nhiều “điều”, nhưng đồng thời lại cho chúng ta gặp được Chúa tể sự sống. Khi đó, đã được tháo cởi tai và miệng, chúng ta có thể nói: “Ngài làm điều gì cũng tốt cả”, với sự kinh ngạc thấm đẫm tâm tình biết ơn.
Khi Chúa Giêsu nói “hãy mở ra”, tai anh ta mở ra lập tức và “anh ta nói được rõ ràng”. Chúa Giêsu nói ra và điều ấy xảy ra. Hôm nay Đức Giêsu cũng nói Lời Người trên chúng ta, “Hãy mở ra!”. Với đôi tai đã được mở ra, chúng ta không những lãnh nhận lời Người, mà lòng chúng ta cũng được mở ra để đón lấy nữa. Nghe Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta.
“Hãy mở ra!”. Những lời này mở chúng ta ra với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Những lời đó cũng mở ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, từng ngày, trong các liên hệ giữa chúng ta và các loài thọ tạo. Đó chẳng phải là một bí nhiệm sao: một người trông thấy và nghe được Thiên Chúa trong những biến cố nhỏ bé, thậm chí không đáng kể thuộc đời sống hằng ngày?
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa, chính Ngài là lương thực mang lại sự sống đích thực cho chúng ta. Xin cho sự sống ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa và không ngừng yêu thương, liên đới, chia sẻ với mọi người xung quanh.
2023
Ơn cứu dộ đến với muôn người
9.2 Thứ Năm Thứ Năm trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 2:18-25; Tv 128:1-2,3,4-5; Mc 7:24-30
Ơn cứu dộ đến với muôn người
Ta thấy Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.
Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Trong Kinh Thánh có nhắc đến một số người phụ nữ nhưng không có tên cụ thể như người phụ nữ còng lưng, người phụ nữ bị bệnh loạn huyết, và hôm nay thánh Maccô đề cập đến người phụ nữ Hy Lạp gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Mặc dù không nêu rõ tên tuổi nhưng người phụ nữ này được xem là nhân vật điển hình của những phụ nữ thuộc dân ngoại sống ngoài vùng Galilê. Không phải vô tình mà tác giả Tin Mừng nêu rõ nơi xuất thân của người phụ nữ nhưng là để nhấn mạnh đến niềm tin mãnh liệt của người đàn bà ngoại giáo trước quyền năng và tình thương của Chúa Giêsu.
Tin Mừng thuật lại, khi đến địa hạt Tia, Chúa Giêsu có ý đi âm thầm không muốn cho dân chúng biết. Có thể Người đến đó để nghỉ ngơi hay để tránh đụng độ với nhóm Pharisêu? Điều đó không quan trọng đối với một người đàn bà xứ Canaan. Bởi lẽ bà đã được niềm tin thúc đẩy và dẫn dắt bằng mọi giá đến để gặp Chúa Giêsu. Bà đau xót với đứa con gái nhỏ đang bị một thứ quỷ hành hạ thân xác và tâm hồn. Bất chấp tất cả mọi cản trở về văn hóa, luật lệ, tôn giáo và cả sự khinh miệt của những người Do Thái, bà đã đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu để nài xin ơn chữa lành. Chúa Giêsu kiên quyết từ chối với lý do vì Người chỉ được sai đến với con cái Israel, còn bà là dân ngoại: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.
Từ thời Cựu Ước, dân Israel luôn nguyền rủa và ghẻ lạnh đám dân Canaan vì họ thờ ngẫu tượng. Người Do Thái có ác cảm với người Canaan và gọi họ là “chó” nên không xứng đáng nhận được những thức ăn ở trên bàn, thậm chí cả bánh vụn. Bất chấp thái độ khinh miệt của người Do Thái, người đàn bà khiêm tốn thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ”. Câu trả lời của bà làm thay đổi tình thế và thái độ nơi Chúa Giêsu. Chứng kiến một người đàn bà có niềm tin mạnh mẽ nên Chúa Giêsu đã phải thay đổi thái độ và nói: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”.
Phép lạ này mang hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, vì người đàn bà có lòng tin mạnh mẽ mà Chúa Giêsu đã chữa con bà khỏi quỷ ám. Bà xứng đáng được hưởng ân huệ như con cái trong nhà hơn là một người khách xa lạ.
Thứ hai, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giêsu chứng tỏ cho dân chúng biết sứ vụ cứu độ của Người vượt ra ngoài khuôn khổ và địa giới của dân tộc Do Thái đầy với vẻ tự mãn. Người cũng hướng đến chiều kích phổ quát của sứ mệnh truyền giáo là phải ra đi đến với muôn dân, đặc biệt những người chưa được nghe Tin Mừng, những người nghèo, người đau khổ, bệnh tật và người tội lỗi. Từ đây ơn cứu độ không phải là đặc quyền đặc lợi cho một số người được tuyển chọn mà là những người thực sự khát khao tin tưởng.
Người đàn bà hết lòng thương đứa con gái bé nhỏ nên đã không sợ hãi điều gì, bà can đảm xin Chúa Giêsu thực hiện một điều truyền thống Do Thái không cho phép và bà đã được toại nguyện. Chính niềm tin vững mạnh và lòng mến chân thành của người đàn bà đã mở được cánh cửa sự sống cho con gái bà. Thiên Chúa là Cha nhân từ còn yêu thương con người nhiều hơn gấp bội tình thương của người bà dành cho đứa con gái bị quỷ ám. Thiên Chúa biết rõ chúng con đang bị nhiều thứ quỷ hành hạ. Đó là thứ quỷ của sự gian dối, của thói lam tham ích kỷ, thứ quỷ của đam mê dục vọng và những sự thế gian.
Cuộc sống hôm nay còn nhiều những thứ quỷ cần phải loại trừ, nó được ngụy trang khéo léo bằng những hành vi đạo đức giả, bằng những lời nói ngọt ngào xảo trá. Đừng ngần ngại chạy đến với Chúa Giêsu để được chữa lành, được tha thứ và được yêu thương. Biết bao những vấn đề đổ vỡ trong gia đình cần được cảm thông và thấu hiểu. Những biết những trẻ em vô tội bị lạm dụng, bị giam hãm bởi sự ích kỷ của cha mẹ và những người có trách nhiệm.
Lòng thương xót của Chúa Giêsu không biên giới, không phân biệt, không loại trừ. Người đến để thực hiện sứ mạng quy tụ các con chiên tản mát ở khắp nơi về hợp một đoàn. Người đến không phải để phá hủy nhưng để kiện toàn, không phải để chia cách nhưng để nối lại những tương giao, tìm kiếm những gì đã hư mất, băng bó những vết thương.
Lời Chúa hôm nay khơi lên trong chúng ta thái độ phải có khi loan báo Tin Mừng. Đừng khép mình trong tháp ngà của sự an toàn tiện nghi nơi gia đình hay giáo xứ. Hãy ra khỏi biên giới của sự hẹp hòi ích kỷ để đến với con người, đặc biệt những ai bé nhỏ nghèo hèn.
2023
CÁI BÊN TRONG VÀ CÁI BÊN NGOÀI
8.2 Thứ Tư Thứ Tư trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 2:5-9,15-17; Tv 104:1-2,27-28,29-30; Mc 7:14-23
CÁI BÊN TRONG VÀ CÁI BÊN NGOÀI
Sau những tranh luận khá gay gắt với những người Pharisêu và một số kinh sư về vấn đề sạch dơ trong trình thuật Tin Mừng hôm qua. Lời Chúa hôm nay tiếp tục đề cập đến cái sạcha dơ như một nối tiếp của bản văn Tin mừng hôm qua nhưng theo một chiều hướng khác, đó là cái bên trong và cái bên ngoài.
Trước hết, phải nhìn nhận rằng cả Chúa Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác.
Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu gốc Do thái ở điểm này.
Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt người khác.
Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế.
Như vậy, khi trả lời cho câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm địa ấy.
Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta chỉ quan sát được cái bên ngoài, còn cái bên trong thì ta không thể quan sát hay cảm nhận được bằng các giác quan. Vì vậy, cái bên ngoài và cái bên trong có nhiều điều để nói. Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. Sau đó Chúa Giêsu còn giải thích cho các môn đệ hiểu rõ những lời dạy của Ngài. Thật vậy, cái có thể làm cho con người ra ô uế không phải cái từ bên ngoài mà chính là những cái phát xuất từ bên trong như ghen ghét, lười biếng, trộm cắp, gian dâm, xảo trá, kiêu ngạo… Đó là những cái từ trong lòng xuất phát ra. Nó làm cho con người ta ra dơ bẩn.
Tội lỗi thường phát xuất từ lòng con người, nó làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha nhân. Bởi vậy, người ta thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy”, khi chúng ta nghĩ điều gì, ấp ủ điều gì trong lòng chúng ta dễ dàng hành động theo cái chúng ta suy nghĩ. Khi mình yêu mến ai, nghĩ tốt cho ai mình thường đối xử với người đó một cách dễ dãi, xuề xoà hay có một tương quan khá dễ chịu. Ngược lại, khi ta ác cảm với ai ta thường hay bắt bẻ, so đo, tính toán với người đó.
Vì vậy, tội lỗi thường xuất phát từ lòng người, đó là cái bên trong làm cho con người ra dơ bẩn. Đó cũng là cái bên trong mà Đức Giêsu muốn nói đến, cái bên trong hay chúng ta còn gọi là “cái tâm”. Cái tâm tốt thì con người tốt và ngược lại cái tâm xấu làm cho con người cũng có những hành động xấu. Là những người Kitô hữu, chúng ta cần phải “tu tâm dưỡng tính” để ta luôn xuất ra bên ngoài những hành động tốt, đầy tình yêu thương. Cái dơ bẩn bên ngoài thì dễ tẩy rửa, nhưng nếu tâm hồn ta hoen ố vì tội lỗi, vì những đó kỵ, những tị hiềm thì ta khó có thể sửa đổi ngay được.
Đôi khi chúng ta chỉ vì những cái lợi nho nhỏ mà làm mất chính mình, làm mất những tương quan tốt đẹp trong đời sống của mình. Sống trong nền kinh tế thị trường hôm nay, người ta thường đặt lợi nhuận lên hang đầu. người ta tìm mọi cách để trục lợi, bất chấp những luân thường đạo lý. Vì thế người ta thường sống trong nghi kỵ, không còn tin vào người khác
Nhóm biệt phái thời Đức Giêsu là nhóm chuyên để ý soi mói, lên án và trách móc người khác. Trong khi chính họ lại không quy hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa mà luôn ảo tưởng, tự mãn với cái đạo đức giả hình của mình. Vì vậy họ thường tìm cách bắt bẻ người khác, chú tâm đến những luật lệ bên ngoài còn chính họ, họ lại không “tu tâm” để chính họ được sạch và bình an. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo chúng ta về những ảnh hưởng của thế gian. Chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng của mình để tất cả những hành động, lời nói của chúng ta là những điều tích cực, mang lại niềm vui và bình an cho người khác.
Chúng ta thường đánh giá con người qua những gì quan sát được bên ngoài. Đôi khi cái bên ngoài trông rất tầm thường nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tang vô giá ta không thấy được bằng quan sát bên ngoài mà ta chỉ có thể thấy được bằng cái tâm của mình. Do đó chúng ta cần phải điều chỉnh lại bằng cách xin Chúa giúp cho chúng ta có được cái nhìn thiện cảm về tha nhân để chúng ta biết nhìn sự thật nơi chính mình và luôn thể hiện những điều tốt đẹp qua cuộc sống của mình như những gì Chúa muốn dạy chúng ta.
Mang danh là Kitô hữu, từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Kitô vì vậy chúng ta phải nên gương mẫu về đời sống đạo đức, sống thật với con người của mình từ bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta cần quy hướng về Chúa để mọi hành động và lời nói của ta luôn xuất phát từ một cái tâm ngay thẳng chứ không phải là những lời nói, hành động gây đau khổ cho người khác