2020
Thập giá và chọn lựa của người Kitô hữu
Thứ Ba tuần V MC
Ga 8, 21-30
THẬP GIÁ VÀ SỰ CHỌN LỰA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Trong sa mạc Dân Do thái đã nổi loạn chống lại Môsê và xúc phạm đến Thiên Chúa. Chẳng những họ đã vô ơn, không nhận biết ơn huệ Chúa cứu họ ra khỏi Ai cập mà còn phiền trách Người. Việc một số người phản loạn bị rắn độc cắn làm cho họ thức tỉnh về lỗi phạm của mình và nài xin lòng thương xót thứ tha của Chúa. Hình ảnh con rắn đồng được treo lên để cứu chữa những người phản loạn này tiên báo cái chết của Chúa trên thập giá mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Chúa Giêsu đã tự mạc khải Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Con rắn bằng đồng được Mô-sê giương cao lên trong sa mạc là dấu hiệu chữa lành cho những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Chúa Giêsu nhận hình ảnh đó ứng nghiệm vào mình để nói lên rằng Ngài nhất thiết phải chịu tử nạn mới thi triển được hết mức quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và mới có thể triệt tận căn nọc độc của tội lỗi. Nếu như chỉ trên cây thập giá Chúa Giêsu mới tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, thì cũng chỉ khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người mới được ơn cứu độ.
Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu thật: không chỉ là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’, mà còn là ‘vô thủy vô chung’ và là nguồn tác sinh vạn vật. Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa. Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu nói việc ra đi của mình và nói rằng sẽ đi đến nơi mà người Biệt Phái không thể tới được. “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông”. Họ sẽ đi tìm Chúa Giêsu, nhưng sẽ không tìm thấy Người, bởi vì họ không biết Người và sẽ đi tìm Người với các tiêu chuẩn sai lệch. Họ sống trong tội lỗi và sẽ chết trong tội lỗi. Sống trong tội lỗi là sống xa rời Thiên Chúa. Họ tưởng tượng Thiên Chúa theo một cách nào đó, nhưng Thiên Chúa thì khác với những gì họ tưởng tượng. Đây là lý do mà họ không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.
Người Biệt Phái đã không hiểu rằng Chúa Giêsu, trong mọi điều Người nói và làm, là sự biểu hiện của Chúa Cha. Họ sẽ hiểu được điều ấy chỉ sau khi Con Người bị đưa lên cao. “Khi ấy các ông sẽ biết TA là ai”. Từ ngữ ‘được đưa lên’ có nghĩa kép, bị treo lên trên Thập Giá và được nâng lên bên hữu Chúa Cha. Tin Mừng về cái chết và sự sống lại mặc khải Chúa Giêsu là ai, và họ sẽ biết rằng Chúa Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Nền tảng của điều chắc chắn này của đức tin chúng ta có hai mặt: một mặt, điều chắc chắn rằng Chúa Cha luôn ở với Chúa Giêsu và Người không bao giờ một mình, và mặt khác, sự vâng phục triệt để và hoàn toàn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trở thành một sự cởi mở hoàn toàn và minh bạch toàn diện của Chúa Cha đối với chúng ta.
Như vậy, khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ
Trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu, Thiên Chúa đã chọn cứu độ con người bằng con đường đau khổ. Cái chết đau thương của Con Thiên Chúa trên Thập giá mang lại ơn chữa lành và tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Để đón nhận ơn cứu độ, mỗi người cần khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và thành tâm xin lòng thương xót Chúa.
Thập giá của Chúa Giêsu mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!
2020
Đừng phạm tội nữa
Thứ Hai tuần V MC
Ga 9, 1-11
ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA
Trang Tin Mừng hôm nay chứa một truyền thống Tin Mừng về cuộc sống công khai của Đức Giêsu: cách thức xử sự của các người tố cáo được các đoạn khác của Tom Mi8m2h làm chứng; thái độ quen thuộc của Chúa Giêsu khi đối diện với Luật Môsê, và sự tha thứ Người ban cho những kẻ tội lỗi. Do đó, ta không thể hoài nghi về sử tính của bản văn. Đàng khác, từ vựng cũng như xu hướng thần học khiến ta nghĩ rằng đây là công trình của tác giả Luca. Chính vì thế, có một loạt thủ bản chép đoạn văn này vào sau Lc 21,38.
Người ta cũng đoán lý do khiến bản văn này không thuộc về các Tin Mừng ngay từ đầu: rất có thể lý do mạnh nhất, đó là khó mà dung hòa sự tha thứ quá trọn vẹn Chúa Giêsu ban cho người phụ nữ với việc đền tội nghiêm khắc mà Hội Thánh sơ khai quy định cho tội ngoại tình.
Theo luật người Do Thái như được trình bày trong sách Lêvi 2,10 thì bất cứ ai phạm tội ngoại tình với một người phụ nữ đã có chồng và bất cứ ai phạm tội ngoại tình với vợ của người khác, thì cả người đàn bà ngoại tình và người đàn ông đó đều bị tử hình. Tuy nhiên về sau trong chiều hướng kỳ thị phụ nữ, người ta bóp méo luật pháp và chỉ ném đá trước người đàn bà ngoại tình, còn người nam ngoại tình thì không bị hình phạt nào cả hoặc chỉ bị phạt một số tiền tượng trưng.
Chúa Giêsu không đồng ý bất kỳ ai sử dụng Lề Luật của Thiên Chúa để kết án người anh em hay người chị em khi một người kết án thì bản thân họ cũng là một tội nhân. Sự kiện này, tuyệt vời hơn bất kỳ bài giảng nào khác, mạc khải rằng Chúa Giêusu là ánh sáng khiến cho sự thật được toả rạng. Ngài mở ra những gì đang tồn tại trong sâu kín của mọi người, trong sự sâu thẳm nhất của mỗi người chúng ta.
Trong ánh sáng của lời Ngài, những ai xem ra là người bảo vệ lề luật thì bộc lộ mình đầy tội lội và họ tự nhận thấy điều đó, và họ bỏ đi, bắt đầu từ người lớn tuổi. Và người phụ nữ được xem là tội lỗi và đáng phải chết, vẫn đứng trước Thiên Chúa, được miễn tội, được cứu chuộc và được phục hồi phẩm giá của mình (Ga 3,19-21).
Những người pharisêu và kinh sư biết rằng, Chúa Giêsu thương yêu các tội nhân và họ cũng yêu thương Người. Họ vì giao du với người tội lỗi. “Ông ấy ăn uống với người tội lỗi”. Thực sự, vụ xét xử người đàn bà ngoại tình chỉ là cớ để họ lên án Chúa Giêsu, để họ gài bẫy Người. Nếu người lên án tử hình người đàn bà này, Ngài sẽ xoá bỏ hình ảnh xót thương mà Người đã để lại trong tâm trí kẻ tội lỗi: Nhờ đó, Người được quần chúng mến phục, vì tình yêu, vì sự tốt lành của Người. Nếu người tha bổng người đàn bà tội lỗi này, Người sẽ vi phạm luật Chúa, và cổ thể bị tử hình vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã cấm phạm tội này. Như vậy, đây là “vụ xử án của Chúa Giêsu” đang diễn ra sau vụ xử án người đàn bà này.
Trong một lúc lâu im lặng, người đàn bà cũng có thời giờ suy nghĩ vì tội lỗi của mình. Nhiều điều đang diễn ra trong đầu óc của Chị. Có thể chị đã không bao giờ thực sự nhận ra tính nặng nề của tội chị phạm? Nhưng tình yêu xót thương của Thiên Chúa, “không lên án” chị, sẽ phút chốc mạc khải cho chị biết thế nào là tình yêu thực sự. Giờ chị đang nhìn Chúa Giêsu. Ngài là một con người nhân hậu. Có lẽ chị ta đang khóc … Chị ta đã thoát chết … Chị không còn là người “ngoại tình” nữa. Chị ta đã được thanh tẩy.
Ta suy niệm về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ sẽ bị ném đá. Bởi vì lời giảng và cách hành động của Chúa Giêsu đã gây phiền và gây rối cho những nhà cầm quyền tôn giáo. Do bởi điều này, mà họ đã thử, bằng mọi cách có thể, để tố cáo Ngài và để loại trừ Ngài.
Do đó, họ đã mang đến trước mặt Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Dưới bề mặt của sự trung thành đối với Lề Luật, họ dùng người phụ nữ này để tạo ra một cuộc tranh luận để chống lại Chúa Giêsu. Cũng thế ngày nay, dưới bề mặt của sự trung thành dành cho những Luật của Hội Thánh, mà nhiều người đã bị cho ra ngoài lề. Những người ly hôn, gái mại dâm, người bệnh AIDS, những người mẹ đơn chiếc (Single mom), những người đồng tính…
Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy đây là một giai thoại thật tuyệt vời để diễn tả sâu sắc chương trình và cách thức Thiên Chúa cứu độ loài người. Cả những kẻ tố cáo cũng như người phụ nữ bị tố cáo đều trải nghiệm nơi Chúa Giêsu lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Những người tố cáo thì hiểu rằng chính họ cũng cần đến lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, nên họ không được cư xử cách tự phụ và thiếu lòng từ bi với người thân cận. Người phụ nữ đã được Chúa Giêsu cứu thoát khi bà rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm và qua Chúa Giêsu, đã trải nghiệm được ơn tha thứ từ bi của Thiên Chúa. Hẳn là những người chứng kiến sự cố hôm ấy có thêm một lý chứng để xác tín về giáo lý cứu độ của Chúa Giêsu.
Cử chỉ của Chúa Giêsu trong trường hợp Tin Mừng trên đây gọi là cách mạng đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó. Ngài bênh vực người yếu và phân trần sự bất công của người phụ nữ phải chịu, cũng như thái độ giả hình của những kẻ muốn trừng phạt người phụ nữ tội lỗi. Trong chiều hướng đó, đoạn Tin Mừng này vẫn giữ được tính cách đặc biệt thời sự ngày nay.
“Đừng phạm tội nữa”. Tạ ơn Chúa! Chúa là Đấng không bao giờ giam hãm chúng con trong quá khứ. Đứng tước người này người nọ mà chúng con thường nói tới. “Không thể làm gì cho hắn được nữa … Tôi đã thử hết cách rồi …Đành chịu thôi … ” Thì chắc Chúa sẽ dừng lại trước con người đó với lòng tin cậy, Chúa sẽ thương yêu người đó với thái độ trìu mến, Chúa sẽ nhìn họ với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ, đến nỗi có thể làm phát sinh trong họ một trái tim mới. Vậy Chúa là ai mà yêu thương chúng con như thế? Là Đấng vô cùng cao cả, là Đấng rất dễ bị tổn thương, là Đấng hết sức nghèo nàn ư? Chúa là tình yêu vô biên. Chúa là tình Yêu!