2022
Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Đức cha François Pallu
Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Đức cha François Pallu
KINH XIN ƠN
NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU
CỦA ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU (PA-LUY)
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng dẫn đưa chúng con tới nguồn ơn cứu độ đầy tràn. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Đức Cha Pa-luy (Pallu)/ vị thừa sai đầy lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh tại Á Châu, bằng nỗ lực tạo nhịp cầu nối kết yêu thương trong Hội Thánh Chúa Kitô. Nhờ công khó nhọc của ngài mà cha ông chúng con đã được ơn đón nhận đức tin tinh truyền, và chúng con vẫn đang được hưởng nhờ muôn ơn lành từ kho tàng đức tin tông truyền quý giá này.
Chúng con nài xin Chúa ban cho Đức Cha Pa-luy được vinh hiển trong hàng ngũ các thánh, để những đức tính cao đẹp của ngài tỏa chiếu rạng ngời vinh quang Chúa, và soi sáng cho đời sống của mọi thành phần Dân Chúa, nhờ đó mọi người chúng con biết noi gương các nhân đức của ngài mà cùng nhau xây dựng Hội Thánh Chúa, và hăng say loan báo Tin Mừng.
Giờ đây chúng con cậy nhờ công phúc của Đức Cha Pa-luy, xin Chúa ban cho (chúng) con ơn này (nêu những ơn cần xin).
Chúng con cảm tạ ngợi khen Chúa, là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót, Đấng duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen
Imprimatur
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2022
(đã ấn ký)
+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội
(Được HĐGM Việt Nam uỷ nhiệm)
Lưu ý: Nếu Quý vị nhận được ơn lành do lời chuyển cầu của Đức Cha François Pallu, xin vui lòng báo cho chúng tôi qua email: onlanhdcpallu@gmail.com hoặc địa chỉ: Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, 40 Nhà Chung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xin chân thành cám ơn.
2022
Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Đức cha Lambert
Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Đức cha Lambert
KINH XIN ƠN
NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU
CỦA ĐỨC CHA LAMBERT
Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, chúng con cảm tạ Cha đã dùng ánh sáng Thánh Linh/ hướng dẫn Đức Cha Lambert thực hiện công cuộc truyền giáo / và tổ chức đời sống Giáo hội tại những miền đất Á châu/ trên nền tảng vững chắc là hàng giáo sĩ địa phương, các nữ tu bản xứ và những giáo dân nhiệt thành / để làm điểm tựa cho dân thánh trong thời quẫn bách cũng như an bình.
Xin Cha cho chúng con biết noi gương ngài / yêu mến Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh / và hy sinh phục vụ để góp phần cứu rỗi anh chị em đồng loại.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Cha Lambert, với sự bảo trợ của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse / xin Cha ban cho chúng con ơn mà chúng con đang tha thiết khẩn nguyện….
Chúng con cầu xin Cha, với niềm tin tưởng ngài sớm được tôn phong trong hàng ngũ các Thánh, để tôn vinh tình thương và quyền năng của Cha nơi các dân tộc, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Imprimatur
Sài Gòn, ngày 01/06/2022
(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn
Lưu ý: Nếu Quý vị nhận được ơn lành do lời chuyển cầu của Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, xin vui lòng báo cho Văn phòng thu thập chứng từ được thiết đặt tại Nhà truyền thống Trung tâm mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, số 6 Bis, Tôn Đức Thắng, quận I, TPHCM, hoặc qua số điện thoại: 0901.419.620, và email: lambertvn1624@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!
2022
Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam tuyên bố khai mạc Giải bóng đá giáo sĩ toàn quốc 2022
Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam tuyên bố khai mạc Giải bóng đá giáo sĩ toàn quốc 2022
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
TUYÊN BỐ KHAI MẠC
GIẢI BÓNG ĐÁ GIÁO SĨ TOÀN QUỐC – HIỆP HÀNH CÚP 2022
Ngày 28/07/2022, tại Sân vận động Tây Lộc, Thành phố Huế, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã có bài phát biểu chính thức khai mạc Giải bóng đá giáo sĩ toàn quốc – Cúp Hiệp Hành 2022. Trong bài phát biểu, ngài nêu lên ý nghĩa đích thực của giải đấu là muốn phát đi một thông điệp và một ước mơ: “thông điệp của tình đại đoàn kết không biên giới; ước mơ về một viễn ảnh tương lai đồng bào Việt Nam gắn kết với nhau keo sơn hơn, huynh đệ hơn và chan hoà hơn.” Sau đây là bài phát biểu của ngài.
Kính thưa các vị khách quý
Kính thưa toàn thể vận động trường
Lời chào và lời cám ơn trân trọng đầu tiên, chúng tôi xin được gửi đến Ông Võ lê Nhật, chủ tịch UBND Thành phố Huế, đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành chức năng, đặc biệt là Trung Tâm Văn Hoá & Thông tin và thể thao trong thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Toà Tổng Giám mục Huế có thể tổ chức trận đấu đặc biệt trên sân vận động Tây Lộc này.
Chúng tôi cũng xin kính chào và cám ơn sự chiếu cố đầy tình nghĩa của các vị khách quý:
Về phía Giáo Hội, chúng con kính chào Đức Cha Giuse Đặng đức Ngân, giám mục Giáo phận Đà Nẵng, chủ tịch Uỷ Ban Văn Hoá trực thuộc HĐGMVN, quý cha Tổng đại diện, quý bề trên Dòng tu, quý linh mục, nam nữ tu sĩ và bà con giáo dân trong cũng như ngoài giáo phận.
Về phía xã hội, chúng tôi trân trọng kính chào Đại tá Nguyễn thanh Tuấn, Giám đốc và Đại tá Lê văn Vũ Phó Giám đốc Sở Công An Thừa Thiên Huế, quý đại biểu lãnh đạo và cơ quan ban ngành chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế và phường Tây Lộc. Xin cám ơn quý vị, vì tình nghĩa và tình liên đới đại đồng xã hội, đã đến đây chia sẻ niềm vui của tổng giáo phận công giáo Huế.
Xin gửi lời chào thân ái đến đại diện của 20 đội thi đấu từ mọi nẻo đường đất nước đang có mặt để tham dự trận đấu khai mạc chiều nay.
Xin kính chào toàn thể khán thính giả không có điều kiện về tham gia trực tiếp, nhưng đang theo dõi trận đấu này trực tuyến qua các phương tiện truyền thông.
Kính thưa quý vị.
Theo truyền thống từ năm 1965, cứ ba năm một lần, Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh, gọi là THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI. Thành viên của Hội Đồng là đại biểu của tất cả các Giáo hội địa phương trên hành tinh trái đất, tụ họp chung quanh Đức Giáo Hoàng để tham mưu cho ngài trong việc quy hoạch chính sách toàn cầu phù hợp với thời đại.
Đại dịch Covid và những tranh chấp đầy máu lửa đang diễn ra trên thế giới, đã làm cho con người ngày càng phân hoá, xa cách nhau. Đối diện với tình hình đó, Thượng Hội đồng Giám mục lần này, diễn ra từ 2021 đến 2023, đã chọn chủ đề “HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH”, nhằm kêu gọi thế giới công giáo nỗ lực tái thiết nhịp cầu tương tác đã bị đổ vỡ do những hiện tượng tiêu cực, lối sống khép kín, vị kỷ và vô cảm và đang lan rộng mỗi ngày.
Thuật ngữ “Hiệp hành” là một từ nhà đạo, nhưng thật ra ý nghĩa của nó chỉ đơn giản là đồng hành, đồng tâm, liên đới : với mọi người, mọi tầng lớp, không phân biệt chính kiến, tôn giáo hay thành phần xã hội.
Đó chính là lý do khiến Hội đồng Giám mục Việt nam tổ chức giải bóng đá này. Đây không phải là một sự kiện thuần tuý thể thao. Đại đa các giáo sỹ tham gia thi đấu đều không phải là vận động viên chuyên nghiệp. Đúng hơn, đây là một hoạt động mang tính ý nghĩa. Qua giải bóng đá này, người công giáo Việt Nam muốn phát đi một thông điệp và một ước mơ: thông điệp của tình đại đoàn kết không biên giới; ước mơ về một viễn ảnh tương lai đồng bào Việt Nam gắn kết với nhau keo sơn hơn, huynh đệ hơn và chan hoà hơn.
Tôi cầu chúc tất cả các vị khách quý và toàn thể tham dự viên, qua trận đấu này, cảm nghiệm được sự gần gũi thân thương của đại gia đình Việt Nam.
Tôi cầu chúc các đội thi đấu thể hiện được tinh thần cao thượng, trở thành dấu ấn và chiến sỹ của tinh thần hiệp hành, với nhau và với mọi người.
Với tư cách là Chủ tịch HĐGMVN, với tư cách là trưởng ban tổ chức, tôi long trọng tuyên bố khai mạc giải bóng đá giáo sỹ toàn quốc HIỆP HÀNH CUP 2022.
Xin trân trọng cám ơn.
+Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giám mục Huế
Video Lễ khai mạc và trận đấu đầu tiên của bảng C giữa Giáo sỹ Tổng Giáo phận Huế và Giáo sỹ Giáo phận KonTum
2022
Lời Chủ Chăn GP Xuân Lộc tháng 08 – 2022: “Hãy ngước mắt lên mà nhìn” (Ga 4:35)
LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
THÁNG 08 – NĂM 2022:
“Hãy ngước mắt lên mà nhìn” (Ga 4:35)
Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Một
Chúa Giêsu gọi: ‘Hãy ngước mắt lên mà nhìn’. Chúa gọi ai? Gọi ‘những kẻ Người muốn’. Họ đến, ở với Người. Đó là nhóm 12 (x. Mc 3: 13-19).
Chúa Giêsu gọi: ‘Hãy ngước mắt lên mà nhìn’. Chúa gọi ai? Gọi ‘những kẻ Người muốn’. Họ đến, ở với Người. Đó còn là nhóm 72. Thánh Luca, đệ tử của Tông đồ dân ngoại, đề cập sự kiện Chúa Giêsu mở rộng nhóm loan Tin Mừng của Giáo hội tới tầm vóc toàn cầu qua con số 72. Chúng ta nhận thức tính chất nghiêm túc của thông tin này. Ngay từ đầu, tham dự sứ mạng của Chúa Giêsu, không nguyên nhóm 12, nhưng còn nhiều hơn nữa. Chúa muốn nhiều hơn nữa…Thánh sử Luca, với số 72, hẳn là liên hệ tới danh sách 72 dân tộc thế giới nơi đoạn 10 sách Khởi Nguyên.
‘Khởi Nguyên 10 lược toát dưới hình thức gia phả, kiến thức của người Israel vào lối thế kỷ thứ năm. Các dân được chia ra từng nhóm, không theo chủng tộc, ngôn ngữ, nhưng theo liên lạc lịch sử và địa dư. Bản thống kê dựa trên một tế nhận đạo lý: sự duy nhất của một nhân loạilan tràn trên mặt đất cho thấy sự chúc lành của Thiên Chúa (Kn 9: 1) được thành tựu làm sao. Trái lại, nguồn văn Yahviste, (11: 1-9) sự tản mác là do bởi tội. Hai phương diện của lịch sử nhân loại: trong đó Thiên Chúa có can thiệp nhưng loài người cũng lộ bày ra ác tính của họ’[1].
Chúa Giêsu gọi: ‘Hãy ngước mắt lên mà nhìn’. Nhìn ai? Nhìn vào đoàn ‘dân chúng đông đảo’, ‘rảo bộ mà đổ dồn đến nơi ấy’. Về hiện tượng, các Tông đồ vẫn thấy họ đi lại trước mắt, nghe họ truyện trò ồn ào…mà về tương quan, Tông đồ và đoàn dân vẫn lạ xa ngăn cách… ‘Hãy ngước mắt mà nhìn’, ‘nhìn’ trong phong cách Giêsu nhìn ‘họ như cừu chiên không có người chăn giữ’, ‘nhìn’ trong phong cách Giêsu ‘chạnh lòng thương xót họ’, ‘nhìn’ trong phong cách Giêsu ‘lên tiếng giảng dạy họ nhiều điều’ và cho ‘ai nấy đều ăn và ăn no’ (x. Mc 6: 30-44).
Thánh sử Gioan lưu giữ và cẩn thận tường thuật từng lời của Chúa Giêsu: ‘Này: Ta bảo các ngươi: Hãy ngước mắt lên mà nhìn: Đồng lúa đã chín vàng chờ gặt!’ Chờ gặt là sao? Đó là ‘thu lượm hoa màu cho sự sống đời đời’ (Ga 4: 35.36)… ‘Chúa Giêsu băng qua Samari’… ‘mỏi mệt vì đàng sá, nên Đức Giêsu ngồi phệt xuống bên giếng. Lúc ấy chừng giờ thứ sáu’… ‘Có một phụ nữ người Samari đến kín nước. Đức Giêsu nói với bà ấy ‘cho tôi uống với’…Có một bờ lũy hiểm trở ‘Làm sao ông là Dotháimà lại xin uống với tôilà đàn bà Samari?’…
Đến trong tâm trí chúng ta vấn nạn của một luật sĩ: ‘Nhưng ai là đồng loại của tôi?’ (Lc 10: 29). Chúa Giêsu đã dẫn luật sĩ vào thứ tự phân định: không phải tìm ngoài tôi ai là đồng loại, nạn nhận dở sống dở chết hay người Samaritanô, và sẽ rơi vào mông lung mơ hồ…nhưng trước tiên xác định ngay ‘chính tôi’ là ‘người đồng loại’ và như thế, giải đáp được sáng tỏ. ‘Chính tôi’ là người đồng loại thì cả nhân loại đều trong trái tim tôi…
Chúa Giêsu đã đặt chính mình là ‘người đồng loại’,vượt bờ lũy ngăn cách để đi vào tâm tư cuộc đời phụ nữ Samari…Bờ lũy ‘gàu Ngài không có, giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra cho có nước sinh sống?’…Nếu chị ‘biết được ơn của Thiên Chúa và ai là người đang nói với chị…’Phụ nữ Samari đã chạm đến Đấng làm thỏa khát khao của chị… ‘xin Ngài ban cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây kín nước’… ‘Lạy Ngài, tôi thấy Ngài là một tiên tri’…và chị bỏ cả vò nước, về làng nói với mọi người ‘Hãy đến mà xem’…
Chúa Giêsu tận tụy ‘lòng kề lòng’ (cor ad cor), thấm mùi ‘chiên cừu’ bơ vơ, giữa ‘đồng lúa chín vàng chờ gặt’,‘thu lượm hoa màu cho sự sống đời đời’…
Hai
Chúa Giêsu muốn Giáo hội là hiện thân của Chúa và muốn các tín hữu là hiện thân của Giáo hội, mang ơn sự sống đời đời cho nhân thế.
Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta ‘đến, ở với Người’ và ‘hãy thụ giáo’ với Người (x. Mt 11: 29).
Thụ giáo tinh thần hiệp hành ‘gặp gỡ, lắng nghe, phân định’ (ĐTC Phanxicô, bài giảng 10.10.2021) như Chúa Giêsu bên thanh niênvới tâm trạng ‘tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm cơ nghiệp?’ (Mc 10: 17)…như Chúa Giêsu bên hai môn đệ về Emmaus, sau đoạn đường chung bước, quyến luyến ‘cố nài ép…Hãy lưu lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày đã xế’ (Lc 24: 29)…và như Chúa Giêsu linh hướng cho phụ nữ Samari, Người ‘ngồi phệt xuống bên giếng’… bất kể ‘mỏi mệt vì đàng sá’…nhập nội ‘đồng lúa chín vàng chờ gặt’, thu lượm hoa màu cho sự sống đời đời’ (Ga 4: 6.35.36).
Anh chị em thân mến,
Anh chị em có nghe được tiếng lòng tín hữu mong mỏi mục tử, tu sĩ đạo đức để lòng họ được nâng lên không? Và cả những tiếc nuối khôn vơi…trước những mục tử :
‘Xẩy có lời Đức Chúa đến với tôi rằng: con người hỡi, hãy tuyên sấm trên các mục tử của Israel…Đức Chúa phán thế này: khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ chăn nuôi lấy mình. Mục tử thì phải chăn chiên chứ?Sữa, các ngươi ăn; len, các ngươi mặc; những con vật béo tốt, các ngươi làm thịt. Còn chiên các ngươi lại không chăn; chúng ốm yếu, các ngươi không bổ sức; chúng bịnh hoạn, các ngươi không chạy chữa; chúng xây xát, các ngươi không băng bó; chúng tản mác, các ngươi không lùa về; chúng thất lạc, các ngươi không tìm kiếm. Các ngươi thống trị trên chúng bằng võ lực, bằng bạo ngược. Chiên của Ta đã tán loạn, không người chăn giữ. Chúng đã nên mồi cho tất cả các dã thú…’ (Ezekiel 34: 1-5).
Anh chị em thân mến,
…Chúa Giêsu và Hiền Thê của Người tha thiết gọi chúng ta: ‘Hãy ngước mắt lên mà nhìn…Họ như cừu chiên không có người chăn giữ’ (x. Mc 6: 30-44)…‘Hãy ngước mắt lên mà nhìn: Đồng lúa đã chín vàng chờ gặt…thu lượm hoa màu cho sự sống đời đời’ (Ga 4: 35.36).
Gương lành cuộc đời Thánh I-nhã, 500 năm trước (1522), Người được ơn hoán cải…và 400 trăm năm trước (1622), Người được Giáo hội tuyên Thánh. Hoán cải và nên Thánh,hành trình cuộc đời chúng ta.
✞ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc