2023
Các lãnh đạo Giáo hội Công giáo Myanmar đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình
Các lãnh đạo Giáo hội Công giáo Myanmar đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình
Các lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình sau sự gia tăng bạo lực và các cuộc tấn công nhằm vào thường dân ở nước này trong những tuần gần đây.
Các Giám mục Myanmar đã gửi một lá thư kêu gọi đến “người dân Myanmar” và “các bên liên quan thuộc nhà nước và không thuộc nhà nước”. Thư được ký bởi Đức Hồng y Charles Bo của Yangon, Đức Tổng Giám mục Marco Tin Win của Mandalay, và Đức Tổng Giám mục Basilio Athai của Taunggyi.
Các Giám mục Myanmar nói rằng “Là những nhà lãnh đạo của các tôn giáo/tín ngưỡng lớn ở Myanmar, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình, thúc giục tất cả chúng ta cần thực hiện cuộc hành hương vì hòa bình.”
Mối đe doạ với sự sống, trường học và nơi thờ phượng
Các ngài nêu lên “những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thánh thiêng của sự sống con người, những sinh mạng bị cướp mất, những cuộc đời phải di tản và những mạng sống đang chết đói” trong những tháng gần đây. Các ngài cũng lưu ý rằng những nơi thờ phượng và tu viện, “nơi các cộng đồng tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã bị tấn công. “Với nỗi đau đớn và thống khổ, chúng tôi đặt câu hỏi tại sao những nơi linh thiêng này lại bị tấn công và phá hủy.” “Là một quốc gia, chúng ta cần phải hàn gắn. Sự chữa lành đến từ ý thức sâu sắc về sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta. ”
Tuyên bố của các giám mục tha thiết cầu xin các bên liên quan hãy chặn lại mọi tiếng súng, hãy tiếp cận với tất cả, như là các anh chị em và bắt đầu cuộc hành hương thiêng liêng của hòa bình – thống nhất với tư cách là một quốc gia và một dân tộc.”
Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22/1 Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân Myanmar, những người đã phải chịu “những thử thách nghiêm trọng” kể từ khi cuộc đảo chính quân sự bắt đầu vào năm 2021. Đặc biệt ngài đau lòng hướng đến nhà thờ Đức Mẹ Hồn xác lên trời ở làng Chan Thar, một trong những nơi thờ tự lâu đời nhất và quan trọng nhất của đất nước, đã bị phóng hỏa và phá hủy.”
Đức Thánh Cha yêu cầu các tín hữu hiện diện trong buổi đọc kinh Truyền Tin cùng nhau cầu nguyện một “Kinh Kính Mừng” với Đức Mẹ Myanmar để cầu xin cho cuộc xung đột sớm kết thúc và “một thời kỳ mới của sự tha thứ, tình yêu và hòa bình sẽ bắt đầu.” (Licas 23/01/2022)
Hồng Thủy
2023
Cha Flor María Rigoni, tiếng nói của những người di cư và tị nạn
Cha Flor María Rigoni, tiếng nói của những người di cư và tị nạn
Cha Flor Maria Rigoni, linh mục người Ý, thuộc dòng Giovanni Battista Scalabrini, tiếng nói của những người di cư và tị nạn.
Theo gương đấng sáng lập, thánh Giovanni Battista Scalabrini, dành cả cuộc đời phục vụ người di cư và tị nạn, vào năm 1985 cha Flor Maria đến Mexicô, và sau đó đi khắp nơi trên thế giới để giúp đỡ những người di cư. Hiện cha đang chỉ đạo các hoạt động xã hội của Liên đoàn Scalabrini ở Colombia.
Trong 53 năm linh mục, cha Flor Maria đã hiện diện ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn vị linh mục lớn tuổi chia sẽ về cuộc đời và ơn gọi phục những người di cư và tị nạn.
Cha Flor Maria sinh giữa thời chiến ở biên giới giữa ý và Thuỵ Sĩ. Mẹ cha mang thai và cho cha chào đời rất khó khăn nên sức khoẻ của cha không được tốt. Trong những năm truyền giáo ở châu Phi, cha thường xuyên bị sốt rét dẫn đến hôn mê đến nỗi mọi người tưởng cha đã qua đời, nhưng sau đó cha lại hồi sức và tiếp tục phục vụ. Nói về điều này, cha khẳng định về ơn gọi truyền giáo của mình, và xác tín rằng Chúa gửi cho cha một sự khó nào đó để cha đồng cảm với những người bé nhỏ.
Những ai gặp cha đều nhận xét, cha Flor Maria là một người luôn mỉm cười, biểu hiện của sự khôn ngoan xuất phát từ sự hiểu biết tuyệt vời về thân phận con người và lòng thương xót Chúa. Cha tự nhận mình là người di cư, nhưng tự nguyện, không giống những người di cư khác trong những thập kỷ qua, những người bị “kết án di cư”.
Nói về ơn gọi truyền giáo, cha Flor Maria chia sẻ rằng, cha được đánh động bởi hai bức ảnh do một linh mục tặng: một bức mô tả một linh mục truyền giáo trên lưng ngựa ở Brazil, và bức khác với hình ảnh một nhà truyền giáo đang ở trong hầm mỏ ở Bỉ.
Chuyến đi truyền giáo đầu tiên của cha trên biển với công việc là trợ lý điện trên một con tàu. Cha và đoàn thuỷ thủ đến Nhật Bản và trải qua cuộc chiến Yom Kippur, sau đó do không thể di qua Kênh Suez con thuyền phải đi vòng qua châu Phi. Tổng cộng 8 tháng.
Chuyến vượt biển là một trải nghiệm độc đáo đối với cha Flor Maria. Cha nói: “Các tu sĩ Dòng tên dạy tôi thần học và triết học, và biển đã dạy tôi tất cả linh đạo mà hôm nay tôi có được. Biển là chiếc nôi, trong đó người ta có thể chạm đến sự vô biên của Chúa. Trong biển khơi, nơi mặt đất biến mất khỏi chân trời, người ta thấy trời cao, một bầu trời biết nói. Biển giúp con người liên lạc với toàn thể nhân loại”.
Sau chuyến đi biển đó, cha Flor Maria tiếp tục đi những chuyến khác. Chuyến cuối cùng là chuyến cha rời Ý để đến Thái Bình Dương, rồi cảng Chile.
Cha ở Đức 10 năm, hầu hết thời gian dành cho người di cư đến từ lục địa châu Mỹ. Sau đó, cha đến châu Mỹ và ở lục địa này trong 39 năm. Lúc đầu cha đến Mexico, vùng biên giới với Hoa Kỳ. Cha nói người di cư Mexico dạy cha niềm hy vọng. Chính những hoạt động trợ giúp không mệt mỏi người di cư Mexico mà vào năm 2020 cha đã được Tổng thống Mexico trao Giải thưởng quốc gia về Nhân quyền, và được đưa vào danh sách của 150 người đã để lại dấu ấn quan trọng cho quốc gia.
Hành trình tiếp theo của cha là Colombia. Ở quốc gia này, ngoài trải nghiệm phục người di cư cha Flor Maria còn phải đối diện với nạn buôn người, mà theo cha thực sự là một bi kịch.
Cha cùng với các tu sĩ Scalabrini làm việc cho người di cư dựa theo ba yếu tố chính: đón tiếp, đào tạo và lãnh thổ. Các tu sĩ tiếp nhận tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo và màu da, cung cấp cho họ các khoá học nghể để họ có thể làm việc trong thời gian ngắn, sau đó là cung cấp cho họ các vật liệu cần thiết để họ có thể bắt đầu làm nơi trú ngụ đơn giản. Điều sau cùng là lãnh thổ, một nơi để người di cư có thể ổn định cuộc sống và cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Trên vùng đất định cư này, cha Flor Maria cùng với các anh em trong dòng tiếp tục giúp họ xây dựng những lớp học. Theo cha, đây là một thực tế cần phải tiến hành để hướng đến tương lai.
Về những khó khăn trong các hoạt động hỗ trợ người di cư, cha Flor Maria chia sẻ: “Mệt mỏi, thất vọng có, nhất là khi việc mình làm không được nhìn nhận. Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục làm việc cùng với một sự dấn thân. Chúng tôi, những tu sĩ Scalabrini, không phân biệt tôn giáo, giới tính, màu da hay hệ tư tưởng chính trị. Điều quan trọng đối với chúng ta là con người, và chúng tôi thêm Tin Mừng. Tôi sẽ tiếp tục miễn là Chúa ban cho tôi sức mạnh, và bất cứ nơi nào cũng được. Tôi hy vọng tôi không phải là gánh nặng cho bất cứ ai. Và như Thánh Phaolô nói, với tâm hồn là một nhà truyền giáo, tôi không biết nên ở lại với anh chị em hay nói lời tạm biệt và ra đi với Chúa thì tốt hơn”.
Ngọc Yến
2023
Đức Thánh Cha thảo luận với tâm lý gia về chủ đề lo sợ
Đức Thánh Cha thảo luận với tâm lý gia về chủ đề lo sợ
Trong cuộc trò chuyện của Đức Thánh Cha với ông Salvo Noé, tâm lý gia người Ý, đã được xuất bản trong cuốn sách “La paura come dono – Lo sợ là một ân ban”, Đức Thánh Cha cho biết có những lúc, khi phải đưa ra quyết định, ngài cũng sợ sai lầm. Và trong trường hợp này sự lo sợ giúp cân nhắc cẩn thận những quyết định, nhưng sợ quá mức thì không phải là Kitô hữu.
Ông Salvo Noé đã gặp Đức Thánh Cha ở Nhà trọ thánh Marta. Ở khu nhà này, có treo tấm bảng với hàng chữ “Cấm than phiền”, đây cũng là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của tâm lý gia. Khi thưa chuyện với Đức Thánh Cha ông Noé bày tỏ muốn viết một cuốn sách nói về sự lo sợ và xin Đức Thánh Cha đóng góp, và ngài đã đồng ý.
Trong cuốn sách “Lo sợ là một ân ban” của tâm lý gia Noé, Đức Thánh Cha kể lại những suy nghĩ, lo sợ và cảm giác của ngài trong những năm triều đại Giáo hoàng, bắt đầu từ khi ngài được bầu chọn. Ngài nói: “Có những lúc khi phải đưa ra quyết định, tôi cũng sợ sai lầm. Và trong trường hợp này lo sợ giúp tôi cân nhắc cẩn thận những quyết định, cách thực hiện và những điều khác. Đôi khi tôi cũng sợ sai lầm, nhưng sợ quá mức thì không phải là Kitô hữu”.
Trong cuộc nói chuyện Đức Thánh Cha cũng tiết lộ chính vì muốn được tự do và tránh nỗi sợ mà ngài chọn sống ở Nhà trọ thánh Marta. Thực tế, chọn sống ở toà nhà này, ngài có thể dùng bữa và ngồi bàn chung với người khác. Đức Thánh Cha nói: “Thay vì căn hộ lịch sử của Giáo hoàng trong Dinh Tông toà tôi đã chọn sống ở Nhà trọ Marta, bởi vì, như ông có thể hiểu, tôi cần gặp gỡ, nói chuyện với mọi người và ở đây tôi cảm thấy tự do hơn. Ở trong Dinh Tông toà tôi cảm thấy được bọc thép và điều này làm tôi sợ hãi. Mỗi chúng ta phải quen tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc mình cảm thấy không thoải mái”.
Đức Thánh Cha nói ngay sau khi được bầu chọn, được đưa đến Dinh Tông toà, ngài thấy một phòng rộng nhưng lối vào nhỏ, nơi chỉ có rất ít cộng tác viên được vào, ngay lập tức ngài cảm thấy tự do bị giới hạn. Rồi Đức Thánh Cha nghĩ nếu không thể đi dạo bên ngoài Vatican, thì ít nhất ngài có thể gặp mọi người, và đó là lý do tại sao ngài chọn Nhà trọ thánh Marta. Ngài muốn phá vỡ thói quen của Giáo hoàng bị cô lập. Ở Nhà trọ này ngài có thế uống cà phê, ăn ở phòng ăn với những người khác, hàng ngày nói chuyện và đùa vui với Vệ binh Thụy Sĩ.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Gần gũi với mọi người, làm việc với nhau là liều thuốc giải độc thực sự cho nỗi sợ. Nhiều khi, sự cô lập, cảm thấy sai lầm, gặp vấn đề và không tìm được sự giúp đỡ, có thể dẫn đến khủng hoảng làm cho đời sống tinh thần bị ảnh hưởng”. Đức Thánh Cha nhận định thêm rằng, cô đơn là điều tồi tệ thực sự của xã hội ngày nay. Tất cả đều được kết nối với điện thoại di động, nhưng bị ngắt kết nối với thực tế.
Trong cuộc trò chuyện Đức Thánh Cha còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như người đồng tính, hiện tượng di cư, sống sinh thái, thói đạo đức giả, tinh thần thế tục…
Đề cập đến ơn gọi linh mục và tu sĩ, đặc biệt về ứng sinh chức linh mục và ơn gọi thánh hiến, Đức Thánh Cha đề nghị khi bắt đầu xem xét một ơn gọi cần phải nhìn đến mọi khía cạnh, về tâm lý, các tương quan cá nhân của ứng sinh. Bởi vì “thà mất một ơn gọi còn hơn mạo hiểm với một ứng sinh không chắc chắc”.
Ngài nhấn mạnh rằng, chủng viện và các nhà đạo tạo không phải là nơi lẩn trốn những giới hạn và khiếm khuyết tâm lý. Tiến trình đào tạo chủng sinh và tu sĩ phải đưa đến những linh mục và tu sĩ trưởng thành, những chuyên gia về nhân loại và sự gần gũi, chứ không phải những viên chức thánh. Mọi người cần gặp những chứng nhân đức tin, giúp họ có thể đối diện, nhận được sự đỡ nâng và gần gũi.
Ngọc Yến
2023
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người quan tâm hơn đến các bệnh nhân phong
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người quan tâm hơn đến các bệnh nhân phong
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị chuyên đề lần thứ II về bệnh Hansen, hay còn gọi là bệnh phong, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/01/2023, trong đó ngài nhắc mọi người đừng quên những người mắc phải căn bệnh lâu đời này, đồng thời mời gọi xã hội quan tâm hơn nữa đến họ về mặt tinh thần và chăm sóc y tế.
Hội nghị chuyên đề có chủ đề “Không để ai lại đàng sau”, được tổ chức vài ngày sau Ngày Thế giới bệnh Phong lần thứ 70. Ngày Thế giới bệnh Phong do Raul Follereau khởi xuống từ năm 1953 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về một căn bệnh mà nhiều người cho rằng không còn trong xã hội.
Trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên của Hội nghị, Đức Thánh Cha cám ơn họ vì sự dấn thân dành cho những người bị ảnh hưởng bởi bệnh phong, thường bị xã hội bỏ quên. Theo Đức Thánh Cha họ chính là những người Samari nhân hậu cúi xuống chăm sóc những yếu đuối và phục hồi quyền cũng như phẩm giá bị phủ nhận của những bệnh nhân này.
Đức Thánh Cha nhắc lại bệnh phong là một trong những căn bệnh lâu đời nhất của lịch sử loài người, Kinh Thánh đã nói đến căn bệnh và sự kỳ thị người bệnh. Mặc dù đã được Kinh Thánh nhắc nhở, ngày nay bệnh nhân phong vẫn còn bị kỳ thị và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta đã tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại mù tịt về việc đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phát triển ngày nay. Chúng ta đã quen nhìn chỗ khác, bỏ qua và không biết đến những hoàn cảnh chung quanh cho đến lúc chúng trực tiếp chạm đến chúng ta. Chúng ta không thể bỏ quên những anh chị em này của chúng ta. Chúng ta không được bỏ qua căn bệnh này, thật không may, căn bệnh này vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là trong những hoàn cảnh xã hội khó khăn”.
Ở điểm này, xác tín về ơn gọi sống tình huynh đệ nhân loại, Đức Thánh Cha trích dẫn số 70 của Thông điệp Fratelli tutti để đưa ra những lời chất vấn: “Chúng ta có cúi xuống, chạm đến và chăm sóc vết thương của người khác hay không? Chúng ta có cúi xuống, mang vác người này hoặc người kia trên vai hay không? Đây là thách đố thời sự, chúng ta cần phải đương đầu mà không sợ hãi”.
Vì thế, theo Đức Thánh Cha, Ngày Thế giới bệnh Phong là dịp để mọi người nhìn lại các mô hình phát triển, dám lên tiếng tố cáo và cố gắng sửa chữa sự phân biệt đối xử mà các mô hình này gây ra. Đây là cơ hội tốt để canh tân sự dấn thân xã hội nhằm xây dựng một xã hội hoà nhập, không ai bị gạt ra bên lề. Ngoài ra, tố cáo phải luôn đi đôi với đề xuất, như một sự tổng hợp giữa những điều tốt đã âm thầm tồn tại và cái nhìn ngôn sứ, có khả năng truyền cảm hứng cho các hoạt động bác ái và công bằng. Về điều này, Đức Thánh Cha nhận định sự đóng góp của các tham dự viên của Hội nghị, cũng như sự khích lệ và trợ giúp mà họ dành cho các Giáo hội địa phương là rất quý giá. Nhờ đó, các cộng đoàn Kitô có thể ở bên cạnh những người bị gạt ra bên lề và biết cách tích cực đồng hành với các tiến trình hoà nhập và phát triển toàn diện con người.
Đức Thánh Cha viết: “Tôi hy vọng Hội nghị chuyên đề này sẽ giúp thu thập tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới và thảo thuận các biện pháp có thể thực hiện để thúc đẩy hơn nữa sự tôn trọng phẩm giá con người”.
Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha biểu lộ sự gần gũi với những ai đang đau khổ vì bệnh phong và khích lệ mọi người tiếp tục nâng đỡ tinh thần và y tế cho các bệnh nhân. Đặc biệt các cộng đoàn Kitô phải đi đầu trong sự dấn thân toàn diện đối với các bệnh nhân. Ngài chúc lành và cầu nguyện cho các tham dự viên của Hội nghị, các bệnh nhân phong, gia đình của họ và tất cả những ai quan tâm yêu thương chăm bệnh nhân.
Ngọc Yến