2024
ĐTC Phanxicô nói với các ông bà và con cháu: Tình thương giúp chúng ta tốt hơn, phong phú và khôn ngoan hơn
ĐTC Phanxicô nói với các ông bà và con cháu: Tình thương giúp chúng ta tốt hơn, phong phú và khôn ngoan hơn
Trong bài nói chuyện, trước hết Đức Thánh Cha cám ơn Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống và Tổ chức Người Cao tuổi Ý, tổ chức cuộc gặp gỡ. Ngài bày tỏ niềm vui vì mọi người, ông bà con cháu, già trẻ cùng quỵ tụ chung với nhau, điều này giống như Thánh vịnh 133 diễn tả: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”.
Theo Đức Thánh Cha, chỉ cần nhìn vào mọi người đang hiện diện là đủ hiểu được điều Thánh vịnh nói, vì có tình yêu giữa mọi người. Ở điểm nay, ngài muốn mời mọi người suy tư về những khía cạnh của tình yêu: tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn, phong phú và khôn ngoan hơn.
Trước hết, tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn. Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong tư cách là một “người ông” mong muốn chia sẻ đức tin luôn trẻ trung liên kết mọi thế hệ. Đức Thánh Cha nói chính ngài cũng đã đón nhận đức tin từ người bà, người đã giáo dục ngài tình yêu thương bằng câu chuyện. Và một trong những câu chuyện ngài đã được nghe: Có một người ông trong gia đình, do lớn tuổi khi ăn làm bẩn bàn ăn. Người con đưa cha mình sang một chỗ khác để dùng bữa một mình. Mấy ngày sau người con trai này thấy con của mình còn rất nhỏ đang dùng búa, đinh đóng một cái bàn. Ông hỏi con làm gì, cậu nói rằng đang chuẩn bị một cái bàn cho cha cậu khi ông già đi. Đức Thánh Cha nói: “Đây là những gì bà tôi đã dạy, và tôi không bao giờ quên. Anh chị em đừng quên điều này, bởi vì chỉ bằng cách ở bên nhau với tình yêu, không loại trừ ai, chúng ta mới trở nên tốt hơn, nhân bản hơn!”
Đức Thánh Cha nói tiếp điểm thứ hai: “Tình yêu làm cho chúng ta trở nên giàu có hơn.” Ngài giải thích rằng xã hội có những người giàu kiến thức và phương tiện hữu ích cho mọi người. Tuy nhiên, nếu không có sự chia sẻ và mọi người chỉ nghĩ đến chính mình, tất cả của cải sẽ bị mất, sẽ biến thành một sự nghèo nàn của nhân loại. Và đây là một nguy cơ lớn cho thời đại chúng ta: sự nghèo nàn của sự phân mảnh và ích kỷ. Như một số cách diễn đạt mà chúng ta sử dụng: khi chúng ta nói về “thế giới người trẻ”, “thế giới người già”, “thế giới của cái này và cái kia”… Nhưng chỉ có một thế giới và nó được tạo thành từ nhiều thực tại khác nhau để có thể giúp đỡ và bổ sung cho nhau.
Đức Thánh Cha còn cảnh báo đôi khi chúng ta nghe những câu như “hãy nghĩ về bản thân!”, “không cần bất cứ ai!”. Điều này sai lầm, đánh lừa mọi người, khiến họ tin rằng không phụ thuộc vào người khác, làm điều đó cho chính mình, sống như những hòn đảo là điều tốt, trong khi đây là những thái độ chỉ tạo ra sự cô đơn.
Đức Thánh Cha đi đến khía cạnh cuối cùng: tình yêu giúp chúng ta khôn ngoan hơn. Ngài đặc biệt hướng đến con cháu, nhắc nhở họ rằng ông bà là ký ức của một thế giới không có ký ức, và khi một xã hội mất ký ức, nó sẽ kết thúc. Ngài nói: “Vì thế cần phải lắng nghe ông bà, đặc biệt là khi ông bà dạy các con bằng tình yêu và chứng tá của ông bà để vun trồng những tình cảm quan trọng nhất, không có được bằng vũ lực, không xuất hiện bằng thành công, nhưng lấp đầy cuộc sống.”
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện: “Trên Thánh Giá, khi nhìn Đức Mẹ và môn đệ thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu: ‘Thưa Bà, đây là con Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’ (Ga 19, 26-27). Với những lời đó, Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta một phép lạ cần đạt được: yêu thương nhau như một đại gia đình.”
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-04/dtc-ong-ba-con-chau-tinh-thuong-phong-phu-tot.html
2024
ĐTC Phanxicô sẽ tham dự phiên họp của G7 về trí tuệ nhân tạo
ĐTC Phanxicô sẽ tham dự phiên họp của G7 về trí tuệ nhân tạo
Hình ảnh trong Hội nghị “Robot và trí tuệ nhân tạo”, được Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học tổ chức
Toà Thánh đã xác nhận tin Đức Thánh Cha tham dự Hội nghị Thượng đỉnh, sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/6/2024 tại Borgo Egnazia ở Puglia, sau thông báo của Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni.
Bà Thủ tướng Ý nói rằng “đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Giáo hoàng sẽ tham dự vào công việc của G7”, đồng thời cho biết thêm rằng Đức Thánh Cha sẽ tham dự phiên họp dành cho các khách mời tham dự cuộc họp sắp tới của Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hóa.
Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến có sự tham gia của Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Đức và Nhật Bản.
Bà Meloni nói: “Tôi chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã chấp nhận lời mời của Ý. Sự hiện diện của ngài tôn vinh đất nước chúng tôi và toàn thể G7.” Đồng thời bà cũng nhấn mạnh cách chính phủ Ý dự định tăng cường sự đóng góp của Toà Thánh về vấn đề trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là với “Lời kêu gọi của Roma về Đạo đức AI năm 2020”, được cổ võ bởi Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, trong một quá trình “dẫn đến việc áp dụng cụ thể khái niệm đạo đức thuật toán, cụ thể là đưa đạo đức vào các thuật toán”.
Bà nói thêm: “Tôi tin chắc rằng sự hiện diện của Giáo hoàng sẽ mang lại sự đóng góp mang tính quyết định trong việc xác định khuôn khổ pháp lý, đạo đức và văn hoá cho trí tuệ nhân tạo, bởi vì trên cơ sở này, trong hiện tại và tương lai của công nghệ này, năng lực của chúng ta sẽ một lần nữa được đo lường, khả năng của cộng đồng quốc tế thực hiện điều mà một vị Giáo hoàng khác, Thánh Gioan Phaolô II, đã nhắc lại vào ngày 2/10/1979, trong bài phát biểu nổi tiếng của ngài trước Liên Hợp Quốc.”
Bà Meloni trích dẫn: “Hoạt động chính trị, dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, đều xuất phát từ con người, do con người thực hiện và vì con người.”
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-04/dtc-phanxico-se-tham-du-phien-hop-g7-tri-tue-nhan-tao.html
2024
ĐTC Phanxicô: Điểm chung của Giáo hội và các sử gia là tìm kiếm và phục vụ chân lý
ĐTC Phanxicô: Điểm chung của Giáo hội và các sử gia là tìm kiếm và phục vụ chân lý
Sáng thứ Bảy ngày 20/4/2024, gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử, ĐTC Phanxicô nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, nói rằng có một mối liên hệ sống còn giữa Giáo Hội và lịch sử, có một điểm gặp gỡ đặc biệt giữa Giáo hội và các sử gia trong việc cùng nhau tìm kiếm và cùng phục vụ chân lý.
ĐTC Phanxicô lặp lại lời của Đức Phaolô VI phát biểu trước các tham dự viên Đại hội đồng Ủy ban Khoa học Lịch sử Quốc tế vào ngày 3/6/1967: “Có thể là ở đây chúng ta tìm thấy điểm gặp gỡ chính giữa quý vị và chúng tôi …, giữa chân lý tôn giáo mà Giáo hội là người bảo vệ và chân lý lịch sử mà quý vị là những người phục vụ tốt lành và cống hiến … Điều này cho phép chúng ta hiểu một tổ chức có tính chất thiêng liêng và tôn giáo như Giáo hội Công giáo quan tâm đến việc tìm kiếm và khẳng định sự thật lịch sử …”.
Tìm kiếm sự thật trên tinh thần đối thoại
Cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô diễn ra nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử cũng như kỷ niệm số 70 của tuyển tập “Công vụ và Tài liệu”, do cùng Ủy ban phụ trách. Theo Đức Thánh Cha, những sự kiện này chứng tỏ sự dấn thân của Ủy ban trong việc tìm kiếm sự thật lịch sử trên quy mô toàn cầu, trên tinh thần đối thoại với những nhạy cảm lịch sử khác nhau và với nhiều truyền thống nghiên cứu khác nhau.
Ngài khuyến khích: “Sẽ rất tốt nếu quý vị cộng tác với những người khác, mở rộng các mối quan hệ khoa học và con người, đồng thời tránh các hình thức khép kín về mặt tinh thần và thể chế”. Ngài nhắc lại điều ngài đã nói với Ủy ban nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập: “Khi gặp gỡ và cộng tác với các nhà nghiên cứu thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo, quý vị có thể đóng góp cụ thể cho cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới đương đại”.
Những khẳng định của ý thức hệ tạo nên xung đột
ĐTC Phanxicô nói tiếp: “Giáo hội bước đi trong lịch sử, bên cạnh con người ở mọi thời đại, và không thuộc về bất kỳ nền văn hóa cụ thể nào, nhưng mong muốn làm sinh động trái tim của mọi nền văn hóa bằng chứng từ dịu dàng và can đảm của Tin Mừng, để cùng nhau xây dựng nền văn minh của sự gặp gỡ”. Ngài cảnh giác rằng “những cám dỗ của việc tự quy chiếu theo chủ nghĩa cá nhân và sự khẳng định mang tính ý thức hệ về quan điểm của một người nuôi dưỡng sự thiếu văn minh của xung đột”. Ngài ca ngợi Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử đã biết cách chống lại những cám dỗ như vậy, sống với niềm đam mê, qua việc nghiên cứu của mình, kinh nghiệm phục hồi phục vụ cho sự hiệp nhất, cho sự hiệp nhất tổng hợp và hài hòa mà Chúa Thánh Thần tỏ cho chúng ta thấy vào Lễ Hiện xuống”.
Kết thúc bài nói chuyện, ĐTC Phanxicô cầu chúc Ủy ban hoạt động theo tinh thần: “nghiên cứu lịch sử khiến quý vị trở thành thầy dạy cách nhân văn và người phục vụ của nhân loại. (CSR_1691_2024)
Hồng Thủy
2024
4% số tân linh mục ở Hoa Kỳ năm 2024 là người gốc Việt
4% số tân linh mục ở Hoa Kỳ năm 2024 là người gốc Việt
Theo khảo sát thường niên của Trung tâm Nghiên cứu về Hoạt động Tông đồ (CARA) tại Đại học Georgetown, được công bố ngày 15/4/2024, có 4% số ứng viên linh mục trong năm 2024 của Hoa Kỳ là người gốc Việt.
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) đã ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng (CARA) tại Đại học Georgetown thực hiện một cuộc khảo sát hàng năm. Trung tâm đã thực hiện một cuộc khảo sát với 392 ứng viên linh mục, trong số đó có 80% thuộc giáo phận và 20% thuộc các dòng tu. Nhóm đông nhất được khảo sát đang theo học tại các chủng viện ở miền Trung Tây.
4% ứng viên linh mục năm 2024 là người Việt
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy hai phần ba ứng viên (67%) là người da trắng, một phần năm (18%) là người gốc Tây Ban Nha/Châu Mỹ Latinh, một phần mười (11%) là người Châu Á/Thái Bình Dương/bản địa Hawaii và 2% là người da màu/người Mỹ gốc Phi.
Trong số tất cả các ứng viên, 23% là người sinh ở nước ngoài. Sau Hoa Kỳ, các quốc gia quê hương của nhiều ứng viên linh mục tại Hoa Kỳ lần lượt là Mexico (5%), Việt Nam (4%), Colombia (3%) và Philippines (2%).
Độ tuổi trung bình trẻ hơn trước đây
Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, hầu hết các ứng viên linh mục tại Hoa Kỳ trong năm 2024 có độ tuổi từ 31 trở xuống, trẻ hơn độ tuổi trung bình trong những năm gần đây. Hầu hết các chủng sinh, theo khảo sát, bắt đầu xem xét ơn gọi linh mục khi mới 16 tuổi, nhưng tiến trình xác định ơn gọi và học hỏi để trở thành linh mục bắt đầu ở tuổi 18.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến ơn gọi
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Hoạt động Tông đồ cũng liệt kê một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình phân định ơn gọi: 29% các ứng viên linh mục có người thân là linh mục hoặc tu sĩ; 89% cho biết đã được khuyến khích suy nghĩ về chức linh mục bởi một người nào đó (thường là bởi cha xứ, bạn bè hoặc giáo dân); 82% có cha và mẹ đều thuộc gia đình Công giáo. Giáo dục Công giáo đóng vai trò quan trọng khi có hơn 30% ứng viên đã theo học các trường tiểu học, trung học và đại học của Công giáo.
Chầu Thánh Thể và đọc Kinh Mân Côi
Chầu Thánh Thể là hình thức cầu nguyện phổ biến nhất của các chủng sinh tốt nghiệp năm nay. 75% cho biết họ thường xuyên chầu Thánh Thể trước khi vào chủng viện. Kinh Mân Côi cũng rất quan trọng đối với những người phân định ơn gọi: 71% linh mục cho biết họ thường xuyên lần hạt Mân Côi trước khi gia nhập chủng viện. Một nửa cho biết họ đã tham dự một nhóm cầu nguyện hoặc Kinh Thánh, và 40% cho biết họ thực hành lectio divina.
Tham gia các hoạt động mục vụ và các cộng đoàn địa phương
Thêm vào đó, các ứng viên linh mục năm nay đã tham gia vào các cộng đoàn địa phương và các hoạt động mục vụ của giáo xứ: 51% tham gia nhóm trẻ của giáo xứ trước khi vào chủng viện, 33% tham gia mục vụ Công giáo tại trường, 28% tham gia Hướng đạo sinh và 24% tham gia Hội Hiệp sĩ Columbus hoặc Hiệp sĩ Peter Claver; 71% đã tham gia hội giúp lễ trước khi vào chủng viện, 48% là người đọc sách, 41% là thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ và 32% là giáo lý viên. (Crux 16/04/2024)
Đài Vatican