ĐTC Phanxicô: Điểm chung của Giáo hội và các sử gia là tìm kiếm và phục vụ chân lý
ĐTC Phanxicô: Điểm chung của Giáo hội và các sử gia là tìm kiếm và phục vụ chân lý
Sáng thứ Bảy ngày 20/4/2024, gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử, ĐTC Phanxicô nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, nói rằng có một mối liên hệ sống còn giữa Giáo Hội và lịch sử, có một điểm gặp gỡ đặc biệt giữa Giáo hội và các sử gia trong việc cùng nhau tìm kiếm và cùng phục vụ chân lý.
ĐTC Phanxicô lặp lại lời của Đức Phaolô VI phát biểu trước các tham dự viên Đại hội đồng Ủy ban Khoa học Lịch sử Quốc tế vào ngày 3/6/1967: “Có thể là ở đây chúng ta tìm thấy điểm gặp gỡ chính giữa quý vị và chúng tôi …, giữa chân lý tôn giáo mà Giáo hội là người bảo vệ và chân lý lịch sử mà quý vị là những người phục vụ tốt lành và cống hiến … Điều này cho phép chúng ta hiểu một tổ chức có tính chất thiêng liêng và tôn giáo như Giáo hội Công giáo quan tâm đến việc tìm kiếm và khẳng định sự thật lịch sử …”.
Tìm kiếm sự thật trên tinh thần đối thoại
Cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô diễn ra nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử cũng như kỷ niệm số 70 của tuyển tập “Công vụ và Tài liệu”, do cùng Ủy ban phụ trách. Theo Đức Thánh Cha, những sự kiện này chứng tỏ sự dấn thân của Ủy ban trong việc tìm kiếm sự thật lịch sử trên quy mô toàn cầu, trên tinh thần đối thoại với những nhạy cảm lịch sử khác nhau và với nhiều truyền thống nghiên cứu khác nhau.
Ngài khuyến khích: “Sẽ rất tốt nếu quý vị cộng tác với những người khác, mở rộng các mối quan hệ khoa học và con người, đồng thời tránh các hình thức khép kín về mặt tinh thần và thể chế”. Ngài nhắc lại điều ngài đã nói với Ủy ban nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập: “Khi gặp gỡ và cộng tác với các nhà nghiên cứu thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo, quý vị có thể đóng góp cụ thể cho cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới đương đại”.
Những khẳng định của ý thức hệ tạo nên xung đột
ĐTC Phanxicô nói tiếp: “Giáo hội bước đi trong lịch sử, bên cạnh con người ở mọi thời đại, và không thuộc về bất kỳ nền văn hóa cụ thể nào, nhưng mong muốn làm sinh động trái tim của mọi nền văn hóa bằng chứng từ dịu dàng và can đảm của Tin Mừng, để cùng nhau xây dựng nền văn minh của sự gặp gỡ”. Ngài cảnh giác rằng “những cám dỗ của việc tự quy chiếu theo chủ nghĩa cá nhân và sự khẳng định mang tính ý thức hệ về quan điểm của một người nuôi dưỡng sự thiếu văn minh của xung đột”. Ngài ca ngợi Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử đã biết cách chống lại những cám dỗ như vậy, sống với niềm đam mê, qua việc nghiên cứu của mình, kinh nghiệm phục hồi phục vụ cho sự hiệp nhất, cho sự hiệp nhất tổng hợp và hài hòa mà Chúa Thánh Thần tỏ cho chúng ta thấy vào Lễ Hiện xuống”.
Kết thúc bài nói chuyện, ĐTC Phanxicô cầu chúc Ủy ban hoạt động theo tinh thần: “nghiên cứu lịch sử khiến quý vị trở thành thầy dạy cách nhân văn và người phục vụ của nhân loại. (CSR_1691_2024)
Hồng Thủy