Aenean nec eros. Vestibulum ante ipsum primis in faucibus orci luctus et ultrices posuere cubilia curae. Suspendisse sollicitudin velit sed leo.

Chuyên mục
  • Bài giảng
  • Các loại khác
  • Chia sẻ
  • Chưa phân loại
  • GH Hoàn Vũ
  • GH Việt Nam
  • Giáo dục
  • Hạnh các Thánh
  • HĐGM Việt Nam
  • Kinh Thánh
  • Phim giáo dục
  • Phụng vụ
  • Sách
  • Suy niệm Chúa nhật
  • Suy niệm hàng ngày
  • Tài liệu giáo dục
  • Tài liệu phụng vụ
  • Thần học
  • Thánh ca
  • Thánh lễ
  • Thánh lễ trực tuyến
  • Thư chung
  • Thư viện
  • Tin tức
  • Triết học
  • Tư liệu
  • UBGD Công giáo
  • Video
From Gallery
Stay Connected
UyBanGiaoDucHDGM.net
  • Trang chủ
  • Thư chung
    • HĐGM Việt Nam
    • UBGD Công giáo
  • Tin tức
    • GH Việt Nam
    • GH Hoàn Vũ
  • Phụng vụ
    • Thánh lễ
    • Thánh lễ trực tuyến
    • Suy niệm hàng ngày
    • Suy niệm Chúa nhật
    • Tài liệu phụng vụ
  • Giáo dục
    • Chia sẻ
    • Tài liệu giáo dục
  • Thư viện
    • Sách
      • Kinh Thánh
      • Triết học
      • Thần học
      • Các loại khác
    • Video
      • Bài giảng
      • Thánh ca
      • Phim giáo dục
      • Hạnh các Thánh
      • Tư liệu
  • Liên hệ

Danh mục: Chia sẻ

Home / Giáo dục / Chia sẻ
07Tháng Một
2023

Ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu mọi dân tộc

07/01/2023
Anmai, CSsR
Chia sẻ, Giáo dục
0

Ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu mọi dân tộc

 

Theo Thánh Mátthêu, trong khi rao giảng Nước trời, Chúa Giêsu khẳng định khuôn phép cũ của Cựu ước luôn có hiệu lực: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17), hay chính xác hơn, giao ước xưa kia của Thiên Chúa chủ yếu hướng về Israel, dân riêng của Ngài.

Một điểm nhấn mạnh chính trong Tin mừng Mátthêu là Chúa Giêsu, là Đấng Mêsia mà Cựu ước tiên báo. Theo quan điểm Kitô giáo của Mátthêu, lời dạy của Chúa Giêsu mang đến cho Sách Ngũ Kinh Torah của Do thái giáo sự trọn vẹn, ý nghĩa và tầm quan trọng đầy đủ của nó, đến từng chấm từng phẩy: “Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5, 18-19). Trong suốt sách Tin mừng của mình, Mátthêu thường hay viết “ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (1: 22), “vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng” (2: 5), “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ” (2: 15), “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ” (2: 17), “để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng” (2: 23), “chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới” (3:3), “Vì đã có lời chép rằng” (4: 10),v.v… Nơi Mátthêu 2:1-12 mà chúng ta đang đọc, nhà tiên tri được trích dẫn là Mikha: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mikha 5: 1). Cách viết này là để chứng minh những điều được tiên báo trong Sách thánh Do Thái (Cựu Ước) đang được thực hiện nơi Chúa Giêsu.

Nhưng khi Chúa Giêsu đã chịu chết và phục sinh, ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban phát cho mọi người, chính vì thế Tin Mừng Mátthêu kết luận với lệnh truyền vang dội cho cộng đoàn sau Phục Sinh là hãy đi giảng dạy muôn dân: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Vì vậy, theo thánh Mátthêu, việc rao truyền Tin mừng của Hội Thánh cho Dân Ngoại không phải là chuyện tình cờ của lịch sử mà là một hành vi thực hiện ý định của Thiên Chúa thích hợp cho thời đại Cánh chung, khi mà Ơn Cứu Độ được coi là tất yếu mở ra cho mọi dân tộc. Thực ra, ngay khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến và thực hiện điều này, như trong Mátthêu chương 15 câu 21-28: “Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, thì này có một người đàn bà Canaan,ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! ” Nhưng Ngài không đáp lại một lời. Ngài đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Ngài rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! ” Ngài đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Chúa Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.” Mặc dù, Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng của mình chủ yếu nơi dân Do Thái, theo như lời Kinh thánh. Tuy nhiên, Ngài không từ chối thực thi tình yêu của Ngài đối với dân ngoại, nhất là khi họ tin tưởng vào Ngài. Chúa Giêsu đã đến với nhiều người dân ngoại như ông đại đội trưởng ngoại giáo trong Mátthêu chương 8 cậu 5-13: “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.” Trong chương 24 câu 14 thánh Mátthêu cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng.”

Do đó, Tin mừng Mátthêu đặc biệt ý thức về bản chất phổ quát, “công giáo” của Kitô giáo. Cuộc đời, lời rao giảng cùng các việc làm của Chúa Giêsu đã thực hiện không còn bị giới hạn trong các cộng đồng người Do Thái. Trong đoạn 2: 1-12 này, được chọn cho ngày lễ Hiển linh hôm nay, thánh Mátthêu nhấn mạnh rằng sự ra đời của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, có ý nghĩa vượt ra ngoài vị trí địa lý của “Bêlem, miền Giuđê”, của văn hóa “dân Do thái”, của tôn giáo tại “Giêrusalem”, và bối cảnh chính trị “Vua Hêrôđê trị vì” (Mt 2:1-3).

Ngay sau gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1:1-17), nhằm nhấn mạnh nguồn gốc Do Thái và bằng chứng Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít, là Đấng Mêsia, thánh Mátthêu lại kể về chuyến viếng thăm của các nhà chiêm tinh, có thể đến từ Ả Rập hoặc Mesopotamia – phía đông Giuđêa – hoặc thậm chí xa hơn. Được coi là “những nhà thông thái dân ngoại”, vì họ biết những bí ẩn của tự nhiên, nhưng việc Mátthêu kể về họ: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài” (Mt 2:1-12) đối trọng với ý hướng tập trung vào dân Israel. Thánh Mátthêu cho thấy sự ra đời và sứ mạng của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa phổ quát, vượt ra khỏi phạm vi Do thái giáo.

Tâm điểm của ngày Lễ Hiển Linh trong Giáo hội Công giáo, vốn được cử hành vào ngày Chúa nhật đầu tiên sau ngày đầu năm, theo lịch phụng vụ Công giáo Rôma và một số Giáo hội Kitô giáo khác, là thuật ngữ “epiphany – hiển linh” dùng để chỉ sự tỏ hiện của thần linh, được sử dụng trong cả bối cảnh Kitô giáo và các tôn giáo khác.

Để tạo nên trình thuật hấp dẫn này về các vị Hiền sĩ đến từ Phương đông, nơi mặt trời tỏ rạng báo hiệu một ngày mới, thánh Mátthêu đã sử dụng cách diễn tả đầy chất thơ: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông” (Mt 2: 2) như chất thơ của ngôn sứ Isaia mà chúng ta đọc trong Bài Đọc Thứ Nhất:

“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.

Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.

Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;

còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu toả,

vinh quang Ngài xuất hiện trên ngươi”

(Isaia 60: 1-3)

và trong Thánh Vịnh 72, dùng làm Đáp Ca:

“Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,

trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,

để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,

và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn…

Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,

tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.

Từ Tácsít và hải đảo xa xăm,

hàng vương giả sẽ về triều cống.

Cả những vua Ả rập, Xơ va,

cũng đều tới tiến dâng lễ vật.

Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,

muôn dân nước thảy đều phụng sự”

(Tv 72: 1-2; 9-1).

Các vị Hiền sĩ từ phương Đông, đại diện cho các dân nước trên thế giới, đã nhận thấy nơi Chúa Giêsu câu trả lời cho việc tìm kiếm và thực hiện ước mong của họ. Các vị Hiền sĩ – vốn là những người khôn ngoan thuộc dân ngoại phương xa – nhận ra dấu hiệu trên trời cao báo hiệu một điều quan trọng, một cơ hội chỉ có một lần trong đời đáng để đầu tư thời gian và sức lực để nắm bắt. Đây không phải là lần duy nhất Mátthêu nói với chúng ta một điều như thế này, ngài nói ở một chỗ khác: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13:44-46). Các vị Hiền sĩ thừa nhận Đấng Mêsia là vua, đáng để họ tôn kính và tự hiến, và họ vui mừng khôn xiết khi tìm thấy Ngài: “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Ngài. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2: 10-11).

Chúng ta thời nay, những người tin theo Chúa Giêsu Kitô, cũng cần trở nên những người khôn ngoan lên đường tìm kiếm Đấng có thể đem lại câu trả lời cho khát vọng sâu xa của mỗi chúng ta: ý nghĩa của cuộc sống đời này và niềm hy vọng đạt được sự sống hạnh phúc đích thật đời sau. Chỉ sau khi như các nhà chiêm tinh: “Trông thấy … mừng rỡ vô cùng….sấp mình thờ lạy… dâng tiến” (Mt 2: 10-11), đến lượt mình,  chúng ta mới có thể trở nên ánh sao “dẫn đường đến tận nơi Hài Nhi ở” (Mt 2: 9) cho tất cả những ai khác, bất kể sắc tộc, mầu da, ngôn ngữ. Những gặp gỡ như thế phải là mẫu mực làm phong phú thêm sự đại diện của nhiều dân tộc từ nhiều nền văn hóa đa dạng trong Thành đô của Thiên Chúa: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi” (Isaia 60: 3-4).

Vào ngày Lễ Hiển Linh này, Giáo hội muốn nói với con cái mình và mọi người rằng Ánh Sao Sáng Cứu độ, là Chúa Giêsu Kitô, chiếu soi tất cả mọi con người, mọi dân nước, là sự mặc khải của chính Thiên Chúa dưới hình dạng con người – một sự mặc khải dành cho toàn thế giới.

Các nhà thông thái đến với Chúa Giêsu Hài đồng và dâng cho Ngài những món quà của họ, chúng ta cũng đến với Ngài. Có lẽ không khó để dâng cho Ngài “vàng bạc” của chúng ta – những gì chúng ta biết là có giá trị trong chính chúng ta. Nhưng chúng ta cũng đừng quên dâng lên Ngài “một dược” của chúng ta – là những bóng tối tội lỗi trong thân phận sa ngã của con người chúng ta để: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6: 8) và đừng để chúng ngăn cản chúng ta đến với Ánh Sáng. Chúa Kitô đón nhận thói hư tật xấu của chúng ta cũng như đón nhận những tính tốt của chúng ta. Cuối cùng chúng ta dâng lên Ngài “nhũ hương” là những lời cầu nguyện với tất cả con người của chúng ta. Chúa Hài đồng chào đón các vị Hiền sĩ và chấp nhận những món quà của họ, Ngài cũng chào đón và ôm lấy chúng ta với tất cả những gì chúng ta yêu mến và tất cả những gì tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của cộng đồng xã hội chúng ta.

Việc các nhà thông thái: “đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2: 12) cũng là điều đáng suy nghĩ. Ngoài việc họ muốn tránh khỏi Hêrôđê, “đi lối khác mà về” còn có nghĩa thay đổi hướng đi, thay đổi những suy nghĩ và cung cách sống, định hướng lại lẽ sống. Cuộc gặp gỡ với Chúa Hài đồng, Đấng Mêsia, có tạo ra điều gì khác biệt trong cuộc sống của tôi không?

Phêrô Phạm Văn Trung

Read More
07Tháng Một
2023

Linh mục, những tôi tớ loan báo Tin Mừng của Chúa

07/01/2023
Anmai, CSsR
Chia sẻ, Giáo dục
0

Linh mục, những tôi tớ loan báo Tin Mừng của Chúa

 

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ TẠI NHÀ NGUYỆN RIÊNG DỊP CÁC LINH MỤC: PHAOLÔ TRẦN THANH DANH; MICAE NGUYỄN VĂN GIANG; GB NGUYỄN MINH HÙNG; ĐAMINH-TRẠCH CAO XUÂN KHẢI; GB TRẦN ĐÌNH PHÙNG THUỘC GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG KỶ NIỆM 20 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC NGÀY 22.12.2020 (cách đây hai năm).

Nhân dịp Đức Cha Phêrô tròn 24 năm Giám mục (1999 – 6.1 – 2022), người viết xin ghi lại bài giảng của Đức Cha, trước là xin kính dâng Đức Cha như món quà tinh thần, sau là muốn tỏ lòng biết ơn Đức Cha và muốn tự nhắc nhở mình về lời dạy quý báu mà Đức Cha dành cho.

Ân huệ mà chúng ta nhận được là do lòng quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta cảm thấy cần phải bày tỏ lòng biết ơn Ngài và vui mừng, hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho tất cả những ân huệ ấy.

Tạ ơn Chúa, vì đó là bản lĩnh của đời sống tôn giáo, là nền tảng của lòng biết ơn nơi con người.

Chúng ta cảm thấy được đánh động và vui thỏa khi khám phá ra những nền tảng mầu nhiệm từ nơi Thiên Chúa, đặc biệt là sự tốt lành của Thiên Chúa luôn luôn dành cho chúng ta. Nên chúng ta cảm tạ Người.

Nhưng tất cả những điều cao quý ấy, Chúa không chỉ cho chúng ta mà thôi, mà còn cho cả nhân loại.

Và trong những hồng ân Chúa ban cho nhân loại, thiên chức linh mục là đặc ân cao quý nhất.

Để tỏ lòng yêu thương nhân loại, Chúa chuộc tội, Chúa yêu cho tới cùng, yêu mãi mãi. Trong bữa tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền chức Thánh. Hai bí tích này gắn liền với nhau, gắn liền với con người linh mục để phục vụ ơn phần rỗi của toàn nhân loại.

Để có Thánh Thể, phải có người làm ra Thánh Thể. Chỉ có linh mục mới có thể làm ra Thánh Thể. Chúa Giêsu, linh mục duy nhất và đời đời của Thiên Chúa Cha. Chỉ mình Người mới có thể dâng lên của lễ đẹp lòng Chúa Cha và có giá trị đền tội nhân loại.

Chính Người có sáng kiến làm ra bí tích Thánh Thể biểu thị và báo trước hy lễ Người sẽ hiến tế trên đồi Canvê. Đồng thời, truyền cho các tông đồ làm lại để tưởng niệm công cuộc cứu chuộc Người đã thực hiện qua cái chết trên thập giá và sẽ phục sinh vinh hiển

Chính khi ra lệnh cho các tông đồ làm lại các nghi thức Người đã làm trước khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền hành động nhân danh Người và với tư cách của Người.

Với quyền này, các linh mục có thể làm ra Thánh Thể, có thể tái diễn hy lễ thánh giá, có thể tha tội, có thể chuyển tải công phúc Người đã lập cho muôn người qua mọi thời đại và cho cả thế giới. 

Chúng ta không biết lấy gì mà tạ ơn Thiên Chúa. Chắc chắn đây là những tư tưởng nổi bật của các cha trong ngày kỷ niệm thụ phong.

Tuy nhiên, đây không chỉ là tâm tình riêng của các cha mà thôi, nhưng là tâm tình của tất cả mọi người. Vì ơn linh mục là ơn mà Chúa ban không chỉ cho linh mục mà là để phục vụ và mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.

Vì Thế, linh mục là người đã được tuyển chọn giữa muôn người, làm những công việc liên hệ tới Thiên Chúa, hầu mưu cầu lợi ích thiêng liêng không phải chỉ cho riêng linh mục nhưng là cho tất cả mọi người.

Vì thế, không ai làm linh mục cho chính mình, nhưng làm linh mục cho mọi người và vì mọi người. Hiểu được điều này nên mọi linh mục phải thuộc nằm lòng điều mà thánh Phaolô đã nêu lên với giáo dân Côrintô: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”.

Người muốn nói rằng, Chúa Kitô đã chết thay cho chúng ta, chết để đền tội thay cho loài người. Vì thế, từ nay không ai có quyền sống cho riêng mình nữa mà phải sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

Đó chính là điều cốt lõi của tình yêu. Tình yêu đáp trả bằng tình yêu. Chúa yêu chúng ta, Chúa đòi chúng ta phải đáp lại tình yêu của Chúa. Tình yêu đơn phương là tình yêu đi vào ngỏ cụt. Đối với mọi người đã vậy. Đối với các linh mục, nghĩ vụ này còn cần thiết hơn nữa. Vì các ngài đã hứa nhận Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình để tiếp tục sứ vụ của Người, xả thân mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.

Chắc chắn mọi linh mục phải luôn luôn nhớ đoạn Tin Mừng thánh Gioan thuật lại biến cố tại biển hồ Tibêria với mẻ cá lạ lùng sau khi vất vả thả lưới mà không bắt được con cá nào. Hình như Chúa muốn nhắc lại cho các tông đồ hiến lễ Người đã thiết lập chiều thứ năm, trước khi Người dâng mình chịu chết trên thánh giá.

Sau mẻ cá lạ lùng ấy, Chúa đã dọn sẵn bánh, cá và rượu, rồi nói với các ông: “Các con hãy đến mà ăn”. Rồi người cầm lấy bánh và cá trao cho các tông đồ. Khi các ông dùng xong, Người hỏi thánh Phêrô ba lần: “Phêrô con có yêu mến Thầy không?”. Người buộc Phêrô phải trả lời ba lần: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau mỗi lần nói lên lòng yêu mến của mình, thánh Phêrô được Chúa trao phó nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Người.

Sự kiện này muốn nói các linh mục là môn đệ Chúa Kitô. Không những các ngài phải sống cho Chúa mà còn phải sống cho đoàn chiên mà Chúa trao phó cho các ngài.

Vì yêu thương chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã tự dâng hiến bản thân chịu chết cho chúng ta. Trước tình yêu cao cả ấy, chúng ta cảm thấy được thúc bách phải đáp lại, từ nay chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Mà sống cho Thiên Chúa cũng là sống cho mọi người như thánh Gioan đã quả quyết: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà không thương yêu anh em, đó là kẻ nói dối”.

Bởi vậy, các linh mục phải dâng hiến đời mình để sống cho Chúa và cho mọi người. Các ngài phải hiến dâng những gì thuộc về mình, hiến dâng cả tài năng, sức khỏe, thời giờ, của cải… để tỏ lòng yêu mến Chúa, đưa mọi người về với Chúa Kitô, để tất cả được nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Vì thế, quy tụ lại đây, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta, khi mừng lễ kỷ niệm thụ phong linh mục, biết trung thành giữ vững và thực hành điều đã hứa với Chúa là quyết tâm theo Chúa trong ngày gia nhập hàng giáo sĩ, để mãi mãi trung thành với tình yêu của Chúa nhằm xả thân phục vụ mọi người.

Với tất cả hồng ân Chúa trao cho chúng ta, từ khả năng, thân xác, linh hồn, các tài năng, vật chất và tinh thần…, chúng ta phải làm lợi cho danh Chúa, cho phần rỗi của mình và anh chị em mà mình được mời gọi phục vụ.

Nên nhớ rằng, Chúa ban cho ai phương diện nào, thì Ngài cũng muốn người đó phải chia sẻ phương diện đó. Nói khác đi, chúng ta không sở hữu những gì chúng ta có, nhưng chỉ là những quản lý. Chỉ có Chúa mới thực sự là sở hữu, mọi thứ đều quy về Người.

Và nếu là quản lý, chúng ta có nhiệm vụ làm theo ý chủ. Mà ý của Chúa là ta phải biết sử dụng những gì Chúa ban cho, trước hết phụng sự Chúa, sau đó là phục vụ anh chị em đồng loại.

Vì thế, hôm nay kỷ niệm thụ phong linh mục, chúng ta hãy nhớ đến những ơn Chúa ban, như làn gió mà chúng ta lãnh nhận, không phải cho riêng cá nhân chúng ta, nhưng để phục vụ mọi người. Bởi vì chúng ta là những người được Chúa sai đi.

Mà sai đi là để rao giảng Tin Mừng, hay nói bằng khiểu nói khác, đó là loan báo Tin Mừng, loan báo tình thương của Chúa. Việc rao giảng là việc rất cấp bách. Vì Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người.

Trên thế giới hiện nay, số người Công giáo mới chỉ khoảng một phần của nhân loại. Mà chương trình của Chúa là chúng ta phải loan báo Tin Mừng để tất cả mọi người được cứu độ. Vậy mà chúng ta vẫn chưa làm được, chưa loan báo cho đầy đủ. Vì thế, còn phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn.

Bởi tất cả những người chưa biết Tin Mừng là chưa biết được một tin rất vui. Đó là tin được tham dự vào sự sống đời đời, được Thiên Chúa tuyển chọn, được Thiên Chúa chia sẻ chính sự sống của Người.

Vì thế, xin cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng xả thân phục vụ ra đi rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người, nhằm mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Từ đó, chúng ta xứng đáng là những tôi tớ linh mục của Chúa, xứng đáng đạt được điều mà Chúa hứa: “Hỡi những tôi tớ trung tín và khôn ngoan, hãy đến mà hưởng niềm vui của Chủ ngươi”.

Bài giảng của ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ

Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường

(Lm JB Nguyễn Minh Hùng ghi chép chép và đề tựa)

Read More
19Tháng Mười Hai
2022

Mừng Chúa Giáng Sinh đọc “Như Tây ký” của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản

19/12/2022
Anmai, CSsR
Chia sẻ, Giáo dục
0

Mừng Chúa Giáng Sinh đọc “Như Tây ký” của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản

 

Cụ Ngụy Khắc Đản( 1817- 1873) người xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tĩnh Hà Tĩnh. Thi đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841) và đỗ Thám hoa khoa Bính Dần (1856). Sau đó được bổ làm Tri phủ phủ Thăng Bình (Quảng Nam), rồi thăng Án sát tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian làm Án sát Quảng Nam, cụ nhận thấy việc dùng uy vũ bắt ép những giáo dân theo đạo Da tô bỏ đạo không có kết quả.

 

 

Đối với những giáo dân trung kiên cho dù dùng hình phạt gì đi nữa họ vẫn không sờn lòng: “Liều mình trấn nước cớ chi/Gông cùm lòi tói đeo trì cũng mang”. Nên cụ Ngụy Khắc Đản đã làm bài “Hoán mê khúc” kêu những người theo đạo Da tô: “Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”. Trong bài Hoán mê khúc, cụ Ngụy Khắc Đản dẫn chứng một số chuyện mà theo cụ cho là hoang đường trong đạo Da tô: “Ai nấy thử nghe lời giải thích/Đạo Tây kia đích đáng vào đâu?/Phép truyền ba sự nhiệm mầu/Nghĩ ra nào có thông đầu suốt đuôi?/Một rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi/Trời sao mà lại một Trời chia ba?/Hai rằng: sự tích Đức Bà/Đồng trinh mà đẻ ấy là có mô?/Ba rằng: sự Chúa Da tô/Tội mình chưa khỏi mà mua tội người!/Điều chi điều chẳng nực cười/Thế mà thiên hạ dưới đời cũng tin”.

 

Xem ra cụ Ngụy Khắc Đản có tư tưởng tiến bộ hơn các quan lại cùng thời. Những quan lại bất tài chỉ biết khuyên giáo dân theo đạo Da tô bỏ đạo bằng cái thứ lý luận của bọn vũ phu thất học: “Đứa nào cứng cổ cượng co/Dây roi có đó, nọc vồ có đây”. Cụ Ngụy Khắc Đản đã dùng lý luận đạo đức, văn hóa để khuyên nhủ giáo dân theo đạo Da tô mau tỉnh ngộ lại. Bởi cụ Ngụy Khắc Đản hiểu rõ: uy vũ không thắng nỗi đạo giáo bao giờ! Đó là lý do thúc đẩy cụ Ngụy Khắc Đản sáng tác bài “Hoán mê khúc”[1].

 

Tháng 5 năm Quý Hợi (1863) “Sai Hiệp biện Đại học sĩ là Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả Tham tri Phạm Phú Thứ, Án sát Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đi sang sứ Tây dương (Thanh Giản sung làm Chánh sứ,Phú Thứ sung làm Phó sứ, Khắc Đản sung làm Bồi sứ)”[2] để thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường). Phái đoàn đi sứ sang Pháp và Y pha nho đến tháng 2 năm Giáp Tý (1864) thì về đến Huế: “Sứ bộ sang Tây về tới Kinh, vua cho Phan Thanh Giản lãnh Thượng thư bộ Lại, Phạm Phú Thứ làm Tả Tham tri bộ Lại, Ngụy Khắc Đản lấy hàm Quang lộc tự khanh Biện lý bộ Binh”[3]. Trong chuyến hành trình đi sứ sang Tây, cụ Phạm Phú Thứ thuật lại trong “Tây hành nhật ký”. Riêng cụ Bồi sứ Ngụy Khắc Đản cũng viết về chuyến đi trong tập “Như Tây ký”[4]. Như Tây ký của cụ tường thuật những điều mắt thấy tai nghe về tôn giáo, văn hóa, chính trị, quân sự, thương nghiệp, y tế, âm nhạc…của nước Pháp và các vùng lân cận.

 

Riêng lãnh vực tôn giáo, cụ Bồi sứ Ngụy Khắc Đản viết về Do Thái giáo, Da tô giáo (Công giáo), Tin lành, Hồi giáo. Cụ Bồi sứ Ngụy Khắc Đản sau khi nghe kể về cuộc đời của Chúa Giêsu, cụ thuật lại trong Như Tây ký (trong sách xuất bản chỉ có nguyên văn chữ Hán và bản dịch không có bản phiên âm): “Da tô[5] tắc Xu diêu quốc[6] nhân dã. Xu diêu nguyên tại hải trung đông ngạn, kim thuộc Tu du ki quốc[7], nhi kỳ di tán xứ Tây phương chư quốc” (Da tô [Jésus] là người nước Xu [Judea]. Xu diêu [Judea] nằm ở bờ đông của biển, nay thuộc nước Tu du ky [Turquie/ Thổ Nhĩ Kỳ]. Dân xứ này sống tản mác trong các nước phương Tây”[8]

 

Viết về Đức Maria: “Da tô chi mẫu Ma di a giả, Biết lê hem hương nhân[9]. Sơ dĩ xử nữ thỉ nguyện vi đồng trinh, mộng thần nhân cáo chi viết: Cứu Thế Chúa đang thác kỳ hoài dĩ sinh, nãi hữu thần (thử ngữ Anh cát lợi nhân bất chi tín). Hương trung hữu mộc tượng nhân, danh Du de lão nhi bần, diệc mộng thần nhân cáo chi viết: Cứu Thế Chúa đang thác Ma di a dĩ sinh, nghi hộ dưỡng chi. Ký nhi Da tô sinh ư kỳ hương chi lư cứu trung. Cái vị giai Da tô tự trạch kỳ tân khổ xứ dã” (Mẹ của Da tô[Jésus] là Ma di a [Maria] người làng Biết lê hem [Bethlehem]. Thuở ban đầu giữ phận xử nữ phát nguyện làm đồng trinh, trong mộng được thần nhân cho hay rằng: vị Chúa Cứu Thế đang thác trong bào thai để chào đời, thế là bà có thai (câu chuyện này người Anh cát lợi nay không cho là đáng tin[10]). Trong làng có người thợ mộc tên là Du de [Giuse/Joseph], già lại nghèo, cũng được thần báo mộng rằng: Chúa Cứu Thế đương thác sinh bởi Ma di a[ Maria], hãy nên che chở nuôi dưỡng đứa bé ấy. Đến khi Da tô [Jésus] được sinh ra trong chuồng lừa ở trong làng, thiên hạ đều bảo Da tô [Jésus] tự chọn nơi gian khó).

 

Đặt tên cho hài nhi: “Thời Du de tựu dĩ mộng cáo Ma di a, huề Da tô giai quy, nhi danh chi viết: Du nhi Cơ di si tô (Du nhi vị Cứu Thế dã, Cơ di si tô vị tằng thụ pháp du dã danh chi viết: Da tô viết Cơ đốc giai kỳ cận âm dã” (Thuở ấy Du de[Giuse] đem lời mộng triệu ấy kể cho Ma di a[Maria] biết, rồi mang Da tô[ Jésus] về cùng chăm nuôi, đặt tên là Du nhi Cơ di si tô [Jésus Christus/ Giêsu Kitô] (Du nhi [Jésus] là vị Cứu Thế; Cơ di si tô[Christus/Kitô] đã từng chịu phép xức dầu. Các tên gọi Da tô, Cơ Đốc đều gần âm này[11]).

 

Ba vị đạo sĩ đến chiêm bái hài nhi Giêsu: “ Ư thị dạ hữu dị tinh, hiện Xu diêu chi đông, hữu Phê dơ xe quốc giả, kỳ nhân tinh ư chiêm hậu chi thuật, nhi bất năng đoán. Thời hữu tù trưởng tam nhân phương kỳ nghị chi, hữu thần nhân ngữ chi viết: Cứu Thế Chúa ư sanh hỹ? Thị dĩ thử tinh báo ứng, nghi cầu nhi sự chi, ư thị tam nhân, cụ hương hoa thứ phẩm, hướng tinh dĩ hành, tinh diệc tùy chi. Nhược đạo dẫn nhiên, cập chí Da tô xứ, nhi dị tinh hốt ẩn. tam nhân giả kiến Da tô dĩ quy. Quá Xu diêu tù ngôn kỳ dị. Xu diêu tù nghi chi. Nhiên bất tri kỳ nhân. Lệnh Xu diêu dân, phàm ư thị thời sơ sanh trưởng nam vô đắc cử giả”(Đêm hôm ấy có sao lạ hiện ở phía đông xứ Xu diêu [Judea]. Có người nước Phê dơ xe [Perse, Ba Tư, tức Iran] tinh thông thuật chiêm tinh nhưng cũng không đoán được. Khi ấy ba vị tộc trưởng[12] đang cùng nghị luận thì có thần nhân nói rằng: Chúa Cứu Thế đã chào đời, vậy vì sao này là báo ứng, hãy nên cầu [kiến] mà phụng sự Chúa. Thế là ba vị tộc trưởng soạn đầy đủ lễ nghi vật phẩm, theo hướng vì sao mà đi theo. Vì sao cũng thuận theo tựa như dẫn lối, cho đến nơi ở của Da tô [Jésus] thì sao lạ bỗng nhiên ẩn đi. Ba vị tộc trưởng gặp được Da tô [Jésus] rồi mới trở về, qua xứ Xu diêu[Judea] gặp tộc trưởng thuật lại sự kỳ lạ[13]. Tộc trưởng Xu diêu [Judea] ngờ vực nhưng không biết người, bèn lệnh cho dân Xu diêu [Judea], hết thảy trẻ sơ sinh nào vào thời điểm ấy khi trưởng thành đều không được tiến cử[14])

 

Gia đình Thánh gia trốn sang nước Ai Cập: “Thần hựu dĩ cáo Du de noa chi dĩ đào, vãng cư ư Ê dịch quốc[15] (kim Kê thành ngoại đích sổ lý hứa sở hữu cổ thụ vân Da tô mẫu tử hành gian sở khế dã. Kim Tây phương giáo nhân đa nhân chi quảng vi ba viên lai quan giả, đa chí kỳ danh dĩ vi vận sự). Thập dư niên phục hồi Xu diêu” (Thần lại báo cho Du de [Giuse] biết mà bế Da tô [Jésus], chạy tới cư ngụ ở nước Ê dịch [Egypte/Ai Cập]( nay ngoài thành Kê [Caire, tức Cairo] khoảng vài dặm có gốc cổ thụ là nơi mẹ con Da tô [Jésus] nghỉ chân. Ngày nay giáo dân phương Tây tới tham quan vườn chuối, ghi lại tên tuổi để làm kỷ niệm đẹp[16]). Mười mấy năm sau trở lại Xu diêu [Judea]).

 

Trước khi đi sứ sang Tây, cụ Ngụy Khắc Đản đã mang nặng thành kiến không tốt về đạo Da tô: “Âu hẳn bởi mê man Tả đạo/Nghe Tây dương dạy bảo lẽ sai”. Khi sang Tây, cụ đã tiếp cận với lịch sử của đạo Da tô, nên cụ cố gắng thuật lại một cách rõ ràng về đạo Da tô. Do hành trình đi sứ cả đi lẫn về chỉ có 7 tháng và bận rộn với nhiều công việc của sứ bộ và chỉ nghe qua một đôi lần cho nên việc ghi chép của cụ không thể tránh nhầm lẫn, sai sót. Tuy vậy Như Tây ký là văn bản để vua Tự Đức và các quan trong triều đình Huế tiếp cận về đạo Da tô một cách thấu đáo bởi một vị quan trong triều ghi chép lại..

 

 Nguyễn Văn Nghệ

 Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

 

 

 

Chú thích:

 

[1]-Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, In lần thứ nhất. Tác giả tự xuất bản, 1970, tr.271- 272, 274-275, 278, 280.

 

[2]-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 812

 

[3]-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 839

 

[4]-Như Tây ký là văn bản viết tay, dày 180 trang, khổ sách 29x30cm. Có tất cả 2239 từ (chủ yếu là chữ Hán có xen lẫn đôi chữ Nôm) mang ký hiệu A.764, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

[5]-Da tô là âm Hán Việt tên Jésus được phiên âm sang chữ Hán. Lâu nay nhầm lẫn được viết là “Gia tô”.

 

[6]-Xu diêu quốc: Nước Xu diêu tức là xứ Judea. Sách Kinh Mục lục của Địa phận Qui Nhơn ghi là “nước Giu dêu”. Cụ Ngụy Khắc Đản khi phiên âm các địa danh, nhân danh của phương Tây, không tuân theo một quy tắc nào cả, Chỉ nghe âm đọc lên rồi phiên âm sang chữ Hán Nôm theo ý riêng của cụ.

 

[7]-  Thời điểm cụ Ngụy Khắc Đản đi sứ Tây dương năm 1863-1864, thì vùng Palestine (bao gồm xứ Judea) bị Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) xâm chiếm

 

[8]-Ngụy Khắc Đản, Như Tây ký (1863-1864) (Phiên dịch và khảo cứu: Cao Việt Anh), Nxb Đại học Sư phạm (bài viết sử dụng bản dịch của Cao Việt Anh).

 

[9]-  Maria và Giuse không phải người làng Bethlehem, mà là Nazareth. Bethlehem là tổ quán (quê quán của tổ tiên) của Giuse. Giuse đã đem Maria về thành Bethlehem để khai dân số và sinh hạ Đức Giêsu tại Bethlehem.

 

[10]-Chi tiết này, cụ Ngụy Khắc Đản chú thích sai. Tín điều Đức Maria sinh con mà vẫn còn đồng trinh chỉ có tín hữu Tin lành không công nhận mà thôi. Dân Anh cát lợi theo Anh giáo vẫn tin Đức Maria đồng trinh.

 

[11]-Du nhi Cơ di si tô: phiên âm tên Jesus Christus. Trước đây người Công giáo Việt Nam đọc “Giêsu Ki ri xi tô”, nay đọc là Giêsu Kitô. Chỗ này cụ Ngụy Khắc Đản không phiên âm Jesus thành Da tô mà lại phiên âm thành “Du nhi”. Thế kỷ XIX người Việt Nam phiên âm tên Jesus bằng nhiều cách. Trong bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Hán phiên âm là “Chi thu”: “Chúa Trời, Chi thu chi thuyết, phục uế thính văn” (Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời, Giêsu). Trong bài “Vè đánh đạo” cụ Tú Quỳ(1828- 1926) lại phiên âm là “Du di”: “Bắt Chúa Du di/Nhà phước đá đi/Nhà chung quét sạch”.

 

[12]-Bản chữ Hán ghi: “Tù trưởng tam nhân”, dịch giả Cao Việt Anh dịch là “ba vị tộc trưởng”. Trước đây người Công giáo Việt Nam gọi là “Ba ông vua” và gọi tắt là Ba Vua. Nay gọi là Ba nhà Đạo sĩ.

 

[13]-  Chi tiết này cụ Ngụy Khắc Đản thuật lại sai. Ba vị “tộc trưởng” ấy gặp vua Herode trước rồi mới đến chiêm bái hài nhi Giêsu(x.Mt 2,1-12).

 

[14]-Chi tiết này cùng thuật lại sai. Sau khi ba vị “tộc trưởng” đi đường khác mà về, thì vua Herode tức giận giết tất cả trẻ em nam thành Bê lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống “tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ” (x. Mt 2, 16-18)

 

[15]-Ê dịch quốc nay gọi là Ai Cập. Người Công Giáo Việt Nam xưa gọi là nước Ê giếp tô.

 

[16]-Đoạn nói đến vườn chuối không thấy ghi trong Kinh Thánh.

Read More
19Tháng Mười Hai
2022

Năm điều Kitô hữu không nên làm vào Giáng sinh

19/12/2022
Anmai, CSsR
Chia sẻ, Giáo dục
0

Năm điều Kitô hữu không nên làm vào Giáng sinh

 

Dĩ nhiên đây là ‘thời gian tuyệt vời nhất trong năm’, nhưng đừng quên ý nghĩa thật sự của nó

Ôi, Giáng sinh! “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”.

Thời gian để xum họp với gia đình và gặp gỡ bạn bè, và với nụ cười trên mặt chúng ta giả vờ không quan tâm ai nhận được món quà tốt nhất và người thân nào của chúng ta thực sự cần nghỉ uống.

Thời gian để treo kim tuyến và đồ trang trí lên cây Noel, và là thời gian để từ bỏ hy vọng đánh mất 10 bảng cuối cùng trong năm nay.

Thật là một mùa tràn ngập niềm vui!

Vấn đề quan trọng ở đây đó là chúng ta hiểu như thế nào về Giáng sinh.

Tuy nhiên, đối với Kitô hữu có một số điều cụ thể chúng ta không thể làm nếu muốn thật sự tôn vinh và đi theo người mà chúng ta nói chúng mừng kỷ niệm trong mùa này.

Do đó tôi xin nêu lên 5 điều mà Kitô hữu không nên làm vào dịp Giáng sinh.

5) Quên những người thiếu ăn

Chúa Giêsu từng nói khi chúng ta cho người đói ăn là chúng ta đang cho ngài ăn.

Có người nào trong chúng ta muốn đoán biết nó có ý nghĩa gì khi chúng ta làm ngơ người đói không?

Thế còn quên những trẻ em đói khổ và gia đình của các em khi chúng ta vứt thịt ăn còn thừa trong đĩa vào ngày Giáng sinh vào thùng rác thì sao?

Có lẽ chúng ta cần thay đổi tên gọi của mùa này thành Gluttonousmas chăng? Rất nhiều quà, rất nhiều thức ăn, nhưng lại thiếu quan tâm đến những người cần giúp đỡ.

4) Quên người vô gia cư

Một trong những sự kiện chính trong lịch sử Kitô hữu kỷ niệm là sự kiện Chúa Giêsu gần như sinh ra trên đường phố Bethlehem.

Khi trình bày câu chuyện Giáng sinh chúng ta nói người chủ quán trọ bảo các ngài dùng máng cỏ nhưng Kinh Thánh không nói như thế. Quán trọ không có phòng, khiến cho Mẹ Maria phải đặt đứa con mới sinh của mình trong một cái máng ăn hôi thối.

Vào đêm đó các ngài không có chỗ nương thân.

Trong suốt đời mình, Chúa Giêsu không có nơi để gối đầu khi đi rao giảng.

Thời gian này trong năm chúng ta kỷ niệm một người vô gia cư.

Hành động của chúng ta, những nơi chúng ta tiêu tiền có thể hiện điều đó không?

3) Làm ngơ thông điệp kêu gọi chống lại thế lực bạo ngược

Đức Maria và Thánh Giuse cùng gia đình đã phải rời khỏi quê hương vì Vua Hêrôđê đã thẳng tay dùng quyền hành loại bỏ những gì ông cho là mối đe dọa đối với quyền lực của mình.

Tôi có thể đảm bảo với các bạn hai điều: Một là trong nhà nơi Chúa Giêsu lớn lên, chuyện kể lý do các ngài phải trốn sang Ai Cập và những cái chết vô nghĩa do nhà cầm quyền gây ra cho các gia đình khác được kể lại không biết bao nhiêu lần. Hai là trong lời giáo huấn Đức Giêsu nhấn mạnh sự lạm quyền và ngài luôn sẵn sàng đương đầu với việc này không phải là ngẫu nhiên.

Giáng sinh là thời gian kêu gọi Kitô hữu tái cam kết chống lại những kẻ lạm quyền.

2) Quên những người không có quà

Nếu anh có hai áo choàng, hãy cho người khác một cái.

Khi loan báo Chúa Giêsu đến, Gioan Tẩy Giả nói cho chúng ta biết Chúa yêu cầu chúng ta điều gì. Áo choàng chỉ là một ví dụ.

Nếu anh có hai món quà Giáng sinh, hãy cho người khác một cái.

1) Nhầm ngày lễ tôn giáo với ngày lễ thế tục

Có thể ngày 25-12 được chọn làm ngày kỷ niệm sinh nhật Chúa Giêsu nhằm tranh đua hay thậm chí kế tục các tín đồ ngoại giáo tổ chức lễ hội mừng thần Saturn, họ trang trí lễ hội bằng cây thường xanh, tặng quà và tổ chức tiệc tùng linh đình.

Tại sao việc làm đó có vẻ quen thuộc như thế?

Tôi đưa ra điều này để nói lên một vấn đề đơn giản.

Nhiều vấn đề về “Cuộc chiến Giáng sinh” của chúng ta sẽ được giải quyết thỏa đáng nếu chúng ta thừa nhận có hai lễ mừng Giáng sinh mỗi năm.

Một lễ mang tính tôn giáo còn một lễ thì không.

Phần lớn bài viết này thực sự chỉ ra những vấn đề xảy ra khi chúng ta kết hợp chúng lại.

Vì thế xin đừng làm như thế nữa.

(UCAN 19.12.2014/ Patheos)

Read More

Điều hướng bài viết

  • Page 1
  • Page 2
  • …
  • Page 63
  • Next page
Bài viết mới nhất
Đừng xét đoán
21/03/2023
Thứ hai tuần V mùa chay
21/03/2023
Đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu
19/03/2023
Video nổi bật
https://www.youtube.com/watch?v=Td144YDsaGo
Sự kiện sắp tới

There are no upcoming events at this time.

Ủy ban Giáo dục Công giáo – Trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Liên hệ

72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM Get Directions

Phone: +84 931 436 131

Email: [email protected]

Ban chuyên môn
  • Ban Tài liệu và Truyền thông
  • Ban Giáo chức
  • Ban Kỹ năng và Giá trị sống
  • Ban Khuyến học
  • Ban Học viện Thần học
  • Ban Hội Học sinh – Sinh viên
Chuyên mục
  • Tin tức
  • Thư chung
  • Giáo dục
  • Phụng vụ
  • Thư viện
© 2020 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo - HĐGM Việt Nam | Design by JT