2022
Linh mục có được phong thánh và gia vạ tuyệt thông cho ai không?
Linh mục có được phong thánh và gia vạ tuyệt thông cho ai không?
Hỏi: Xin cha vui lòng giải thich một vài thắc mắc sau đây:
- có một số linh mục giảng trong lễ tang là người này chắc chắn đã lên thiên Đàng rồi , Như vậy căn cứ vào đâu mà nói được như thế ?
- Có linh mục chánh xứ kia cứ hăm dọa vạ tuyệt thông cho ai đi dự tiệc cưới của những cặp hôn nhân không hợp pháp trong Giáo Hội. Như vậy có đúng không ?
- Lại có linh mục cứ nói Chúa rất nhân từ, nên đừng lo sợ gì về phần rỗi của mình, vì Chúa Giêsu đã chết thay cho mọi người có tội rồi nên không còn gì phải lo sợ Chúa phạt ai nữa. Điều này có đúng như vậy hay không ?
Đáp:
- Về câu hỏi thứ nhất, tôi đã có đôi lần nói rõ là linh mục không bao giờ được phép biến lễ tang thành lễ phong thánh cho ai (canonization) vì không có giáo lý ,giáo luật nào cho phép làm như vậy. Ai chết, kể cả các linh mục, giám mục, Hồng y và ngay cả Đức Thánh Cha chết, thì Giáo Hội chỉ dạy phải cầu nguyện cho người quá cố mà thôi , chứ không tức khắc tuyên bố ai đã lên Thiên Đàng rồi nên khỏi cần cầu nguyện nữa.
Có phong thánh cho ai thì cũng phải có thời gian điều tra cũng như đòi hỏi theo giáo luật, như phải có một vài phép lạ mà người nào được hưởng nhờ cầu xin với người đã qua đời, rồi Giáo Hội mới phong chân phước ( Blessed) trước khi phong thánh( canonization).Nghĩa là phải qua nhiều thời gian điều tra theo giáo luật , nên từ xưa đến nay, Giáo Hôi chưa bao giờ phong thánh tức khắc cho ai sau khi người đó chết dù là Đức Thánh Cha.
Như vậy, khi giảng trong lễ tang của ai, linh mục nào nói là linh hồn này đã lên Thiên Đàng rồi, là đã tự ý phóng đại hay tưởng tượng để tự ý phong thánh cho người kia mà không căn cứ vào giáo lý , giáo luật nào của Hội Thánh,- hay hơn nữa- đã vượt quyền của Giáo Hội để tự ý phong thánh cho ai vì mục đích đề cao người chết và làm vui lòng cho tang gia của người qua đời.
Lại nữa, nếu biết linh hồn của người chết đã lên Thiên Đàng rồi, tức là đã gia nhập hàng ngũ các Thánh ở trên Trời , thì cần gì phải cầu nguyện cho người ấy nữa ??? vì có giáo lý nào dạy phải cầu nguyện cho một thánh nam hay thánh nữ nào đâu ? . Các thánh nam nữ đang hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng không cần ai cầu xin cho mình nữa. Ngược lại, các Thánh có thể cầu bầu, tức là cầu xin Chúa cách đắc lực cho các tín hữu còn sống trên trần gian và cho các linh hồn thánh đang được tinh luyện nơi Luyện tội.( Purgatory )
Như vậy, ai quả quyết rằng người này, người kia chết đã lên Thiên Đàng rồi là đã tự ý phong thánh cho người ấy, bất chấp luật phong thánh của Giáo Hội, gây ngộ nhận cho giáo dân về phần rỗi của ai mà chính mình cũng không biết, nhưng cứ nói đại để làm vui lòng cho thân nhân người quá cố mà xác còn đang nằm trong nhà thờ cho mọi người có mặt cầu nguyện .
Mọi linh mục đều phải hiểu rằng không ai có cách gì biết được Chúa phán đoán ra sao cho một người đã ly trần. Ai chết thì phải cầu nguyện cho họ, có thế thôi –kể cả cho những người tự tử chết hay chết đột ngột không kịp được sức dầu và lãnh phép lành sau hết của Giáo Hội. Nghĩa là không ai có thể phán đoán người này đã lên Thiên Đàng, người kia đã xuống hỏa ngục rồi ,nên không cần cầu xin cho họ nữa.
Tóm lại, số phận đời đời của một người sau khi chết thì chỉ có Chúa biết và phán đoán công mình, khoan dung cho người ấy mà thôi.
- Về câu hỏi thứ hai, tôi xin được trả lời như sau:
Vạ tyệt thông ( excommunication) là hình phạt nặng nhất mà Giáo Hội bất đắc dĩ phải tuyên phạt ai đã vi phạm một trong những điều Giáo Hội cấm trong giáo luật. Thí dụ phá thai, ném bỏ Mình Thánh Chúa xuống đất.. hành hung Đức Thánh Cha..v.v khi vi phạm một trong những điều ngăn cấm ghi trong giáo luật thì thức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết và vạ này dành cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ ( x giáo luật số 1364&1). Ngược lại, khi vi phạm điều gì có liên quan đến đức tin hay luân lý,thì giáo quyền địa phương (Tòa Giám mục) có thể gia vạ tuyệt thông hậu kết ( ferendae sententiae) cho ai vi phạm, sau ít là một lần cảnh cáo mà người vi phạm không có thiện chí nhận lỗi và sửa đổi.
Như vậy, đi dự tiệc cưới của ai không kết hôn hợp pháp trong Giáo Hội chỉ là gương xấu chứ không phải là vi phạm điều gì về đức tin hay luân lý.Nên không thể áp dụng vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) hay hậu kết ( ferendae sententiae) cho ai được.
Theo luật, không linh mục nào- dù là chánh hay phó xứ- có quyền ra vạ tuyệt thông cho ai. Nếu có, chỉ có giám mục mới có quyền này mà thôi. Vậy linh mục chánh xứ nào ngăm đe gia vạ tuyệt thông cho ai đi dự đám cưới của các cặp hôn nhân không kết hôn trong nhà thờ vì lý do nào đó, là đã đi quá thẳm quyền của mình, hay không hiểu biết gì về vạ tuyệt thông.
Vả lại, ngay cả việc kết hôn không đúng theo luật và nghi thức của Giáo Hội thì chỉ là gương xấu phải tránh, chứ không phải là tội đáng bị vạ tuyệt thông, vì điều này không có ghi trong luật cấm theo giáo luật.
- Về câu hỏi thứ ba, xin được trả lời như sau:
Thiên Chúa là tình thương: đúng. Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô Là quá đủ cho con người được cứu rỗi : đúng.
Nhưng không phải vì Chúa quá nhân từ, vì công nghiệp của Chúa Kitô là quá đủ, mà con người không cần phải làm gì nữa về phần mình.Hay nói rõ hơn không thể coi đó như bảo đảm chắc chắn về phần rỗi của mình nên cứ tự do sống theo ý riêng mà không cần đóng góp thiện chí cá nhân vào ơn cứu độ của Chúa để sống theo đường lối của Người hầu được cứu rỗi.
Trái lại, nếu không có thiện chí góp phần vào ơn cứu độ của Chúa mà lấy cớ Chúa là tình thương, Chúa Kitô đã chết thay cho mình rồi, nên cứ tự do sống và làm những việc trái với tình thương, công bằng và thánh thiện của Chúa như oán thù, giết người, giết thai nhi, trộm cắp, gian tham , dâm ô thác loạn…thì chắc chắn Chúa không thể cứu người đó được.
Lý do là con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng.Nên nếu con người xử dụng tự do này mà chối bỏ Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình để phạm những tội nghịch cùng Thiên Chúa mà không hề biết ăn năn sám hối, thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ trở nên vô ích hoàn toàn cho ai chọn lối sống này. Nghĩa là Tình thương vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô không thể áp dụng cho những ai lợi dụng tình thương và công nghiệp này để sống theo “văn hóa của sự chết” và chối bỏ Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình.
Đó là lý do tại sao Chúa Giê su đã nói với một số người Pharisi đến hỏi Chúa xem có phải những người Ga-li-lê bị Tổng Trấn Phi-la-tô giết chết và mười tám người khác bị thác Si-lô-a đổ xuống đè chết có phải vì họ tội lỗi hơn những người khác hay không, Chúa đã trả lời họ như sau:
“ Tôi bảo cho các ông biết: không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” ( Lc 12: 5 )
Như thế rõ ràng cho thấy là tình thương và công nhiệp của Chúa không thể bao che cho tội lỗi của con người, cố ý phạm vì lợi dụng tình thương tha thứ của Chúa và không biết sám hối để xin tha thứ. Chính vì tội của con người mà Chúa Giêsu phải vác thập giá đau khổ và chịu chết thay cho loài người tội lỗi. Nhưng muốn được hưởng nhờ công nghiệp cứu chuộc đó, để sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau, thì nhất thiết đòi hỏi con người phải cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa để xa tránh mọi tội lỗi, hay sám hối vì đã lỡ phạm tội, vì Thiên Chúa chê ghét mọi tội lỗi còn đầy rẫy trong thế gian, trong bản tính yếu đuối của con người và trong kế hoạch của Sa tăng – kẻ thù cho phần rỗi của mỗi người chúng ta- không bao giờ muốn cho ai được cứu rỗi, được bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường, là Sự Thật và là sự Sống.” ( Ga 14 : 6)
Như vậy, không thể rao giảng tình thương của Chúa mà không nói đến phần đóng góp của con người vào tình thương và ơn cứu độ của Chúa.
Đây là một khuyết điểm lớn của các giáo phái Tin Lành, là những người chủ trương chỉ cần tin Chúa Kitô ( sola fe) là đủ cho con người được cứu độ mà không cần phải làm gì thêm về phía con người. Đây cũng là khuyết điểm của một số linh mục “mị giáo dân” bằng cách chỉ nói đến tình thương của Chúa mà không nói đến phần đóng góp của con người vào tình thương đó.
Thực tế cho thấy là nếu miệng nói tin Chúa mà chân bước đi theo thế gian để làm các sự dữ như thực trạng sống của con người ở khắp nơi trong thế giới tục hóa ngày nay- đặc biệt là những kẻ đang buôn bán phụ nữ và trẻ em bán cho bọn tú bà, ma cô, cho bọn vô luân vô đạo đang đi tìm thú vui dâm ô và ấu dâm rất khốn nạn- thì dù có tuyên xưng tin Chúa Kitô cả ngàn vạn lần thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.
Câu hỏi “ lời nói phải đi đôi với việc làm” rất đúng cả về mặt tự nhiên cũng như trong đời sống thiêng liêng. Trong mọi giao thiệp với người khác, ai chỉ nói hay, nói hấp dẫn, nhưng không có việc làm cụ thể để chứng mình thì chắc chắn không thuyết phục được ai tin lời mình nói. Cũng vậy, tuyên xưng lòng tin có Chúa mà đời sống lại đi ngược với niềm tin ấy, thì sẽ không giúp ích gì cho phần rỗi của mình và cũng không thuyết phục được ai tin Chúa nữa vì gương sống phản chứng của mình.
Tóm lại, rao giảng tình thương vô biên của Chúa là cần thiết, là đúng. Nhưng sẽ thiếu sót nếu chỉ nói đến tình thương của Chúa mà không nói đến phần đóng góp cá nhân của con người vào tình thương ấy để không lợi dụng tình thương của Chúa mà sống thù nghich với lòng nhân hậu và tha thứ của Chúa như thực trạng của biết bao con người trong thế giới tục hóa ngày nay.
Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
2022
Tại sao việc cử hành lễ Chúa Nhật trong năm lại quan trọng?
Tại sao việc cử hành lễ Chúa Nhật trong năm lại quan trọng?
Cho dù ở nhiều nơi, xã hội không công nhận Chúa Phục Sinh, thì Kitô hữu chúng ta vẫn vui mừng làm chứng cho niềm vui Chúa Phục Sinh và có bổn phận cử hành mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô vào mỗi Chúa Nhật.
Ngày Sabát
Ngày thứ bảy trong tuần là ngày Sabát, một ngày nghỉ ngơi long trọng, được dành cho Đức Chúa. Điều này nhắc nhớ buổi bình minh của công trình sáng tạo, khi Thiên Chúa dựng nên mọi thứ trong 6 ngày và sau đó Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Ngày Sabát cũng đánh dấu công trình của Đức Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Ngày Sabát là ngày nghỉ ngơi và nhàn rỗi. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc nghỉ ngày Sabát không nhất thiết có nghĩa là từ chối mọi việc làm và không có ngoại lệ. Thay vào đó, chúng ta phải nhận ra rằng người nghèo cũng cần phải được hưởng sự thư thái, nghỉ ngơi, và giúp đỡ. Vì vậy, ngày Sabát cũng là ngày làm điều tốt cho người khác.
Ngày của Đức Chúa
Ở nhiều khía cạnh, Giao ước mới hoàn thành và nâng cao giá trị của Giao ước cũ. Ngày Sabát vẫn diễn ra vào Thứ Bảy, nhưng Chúa Nhật là sự hoàn thành của ngày Sabát. Ngày Chúa nhật khác biệt rõ ràng với ngày Sabát vì Chúa nhật là “ngày thứ tám” liền sau ngày Sabát nên mang ý nghĩa một công trình tạo dựng mới được thực hiện nhờ sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã sống lại từ kẻ chết vào “ngày thứ nhất trong tuần” và do đó, đã thánh hiến một mệnh lệnh luân lý mới.
Chúng ta phải giữ ngày thánh của Đức Chúa bằng cách cử hành ngày Chúa nhật trong việc “thờ phượng bên ngoài dâng lên Thiên Chúa như dấu chỉ của một lợi ích chung liên quan đến mọi người’’ Việc thờ phượng vào ngày Chúa nhật hoàn thành mệnh lệnh luân lý của Giao Ước cũ, lấy lại chu kỳ và tinh thần của luật đó, bằng cách hàng tuần tôn vinh Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Chuộc của dân Ngài. (GLCG 2176).
Chúa Nhật Thánh Thể
Việc cử hành bí tích Thánh Thể vào Chúa Nhật, ngày dành riêng cho Đức Chúa, là trọng tâm của đời sống Giáo Hội. Khi cử hành Thánh Thể vào Chúa Nhật, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Theo cách này, mỗi Chúa nhật trong năm là một lễ Phục sinh nhỏ.
Các tín hữu quy tụ lại với nhau vào mỗi Chúa nhật và cử hành trong phụng vụ những gì Chúa Kitô đã thực hiện, Người là ai, Người đã dạy những gì, và Người đang làm gì qua chúng ta ngày nay. Vì vậy, chúng ta đến nhà thờ vào mỗi Chúa nhật, cũng như những ngày lễ buộc.
Như Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng, “Bạn không thể cầu nguyện ở nhà giống như ở nhà thờ, nơi có cộng đoàn thờ phượng, nơi những lời cầu xin được cất lên với Thiên Chúa như từ một trái tim vĩ đại, và là nơi còn có điều gì đó hơn thế nữa: sự đồng tâm nhất trí, sự liên kết của đức ái, lời cầu nguyện của các linh mục”.
Chúa nhật Lễ Buộc
Người Công giáo có bổn phận tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống ân sủng mà chúng ta hằng khao khát. Trừ khi được miễn chuẩn vì một lý do nghiêm trọng chẳng như bệnh nặng, chăm sóc trẻ sơ sinh, hoặc do vị mục tử cho phép khi có lý do chính đáng, còn ngoài ra, chúng ta sẽ phạm tội trọng nếu không tham dự lễ Chúa Nhật hoặc các ngày lễ buộc, ví dụ như lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời…
Vì chẳng thể tự cứu mình, do đó, chúng ta cần anh chị em của mình, và mỗi chúng ta đều cần nhau trong Đức Kitô. Chúng ta phải hiện diện trong thánh lễ để cầu nguyện như một cộng đoàn Thánh Thể. Trong trường hợp thiếu linh mục thì việc tín hữu quy tụ để cử hành phụng vụ Lời Chúa và cầu nguyện chung với nhau là điều rất quan trọng cần thiết.
Một ngày của Ân sủng và Nghỉ ngơi
Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau công trình tạo dựng. Vì vậy, Ngày của Đức Chúa, sự hoàn thành của Ngày Sabát, phải được đánh dấu bằng việc tận hưởng “một thời gian đầy đủ để nghỉ ngơi và nhàn rỗi, để vun trồng đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo của mình” (GLCG 2184).
Bao nhiêu có thể, chúng ta phải hạn chế “dấn thân vào các việc lao động hoặc các hoạt động nào ngăn cản việc phụng tự phải dành cho Thiên Chúa, ngăn cản niềm vui riêng trong ngày của Chúa, ngăn cản việc thực thi các công việc từ thiện và ngăn cản sự thư giãn thích hợp về tinh thần cũng như về thể xác” (GLCG 2185). Tuy nhiên, chúng ta không nên xao nhãng bổn phận đối với gia đình. Như Thánh Augustinô đã dạy, “Đức ái của sự thật tìm kiếm sự nhàn hạ thánh thiện nhưng sự cần thiết của đức ái chấp nhận một công việc chính đáng”.
Giáo hội cũng dạy rằng, “Khi tôn trọng sự tự do tôn giáo và công ích của mọi người, các Kitô hữu phải cố gắng làm cho các ngày Chúa nhật và các ngày lễ của Hội Thánh được luật pháp công nhận. Họ phải nêu gương công khai cho mọi người về việc cầu nguyện, sự tôn trọng và sự vui tươi, và phải bảo vệ các truyền thống của mình như một đóng góp quý báu cho đời sống tinh thần của xã hội nhân loại” (GLCG 2188).
Cho dù ở nhiều nơi, xã hội không công nhận Chúa Phục Sinh, thì Kitô hữu chúng ta vẫn vui mừng làm chứng cho niềm vui Chúa Phục Sinh và có bổn phận cử hành mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô vào mỗi Chúa Nhật.
Will Wright
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
2022
Một vài nét về nguồn gốc tháng hoa và việc dâng hoa
Một vài nét về nguồn gốc tháng hoa và việc dâng hoa
Vào những thế kỷ đầu, Hoa được coi là Nữ thần của mùa Xuân. Vì thế, tháng Năm, tháng khởi đầu Mùa Xuân, người Rôma có tập tục tổ chức ngày lễ tôn kính Hoa cũng là tôn kính Nữ thần mùa Xuân.
Ảnh: giaoxutanviet.com
1/ Một vài nét về nguồn gốc tháng hoa và việc dâng hoa:
Vào những thế kỷ đầu, Hoa được coi là Nữ thần của mùa Xuân. Vì thế, tháng Năm, tháng khởi đầu Mùa Xuân, người Rôma có tập tục tổ chức ngày lễ tôn kính Hoa cũng là tôn kính Nữ thần mùa Xuân.
Các tín hữu Công giáo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.
Từ thế kỷ XIII, vào tháng Năm, một vài xứ đạo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tổ chức những cuộc rước hoa đem đến dâng kính Đức Mẹ. Nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác các bài ca dùng màu sắc và hương hoa để diễn tả tâm tình con thảo ca tụng các nhân đức cao quý của Đức Mẹ.
Các linh mục dòng Tên tại Roma đã tổ chức tháng hoa kính Đức Mẹ tại lưu xá các sinh viên của Hội Dòng. Khi trở về, các sinh viên này đã đem truyền bá việc tổ chức Tháng Hoa tại quê hương của họ. Vì thế, tập tục này được phát triển tại nhiều nơi.
Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.
Thánh Philipe Nêri, vào ngày 1 tháng 5, đã quy tụ các trẻ em chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Người dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.
Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi buổi chiều đều có chầu Mình Thánh Chúa và hát mừng Đức Mẹ. Từ đó, việc tổ chức các hoạt động phượng tự đặc biệt trong tháng Đức Mẹ được nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.
Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.
Đầu thế kỷ 19, tất cả các giáo xứ trong Giáo Hội đều tổ chức long trọng việc mừng kính Đức Mẹ trong tháng Năm, tháng kính Đức Mẹ. Các nhà thờ có các linh mục giảng thuyết về lòng sùng kính Đức Mẹ. Cha Chardon đã có nhiều công trong việc này. Không những Người làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.
2/ Giáo huấn của Hội Thánh về việc tôn sùng Đức Mẹ:
Năm 1815, Đức Thánh Cha Piô VII đã khuyến khích việc tôn sùng Đức Maria trong tháng Năm.
Năm 1889, Đức Thánh Cha Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ.
Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.
Năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tông huấn đề cao lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria trong tháng 5. Qua đó, Người cũng nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số I).
Đức Thánh Cha mở đầu tông huấn bằng những lời diễn tả tâm tình Tháng kính Đức Mẹ thật đáng để chúng ta ghi nhớ:
“Tôi lấy làm vui mừng và an ủi bởi thói quen đạo đức liên kết với Tháng Năm, là tháng dành dâng kính Đức Trinh Nữ và mang lại nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Bởi vì một cách đúng đắn, Đức Maria được xem như một con đường mà qua đó chúng ta được dẫn tới Chúa Kitô, người nào gặp gỡ Đức Maria thì không thể không gặp gỡ Đức Kitô như vậy. Vì lý do nào khác mà chúng ta lại không tiếp tục trở về với Đức Maria để tìm kiếm Đức Kitô trong cánh tay của Mẹ, tìm gặp Đấng Cứu Độ chúng ta trong, qua và với Mẹ? Con người cần phải trở về với Đức Kitô trong thế giới đầy lo âu và nguy hiểm, thôi thúc bởi trách nhiệm và nhu cầu cấp bách của trái tim con người hầu tìm thấy một nơi ẩn trú an toàn và một mạch nước sự sống siêu việt”.
Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đặt lại chỗ đứng của việc tôn kính Đức Mẹ Maria, nghĩa là việc tôn kính Mẹ Maria phải được đặt vào trong tương quan của mầu nhiệm ơn cứu rỗi, việc tôn kính Đức Mẹ phải được đi đôi với những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô. Việc tôn kính Mẹ Maria trong tháng Năm là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, cùng đích của mọi việc tôn thờ là chính Chúa. Trong niềm hiếu thảo đối với Mẹ Maria, người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa. Người Kitô hữu không nhìn lên Mẹ Maria như một Nữ Thần, mà là một tín hữu mẫu mực, một người tín hữu đã tiên phong trong cuộc hành trình đức tin.
Việc sùng kính Đức Maria còn bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi vì: nhờ Người, với Người và trong Người, mọi vinh quang, danh dự đều quy về Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, những biểu hiện tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.
3/ Giáo huấn của Hội Thánh về việc đạo đức bình dân:
Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cao tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân nhưng Người nói lòng đạo đức bình dân luôn luôn phải được thanh tẩy.
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8 tháng 4 năm 2011, dành cho Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đề cao lòng đạo đức bình dân như một yếu tố quan trọng trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng tại đại lục này.
Ngỏ lời với gần 50 Hồng Y, Giám Mục và các Linh Mục chuyên gia, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng lòng đạo đức bình dân là một môi trường gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và là một hình thức biểu lộ đức tin của Giáo Hội. Vì thế, “không thể coi yếu tố này như một cái gì phụ thuộc trong đời sống Kitô, vì nếu làm như thế có nghĩa là quên mất tầm quan trọng tối thượng hoạt động của Chúa Thánh Linh và sáng kiến nhưng không của tình yêu Chúa”.
Trong bài diễn từ, Đức Thánh Cha đã nhắc đến việc đạo đức bình dân như “một nơi chốn gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, và một cách để bầy tỏ đức tin của Giáo Hội.” Đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nếu việc đạo đức này được “quy hướng cẩn thận và được kèm theo đầy đủ” bằng các lối diễn tả khác của lòng mộ đạo bình dân “sẽ cho phép có một cuộc gặp gỡ có kết quả tốt với Thiên Chúa, một sự tôn thờ Thánh Thể, một lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.” Điều này cũng cho phép trau dồi một “lòng ái mộ người kế vị Thánh Phêrô và một ý thức mình thuộc về Giáo Hội.” Tất cả những điều ấy cũng giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng, thông truyền đức tin, để đưa các tín hữu đến gần các bí tích, củng cố những liên hệ bằng hữu, đoàn kết gia đình và cộng đoàn, cũng như gia tăng tình liên đới và thực thi bác ái”.
Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “cần làm sao để đức tin là nguồn mạch chính của lòng đạo đức bình dân, để những việc đạo đức này không phải chỉ là một biểu lộ văn hóa của một miền nào đó. Hơn nữa, lòng đạo đức bình dân cần ở trong quan hệ chặt chẽ với Phụng vụ thánh, phụng vụ này không thể bị thay thế bằng một biểu hiện tôn giáo nào khác.”
Ðức Thánh Cha không quên ghi nhận “có một số hình thức sai trái của lòng đạo đức bình dân, chúng không cổ võ sự tham gia tích cực trong Giáo Hội, chúng tạo nên sự xáo trộn và có thể chỉ giúp thực hành các việc đạo đức hoàn toàn bề ngoài mà không ăn rễ sâu nơi đức tin nội tâm sinh động”. Trong một bức thư gửi cho các chủng sinh, Người viết: “Lòng đạo đức bình dân có thể đi tới thái độ vô lý và chỉ hời hợt bề ngoài. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn loại bỏ lòng đạo đức bình dân thì thật là điều sai lầm. Qua lòng đạo đức này, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tình cảm, phong phục và cảm thức sống chung của họ. Vì thế, lòng đạo lức bình dân luôn luôn là một gia sản lớn của Giáo Hội, nhưng chắc chắn cũng luôn phải thanh tẩy lòng đạo đức này…”
4/ Việc dâng hoa tại Việt Nam:
Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Mẹ, người tín hữu Việt Nam thực hành nhiều việc đạo đức bình dân như: rước kiệu Đức Mẹ, lần chuỗi Mân Côi, dâng hoa…
4.1) Ý nghĩa của việc dâng Hoa kính Mẹ.
Để bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng hoặc biết ơn, người ta thường tặng hoa cho nhau. Cũng vậy, người công giáo cũng dâng hoa để tỏ lòng yêu mến, tôn kính và biết ơn đối với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh…
4.2) Ý nghĩa các mầu hoa:
Các màu hoa vừa tượng trưng cho các nhân đức của Đức Mẹ vừa diễn tả các tâm tình, các ước nguyện của con cái muốn dâng lên Mẹ.
– HOA TRẮNG:
+ Ý nghĩa: biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ.
+ Tâm tình: Xin Mẹ giúp ta gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, sạch tội.
– HOA HỒNG:
+ Ý nghĩa: diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa.
+ Tâm tình: Xin Mẹ dạy ta biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em như Chúa đã yêu ta.
– HOA VÀNG:
+ Ý nghĩa: tượng trưng niềm tin sắt đá của Mẹ.
+ Tâm tình: Xin Mẹ dạy chúng ta sống phó thác, tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.
– HOA XANH:
+ Ý nghĩa: tượng trưng cho niềm cậy trông và hy vọng.
+ Tâm tình: Xin đừng để ta thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.
– HOA TÍM:
+ Ý nghĩa: tượng trưng những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn.
+ Tâm tình: Xin Mẹ dạy ta biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.
5/ Cấu trúc một buổi dâng hoa truyền thống:
Nghiên cứu lại vãn Hoa Đức Mẹ ngày xưa, ta thấy bố cục của buổi dâng hoa rất rõ ràng. Thông thường cấu trúc một buổi dâng hoa gồm 3 phần.
Phần I: Sau khi cộng đoàn rước tượng Đức Mẹ vào nhà thờ (hoặc lễ đài – nếu cử hành thánh lễ ngoài trời), đặt tượng lên toà thì bắt đầu cất tiếng hát.
+ Bái vịnh: Ngũ bái thờ lạy Ba ngôi Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thiên thần và các Thánh.
Phần II: Gồm:
+ Ca ngợi các nhân đức của Đức Mẹ.
+ Tiến hoa ngũ sắc: Từng đôi con hoa đỏ, trắng, vàng, tím, xanh.
+ Dâng 7 loài hoa quí (quì, sen, lê, cúc, mai, mẫu đơn, lan) để ca tụng Đức Mẹ.
Phần III: Cảm tạ – Tạ ơn Chúa. Tạ ơn và cầu khẩn với Đức Mẹ
6/ Một mẫu Vãn Hoa Dâng Kính Đức Mẹ
Nghiên cứu lại vãn Hoa Đức Mẹ tháng năm xưa, ta thấy bố cục của buổi dâng hoa rất rõ ràng : Khởi đầu là phần khai mạc, rồi đến ngũ bái (Chúa Cha, Chúa Con, Thánh Thần, Đức Mẹ và chư thánh), Năm Sắc Hoa (Đỏ, Trắng, Vàng, Tím, Xanh) rồi Bảy Hoa (Quỳ, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu Đơn). Sau đó là phần diễn ý và Kết hoa.
- Khai Hoa
Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu,
Chúng tôi trông cậy cùng kêu van Bà.
Xin hằng bầu cử trước toà,
Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con.
Trong nơi khổ ải chon von,
Cách xa mặt Mẹ hãy còn lầm than.
Chúa Con xưa xuống thế gian,
Chẳng từ bỏ kẻ gian ngoan tội tình.
Lại cam chịu khổ chịu hình,
Vì loài người thế liều mình đền xong.
Mẹ thương cũng hợp một lòng,
Vâng theo ý Chúa thông công như vầy.
Con xin Mẹ rất nhân thay,
Chớ bao ngoảnh mặt làm khuây chẳng nhìn.
Xin hằng dạy dỗ con liên,
Cùng hằng yên ủi giữ gìn thương yêu.
Con trông Mẹ có phép nhiều,
Muôn vàn thần thánh cũng đều ngửa trông
Chúng con còn chốn long đong
Như người vượt bể mênh mông giữa vời.
Mẹ như sao ngự giữa trời,
Chính bên phương bắc các ngôi sao chầu.
Xin soi dẫn để con theo,
Kẻo con lạc lối sa vào trầm luân.
Đến sau qua khỏi cõi trần,
Con trông cậy Me rộng phần lòng thương.
Liền đem vào cửa thiên đàng,
Được xem thấy Chúa cực sang cực lành.
Cùng xem thấy Mẹ đồng trinh
Hưởng muôn muôn phúc thần hình thảnh thơi.
Gồm đầy mọi sự tốt vui,
Chẳng cùng chẳng hết đời đời. Amen.
- Ngũ Bái
Chúng tôi mọn mạy phàm hèn,
Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ.
Ngửa xin tràn xuống ơn thừa,
Rộng ban giãi tấm lòng thơ trước toà.
- Chúng tôi lạy Chúa Cha nhân thứ
Đã giữ lời phán hứa rủ thương.
Dựng nên rất thánh Nữ vương,
Gây nền mọi phúc treo gương muôn đời.
- Chúng tôi lạy Ngôi Hai xuống thế,
Cứu loài người chẳng để cho hư.
Lại thương trối Mẹ nhân từ,
Để loài con mọn được nhờ mọi ơn.
- Chúng tôi lạy Thánh Thần Chúa cả.
Cho Đức Bà phúc lạ ơn đầy,
Cùng lòng rộng rãi nhân thay.
Để con mọn được ăn mày phần thương.
- Chúng tôi lạy Nữ vương Thánh mẫu,
Chúa Ba Ngôi yêu dấu cách riêng.
Trên trời dưới đất cầm quyền,
Mọi loài đáng phải không khen bội phần.
- Chúng tôi lạy Thiên thần các thánh
Đang vui mừng trong tính Chúa Dêu.
Đẹp lòng Đức Mẹ thương yêu
Vốn hằng chầu chực xin điều ngợi khen.
III. Dâng Hoa
Chúng con bồ liễu phận hèn,
Ơn thương đã được bước lên lạy mừng.
Đoá hoa khóm nóm tay bưng.
Tấc niềm cần bộc xin từng tỏ ra.
Đền vàng quỳ trước dâng hoa
Trông lên tháp báu thấy toà Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi,
Kính dâng Đức Mẹ đời đời ngửa trông.
Vì xưa Thiên Chúa rủ lòng,
Chọn làm Thánh Mẫu bởi dòng thánh quân
Ngành vàng lá ngọc khác trần,
Sinh Ngôi Thánh tử đồng thân trọn đời.
Giúp công cứu chuộc đền bồi,
Ơn trên thông xuống cho loài sinh linh.
Tràng châu mở cảnh tràng sinh,
Trồng cây cực tốt cực lành Ro sa.
Đượm nhuần vũ lộ thi – a, (gratia)
Bốn mùa hoa nở rum ra lạ lùng.
3.1 Năm Sắc Hoa
Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,
Nhuộm thêm Máu thánh thơm chung lòng người.
Vì thương Con gánh tội đời,
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.
Xinh thay hoa trắng tốt lành,
Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.
Quí thay này sắc hoa vàng
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.
Một niềm tin kính nhơn nhơn,
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu,
Dịu thay hoa tím càng màu.
Ý trên bà những cúi đâu vâng theo.
Bằng lòng chịu khó trăm chiều,
Khiêm những nhịn nhục hằng yêu hãm mình.
Lạ thay là sắc hoa xanh.
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.
Dờn dờn sau trước một màu,
Quản chi sương nắng dãi đầu ngày đêm.
Hoa năm sắc đã giãi niềm,
Lại trưng cổ điển dâng thêm kinh đề.
3.2 Bảy Loại Hoa
Đức Bà thờ Chúa một bề,
Hoa quì chăm chắm hướng về thái dương.
Tội Nguyên không nhiễm khác thường.
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầy.
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm,
Hoa lê tuyết đượm mầu thơm khác vời.
Tuổi cao phúc đức càng đầy,
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu.
Toà cao thần thánh kính chầu,
Hoa mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.
Muôn loài cám mến âu ca,
Hoa đơn phú quý gần xa vui vầy.
Các ơn Chúa phó trong tay,
Hoa lan vương giả hương bay ngạt ngào.
3.3 Diễn ý hoa đã dâng
Bảy hoa mượn chỉ nghĩa mầu,
Hình dong ơn phúc kính tâu ngợi mừng.
Hợp cùng năm sắc điều dâng,
Dường mười hai ngọc kết tầng triều thiên.
Còn muôn phúc cả ơn riêng,
Trăm hoa khôn khá sánh khen được nào.
Chúng con đang chốn phong đào,
Mong gieo hạt giống e vào bụi gai.
Cậy trông Đức Mẹ nhân thay,
Rủ thương vì chúc tụng này cùng hoa.
Lòng thốn thảo, đóa linh pha,
Xin điều dâng tiến trước toà Ba Ngôi.
Diện tiền cầu khẩn thay lời,
Đằm đằm mưa móc trên trời tưới liên.
Thêm ơn vun xới cách riêng,
Ruộng thiêng sạch cỏ mọc lên chốn lành.
Hoa nhân trái phúc đủ ngành,
Đời này dùng đủ lại dành đời sau.
- Kết Hoa
Tấc thành đã được giãi tâu,
Dám xin hợp ý khấu đầu tạ ơn.
Đội ơn Chúa rất khoan nhân,
Đã cho con mọn kính dâng hoa này.
Đội ơn Thánh tử ngôi Hai,
Đã cho con mọn được thay thảo thờ.
Đội ơn Đức Mẹ nhân từ
Đã cho con mọn ngây thơ ngợi mừng
Tấm lòng xin với hoa dâng,
Giãi niềm thảo kính vốn từng thần hôn.
Chúng con dâng cả xác hồn,
Xin thương chịu lấy chúng con đừng từ
Ban ơn cho chúng con nhờ,
Được lòng sốt sắng phượng thờ cho liên.
Đời này được sự bằng yên,
Đời sau lại được ngợi khen hát mừng.
Amen.
(Nguồn : gxdaminh.net)
2022
Đức tin hay mê tín, một lựa chọn
Đức tin hay mê tín, một lựa chọn
Ở thời buổi hiện đại, đức tin và tôn giáo thường bị cho là mê tín phi lý, ngược với lý trí và khoa học. Đức tin có thực sự không tương thích với lý trí không? Điều gì làm đức tin khác với mê tín?
Một số thực hành tôn giáo đối với chúng ta có vẻ nghi ngờ, nhưng nó có thể che giấu một đức tin chân chính | © Marie Stas / Cathobel
Đức tin có phải mê tín không? Nếu câu hỏi là khiêu khích thì nó nhắm gởi đến các tín hữu qua những lời chỉ trích hiện đại. Tuy nhiên, một câu hỏi thích đáng vì các hình thức mê tín đôi khi có thể lén lút len vào việc giữ đạo, như cỏ lùng xen vào lúa tốt. Vậy làm thế nào để phân biệt mê tín với đức tin?
Chỉ trích các tôn giáo
Vào cuối thời Trung cổ của kitô giáo, thuật ngữ “mê tín dị đoan”, “tôn giáo của những người thờ thần tượng” nhằm đối ngược với “đức tin chân chính”, chung chung có nghĩa những người thờ đa thần, được cho là thờ thần giả trong các vật linh thiêng. Sau này, chính người công giáo bị một số người tin lành buộc tội là thờ thần tượng, đặc biệt là thờ Trinh Nữ Maria và các thánh, kể cả tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tất cả những điều này bị cho là mê tín dị đoan.
Tóm lại, trong bối cảnh kitô giáo thời Trung cổ và Phục hưng, đức tin được phân biệt rõ ràng với mê tín dị đoan, nếu chỉ xét theo đối tượng tương ứng của chúng: một bên là Thiên Chúa thật, một bên là các thần tượng.
Lý trí và mê tín
Vào thế kỷ 17, sự ra đời của triết học duy lý đã dẫn đến một sự phân biệt khác: phân biệt giữa khoa học và mê tín. Đối với những triết gia được gọi là “Khai sáng” và những người kế tục họ, kiến thức về tự nhiên phải dựa trên quan sát các hiện tượng tự nhiên và lý trí, trái ngược với mê tín, nghĩ rằng mình biết nhưng lại dựa trên niềm tin phi lý trong các lực siêu nhiên. Ví dụ: giông bão là hiện tượng mà nguyên nhân vật lý có thể xác định được, chứ không phải do một vị thần đập búa vào đe…
Với chương trình phát triển một tôn giáo phải phù hợp với lý trí, một số triết gia hiện đại – như Spinoza hay Hegel – đẽo gọt đức tin tôn giáo, đặc biệt là kitô giáo xem đây là mê tín phi lý. Đối với triết gia Feuerbach (1804-1872), niềm tin vào Thượng đế là kết quả của một quá trình mà con người, bị tác động bởi tính hữu hạn, phóng sự khao khát vô hạn của mình lên một thực thể vô hạn tưởng tượng. Triết gia Nietzsche lấy ý tưởng này làm ý tưởng của ông, còn triết gia Marx và Freud sẽ phát triển theo các phê phán về tôn giáo của riêng họ.
Một đức tin hợp lý
Các tư tưởng gia của chủ nghĩa vô thần hiện đại này sẽ làm lung lay đức tin kitô giáo lâu dài. Vì thế các Giáo hội khác nhau ở phương Tây, đặc biệt là các mục tử và thần học gia của họ, sẽ phải đương đầu với một thách thức chưa từng có: làm thế nào để giải thích về đức tin khi nền tảng đầu tiên của nó, là chính sự hiện hữu của Thiên Chúa, được đặt vấn đề một cách triệt để?
Một công việc dài hơi tiếp theo, được đánh dấu bởi nhiều cuộc tranh luận và tranh chấp giữa những người ủng hộ việc hợp lý hóa kitô giáo, những người không còn giữ lại các khía cạnh thuần túy của con người, và những người ủng hộ một đức tin xây dựng trên thẩm quyền duy nhất của “Thiên Chúa mạc khải.”
Đây được gọi là “cuộc khủng hoảng theo chủ nghĩa hiện đại”, cuối cùng dẫn đến sự cân bằng mới giữa khoa học, lý trí và đức tin – một cân bằng mà ngày nay chúng ta vẫn còn gặt hái thành quả.
Về đức tin, một cách chính xác, Giáo hội công giáo đã tái khẳng định, nó không chống lại lý trí, nhưng ngược lại giả định nó. Chỉ những sinh vật được ban tặng cho lý trí, cũng như ý chí và tự do, mới có thể nhận được mặc khải của Chúa qua đức tin.
Một điều vượt ra ngoài lý trí
Từ Công đồng Vatican I (1870-1871), Giáo hội đã long trọng khẳng định, trong một chừng mực nào đó một sự hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa là có thể. Lý trí của con người có thể nhận ra rằng một “nguyên lý” siêu việt là nguồn gốc của vạn vật, dù khi sự siêu việt này vượt quá khoa học nhân văn của chúng ta.
Nói cách khác, lý trí có thể nhận ra… một cách hợp lý rằng có một điều vượt ra ngoài lý trí.
Đây là khi đức tin can thiệp: đón nhận mạc khải của Chúa vô danh, Đấng được biết nơi Chúa Giêsu-Kitô. Đức tin, theo nghĩa này, cho phép lý trí vượt qua chính nó mà vẫn hoàn thiện chính nó. Đức tin mang lại một điều gì đó mà lý trí không thể tự cho mình: một mối quan hệ sống động với Thiên Chúa hằng sống, vượt ra ngoài phạm vi lý trí của con người, nhưng không từ chối lý trí.
Mê tín phi lý
Trong quan điểm này, đức tin do đó không phi lý. Theo nghĩa này, nó rõ ràng nổi bật so với mê tín, giống như một phép ảo thuật. Tự điển Le Petit Robert, quyển tự điển tham khảo của tiếng Pháp, định nghĩa mê tín như sau: “Hành vi phi lý trí, nói chung là theo chủ nghĩa hình thức và quy ước, đối với điều thiêng liêng; thái độ tôn giáo coi như vô tích sự”. Định nghĩa này, trong số rất nhiều định nghĩa khác tiếp nối nhau trong ba thế kỷ, xứng công là đã tổng hợp được.
Mê tín dị đoan thực sự là một “thái độ tôn giáo”, theo nghĩa nó liên quan đến điều “thiêng liêng, nhưng điều thiêng liêng này luôn luôn không được xác định rõ ràng. Đó có thể là một “siêu nhiên” ẩn danh, số phận, may rủi, tình cờ. Nhưng cũng là của một vị thần hoặc một Thiên Chúa… mà người ta cố gắng làm cho thuận lợi, hoặc ngược lại tìm cách tránh xa, qua cử chỉ, nghi thức, qua lời nói có sẵn để dùng. Một cách dùng thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà không cần đặt vấn đề về cơ sở của nó.
Lô-gích cho và nhận
Lô-gích này thường gắn liền với niềm tin, mê tín cũng có thể phát sinh từ sự không tin tưởng. Khi không còn đức tin vào Chúa, xu hướng tôn giáo của con người đôi khi hướng đến những điều trần tục nhất: chơi xổ số ngày thứ sáu 13, tránh đi dưới cái thang, hoặc chạm vào gỗ để mọi việc diễn ra tốt đẹp.
Mê tín cũng có thể được phản ánh qua các thực hành rất phức tạp, được tìm thấy trong các nền văn minh quá khứ, và ngày nay. Khi đó nó thể hiện một quan niệm ma thuật trong mối quan hệ của con người với thế giới siêu nhiên hoặc thần thánh. Bằng cách thực hiện một số nghi thức nào đó, đặc biệt là các việc hiến tế, chúng ta nghĩ chúng ta đang hành động trên thần thánh, nhưng đó là phản ứng theo các yêu cầu đủ loại của chúng ta, theo lô-gích cho và nhận. Đôi khi nghi thức còn được tự nó cho là có hiệu quả, một cách tự động tạo thuận lợi cho “thần thánh”.
Làm chủ so với tin tưởng
Chính thái độ này mà Kinh thánh gần với việc thờ ngẫu tượng, làm cho sức mạnh lời cầu xin của một nam thần hay nữ thần theo hình ảnh con người, để phục vụ ý muốn của con người. Ham muốn quyền lực, giàu có, chiến thắng kẻ thù. Do đó, một thái độ hoàn toàn trái ngược với thái độ tin vào Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, của I-saác và của Gia-cốp… và vào Chúa Giêsu-Kitô.
Khi mê tín cho rằng có thể làm chủ các sức mạnh thần thánh hoặc các lực đen tối cho các mục đích riêng của mình, thì đức tin là tin tưởng vào hành động của Chúa trong chúng ta và cho chúng ta. Khi mê tín muốn bẻ cong đấng siêu nhiên hoặc Thiên Chúa hằng sống theo ý muốn của mình thì đức tin là buông bỏ, là phó mình vào ý chí tình yêu của Đấng đã giải thoát con người, giải thoát chính mình để đi đến hiệp thông với Chúa.
Bề ngoài và đức tin đích thực
Chúng ta đừng nhầm lẫn: mê tín hiểu theo nghĩa này không dành riêng cho các ngẫu tượng không kitô giáo. Cũng như đức tin chân chính có thể được sống bên ngoài kitô giáo. Các hình thức mộ đạo có thể che giấu một hình thức mê tín dị đoan, cũng như một số thực hành mà chúng ta nghi ngờ lại có thể nuôi dưỡng một đức tin chân chính. Chỉ một mình Chúa mới nhìn thấy những gì đang diễn ra trong các tâm hồn, kể cả tâm hồn chúng ta.
Sự cám dỗ mê tín và thờ ngẫu tượng xuyên suốt lịch sử Israel, cũng như của Giáo hội và của tất cả mọi người. Đức tin chúng ta cần thanh tẩy thường xuyên hay đúng hơn để chính mình được thanh tẩy bởi Đấng duy nhất có thể lấp đầy tâm hồn chúng ta, mà ơn vượt quá vô hạn bất cứ điều gì chúng ta có thể mong muốn. Điều quan trọng, và điều này phụ thuộc vào chỉ một mình chúng ta, là chúng ta chọn tin tưởng vào Chúa hay muốn Chúa phục vụ chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch