2023
Tầm quan trọng của việc đệm đàn phụng vụ
Tầm quan trọng của việc đệm đàn phụng vụ
Khi đề cập đến tầm quan trọng của việc đệm đàn trong phụng vụ nghĩa là chúng ta sẽ phải nói đến việc xây dựng một bản đàn như thế nào cho phù hợp với những đòi hỏi của Hội thánh trong các cử hành phụng vụ, một bản đàn cử lên phải có âm thanh du dương, không có yếu tố kích động hoặc kịch trường, vũ điệu…, nhưng có chất thánh thiêng, và phải được kiến tạo (có thể phải viết ra giấy hoặc ứng tấu) dựa trên quy tắc khách quan của nghệ thuật âm nhạc. Khi bài hoà âm cho bản đệm đàn (BĐĐ) được viết ra trên giấy, người nghệ sĩ chơi đàn chỉ việc nhìn vào đó và dùng đôi tay của mình cử lên trên phím đàn; nhưng cũng có những đàn sĩ giỏi hơn, không cần viết ra giấy các bè của bản đàn nghĩa là không cần nhìn vào BĐĐ mà có thể ứng tấu BĐĐ ngay trên đàn. Dù thế nào hay cách nào đi nữa, như vậy rõ ràng là chúng ta đang đề cập đến yếu tố hoà âm.
A- Tầm quan trọng của hoà âm trong sáng tác ca khúc:
Khi người nhạc sĩ bắt đầu hình thành một ý tưởng giai điệu cho một ca khúc nào đó, nếu trong tiến trình này vị nhạc sĩ đó không có ý tưởng gì về cấu trúc hoà âm cho nó thì đó chính là một sự khó khăn rất lớn cho những ai làm công việc hoà âm cho ca khúc đó. Tại sao chúng ta phải nói đến sự quan trọng của cấu trúc hoà âm khi sáng tác một ca khúc?
Khi ta viết được một dòng nhạc nào đó và được gắn liền với lời ca hẳn hoi, nói chung nghĩa là ta đã sáng tác ra một ca khúc. Ở đây chúng ta chưa nói đến bố cục, chất liệu, hình thể… nhưng khi một ca khúc như vậy được hình thành, nó cũng chỉ là một dòng ca với một bè hát, nghĩa là nó chưa được hoà âm. Điều này cũng giống như một em bé khi mới chào đời vậy! Ta cần phải mặc áo cho nó.
Có một phương tiện duy nhất để mặc áo cho nó là Hòa âm, hoà âm một dòng ca cho nhiều giọng nhiều bè hát khác nhau thì ta gọi là hòa âm cho ca đoàn, và khi hòa âm một dòng ca cho một hay nhiều thứ nhạc cụ ta gọi là hòa âm cho bản đệm đàn. Như vậy, vấn đề hoà âm lại là yếu tố quan trọng không kém gì so với việc sáng tác ban đầu, có thể gọi đó là việc sáng tác lần thứ hai; một việc xem ra khó hơn bởi vì người nghệ sĩ phải sáng tác trên dòng ca cho sẵn, nghĩa là dựa trên những gì đã có rồi bây giờ tạo nên cái mới để bổ túc, để trang điểm, để nâng đỡ … làm cho dòng ca ấy được đánh nổi và toàn bộ nhạc phẩm trở nên phong phú hơn! Vì vậy khi sáng tác, các nhạc sĩ nên hết sức lưu ý đến mối liên hệ giữa các hài thanh (HT) với nhau, nó sẽ là nền móng để viết các móc nối hoà âm cho tác phẩm và từ đó dẫn đến một BĐĐ hoàn chỉnh.
Để vấn đề này dần được sáng tỏ, xin mời các bạn cùng theo dõi bài HÁT LÊN BÀI CA của cha Kim Long.
1-Kiểu viết hoà âm cho BĐĐ biệt lập với đơn ca giai điệu cho sẵn.
2-Kiểu viết hoà âm cho BĐĐ biệt lập với hợp xướng 4 bè dị giọng.
3-Các câu TK theo BĐĐ thông thường, Kiểu 1 chỉ dùng các HT chính, Kiểu 2 dùng cả HT chính và phụ, Kiểu 3 dùng cả việc chuyển thể.
B- Tầm quan trọng của Bản đệm đàn trong thánh nhạc phụng vụ:
Chúng ta vừa nghe và hát bài HÁT LÊN BÀI CA của cha Kim Long với phần đệm đàn mà ta gọi là đệm đàn phụng vụ, vì ca khúc này là một bài thánh ca phụng vụ! Đệm đàn phụng vụ nghĩa là làm sao?
Theo cuốn HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC của UBTN trực thuộc HĐ Giám Mục VN ban hành vào tháng 7/2017, từ số 44 đến 47 và từ số 82 đến 85, cùng một số văn kiện của Toà Thánh, đặc biệt là HUẤN THỊ VỀ ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ (Instructio de Musica in Sacra Liturgia – 05.3.1967), từ khoản 62 đến 67, thì đàn đại quản cầm cùng âm thanh của nó được quan tâm nhiều hơn mọi thứ nhạc cụ khác khi cử hành phụng vụ. Trong bài này xin tạm gọi chung là organo khi muốn nói đến cây đàn này, vì thực tế khi sử dụng đàn keyboard hay đàn Electon ta cũng có thể mở được sắc tiếng của cây đàn đại quản cầm này… Khi đàn organo được dùng chung với tiếng hát trong việc cử hành phụng vụ, thì Hội Thánh mẹ dạy rằng chức năng của nó chỉ là nâng đỡ tiếng hát, dùng các kỹ thuật hòa âm để làm cho tiếng hát được nổi lên mà không nhuốm màu trần tục, đó là đệm đàn phụng vụ.
Theo giáo huấn đó, trong bài này chúng tôi xin đề cập đến một số kỹ thuật để thực hiện hoà âm một bản đệm đàn trên một tác phẩm thánh ca phụng vụ, từ bản đệm đàn của một bài thánh ca phụng vụ được viết trên giấy, chúng ta cử lên cây đàn organo cùng với tiếng hát của ca đoàn, lúc đó ta gọi là đệm đàn phụng vụ.
Bản đệm đàn tiếng Đức gọi là Bekleidung nghĩa là mặc áo, tiếng Pháp, Anh và Ý thì kêu là accompagnement hoặc accompaniment, accompagnare nghĩa là đi theo, là hộ tống. Mục đích của nó là đánh nổi bài ca chứ không gây rối hoặc lấn át bài ca. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để đánh nổi bài ca như, bài ca chuyển hành nhanh, BĐĐ đi chậm, bài ca ngân dài ở một dấu nhạc, BĐĐ chạy nhanh hay phỏng diễn ý nhạc trước đó hoặc giới thiệu một nét mới của nhạc đề sẽ xuất hiện sau đó…
Xem những BĐĐ của các nhạc sĩ bậc thầy như Bach, Mozart, Beethoven, Verdi … ta thấy BĐĐ là thành phần cốt yếu của bài ca, nó được dùng để đánh nổi, để bổ túc và để nói lên những gì mà dòng ca chưa tỏ ra hết. Điều mà bản thân lấy làm thích thú nhất là nó cũng như chiếc áo đẹp, chỉ mặc vừa cho người này mà không vừa cho người khác, và khi BĐĐ được viết cho nhiều nhạc cụ thì ví như chiếc áo thêu dệt công phu nhiều màu sắc, lại càng thêm giá trị … Hoặc có thể ví BĐĐ như một vườn hoa đầy màu sắc và bài ca như những con ong con bướm bay lượn trên nó. Hơn nữa, một người thì có thể có nhiều chiếc áo để thay đổi, thì bất cứ bài ca nào cũng vậy, có thể có nhiều kiểu viết hòa âm cho BĐĐ hoặc những bản đàn độc tấu dựa trên nhạc đề đó, và từ đây phát sinh lối viết khai triển nhạc đề theo nhiều kiểu khác nhau và ta thường gọi là các khúc biến tấu trên một nhạc đề (variations), và cái khó còn lại là chọn những kiểu nào cho thích hợp nhất, xứng đáng nhất với bài ca. Vì nhạc đề là bài ca đã có sẵn nên nó phải là thành phần chính yếu của BĐĐ và nó không thể sửa chữa, và như thế công việc này rất bao la mênh mông với nhiều đòi hỏi cho người viết BĐĐ và nghệ sĩ chơi đàn, trong đó trình độ, lương tri và sự kiên nhẫn là ba yếu tố cần thiết nhất.
Ngay từ đầu môn học hòa âm, nhà trường thường bắt học viên phải biết chơi đàn dương cầm (piano) hoặc đại quản cầm (organo), là hai thứ đàn có thể chơi được nhiều bè cùng một lúc, biết để có thể chơi được những bản hòa âm mà bạn viết ra, như thế mới có kết quả, bởi lẽ học hòa âm không phải là viết các công thức móc nối thế này thế kia, nhưng phải biết nghe, biết phân biệt các cơ cấu, liên kết hòa hợp hay tương phản trong các âm thanh… Nói đến đây ta sẽ thấy thêm một lợi ích khác, nếu bạn biết chơi dương cầm hay đại quản cầm thì mới có khả năng để viết một BĐĐ ít nhất là thích ứng với khả năng đa dạng của hai cây đàn này, dĩ nhiên bạn phải học xong môn hòa âm, một môn học hao tổn khá nhiều công sức và đã khiến cho bao người bỏ cuộc, nhưng nó lại là nền tảng của mọi vấn đề trong ngành nghệ thuật này.
Xem ra có một số người đệm đàn ở các xứ đạo chưa hiểu rõ chức năng của nó cũng như sự học hỏi cần thiết cho việc làm này, vì thế mới có những hiện tượng đáng tiếc như chúng ta đã thường gặp.
Để cụ thể hóa vấn đề, và thời gian cũng có hạn, chúng tôi xin trưng dẫn ra đây một vài kiểu kỹ thuật viết hòa âm cho BĐĐ, đây không phải là tất cả, nhưng theo cách nhìn khách quan về lĩnh vực này, nó chỉ là vài kiểu căn bản mà chúng tôi nghĩ rằng trong số đó có những kiểu rất xứng đáng, rất phù hợp với cung cách đệm đàn phụng vụ ở mức độ dễ chấp nhận, nghĩa là không quá kinh điển, không quá cầu kỳ, không như cung cách nhạc đời nhưng cũng không tầm thường và nhiều người có thể đàn được, lại đúng với quy tắc khách quan của ngành nghệ thuật này đòi hỏi. Và như thế, vấn đề được đặt ra không phải là BĐĐ dễ hoặc khó, đơn giản hay phức tạp, mà nó có phải là thành phần không thể thiếu của một bài ca hay không, hoặc nó có xứng hợp để đánh nổi, để bổ túc cho bài ca hay không, đặc biệt là các bài thánh ca phụng vụ.
Sau đây, là sáu kiểu viết hòa âm cho BĐĐ (gồm 3 kiểu thông thường và 3 kiểu biệt lập) dựa trên nhạc đề của Lm. Kim Long, đó là bài LỜI CHÂN THÀNH.
- BẢN ĐỆM ĐÀN THÔNG THƯỜNG:
- Nhạc đề là bè trên cùng của BĐĐ:
- Ô nhịp 1: Dấu SO ở dòng ca là dấu hoa mỹ, có thể coi đó là dấu nhấn, vì nhấn ở thì yếu nên không hiệu quả lắm.
- Ô nhịp 4: DO-RE-MI-FA và LA-TI-DO-RE ở hai bè trong có ý để phỏng diễn lại ý nhạc trước đó ở ô nhịp 3 (SO–LA–TI) để tạo thành đoạn nối câu, đồng thời sau đó thêm dấu RE và FA ở hai bè trong (DO–RE–MI–FA và LA–TI–DO–RE) thì trở thành một nét nhạc đảo lộn sẽ được giới thiệu ngay sau đó ở ô nhịp 5 (RE–DO–TI–LA).
- Cũng vậy, ở ô nhịp 6 có bè trong là LA–SO–FA–MI–REchuyển hành nhanh để phỏng diễn ý RE–DO–TI–LA trước đó, tuy là những dấu nhạc hoa mỹ ở bè trong, nhưng lại là nhạc đề sẽ được đánh nổi ngay sau đó ở bè trên trong cùng ô nhịp 7 – 8 (LA–SO–FA–MI–RE).
- Câu tiểu khúc được hòa âm bằng việc “Ghi động” (agitato), kỹ thuật này rất được ưa chuộng vào thời kỳ Baroque (TK.17), tức là mỗi thì nhịp trong nhạc đề đều được thay phiên nhau bị động liên tục, khi thì bè trên, lúc thì bè dưới hoặc bè giữa, nét nhạc ghi động này được lấy từ nhạc đề của Điệp khúc (SO–FA–MI–RE/ DO–TI–LA–SOL/ FA–MI–MIb–RE ở các ô nhịp 11, 13 và 15).
Lời bình:
Đây là lối viết BĐĐ được xem là lý tưởng nhất và phổ biến nhất, có thể áp dụng cho hầu hết các ca khúc. Vì dòng ca của bài hát lại là bè trên cùng của BĐĐ nên lối viết này dễ giúp cho người hát giữ vững được cung giọng trong khi hát, nhất là đối với những ban hát ca đoàn còn giới hạn về khả năng chuyên môn, cũng dễ cho người chơi đàn nhận ra diễn tiến của bài ca mà phối hợp nhịp nhàng trong khi hát. Lối viết hòa âm BĐĐ này không quá khó cho tác giả, nhưng muốn viết hòa âm cho hay cũng không phải là dễ như ta thường thấy trong khi học hòa âm, và thực sự cách này đã thể hiện được điều mong muốn của Giáo hội : nhạc cụ dùng trong nhà thờ là để nâng đỡ tiếng hát.
(Lời Chân Thành 1)
- Nhạc đề là bè giữa của BĐĐ:
Cũng được dùng với kỹ thuật ghi động như đã mô tả ở 1.d nhưng không mất tính đồng nhất. Trong 3 ô nhịp đầu, bè trên cùng được chuyển hành lên, có ý tạo nên sự tương phản với bè trầm chuyển hành xuống đồng thời (RE–DO#–DO–TI–LA), là một ý của nhạc đề nhằm giới thiệu trước sẽ xuất hiện sau cùng của phần ĐK (LA–SO–FA–MI–RE). Sự tương phản này như cái khung để trưng ra một bức tranh là nhạc đề được xuất hiện ở khu vực giữa.
- Đoạn nối câu ở ô nhịp 4 được sử dụng dấu trì hoãn và dấu lượn.
- Ô nhịp 6cũng cùng một ý như đã mô tả ở số 1.c.
- Ô nhịp 8 có bè trên cùng (RE–DO–TI–LA–SO) là phỏng diễn ý cuối của nhạc đề (LA–SO–FA–MI–RE) ở ô nhịp 7 trước đó.
- Phần TK cũng được ghi động, và cố gắng phỏng diễn nét chính tuy không cân đối.
Lời bình:
Lối viết hoà âm BĐĐ này nếu điều chỉnh lại một chút để đem ra thực hiện trên bốn bè hát dị giọng Soprano, Alto, Tenore và Basso thì phải khéo léo lắm mới có thể làm nổi được dòng ca chính, có nghĩa là cách thức này dễ làm cho dòng ca bị che lấp, điều này cũng là một thách đố đối với tác giả. Và như vậy, sẽ không quá khó khi ta xét về phương diện âm sắc và âm lượng, ý muốn nói đến sự khác biệt âm sắc và âm lượng của tiếng đàn với tiếng hát, nếu biết điều chỉnh hợp lý sao cho tiếng hát vẫn được tiếng đàn làm cho nổi bật do sự tương phản về âm sắc thì cũng dễ dàng chấp nhận. Ví dụ nếu dùng sắc tiếng Choir Ahhs hoặc Voice Ohhs hoặc sắc tiếng gần giống giọng người như bộ kèn Sax của đàn organo để chơi Bđđ loại này thì có thể sẽ phủ lấp dòng ca của bè hát; tốt hơn là dùng những âm sắc khác biệt với giọng hát nhưng không chói tai như Strings, như Organ Pipe … thì khá lý tưởng. Đó là chúng ta vẫn chưa bàn đến sự tương phản của nhịp điệu, khi dòng ca chuyển hành thì các bè còn lại của Bđđ đứng yên chẳng hạn, hoặc khi dòng ca đứng yên vì hết câu nhạc thì các bè còn lại chuyển hành … vậy nói cho đúng, mặc dù dòng ca nằm ở bè giữa hay khu vực giữa của BĐĐ, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội để thực hiện các giải pháp sao cho dòng ca được đánh nổi, vấn đề còn lại là sự hiểu biết, là khả năng chuyên môn, là tính thẩm mỹ và lương tri của chúng ta.
(Lời Chân Thành 2)
- Nhạc đề là bè trầm của BĐĐ:
Có nhiều hạn chế hơn để phỏng diễn ý nhạc, các bè trên thường giữ vai trò hòa âm đắp cho đầy, tuy nhiên ta cũng thấy:
- Ô nhịp 2 sang đầu ô nhịp 3: Bè trên cùng như giới thiệu trước (RE–DO#–DO–TI ) nét nhạc cuối cùng của phần ĐK (SO–FA–MI–RE).
- Ô nhịp 4 sang đầu ô nhịp 5 cũng là hình thức đó ở bè trên cùng. Rồi sau này lại tái diễn bằng hình thức đảo lộn ở ô nhịp 12 sang đầu ô nhịp 13 và cũng ở bè trên cùng.
- Ô nhịp 4 sang đầu ô nhịp 5, ở bè giữa (RE–MI–FA–RE–MI) là nét phỏng diễn của ý nhạc đề trong ô nhịp 3 trước đó (SO–LA–TI–SO–LA).
- Nét nhạc này cũng được phỏng diễn ở bè trên cùng từ giữa ô nhịp 5 sang ô nhịp 6 (LA–TI–DO–LA–TI ).
- Một lần nữa, nét nhạc cuối cùng từ ô nhịp 7 sang ô nhịp 8 (LA–SO–FA–MI–RE) cũng được mô phỏng bằng việc đảo lộn nét nhạc ngay sau đó ở bè trên cùng (SO–LA–TI–DO–RE) để kết thúc phần ĐK.
- Ô nhịp 13 : Có 2 bè trong là nét mô phỏng phóng khoáng của ý nhạc đề vừa đi qua trong ô nhịp 12 (FA–SO–LA–FA–RE), đồng thời nó cũng đóng vai trò là đoạn nối câu.
- Ô nhịp 15: Bè trên cùng đã giới thiệu 1 nét nhạc mà nhạc đề sẽ xuất hiện thực sự ngay sau đó ở ô nhịp 16.
Lời bình:
Để viết hòa âm cho một bè trầm có sẵn ở giai đoạn đầu của môn học này thì thường rất đơn giản, nhưng thật không phải dễ ở mức độ sâu hơn. Theo cách này thì nhạc đề chính nằm ở bè thấp nhất, vậy nhạc đề càng khó được nổi bật hơn, nhạc đề càng ít có cơ hội được nâng đỡ nên ta có thể nhận xét ngay: không mấy thích hợp để thực hiện trong thánh ca thánh nhạc. Nói rằng không mấy thích hợp ở đây chỉ là theo nhãn quan của giới bình dân, theo quan điểm của nghệ thuật thì giải pháp nào cũng tốt đẹp nếu người nghệ sĩ biết khéo léo vận dụng các qui tắc khách quan của nghệ thuật, rồi ca đoàn và dàn nhạc phụ họa được vị chỉ huy có hiểu biết và kinh nghiệm đứng ra hướng dẫn điều khiển thì chắc chắn vẫn tốt đẹp và xứng đáng như thường. Ta có thể dễ thấy rất nhiều bài thánh ca, trong các version của nó, bè trầm là nhạc đề chính như bài “Away in a manger”, “Adeste Fideles” … Mà hai ban hợp xướng Mormon Tabernacle và Mendalion đã từng trình bày… Hoặc hơn nữa, một số tác phẩm thánh ca VN mà phần hòa âm (nguyên chỉ nói đến 4 bè hợp xướng) đã để dòng ca chính làm bè trầm mà chúng ta vẫn dễ dàng chấp nhận như nhiều ca đoàn đã thể hiện, mặc dù ở tầm tiếng thấp nhưng nhạc đề chính vẫn được nổi bật, như: “Chiên vượt qua”, của Cát Minh – hòa âm TL, “Tâm tình hiến dâng” của Oanh Sông Lam – hòa âm: CH.
(Lời Chân Thành 3)
- BẢN ĐỆM ĐÀN BIỆT LẬP
- BĐĐ được viết bằng những HT rập dấu cùng việc sử dụng các dấu nhạc hoa mỹ:
- Đoạn nhạc mở đầu được lấy từ các HT móc nối trong đoạn cuối của Điệp khúc (ô nhịp 8-9-10).
- Cơ cấu hoà âm được lấy từ BĐĐ kiểu 1.
- Dấu RÊ ở bè trên của BĐĐ trong ô nhịp 7 là dấu trì hoãn (retard) sẽ được giải nghịch sang DO, nhưng không sang ngay mà lượn xuống nốt TI trước, có ý tạo ra nét nhạc TI–DO–RE–MIlà nét đảo lộn của ý nhạc đề sẽ được xuất hiện ngay sau đó ở ô nhịp 8 (RE–DO–TI–LA) đồng thời làm nhiệm vụ nối câu.
- Bè trên của BĐĐ ở ô nhịp 8-9-10 (FA–MI–RE–DO#) như giới thiệu trước ý nhạc đề sẽ được xuất hiện ngay sau đó.
- Ở ô nhịp 9, BĐĐ có bè trong chuyển hành cũng là để giới thiệu nguyên vẹn hình ảnh của nhạc đề (LA–SO–FA–MI) sẽ được trình diện ngay sau đó.
- Cũng trong 3 ô nhịp 8,9,10bè trầm chuyển hành cũng lấy nguyên ý cuối của nhạc đề sau đó nhưng đã được đảo lộn và nới rộng (RE–MI–FA–SO–LA). Nét nhạc này cũng lập lại ở ô nhịp 11 (MI–FA–FA–SO).
- Cũng bằng cách ghi động, các bè của BĐĐ trong phần phiên khúc thay phiên nhau, làm cho đầy đặn bằng những HT rập dấu, bằng một chút phỏng diễn, bằng việc sử dụng các dấu nhạc hoa mỹ để bổ túc vào những chỗ trống của nhạc đề và để đối đáp với nhạc đề.
- Phần kết thúc cũng giống như những điều đã mô tả ở 1.c.
Lời bình:
Nói chung BĐĐ biệt lập là BĐĐ mà trong đó không có sự hiện diện của nhạc đề chính, rồi chính BĐĐ cũng có thể trở thành một tác phẩm riêng biệt để độc tấu mà không cần sự xuất hiện của nhạc đề. Thông thường thì BĐĐ biệt lập cho người nghe một hiệu ứng rất tráng lệ huy hoàng, các BĐĐ biệt lập mà không theo công thức nhịp điệu thường đòi hỏi ca đoàn và người chơi đàn phải có một trình độ nhất định, theo cách này thì chức năng của BĐĐ như để trải thảm, nhạc đề chính như những con ong con bướm bay lượn lên trên nó. Như vậy, cách này đòi hỏi người viết BĐĐ phải có kiến thức và người chơi đàn cũng như ca đoàn phải có trình độ nhất định, cách này rất xứng hợp với phụng vụ vì bản thân nó dễ tạo nên những điều kiện cho dòng ca chính được đánh nổi.
(Lời Chân Thành 4)
- Viết BĐĐ bằng những HT trải dấu và công thức nhịp điệu:
- Đoạn mở đầu được dùng nguyên công thức trải dấu của Bđđ, cuối đoạn mở đầu được dùng các dấu nhạc liền bậc như để lấy đà dẫn vào bài ca một cách tự nhiên (giữa ô nhịp 4).
- Ô nhịp 8 được dùng các dấu nhạc liền bậc làm thành đoạn nối câu.
- Các HT rập dấu ở ô nhịp 13 có ý để lập lại những dấu cuối cùng của nhạc đề (FA-MI-RE).
- Câu tiểu khúc được dùng các HT rập dấu bằng công thức nhịp điệu, nghe có vẻ máy móc tầm thường.
- Ô nhịp 21 và 22 : Công thức nhịp điệu được biến đổi để làm thành đoạn nối câu, để trở về ĐK bằng hình thức trải dấu.
- Phần kết được lấy nguyên vẹn công thức đệm của phần ĐK như để nhắc lại và đóng khung toàn bộ tác phẩm.
Lời bình:
Nhìn kỹ những tác phẩm bậc thầy, ta thấy có muôn vàn kiểu trải dấu và công thức nhịp điệu, các BĐĐ viết theo kiểu trải dấu và công thức nhịp điệu thường dễ đàn hơn là các BĐĐ viết theo lối mô phỏng. Kiểu này dễ được chấp nhận trong các ca đoàn mà khả năng còn hạn chế, đặc biệt là những ca đoàn thiếu nhi ở xứ ta. Vì bản thân nó dễ làm cho người hát giữ vững nhịp điệu (tempo) của bài ca, do đó mà các ca viên ca đoàn tự tin hơn khi hát, rồi người chơi đàn cũng dễ luyện tập hơn; Nhưng xem ra, trải dấu kiểu nào cũng mang tính máy móc công thức, mà đã là công thức thì tầm thường nên không phù hợp lắm đối với những bài ca mang tính tôn nghiêm trang trọng, và như vậy càng không thích hợp với việc đệm đàn phụng vụ.
(Lời Chân Thành 5)
- Bằng sự đối chọi nhịp điệu của nhạc đề và bè trên của BĐĐ. Bằng kỹ thuật bè trầm chuyển hành liên tục:
- Phần đầu gồm 4 ô nhịp, 4 ô nhịp này gần như đã gói trọn các ý chính của nhạc đề trong phần ĐK. Ô nhịp 1 (LA–RE–DO#–RE–MI) là lấy từ nét nhạc của “Lời chân thành dâng tiến”. Ô nhịp 2 (MI–LA–SO–FA#–MI) là lấy từ “Nguyện Chúa Cha nhân từ”. Ô nhịp 3 (LA–SO–FA–MI–RE) và ô nhịp 4 (TI–LA–SO–FA–MI) là lấy từ nét nhạc cuối của phần ĐK “Lễ hy sinh trên bàn thờ”.
- Đồng thời nét nhạc này lại là bè trên của BĐĐ để phụ họa cho vế 1 của phần ĐK (từ ô nhịp 5 đến 8) nhưng có nhịp điệu biệt lập (chuỗi liên 3) và đều đều, gây tương phản với nhịp điệu của đề (hình thức chẵn).
- Ô nhịp 8 là đoạn nối câu (LA–TI–DO#–RE–MI) là sự đảo lộn ý cuối của nhạc đề ĐK (LA–SO–FA–MI–RE) để dẫn vào đầu câu sau một cách tự nhiên, vì nét nhạc này đã được giới thiệu nguyên hình ở bè trên của BĐĐ trong ô nhịp 7 trước đó rồi. Sau đó nó còn được giới thiệu một lần nữa ở bè trầm từ ô nhịp 9 đến 11 cũng bằng hình thức đảo lộn nhưng được nới rộng.
- Như vậy, trong phần ĐK, toàn bộ ý tưởng của BĐĐ luôn được gắn chặt với nhạc đề, tương phản và đối đáp với nhạc đề để cái này đánh nổi cái kia, sự tương phản về nhịp điệu thì ta thấy rõ, còn về nét nhạc chuyển hành lênxuống thì được BĐĐ đối đáp hoặc mô phỏng trên bình diện khác, khi thì chỗ này lúc thì chỗ kia, ví dụ ý nhạc của ô nhịp 9 (LA–RE–DO–TI–LA) được BĐĐ giới thiệu ở ô nhịp 6 (MI–LA–SO–FA#–MI) rồi lại được mô phỏng ngay sau đó từ cuối ô nhịp 10 sang đầu ô nhịp 11 (RE–SO–FA–MI–RE).
- Phần TK được BĐĐ áp dụng kỹ thuật bè trầm chuyển hành liên tục (Basso continuo) bằng việc sử dụng các dấu nhạc hoa mỹ như dấu nối, dấu lượn, dấu nhấn.
- Đoạn kết (từ ô nhịp 23 trở đi) mô phỏng lại ý nhạc của vế 2 phần ĐK nhưng được biến đổi nhịp điệu.
Lời bình:
Một tác phẩm âm nhạc giá trị nào bao giờ cũng tiềm ẩn các yếu tố của sự tương phản, bởi lẽ để thưởng thức được một tác phẩm nghệ thuật thì thông thường tác phẩm ấy phải có tính hấp dẫn, mà tính hấp dẫn được thể hiện nhiều nhất qua sự tương phản. BĐĐ biệt lập được viết theo kiểu mô phỏng nhằm để thực hiện điều đó, nhưng thường thì rất khó viết. Để viết BĐĐ theo cách này thành một tác phẩm có giá trị thì đòi hỏi nhạc sĩ phải có khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, nhất là phải thông thạo về các kỹ thuật của bộ môn đối âm (contra puntum); lại đòi hỏi cả người chơi đàn cũng phải giỏi, hay ít ra cũng phải được rèn luyện công phu để ngón đàn trở nên thông thạo xuôi chảy thì mới có thể ráp nối với ca đoàn; rồi khi ráp chung, ca đoàn và người chỉ huy cũng phải có một trình độ nhất định mới giải quyết được tất cả các vấn đề chi tiết của tác phẩm … nếu thiếu hiểu biết, các BĐĐ loại này rất dễ làm dịp tội cho người chơi đàn, vì nếu họ không được chỉ dẫn cặn kẽ sẽ vướng phải điều tối kị là “khoe tiếng đàn”, làm cho tiếng đàn lấn át tiếng hát thì phản tác dụng rồi, điều đó thật không phù hợp, không đúng tinh thần mà Hội thánh mong muốn.
Như vậy, để có thể thực hiện tác phẩm với BĐĐ loại này, ta thấy có khá nhiều đòi hỏi về trình độ chuyên môn của các thành phần liên quan, không mấy thích hợp cho các ca đoàn bình dân còn có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nếu nơi nào có khả năng thực hiện thì nó rất xứng đáng, vì nó có có khả năng làm tăng thêm vẻ trang trọng, lộng lẫy huy hoàng của khung cảnh lễ nghi phụng vụ.
(Lời Chân Thành 6)
Ta có thể nói tóm tắt rằng, tầm quan trọng của BĐĐ trong việc sáng tác, dù là bài thánh ca lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp, để gọi là mặc áo nên tất cả cần phải được viết hoà âm cho bản đệm đàn, để người đàn có thể nhìn vào đó mà cử lên cùng với tiếng hát của ca đoàn. Đó là việc làm đúng đắn và cần thiết, chứ không phải là ta viết tên hợp âm như Am, Dm bên trên dòng nhạc như nhiều nơi thường làm. Như vậy, để viết một bản đệm đàn thì ngoài việc biết chơi đàn, bó buộc chúng ta phải học hoà âm, học để viết được bản đệm đàn cho đúng các giá trị và quy tắc khách quan của ngành nghệ thuật này đòi hỏi, như điều mà Hội thánh mẹ mong muốn chúng ta thực hiện khi nói đến đặc tính hình thức tốt đẹp (bonitas formae) trong Huấn thị Âm nhạc trong Phụng vụ, khoản 4.
Để kết thúc, chúng tôi xin trình bày lại một lần nữa bài LỜI CHÂN THÀNH ở một bình diện Hợp xướng bốn bè dị giọng, kết hợp với Bản đệm đàn biệt lập theo hình thức trải thảm.
Antôn Tiến Linh
2023
Thiên Chúa vĩ đại hơn những vấn đề của bạn
Thiên Chúa vĩ đại hơn những vấn đề của bạn
Cuộc chiến thuộc về Thiên Chúa
“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Chúa Giêsu không bao giờ cố phủ nhận sự thật rằng cuộc sống có những khó khăn của nó. Ngay cả khi trở thành một trong những môn đệ của Người và phó thác cuộc đời của bạn cho Người thì bạn cũng không được miễn nhiễm khỏi những thử thách và gian nan.
Cho dẫu thực tế là chúng ta sẽ gặp những vấn đề và đau khổ, chúng ta đừng bao giờ quên rằng những vấn đề của chúng ta chẳng là gì đối với Thiên Chúa. Nếu vấn đề của chúng ta có vẻ như quá lớn để giải quyết, thì Thiên Chúa chúng ta đã trở nên quá nhỏ bé.
Một khi bạn nhận ra rằng các khả năng của bạn có hạn (điều dường như xảy ra mỗi ngày, phải không?), bạn sẽ dễ dàng rơi vào sợ hãi hoặc thất vọng. Tôi có xu hướng kiểm soát, và vì thế tôi có thể rơi vào tình trạng hoảng sợ trong một vài phút. Điều thường cứu tôi là tôi biết rằng, cho dù những vấn đề của tôi quá lớn đối với tôi, nhưng chúng lại không quá lớn đối với Thiên Chúa. Đây là một thí dụ thực tế trong quá khứ cách đây không lâu.
Vào tháng 9 năm 2016, tôi đã tiếp cận ban quản trị của chương trình Holy Spirit Radio ở Philadelphia và đã trình bày tầm nhìn của tôi về một chương trình Chào Buổi Sáng của Công Giáo một cách mới mẻ và lành mạnh. Họ thích ý tưởng đó và sau một vài cuộc họp và hoạch định công việc, thì chương trình “Tinh Thần của Bình Minh” đã được khai mở vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. Cùng với Dave Parker, người đồng dẫn chương trình, tôi đã bắt đầu một kế hoạch kéo dài hai năm để giới thiệu các vị khách Công Giáo hàng đầu và âm nhạc Kitô giáo đương đại.
Sau cùng, tôi đã trở nên thoải mái khi đương đầu những thách đố của chương trình phát thanh trực tiếp, nhưng lúc đầu thì không phải như vậy. Nói rằng tôi đã không biết những gì tôi làm thì không đúng. Dave Parker là một người bạn tốt và là một người đồng dẫn chương trình tuyệt vời, nhưng anh chỉ biết hơn tôi một chút về những thông tin chi tiết của chương trình phát thanh trực tiếp. Vậy làm cách nào chúng tôi đã sống sót?
Thiên Chúa đã gửi ai đó đến giúp, như Người rất thường xuyên làm như thế. Frank Eliason đã đến hiện trường để đảm nhận vai trò giám đốc điều hành cho đài phát thanh. Anh đã gắn bó với đài phát thanh, làm việc từ xa nhiều năm. Bây giờ anh góp phần quan trọng vào các các hoạt động studio hằng ngày. Và mặc dù anh có ít kinh nghiệm về đài phát thanh, nhưng khả năng học hỏi và vượt trội trước áp lực quả là đáng nể.
Bất cứ thử thách nào chúng tôi giao phó cho Frank, anh ta đều giải quyết được. Thường xuyên làm việc dưới áp lực đáng kinh ngạc, Frank dường như không bao giờ bối rối bởi bất cứ điều gì. Ngoài việc giữ cho chương trình chúng tôi phát sóng, Frank còn chịu trách nhiệm vô số thiết bị nâng cấp và các ý tưởng lập trình sáng tạo. Nói tóm lại, Frank Eliason là một thiên tài.
Thời gian trôi qua, tôi có thể thư giãn và tập trung vào những bổn phận dẫn chương trình chính của mình, biết rằng Frank ở đó để giải quyết bất cứ khủng hoảng nào xảy đến. Tôi không còn lo lắng về mọi thứ có thể gặp sự cố. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc dẫn chương trình phát thanh cách tốt nhất mà tôi có thể. Nếu một vấn đề kỹ thuật nảy sinh, Frank sẽ giải quyết nó. Biết rằng tôi có “Frank” đứng bên cạnh khiến cho mọi vấn đề không mong đợi xem ra nhỏ hơn nhiều.
Thiên Chúa Vĩ Đại Thế Nào? Nếu bạn muốn hiểu được ý tưởng về quyền năng của Thiên Chúa, Thánh Kinh là một nơi tuyệt vời để bắt đầu. Nhiều lần, suốt Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, chúng ta thấy rõ về quyền năng của Thiên Chúa đối với kẻ thù của dân Người và trên các thế lực thiên nhiên. Những thí dụ về quyền năng của Thiên Chúa cho chúng ta sự tự tin chúng ta cần để đối diện với những thách đố của cuộc sống mà không sợ hãi. Thiên Chúa càng vĩ đại thì các vấn đề của chúng ta càng nhỏ bé.
Lúc Khởi Đầu…
Không có nơi nào tốt hơn để bắt đầu bằng lúc khởi đầu: Sách Sáng Thế, chương 1, câu 1. Thiên Chúa của chúng ta quá vĩ đại đến nỗi sự vĩ đại của Người thể hiện rõ ràng ngay từ những lời đầu tiên của Thánh Kinh:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’. Liền có ánh sáng” (St 1,1-3).
Ý tưởng về việc tạo dựng cái gì đó từ hư không là một khái niệm khó nắm bắt, và có lý do chính đáng. Con người không thể làm điều đó. Đúng vậy, một người thợ vẽ có thể tạo nên một bức chân dung đẹp, nhưng anh ta phải sử dụng cọ, sơn và vải. Tương tự, một nhà soạn nhạc không thể sáng tác một bài hát mà không sử dụng những nốt nhạc và các nhà thầu không thể xây dựng những căn nhà mới mà không sử dụng các chất liệu và dụng cụ có sẵn. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể tạo dựng nên vật gì đó từ hư không.
Ngoài việc cho chúng ta một thoáng nhìn về sự vĩ đại của quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa, ba câu đầu tiên của Thánh Kinh buộc chúng ta phải chạm trán với một khái niệm cực kỳ thách đố. Để sáng tạo trời và đất lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã phải hiện diện trước thời điểm đó. Nói cách khác, không bao giờ có lúc Thiên Chúa không hiện hữu. Người không có khởi đầu và sẽ không có kết thúc. Người đơn giản là đã luôn luôn hiện hữu và sẽ luôn luôn hiện hữu.
Khi phải đối diện với một vấn đề lớn, tôi thường suy gẫm về câu chuyện tạo dựng, mượn lời của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Đức Chúa, Chúa Thượng của con, này Ngài đã tạo thành trời đất bằng sức mạnh vĩ đại và cánh tay uy quyền của Ngài. Không có gì mà Ngài không làm được!” (Gr 32,17)
Tôi đã trải qua nhiều ngày khi những vấn đề của tôi dường như quá khó để giải quyết. Còn bạn thì sao? Thật may mắn, chúng ta có Cha trên trời Đấng mà không có gì là quá khó với Người. Hãy ghi nhớ điều đó bất cứ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy thất vọng. Dù đó là điều gì, Thiên Chúa đều có thể giải quyết được.
Trong Cuộc Chiến với Những Tên Khổng Lồ. Bạn đã từng phải giáp mặt với một vấn đề to lớn chưa? Tôi biết tôi có: COVID-19, thất nghiệp, cô đơn, bệnh nặng, v.v. Những vấn đề của bạn có thể khác với các vấn đề của tôi, nhưng tôi tin chắc rằng bạn đã chạm trán với những vấn đề dường như không thể vượt qua được. Có thể là ngay bây giờ bạn đang đối diện với một vấn đề như thế.
David biết cảm giác khi giáp mặt với một tên khổng lồ là như thế nào. Anh cũng biết sự tự tin đến từ việc sẽ ra trận dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa toàn năng.
Những người Philitinh luôn là cái gai đối với người Ítraen. Thực vậy, quân đội của hai bên đã đụng độ nhau nhiều lần. Sách Samuel quyển thứ nhất đã ghi lại cuộc chiến đáng chú ý nhất (x. 1 Sm 17). Một thung lũng nằm giữa hai quân đội, khi họ giáp mặt nhau trên những ngọn đồi đối diện. Bất thình lình, Gôliat, cao 9 feet, đã thách thức quân đội của Ítraen: “Sao chúng bay ra dàn trận? Ta đây chẳng phải là người Philitinh, còn chúng bay chẳng phải là bề tôi Saun sao? Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ mạnh để chiến đấu với ta và hạ được ta, thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn nó và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ chúng tao và sẽ hầu hạ chúng tao” (1 Sm 17,8-9).
Nghe những lời chế nhạo của Gôliat, Thánh Kinh cho chúng ta biết, vua Saun và dân Ítraen đã “kinh khiếp sợ hãi lắm” (1 Sm 17,11). Kết quả là, dân Ítraen đã không đáp lại lời thách thức của Gôliat và trong bốn mươi ngày, Gôliat lại tiếp tục hống hách ngang ngược trước quân đội Ítraen. Cuối cùng, có ai đó đã đứng ra và thể hiện sự sẵn lòng để chấp nhận lời thách thức của tên khổng lồ.
Đavít, người con trai út của một người đàn ông tên là Giêsê, đã nghe những lời chế nhạo của Gôliat. Cảm thấy bị xúc phạm vì quân Philitinh “thách thức hàng ngũ của Thiên Chúa hằng sống” (1 Sm 17,26) và khủng bố quân lính, Đavít đã đến với Vua Saun với một đề nghị can đảm: “Ðừng ai ngã lòng vì nó. Tôi tớ ngài đây sẽ đi chiến đấu với tên Phi-li-tinh ấy” (1 Sm 17,32).
Nại vì Đavít còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, nhà vua đã từ chối lời đề nghị của anh. Đúng thôi, phải không? Nếu bạn chọn một người để giao chiến với một tên khổng lồ, bạn sẽ chọn một ai đó mạnh mẽ, chứ không phải một thanh niên mà chỉ có kinh nghiệm làm việc chính là chăn chiên cho cha mình. Nhưng Đavít vẫn kiên trì:
“Tôi tớ ngài là người chăn chiên dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó, đánh cho nó chết. Tôi tớ ngài đã đánh cả sư tử lẫn gấu, thì tên Philitinh không cắt bì này cũng sẽ như một trong các con vật đó, vì nó đã thách thức các hàng ngũ của Thiên Chúa hằng sống.” Ðavít nói: “Đức Chúa là Ðấng đã giật con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ giật con khỏi tay tên Philitinh này” (1 Sm 17,34-37).
Cuối cùng, nhà vua đã mủi lòng và đã sai người chiến binh trẻ tuổi vào trận chiến. Bị người đại diện cho quân đội của Ítraen xúc phạm và thực tế là vũ khí lựa chọn của Đavít chỉ là súng cao su, Gôliat buông lời đe dọa. Đavít tự tin đáp lại bằng những lời có thể tăng sức mạnh cho chúng ta khi chúng ta đối diện với những tên khổng lồ của chính mình: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Ítraen mà mày thách thức. Ngay hôm nay Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao, tao sẽ hạ mày và làm cho đầu mày lìa khỏi thân. Ngay hôm nay tao sẽ đem xác chết của quân đội Philitinh làm mồi cho chim trời và dã thú. Toàn cõi đất sẽ biết rằng có một Thiên Chúa che chở Ítraen, và toàn thể đại hội này sẽ biết rằng không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà Đức Chúa ban chiến thắng, vì chiến đấu là việc của Đức Chúa và Người sẽ trao chúng mày vào tay chúng tao!” (1 Sm 17,45-47).
Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đavít đã có thể hạ gục Gôliat và đã chiến thắng. Chứng kiến cái chết của chiến binh hùng mạnh của mình, quân Philitinh đã quay đầu bỏ chạy.
Đó là những gì sẽ xảy ra khi bạn đi vào cuộc chiến có Thiên Chúa đứng về phía mình. Người chưa thua một trận chiến nào. Hãy ghi nhớ điều này khi bạn nhìn vào những tên khổng lồ của bạn hôm nay. Bạn có thể cảm thấy bị áp đảo bởi những vấn đề to lớn của mình, nhưng bạn có Thiên Chúa ở bên cạnh.
Đây là một đoạn trích từ cuốn sách có tựa đề “Hành trình với Thiên Chúa”, tác giả là Gary Zimak (The Word Among Us Press, 2021), có thể truy cập tại from www.wau.org/books.
Tác giả: GARY ZIMAK
Nguồn: WAU, Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
2023
Thiên thần là ai? Các ngài được tạo dựng nên để làm gì?
Ts. Trần Mỹ Duyệt
Mỗi khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”, chúng ta thường nghĩ đến những tạo vật vô hình là các thiên thần. Vậy thiên thần là ai? Các ngài được dựng nên để làm gì? Và làm cách nào chúng ta có thể biết được các ngài cũng như những sinh hoạt của các ngài?
NHỮNG TẠO VẬT VÔ HÌNH
Theo Thánh Kinh và căn cứ trên nhiều truyền thống tôn giáo, các thiên thần là những tạo vật thiêng liêng, vô hình vượt xa hơn con người là những tạo vật hữu hình: “Vì Ngài đã tạo nên con người thấp hơn các thiên thần một chút, và đã đội trên con người triều thiên danh dự và vinh quang” (Thánh Vịnh 8: 5).
Các thiên thần hơn con người một chút vì các ngài là những tạo vật thần linh. Trong khi đó, con người là những tạo vật hữu hình có hồn và có xác. Tuy nhiên, Thiên Chúa “đã đội trên con người triều thiên danh dự và vinh quang”, vì Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể đã mặc lấy hình hài và bản tính của con người.
Các thiên thần có nhiều nhiệm vụ và nhiều vai trò trong Vương Quốc của Thiên Chúa:
– Chầu chực trước ngai tòa Thiên Chúa.
– Phụng sự Thiên Chúa.
– Làm sứ giả của Thiên Chúa.
– Nối kết giữa Thiên Chúa và con người.
– Được chỉ định canh giữ, hướng dẫn con người, và cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
Những tôn giáo như Do Thái Giáo (Judaism), Kitô Giáo (Christianity), và Hồi Giáo (Islam) luôn coi các thiên thần như những tạo vật thần linh nối kết giữa Thiên Chúa và con người. [1] Các thiên thần không phải là nam hay nữ theo sự hiểu biết và kinh nghiệm về phái tính của con người. Tuy nhiên, mỗi khi các ngài được nhắc tới trong Thánh Kinh, từ ngữ dùng để dịch “angel” luôn luôn là nam giới. Cũng vậy, mỗi khi xuất hiện, thiên thần luôn xuất hiện như những người nam. Ngay cả tên gọi của các ngài cũng mang giới tính nam. [2]
PHẨM TRẬT CÁC THIÊN THẦN
Có 250 lần các thiên thần được nhắc đến từ sách Sáng Thế Ký tới sách Khải Huyền. Tuy nhiên, Thánh Kinh không đưa ra con số chính xác các thiên thần được Thiên Chúa tạo dựng.
Trong Khải Huyền, Thánh Gioan viết: “Rồi tôi nhìn lên và nghe tiếng của nhiều thiên thần, con số hàng ngàn ngàn, và hàng vạn vạn” (Khải Huyền 5:11). Linh mục Nguyễn Thế Thuấn trong bản dịch Kinh Thánh của ngài, ngài dịch là: “vạn vạn ngàn ngàn”. Trước đó, trong thị kiến tiên tri Daniel đã nhìn thấy “hàng ngàn ngàn phục vụ Ngài; vạn vạn đứng trước Ngài” (Daniel 7:10). Và trong Thư Do Thái cũng nhắc đến con số đạo binh thiên thần hàng hàng lớp lớp (Do Thái 12:22). Hiểu là con số các thiên thần trên trời nhiều vô số kể.
Ngoài số đông các thiên thần tốt lành, Kinh Thánh còn nói đến những thần sa ngã. Đó là các thiên thần đã bị đuổi khỏi thiên đàng vì sự bất tuân phục. Satan là thủ lãnh những đọa thần này. Con số một phần ba các thiên thần sa ngã được nói tới trong Khải Huyền: “Đuôi nó quét xuống một phần ba tinh tú trên trời và ném xuống đất” (Khải Huyền 12:4). Nhiều phiên bản dịch khác nhau, nhưng đa số đồng ý biến cố xảy ra liên quan đến việc Satan phản nghịch lại với Thiên Chúa.
Pseudo-Dionysius, thần học gia và triết gia Công Giáo thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trong tác phẩm De Coelesti Hierarchia (On the Celestial Hierarchy) và Thánh Thomas Aquinas trong Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) trích dẫn từ Tân Ước, đặc biệt trong thư Êphêsô 1:21và Côlôsê 1:16 đã phân định các thiên thần thành ba đẳng, mỗi đẳng gồm ba loại tùy theo vai trò và nhiệm vụ của các thần. Thánh Bonaventure tóm lược 9 phẩm thiên thần theo sau những việc làm của các ngài như: loan tin, truyền đạt, và hướng dẫn, dùi dắt, thúc đẩy, ra lệnh, đón nhận, mặc khải, và xức dầu. Về phẩm trật các thiên thần, ngài cho rằng chỉ 5 vị đầu tiên được sai xuống bởi Thiên Chúa để làm sáng tỏ chính các ngài giữa thế giới vật chất, trong khi bốn phẩm thiên thần cao nhất luôn ở trên trời trước tôn nhan Thiên Chúa.
– Ba đẳng thiên thần
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê đã vẽ ra một bức tranh mờ mờ về đẳng cấp các thiên thần: “Nhờ ngài mọi sự được tạo dựng trên trời và dưới đất, vô hình và hữu hình, dù là Ngai Thần (Thrones) hay Quản Thần (Dominions), Lãnh Thần (Rulers), Quyền Thần (Authorities) – mọi sự đều được ngài tạo dựng và cho ngài” (Côlôsê 1:16). Minh Thần (Cherubim) thì được nhắc đến trong Sáng Thế Ký khi Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Địa Đàng và đặt Cherubim cằm gươm canh giữ (Sáng Thế Ký 3:24).
Về đẳng cấp, các thiên thần được chia thành ba đẳng:
– Đẳng I (cao nhất) gồm các:
Luyến Thần (Seraphim [Seraphimy]),
Minh Thần (Cherubim [Cheruvimy]),
và Bệ Thần hay Ngai Thần (Thrones [Prestoly]).
Seraphim thông đạt tình yêu và sự thật của Thiên Chúa. Ngai Thần truyền đạt mọi sự đến các đẳng thiên thần khác. Gần kề bên Thiên Chúa nhất là Seraphim. Tên Seraphim có nghĩa là “sốt mến” hoặc các thần lửa, bởi vì Thiên Chúa là ngọn lửa của tình yêu.
– Đẳng II (trung bình) gồm các:
Quản Thần (Dominions [Gospodstva]),
Dũng Thần (Virtues),
và Quyền Thần (Powers /Authorities).
Nắm giữ quyền cai quản trên những thần khác, và hướng dẫn các nhà lãnh đạo mặt đất, được thiết lập bởi Thiên Chúa, để họ biết cai trị khôn ngoan.
– Đẳng III (thấp nhất) gồm các:
Lãnh Thần (Principalities/Rulers),
Tổng Thần (Archangels),
và Thiên Thần (Angels).
Là những thần hiểu biết sự khôn ngoan từ các đẳng cao hơn, có liên quan đến những thực tế cụ thể, và phục vụ hữu hiệu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, như những luật lệ tự nhiên, và hướng dẫn các dân nước và từng cá nhân. [3]
– Chín phẩm thiên thần
Từ ba đẳng, các thiên thần thuộc về một trong chín phẩm, mỗi phẩm gồm nhiều thiên thần:
1. Luyến Thần (Seraphim) – Còn được gọi là Thần Sốt Mến, cao nhất trong chín phẩm thiên thần. Phẩm Seraphim gồm bốn thần. Mỗi Seraphim có 4 mặt [4]. Có hai Seraphim được nhắc tên là Seraphiel và Metatron (trong đó, Seraphiel được miêu tả là có cái đầu của phượng hoàng).
Các Seraphim luôn chầu chực, bay quanh ngai tòa Thiên Chúa, tung hô, chúc tụng Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa”. Thần Seraphim có sáu cánh: hai cánh che mặt, hai cánh che chân và hai cánh để bay (Isaia 6:1-7). Vì ở gần bên Chúa và luôn được cháy sáng, ánh sáng phát ra từ các Seraphim chói lọi đến nỗi không một ai, thậm chí là các thiên thần khác, có thể nhìn trực tiếp được. [5]\
2. Minh Thần (Cherubim) – Cherubim [Cheruvimy] tiếp theo sau Seraphim trong chín phẩm thiên thần. Các Cherubim mô tả giống con người về bề ngoài, có hai cánh. Trong Tân Ước, các Cherubim thường được gọi là những người trời.[6]
Luôn bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Tên Cherubim có nghĩa là: chan hòa sự khôn khoan, ánh sáng, vì từ các vị – sự sáng với ánh sáng hiểu biết Toàn Năng và thông tri những mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã ban xuống ơn khôn khoan và tỏa sáng về sự thông hiểu Thần Linh thật.
Cherubim được nhắc đến nhiều trong Thánh Kinh như Sáng Thế Ký 3:24, Sách Êdêkien 10:12-24, Sách Các Vua quyển thứ nhất 6:23-28 và sách Khải Huyền 4:6-8. Ông Maisen đã cho đúc hai tượng Cherubim bằng vàng đặt ở đầu của hòm bia thánh. Sau này vua Salomon cũng tạc hai tượng Cherubim bằng gỗ ôliu nạm vàng, đứng hai bên cạnh hòm bia, phủ cánh che rợp hòm bia. Vì thế, các Cherubim được gọi là các thiên sứ hộ giá và đứng đầu trong phẩm trật thiên sứ vì luôn kề cạnh bên Thiên Chúa. [7]
3. Bệ Thần (Thrones) [Prestoly] – Bệ Thần hay Ngai Thần là các thiên thần của sự khiêm nhường, sự bình an và sự phục tùng. Nếu các thiên thần phẩm trật dưới cần đến gần Thiên Chúa thì phải qua các Bệ Thần.
Thronos (tiếng Hy Lạp: θρόνος, “ngai vàng”) cũng xuất hiện trong Khải Huyền 11:16 và Thư gửi giáo đoàn Côlôsê 1:16. Theo thị kiến của tiên tri Êdêkien 1:15-21, các Bệ Thần được miêu tả dưới hình dạng những bánh xe, có nhiều mắt trên vành bánh “Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe.” (Êdêkien 10:17).
Bệ Thần là biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa. Cùng với Seraphim và Cherubim, các Bệ Thần không bao giờ ngủ để canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa. [8]
4. Quản Thần (Dominions) [Gospodstva] – Dominionstiếng Latinh: dominationes, tiếng Hy Lạp: kyriotētes, là những thiên sứ phối hợp hoạt động của các thiên binh cấp dưới. Nhiệm vụ chính của các Quản Thần là giữ gìn vũ trụ theo đúng trật tự, đem công lý của Thiên Chúa tới những nơi bất công. Tỏ lòng thương xót của Ngài với con người bằng cách ban sức mạnh cho những nhà lãnh đạo các quốc gia.
Quản Thần được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên sứ. Tuy nhiên, để phân biệt với các thần khác, các Quản Thần có thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu. [9]
5. Dũng Thần (Virtues) – Có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên. Virtutes có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và uy lực, luôn sẵn sàng, dũng cảm thi hành những việc phi thường.
Dũng Thần còn được biết đến là các thần “chiếu sáng.” Ngoài tư cách là thần chuyển động, các Dũng Thần cũng giúp điều khiển thiên nhiên, các phép lạ, khuyến khích con người giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, tăng thêm sức mạnh cho những nhân vật tài năng dưới trần gian. [10]
6. Quyền Thần (Authorities) [Vlasti] – Quyền Thần hay các Thiên Thần Chiến Binh vì chiến thắng sự dữ, không chỉ trong vũ trụ mà cả con người. Có quyền trên ma quỷ, ngăn cản sức mạnh của chúng, Quyền Thần cũng giúp con người chiến đấu với các đam mê và tật xấu để từ bỏ những cám dỗ do ma quỷ, thế gian, và xác thịt xúi giục (1 Phêrô 3:22, và Côlôsê 1:16). [11]
Quyền Thần giám sát sự phân chia năng lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Các Quyền Thần mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo. [12]
7. Lãnh Thần(Principalities)[Nachala] – Các Lãnh Thần có quyền trên các thiên thần cấp dưới và điều khiển các vị hoàn thành mệnh lệnh của Thiên Chúa (Côlôsê 1:16).
Các Lãnh Thần còn được gọi là Hoàng Thân hoặc Người Cai Trị vì trực tiếp theo dõi các tổ chức lớn, nhỏ, kể cả tầm mức các quốc gia và Giáo Hội, đồng thời bảo đảm việc hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Khôn ngoan và quyền lực nhưng ở khoảng cách xa Thiên Chúa nhất trong các phẩm trật thiên thần để có thể giao tiếp với con người bằng những cách mà chúng ta có thể hiểu.
Lãnh Thần có hình đội một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của các ngài là thực hiện tấn phong cho những nhà lãnh đạo các xứ sở, gìn giữ thế giới vật chất, và giám sát các dân tộc. Lãnh Thần là những quan thầy và bảo hộ cho các vương quốc trên mặt đất. Ngoài ra, còn truyền cảm hứng và tư tưởng trong các lãnh vực nghệ thuật và khoa học. [13]
8. Tổng Thần (Archangels) – Theo truyền thống đã có từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội tôn kính 7 Tổng Thần có tên là Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Camael, Jophiel, and Zadkiel. Ba vị đầu là Michael, Gabriel và Raphael được đặc biệt tôn tính đối với Kitô Giáo Latin, trong khi đó các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương kính nhớ cả 7 vị.
Ngoài ra, cũng theo truyền thống Lutheranism và Anglicanism có 5 vị tổng thần được tôn kính: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel và Jerahmeel. Tuy nhiên Kitô Giáo Chính Thống Đông Phương (Oriental Orthodox Christianity) và Kitô Giáo Chính Thống Tây Phương (Eastern Orthodox Christianity) lại kính nhớ 8 vị, đó là Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jegudiel, Barachiel, và Jeremiel. Bốn vị sau trong số này truyền thống Coptic đặt tên là Surael, Sakakael, Sarathael, và Ananael.
Ba Tổng Thần được Giáo Hội Công Giáo mừng kính vào ngày 29 tháng 9 là Michael, Gabriel và Raphael. Cả ba đều được nhắc tên trong Thánh Kinh vì những vị trí quan trọng của các ngài trong lịch sử cứu độ.
Michael (Micae) – “Ai bằng Thiên Chúa”.
Michael có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Giống như các Tổng Thần khác, Michael thiêng liêng, sức mạnh siêu phàm, nhanh như ánh sáng, không thể bị tổn thương, có giọng oai dũng, khả năng chiến đấu, dũng mãnh, và quyền lực để nói với các loài vật.
Hình ảnh của ngài được diễn tả trong Sách Khải Huyền: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với con Rồng. Con Rồng cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Rồng lớn bị xô nhào xuống. Nó là con rắn xưa, gọi là ma quỷ hay Satan, kẻ chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị xô nhào xuống với nó” (Khải Huyền 12:7-9).
Gabriel (Gabrien) – “Người của Thiên Chúa”.
Trong tiếng Hy Lạp “aggeslos” có nghĩa là “sứ giả.” Gabriel là một trong 7 tổng thần, và là một trong ba tổng thần được nhắc đến trong Luca 1:27-28, cùng với Michael (Khải Huyền 12:7-9), và Raphael (Tobit 12:15). Gabriel là “Sứ Giả của Thiên Chúa” và thuộc đẳng cao hơn trong các thiên thần khác.
Tên Gabriel có nghĩa là “Người của Thiên Chúa” trong tiếng Do Thái, hoặc “Thiên Chúa đã chiếu tỏ quyền năng”. Trong Thánh Kinh, Gabriel là sứ giả xuất hiện trong Cựu và Tân Ước. Biến cố nổi nhất là lần xuất hiện trong ngày ngài truyền tin cho Đức Maria (Luca 1:26-38; Mátthêu 1:20-24). Ngài cũng được cho là thiên thần xuất hiện bên Chúa Giêsu để an ủi Ngài trong lúc Chúa hấp hối ở vườn Gethsemane (Luca 22:43).
Raphael – “Thiên Chúa chữa lành”.
Raphael là tổng thần lần đầu tiên được nhắc đến trong sách Tobit và trong 1 Enoch, cả hai được dự đoán giữa thế kỷ thứ ba và thứ hai BCE.
Là một trong bảy Tổng Thần đứng trước ngai Thiên Chúa (Tobit 12:15), và là một trong ba vị được nhắc đến trong Phúc Âm.
Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Trong Sách Tobit, ngài tự nhận như “Azarias là con của Ananias tiền bối” thuộc dòng họ Tobit, đi cùng Tobit, con của Tobiah. Ngài đã chữa cho Tobiah khỏi mù và trừ quỉ Asmodeus ra khỏi Sarah, vợ tương lai của Tobit. Quỉ Asmodeus đã giết những người đàn ông đã cưới Sarah ngay trong đêm tân hôn trước khi động phòng.
Tổng Thần Raphael là bổn mạng của những người đi đường, những người mù lòa, bệnh tật, không gặp may mắn, y tá, y sỹ và nhân viên y tế. [14]
9. Thiên Thần (Angels) [Angely] – Các thiên thần là những thần trời gần nhất với thế giới và con người. Là người chuyển cầu lên Thiên Chúa và loan báo các sứ điệp cho con người trên thế gian (1 Phêrô 3:22). Một trong các đặc tính của các thiên thần là rất quan tâm và thân thiện trợ giúp những người cầu xin nâng đỡ.
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các thiên thần phục vụ như những sứ giả của Thiên Chúa đối với con người. Trong Cựu và Tân Ước, Thiên Chúa đã không ngừng nhắc lại và dùng các thiên thần để nói ý định của Ngài cho con người, thí dụ, với Abraham, Maisen, Jacob, Gideon, Daniel, Trinh Nữ Maria, Zachariah và Giuse, và nhiều vị thánh cũng như các tiên tri.
Kinh Thánh viết: “Người [Thiên Chúa] truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Thánh Vịnh 91:11-12). Ngoài các tổng thần, chúng ta có thiên thần bản mệnh, là những thiên thần được chỉ định để hướng dẫn và che chở cá nhân mỗi người. Thánh Thomas đồng ý với Thánh Jerome trong trích dẫn Phúc Âm Thánh Mátthêu cho rằng mỗi người chúng ta đều có một thiên thần bản mệnh (Mátthêu 18:10). Đó cũng là cách mà Ngài hằng ở bên chúng ta khi đối mặt với bão tố cuộc đời. Chúa Giêsu khi đề cập đến các thiên thần bản mệnh đã nói: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mátthêu 18:10). Lễ kính các Thiên Thần Bản Mệnh được cử hành vào ngày 2 tháng 10.
__________
Tham khảo
https://www.christianity.com/wiki/angels-and-demons/are-angels-male-or-female.html.
https://en.wikipedia.org/wiki/Hierarchy_of_angels
https://people.howstuffworks.com/9-types-of-angels.htm
5,7,8,9,12,13. Phẩm trật Thiê n sứ trong Kitô giáo. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
6,10,11. Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ beliefnet.com). Chín Phẩm Thiên Thần.
http://giaoxutanviet.com/chin-pham-thien-than/
14.Trần Mỹ Duyệt. Các Tổng Lãnh Thiên Thần. Facebook Duyet Tran
2023
Làm chứng cho những mối phúc & mối họa
Làm chứng cho những mối phúc & mối họa
Nền tảng của những mối phúc
Từ “beatitude” bắt nguồn từ beatus trong tiếng Latinh, dịch từ tiếng Hy Lạp makarioi (μακάριοι), có nghĩa là ban phước, hoặc hạnh phúc, may mắn. Các mối phúc chúng ta quen thuộc nhất được tìm thấy ở phần đầu của Bài Giảng Trên Núi nơi Tin Mừng Mát-thêu 5, 3-12 và Bài Giảng Nơi Đất Bằng trong Tin Mừng Luca 6, 20-26. Tuy nhiên, các mối phúc được tìm thấy trong Tin Mừng không phải là những mối phúc duy nhất trong Kinh thánh; chúng bắt nguồn từ kinh nghiệm của người Do Thái được Chúa chúc phúc trong suốt lịch sử cứu rỗi. Nhiều sách Cựu Ước đề cập đến những người dân được Chúa chúc phúc thường với câu “Phúc cho…”. Sách Đệ nhị luật khi mô tả viễn cảnh lúc dân Chúa tiến vào Đất Hứa, đã nói về phước lành, về hạnh phúc cho người vâng theo lề luật Chúa (Đnl 28,1-6). Phúc lành Chúa ban sẽ “tràn đầy” nơi cuộc sống nông thôn cũng như thành thị, sẽ ngập tràn lúc chào đời của trẻ em cũng như gia súc, và đến cả việc sản xuất hoa màu. Chúa chúc lành cho dân tộc này sẽ được an toàn, dư đầy và và thịnh vượng. Những phúc lành như thế là bằng chứng cho việc Chúa làm cho một dân tộc đã từng là nô lệ. Trong bối cảnh của Đệ nhị luật, ai muốn được hưởng phước lành đều phải tuân theo các luật lệ của giao ước. Chúng ta có thể tóm tắt ý này bằng câu, “Phúc cho những ai tuân theo các mệnh lệnh Chúa, Đấng đã giải phóng ngươi.”
Chúng ta cũng tìm thấy các mối phúc nơi sách các tiên tri. Thật thế tương tự như những tiểu quốc vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu bị lật đổ trước những nước lớn hơn, nước Giuđa phải tranh đấu để sống còn và để luôn trung thành với Đức Chúa. Trong lúc nước Giuđa nghĩ đến việc lập liên minh với Ai Cập để chống lại Asiri, tiên tri Isaia nói ngay rằng những nỗ lực của Giu-đa như thế là nổi loạn. Ông đưa ra lời khuyên ngược đời này dưới dạng một mối phúc: “Vì Đức Chúa là Thiên Chúa công minh, hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người”(Is 30, 18). Trong sách Giê-rê-mia đoạn 17, lời của nhà tiên tri cũng chất chứa nỗi thất vọng với dân Giu-đa vì họ đã vi phạm Giao ước và quay lưng lại với sự khôn ngoan được tìm thấy nơi Giao ước. Tiên tri Giêrêmia đã tạo niềm hy vọng khi nói “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.” Những lời chúc phúc như thế trong các sách tiên tri là cách làm rất thực tế trong bối cảnh chiến tranh xảy ra, chính quyền sụp đổ, và cuối cùng dân phải lưu vong.
Tiếp đến, những người được coi là “được ban phước” dưới hình thức “phúc thay” cũng có thể tìm thấy trong sách Thánh Vịnh:
– Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân (1, 1)
– Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung.(32, 1)
– Phúc thay người ở trong thánh điện họ luôn luôn được hát mừng Ngài. (84, 4-5)
– Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA. (89,15)
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người (128, 1 & 4).
Sách Châm ngôn 8,32-34 dạy rằng những ai nghe theo lời Chúa chỉ dạy sẽ được chúc phúc, và xác quyết nơi đoạn 22 câu 9 rằng ai biết chia sẻ thức ăn với người nghèo, người hào phóng ấy sẽ được ban phúc. Qua những ví dụ này, chúng ta bắt đầu thấy rằng phúc lành Chúa ban không phải là phần thưởng cho việc sống một đời sống tốt đẹp mà là một ân sủng Chúa ban tặng cho những ai sống như chứng nhân cho bản tính toàn hảo của Thiên Chúa và đặc tính của dân Người.
Mối phúc họa trong Tin Mừng Luca
Trong hai bộ “phúc thay” được tìm thấy trong các Tin Mừng Mátthêu và Luca, bộ tám mối phúc thật của Mát-thêu là quen thuộc nhất, bộ này cũng được gọi là Bài Giảng Trên Núi. “Phúc thay ai. . . vì họ sẽ . . .” là một công thức hữu ích vì nó ngắn gọn và dễ hiểu, cung cấp một khuôn mẫu dễ nhớ và cho thấy sự cân bằng bất ngờ giữa những gì được coi là một nhân đức và phần thưởng cho nhân đức đó. Hầu hết các mối phúc trong Mátthêu sử dụng ngôi thứ ba (họ – của họ), vì vậy các mối phúc này nghe hao hao giống như những châm ngôn hướng dẫn cách sống ở đời. Khi nghe phiên bản của Mátthêu, chúng ta có thể tách mình ra khỏi sự thật đầy thách thức để có thể tìm thấy nuớc Chúa với tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, hiền lành, khao khát sự công chính, lòng thương xót, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình và bị bách hại. Những phúc lành này vừa có thể (không nhất thiết sẽ) ở “xa xa, không đụng chạm đến ta” như một bài học đạo đức và vừa có thể đem lại an ủi cho những ai tìm thấy mình trong những cảnh ngộ được nêu. Tuy nhiên, phiên bản “phúc thay” của Luca cho chúng ta một trải nghiệm khác.
Bài Giảng Nơi Đất Bằng của Luca ngắn hơn nhiều so với Bài Giảng Trên Núi gồm ba chương của Mátthêu; thực thế, phiên bản Luca bao gồm hai mươi chín câu trong chương 6. Giống như phiên bản Mátthêu, bài giảng trong phiên bản Luca cũng bắt đầu với một tập hợp các mối phúc, nhưng thay vì những câu nói ở ngôi thứ ba trong phiên bản Mátthêu, các mối phúc trong Luca sử dụng ngôi thứ hai (anh/ chị/em – của anh /chị/em). Những câu chữ “Phúc cho anh em . . .” hướng thẳng vào vào những người đang lắng nghe Chúa giảng, bất kể bao nhiêu thế hệ đã qua đi, chúng ta có thể trở thành những thính giả ban đầu của Chúa là các môn đệ và những người hiếu kỳ tình cờ đi ngang qua.
Ngoài ra, phiên bản của Phúc âm Luca có bốn mối phúc và kèm theo bốn “mối họa”. Từ tiếng Hy Lạp ouai (οὐαὶ) là một biểu hiện của than thở, đau buồn, và thậm chí là hành động tố cáo. Giống như các phúc lành có gốc rễ từ Cựu Ước, những mối họa trong Luca 6, 24-26 cũng có liên hệ gốc gác với Cựu Ước. Cho ví dụ, Tiên tri A-mốt nói thẳng mặt những người vi phạm Giao ước Chúa đã ký kết với Ít-ra-en: “Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen…nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào ức hiếp kẻ nghèo hèn tại cửa công” (A-mốt 5, 7, 12b), những lời của Tiên tri ở trên cũng giống với thông điệp mà Chúa Giê-su muốn chuyển tải trong Lu-ca 6, 24-25. Theo truyền thống của các tiên tri, Chúa Giêsu than thở và lên án những người giàu có được ăn ngon mặc ấm, họ hài lòng về cuộc sống của họ, nhưng họ không nhận ra bản chất tạm thời mau qua của sự hài lòng đó.
Sự tương phản rõ nét ở chương 6 giữa phần về mối phúc và phần về mối họa, cùng với việc sử dụng ngôi thứ hai (“Phúc cho anh em” và “Khốn cho các ngươi”), xác định rõ ràng rằng Nước Trời đến mang lại những lựa chọn cho những người theo Chúa, và những lựa chọn này cũng mang đến hậu quả. Vì thế “Phúc cho anh em ” vừa là một lời quan sát và cũng vừa là một sự khích lệ, còn “Khốn cho các ngươi ” có ý nghĩa là một lời than thở nhưng cũng có nghĩa là một sự phán xét.
Luca 6 | Phúc cho anh em | Khốn cho các ngươi |
câu 20b / câu 24 | kẻ nghèo khó | kẻ giàu có |
câu 21 / câu 25a | kẻ bây giờ đang phải đói | kẻ bây giờ đang được no nê |
câu 21b / câu 25b | kẻ bây giờ đang phải khóc | kẻ bây giờ đang được vui cười |
câu 22 / câu 26 | khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa | khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế. |
Một lưu ý khác, việc sử dụng các mối phúc họa trong Tin Mừng Luca không chỉ thấy ở Bài Giảng Nơi Đất Bằng; nhưng còn ở những nơi khác của Tin Mừng. Trong số những người được ban phúc, được hạnh phúc hoặc may mắn có Mẹ Maria (1,45& 48), những người không vấp ngã vì Chúa (7, 23), các môn đệ là những người được đặc ân chứng kiếnChúa Giêsu hoạt động (10,23), những người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (11:28), người đầy tớ tận tụy thi hành những điều chủ nhắm đến (12,43), và những người cho đi mà không mong đợi được đáp lại (14,14). Mặt khác, có rất nhiều người than khóc khi Chúa Giê-su chúc dữ các thành phố Khoradin và Bếtxaiđa, những thành phố tượng trưng cho những người không ăn năn (10,13), và những người Pharisêu cùng các nhà thông luật mà sự giả hình của họ đã bị Chúa tỏ lộ cho mọi người thấy (11: 39-54). Chúa cũng nói “khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã (17, 1), và Người than khóc cho kẻ phản bội trong số những môn đệ thân cận nhất của mình (22, 22).
Làm chứng cho mối quan hệ
Các tác phẩm của Luca đã được công nhận từ lâu là nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giê-su và các mối quan hệ của Nguời với những người khác (cũng như các mối quan hệ xuất hiện trong thế hệ đầu tiên của giáo hội; chúng ta hãy đọc lạli sách Công Vụ Tông đồ). Trong bối cảnh này, các mối phúc họa kết nối chúng ta qua các mối quan hệ hữu hình là trọng tâm những trải nghiệm của nhân loại. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng Vương quyền của Thiên Chúa không phải là điều gì đó xa thật xa, và Vương quyền ấy không bị giới hạn bởi cõi thiên đàng. Vương quyền đó ngự trị ở đây và ngay bây giờ, đặc biệt ngay trong cách thức chúng ta liên hệ với nhau và với Chúa.
Những điều Chúa giảng dạy về các mối phúc họa trong Phúc âm Luca không có mục đích định tội; nhưng những lời chúc phúc và chúc dữ nhắm đến sự cần thiết phải sống đúng mối quan hệ trong cộng đoàn. Để tìm kiếm sự giàu có trong khi những người khác nghèo xơ xác, được ăn trong khi những người khác đói quanh năm, để cười khi ở giữa những người than khóc, và để tìm kiếm sự tán dương của bạn bè trong khi những người khác bị bắt bớ — tất cả những điều này chỉ ra sự ngắt mạch, không còn tương thông giữa cộng đoàn đức tin và cộng đồng thế giới rộng lớn hơn.
Những môn đệ Chúa Giê-su được kêu gọi làm chứng bằng lời nói và việc làm cũng như bằng các giá trị và nguyên tắc, cho các ưu tiên của Thiên Chúa. Qua Kinh thánh, và đặc biệt qua Tin Mừng Luca, chúng ta biết rằng Thiên Chúa có một tình yêu đặc biệt dành cho người nghèo, người đau khổ và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ưu tiên này được nhấn mạnh nơi các mối phúc.
Nước Chúa mà Chúa Giê-su công bố và là hiện thân nâng dậy những người chịu cúi đầu vì hoàn cảnh hoặc vì áp bức. Bài ca Ngợi Khen của Mẹ Maria (1,46-56), chỉ xuất hiện nơi Tin Mừng Luca, đã vẽ ra một bức tranh sống động về lòng Chúa thương xót, và mô tả sự đảo ngược bất ngờ của quyền lực và kinh tế. Trong sự đảo ngược này, chúng ta không thấy việc kết án nhưng thấy chúng ta có một cơ hội để tự xét mình và sắp xếp lại các ưu tiên.
Tác giả: Catherine Upchurch – Nguồn: The Bible Today, Volume 60, N. 3, May/June 2022
Chuyển ngữ: Luke Khổng Quang