2023
Hoa hồng phát âm âm Hán Việt là Mai Côi hay là Mân Côi?
Hồi nhỏ chúng tôi đọc Kinh cầu Đức Bà trong sách Kinh Mục lục Địa phận Qui Nhơn có câu: “Nữ vương truyền phép rất thánh Môi khôi” hoặc kinh “Hôm nay lớn mọn đều chầu. Cám ơn trong Đức Bà thương đoái, truyền phép Môi khôi cách nhiệm” hoặc Kinh Dưng loài người cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ có câu: “Lạy Nữ vương truyền phép rất thánh Môi khôi, hay cứu giúp bổn đạo, hộ vực loài người và hằng chiến thắng trên các trận giao công vì Chúa”. Không biết về sau này vì lý do gì mà trong tất cả sách kinh của Giáo phận Qui Nhơn được thay thế từ “Môi khôi” bằng từ “Mân côi”?
Trước đây bổn đạo của Địa phận Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào) đều thống nhất dùng từ “Môi khôi” như: Lần hạt chuỗi Môi khôi/ Tháng Môi khôi. Riêng Địa phận Đàng Ngoài dùng từ “Mân côi” hoặc “Văn côi”. Sau năm 1975, từ “Mân côi” dần dần thay thế từ “Môi khôi” trong kinh nguyện của các Giáo phận ở miền Nam Việt Nam và hiện nay tất cả Lịch Phụng vụ, kinh sách báo chí Công giáo Việt Nam đều dùng từ “Mân côi”.
Trong Kinh cầu Đức Bà có câu “Đức Bà như hoa hường (hồng) mầu nhiệm vậy”. Hoa hồng trong tiếng Hán được đọc theo âm Hán Việt là Môi khôi/ Mai khôi/ Mai côi/ Môi côi.
Mặt tiền Nhà thờ giáo xứ An Vân thuộc Tổng Giáo phận Huế có dòng chữ Hán xin được phiên âm: Thánh mẫu Môi khôi thánh đường. Bên dưới dòng chữ Hán là dòng chữ Latin: Ecclesia SS. Rosaii (Thánh đường Thánh mẫu Môi Khôi).
Nhà thờ An Vân còn cất giữ một cái hồng chung đúc năm Tự Đức thứ 28 (Ất Hợi – 1875). Trên thân hồng chung có bài minh văn bằng chữ Hán Nôm được khắc chìm: “Khi Hoàng đế giáng dụ tha đạo được sáu tháng thì chúng tôi đã lo đúc cái chuông này mà dâng cho Đức Chúa Bà Môi khôi, là bổn mạng nhà thờ An Vân mà tỏ lòng mừng cùng cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Mẹ đã đoái thương- Tự Đức nhị thập cửu niên, tam nguyệt, nhị thập nhật tạo”. Năm 1972 hồng chung này bị rạn nứt nên không sử dụng nữa.
Năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 100 năm (1907-2007) Thánh đường Thánh mẫu Môi khôi của Giáo xứ An Vân, Cha sở Giáo xứ An Vân là Linh mục Phêrô Phan Xuân Thanh rước thợ Phường Đúc lên tại khu vực Nhà thờ đúc một hồng chung lớn hơn. Trên thân hồng chung đúc nổi bài minh văn trong đó có đoạn: “…Thợ Phường Đúc đến mở lò rót đồng tại vườn trước nhà thờ, quả chuông nặng 2 tạ, bề ngang 6 tác 8 phân, bề cao 1 thước 3 tấc, thay cho quả chuông cổ đã bị rạn nứt năm 1972. Bản văn chữ Nôm được khắc chìm trên chuông cổ nay được khắc nổi lại đầy đủ với phiên âm là muốn ghi lòng tạc dạ công ơn tiền nhân mà cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Bà Môi khôi”.
Từ năm 1875 và cho đến năm 2007 giáo dân giáo xứ An Vân vẫn dùng từ “Môi khôi”. Trong chữ Hán, tự dạng chữ “Môi” và “Mân” gần giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Cả 2 chữ cùng thuộc bộ “Ngọc” và cả 2 chữ cùng đều 4 nét. Chữ “Môi” bên trái là bộ Ngọc, bên phải là chữ Phộc; Chữ Mân bên trái là bộ Ngọc, bên phải là chữ “Văn”. Chữ Mân có nghĩa là một thứ đá đẹp, không liên quan gì đến hoa hồng cả!
Trong những năm gần đây có nhiều bài viết phân tích ý nghĩa của từ “mân côi” và “môi khôi”. Các học giả đều khẳng định việc dùng từ “mân côi” để nói về “tràng chuỗi hoa hồng” là không đúng. Để gọi đúng phải là “tràng chuỗi Môi khôi” hoặc “Mai khôi/ Môi côi/ Mai côi”.
Được các học giả chỉ ra điểm sai thì cố gắng sửa sai ngay, nếu không sẽ bị xem là cố chấp. Chương trình Đường lên đỉnh Olympia được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 21/3/1999 trên kênh VTV3. Ngay sau khi phát sóng, nhiều học giả phê bình là ngay cái tên Đường lên đỉnh Olympia đã là sai bét. Bởi vì chỉ có cánh đồng Olympia là nơi tổ chức Thế vận hội cổ xưa làm gì có đỉnh mà leo lên? Olympus mới là ngọn núi ở Hy Lạp. Vậy mà những người làm chương trình vẫn bỏ ngoài tai những góp ý đúng đắn ấy.
Ngay đầu bài viết “Từ vựng Công giáo: Môi côi? Môi khôi? Văn Côi? Mân côi? Mai khôi? Mai côi?” Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ viết: “Một số từ ngữ tôn giáo đôi khi chưa được sử dụng đúng hoặc bị dùng sai âm. Vì vậy những gì tôi viết hoàn toàn dựa vào ngữ pháp. Chỉ mong muốn từ ngữ tôn giáo được sử dụng chính xác hơn”.
Nguyễn Văn Nghệ
2023
Cử hành Thánh Thể: Bài 2 – Quy tụ
Cử hành Thánh Thể: Bài 2 – Quy tụ
– Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 2: QUY TỤ
I/ VĂN KIỆN
“Vì chưng, dân này là dân Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Đức Kitô, được Chúa quy tụ, được lời Chúa nuôi dưỡng, là dân được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là dân, trong Chúa Kitô, dâng lời tạ ơn về mầu nhiệm cứu độ, khi dâng hy lễ của Chúa Kitô; và, sau hết, là dân liên kết với nhau nên một, nhờ việc thông hiệp với Mình và Máu Đức Kitô. Dân này, mặc dầu từ nguồn gốc đã là thánh, nhưng nhờ tham dự ý thức, tích cực và hữu hiệu vào mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ liên lỉ tấn tới trên con đường thánh thiện.” (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 5)
II/ LỊCH SỬ
Trước thế kỷ IV, Thánh lễ không có nghi thức mở đầu (Apologia, số 67). Ngay cả phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh trước năm 1955, xét như một bằng chứng còn sót lại, Thánh lễ theo nghi lễ Rôma cũng chỉ bắt đầu với những Bài đọc Kinh Thánh.[1]
Trong khoảng thế kỷ IV –VIII, chung chung, Thánh lễ được mở đầu bằng buổi canh thức cầu nguyện với nhiều lời kinh khác nhau, sau đó, Đức Giám mục sẽ đọc lời nguyện kết thúc.
Từ thời Cựu Ước, dân Chúa đã khao khát nguyện xin được vào cư ngụ (quy tụ) trong nhà Chúa hay trên núi thánh của Chúa (Tv 15,1-2). Trong thời Tân Ước, Chúa Giêsu dạy dân chúng quy tụ lại mà cầu nguyện (Mt 18,20). Thế rồi, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, những người theo Chúa cũng tề tựu ở một nơi nhân ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,1).
Đầu thế kỷ II, sách Didache khuyên các tín hữu “hãy quy tụ lại với nhau vào ngày của Chúa để bẻ bánh và dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa….”[2] Cũng trong thế kỷ này, thánh Justinô mô tả rằng “vào ngày, gọi là ngày mặt trời (Chúa nhật), tất cả những người ở thành thị cũng như ở thôn quê đều họp lại một nơi…đó là ngày Thiên Chúa biến đổi bóng tối thành ánh sáng…và là ngày Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta sống lại từ cõi chết.” [3]
Giống như thời Hội Thánh sơ khai, trong Ngày của Chúa [hay Chúa nhật], chúng ta họp nhau lại / quy tụ lại trong thánh đường để lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hy lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã dùng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô mà tái sinh chúng ta trong niềm hy vọng sống động (x. 1P 1,3; PV 106).
III/ Ý NGHĨA
Mục đích của nghi thức đầu lễ là quy tụ cộng đoàn và hình thành cộng đoàn nên một dân của Chúa Kitô, được hiệp thông với nhau cũng như chuẩn bị lòng trí chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể cho xứng đáng.[4]
Có thể nói, Thánh lễ bắt đầu vào lúc chúng ta quyết định đến với nhau để cử hành tình yêu của Chúa. Chúng ta đến với nhau từ những phương trời khác nhau, từ những hoạt động và hoàn cảnh khác nhau… Tuy nhiên, chúng ta đến với nhau không phải như những cá thể biệt lập hay những như người quan sát câm lặng, chỉ có mặt để “xem lễ” (PV 48; Ep 2,19-22), mà là cuộc quy tụ thành:
– Một cộng đoàn phụng tự với tư cách là con cái Thiên Chúa, là dân thánh, dân riêng của Chúa (x. 1Pr 2,9-10), là những anh chị em tín hữu trong gia đình của Thiên Chúa, là những người được cứu chuộc, đến đây để cảm nếm trước bàn tiệc cánh chung (x. QCSL 24).[5]
– Một cộng đoàn đức tin bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã và đang hành động trong lịch sử nhân loại, cách đặc biệt hơn, Ngài vẫn can dự vào lịch sử chính cuộc đời của mỗi người. Đây là một cuộc tụ họp do Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô, Đấng luôn luôn đi trước dẫn đầu Hội Thánh, Đấng vô hình nhưng thực sự làm chủ tế trong Thánh lễ, chính Người tập hợp dân tư tế của Người (x. 1 Pr 2,9); Đấng hướng dẫn chúng ta trên hành trình về đất hứa mới, nơi chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô và với nhau.[6]
IV/ SUY NIỆM[7]
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tìm kiếm thánh nhan Ngài trong Thánh lễ, nhưng Ngài lại ẩn khuất dưới bức màn của các biểu tượng, ẩn dụ và thi ca. Chúng con đến nơi thánh này để tìm kiếm Chúa, nhưng thay vì tỏ mình ra cho chúng con, Ngài lại cho chúng con thấy một đoàn dân đang được quy tụ. Tại sao anh chị em chúng con lại ở đây? Bởi vì Chúa đã quy tụ chúng con. Chúa đã làm như thế, để rồi nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, hợp nhất với Chúa Thánh Thần, chúng con có thể tôn thờ Chúa Cha trong thần khí và sự thật.
Có những khuôn mặt thân quen, nhưng cũng nhiều người xa lạ. Chúng con tìm kiếm thánh nhan Chúa, nhưng Chúa lại tỏ cho chúng con thấy một đoàn dân quy tụ về đây từ muôn phương và Chúa muốn chúng con nhìn thấy Chúa ở trong họ!
Có lẽ câu ngạn ngữ này thật đúng ở đây “thân quá hóa nhờn” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Làm thế nào chúng con có thể diện kiến dung nhan Chúa nơi những người chúng con quen biết? Chúa muốn chúng con cảm nhận sự hiện diện của Chúa ở nơi những người này sao? Chúng con phải nhìn ngắm Chúa đằng sau bức màn yếu đuối và ích kỷ của họ sao? Lạy Chúa, Chúa đang thử thách đức tin của chúng con khi Chúa chỉ dạy chúng con rằng họ là biểu tượng của Chúa; họ là anh chị em của Chúa?
Vâng, chúng con tin, bởi vì tất cả những người ở đây đều thuộc về thân mình mầu nhiệm của Chúa; bởi vì đây là mầu nhiệm của Hội thánh, một Hội thánh mà Chúa đã hòa giải rồi nhưng vẫn còn cần phải tiếp tục hòa giải nữa. Xin giúp chúng con chấp nhận chân lý này: Giáo hội thì thánh thiện nhưng vẫn gồm những tội nhân. Xin hãy giúp chúng con nhận ra thực tại của Hội thánh nơi những người đã được tắm gội trong ánh sáng ân sủng của Chúa nhưng có thể vẫn còn đang ngồi trong tăm tối và bóng tử thần.
Vì thân mình mầu nhiệm của Chúa mà chúng con gia nhập hàng tư tế hầu dâng lên Chúa Thánh lễ mỗi ngày. Những ai đang than khóc, xin Chúa an ủi họ và lau sạch những giọt lệ của họ bằng bàn tay cảm thương của Chúa. Những ai đang mừng vui hạnh phúc, xin Chúa gìn giữ họ an lành bằng sự chăm sóc đầy tình thương của Chúa, đừng để bất kỳ tai họa nào biến niềm vui của họ thành ưu sầu. Những ai đang phải xa nhà xa quê: lạy Chúa, xin hãy đồng hành với họ và trở thành nơi trú ngụ của họ, vì Chúa không xa lạ đối với những kẻ bị cô đơn hay bị xa lánh. Có những người đang vui thú cùng đi với gia đình và bạn bè: xin Chúa hãy dự phần vào niềm hạnh phúc của họ, như Chúa đã từng hoan hỷ bên những bạn hữu của Chúa ở Betania.
Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến những ai không thể đến tham dự Thánh lễ cùng với chúng con. Chắc họ thật tình chú tâm đến tiếng gọi mời của Chúa, họ cũng muốn dành thời khắc nghỉ ngơi này với chúng con, nhưng họ vẫn phải lai lưng làm việc để kiếm kế sinh nhai, thậm chí cả trong ngày Chúa nhật. Nếu không làm việc hôm nay, có thể họ chẳng có gì để sinh sống. Xin dạy chúng con, trong khi hưởng thụ những giây phút cuối tuần, biết quan tâm đến những anh chị em có cùng một nhu cầu và quyền lợi như chúng con, nhưng lại không thể ngừng nghỉ lao tác để nghỉ ngơi vì đang lâm cảnh nghèo nàn và túng quẫn. Lạy Chúa, Chúa đã không lơ là với chim trên trời hay hoa huệ ngoài đồng: xin đừng để cho những anh chị em nghèo túng phải thất vọng về tình yêu quan phòng của Chúa và cũng đừng để họ không đón nhận được những hồng phúc của Chúa trên trần gian này. Amen.
Đọc thêm loạt bài tìm hiểu về cử hành Thánh Thể:
Bài 2 – Quy tụ
Bài 1 – Cấu trúc thánh lễ |
[1] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 104.
[2] Didache 14, trích lại trong Lucien Deiss, Sring-time of the Liturgy, dg. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1979), 93-94.
[3] Justin Martyr, First Apology, 67, trích lại trong Lucien Deiss, Sring-time of the Liturgy, 93-94.
[4] X. James P. Moroney, The Mass Explained (New Jersey: Catholic Book Publishing Corp., 2008), 37.
[5] Dominic E. Serra, “Theology of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 126.
[6] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012).
[7] Anscar J. Chupungco, OSB, Meditations on the Mass (Quezon: Claretian Publications and Flipside Publishing, 2013), dg. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.
2023
Cử hành Thánh Thể: Bài 1 – Cấu trúc thánh lễ
I. CẤU TRÚC THÁNH LỄ THEO ĐỨC PIÔ V
A- Chuẩn bị
* Lời cầu nguyện dưới chân bàn thờ
– Dấu thánh giá
– Thánh vịnh 42
– Cáo mình
– Lời cầu xin
– Lời nguyện thanh tẩy – bước lên bàn thờ
– Hôn bàn thờ
– Lời cầu trên xương thánh
B- Phần I: Tiền Hiến Lễ
– Xông hương (lễ trọng)
– Ca nhập lễ
– Kinh Thương xót
– Kinh Vinh danh
– Lời tổng nguyện
– Thánh thư
– Đáp ca và Alleluia
– Lời nguyện thanh tẩy
– Tin Mừng
– Hôn Tin Mừng
– Kinh Tin kính
C- Phần II: Hiến Lễ
1) Chuẩn bị hiến lễ
– Lời nguyện trên bánh
– Pha rượu với nước
– Lời nguyện trên chén
– Lời nguyện thầm
– Lời cầu Chúa Thánh Thần
– Xông hương
– Rửa tay
– Lời nguyện Ba Ngôi
– Mời gọi
– Lời nguyện tiến lễ
– Lễ Quy cố định (Kinh Tạ Ơn I/Kinh Nguyện Thánh Thể I)
– Kinh Lạy Cha
– Lời chuyển cầu Đức Mẹ và các thánh
– Bẻ bánh + chúc bình an
– Kinh Chiên Thiên Chúa
– Lời cầu bình an (bỏ khi dâng lễ cầu hồn)
– Hai lời nguyện thầm – cúi sâu
– Lời nguyện thầm + linh mục đấm ngực + rước Mình Thánh
– Lời nguyện thầm + linh mục rước Máu Thánh
– Kinh cáo mình (giáo dân)
– Mời gọi
– Giáo dân rước lễ
– Tráng chén
– Ca hiệp lễ
– Lời nguyện hiệp lễ
– Lời cầu Ba Ngôi
– Hôn bàn thờ + Phép lành
– Tin Mừng cuối lễ (Ga 1,1-14)
– Lời nguyện sau lễ (bỏ, nếu sau đó có một cử hành phụng vụ khác)
A- Nghi thức Đầu lễ
– Ca nhập lễ
– Dấu thánh giá
– Lời chào chúc
– Lời dẫn lễ
– Hành động thống hối
– Kinh Lạy Chúa, xin thương xót (Kyrie)
– Kinh Vinh danh (Gloria)
– Lời nguyện nhập lễ
B- Phụng vụ Lời Chúa
– Các bài đọc Sách Thánh và những bài xen kẽ.
+ Bài đọc I
+ Thánh vịnh đáp ca
+ Bài đọc II (trong lễ Chúa nhật và lễ trọng)
+ Ca tiếp liên (trong một số lễ)
+ Tung hô Tin Mừng “Alleluia”
+ Bài Phúc Âm
– Bài giảng
– Kinh Tin kính
– Lời nguyện tín hữu (Lời nguyện Chung)
C- Phụng vụ Thánh Thể
– Chuẩn bị lễ vật
+ Rửa tay
+ Kêu mời cầu nguyện
+ Lời nguyện tiến lễ
+ Kinh Thánh, Thánh, Chí Thánh
+ Kinh khấn xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis)
+ Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể
+ Tung hô tưởng niệm
+ Kinh tưởng nhớ (Anamnesis)
+ Kinh cầu cho kẻ sống và kẻ chết
+ Vinh tụng ca kết thúc
+ Kinh Chiên Thiên Chúa
+ Rước lễ
+ Tráng chén
+ Lời nguyện hiệp lễ
– Phép lành cuối lễ
– Giải tán
2023
Những cách thức thăng tiến tình yêu dành cho Đức Mẹ Maria
Đó là Mẹ Maria diễm phúc, là con Thiên Chúa Cha, là thân mẫu của Chúa Con, và là đối tác huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần. Mẹ là Nữ Vương các thiên thần, nữ vương các thánh hiển tu, Nữ vương các thánh tử đạo và các thánh trinh nữ, cũng là Nữ Vương kinh mân côi. Mẹ là Mẹ của chúng ta, điều đã được tuyên bố từ nơi thập giá – “Thưa Bà, đây là con của Bà; này anh, đây là Mẹ anh” (Ga 19,26-27). Quả thật, một lần nữa, đây chính là Đức Trinh Nữ Maria đầy diễm phúc. Ngoài ra, thánh Luy thành Montfort tụng ca người nữ diễm phúc này bằng những lời cao cả: “Mẹ Maria là tuyệt tác trong mọi thụ tạo của Thiên Chúa.” Chính thánh nhân đã quả quyết rằng con đường đến với Chúa Giêsu một cách chắc chắn nhất, mau chóng nhất và dễ dàng nhất là ngang qua con người và sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ rất thánh.
Trong các thời điểm khó khăn nhất giữa những giông bão, cám dỗ và phong ba dường như đang muốn nuốt chửng thế giới như hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải đi tìm một chỗ ẩn nương an toàn nơi Mẹ Maria, nơi Trái tim tinh tuyền và vô nhiễm nguyên tội của Mẹ.
Như trong thời điểm tội lỗi thời ông Nôe, khi đó chỉ có một nơi cư trú duy nhất là bên trong con tàu ông Nôe, thì chúng ta cũng buộc lòng phải tìm được một nơi ẩn trú trong Con tàu Nương ẩn an toàn – đó là nơi vòng tay của Mẹ Maria. Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria phải là con tàu Nôe dành cho chúng ta trong thời đại mới. Tại Fatima, chính Đức Mẹ đã tiên tri những lời yên ủi sau đây: “Cho đến tận cùng, Trái tim vô nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng.”
Xin cho chúng ta được biến đổi thành những mũi tên rực cháy trong cánh tay Mẹ Maria, đấng là Thánh Mẫu, Nữ Vương và là Thủ lãnh của một đạo binh xếp hàng vào trận. Mẹ chúng ta khát khao cháy bỏng rằng chúng ta sẽ trao hết trái tim, tâm trí và cả linh hồn cho Mẹ, hơn nữa Mẹ cũng khát mong rằng chúng ta hãy mang đến nhiều và thật nhiều những linh hồn khác nữa đến với nơi náu nương an toàn tuyệt đối là chính Trái Tim Mẹ.
Để được biến đổi thành những môn đệ nhiệt thành của Mẹ Maria, và dĩ nhiên cũng là môn đệ của Chúa Giêsu vì Đức Maria luôn dẫn đường cho chúng ta đến với Người – chúng ta phải hết mình học hiểu về Đức Maria nhiều hơn nữa.
Đó sẽ là mục đích của bài viết ngắn gọn này. Chúng tôi sẽ trình bày một số cách thức khác nhau để chúng ta có thể gia tăng sự hiểu biết về Đức Maria, ngõ hầu mến yêu Mẹ chân thành hơn và phó dâng cuộc đời của chúng ta cho Mẹ. Thật vậy, nơi ẩn nương an toàn trong thời đại mới này chính là Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria.
1. Đức Maria và Thánh Kinh.
Trước hết và trên hết, chúng ta hãy tìm hiểu Đức Maria từ nguồn quan trọng nhất là Thánh Kinh, đó là Lời hằng sống của Thiên Chúa. Một trong những đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất được tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Luca, chương một và chương hai. Trong hai chương này, chúng ta khám phá mầu nhiệm Nhập thể và toàn bộ năm Mầu nhiệm Vui của Kinh Mân Côi. Có rất nhiều những đoạn quan trọng khác, nhưng hãy bắt đầu với hai chương đầu của Tin Mừng theo thánh Luca.
2. Những vinh quang của Đức Maria: Thánh Alphonso Liguori.
Nhiều tác phẩm văn chương với chủ đề về Đức Maria được chấp bút trong khoảng 2000 năm qua. Điều này rất chính xác! Thế nhưng, vượt trên hết là tuyệt phẩm văn chương quý giá về Đức Maria của thánh Alphonso Liguori, Tiến sĩ Hội Thánh. Trong công trình của mình, thánh nhân dùng Kinh Lạy Nữ Vương – lời kinh chúng ta thường đọc khi kết thúc Kinh Mân Côi, và giải thích mỗi từ ngữ cách chi li từng chút. Sự giải thích tuyệt vời được thâu tập từ các nguồn văn lớn lao: đó là Thánh Kinh – cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, văn chương của các Giáo Phụ và các thánh trong Hội Thánh, tài liệu huấn quyền của các Giáo Hoàng, và nhiều nguồn văn khả tín khác. Sẽ là điều bất khả thi khi đọc tuyệt tác này mà không chìm đắm thâm sâu hơn vào tình yêu với Đức Mẹ, đấng làm cho chúng ta được sống, được vui, được cậy.
3. Ba lần hiện ra được công nhận của Đức Maria.
Chưa cần xét đến sự bắt buộc trong niềm tin của chúng ta, sẽ vẫn là một sự thiếu khôn ngoan khi bỏ qua hoặc không tin vào ba lần hiện ra của Đức Maria. Đó là những lần hiện ra tại Guadalupe, Lộ Đức và Fatima. Đức Mẹ Guadalupe hiện ra bốn lần với một người gốc Ấn, thánh Juan Diego vào năm 1531 và nói rằng người là Mẹ của chúng ta, và từ đây, gần 8 triệu người Mexico trở lại đạo trong khoảng 30 năm. Không một làn sóng hoán cải trong thời gian ngắn nào có thể sánh bằng sự can thiệp này của Mẹ Maria! Đức Mẹ Lộ Đức hiện ra 18 lần với thánh Bernadette Soubirous. Trong lần hiện ra cuối cùng, Bernadette hỏi tên của người nữ xinh đẹp. Mẹ Maria đã đích thân tuyên bố rằng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Khi Bernadette trình bày việc này cho vị linh mục, tính chân thực của việc hiện ra đã được công nhận. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào bốn năm trước đó và chẳng có cách nào một cô gái nông thôn ít học có thể biết được điều này. Cuối cùng, tại Fatima – Bồ Đào Nha, Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần với 3 trẻ chăn chiên là Lucia, Francisco và Jacinta. Sau đó, chính Mẹ đã xác nhận rằng mình là “Nữ Vương rất thánh Mân Côi.” Trong mỗi lần hiện ra, Đức Mẹ luôn dạy rằng các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày.
4. Nghệ thuật về Đức Maria: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Các tuyệt tác nghệ thuật về Đức Maria gần như chiếm số lượng rất lớn. Dù vậy, bạn nên cố gắng để có được một bức tranh tuyệt mỹ về Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Theo truyền thống, tuyệt tác này được gán cho tác giả là thánh Luca. Hãy chiêm ngắm ánh nhìn chăm chú của Đức Mẹ và tưởng tượng rằng Mẹ đang nhìn bạn với tình yêu giống như cách Mẹ đang bồng ẵm trẻ Giêsu, Đấng đang ngắm nhìn khí cụ của cuộc vượt qua dành cho Người trong tương lai. Hãy nhìn chiếc giày đang rơi khỏi một bên chân của Người. Cũng như hãy chiêm ngắm sự hiện diện của các thiên thần trong tác phẩm tuyệt mỹ này. Đừng ngần ngại mà hãy đặt bản thân mình trong cánh tay Mẹ Maria để tìm kiếm sự ủi an và che chở của một người mẹ.
5. Kinh nguyện xướng đáp Loreto (Kinh Cầu Đức Bà)
Giữa những sự biểu đạt của Kinh Thánh, thi ca và huyền bí vốn ca ngợi sự tuyệt mỹ của Đức Mẹ, chúng ta có các kinh nguyện xướng đáp. Bắt đầu với kinh Loreto – một kinh nguyện xướng đáp cổ xưa để ca tụng Đức Maria. Nếu chúng ta yêu mến và ngợi ca một ai đó, chúng ta sẽ ước mong nhấn mạnh và nêu bật lên các nhân đức của người ấy. Kinh nguyện tung hô này bao gồm một lượng lớn các danh hiệu và nhân đức cao quý mà Mẹ Maria đã sống và thi hành, đồng thời kinh nguyện này như một nguồn thúc đẩy chúng ta bắt chước các nhân đức của Mẹ và nên thánh như Chúa đã kêu mời chúng ta. Chúng ta luôn có khuynh hướng bắt chước những ai mà chúng ta yêu mến!
6. Những người bạn của Đức Maria trong cuộc đối thoại.
Tôi ghi nhận trong một thời gian rằng: có một thứ tình cảm và mối tương giao tình bạn thiêng liêng giữa những người có lòng yêu mến nhiệt thành và sự tận tâm với Đức Maria và cả những người khát mong triển nở với một nỗ lực cao quý để thăng tiến trong sự hiến dâng đích thực cho Mẹ Maria. Tắt một lời, hãy đến cùng những người khác để chia sẻ những hiểu biết của bạn về Đức Mẹ. Thật vậy, quả là một hành động lớn lao của đức bác ái khi sẻ chia những kho báu thiêng liêng, đặc biệt là sự hiểu biết và lòng mến dành cho Mẹ Maria. Biết bao người đã được dẫn đến cùng Chúa Giêsu và ơn cứu độ vĩnh cửu khi họ được giới thiệu về tình yêu của Mẹ chúng ta – Nữ Vương Thiên Đàng – Đức Maria. “Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời” (Kinh hãy nhớ)
7. Hội nghị và chuyên đề về Đức Maria
Hãy để đôi mắt và đôi tai của bạn mở ra cho những hội nghị, chuyên đề hoặc đối thoại đúng đắn, vững chắc và chính thống về Đức Trinh Nữ Maria. Trong nhiều năm qua, cha Donald Calloway đã viết một tác phẩm xuất sắc về Đức Maria – The Champions Of The Rosary (tạm dịch: Những nhà vô địch của Kinh Mân Côi). Cha cũng mang đến những cuộc đối thoại chất lượng về uy quyền của Kinh Mân Côi trong Lịch Sử Cứu Độ.
8. Sách tóm lược về Đức Maria
Hy vọng được bạn cho phép, tôi muốn khiêm tốn mời các bạn đón đọc cuốn sách của tôi: Marian Compendium – Sách tóm lược về Đức Maria, (TAN Books, 2022). Sau nhiều năm vất vả và lao nhọc, cuốn sách này đã được xuất bản; tôi tin rằng nó sẽ là một tuyệt tác. Trong tất cả sự chân thành, tôi tin tưởng công trình của tình yêu dành cho Đức Maria này có thể giúp ích thật nhiều cho bạn trong việc triển nở trong tình yêu và sự tận hiến dành cho Đức Maria, cũng như thăng tiến khao khát noi gương những nhân đức cao vời của Mẹ. Trong quyển sách tóm lược này, vốn được biết theo một kiểu văn rất dễ đọc, bạn sẽ khám phá những yếu tính của một nền Thánh Mẫu học vững chắc – một sự hiểu biết đích thực và một tình yêu chân chính dành cho Mẹ Maria. Cuốn sách này chứa đựng những điều như: Các tín điều về Đức Maria, Lòng sùng mộ Đức Maria, những lần hiện ra được công nhận của Mẹ, những ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ, những trác tuyệt nghệ thuật đầy kỳ diệu và gợi hứng về Mẹ Maria, và cuối cùng, những kinh nguyện nổi tiếng dành cho Mẹ Maria.
Tóm lại, các bạn thân mến trong Chúa Giêsu và Mẹ Maria, một trong những sáng kiến và sự táo bạo, cũng như mục đích mà chúng ta có thể và nên đảm nhận trong đời sống là học biết và yêu mến Chúa Giêsu cách đầy đủ, tổng thể và nhiệt huyết trong mọi ngày của đời ta. Thế nhưng chúng ta nên học biết Chúa Giêsu qua trung gian là Đức Trinh Nữ Maria.
Tôi tin rằng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mô tả cách chính xác trong tông thư Đức Trinh Nữ Maria và Kinh Mân Côi. Đức Giáo Hoàng của lòng yêu mến Mẹ Maria này, với huy hiệu và khẩu hiệu của mình là “Totus tuus – Lạy Mẹ, tất cả của con là của Mẹ” từ thánh Louis thành Montfort, đã tuyên bố trong tông thư này rằng chúng ta nên cố gắng chiêm ngưỡng Dung Mạo Chúa Giêsu qua đôi mắt và Trái Tim Đức Mẹ Maria. Các bạn thân mến, điều này nên là mục đích của đời sống chúng ta: để chiêm ngắm Dung Mạo Chúa Giêsu ngang qua đôi mắt và Trái Tim của Mẹ Maria. Một khi hoàn thành được điều đó ở đời này, thì sau đó chúng ta sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Giêsu mãi mãi trên Thiên đàng, và được ở cạnh Đức Maria, đấng làm cho chúng ta được sống, được vui, được cậy muôn đời.
Linh mục Ed Broom, OMV
Quang Sáng chuyển ngữ