Hoa hồng phát âm âm Hán Việt là Mai Côi hay là Mân Côi?
Hồi nhỏ chúng tôi đọc Kinh cầu Đức Bà trong sách Kinh Mục lục Địa phận Qui Nhơn có câu: “Nữ vương truyền phép rất thánh Môi khôi” hoặc kinh “Hôm nay lớn mọn đều chầu. Cám ơn trong Đức Bà thương đoái, truyền phép Môi khôi cách nhiệm” hoặc Kinh Dưng loài người cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ có câu: “Lạy Nữ vương truyền phép rất thánh Môi khôi, hay cứu giúp bổn đạo, hộ vực loài người và hằng chiến thắng trên các trận giao công vì Chúa”. Không biết về sau này vì lý do gì mà trong tất cả sách kinh của Giáo phận Qui Nhơn được thay thế từ “Môi khôi” bằng từ “Mân côi”?
Trước đây bổn đạo của Địa phận Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào) đều thống nhất dùng từ “Môi khôi” như: Lần hạt chuỗi Môi khôi/ Tháng Môi khôi. Riêng Địa phận Đàng Ngoài dùng từ “Mân côi” hoặc “Văn côi”. Sau năm 1975, từ “Mân côi” dần dần thay thế từ “Môi khôi” trong kinh nguyện của các Giáo phận ở miền Nam Việt Nam và hiện nay tất cả Lịch Phụng vụ, kinh sách báo chí Công giáo Việt Nam đều dùng từ “Mân côi”.
Trong Kinh cầu Đức Bà có câu “Đức Bà như hoa hường (hồng) mầu nhiệm vậy”. Hoa hồng trong tiếng Hán được đọc theo âm Hán Việt là Môi khôi/ Mai khôi/ Mai côi/ Môi côi.
Mặt tiền Nhà thờ giáo xứ An Vân thuộc Tổng Giáo phận Huế có dòng chữ Hán xin được phiên âm: Thánh mẫu Môi khôi thánh đường. Bên dưới dòng chữ Hán là dòng chữ Latin: Ecclesia SS. Rosaii (Thánh đường Thánh mẫu Môi Khôi).
Nhà thờ An Vân còn cất giữ một cái hồng chung đúc năm Tự Đức thứ 28 (Ất Hợi – 1875). Trên thân hồng chung có bài minh văn bằng chữ Hán Nôm được khắc chìm: “Khi Hoàng đế giáng dụ tha đạo được sáu tháng thì chúng tôi đã lo đúc cái chuông này mà dâng cho Đức Chúa Bà Môi khôi, là bổn mạng nhà thờ An Vân mà tỏ lòng mừng cùng cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Mẹ đã đoái thương- Tự Đức nhị thập cửu niên, tam nguyệt, nhị thập nhật tạo”. Năm 1972 hồng chung này bị rạn nứt nên không sử dụng nữa.
Năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 100 năm (1907-2007) Thánh đường Thánh mẫu Môi khôi của Giáo xứ An Vân, Cha sở Giáo xứ An Vân là Linh mục Phêrô Phan Xuân Thanh rước thợ Phường Đúc lên tại khu vực Nhà thờ đúc một hồng chung lớn hơn. Trên thân hồng chung đúc nổi bài minh văn trong đó có đoạn: “…Thợ Phường Đúc đến mở lò rót đồng tại vườn trước nhà thờ, quả chuông nặng 2 tạ, bề ngang 6 tác 8 phân, bề cao 1 thước 3 tấc, thay cho quả chuông cổ đã bị rạn nứt năm 1972. Bản văn chữ Nôm được khắc chìm trên chuông cổ nay được khắc nổi lại đầy đủ với phiên âm là muốn ghi lòng tạc dạ công ơn tiền nhân mà cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Bà Môi khôi”.
Từ năm 1875 và cho đến năm 2007 giáo dân giáo xứ An Vân vẫn dùng từ “Môi khôi”. Trong chữ Hán, tự dạng chữ “Môi” và “Mân” gần giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Cả 2 chữ cùng thuộc bộ “Ngọc” và cả 2 chữ cùng đều 4 nét. Chữ “Môi” bên trái là bộ Ngọc, bên phải là chữ Phộc; Chữ Mân bên trái là bộ Ngọc, bên phải là chữ “Văn”. Chữ Mân có nghĩa là một thứ đá đẹp, không liên quan gì đến hoa hồng cả!
Trong những năm gần đây có nhiều bài viết phân tích ý nghĩa của từ “mân côi” và “môi khôi”. Các học giả đều khẳng định việc dùng từ “mân côi” để nói về “tràng chuỗi hoa hồng” là không đúng. Để gọi đúng phải là “tràng chuỗi Môi khôi” hoặc “Mai khôi/ Môi côi/ Mai côi”.
Được các học giả chỉ ra điểm sai thì cố gắng sửa sai ngay, nếu không sẽ bị xem là cố chấp. Chương trình Đường lên đỉnh Olympia được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 21/3/1999 trên kênh VTV3. Ngay sau khi phát sóng, nhiều học giả phê bình là ngay cái tên Đường lên đỉnh Olympia đã là sai bét. Bởi vì chỉ có cánh đồng Olympia là nơi tổ chức Thế vận hội cổ xưa làm gì có đỉnh mà leo lên? Olympus mới là ngọn núi ở Hy Lạp. Vậy mà những người làm chương trình vẫn bỏ ngoài tai những góp ý đúng đắn ấy.
Ngay đầu bài viết “Từ vựng Công giáo: Môi côi? Môi khôi? Văn Côi? Mân côi? Mai khôi? Mai côi?” Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ viết: “Một số từ ngữ tôn giáo đôi khi chưa được sử dụng đúng hoặc bị dùng sai âm. Vì vậy những gì tôi viết hoàn toàn dựa vào ngữ pháp. Chỉ mong muốn từ ngữ tôn giáo được sử dụng chính xác hơn”.
Nguyễn Văn Nghệ