Thập giá và chọn lựa của người Kitô hữu
Thứ Ba tuần V MC
Ga 8, 21-30
THẬP GIÁ VÀ SỰ CHỌN LỰA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Trong sa mạc Dân Do thái đã nổi loạn chống lại Môsê và xúc phạm đến Thiên Chúa. Chẳng những họ đã vô ơn, không nhận biết ơn huệ Chúa cứu họ ra khỏi Ai cập mà còn phiền trách Người. Việc một số người phản loạn bị rắn độc cắn làm cho họ thức tỉnh về lỗi phạm của mình và nài xin lòng thương xót thứ tha của Chúa. Hình ảnh con rắn đồng được treo lên để cứu chữa những người phản loạn này tiên báo cái chết của Chúa trên thập giá mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Chúa Giêsu đã tự mạc khải Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Con rắn bằng đồng được Mô-sê giương cao lên trong sa mạc là dấu hiệu chữa lành cho những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Chúa Giêsu nhận hình ảnh đó ứng nghiệm vào mình để nói lên rằng Ngài nhất thiết phải chịu tử nạn mới thi triển được hết mức quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và mới có thể triệt tận căn nọc độc của tội lỗi. Nếu như chỉ trên cây thập giá Chúa Giêsu mới tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, thì cũng chỉ khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người mới được ơn cứu độ.
Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu thật: không chỉ là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’, mà còn là ‘vô thủy vô chung’ và là nguồn tác sinh vạn vật. Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa. Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu nói việc ra đi của mình và nói rằng sẽ đi đến nơi mà người Biệt Phái không thể tới được. “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông”. Họ sẽ đi tìm Chúa Giêsu, nhưng sẽ không tìm thấy Người, bởi vì họ không biết Người và sẽ đi tìm Người với các tiêu chuẩn sai lệch. Họ sống trong tội lỗi và sẽ chết trong tội lỗi. Sống trong tội lỗi là sống xa rời Thiên Chúa. Họ tưởng tượng Thiên Chúa theo một cách nào đó, nhưng Thiên Chúa thì khác với những gì họ tưởng tượng. Đây là lý do mà họ không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.
Người Biệt Phái đã không hiểu rằng Chúa Giêsu, trong mọi điều Người nói và làm, là sự biểu hiện của Chúa Cha. Họ sẽ hiểu được điều ấy chỉ sau khi Con Người bị đưa lên cao. “Khi ấy các ông sẽ biết TA là ai”. Từ ngữ ‘được đưa lên’ có nghĩa kép, bị treo lên trên Thập Giá và được nâng lên bên hữu Chúa Cha. Tin Mừng về cái chết và sự sống lại mặc khải Chúa Giêsu là ai, và họ sẽ biết rằng Chúa Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Nền tảng của điều chắc chắn này của đức tin chúng ta có hai mặt: một mặt, điều chắc chắn rằng Chúa Cha luôn ở với Chúa Giêsu và Người không bao giờ một mình, và mặt khác, sự vâng phục triệt để và hoàn toàn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trở thành một sự cởi mở hoàn toàn và minh bạch toàn diện của Chúa Cha đối với chúng ta.
Như vậy, khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ
Trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu, Thiên Chúa đã chọn cứu độ con người bằng con đường đau khổ. Cái chết đau thương của Con Thiên Chúa trên Thập giá mang lại ơn chữa lành và tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Để đón nhận ơn cứu độ, mỗi người cần khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và thành tâm xin lòng thương xót Chúa.
Thập giá của Chúa Giêsu mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!