2021
CỦNG CỐ NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH
10.4 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 4,13-21; Mc 16,9-15.
CỦNG CỐ NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH
Biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh mà Tin Mừng Máccô hôm nay thuật lại minh chứng về sự hoài nghi về sự sống lại của Chúa Giêsu. Về mặt thể lý, thân xác con người chết là hết, còn chuyện sống lại thật khó tin. Nhưng, Thiên Chúa thì khác, không có gì mà Ngài không thể làm được.
Tin Mừng hôm nay vừa khép lại tuần bát nhật Phục Sinh với bài tổng kết các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu ; vừa mở ra chặng mới trong lộ trình phụng vụ Mùa Phục Sinh. Tuy nhiên, độc giả không khó để nhận ra rằng khi nhắc đến ba cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, lần lượt với Maria Madalena, với hai môn đệ Emmau rồi với mười một tông đồ, hẳn thánh Maccô có chủ đích riêng của ngài: Marcô muốn cho độc giả thấy sự cứng tin của các tông đồ.
Kế đến, đặt mình vào hoàn cảnh của các tông đồ, độc giả có thể tự nhủ rằng mình cũng sẽ giống như các môn đệ, thật khó để tin nhận một sự kiện vô tiền khoáng hậu. Hoặc giả như khi đọc bài Tin Mừng hôm nay như đọc lại một câu chuyện, biết đâu ta cũng tự cho mình một vị trí nào đó cao hơn các môn đệ ít học kia, rồi nhận xét rằng: tội nghiệp, họ đáng thương hơn đáng trách.
Nhưng, cả hai tư cách, cả hai thái độ trên có lẽ chẳng phải là điều mà Mẹ Hội Thánh chờ đợi nơi con cái mình, nơi tôi, bạn, anh chị, chúng ta và mỗi Kitô hữu hôm nay. Hội Thánh cũng chẳng hẳn chỉ muốn mượn sự cứng tin của các môn đệ để hộ giáo, để cho thấy tính hợp lý của sự kiện Chúa Phục Sinh. Mà chắc chắn, sứ điệp gọn gẽ, sâu sắc và cấp bách của Tin Mừng hôm nay chính là:
Chúng ta được mời gọi nhận thật rằng chúng ta cần đến Chúa, cần giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu dù ta đang đi giữa cuộc đời này với biết bao nhiêu nhu cầu lớn nhỏ khác ;
Chúng ta được mời gọi tin thật rằng Đấng Cứu Chuộc chúng ta đang sống, đang hiện diện trong cuộc đời này, đang có mặt bên ta, trong ta, thật gần. Người luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn san sẻ, yêu thương và đỡ nâng ta ;
Chúng ta được mời gọi sống niềm tin này bằng cách thực hiện các lời dạy của Chúa qua Thánh Kinh và qua Giáo hội. Nhờ đó, ta có thể thực hiện được sứ mạng Chúa Phục Sinh đã ủy thác: loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Maccô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc.
Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Sự kiện ngôi mộ trống qua biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là điều mình chứng. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu cho đến bây giờ khoa học không thể kiểm chứng được. Biến cố Phục Sinh của Chúa là mầu nhiệm của đức tin, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần trong lúc các môn đệ hoang mang về niềm tin vì cái chết của Thầy minh. Người xuất hiện để củng cố niềm tin để các ông không khoản sợ, ban bình an cho các ông, để các ông can đảm, đốt cháy tâm hồn, dần thân, hăng say loan báo tin mừng vì tha nhân hơn cả tính mạng mình: ” Anh em hãy khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 1,15) bằng tinh thần niềm vui và xác tin nơi Đấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau.
Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas “Phúc cho những ai không thấy mà tin” không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh được Giáo Hội cử hành với niềm tin xác tín về sự sống vĩnh cửu, ơn cứu độ và giải thoát cho nhân loại. Mừng biến cố Phục Sinh năm nay thật đặc biệt ngay giữa biến cố đại dịch Corona virus trước sự sống của cộng đoàn nhân loại. Giáo Hội mời gọi chúng ta xác tin niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, vị lương y nhân lành giàu lòng xót thương và quyền năng chữa làn cho các bệnh nhân của nạn dịch , và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách trong cơn dịch bệnh.
Ta hãy cầu xin Chúa Phục Sinh là Đấng Cứu Độ duy nhất thương tha thứ mọi thiếu xót, tội lỗi, và ban ơn cứu thoát cho những người đã tử vong bởi con virus Ncov nhỏ bé. Xin Chúa Phục Sinh soi dẫn các nhà khoa học, nhân viên ý tê, bác sĩ tìm được phương thuốc chữa trị cơn dịch bệnh với tấm lòng dân thân, phục vụ tha nhân trong việc bảo vệ sự sống của cộng đồng nhân loại. Và, chúng ta tin rằng, chỉ có Đấng Phục Sinh mới che cở, giải thoát thế giới nhân loại khỏi sự dữ và tội lỗi, để đem lại cho chúng ta và cộng đoàn nhân loại sự sống đời đời nơi Thiên Quốc Vĩnh Cửu.
2021
XÁC TÍN NIỀM TIN
9.4 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 4,1-12; Ga 21,1-14.
XÁC TÍN NIỀM TIN
Một buổi chiều trên biển hồ Tibêria, đám dân chài bận rộn với nhiều công việc, vài thanh niên đang dọn dẹp ở khoang tàu, kiểm tra lại máy móc, còn mấy phụ nữ ngồi giặt và vá lưới.Nhịp sống vẫn đều đặn trôi qua thế nhưng các tông đồ còn cảm thấy rã rời và buồn nản sau cái chết của thầy Giêsu.Chẳng biết làm gì, các ông lại trở về với thuyền xưa lưới cũ chèo chống cho qua ngày.
Để xua tan không khí ảm đạm ấy, ông Phêrô chợt lên tiếng “tôi đi đánh cá đây”, các môn đệ khác đồng thanh đáp lại gợi ý của vị tông đồ niên trưởng. Và họ ra khơi nhưng tiếc thay họ vất vả suốt đêm mà không một con cá nào dính lưới.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu xuất hiện trên bãi biển trong dáng vẻ một dân chài bắt chuyện làm quen: “Này các chú, không có gì ăn ư?”.Câu chuyện dẫn các ông đến một kinh nghiệm “thả lưới bên mạn thuyền” và các ông đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi thuyền gần như chìm.
Để bù lại công lao vất vả và để đáp lễ với bác ngư dân tốt bụng kia đã “hiến kế”, các ông liền mở một “quán cá nướng” ngay trên bờ biển. Cá mới bắt được còn tươi roi rói, các ông quây quần bên bếp than hồng cùng chia sẻ bữa ăn đầy ý nghĩa. Bên bếp than đỏ hồng, mùi cá nướng bốc lên thơm phức và câu chuyện trao đổi càng ngày càng rôm rả vò các ông chưa từng chứng kiến mẻ cá lạ lùng như thế. Trong khung cảnh đầm ấm ấy, vị khách lạ ngồi ở giữa bẻ bánh và cá trao cho từng người.Cử chỉ thân thương ấy như một kỷ niệm lại ùa về trong ký ức khiến các ông nhận vị khách đang ngồi giữa các ông chính là Thầy Giêsu vừa sống lại từ cõi chết.
Thánh sử Gioan quả là người quan sát rất tinh tế khi lưu ý đến hai từ “đêm tối” và “trời sáng”. Các môn đệ ra khơi thả lưới trong đêm tối và các ông chẳng làm nên trò trống gì. Phải chăng ở đây “đêm tối” của không gian, thời gian còn hiểu ngầm là “đêm tối” của đức tin, đêm tối của nỗi chán chường thất vọng. Khi ra đi trong nghi ngờ, chán nản thì các ông không thể nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Chỉ khi “trời sáng” các ông mới nhận ra những cử chỉ thân thương gần gũi của Thầy Giêsu.
Trong cuộc sống, khi xa nhau người ta thường nhớ về nhau với những kỷ niệm của một thời dấu yêu.Kỷ niệm ấy có thể là những lời nói, chiếc áo, chiếc khăn hay một đồ vật mang tính cá nhân. Với các tông đồ, kỷ niệm còn ghi đậm dấu ấn đó là cử chỉ “bẻ bánh”, cử chỉ của tình thầy trò, tình huynh đệ và của sự sẻ chia. Cử chỉ ấy có sức lay động và biến đổi khiến các tông đồ nhận ra đó là thầy Giêsu.
Nhận ra Đấng Phục Sinh phải là điều dễ đối với các tông và đối với mỗi chúng ta. Bởi tâm trí chúng ta còn đầy những nghi ngờ cố chấp, chúng ta không có những kỷ niệm thân thương với Chúa, còn loay hoay trong “đêm tối” của những hẹp hòi, ích kỷ, nhát đảm và sợ hãi. Chúng ta không chịu “thả lưới bên phải mạn thuyền”, không lắng nghe sự gợi ý của Chúa nên vượt qua được nỗi sợ hãi, nỗi thất vọng cô đơn.
Khi chúng ta có sự gắn bó thiết thân với một người bạn, chúng ta dễ dàng nhận ra “tín hiệu” của người ấy. Các tông đồ đã từng ăn uống với Chúa Giêsu, không nhiều thì ít các ông cũng còn nhớ hành động cử chỉ của Thầy. Nhưng có lẽ kỷ niệm ấy chưa đủ sâu đậm, tình yêu chưa đủ độ chín nên phải có cơ hội, có biến cố các ông mới nhận ra Thầy mình.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu làm phép lạ về mẻ cá lạ trước các môn đệ được Tin Mừng Gioan thuật lại, là phép lạ cuối cùng nơi trần thế. Nhờ phép lạ này mà Gioan và các môn đệ nhận ra Chúa Phục Sinh hiện diện bên cạnh mình.
Cả một đêm vất vả, các môn đệ không đánh bắt được con cá nào. Chúa Giêsu xuất hiện giữa và bảo các ông thả lưới gần bờ. Họ nghe lời Chúa nói và đánh được mẻ cá lớn. Lúc đó, Thánh Gioan lập tức nhận ra ngay Thầy mình với niềm tin và lòng xác tín: ” Chúa đó”. Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bữa ăn và cầm lấy bánh, cá nướng trao cho các ông, để chứng tỏ Người đã thực sự chiến thắng thần chết, đã phục sinh. Nhờ đó, các môn đệ được củng cố niềm tin và xác tín hơn trong việc rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô với thế giới nhân loại.
Niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ là bảo chứng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta luôn gặp được Chúa trong mọi biến cố cuộc sống với xác tín niềm tin trước những đau khổ, thử thách giữa cơn đại dịch Covid 19. Chúng ta tin tưởng phó thác cuộc sống mình vào bàn tay quyền năng của Thiên Chúa trước một cuộc sống đang bị đảo lộn bởi con virus nhỏ bé vô hình đang làm cho mọi người khốn khổ.
Chúa Phục Sinh đang hiện diện và gìn giữ cuộc sống của chúng ta, ban cho chúng ta mọi sự bình an, giúp chúng ta luôn có nghị lực, can đảm, vững tin vượt qua mọi sóng gió, gian khổ của cuộc sống trong cơn đại dịch kéo dài hiện tại này ngõ hầu chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa để biến đổi tâm hồn mình trở nên người có ích cho mọi người và làm chứng về Chúa Phục Sinh khắp mọi nơi.
Hàng ngày, Chúa Giêsu Phục sinh vẫn xuất hiện trong cuộc đời chúng ta qua những cử chỉ yêu thương. Ước gì chúng ta luôn ghi nhớ những kỷ niệm thiết thân với Chúa, luôn khát khao tìm kiếm Ngài như Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và chán chường để niềm vui Phục Sinh luôn chiếu sáng cuộc đời chúng ta.
2021
Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh
Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh
Ca nhập lễ
Kn 10,20-21
Lạy Chúa,
người công chính đồng tâm ca tụng
bàn tay chiến thắng của Ngài.
Đức khôn ngoan của Chúa mở miệng người câm,
và cho miệng trẻ thơ nói năng hoạt bát.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã quy tụ muôn nước muôn dân để họ cùng tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa; xin ban cho tất cả những ai đã tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy được đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin và đoàn kết yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin …
Bài đọc
Cv 3,11-26
Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
11 Khi ấy, vì anh què vừa được chữa lành cứ níu lấy ông Phê-rô và ông Gio-an, nên toàn dân rất kinh ngạc, chạy ùa tới các ông tại hành lang gọi là hành lang Sa-lô-môn. 12 Thấy vậy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân : “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi ? 13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. 16 Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp ; chính lòng tin Người đã ban cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.
17 “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. 20 Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Đức Giê-su. 21 Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa. 22 Thật vậy, ông Mô-sê đã nói : Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. 23 Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. 24 Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống.
25 “Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà Thiên Chúa đã lập với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham : Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. 26 Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.”
Đáp ca
Tv 8,2a và 5.6-7.8-9 (Đ. c.2a)
Đ.Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
2aLạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu
!5Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
Đ.Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
6Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
Đ.Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
8Nào chiên bò đủ loại,
nào thú vật ngoài đồng,9nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Đ.Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
Tung hô Tin Mừng
Tv 117,24
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 24,35-48
Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng lễ tạ ơn này cầu cho anh chị em đã được tái sinh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và không ngừng che chở Hội Thánh. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh I
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
1 Pr 2,9
Anh em là dân riêng của Thiên Chúa,
hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người,
Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối,
vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn để nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại, và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin …
2021
CHỨNG NHÂN PHỤC SINH
CHỨNG NHÂN PHỤC SINH
Việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩ và tình cảm của con người (bà Maria Mađalêna chính là đại diện) trước cái chết: nếu không tin việc Phục Sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục Sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
Được thấy và gặp lại người mình yêu mến sau một thời gian xa cách, có thể nói, là nỗi vui mừng ai cũng mong ước. Nếu thế thì được gặp lại Chúa Giêsu, người Thầy kính yêu, vì yêu thương con người, chấp nhận hy sinh chết trên thập giá để đem lại ơn cứu độ, chắc hẳn phải là một niềm hân hoan khôn tả. Quả đúng như vậy! Niềm vui sướng vô bờ đã tràn ngập nơi Maria Mácđala, khi bà được Chúa Giêsu Phục Sinh gọi đúng tên mình, cho bà nhận ra vị Thầy thân thương ngày nào.
Tuy vậy, niềm vui được gặp Chúa Phục Sinh không phải để giữ riêng cho mình, nhưng phải ra đi để loan báo. Maria Mácđala đã vội chạy đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa và Người đã nói với tôi.”
Tin Mừng hôm nay cho thấy sự vui mừng khôn tả của bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã thấy Chúa và đã nhận ra Ngài khi Chúa gọi tên bà. Nghe lời Chúa dạy bảo, bà Ma-ri-a vội vã chạy đi gặp các tông đồ và vui mừng báo tin “Tôi đã thấy Chúa” (x. Ga 20,11-18).
Tình cảm của bà Maria Mađalêna đối với Chúa Giêsu rất đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc và cả thế giới này không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa: bà không tìm gì khác ngoài xác của Chúa Giêsu, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa rồi sau đó vui mừng chạy đi báo cho mọi người. Tóm lại, đối với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
Dù Maria không còn thấy gì và không còn nhận ra ai nữa cả, nhưng Chúa Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại. “Ta biết các chiên Ta… các chiên Ta biết Ta…” Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận biết Ngài không ?
Chúa Giêsu đã hỏi Maria: “Tại sao con khóc ?” và Ngài đã biến nỗi buồn của bà thành niềm vui. Nỗi buồn nào đang khiến tôi phải khóc thầm ? Hãy dâng cho Chúa và xin Ngài hãy biến nó thành niềm vui.
Vì yêu mến Chúa, đôi khi tôi cũng thấy buồn vì không thấy Chúa: chung quanh tôi hình như không có chỗ cho Chúa ở, trong xã hội, trong những công việc và những con người. Xin cho thêm nhiều người biết Chúa, xin cho người ta biết dành chỗ cho Chúa trong việc làm và trong cuộc sống.
“Chúa Giêsu gọi bà: “Maria” bà quay lại và nói: “Rabboni” nghĩa là lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “thôi đừng giữ Thầy lại… nhưng hãy đi gặp anh em Thầy”.
Sứ điệp tin mừng Phục sinh là niềm vui khôn tả nhưng luôn khẩn cấp không thể chần chừ trì hoãn vì Ðức Giêsu đã chết, sự chết làm tiêu tan tất cả và Ngài đã Phục sinh thông ban cuộc sống mới cho chúng ta: Cuộc sống được ra khỏi bóng tối của thế gian và những sự ràng buộc của nó, ra khỏi mùa đông lạnh lẽo đầy sự chết của ngôi mồ biểu tượng quyền bính của thần chết và bước vào ánh sáng của mặt trời công chính vừa bừng dậy sau giấc ngủ của đêm dài, bước trong sự ấm áp của nắng xuân Phục sinh.
Chúa Kitô Phục sinh về cùng Cha. Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta. Ngài về để mở đường đón chúng ta cùng về bên Cha.
Tin Mừng thuật rằng bà đang buồn phiền than khóc, thế nhưng nỗi buồn ấy liền tiêu tan khi bà nghe được tiếng Chúa và gặp được Chúa. Gặp Chúa Phục Sinh không chỉ làm bà hết buồn đau mà bà còn có niềm vui hạnh phúc và trở nên người đem niềm vui Phục Sinh đến cho những người khác.
Madalena là một phụ nữ đã được Chúa thương chữa lành và cứu vớt. Hôm nay, bà lại được diễm phúc lớn lao hơn là gặp được Đức Kitô phục sinh hiện ra nhắn bảo và trao nhiệm vụ. Nỗi đau buồn đã biến thành niềm vui, sự thất vọng bỗng chốc chuyển đổi thành niềm hy vọng. Và hơn thế nữa bà đã trở thành chứng nhân cho Tin Mừng phục sinh của Ngài
Qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang đến và gặp gỡ mỗi người chúng ta. Niềm vui được gặp Chúa của Maria Mácđala ngày nào, giờ đây cũng đang trào dâng trong con tim mỗi chúng ta khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể Ngài. Tựa như Maria Mácđala, bạn và tôi cũng được mời gọi để ra đi loan báo cho mọi người: “Chúa đã sống lại và tôi đã gặp Ngài.”
Từ những suy nghĩ ấy, chúng ta nhìn về bản thân mình để tự hỏi: khi gặp buồn phiền, đau khổ, thậm chí khóc lóc thì chúng ta đã làm gì? Chắc chắn vào những lúc ấy dưới một hình thức nào đó, Chúa Phục Sinh vẫn gọi ta như gọi Maria ngày xưa, thế nhưng liệu ta có nghe được tiếng Chúa gọi và nhận ra Chúa không? Rồi qua cuộc sống, ta có chiếu toả niềm vui và đem niềm vui đến cho người khác, hay trái lại người ta chỉ nghe thấy những lời than vãn, những thái độ bực dọc, cáu kỉnh của ta?
Và như vậy chúng ta đang trở thành chứng nhân của Tin Mừng hay tin buồn? Tất cả những câu hỏi ấy chỉ nhằm để tra vấn xem chúng ta đã thực sự gặp được Chúa Phục Sinh chưa? Hay chúng ta mới chỉ gặp được người giữ vườn, người giữ mồ Chúa, tức là những ảo ảnh về Chúa mà thôi?