TẤT CẢ ĐỀU QUA ĐI – LỜI CHÚA TỒN TẠI MÃI
TẤT CẢ ĐỀU QUA ĐI – LỜI CHÚA TỒN TẠI MÃI
Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.
Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.
Tin mừng này khá phức tạp: hai phần không liên hệ với nhau. Trong đoạn đầu, Đức Giêsu loan báo sự tàn phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong đoạn hai, người ta đặt câu hỏi mong Người trả lời: “Bao giờ xảy ra và có điềm gì báo trước?”. Nhưng Người không trả lời như họ mong muốn, Người lại nói đến những điềm báo về ngày tận thế. Chúng ta nhận xét vài điều liên hệ tới đền thờ sụp đổ.
Hai kiểu giải thích:
Tại sao đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá? Tại sao Đức Giêsu nói tiên tri “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” của lâu đài tráng lệ này được người Do thái tôn kính?
Đức Giêsu đã giải thích hai lần về vấn đề này. Trong Luca đoạn 19, 44 Người coi biến cố này là một hình phạt đổ xuống dân thành vì họ không nhận ra Đấng Thiên sai Cứu thế của Thiên Chúa. Lần thứ hai, trong Tin mừng theo thánh Gio-an đoạn 2, 19-22 giải thích sâu sắc hơn ẩn chứa một chút mầu nhiệm: “Hãy phá đền thờ này, và trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”. Đức Giêsu muốn cho hiểu rằng: Đã đến thời Thiên Chúa ngự ở khắp mọi nơi và tỏ mình ra không chỉ ở đền thờ. Người quả quyết rằng đền thờ phải biến đi để Ngài hiện rõ ràng trước hết và trên hết trong chính Con Người của Con Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu phục sinh là đền thờ, đền thờ mới và duy nhất. Ngày phục sinh là ngày đền thờ Giê-ru-sa-lem suy tàn đi, biến đi.
Con người là đền thờ Thiên Chúa.
Thánh tông đồ Phao-lô đã bổ túc tư tưởng của Đức Giêsu khi giải thích: Mỗi Kitô hữu và toàn bộ mọi Kitô hữu hình thành Giáo hội, là đền thờ mới để Thiên Chúa ngự. Chúng ta có thể nói mà không nghịch lại với tư tưởng của thánh Phao-lô rằng: Thực sự chính trong con tim của bất cứ người nào đều là nơi Thiên Chúa ngự.
Nếu quả thật như vậy, chính trong con tim mỗi người phải đi tìm Thiên Chúa trước hết. Ai không gặp được Thiên Chúa ở với mọi người thì họ không gặp được Ngài bao giờ.
Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái… Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!
Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một kỷ niệm buồn tủi với nước mắt…
Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc… Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu…
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.
Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.