2024
Cốt Lõi Của Ðạo
9.9 Thứ Hai Thánh Phêrô Claver, Lm
1 Cr 5:1-8; Tv 5:5-6,7,12; Lc 6:6-11
Cốt Lõi Của Ðạo
Thánh Phêrô Claver sinh năm 1580 tại Verdu, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình nghèo. Nhờ một ân nhân, ngài được đi học. Năm 16 tuổi, ngài học văn chương và triết lý tại Barcelona. Năm 22 tuổi, ngài gia nhập Dòng Tên tại Tarragona. Năm 24 tuổi, ngài được gởi đến học viện Montesion của Dòng tại thành phố Palma, trên đảo Mallorca ở Địa Trung Hải. Tại đây, học viên trẻ Phêrô Claver kết thân với tu huynh gác cổng là thánh Anphong Rodriguez. Vị tu huynh thánh thiện đã thấy được khao khát cháy bỏng muốn phục vụ Chúa Kitô và những người nghèo khổ nơi học viên này, nên đã khuyến khích anh đi truyền giáo ở Nam Mỹ.
Sau khi hoàn tất chương trình thần học tại Barcelona, ngài được bề trên cho phép đi Nam Mỹ. Năm 1610, ngài đến Cartagena, thường được gọi là chợ nô lệ, miền bắc nước Colombia, để sống và chết với người da đen bị bán làm nô lệ. Sau khi thụ phong linh mục, ngài làm Năm Ba, rồi khấn lần cuối với lời khấn phụ suốt đời làm nô lệ cho người da đen: “TÔI PHÊRÔ CLAVER, MÃI MÃI LÀ NÔ LỆ CỦA NHỮNG NGƯỜI ETHIÔPI”.
Thời ấy, người Châu âu da trắng thường đến Châu Phi dùng vũ lực bắt người da đen dồn xuống tàu đem qua Châu Mỹ bán cho các chủ đồn điền. Được tin một chiếc tàu nô lệ sắp đến, ngài chờ sẵn ở cảng. Tàu vừa cập bến, ngài xuống giúp đỡ những người đau yếu, bệnh tật, thiếu ăn, thiếu mặc… Tiếp đến, ngài ở bên cạnh họ khi họ bị dồn vào những khu tập trung và bị đem bán như súc vật. Rồi khi họ đã được ông chủ nào đó mua về làm nô lệ, ngài thăm viếng, bênh vực, an ủi khi họ bị đối xử bất công. Ngài kiên trì trong công việc bác ái này suốt 40 năm trời, cho đến khi ngài bệnh tật và qua đời ngày 8.9.1654. Ngài rửa tội cho khoảng 100 ngàn người, phần lớn trong số họ là người da đen. Ngài được gọi là Thiên sứ hòa bình của thành phố Cartagena.
Với lòng yêu mến và ao ước phục vụ Chúa Giêsu và con người, cha Phêrô Claver luôn tâm niệm bốn nguyên tắc: Nỗ lực tìm kiếm và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự, hoàn toàn tuân phục bề trên, làm mọi sự cho vinh danh Thiên Chúa hơn và nỗ lực bằng mọi giá để giúp cho các linh hồn được ơn cứu độ. Cha cũng luôn tự nhắc mình và các bạn của cha rằng: “Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta.”
Ngài được Đức Thánh Cha Lêô XIII tuyên thánh năm 1888 và được Hội Thánh biểu dương như một Phanxicô Xavier của người da đen. Ngài được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo cho người Châu Phi; ngài còn là quan thầy cho xứ Colombia.
Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau: Một ông chủ nọ giao cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao. Thế nhưng, một thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để làm vừa lòng ông chủ và để được phần thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều việc khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng đi công việc được chủ giao cho lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng những họ không còn nhớ tới công việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.
Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.
2024
CHÀNG RỂ BỊ ĐEM ĐI
6.9 Thứ Sáu Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
1 Cr 4:1-5; Tv 37:3-4,5-6,27-28,39-40; Lc 5:33-39
CHÀNG RỂ BỊ ĐEM ĐI
Ăn chay là một thực hành bề ngoài nên người ta có thể nhận xét, thậm chí tranh luận. Có lần Chúa Giêsu đã khiển trách kiểu ăn chay nhằm phô trương đạo đức.
Một trong những hiệu quả khiến người ta thực hành ăn chay là rèn luyện khả năng làm chủ của ý chí, vì vậy không chỉ có đạo sư mà triết gia cũng ăn chay.
Ngày nay việc ăn chay hoặc ăn kiêng trở nên phổ biến nhằm tập luyện cho cơ thể khỏe, đẹp; có khi do nghề nghiệp bắt buộc; cũng có khi vì bệnh tật phải hạn chế. Tất cả những trường hợp này đều đòi hỏi khổ luyện và kiên trì mới có hiệu quả. Nếu đem việc ăn chay một vài ngày của nhà đạo chúng ta so sánh thì chẳng khó nhọc gì. Điều khác biệt chắc chắn không phải ở hình thức mà ở mục đích.
Các môn đệ Gioan ăn chay để chờ đón Đấng Messia, và như vậy thì các môn đệ Chúa Giêsu không có lý do ăn chay khi Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đang ở với họ.
Thế nhưng, ngay lúc này đây, Chúa Giêsu báo trước về cái chết của Ngài, thế thì việc ăn chay sẽ không bị hủy bỏ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến trong trần gian, nhưng theo một kế hoạch vô cùng nhiệm mầu Ngài sẽ bị đem đi, lúc đó chúng ta sẽ thiếu vắng sự hiện diện của Ngài.
Sự thiếu vắng đó rất buồn bởi lẽ chúng ta đã hưởng nếm sự khác biệt của một cuộc sống có Chúa Giêsu, một cuộc sống hân hoan như tiệc cưới vì có chàng rể, có gặp gỡ, có tình yêu, có hạnh phúc hứa hẹn ngày mai tươi sáng.
Nỗi buồn vắng Chúa Giêsu không phải là một nỗi buồn mơ hồ mộng ước, nhưng là nỗi buồn của một niềm hạnh phúc đã từng nếm trải, bổng dưng tuột khỏi tầm tay, luyến tiếc nhớ thương vô cùng.
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”, “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
2024
Vâng lời để phục vụ
5.9 Thứ Năm Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
1 Cr 3:18-23; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 5:1-11
Vâng lời để phục vụ
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, trước việc ông Simon Phêrô dù đang giặt lưới sau một đêm vất vả, nhưng vẫn sẵn lòng cho Chúa mượn thuyền và chèo thuyền đưa Chúa ra chỗ thích hợp để giảng dạy. Tôi không khỏi giật mình tự kiểm lại mình. Quả thật đã nhiều lần tôi bỏ qua, chẳng lưu tâm đến những nhu cầu rất đơn giản hằng ngày của những người thân nhất trong gia đình tôi : một bữa ăn sáng, một chuyến xe đưa đón đi thăm người thân, v.v…
Trong sinh hoạt thường ngày, tôi đã gặp biết bao ánh mắt nhìn tôi trông đợi sự lưu ý, sự giúp đỡ, ánh mắt của chị bán vé số, của ông lão mù ngồi ở đầu đường, của chị gánh thùng đậu hũ đi bán rồi quá mệt nhọc bỏ gánh xuống, ngả ra cái ghế đá bên đường mà ngủ … Nhưng tôi vẫn bình thản đi ngang qua, coi như không có ai và chẳng có gì. Nghĩ lại thật kinh khủng, làm sao mình, một Kitô hữu lại có thể không thấy sự hiện diện của một con người, một Đền Thờ Chúa Ba Ngôi sống động ngay trước mắt ? Tôi vẫn lắng nghe Lời Chúa nhưng vẫn chỉ là nghe, còn việc vâng lời Chúa để yêu thương và phục vụ thì chưa thấy đâu. Tôi vẫn ngủ mê khi đang thức nên không thấy Chúa Giêsu nơi họ !
Cuộc mời gọi bốn môn đệ này kéo theo cả một chuyện mầu nhiệm, kỳ diệu trong ý định của Chúa. Để rồi đi đến kết quả quá mỹ mãn trọn vẹn : “ Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người”.
Với ý định tuyển chọn đó hôm nay Chúa ra “ bờ hồ Ghennexaret”, Người đã nhằm và “ xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon”. Thật đúng đối tượng mà Chúa đang cần để trọng dụng. Chúa Giêsu đã dùng chính chiếc thuyền ấy “từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông”, như nói với Phêrô rằng: Từ nay ông và thuyền của ông sẽ bước sang một trang sử mới: sẽ phải bỏ cái nghề bắt cá này, sẽ phải đổi nghề!
Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ, chinh phục các ông: “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Dù suốt đêm các ông đã thả lưới mà không được gì. Phê rô đã thưa và định chối từ không thả lưới, nhưng rồi ông đã: “Vâng lời Thầy tôi sẽ thả lưới”. Kết quả “Bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”. Đây là một mẻ cá có tiếng trong Tin Mừng và gọi là “ Mẻ cá lạ”. “Lạ” vì do Chúa đã làm để các ông thấy nhãn tiền quyền năng của Chúa mà khắc ghi nơi tâm hồn ngay từ hôm nay mà đi theo. Mẻ cá đã làm biến đổi con người Phêrô và “tất cả những người có mặt”, đã nhận ra khả năng con người họ với quyền năng của Chúa là một trời một vực mà thốt lên: “Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
Bốn môn đệ hôm nay đã bước theo Chúa một cách mãn nguyện. Sau này Phêrô, Gioan, Giacôbê đã được đi sát bên Chúa trong nhiều biến cố. Ba ông đã được Chúa cho thấy Người biến hình trên núi Tabo như được Chúa cho hưởng nếm trước Thiên Đàng. Lại được theo Chúa vào vườn cây dầu chứng kiến giờ hấp hối của Chúa mà tôi luyện con người các ông. Gioan được thay mặt các môn đệ và cả nhân loại nhận Đức Mẹ dưới chân thập giá Chúa trao về phụng dưỡng. Phêrô làm tông đồ trưởng. AnRê anh ông đã chịu khổ hình thập giá chữ x nổi tiếng trong Giáo Hội gọi là thập giá thánh Anrê…
Chúa Giêsu nói ông Simon Phêrô ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá. Chài lưới đánh cá là nghề của Simon Phêrô, ông đã uổng công vất vả cả đêm mà chẳng được gì. Ông cũng biết rằng thả lưới ban ngày trời sáng thì khó lòng mà bắt được cá. Nhưng ông Simon Phêrô vâng lời Chúa ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Kết quả là ông đã thu được “rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”.
Tôi là người yếu đuối và nhiều tôi lỗi, vẫn cố gắng làm những việc tốt, dù còn quá ít. Tôi nhớ Đức Thánh Cha Phaxicô có nói: “Để theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp chúng ta bước ra biển đời. Do đó chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng về sự sống”. (bài giảng của ĐTC Phaxicô trong lễ Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ I ngày 26-1-2020).
Tôi vẫn sống là một giáo dân siêng năng dự lễ, đọc nhiều sách học hỏi Lời Chúa. Nhưng tôi vẫn quanh quẩn ở trong nhà với lý luận chị Thánh Têrêsa Hài Đồng cũng chỉ ở trong dòng tu kín … Nhưng Chúa vẫn mời gọi tôi ra chỗ sâu để thả lưới, phải tin tưởng và phó thác vào Chúa, để Chúa can thiệp vào đời sống như Simon Phêrô : “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Chúa muốn tôi phải ra biển đời để sống cùng xã hội và đem Tình Yêu của Chúa phục vụ mọi người.
Câu chuyện thánh Phanxicô về Lời Chúa và những người bất hạnh đã biến đổi Thánh Phanxicô :
Chàng thanh niên quý tộc Phanxicô, từ một cậu ấm của một thương gia giàu có ở Assisi, trung tâm của nước Ý, sống xa hoa phóng đãng, đến chàng thanh niên mơ mộng thành một hiệp sĩ anh hùng, dù chiến bại, bị giam cầm, bệnh tật không làm chàng nản chí. Nhưng một hôm trong cơn mê sảng vì bị sốt, Phanxicô nghe tiếng Chúa chất vấn vì đã từ bỏ những kẻ khó nghèo và Thiên Chúa của họ. Biến cố này đã thay đổi cuộc đời Phanxicô, anh bắt đầu sống khổ tu để cầu nguyện tìm hiểu ý Chúa. Ngài đã được Thiên Chúa đánh thức tình yêu sự nghèo khó trong ngài, Ngài từ bỏ khổ tu để về sống đời thường với sự nghèo khó. Nhưng Ngài chỉ hoàn thành sự tìm kiếm khi vượt qua thử thách cuối cùng sau đây.
Một hôm trên đường đi Thánh Phanxicô Assisi bắt gặp một người bị phong hủi. Phanxicô đã khựng lại khi thấy cảnh tượng khủng khiếp và bỏ đi theo bản năng. Nhưng ngài đã dừng lại. Ngài cảm thấy đã đến lúc phải đối mặt với sự tự phụ và sự vô cảm trong con người mình.
Phanxicô đã quay lại và không ngần ngại ôm người đó. Ngài hôn vào tay và trao vài đồng cho người này. Với một cử chỉ tình yêu nhỏ nhoi này, Phanxicô cảm thấy những phản ứng ác cảm tự nhiên biến mất. Thay vào đó, ngài lấp đầy nó bằng lòng trắc ẩn đến nỗi ngày hôm sau ngài đã trao tặng tất cả tiền bạc cho những người phong cùi ở bệnh viện địa phương và cầu xin sự tha thứ vì đã thường xuyên khinh thường họ. Từ đó Phanxicô bắt đầu chăm sóc bệnh nhân. Tiếp tục cầu nguyện xin Chúa chỉ dẫn đường đi. Chúa đã không phụ lòng trông cậy của Phanxicô và Ngài đã hướng dẫn để Phanxicô tiến bước trên con đường nên một vị thánh vĩ đại của những người nghèo khó và của Hội Thánh.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta luôn hướng lòng cậy trông vào Chúa, lắng lòng cảm nhận sức lôi cuốn khi đọc Lời Chúa, không để những ý tưởng tự đề cao cá nhân mà làm mất cơ hội phụng sự Chúa và tha nhân.
2024
CẢNH TỈNH
3.9 Thứ Ba Thánh Grêgôriô Cả, Ghts
1 Cr 2:10-16; Tv 145:8-9,10-11,12-13,13-14; Lc 4:31-37
CẢNH TỈNH
Trong lịch sử, ít có người được mang danh Cả, và đáng được danh dự ấy một cách hoàn toàn như thánh Grêgôriô, Giáo Hoàng và Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh tại Rôma. Khoảng năm 540. Là con của một nghị viên danh giá và giầu có, ông Gordianô. Chúng ta không biết gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng ít ra là ngài đã phải kinh nghiệm về những hậu quả do những cuộc chiến của vua Gothic với các tướng lãnh của hoàng đế Justinianô, mà chính thức Roma đã bị cướp phá.
Thánh Grêgôriô đã thủ giữ một chức vụ trong xã hội. Năm 573, ngài được đặt làm tổng trấn thành phố. Nhưng ngài luôn nuôi lý tưởng tu trì. Đó là lý do khiến ngài không lập gia đình, và năm 574 ngài đã rút lui khỏi đời sống công cộng để mặc áo tu sĩ.
Ông Gordianô từ trần, thánh Grêgôriô thừa kế gia tài, nhờ thế ngài đã có thể thiết lập 6 tu viện tại Sicily và biến nhà trên đồi Coelia thành tu viện thứ 7 dâng kính thánh Andrê. Tại đây ngài sống như một thầy tu đơn sơ. Có lẽ bộ luật ngài thiết lập chính là luật dòng Bênêdictô. Đây là những năm hạnh phúc nhất mà ngài không bao giờ quên được. Nhưng lại chẳng kéo dài được lâu.
Năm 578, ngài được phong chức phó tế cai quản một trong bảy miền ở Rôma. Năm 579 ngài được gởi đi Constantinople làm đại diện Đức Giáo Hoàng. Ngài mang theo một ít thày dòng và có rộng thì giờ để giảng cho họ về sách Job, những bài giảng được thu góp lại thành cuốn luân lý.
Thánh Grêgôriô làm đại sứ trong khoảng 7 năm. Sau đó trở về Rôma, ngài trở lại tu viện thánh Andrê làm viện trưởng. Năm 590 Pêlagiô II từ trần và thánh Grêgôriô được chọn lên kế vị. Rôma lúc ấy bị một cơn dịch tàn phá. Vị Giáo Hoàng được chọn tổ chức những cuộc hành hương trong thành phố, ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra ở một địa điểm nay gọi là Castel Saint Angele, đứng tuốt gươm ra, cơn dịch tự nhiên bị chận lại và dân Rôma chào mừng Đức Giáo Hoàng mới, như người làm phép lạ.
Triều đại Đức Giáo Hoàng Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm, đòi hỏi trọn sức mạnh tinh thần và ý chí lẫn kinh nghiệm quản trị và ngoại giao của ngài. Đế quốc Rôma đang suy sụp. Dầu vậy hoàng đế ở Constantinople chỉ hiện diện tại Ý bởi một phó vương với một triều đình nhỏ, Ravenna có rất ít quyền lực về luân lý và vật chất. Quân đội Lombardô cướp phá bán đảo và Rôma bị chiếm đóng năm 593. Đức Grêgôriô thấy phải lập quân đội để bảo vệ Rôma và đặt điều kiện với quân xâm lược. Mọi việc thuộc đủ mọi phương diện trong quốc gia đang suy đồi đều đổ trên Đức Giáo Hoàng.
Trong khi đó Đức Grêgôriô lo chấn chỉnh Giáo hội. Các địa phận lộn xộn, ngài ấn định lại ranh giới. Các đất đai thuộc Giáo Hoàng được quản trị hữu hiệu. Chính nhà ở của Đức Giáo Hoàng cũng cần phải tái thiết. Nhưng không có gì đáng ghi nhớ hơn trong cách Đức Giáo Hoàng đương đầu với các vấn đề Giáo hội Đông và Tây, là việc ngài nhấn mạnh đến quyền tối thượng của tòa thánh Rôma. Rất tôn trọng quyền của các Giám mục trong các giáo phận, ngài kiên quyết bênh vực nguyên tắc tối thượng của thánh Phêrô. Đối với hoàng đế, ngài rất tôn trọng uy quyền dân chính, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi mình và của các dòng trong Giáo Hội.
Thánh Grêgôriô canh tân phụng vụ rất nhiều. Ít nhất là ngài đã đặt các “điểm” hành hương. Dầu qua nhiều lần tranh cãi, nhưng dưới ảnh hưởng của ngài, ngày nay nhạc và nghi lễ Giáo Hội vẫn còn mang danh ngài : nhạc Grêgôriô, nghi lễ Grêgôriô.
Thánh nhân còn là văn sĩ rất phong phú. Ngoài cuốn luân lý ngài còn viết hai cuốn gồm những bài giảng về sách Ezechiel, một cuốn khác về những bài Phúc âm trong ngày, 4 cuốn đối thoại và một cuốn sau tập các phép lạ do các thánh người Ý thực hiện. Cuốn sách chăm lo mục vụ trình bày những điều mà cuộc sống một Giám mục và một Linh mục phải làm. Sau cùng là một sưu tập thư tín.
Thánh Grêgôriô còn được gọi là tông đồ nước Anh. Chính ngài đã muốn đi truyền giáo để cải hóa luơng dân Saxon. Nhưng không đi được, năm 596 ngài đã trao phó nhiệm vụ cho các tu sĩ dòng thánh Andrê do thánh Augustinô Conterbury dẫn đầu.
Thánh Grêgôriô cả qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604. Ngài được mai táng trong Đại giáo đường thánh Phêrô. Nấm mộ đầu tiên của ngài mang bản chữ Latinh tóm gọn đời ngài, ngài được gọi là “chánh án của Chúa”. Các chánh án của Rôma đã qua đi.
Chính đế quốc Rôma đang hồi hấp hối nhưng thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo phụ với thời các Giáo Hoàng, giữa vinh quang của thành Rôma lịch sử với vinh quang của kinh thành Thiên Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay phác họa lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu. Vào buổi sáng, Người vào hội đường để giảng dạy và chữa lành một người bị thần ô uế ám (Lc 4,31-37). Sau đó, khoảng gần trưa, Người rời hội đường đến nhà ông Simon. Thấy mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng, Người ra tay cứu chữa. Xế chiều, Người đặt tay chữa lành tất cả các bệnh nhân trong làng được đưa đến với Người.
Sáng sớm ngày hôm sau, Người ra nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mt 1,35). Ngài làm việc luôn tay luôn chân, không quản ngại gian lao vất vả vì Nước Trời và ích lợi mọi người. Những hy sinh, cống hiến đó chắc chắn phải phát xuất từ một trái tim đầy tình yêu thương, một tâm hồn đầy lòng trắc ẩn.
Tình yêu chân thật phải được thể hiện bằng hành động. Không thể có một tình yêu thuần túy trong ý tưởng. Ngoài linh hồn là phần thiêng liêng, con người còn có thể xác. Tình yêu dành tặng cho nhau vì thế cũng cần được thể hiện cụ thể ra bên ngoài để giác quan có thể cảm nghiệm. Tình yêu chân thật còn phải mang đến sự hiệp thông vì tự bản chất, tình yêu là thế. Nó đưa mọi người đến với nhau. Đây chính là nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp Kitô giáo. Ước chi mọi việc chúng ta làm đều được thúc đẩy và quy hướng về tình yêu, và tình yêu đưa đến hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người.
Chúa Giêsu không chỉ là nguồn sự sống mà nơi Ngài chúng ta còn nhận được nguồn Bình an đích thực khi xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật cho người ốm yếu, tha thứ tội lỗi cho tội nhân. Cụ thể, trong Tin mừng hôm nay, nguồn Bình an Giêsu đã đến với một người bị quỷ thần ô uế nhập. Nguồn Bình An này được thể hiện qua uy quyền của Người trên sự dữ: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Lc 4, 35).
Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Thánh Gioan đã xác quyết trong khởi đầu Tin Mừng của ngài: “Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể.” Nơi Chúa Giêsu, Lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa Lời Ngài và Cuộc Sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng giữa Lời Ngài và Cuộc Sống của Ngài mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.
Chúa Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35). “Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !” Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài, vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá. Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra. Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa. Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh. Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ, nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36). Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Nhìn lại tình huống trừ quỷ này với những tình huống khác, chúng ta nhận ra một sự khác biệt: người bị quỷ nhập la lớn: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nội dung của lời ấy cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dân Do Thái nhận biết khi Người dùng các dấu lạ và lời giảng dạy để chứng minh. Chúng ta có thể nghĩ rằng “lời chứng” của người bị quỷ nhập có thể phần nào giúp dân Do Thái tin vào Chúa hơn, nhưng Chúa Giêsu đã không cần chứng từ của quỷ mà đã thẳng thừng trừ quỷ đang xâm phạm con người.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể bị cám dỗ lợi dụng người khác để mưu cầu lợi ích riêng mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không vì tư lợi mà dửng dưng trước nỗi đau của người bị quỷ nhập, trái lại Chúa Giêsu đã bỏ qua lợi ích riêng để giải thoát người bị quỷ nhập. Noi theo thầy Giêsu, chúng ta hãy sống không chỉ vì lợi ích riêng mình mà còn vì lợi ích của mọi người.
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: “Câm đi, hãy ra khỏi người này,” thì phép lạ liền xảy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.
Ma quỷ biết Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, đáng yêu mến. Thế nhưng chúng lại không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào đời chúng; với một lòng thù hận không thể rút lại, chúng không chấp nhận một mối tương giao nào với Thiên Chúa. Thế mà giờ đây chúng vẫn phải đối mặt với Ngài. Đó chính là nỗi thống khổ cùng cực của ma quỷ, của hoả ngục: muốn hoá thành hư không để khỏi đau khổ mà không thể được. Đó là lý do của tiếng kêu thét: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế. Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người. Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi. Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách, chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người. Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay. Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do Thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi.”
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không muốn chúng ta phải chết: “Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ” (1Tx 5, 9). Chính vì lẽ này, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hãy đi vào sự sống của Ngài chứ đừng ngủ mê, ở lì trong bóng tối; nhưng như thánh Phaolo tha thiết mời gọi cộng đoàn tín hữu Thesalônica trong thư thứ nhất: “Hãy sống như con cái ánh sáng, con cái của ban ngày; hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5,5-6).
Sứ mạng của Chúa Giêsu là rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn và nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 15), hay còn gọi là Tin mừng về sự sống. Quả vậy, từ muôn thuở, Thiên Chúa đã muốn cho con người được sống và sống dồi dào. Và sự sống này được bắt nguồn từ chính Chúa chứ không phải là ai khác. Sự sống đó được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Ngài đã chịu chết vì chúng ta để chúng ta được hưởng ơn cứu độ: “Đức Giêsu đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người” (1Tx 5, 10).
Ta phải luôn nỗ lực cảnh tỉnh và làm chủ bản thân, có thái độ dứt khoát với cám dỗ nhờ bám chặt vào Chúa nhờ Đức Tin và lòng mến. Thánh Phêrô tông đồ mách bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5, 8-9a).