2022
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Biên bản Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022
(25-29/4/2022)
BIÊN BẢN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tiến hành Hội nghị thường niên kỳ 1 năm 2022 tại Tòa Giám mục Thái Bình, từ chiều thứ Hai ngày 25/4/2022 đến thứ Sáu ngày 29/4/2022, với sự tham dự đông đủ các thành viên của Hội Đồng Giám Mục, trừ Đức cha giáo phận Nha Trang vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trong niềm hân hoan, Hội Đồng Giám Mục chào đón phái đoàn Tòa Thánh gồm có: Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski, Thứ trưởng ngoại giao; Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, viên chức Bộ Ngoại giao; linh mục Han Hyuntaek, viên chức Bộ Loan báo Tin Mừng. Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, cùng hiện diện với phái đoàn Tòa thánh trong dịp này.
Hội Đồng Giám Mục vui mừng lắng nghe những chia sẻ của phái đoàn Tòa Thánh về chuyến viếng thăm và làm việc với Nhà nước Việt Nam, về những đóng góp rất tích cực của mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam trong các hoạt động từ thiện bác ái, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đó là những chứng từ sống động của Tin Mừng.
Trong buổi gặp gỡ này, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski trình bày những suy tư và phương thế thực hành Thông điệp “Fratelli Tutti” (Tất Cả Anh Em) và Tự sắc “Vos estis lux mundi” (Các Con Là Ánh Sáng Thế Gian) của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hội Đồng Giám Mục chúc mừng Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh; Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục chính tòa giáo phận Hải Phòng.
Trong Hội nghị lần này, Hội Đồng Giám Mục:
- Thảo luận chương trình và nội dung cho Đại hội của Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15 sắp tới;
- Chia sẻ về tiến trình và góp ý cho Bản tường trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận và quốc gia: “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”;
- Phê chuẩn bản dịch bốn sách Phúc Âm của ủy ban Kinh thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; bản dịch Sách Lễ Rôma bằng tiếng J’rai của giáo phận Kontum;
- Tiếp tục thảo luận về tiến trình phong chân phước và phong thánh cho hai Tôi tớ Chúa là Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte;
- Trao cho ủy ban Giáo lý Đức tin soạn thảo “Thông cáo” về “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”;
- Trao đổi về:
– Đại hội Quốc tế Giáo lý viên lần thứ 3 tại Rôma, từ 9-10/9/2022;
– Việc tham dự Đại hội Gia đình Thế giới tại Rôma vào tháng 6 năm 2022;
– Việc tổ chức kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Loan báo Tin Mừng;
– Nghi thức tiếp nhận Thừa tác viên giáo lý;
– Đề án số hóa dữ liệu;
– “Quỹ giúp Đất thánh” và “Đồng Tiền Thánh Phêrô”.
Hội Đồng Giám Mục ấn định Đại hội lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, từ ngày 10/10/2022 đến 14/10/2022.
Hội Đồng Giám Mục kết thúc trong niềm vui cùng với Giáo phận Thái Bình cử hành Thánh lễ Tạ ơn, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận (1936 – 2021).
Tòa Giám mục Thái Bình, ngày 29/4/2022
Tổng thư ký
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
(đã ấn ký)
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
2022
GIÁO HỘI QUAN NIỆM VỀ TÔN GIÁO
2022
GP. LONG XUYÊN: THƯ MỤC VỤ THÁNG 3/2022
GP. LONG XUYÊN: THƯ MỤC VỤ THÁNG 3/2022
Toàn thể cộng đồng Dân Chúa thân mến! Chúng ta cám ơn sự hiện diện và các hoạt động của các Dòng Tu đã hiệp hành với Giáo Phận trong lịch sử của Giáo Phận. Chúng ta ước mong các Dòng Tu tiếp tục hiệp hành với Giáo Phận để xây dựng Giáo Phận thành gia đình của Thiên Chúa, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ. Xin Chúa chúc lành cho những mong ước của chúng ta.
THƯ MỤC VỤ THÁNG 3/2022
CÁC TU SĨ ĐƯỢC MỜI GỌI
HIỆP HÀNH VỚI GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
Anh chị em thân mến !
Đặc biệt, các Tu Sĩ đang hiện diện và hoạt động tông đồ trong Giáo Phận Long Xuyên thân quý!
Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà tất cả các Giáo Phận trong Giáo Hội đang hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI về một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ. Vì thế, thư mục vụ tháng 1 đã đề cập đến hàng Giáo Sĩ của Giáo Phận. Thư mục vụ tháng 3 này với chủ đề: “Các Tu Sĩ được mời gọi Hiệp hành với Giáo Phận Long Xuyên” đề cập đến các Tu Sĩ nam nữ đang hiện diện và hoạt động tông đồ trong Giáo Phận Long Xuyên.
Vì tháng 3 là tháng kính Thánh Giuse, nên chúng ta cùng chiêm ngắm đời sống Thánh Gia trong Tin Mừng là gương mẫu cho gia đình Giáo Phận hiệp hành với các Dòng Tu qua những ý tưởng sau:
Trước hết, Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, hình thành một gia đình do ơn gọi từ Thiên Chúa mời gọi từng thành viên cùng đi với nhau trên một con đường, để hiệp thông, tham gia vào sứ vụ cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Phận Long Xuyên bao gồm giáo dân, Tu Sĩ và giáo sĩ, nhờ bí tích Rửa Tội, được liên kết với nhau thành gia đình của Thiên Chúa. Thể hiện ơn gọi của Thiên Chúa dành riêng cho mình, chúng ta đón nhận nhau, để hiệp thông, tham gia vào sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giáo Hội địa phương. Trong hiệp hành, các ơn đặc sủng của mỗi Dòng Tu được trao tặng cho Giáo Phận để “Miễn sao Đức Kitô được rao giảng”.
Ngoài ra, Thánh Gia luôn hiệp hành; hiệp hành trong không gian, hiệp hành trong thời gian, hiệp hành trong cuộc lữ hành đức tin. Đó là cuộc hành trình trong không gian từ Nazareth lên Giêrusalem, từ Bêlem sang Ai Cập, từ Ai Cập về Nazareth. Đó cũng là cuộc hành trình trong thời gian suốt 30 năm ẩn dật tại làng Nazareth. Đó cũng là cuộc hành trình cuộc đời của con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, trở về nơi mình xuất phát là chính Thiên Chúa. Trong cuộc hiêp hành, luôn có Chúa Giêsu hiện diện và đồng hành. Hiện diện và hoạt động trên phần đất của Giáo Phận Long Xuyên, các Tu Sĩ cùng với Giáo Phận làm thành cộng đoàn Dân Chúa hiệp hành với nhau, gặp gỡ, lắng nghe, phân định để cùng bước đi trên con đường Giêsu, vì Chúa Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống”.
Cuối cùng, Thánh Gia cùng hiệp hành để sống với các biến cố làm nên sắc thái độc đáo và phong phú của cuộc hiệp hành. Thực vậy, lệnh truyền của Hoàng Đế Augusto, sự lùng bắt giết Hài Nhi Giêsu của vua Hêrôđê, việc Chúa lạc mất trong Đền Thánh… là các biến cố của Thánh Gia. Qua các biến cố này, Thánh Gia “ghi nhớ các sự kiện đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” để khám phá ra Ý Chúa và cùng nhau thực hành. Cùng với Giáo Phận, các Tu Sĩ nam nữ hiện diện và hoạt động trong Giáo Phận, sẽ đọc các dấu chỉ của thời đại, để từng người và mọi người, khám phá lời mời gọi của Chúa cùng dấn thân thi hành ý Chúa với niềm xác tín: “Ở đâu có hai hay ba người họp nhau nhân danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ”.
Theo dòng lịch sử, ngay từ rất sớm, năm 1747 đã có những bước chân của các Cha thừa sai Tu Sĩ dòng Phanxicô hiện diện tại vùng đất Hà Tiên. Năm 1876, có 6 nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng từ Pháp đến hiện diện tại Cù Lao Giêng. Trong lịch sử 62 năm của Giáo Phận Long Xuyên, năm 1970 Dòng Thánh Gia di tản từ Campuchia về hiện diện trong Giáo Phận và trở thành dòng nam thuộc Giáo Phận. Năm 1970, Tu Hội Nguồn Sống thuộc Giáo Phận được hình thành. Năm 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Phận, Dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên được thành lập. Hiện nay, có trên 550 Tu Sĩ của 11 dòng nam và 19 dòng nữ đang hiện diện và hoạt động tông đồ trong Giáo Phận.
Các hoạt động của các Tu Sĩ trong Giáo Phận quả là đa dạng và phong phú, đặc biệt là các sinh hoạt mục vụ và loan báo Tin Mừng. Cụ thể như: đào tạo nhân sự cho hàng giáo sĩ và giáo dân, thực hiện công tác giáo dục và bác ái, phục vụ sinh hoạt mục vụ tại giáo xứ, giáo họ, chia sẻ và phục vụ những người nghèo, dấn thân loan báo Tin Mừng tại các vùng xâu, vùng xa. Ngay cả các Tu Sĩ về hưu, như các nữ tu lão thành tại nhà hưu Gioan của Dòng Chúa Quan Phòng, vẫn hiệp hành với Giáo Phận bằng hy sinh và cầu nguyện…. Một hình ảnh đặc biệt mang tính hiệp hành cao trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, là khi được Tòa Giám Mục kêu gọi, các Dòng Tu đã đáp ứng tích cực, và đã tổ chức, điều phối các Tu Sĩ nam nữ cộng tác với xã hội chăm sóc cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh tại bệnh viện thành phố Long Xuyên.
Với những suy nghĩ và kinh nghiệm trên, Giáo Phận bày tỏ ước mong của mình đối với sự hiện diện và hoạt động của các Tu Sĩ trong Giáo Phận.
1) Thượng Hội Đồng hướng về một Hội Thánh hiệp hành đang được tổ chức trên toàn thế giới ở cấp Giáo Phận. Tại Giáo Phận Long Xuyên, hiện đang trong giai đoạn học hỏi về Thượng Hội Đồng, và từ Chúa Nhật II Phục Sinh sẽ bước sang giai đoạn thỉnh ý hiệp hành. Giáo Phận ước mong các Tu Sĩ đang hiện diện và hoạt động tông đồ trong Giáo Phận sẽ tích cực tham dự. Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận sẽ tổ chức các cuộc học hỏi và thỉnh ý hiệp hành cho các Tu Sĩ.
2) Hàng tháng, Giáo Phận sẽ tổ chức các cuộc tĩnh tâm tại các giáo hạt dành cho các linh mục, Tu Sĩ và chủng sinh. Áp dụng tinh thần của Thượng Hội Đồng, cuộc tĩnh tâm trở thành cuộc thỉnh ý hiệp hành hàng tháng của các Tu Sĩ cùng với các linh mục trong bầu khí sám hối và canh tân của buổi tĩnh tâm. Đây là cơ hội các linh mục triều cùng với các Tu Sĩ nam nữ gặp gỡ nhau trong Chúa, lắng nghe nhau với Chúa, và cùng nhau phân định dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, để cùng bước đi trên con đường Giêsu. Ước mong các Tu Sĩ tích cực tham dự các cuộc tĩnh tâm hàng tháng này.
3) Như Thánh Giuse vâng theo lời Thiên Thần trong giấc mơ, đã thức dậy đón nhận Đức Mẹ và bào thai Giêsu trong lòng Đức Mẹ về nhà mình, Giáo Phận Long Xuyên luôn mở rộng cánh cửa đón nhận các Dòng Tu muốn hiện diện để hiệp hành với Giáo Phận thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, và Giáo Phận ước mong sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Dòng Tu phát triển theo đặc sủng, sứ vụ, và linh đạo của dòng.
4) Đối với Giáo Phận, mỗi Tu Sĩ là một nén vàng Chúa trao cho Giáo Phận quản lý để sinh lợi cho Nước Thiên Chúa tại địa phương. Với ơn đặc sủng, sứ vụ và linh đạo riêng của từng Dòng Tu, Giáo Phận ước mong các Dòng Tu hiệp hành với Giáo Phận để thi hành sứ vụ của Chúa Kitô, đặc biệt là 3 lãnh vực tông đồ sau đây: 1/ Sống và làm chứng cho sự thánh thiện của Hội Thánh Chúa Kitô tại địa phương; 2/ Đào tạo nhân sự làm tông đồ cho Giáo Phận; 3/ Loan báo Tin Mừng bằng đời sống yêu thương phục vụ, cụ thể trong lãnh vực giáo dục, bác ái và y tế.
5) Giáo Phận có lý do để tự hào vì đã cung cấp nhiều ơn gọi cho các Dòng Tu nam cũng như nữ trong Giáo Hội. Giáo Phận cũng vui mừng vì có nhiều Tu Sĩ xuất thân từ Giáo Phận. Giáo Phận ước mong sự hiện diện và phục vụ của các Tu Sĩ tại Giáo Phận sẽ là cơ hội để các bạn trẻ tại các giáo xứ, giáo họ khám phá ra ơn gọi Tu Sĩ cho lý tưởng đời mình.
Toàn thể cộng đồng Dân Chúa thân mến!
Chúng ta cám ơn sự hiện diện và các hoạt động của các Dòng Tu đã hiệp hành với Giáo Phận trong lịch sử của Giáo Phận. Chúng ta ước mong các Dòng Tu tiếp tục hiệp hành với Giáo Phận để xây dựng Giáo Phận thành gia đình của Thiên Chúa, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ. Xin Chúa chúc lành cho những mong ước của chúng ta.
Ông Thánh Giuse là Đấng thanh tịnh gìn giũ các kẻ đồng trinh, cầu cho chúng con.
Ông Thánh Giuse là quan thầy gìn giữ Hội Thánh, cầu cho chúng con.
Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên
2021
Thương quá Sài Gòn ơi! – Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam
Thương quá Sài Gòn ơi! – Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy.
THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI !
THƯ KÊU GỌI CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GỬI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Toà Giám mục Huế, ngày 09/07/202
Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha và mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Thủ Tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 16, đặt thành Phố Hồ Chi Minh trong tình trạng giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 09/07/2021. Phải quyết liệt như thế may ra có thể kìm hãm được phần nào thảm hoạ đang hung hãn lan tràn. Nhưng đây lại là một tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng : lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai….Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây ? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa ?
Anh chị em hãy nhớ lại : chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn…Các tỉnh miền trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Saigon khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt nam lúc nào cũng thì thào : một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)
Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận hàng cứu trợ là : Văn Phòng Hội đồng Giám mục, tại số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3. Xin liên hệ với Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ qua đường dây nóng số 09.04.24.11.60. Sau khi nhận, Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng và tiền đến từ các tỉnh. Văn phòng cũng sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để giúp làm thủ tục vận chuyển hàng hoá vào thành phố. Tài khoản : Văn phòng Hội đồng Giám mục VN, VNĐ số 0602.5831.4789; USD số 0602.5831.7699; ngân hàng Sacombank – chi nhánh Gò Vấp.
Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đối với tín hữu Kitô, đây là một dấu chỉ thời đại đòi chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào VN khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị lấy năm 2021 làm năm tôn vinh Thánh Giuse. Chúng Ta cầu nguyện cho Vị cha chung của chúng ta (đang tĩnh dưỡng tại bệnh viện Gemelli sau phẫu thuật đại tràng) sớm bình phục, nhất là cùng với ngài, chúng ta phó thác nhân loại và dân tộc vào đôi tay phù trợ của Thánh Cả Giuse.
Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi cầu chúc mọi người được bằng an vượt qua đại dịch.
Thân ái và trân trọng kính chào.
Đã ký và đóng dấu
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam