2020
Theo Thầy để làm chứng
Thứ Bảy
30.5.2020
Ga 21, 20-25
THEO THẦY ĐỂ LÀM CHỨNG
Tin Mừng thứ tư khẳng định những điều đã được tác giả viết về Chúa Giêsu còn rất giới hạn. Vì quyền năng, ân phúc và tình yêu của Ngài thì vô cùng, con người khó có thể diễn tả ra hết bằng lời. Muốn hiểu về Chúa Giêsu, chúng ta cần đến gặp gỡ chính Ngài. Dọc dài lịch sử nhân loại từ khi tạo dựng đến nay, chúng ta thấy, tất cả những ai đến và gặp Chúa Giêsu đều tìm được con đường sống trọn hảo.
Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hai con người rất bình thường nhưng đã được Chúa Giêsu yêu thương mời gọi, biến đổi và làm cho nên phi thường. Đó là Phêrô, một ngư phủ, cũng là một doanh nhân nhỏ mà ít ai quan tâm đến, cạnh đó là một Gioan trẻ tuổi không mấy gì đặc biệt.
Khi đã trao nhiệm vụ cho thánh Phêrô, Chúa Giêsu cũng đã báo trước về quãng đời còn lại của ông sẽ như thế nào: một viễn ảnh đầy khó khăn thử thách. Thánh Phêrô đã tò mò hỏi Chúa về số phận của người đồng môn và đã được trả lời: “Nếu Thầy muốn người ấy cứ ở lại mãi cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến con, phần con, cứ theo Thầy”.
Chúa Giêsu biết rằng câu trả lời của Ngài sẽ khiến cho Phêrô và các môn đệ buồn về cách đối xử phân biệt, có thể sẽ kéo theo sự chia rẽ giữa các ông. Chúa Giêsu quan tâm đến điều này vì câu hỏi của Ngài cũng là một lời mời gọi đầy thách thức riêng đối với thánh Phêrô và chung cho tất cả những ai muốn theo Ngài. Ðáp trả lời mời gọi trước hết là một quyết định riêng tư của mỗi người trưc tiếp giữa họ và Thiên Chúa.
Lời mời gọi chẳng hứa hẹn ngon ngọt nhưng chỉ là gai góc, khổ đau, và khi đã chấp nhận theo Ngài thì cũng đòi hỏi kẻ theo Chúa tuyệt đối trung thành với con đường Ngài đã vạch ra cho mỗi người. Mỗi người có con đường riêng của mình, có thể con đường họ đang đi gập ghềnh sỏi đá và con đường của người bên cạnh lại yên vui phủ đầy bóng mát.
Riêng với Phêrô, Chúa Giêsu đã nói với ông : “Phần con, cứ theo Thầy”. Phêrô đã tiếp nối công việc của Thầy đã trao, Ngài đã chèo lái con thuyền Giáo Hội từ những ngày sơ khai, Phêrô đã rao truyền những lời giáo huấn của Thầy mình cho những anh em chưa biết Chúa, và Phêrô đã bảo vệ nguồn chân lý về Ơn Cứu Độ nơi Thầy của mình trao ban, Phêrô hạnh phúc được lãnh nhận phúc tử đạo giống như cái chết của Thầy mình.
Từ những gian nan thử thách mà Phêrô đã trải qua trong suốt triều đại Giáo hoàng của Ngài, Ngài đã chèo lái đưa con thuyền Giáo Hội vượt qua biết bao trở ngại chông gai, và tiếp nối cho đến hôm nay con thuyền đó vẫn vững chắc bền bỉ để lướt qua những sóng gió trần gian.
Tuy vậy, họ cũng chẳng thể dừng lại ngồi nhìn người bên cạnh, Ngồi nhìn kẻ khác chỉ khiến họ thêm buồn tủi, mất hết nhuệ khí, chùn chân, không muốn tiến bước, mà không cất bước thì chẳng bao giờ đến đích điểm cuối cùng: một nơi đang bày sẵn phần thưởng để chờ đón họ. Ðường đi càng gian khổ thì niềm vui càng bừng nở. Thiên Chúa công bằng vô cùng, Ngài sẽ không để cho một ai phải thiệt thòi về những điều đã bỏ công góp sức. Cho đi thế nào thì sẽ nhận lại như vậy. Ðong đấu nào thì sẽ được trả lại bằng đấu ấy và còn đầy tràn hơn nữa.
Gioan, môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến trong suốt những năm tháng tháp tùng theo Thầy đi Công bố Tin Mừng Cứu Độ. Gioan lại được ơn linh ứng của Thánh Thần để ghi chép lại những lời của Thầy mình qua một lối văn khác với ba tác giả Tin Mừng trước, mang nội dung ý tưởng thần học cao siêu hơn. Ông đã làm chứng về Ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt ba năm đi theo Thầy.
Theo sử sách ghi lại Gioan: con ông Giêbêđê, được Chúa Giêsu gọi là Môn đệ yêu dấu. Đối diện với cái chết tử đạo khi bị nấu trong nồi dầu sôi trong cuộc bách hại tôn giáo ở Rôma. Nhưng lạ thay, ngài được cứu thoát khỏi cái chết. Thánh Gioan bị kết án đi làm hầm mỏ tại trại tù ở đảo Patmos.
Tại đây, Ngài đã viết cuốn sách Khải Huyền chứa đầy những lời tiên tri. Thánh Gioan được trả tự do, và trở về làm Giám mục ở Edessa, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài chết vì già yếu. Ngài là tông đồ duy nhất đã chết một cách bình an. Ngài cũng là môn đệ được Chúa Giêsu trao phó cho trách nhiệm nghĩa vụ làm con thay thế Thầy mình đem Mẹ Maria về nhà để săn sóc.
Gioan đã ghi chép, để lại cho chúng ta những lời giáo huấn của chính Chúa Giêsu đã nói và giảng dạy, và chính Gioan đã làm chứng về những điều mình đã viết là sự thật. Qua 20 thế kỷ Tin Mừng của Thánh Gioan vẫn luôn là những lời chứng thực về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đã ban cho con người, và vẫn đang tiếp tục là chứng nhân để truyền đạt lại cho chưa biết Chúa.
Nhìn lại cuộc đời của các Ngài, ta có thể nói các ngài thuộc loại “vô danh tiểu tốt”, tưởng rằng các ngài sẽ sống và chết cách bình thường như bao người khác, nhưng khi các ngài đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu, các ngài đã bước vào một đời sống mới, để một đời làm chứng cho tình yêu Giêsu.
Sống hết mình để đáp lại lời mời gọi của Thầy, cuộc đời các ngài đã trở nên phong phú và đơm bông kết trái đến nỗi hơn 2000 năm qua, nhân loại vẫn truyền tụng về các ngài và chắc chắn sẽ còn truyền tụng về các ngài cho các thế hệ tương lai.
Nhìn lại chúng ta, mỗi người có những khả năng, những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta không nên so bì mà sinh ra tị nạnh nhau về những công việc được giao phó. Mỗi người hãy nhận ra những sở trường, sở đoản của mình, để bù đắp cho anh em, khi mình có khả năng hơn họ. Và cũng khiêm tốn nhận sự bù đắp từ anh em có khả năng hơn mình trong những lãnh vực mình thiếu.
Dù có những công việc khác nhau, nhưng chúng ta được mời gọi chung một sứ mạng, là làm chứng cho Tin Mừng, để nhờ từng nét đẹp của mỗi người, mà góp phần vào chương trình chung của Giáo Hội, là tiếp nối sứ mạng đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Hãy chu toàn nhiệm vụ của mình cho thật tốt, là chúng ta đã góp phần làm cho Danh Cha cả sáng giữa đời trần gian.
2020
Tiên báo về tương lai của Thánh Phêrô
29.5.2020
Thứ Sáu
Ga 21, 15-19
TIÊN BÁO VỀ TƯƠNG LAI CỦA THÁNH PHÊRÔ
Trang Tin Mừng hôm nay nói về Chúa gọi Phêrô và chọn ông làm thủ lãnh Giáo Hội, thường gợi lên những câu hỏi như: “Tại sao Chúa báo cho Phêrô hai lần hãy chăn dắt chiên mẹ và một lần hãy chăn dắt chiên con?” Như vậy, có phải là chăn chiên mẹ khó hơn chăn chiên con hay không?
Và rồi giả sử như chăn chiên con không quan trọng bằng, vì con ngoan hay hư là tại mẹ, nên chỉ cần chăn dắt chiên mẹ đi đúng đường rồi chiên con đi theo là đủ. Ở đây không đi vào chi tiết về chiên mẹ hay chiên con, nhưng qua trang Tin Mừng trên mà chúng ta thấy được nhiều quí giá về bài học lãnh đạo trong Giáo Hội rất đáng chúng ta quan tâm.
Chúa Giêsu long trọng phúc chuẩn sứ mệnh tông đồ đặc biệt của Phêrô: thủ lãnh giáo hội, kèm theo điều kiện duy nhất cũng rất đặc biệc: tình yêu. Và như thế, có thể nói: Chúa Giêsu chọn Phêrô để gởi cho ông một mệnh lệnh đặc biệt: mệnh lệnh của Trái Tim, từ Trái Tim, trong Trái Tim và nhờ Trái Tim. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã hiểu và cảm được sức nặng cũng như tính cấp thiết của mệnh lệnh này. Vị tông đồ đã dốc tâm vẹn lòng, trung thành đi theo Thầy trên lộ trình mục tử và đã hoàn tất đẹp đẽ sứ mệnh được giao.
Trước hết, Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Này anh Simon con ông Joan, con có yêu mến Thầy không? Và ba lần Phêrô đáp con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17), và cũng ba lần Chúa Giêsu nói: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Ðiều đó cho chúng ta biết rằng tình thương không chỉ biểu lộ trong lòng mà con biểu lộ trong lời nói và hành động.
Và rồi đặc biệt đối với chúng ta, tình yêu với Thiên Chúa cần phải được thường xuyên hâm nóng và xác quyết bằng chính lời nói thành thực và sinh động trong chúng ta. Mỗi lần nghe giảng, đọc sách thiêng liêng, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính, đó là chúng ta xác quyết lại sự thần phục, sự hiện diện và biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hỏi ba lần “con có yêu mến Thầy không?”, đáp lại ba lần “có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói “con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalêna, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu như muốn nói: “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu mến nhiều”.
Ta thấy tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng gọi tình yêu, Chúa Giêsu đã không hỏi Phêrô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa? Hay có bằng cấp gì? Tốt nghiệp đại học nào chưa? Song như có lần Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói: “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”.
Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa.
“Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhắm vào hàng giáo sĩ thê 1nhưng suy cho cùng thì ta thấy đó cũng là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên đới đến vận mệnh phần rỗi của anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Ðức Tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông Ðồ truyền bá Tin Mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu vẫn thiết tha gọi mời ta ở lại trong Tình Yêu của Người, bằng cách đón nghe Lời Người và lãnh nhận Thánh Thể Người, để con tim nhân loại của ta có khả năng đón nhận sức yêu vô biên của Người: nó biết yêu đời yêu người, cầm niềm tin đi thắp nụ cười cho những vầng môi héo vì phận đời trôi nổi; biết quảng đại hiến dâng thời giờ, sức khỏe, tài năng Chúa ban mà ân cần phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo hèn bé nhỏ, những chiên bạn, chiên anh, chiên chị khác còn ở xa đàn …
Hôm nay là cơ hội thuận tiện, là thời điểm ân sủng để ta tái thâm tín và tuyên xưng niềm tin của mình vào Tình Yêu vô biên và Trái tim nhân hậu thẳm sâu của Thiên Chúa tỏ lộ nơi Con Một Người. Mỗi người chúng ta cùng khẩn nài Thánh Thần giúp ta biết phải làm gì, ngay hôm nay, để thực thi mệnh lệnh yêu thương của Đấng Phục Sinh. Và dĩ nhiên, chớ gì ta sẵng sàng thưa vâng và mau mắn xin Chúa giúp ta thực thi điều Chúa bảo làm.
Người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi họa lại cuộc đời Chúa Giêsu như Thánh Phêrô. Và ngày mỗi ngày, ta có biết bao cơ hội để sống chức vụ mục tử theo gương Chúa Giêsu bằng đời sống phục vụ, hy sinh và quảng đại góp phần mình xây dựng giáo hội, giáo xứ, giáo họ, hội đoàn, …
2020
Nên một như Cha
Thứ Năm
28.5
Ga 17, 20-26
NÊN MỘT NHƯ CHA
Trước khi từ giã các môn đệ thân tín để trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã dâng lời nguyện tế hiến (Chương 17) để cầu nguyện cho các môn đệ thân yêu của Ngài còn ở trần gian.
Chúa Giêsu cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. (Ga 17, 20-21a).
Thiên Chúa là tình yêu và sự hiệp nhất. Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải mầu nhiệm ấy và mời gọi chúng ta hãy nên một với Chúa trong cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta yêu thích những gì Chúa thích. Chúa thích chúng ta sống bác ái và yêu thương hết tất cả mọi người. Chúa muốn chúng ta trở nên những người biết quảng đại vị tha. Chúa cần chúng ta mở rộng vòng tay đón nhận những người bị loại trừ, gạt ra ngoài lề xã hội; và Chúa muốn chúng ta hiệp nhất với Chúa trong cầu nguyện để trở nên khí cụ như lòng Chúa mong muốn.
Mỗi người chúng ta cũng có phần trong lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (c. 20). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật tha thiết và cảm động, được xuất phát từ thâm tâm sâu lắng của Ngài. Lời cầu nguyện đặc biệt này đủ để an ủi và động viên các môn đệ, giúp các ông thêm mạnh mẽ và can đảm làm chứng tá cho Ngài giữa bao gian nan thử thách. Đời chứng tá của chúng ta chắc chắn cũng được nâng đỡ và phù trợ bằng sức mạnh chuyển cầu của chính Chúa Giêsu bên cung lòng Chúa Cha.
Trọng tâm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu chính là “Xin cho chúng nên một” (cc. 21-23). Đây là yếu tố nền tảng để các môn đệ có thể chu toàn sứ mệnh chứng tá giữa trần gian. Yếu tố này cũng là dấu hiệu thiết thực nhất để mọi người tin vào sứ điệp Tin Mừng mà chúng ta mang đến cho họ.
Chúa Giêsu khẩn thiết xin Chúa Cha cho các môn đệ được hiệp nhất, nên một trong tình yêu. Hiệp nhất thì hoàn toàn khác biệt với sự đồng bộ. Đồng bộ là ai cũng giống ai; suy nghĩ, hành động của tôi cũng phải là của anh, chứ anh không được phép nghĩ khác, nói khác và hành động khác với tôi. Một thứ đồng bộ như thế chỉ đưa đến sự độc tài. Mà sự độc tài thì đưa đến hận thù, đố kỵ, đau khổ, và chết chóc. Hơn bao giờ hết, nhân loại ngày nay đã có quá nhiều kinh nghiệm về những tang thương, khốn khổ do bởi những chế độ độc tài gây nên.
Chúa không xin cho các môn đệ được nên đồng bộ với nhau, nhưng Ngài xin cho họ được hiệp nhất với nhau, nghĩa là các môn đệ dù mỗi người mỗi tính mỗi nết, mỗi người mỗi hiểu biết và hành động khác nhau, nhưng họ vẫn có thể đón nhận nhau trong tình yêu và sự hiến mình. Chúa xin Chúa Cha cho các môn đệ được ơn hiệp nhất trong đa dạng, chứ không xin cho họ được hiệp nhất trong sự đồng bộ.
Ước mong không gì khác hơn chính là “tất cả nên một”. Tất cả nên một có nghĩa là Ngài mời gọi các môn đệ và những kẻ tin vào Ngài hãy hiệp nhất với nhau, hãy đồng tâm nhất trí với nhau. Và để cụ thể hóa cho khát vọng “tất cả nên một”, ngoài việc Chúa Giêsu cầu nguyện cho họ, Ngài còn mời gọi họ noi theo mẫu gương “Cha ở trong Con” và “Con ở trong Cha”
Nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21). Chúa Giêsu đã thực sự “ở trong Cha” với một tình yêu tuyệt đối khi Ngài tự nguyện xuống trần gian, hoà mình trong kiếp nhân sinh, để hoàn tất thánh ý Cha qua cái chết và phục sinh của Ngài, nhờ đó cả nhân loại được ơn cứu độ. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi hãy thành tâm tìm kiếm và chu toàn thánh ý Chúa Cha, bằng một tình yêu tinh ròng như Chúa Giêsu trong cuộc đời mỗi người, để chúng ta cũng được hoà nhập vào trong tình yêu của Cha và Con ngay từ cuộc sống trần thế này.
Chúa Giêsu đã chia sẻ cho các môn đệ vinh quang phục sinh của Ngài. Vinh quang ấy chính là sự sống viên mãn trong tình yêu hiệp nhất với Chúa Cha, và nhờ đó các môn đệ được “nên một như chúng ta là một” (c. 22). Mỗi chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu bằng đức tin và lòng mến, nếu mỗi ngày sống chúng ta biết trung kiên vác thập giá theo Ngài.
Trong tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, có sự hiện hữu của mỗi chúng ta theo chương trình yêu thương của Ngài “Con ở trong họ và Cha ở trong Con” (c. 23). Chính sự hiệp nhất trong một tình yêu kỳ diệu ấy, là dấu hiệu căn bản để thế gian nhận ra sự hiện diện gần gũi và đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Trong ý nguyện sâu thẳm này, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy đi sâu vào mối tương quan thân mật với Chúa Cha và với chính Ngài, bằng một đời sống tâm linh tràn sức sống yêu thương. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể hiệp nhất với nhau trong một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ . . . Bởi lẽ chính sự hiệp nhất trong một tình yêu duy nhất này, mới có sức xoá tan mọi bất hòa, chia rẽ, để tạo nên một bầu khí chan hòa yêu thương trong an bình và hiệp nhất.
Kiếp nhân sinh chỉ là một cuộc sống tạm gởi, cuộc sống mai hậu mới là viên mãn trường cửu. Chúa Giêsu đã đi trước dọn chỗ cho chúng ta trong cung lòng yêu thương của Chúa Cha nơi Quê Trời vĩnh phúc: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (c. 24). Hạnh phúc thật sự của chúng ta là có được một vị trí nơi Quê hương Nước Trời, chứ không phải là những thành công, địa vị mau qua nơi trần thế này.
Ta thấy Chúa Giêsu không những cầu xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn xin cho cả những người nghe và tin lời các môn đệ rao giảng. Ðể lời Chúa được mang đến khắp bờ cõi, đến với mọi người. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ để lời cầu nguyện nên một của Chúa nên trọn hảo.
2020
Làm theo ý Chúa
LÀM THEO Ý CHÚA
Đứng trước “giờ” Chúa Cha “ấn định” để làm vinh danh Cha, Chúa Giêsu không ngồi đếm ngược thời gian mà chìm sâu trong cầu nguyện để nhận ra giờ của Chúa Cha. Đó là giờ “mọi sự đã hoàn tất”, là giờ mà Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục để Ý Chúa Cha được thực hiện. Đó là “giờ cao điểm” Chúa Con chứng minh Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha, không bao giờ làm điều gì gây cản trở hay sai lệch ý Chúa Cha. Đó cũng là “giờ” mọi người biết Chúa Cha yêu thương họ đến mức nào qua cái chết của người Con Chí Ái của Ngài.
Chúa Giêsu nói những lời này khi Ngài bắt đầu bước vào cuộc thương khó. Chúa Giêsu coi đó là “Giờ của Ngài, giờ Ngài được tôn vinh”. Thật thế, khi Ngài trút hơi thở trên thập giá, trước cảnh đất trời rung chuyển, viên sĩ quan ngoại giáo đã thốt lên: “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”. Từ người không tin nhận Thiên Chúa, ông đã trở nên người nhận biết Thiên Chúa qua cái chết của Đức Giêsu.
Chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay và những ngày sớm tới, là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm cầu nguyện của Chúa Giêsu, là phần không thể thiếu của « Sự Thật toàn vẹn ».
Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Phần Con, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, đã hoàn tất công trình Cha trao phó”. Chúng ta cũng vậy, hãy hoàn tất công trình của Thiên Chúa bằng cách làm theo ý Người ở giữa trần gian.
Chúa Giêsu ngước mắt lên lên trời và cầu nguyện với Chúa Cha. Cả chương này là kinh cầu nguyện của Chúa Giêsu, thường lệ được gọi là kinh cầu nguyện cho chức vụ tư tế. Vì trong những lời cầu nguyện ấy, Chúa Giêsu đặc biệt cầu nguyện cho các tư tế của Người là các Tông đồ lúc đó và các Tông đồ bây giờ là hàng giáo sĩ. Người cũng cầu nguyện cho hàng giáo dân chúng ta, vì khi rửa tội chúng ta cũng được tham dự vào chức tư tế phổ quát của Chúa Giêsu.
Thay cho lời cầu nguyện thầm lặng, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và lớn tiếng cầu nguyện cốt để dạy cho các Tông đồ và cho chúng ta biết cầu nguyện.
Trong bữa Tiệc ly, nghĩa là trong bài nói chuyện với các Tông đồ và trong kinh nguyện cho chức vụ tư tế này, Chúa Giêsu đã nói đến Chúa Cha rất nhiều lần, đếm được cả thảy 45 lần, để như là kéo chúng ta đến với Chúa Cha, qui tất cả về Cha. Ngài cho biết rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để làm công việc của Cha.
Ðây cũng là dịp nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Cha không phải như Ðấng có quyền phép mà chúng ta đứng từ xa nhìn và run sợ, song như là một người Cha hiền lành và nhân từ. Và trong bữa Tiệc Ly, Chúa Cha như một Cha già ngồi giữa đoàn con chung quanh bàn tiệc, Người Cha yêu thương con cái, muốn ở giữa con cái mình và muốn ban cho họ hạnh phúc trọn vẹn, nghĩa là muốn cho họ được sống đời đời.
Khi còn nhỏ chúng ta hay chơi trò thảy bổng lên những chiếc lá vàng khô để nó bay theo chiều gió, để biết gió thổi về hướng nào, nên bây giờ chúng ta cũng quăng lên trên không những việc làm của chúng ta giống như những chiếc lá vàng kia, thì thấy nó sẽ bay theo ý Chúa hay nó lại bay khắp phương theo ước muốn và những dục vọng của chúng ta. Ðó là điều chúng ta cần trung thành xét lại trước mặt Chúa.
Và rồi ta hãy khao khát được hiểu biết sâu xa lời nguyện của Chúa Giêsu, bởi vì, nếu hành động và lời nói công khai của Ngài mặc khải cho chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Thiên Chúa và với con người, thì chắc chắn, lời nguyện của Ngài còn nói cho chúng ta nhiều hơn nữa. Cũng giống như lời nguyện riêng tư của mỗi người chúng ta diễn tả con người thật của chúng ta ở chiều sâu, với Chúa và với nhau.
Ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khòi những bận tâm, những khó khăn, những yếu đuối và giới hạn của chúng ta để đi vào chốn riêng tư của lời nguyện Chúa Giêsu ngỏ với Thiên Chúa Cha. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ hiểu biết Ngài sâu xa hơn, nhưng còn học được cách thức Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, và ngang qua cầu nguyện, học được cách Ngài sống với Thiên Chúa Cha.
“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sự sống của con người là nhận biết vinh quang Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã đón nhận sự chết, đã phục sinh để đem lại sự sống đời đời cho con người. Khi con người tin nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa chính là lúc con người được sống sung mãn trong chân lý “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha -Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô” (Ga 17, 3).
Vì tin và chịu phép rửa, chúng ta được gọi là Kitô hữu; nghĩa là được trở nên con Chúa Cha trong Người Con đích thực của Ngài là Chúa Giêsu. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa Cha bằng cách ‘sống đời hiến tế’ qua việc ‘làm theo ý Chúa Cha’ bằng đời sống hy sinh, chấp nhận khổ giá trong đời.
Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống, chúng ta hãy luôn xác tín niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sống những giá trị Tin mừng, sống trong chân lý và ân sủng của Chúa. Khi sống như vậy, chúng ta đang góp phần làm vinh danh Chúa giữa một thế giới với những giá trị trái ngược với Tin mừng.
Muốn thực thi ý Người, chúng ta hãy lắng nghe và vâng lời Người dạy bảo, chúng ta hãy tìm hiểu ý Người trong mọi công việc quan trọng, khi quyết định một việc gì hay khi phải lựa chọn một điều chi, chúng ta phải tự hỏi: “Nếu là Chúa Giêsu thì Ngài đã làm thế nào? Tôi làm điều này vừa ý Người hay không?” Mỗi ngày ta đọc kinh Lạy Cha và lặp lại nhiều lần “chúng con nguyện danh Cha cả sáng ở dưới đất cũng như trên trời”, nhưng sự thật chúng ta làm theo ý mình hơn ý Chúa, làm theo ước muốn và tính toán nhỏ mọn của mình hơn là làm theo ý muốn của Chúa, như vậy không phải là làm sáng danh Chúa mà làm theo cái tôi ích kỷ của mình.
Lắng nghe lời nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta khám ra rằng, tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu dành cho chúng ta bắt nguồn từ tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho cho chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).
Ta biết rằng làm theo ý Chúa là làm cho mọi người nhận biết Cha, nhận biết Chúa Giêsu là Ðấng Cha đã sai đến, có nghĩa là làm việc Tông đồ và rao giảng cho mọi người chưa nhận biết hay còn thờ ơ với Chúa, vì thế mà chúng ta phải rao giảng Lời Chúa bằng lời nói cũng như bằng chính cuộc sống của chúng ta.