2020
Can đảm lên !
CAN ĐẢM LÊN !
Trong thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng phải đối diện với nỗi cô đơn. Ngài không lập gia đình, không có một người bạn đời để chia sẻ. Bù lại, Ngài có những người thân yêu ở làng Nazareth. Nhưng ngay cả cha mẹ Ngài cũng không hiểu hết được Ngài (Lc 2, 50). Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có những người bạn mới là các môn đệ.
Tiếc thay, họ không phải là những người luôn luôn hiểu Ngài. Ngài muốn chia sẻ cho họ tất cả cái riêng tư giữa Ngài với Cha. Nhưng họ chưa đủ sức kham nổi. Chúa Giêsu không phải là người thích cô đơn, khép kín. Ngài dễ đến với dân chúng, với mọi hạng người. Ngài gặp gỡ họ, loan Tin Vui, và cho họ được tâm thân an lạc. Các bệnh nhân, tội nhân, trẻ em, phụ nữ, cũng không ngại đến với Ngài để trò chuyện hay chia sẻ một bữa ăn.
Dù vậy tìm được một sự đồng cảm trọn vẹn nơi con người vẫn là điều khó đối với Chúa Giêsu, bởi lẽ Ngài còn thuộc về một thế giới khác trên cao. Ngài mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của con người. Chỉ khi trở về với nguồn cội đời mình, Chúa Giêsu mới ra khỏi được nỗi cô đơn trống trải ấy. “Tôi không (xét đoán) một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16). Chính vì Chúa Giêsu luôn nói và làm mọi sự theo ý Cha, nên Ngài chẳng bao giờ cô đơn . “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi một mình, vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Vào giây phút chia ly này, khi Chúa Giêsu biết điều sắp xảy đến: “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để Thầy một mình. Nhưng Thầy không một mình đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (c. 32). Chúa Giêsu không cô đơn trong cuộc sống, mà ngay cả khi Ngài kêu lớn tiếng trên thập giá : “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15, 34), lúc đó lại là lúc Chúa Giêsu gần Cha hơn cả, kết hợp với Cha hơn cả. Chúa Giêsu thực sự chẳng bao giờ cô đơn tuyệt đối, vì Cha thực sự chẳng bao giờ bỏ Ngài, và Ngài cũng chẳng bao giờ bỏ Cha.
Chúa Giêsu khẳng định: “Trời đất qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21, 33). Thật vậy, thực tại trần thế này chỉ như ngôi nhà tạm bợ, mọi sự rồi sẽ qua đi, Lời Chúa thì tồn tại qua muốn thế hệ, đó là Lời sáng tạo, Lời thông ban sự sống và Lời Cứu Độ toàn thể nhân loại. Đây là điều mà Thánh sử Gioan đã xác quyết trong những trang đầu của Tin Mừng: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1).
Mỗi người tín hữu kitô được mời gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Quả thật Lời Chúa không chỉ được nghe bằng đôi tai nhưng hơn cả cần được nghe bởi con tim. Một con tim biết rung lên những nhịp đập của tình yêu thương, lòng cảm thông, tâm hồn chia sẻ… sẽ lắng nghe được Lời Chúa và tiếng tha nhân, để từ đó sẽ có những lựa chọn, quyết định và hành động phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Chúa không hứa với chúng ta ai theo Người thì sẽ được mọi tiện nghi, thuận lợi. Theo Chúa thì phải chấp nhận thử thách gian lao. Lịch sử Hội Thánh đã minh chứng điều đó. Điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, để can đảm, trung thành với ơn nghĩa Chúa, vượt qua mọi thử thách trong đời sống đức tin. Với cái nhìn đức tin, chúng ta nhận ra rằng, những thiên tai, bệnh tật, tai nạn… là những biến cố Chúa dùng để cảnh giác chúng ta điều chỉnh lại lối sống của mình cho phù hợp với Tin Mừng.
Có lẽ giữa muôn vàn thử thách, bách hại của thế gian đối với người Kitô hữu, nếu người nào luôn ở trong Chúa, gắn liền với Chúa, đều cảm thấy bình an sâu thẳm trong tâm hồn cho dù họ đau đớn, mất mát. Chúa tiên báo trước, để các môn đệ và ngay cả chúng ta không lạ lẫm gì khi mình đi ngược dòng với thế gian, bị thế gian cho rằng là những con người dại dột. Hơn nữa, các môn đệ phải hy sinh, đau khổ rất nhiều, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời, vì Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu là niềm tin, là đối tượng tôn thờ duy nhất của họ.
Đời sống đức tin của các Kitô hữu mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay thì hoàn toàn khác. Ở giữa thế gian này, người tín hữu có thể phải chịu đủ mọi thử thách, thậm chí họ chẳng bao giờ được an ủi về mặt lợi lộc, vật chất thế gian. Nhưng họ vẫn có sự bình an, thanh thản trong thẳm sâu tâm hồn dù họ gặp phải muôn vàn khốn khó giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền thường ngày.
Chúa Giêsu là sức mạnh và là niềm trông cậy của những ai tin tưởng nơi Ngài. Ngài là niềm hy vọng của những kẻ sầu khổ, thất vọng, là ánh sáng chiếu soi tăm tối. Chúa bảo chúng ta hãy can đảm lên, vì có Chúa ở bên, vì có Chúa là đấng thấu suốt tâm can mỗi người. Trong những gian nan khốn khó, chúng ta cũng hãy can đảm vì Ngài sẽ không cho những gì xảy ra quá sức chịu đựng; bởi Ngài đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Vì tình yêu mà Chúa đã vượt thắng mọi sợ hãi, và chấp nhận khổ giá.
Cùng vác thập giá với Thầy là số phận của người môn đệ Ðức Kitô. Mặt khác, an bình và hy vọng là quà tặng của Ðấng Phục Sinh và là bảo chứng cho những người môn đệ trung tín sẽ được cùng phục sinh với Ngài. Người Kitô hữu không trốn chạy trước gian nan khốn khó nhưng chiến thắng nó bằng phương thế và tinh thần của Chúa Kitô. Mời bạn dùng tinh thần lạc quan Kitô đó để loan báo Tin Mừng Phục Sinh trong cuộc sống của mình.
Ta xin Chúa cho ta luôn can đảm, cho ta nhớ rằng Chúa đã không báo trước cho con nhuãng điều thuận lợi, may lành, mà là báo trước những sự đau khổ, bất lợi và thiệt thòi gắn liền với ý tưởng phụng sự Chúa . Vì thế, khi gặp những nghịch cảnh, tan không ngỡ ngàng nhưng biết đón nhận với lòng yêu mến Chúa. Với tình yêu, ta sẽ vượt qua tất cả. Khi ta thông phần vào thập giá Chúa thì ta cũng được chia sẻ phần vinh quang Phục sinh.
2020
Xin điều Chúa dạy
23.5.2020
Thứ Bảy
Ga 16, 23-28
XIN ĐIỀU CHÚA DẠY
Trang Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy.” Nhưng “ngày ấy” là ngày nào?
Trở về với Tin Mừng hôm qua, ta thấy Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (Ga 16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ kết gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.
Và rồi ta thấy chính Thầy trò liên hệ mật thiết với nhau như không còn khoảng cách để rồi có hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho chúng con hết.”
Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15, 7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.
Và ta thấy chính Chúa Giêsu đã xác quyết với chúng ta: trong mọi hoàn cảnh, hãy cứ tin tưởng chạy đến cầu xin Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu, và nhờ Người, cũng là Cha của tất cả chúng ta. “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 16, 23). Nhưng tại sao Thiên Chúa phải chờ đợi, tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta chạy đến kêu xin, đang khi Ngài đã biết rõ những nhu cầu của chúng ta? (Mt 6, 8). Ngài tôn trọng tự do của con người. Như vậy, lời cầu xin của chúng ta, rất nghịch lý, lại là một lời đáp, một lời đáp rất đẹp lòng Thiên Chúa, như người Cha vui thích nhìn đứa con thơ chạy đến níu tay mình. Trong lời cầu nguyện xin ơn, thực sự như thánh Augustinô diễn tả, “Thiên Chúa khát khao chúng ta khao khát Ngài”
Ngài khát khao trao tặng cho chúng ta không chỉ những ơn lành “nhỏ lẻ” như cách chúng ta vẫn thường cầu xin – vì tầm nhìn đức tin giới hạn, nhưng Thiên Chúa là Cha toàn tăng và tốt lành khát khao trao ban cho chúng ta Thánh Thần (Lc 11,13), khát khao trao ban trọn vẹn chính Ngài cho chúng ta. Đấng ban ơn thì quý trọng hơn hồng ân bội phần.
Như thế, mỗi lần chúng ta xin ơn, mỗi lần chúng ta cầu nguyện thực chất là mỗi lẫn chúng mở rộng lòng mình hơn cho Thiên Chúa bước vào. Vì vậy, ngày hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy học cách cầu xin “nhân danh Thầy”: là để Chúa Thánh Thần uốn lòng chúng ta nên giống Chúa Giêsu, và hiệp làm một với Chúa Giêsu trong lời khẩn nguyện hằng ngày dâng lên Thiên Chúa Cha – cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn mỗi người để chính mình và toàn thế giới được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
Chúa Cha không chỉ sẵn lòng ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nhưng còn bày tỏ chính ngôi vị của Người cho chúng ta nơi Chúa Giêsu: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Nếu chúng ta hiểu lịch sử cứu độ là lịch sử qua đó Thiên Chúa bảy tỏ khuôn mặt đích thật của Người, khuôn mặt mà ma quỉ đã làm cho con người hiểu lệch lạc (St 3), thì lời này của Đức Giê-su là điểm tới, là điểm hoàn tất của lịch sử cứu độ. Như Ngài sẽ nói trên Thập Giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 28-39).
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Cha, không còn qua những dụ ngôn nữa, hay nói rộng hơn, qua những dấu chỉ nữa, nhưng là qua chính ngôi vị của Chúa Giêsu, qua chính Lời của Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta cảm nếm chính Thiên Chúa, khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua.
Từ đó ta hiểu rằng điều tốt đẹp nhất tôi sẽ nhận được trong “ngày ấy” không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì mà Chúa Giêsu muốn và xin những gì mà Chúa Giêsu xin.
Chúa Giêsu đã nói: «Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy… Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha». Như thế, con đường Thầy đi qua và cùng đích Thầy hướng đến đều hội tụ nơi ngôi vị của Chúa Giêsu. Nhưng tất cả vấn đề là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường «điên rồ và sỉ nhục». Nhưng, đối với Thiên Chúa, đó lại là con đường của «sự thật và sự sống», là con đường của «sức mạnh và khôn ngoan», là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Qua cái chết của Ðức Kitô, không chỉ các môn đệ mà còn tất cả những ai tin Ngài đều được đón nhận tước vị ấy. Và nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu cũng được lãnh nhận tước hiệu làm con Thiên Chúa. Ðây không phải là một tước hiệu khoác lên con người, nhưng là một tiếp xúc với sự sống Thiên Chúa. Với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, điều Kitô hữu cầu xin sẽ được nhận lời.
Ðức Kitô đã đem lại cho tín hữu một giá trị mới nhưng đồng thời Ngài đòi buộc họ sống xứng đáng với giá trị ấy: “Chính Cha yêu mến chúng con bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Tin nhận và yêu mến Ðức Kitô sẽ cho phép người tín hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như các tông đồ, Kitô hữu cũng được Chúa Giêsu chọn làm bạn tri kỷ của Ngài. Tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa đã được gói gọn trong lời Ngài, và chẳng thể được gọi là bạn tri kỷ hoặc là kẻ yêu mến Ngài một khi lời Ngài bị đuổi đi không được đón nhận và đáp trả.
Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xin: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”, chúng ta, với tư cách là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ xin điều gì, để Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta và làm cho chúng ta ở trong niềm vui trọn vẹn, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ “sinh nhiều hoa trái”? Và ta thấy Chúa nói người môn đệ “sinh nhiều hoa trái” mà Chúa Giêsu mong muốn, là những người biết yêu thương nhau và làm lan truyền tình yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa và cho Vinh Danh Chúa Ba Ngôi, trong giáo xứ, cộng đoàn, gia đình và trong môi trường sống của mình. Xin cho chúng ta thực hiện điều chúng ta xin như Chúa mời gọi.
2020
Tình yêu đích thực
21.5.2020
Thứ Năm
TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
Ga 16, 16-20
Thánh Gioan Tông Đồ được gọi là môn đệ Chúa yêu để rồi qua và với Tin Mừng Gioan, Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.
Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.
Chúa Giêsu chính là tình yêu, Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau cử hành thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô bổ sức cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục sống, để cho mọi người thấy rằng, Ngài thật sự là Đấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta, Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu, Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước.
Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.
Tình yêu đích thực đối với Chúa Giêsu hệ tại ở sự thi hành ý muốn của Chúa Giêsu. Ý muốn ấy được thể hiện trong Lời của Người và trong các điều răn của Người. Ai yêu mến Chúa Giêsu thì thực hiện các lệnh truyền của Người (c. 21). Và đàng khác, chính trong lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu mà chúng ta mới có thể sống chính những giá trị của Chúa Giêsu và hành xử như chính Người đã hành xử (c.15). Hai yếu tố “yêu mến Chúa Giêsu” và “tuân giữ lời Chúa Giêsu” có mối tương quan biện chứng.
Thực vậy, chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng sự tuân giữ những điều răn của Ngài bởi vì lề luật của Ngài là những chỉ dẫn yêu thương tuyệt hảo nhất. Chúng nói cho chúng ta biết những gì Thiên Chúa muốn và không muốn. Nhưng đồng thời cũng chỉ cho chúng ta hay đâu là điều tốt lành nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.
Lòng yêu mến Chúa thực đòi ta giữ giới răn của Người. Điều đó rất tự nhiên. Bởi khi yêu nhau, người ta sẵn sàng chấp nhận gian khổ, chấp nhận hy sinh vì nhau. Người ta cũng sẵn sàng làm theo ý của nhau nếu đó là những ý muốn chính đáng. Điều cần nói ở đây là việc ta tuân giữ giới răn của Thiên Chúa chẳng đem lại lợi lộc gì cho Người, nhưng đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Bởi lẽ, lề luật của Chúa là một hàng rào cần thiết để bảo vệ ta được an toàn và khỏi rơi xuống vực thẳm tội lỗi. Đồng thời chúng cũng là những bảng chỉ đường giúp ta đi đúng con đường dẫn đến sự sống, đến hạnh phúc. Biết như vậy nhưng dường như ta vẫn cảm thấy khó khăn và ngại ngùng khi phải tuân giữ, phải thực thi các giới răn của Người.
Chẳng hạn điều răn thứ I: “Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”, sẽ giúp chúng ta chu toàn những bổn phận đối với Đấng Tối Cao đã đành, mà còn giúp chúng ta tránh đi được những mê tín dị đoan và những sự thờ phượng nhảm nhí làm giảm giá trị con người, như thờ con bò, con rắn, thờ tiền tài, danh vọng, lạc thú.
Chẳng hạn điều răn thứ IV: “Hãy hảo kính cha mẹ”, sẽ giúp chúng ta chu toàn những bổn phận đối với cha mẹ, là những người đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta đã đành, mà còn nhờ đó đem lại cho gia đình chúng ta một bầu khí hoà thuận, cảm thông và hạnh phúc.
Chẳng hạn điều răn thứ V: “Tôn trọng thân xác và mạng sống của mình cũng như của người khác”. Rồi điều răn thứ VII và thứ X: “Tôn trọng đức công bằng, không được lấy hay giữ của người ta một cách trái phép”. Tất cả những điều răn này không phải chỉ đem lại cho cá nhân một sự bảo đảm an toàn, mà hơn thế nữa còn đem lại cho xã hội một sự ổn định và trật tự.
Và như chúng ta đã nói, bên trên những lợi ích cá nhân, gia đình và xã hội, việc tuân giữ những điều răn của Chúa sẽ là một phương thế giúp chúng ta biểu lộ tình yêu mến và gắn bó của chúng ta đối với Chúa, vì tình yêu mà không có việc làm thì chỉ là một tình yêu chết mà thôi. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã phán dạy chúng ta: Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ những điều răn của Thầy.
Lời Chúa hôm nay cũng căn dặn chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Như thế, tuân giữ giới răn Chúa là dấu chỉ cho lòng yêu mến Chúa. Tuân giữ giới răn Chúa còn là dấu chỉ sự trung tín và chu toàn bổn phận của Chúa giữa thế gian. Không thể nói rằng mình yêu mến Chúa mà lại không dám thực thi lời Chúa. Nếu chúng ta nói yêu mến Chúa mà không dám sống đạo và giữ đạo, đó chỉ là sự giả tạo vì Chúa đã từng trách rằng: “Dân này chỉ thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng chúng lại xa cách Ta”.
Tuân hứa giới răn Chúa không chỉ dừng lại trên môi miệng mà còn là một dấn thân để ý Chúa được thể diện trong cuộc đời chúng ta. Như Chúa Giêsu, ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự. Người Kitô hữu cũng phải vâng phục theo giáo huấn của Chúa, cho dẫu có phải chịu thiệt thòi, mất mát hay phải hy sinh cả tính mạng vì lòng yêu mến Chúa.
Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng: Khi yêu ai, chúng ta cảm thấy được những gì làm vui lòng người chúng ta yêu và không có gì cưỡng bức chúng ta tự nhiên làm tất cả để người yêu được vui, được hạnh phúc. Yêu mến Chúa cũng vậy. Yêu mến Chúa là sống theo ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý muốn của Chúa trên cuộc sống chúng ta và trên cuộc sống của xã hội loài người.
Thật vậy, chính đời sống yêu thương nhau chân thành, hy sinh phục vụ nhau theo mẫu mực của tình yêu Chúa yêu thương chúng ta sẽ biểu lộ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và đang có mặt sống động trên trái đất chúng ta, như Ngài đã nói khi từ biệt các môn đệ: “Thầy không bỏ anh em cô độc. Thầy sẽ đến với anh em. Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”.
2020
Mở lòng đón Thần Chân Lý
20.5.2020
Thứ tư
Ga 16, 12-15
MỞ LÒNG ĐÓN THẦN CHÂN LÝ
Trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 14,16). Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý giúp các môn đệ thấu hiểu Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu (Ga 16,5-13). Mầu Nhiệm này, tự sức mình, con người không thể thấu hiểu được (Ga 16,12b), bởi lẽ, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho (1 Cr 2,11). Như vậy, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con người sẽ thấy được vẻ đẹp tròn đầy của Sự thật (Ga 16,13).
Những điều Thiên Chúa muốn nói qua Người Con đã được ghi lại trong bộ Thánh Kinh, còn Chúa Thánh Thần dần dần vén màn cho chúng ta thấu hiểu được sự thật toàn vẹn. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các tông đồ phải đợi đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống mới hiểu được những lời Chúa Giêsu đã nói. Và cũng không lạ khi những lời đã được viết ra cả hằng ngàn năm nay, mỗi khi được tuyên đọc, vẫn khơi dậy trong chúng ta những tâm tình những hiểu biết và những sứ vụ luôn luôn mới.
Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (c.12). Chúa Giêsu đã gián tiếp giới thiệu về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần; đó là Ngài sẽ nói những điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ. Có lẽ vì bản tính con người yếu đuối, các môn đệ không thể hiểu lời của Chúa Cha và Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần can thiệp và thiết lập mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài còn ban ơn soi sáng đức tin của chúng ta, là những kẻ vốn khó chấp nhận Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể.
Chúa Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở. Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất: Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26). Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhấtvì còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (Ga 14,16). Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật, sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người. Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật. Vì lợi ích của họ, Chúa Giêsu sẵn sàng ra đi (Ga 16,7), để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.
Ta thấy lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô cho các tín hữu Galat luôn cần thiết cho các Kitô hữu: Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước (Gl 5, 25). Thật vậy, khi để Thần Khí hướng dẫn đời mình, người Kitô hữu mới thoát khỏi những đam mê của tính xác thịt, những niềm vui dối trá mà thế gian ban tặng (Gl 5,16.18); và, họ sẽ chiếm hữu được niềm vui thật do chính Ngài ban cho (1Tx 1,6), vì, Chúa Thánh Thần chính là Thầy dạy Chân lý về Thiên Chúa – Đấng giàu lòng xót thương.
Thánh Thần chỉ có sứ mạng là đưa con người đến với Cha và Con là Chúa Giêsu. Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Chúa Giêsu. Cha cũng chẳng tim mình. Cha chẳng giữ gì làm của riêng. “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15) Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con. Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha. Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần, Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng. Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia. Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình, và sống trong hạnh phúc viên mãn.
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (c.15). Câu này chỉ lập lại câu 13 và nhấn mạnh ý nghĩa hơn. Chúa Giêsu như muốn khẳng định lại sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Giêsu nói những lời của Chúa Cha, làm những việc của Chúa Cha, đến nỗi Ngài tóm lại bằng một câu ngắn gọn: Cha và Ta là một (Ga 10, 30).
Ta thấy Chúa Thánh Thần lại lấy những điều nơi Chúa Giêsu mà loan báo cho các môn đệ. Như thế có nghĩa là Chúa Thánh Thần cũng làm công việc của Chúa Giêsu và những công việc ấy cũng phát xuất từ Chúa Cha, khi làm sứ mệnh này, Ngài chính là Thần Khí Sự Thật, vì Ngài đang nói về một sự thật đời đời: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi- sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu độ.
Chúa Giêsu khẳng định: “khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ đưa anh em tới sự thật toàn vẹn” (c.13a). Một sự thật về Chúa Cha, về Chúa Giêsu và về Ba Ngôi Thiên Chúa. Một sự thật về Tình Yêu của Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài. Sự thật ấy đời đời ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa, ở nơi cung lòng Chúa Cha. Sự Thật ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa: “Ngài không tự mình nói ra, nhưng những gì Người nghe, Ngài sẽ nói lại và loan báo những điều sẽ xảy đến” (13b).
Như thế, Chúa Thánh Thần ở đây đóng vai trò giảng dạy và củng cố niềm tin cho các Tông Đồ. Ngoài ra, Ngài cũng tỏ lộ những điều sẽ xảy ra trong tương lai như một bằng chứng về quyền năng Thiên Chúa của Ngài.
Một sứ vụ khác của Chúa Thánh Thần là tôn vinh Chúa Giêsu “Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (c.14). Như thế, Chúa Thánh Thần là ngôn sứ mới, sẽ nói về Chúa Cha và ở đây Ngài cũng nói về Chúa Con. Ngài tôn vinh Chúa Con trong Chúa Cha, vì việc làm của Chúa Con là thực hiện trọn vẹn chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài chỉ nói lại, chỉ làm sáng tỏ những Mầu Nhiệm nơi Chúa Con, những lời nói hành động của Chúa Con mà các Tông đồ chưa thấu hiểu khi các ông còn ở trong trần gian, còn sống trong xác thịt yếu đuối.
Lãnh nhận niềm vui Phục sinh, mỗi người chúng ta được Hội thánh mời gọi làm cho niềm vui ấy được kéo dài trong từng ngày sống và lan toả đến những người chung quanh, bằng cách để Thánh Thần hướng dẫn đời mình. Nhờ đó, họ trở nên những chứng nhân về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Cv 1,8); và, hoa trái của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, và tiết độ (Gl 5,22-23) sẽ trổ sinh trong cuộc đời của họ.