2020
Làm chứng về Thầy
LÀM CHỨNG VỀ THẦY
Thứ Hai tuần VI PS
Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi ngày, ta được Chúa mời gọi trở nên tông đồ của Người trong môi trường đang sống, trong vai trò và bậc sống của mình. Chúng ta chỉ có thể đáp trả ơn gọi của mình khi biết dùng Lời Chúa dệt nên cuộc đời mình mỗi ngày. Hãy sinh hoa kết trái trong bậc sống và hoàn cảnh của mình. Hãy làm sáng danh Chúa trong gia đình, ngoài xã hội, nơi công sở, trên ruộng nương. Hãy làm chứng cho Tin Mừng bằng chính niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.
Nhìn lại cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu sống và hoạt động với các môn đệ, qua những giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, rồi đến những ngày vui ngập tràn vì Chúa đã Phục Sinh vinh thắng… Tin Mừng hôm nay là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời : “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Tiền đề lí luận để Chúa Giêsu đòi các môn đệ làm chứng cho Chúa đó là việc các ông “đã ở với Ngài”. Đây là điều kiện cần và đủ dành cho người “làm chứng cho Chúa”. Người ấy phải ở với Chúa. Không có kinh nghiệm “ở với Chúa”, không có kinh nghiệm “sống và hoạt động” cùng với Chúa, không có kinh nghiệm “nên một với Chúa” thì không thể làm chứng cho Chúa.
Theo Chúa đích thực làm cho ta ra khỏi thế gian và vì thế mà bị thế gian ghét bỏ, khai trừ. Nhưng trong những lúc gian nan thử thách như vậy, trong những giây phút cảm thấy trống rỗng và đau khổ trong cuộc đời của người đồ đệ, Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi, Ðấng bảo trợ, mà Chúa Giêsu sai xuống từ Thiên Chúa Cha, Ðấng ấy sẽ đồng hành với các môn đệ và trợ giúp họ, để các ngài được luôn trung thành làm chứng cho Chúa.
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các môn đệ là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng của đồ đệ giữa những thử thách trên trần gian. Và chúng ta nhìn thấy điều này khi đọc qua những trang sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi được Chúa Thánh Thần ngự xuống, các tông đồ như được biến đổi hoàn toàn, từ lo sợ chạy trốn, chuyển sang can đảm, sẵn sàng hy sinh và cương quyết phục vụ. Trong lúc gặp thử thách, trước mặt những người quyền thế ngăn cấm không được làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, các tông đồ can đảm trả lời công khai: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người”.
Nếu chúng ta không ở với Chúa mà chúng ta làm chứng, thì những lời chứng của chúng ta chỉ là “nói lại điều người khác nói”, “trích lại điều đã trích”. Không ở với Chúa, không cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thì việc làm chứng không có nền tảng, gặp một điều khó khăn sẽ bỏ cuộc tháo chạy. Khi sai các tông đồ đi làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu đã nói : “vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu”. Các tông đồ ra đi và họ làm chứng về những điều họ đã cảm nhận…
Chúng ta dễ dàng thấy Chúa Giêsu sử dụng nền tảng cho lý luận tiền đề khi Ngài muốn các tông đồ làm chứng cho Ngài đó là : như Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng ban nguồn lực cho các tông đồ, Đấng đã nên một với Chúa Giêsu trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa “đã làm chứng” về Chúa Giêsu ; thì các tông đồ những người đã nên một với Chúa Giêsu “cũng phải làm chứng” về Chúa Giêsu. Đã ở với Chúa, đã nên một với Chúa, tất nhiên đã đủ điều kiện làm chứng cho Chúa.
Ðây là kinh nghiệm sống chứng nhân của thánh Phaolô tông đồ khi ngài tâm sự trong thư thứ hai Corintô chương 4, câu 7 và các câu tiếp theo như sau: “Thiên Chúa làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên dung mạo Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, gian nan nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi”.
Người Kitô hôm nay, khi kà môn đệ của Chúa Giêsu, cần xét lại thái độ sống chứng nhân của mình. Có hai thái cực cần tránh đi, không thể có thái độ vênh vang tự đắc, cũng không được qụy lụy chiều theo qui mô của kẻ chống đối Chúa, cần sống khiêm tốn nhưng đồng thời can đảm mạnh mẽ trong việc phục vụ, chấp nhận phiền phức mà trong lòng vẫn vui tươi.
Khi làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Chúa Giêsu Kitô. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.
2020
Người môn đệ sẽ bị ghét bỏ
16.5.2020
Thứ Bảy
Ga 15, 18-21
NGƯỜI MÔN ĐỆ SẼ BỊ GHÉT BỎ
Trang Tin Mừng hôm nay đã mở ra cách riêng cho người môn đệ và chung cho cộng đoàn của những người theo Chúa Giêsu một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: “Vì danh Thầy, họ sẽ bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ”. Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, thế gian không có nghĩa là toàn thế giới, vì vũ trụ là công trình tác tạo do tình yêu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã cho họ biết trước rằng làm môn đệ Ngài thì phải chấp nhận bị thế gian thù ghét. Nhưng thực tế, chúng ta một mặt tránh làm những gì khiến thế gian thù ghét mình, mặt khác còn tìm cách để thế gian yêu thương chiều chuộng mình. Hẳn là chúng ta không nên cố tình chọc tức thế gian, nhưng không nên quên lời Chúa nói: Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Chúa Giêsu cũng không được miễn trừ khỏi cái lệ thường của thế thái nhân tình về sự ganh ghét của người đời. Chính vì vậy Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” Thế gian ở đây theo thánh Gioan là một thế giới đã bị quyền lực Xatan thống trị. Do đó, sự hiện diện của Chúa đã phân tách thế giới rạch ròi giữa ánh sáng và bóng tối, và Chúa trở thành cớ cho những kẻ ở trong bóng tối ghét bỏ Ngài và những người sống theo ánh sáng. Như vậy, cùng với Chúa Giêsu, các môn đệ Ngài luôn bị bách hại, tấn công, quấy rầy, nhưng Chúa đã mạnh mẽ trấn an: “Các con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian.”
Và ta thấy thế gian được hiểu là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch cùng Thiên Chúa. Mà khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, mặc nhiên người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào một đối đầu không khoan nhượng. Trong đó, họ sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.
Chúa đã soi sáng cho chúng ta: “Vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15, 19). Thế gian mà Chúa nói đến ở đây là một thế gian đố kỵ và thù nghịch với Thiên Chúa, Đấng chân thật, tràn đầy tình yêu và sự sống. Thánh Phaolô cũng mô tả: Đó là một thế gian “ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn,.. vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc” (2 Tm 3, 2 – 4). Kết cục của nó sẽ là sự diệt vong, hư mất đời đời.
Hơn nữa, mỗi giai đoạn lịch sử có những cách thế bách hại riêng. Không có những cuộc đổ máu công khai ảnh hưởng đến trào lưu văn hóa, văn minh thế giới, thì có những cuộc đổ máu âm thầm, bị khỏa lấp bởi những ngụy tạo nhân danh công lý. Thế giới càng văn minh thì hình thức bách hại càng tinh vi, tinh vi đến độ người bị bách hại chẳng nhớ ra rằng: mình đang khốn khổ, hứng chịu bắt bớ mà tưởng rằng đưa tay ra đón nhận ân huệ. Người ta đẩy mình đến chỗ tiêu diệt mà tưởng họ đang giúp mình xây dựng.
Bất cứ thời nào cũng có những bắt bớ và ghét bỏ. Thế nhưng, có phải vì viễn ảnh đen tối ấy mà các môn đệ của Chúa Giêsu thất vọng chùn chân: “Chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”. Lời khẳng định của Chúa Giêsu sẽ soi sáng và nâng đỡ cho những ai đang đối mặt với thử thách: “Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”.
“Vì các con không thuộc về thế gian…nên thế gian ghét các con”. Người thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa nhiều hơn là chân thật, ai cũng ích kỷ lo cho bản thân, thậm chí chà đạp lên người khác… Kitô hữu không thể sống như họ, cho nên bị họ thù ghét. Vậy, nếu vì phải sống theo lý tưởng tốt đẹp của mình mà bị thế gian thù ghét, chúng ta hãy chấp nhận.
“Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. Chúng ta chấp nhận bị thế gian thù ghét vì lý do chúng ta làm môn đệ Chúa, chúng ta phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Chúa.
“Giả như anh em thuộc về thế gian, thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian nên thế gian ghét anh em”.
Bắt bớ bây giờ không còn là một đe dọa, nhưng là dấu chỉ hy vọng, dấu chỉ thuộc về Ðức Kitô. Và cũng thật ý nghĩa trong câu nói của Tertulianô: “Máu tử đạo là những hạt giống nảy sinh ra các Kitô hữu”. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con những điều đó bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy, không biết nên đã làm. Vậy nếu biết chắc chắn họ đã không làm.
Thái độ trung thành anh dũng và vui mừng khi chịu thử thách của các vị tử đạo là lời giới thiệu hùng hồn đậm nét về Thiên Chúa. Trong cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu trên Thập Giá, viên lãnh binh đã tuyên xưng: “Ông này thật là Con Thiên Chúa”.
Là những người tin vào Chúa Kitô, chúng ta không thuộc về thế gian đang trên đà diệt vong của nó. Nhưng Chúa cũng không cất chúng ta ra khỏi thế gian. Chúa đã chiến thắng thứ thế gian tội lỗi ấy rồi và Chúa đang mời gọi ta hãy can đảm dấn thấn để chiến thắng thế gian: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu kitô của chúng ta. Mang danh hiệu kitô là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Thập giá của Chúa Kitô, nhưng chúng ta tin chắc rằng nhờ tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và Thập giá ấy mà chúng ta góp phần vào việc cứu rỗi và canh tân thế giới. Khổ đau mà các kitô hữu đang phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu là hạt giống trổ sinh những hoa trái của niềm tin.
2020
Yêu như Thầy
15.5.2020
Thứ Sáu
Ga 15, 12-17
YÊU NHƯ THẦY
Yêu và muốn được yêu chính là nhu cầu của con người. Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật. Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.
Nói về tình yêu là nói về sự sống và sự chết, bởi vì người ta sống vì yêu mà chết cũng vì yêu. Quả vậy, Đức Ki-tô đã sống và chết vì yêu thương con người. Ngài đã vượt qua từ cõi chết đến cõi sống, để minh chứng về công cuộc cứu chuộc vì yêu thương. Và Ngài dùng chính mẫu gương của Ngài để dạy chúng ta làm điều mà chính Ngài đã thực hiện: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em”. Ngài đã chết vì chúng ta để trở nên bạn hữu của chúng ta, và mời gọi chúng ta: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”. Muốn trở nên bạn hữu của Chúa, chúng ta chỉ có một điều kiện: thương yêu nhau như Chúa đã yêu.
Thấy được tầm quan trọng của tình yêu giữa người với người, và cũng thấy được sự cao quý của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hơn thế nữa, cần phải làm cho bản chất của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của người môn đệ, nên Chúa Giêsu đã truyền và dạy cho các ông bài học yêu thương khi nói: “Anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.
Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn cho những ai tin và tiếp bước thì cũng được hòa vào và đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để được hạnh phúc. Đồng thời cũng cần sống và diễn tả tình yêu ấy cho người khác.
Một trong những chia sẻ tình yêu là chia sẻ cách hiểu biết, và khi đã được hiểu biết thì con người cũng phải có bổn phận trung thành, phải sống cho ra sự hiểu biết. Vì sống trong những điều hiểu biết là một đáp trả trước tình yêu. Yêu mà dửng dưng bàng quang, yêu mà không mảy may xúc động trước những thao thức, ước muốn của người mình yêu thì chẳng thể nào gọi là yêu được. Tình yêu mà chẳng chút cảm thông chia sẻ thì chẳng bao giờ là tình yêu đúng nghĩa.
Như các môn đệ, các Kitô hữu cũng được mời gọi sống tình bạn hữu của Chúa Giêsu. Có thể họ sẽ dễ dàng thốt lên hai tiếng yêu Chúa, nhưng lại khó thực hiện điều yêu mến anh em. Vì cũng như họ, khuôn mặt anh chị em chỉ là tầm thường, khiếm khuyết, nếu không nói là tội lỗi xấu xa đáng xa tránh. Nhưng dù sao đi nữa, tất cả đều là con một Cha trên trời. Khuôn mặt xấu xí bị xa lánh đều là những khuôn mặt cần được yêu thương hơn ai hết.
Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như một người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Chúa Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
Chúa Giêsu đã khẳng định cách rõ ràng: “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Hạnh phúc biết bao cho con người khi có Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa làm bạn! Và như một hệ luận, để trở nên bạn hữu “tri âm, tri kỷ” với Chúa Giêsu, con người, cách riêng những Kitô hữu, cần có đời sống gắn bó thân tình với Chúa và trung thành thực thi những điều làm vui lòng Người.
Điều Chúa kêu gọi chúng ta, dễ mà khó. Dễ hiểu, nhưng khó thực hiện. Ai trong chúng ta mà chẳng biết thương yêu. Nhưng yêu thương như Chúa yêu thì quả là điều không tưởng. Chính Chúa Giêsu cũng đã thực hiện điều chúng ta không thể tưởng tượng được. Mời bạn làm những gì bạn có thể để theo gương Ngài. Một mình bạn, khó đấy; nhưng với Ngài, đầy hy vọng.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu mến nhau như chính Ngài đã yêu mến chúng ta, đến độ hy sinh cả mạng sống vì chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, vậy thì không lý do nào chúng ta không chia sẻ tình thương ấy cho anh em mình. Hơn nữa, Ðức Giêsu yêu thương tất cả. Chúng ta cũng phải yêu thương tất cả, cả kẻ thù, không trừ một ai.
2020
Ở lại trong tình yêu của Thầy
14.5 Thánh Matthia
Ga 15, 9-11
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, và cũng là lời mời gọi cho bất kỳ ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài, và muốn có được niềm vui trọn vẹn. “Hãy” đó là một sự mời mọc, sự khuyến khích đầy yêu mến và tế nhị, vì Chúa Giêsu luôn tôn trọng tự do của các tông đồ, cũng như tôn trọng tự do đáp trả của mỗi chúng ta.
Ngài mời gọi các tông đồ hãy “Ở lại trong”, đây quả là một điều hết sức đặc biệt được thánh sử Gioan diễn tả về mối thâm tình kết hiệp giữa thầy Giêsu và các môn đệ, giữa Thiên Chúa và con người. “Ở lại trong” chứ không phải “ở lại với” (diễn tả một sự liên hệ gần kề, mang tính thể lý), “ở lại trong” diễn tả một sự liên kết mật thiết hơn nhiều, đó là sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Chúa Giêsu, và như thế có nghĩa rằng tất cả nên một bản vị, một Hiện hữu duy nhất không thể tách lẻ hay chia rời.
Niềm vui của Chúa Giêsu là được ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ở lại là tuân giữ điều răn mà Chúa Cha truyền dạy. Trong sứ mạng rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tìm cách làm đẹp lòng Chúa Cha bằng chính lời nói và hành động của mình, “tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”. (Ga 5, 30). Ngài còn khẳng định: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). Khi phải thực hiện chọn lựa, Ngài luôn đặt thánh ý Chúa Cha trên hết để hướng dẫn cuộc đời mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có được niềm vui. Chúa Giêsu đã nhận niềm vui từ Chúa Cha và Ngài không giữ riêng cho mình. Ngài mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài (Ga 15, 9) để có niềm vui ấy. Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có niềm vui thực sự khi ở lại trong tình thương của Ngài. Chúng ta có thể ở lại trong tình thương này khi biết tuân giữ điều răn của Chúa. Điều răn này được tóm gọn trong luật mến Chúa yêu người.
Khi để tâm hồn chìm trong suy tưởng về tình yêu theo mối tương liên này, ta cảm nhận có một sức mạnh tình yêu lan tỏa từ đời đời. Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu. Chúa Giêsu là người trực tiếp đắm mình trong nguồn suối đó. Và Ngài biết, nếu chỉ giữ lại cho riêng mình là chưa đạt tới cùng đích của thánh ý, nhưng phải được sẻ chia để nhiều tâm hồn khác cũng được hưởng nguồn ân huệ ấy.
Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, ta cần tìm cách làm theo thánh ý Chúa và đẹp lòng Ngài, nhất là khi phải quyết định một chọn lựa nào đó. Sống theo thánh ý Chúa được thể hiện qua lời nói và hành động của chúng ta trong đời sống. Đó có thể là một lời hỏi thăm, an ủi những ai buồn phiền hay là giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh túng thiếu. Trong xã hội thực dụng hôm nay, dù biết rằng ta sẽ gặp khó khăn khi tuân giữ điều răn của Chúa, thậm chí là lội ngược dòng nữa nhưng ở lại trong Chúa đó là cách thức để ta có niềm vui của Chúa và niềm vui ấy được nên trọn vẹn.
Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong tình yêu con người sẽ được tình yêu tắm gội và biến đổi. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu, con người phải tuân giữ lệnh truyền yêu thương của Ngài, một tình yêu hướng về người khác và trao ban điều tốt lành cho người khác. Vì yêu thương Thiên Chúa đã thông ban sự tốt lành cho các thụ tạo của Ngài, Ngài đã cho con người được chung hưởng tình yêu của Người.
Chúa Giêsu đã ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ngài lệ thuộc vào Cha trong mọi sự. Đến lượt chúng ta cũng hãy gắn kết mọi sự đời mình trong Thầy Giêsu. Chỉ khiở lại trong Người và được Ngài ở với, chúng ta mới đạt được hạnh phúc tròn đầy. Ở lại để biết Chúa xót thương tôi ra sao! Sự ở lại này phải đưa tôi tới hành độngbiết xót thương người khác nữa. Những việc làm cụ thể sẽ nói lên thiện chí ta đã‘giữ các điều răn’của Ngài ra sao. Việc làm không có nghĩa là chỉ thi hành bằng những hình thức bên ngoài và nghĩ rằng thế là xong nhiệm vụ. Hình thức bên ngoài cũng cần nhưng đó chỉ là những yếu tổ bổ sung, điều cần thiết nhất vẫn là tấm lòng. Hành động thiếu tình yêu thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình đáng nhận lời kết án: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29,13).
Chính khi các tông đồ thực hiện những điều Chúa dạy, thì các ông mới được ở trong niềm vui của Đức Kitô, và như vậy niềm vui của các ông mới được nên trọn vẹn. Quả thế, niềm vui của Chúa Giêsu là yêu mến và vâng phục Chúa Cha; niềm vui của Chúa Giêsu cũng chính là niềm vui của người môn đệ, mà chính Ngài đã chia sẻ cho họ. Do vậy, niềm vui của người môn đệ chính là yêu mến và vâng phục Chúa Giêsu, và qua đó họ vâng phục Chúa Cha.
Quy tụ tất cả mọi người ở lại trong Chúa. Đó là ước mơ cháy bỏng Chúa Cha chia sẻ với Con của Người. Thiên Chúa cũng mong mỗi người hiệp thông cùng Ngài tâm tư ấy. Một khi đón nhận được tình yêu chúng ta sẵn sàng ra đi, chịu hao mòn trên dòng đời, chịu biến tan vì yêu thương và tha thứ. Cuối cùng sức mạnh Thiên giới sẽ hút ta trở về để được ở lại mãi mãi trong cung lòng rất thánh, nơi phát sinh sứ mạng yêu thương.
Trong xã hội ngày nay, lời mời gọi “Hãy ở lại trong tình thương của Chúa” luôn là một động lực mạnh mẽ, thúc bách người Ki-tô hữu đến gần Chúa hơn. Năm Lòng Chúa Thương xót như là một phương thế cụ thể mà Đức Giêsu qua Giáo Hội giang rộng vòng tay đón nhận và ôm ấp bất kỳ ai đến với Ngài.