2020
Cắt tỉa để sinh hoa trái
13.5.2020
Thứ tư tuần V PS
Ga 15, 1-8
CẮT TỈA ĐỂ SINH HOA TRÁI
Hình ảnh cây nho và các cành nho cho thấy sự ở lại thâm sâu và sự hiệp thông thường trực giữa Chúa Giêsu và các môn đệ chân thật của Người, đồng thời nêu bật dây liên kết bên trong bằng việc mang hoa trái. Giống như cành nho, vì liên kết với cây nho, được thông dự vào sự sống của cây nho, người tín hữu, nhờ gắn bó với Đức Kitô, được thông dự vào sự sống chân thật, là sự sống của chính Thiên Chúa.
Tuy vậy, sự thông dự này bó buộc họ phải sống và hành động theo nếp sống mới đã được Chúa Giêsu mạc khải cho biết. Niềm tin vào Chúa luôn được thử thách, gọt dũa và cắt tỉa như hình ảnh của cây nho.
Hệ quả của sự cắt tỉa trong việc trồng nho: Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mầm non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.
Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt : ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo : thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chúa Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài.
Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chúa Giêsu được diễn tả trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần tuý của con người, mà chính là lòng thủy chung của con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mang lại những trái xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa : cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn nhành thừa thải của ích kỷ.
Giáo hội Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo hội: sức sống của Giáo hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu dương bên ngoài, hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tự do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt; đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo hội trổ sinh hoa trái dồi dào.
Ta còn nhớ rằng lời của Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm người trồng nho, là chính Chúa Cha. Thật vậy, Người nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c. 1) ; và Người nói tiếp : « Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” » (c. 8). Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao chúng ta làm phát sinh ? và chúng ta phải làm sao để làm phát sinh nhiều hoa trái ? Và Chúa Cha không chỉ ước ao chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho.
Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây nho vào Mầu nhiệm Phục sinh và Khổ Nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ gốc nho này chúng ta lãnh nhận nhựa sống và sống sự sống của Chúa Giêsu, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Giêsu, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Ngài. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :”Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc “ở lại” cách thâm sâu và trung tín với Chúa”. Điều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì “nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho” (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, “các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,5).
Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm. Nhưng thử hỏi : kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái ? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái dễ chịu của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 6).
Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.
Và để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Chúa Giêsu; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha.
2020
Ơn bình an
12.5.2020
Thứ Ba tuần V PS
Ga 14, 27-31
ƠN BÌNH AN
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (c. 27). Sự bình an mà Chúa Giêsu ban không có nghĩa là không có những trắc trở gian nan như mặt hồ lặng sóng nhưng là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn khi phải đối mặt với phong ba bão táp. Người luôn tin tưởng phó thác vào Chúa Cha nên đã có được bình an trong tâm hồn mặc dù những thử thách đang bủa vây.
Khi Chúa Giêsu biết mình sắp bị giới lãnh đạo Do Thái bắt nộp, bị môn đệ Giuđa phản bội và giờ Chúa Cha tôn vinh đã cận kề, Người đã trăn trối lại cho các môn đệ những lời tâm huyết sau cùng. Các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi còn tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Hiểu được tâm trạng đó, Chúa Giêsu hứa ban bình an và niềm vui của Người cho các ông.
Các môn đệ lo lắng sợ hãi vì không biết phải đi con đường nào giữa trăm ngàn ngã rẽ, không biết tin cậy vào đâu trước những thế lực xấu đang bủa vây. Chúa Giêsu đã động viên các ông và khẳng định “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ai đi theo con đường của Chúa chắn chắn sẽ tới đích. Ai tin vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Ngược lại ai cậy dựa vào sức riêng mình và sự bảo đảm của cải vật chất trần gian sẽ phải gánh chịu nỗi bất an ê chề.
Người ta có thể có được sự bình an khi cuộc sống không có chiến tranh hận thù ghen ghét. Sự bình an của thế gian ban có thể được bảo đảm bằng của cải vật chất, bằng những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Sự bảo đảm này có giá trị nhất định, nhưng Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến xa hơn trong niềm tin Kitô giáo, đó là sự bình an đích thực nơi Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã đón nhận mọi đau khổ, đã uống trọn chén đắng Cha trao để nên một trong thánh ý Cha, Người đã đánh đổi cả mạng sống để cho nhân loại được bình an.
Bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai bước theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Trong Thánh Kinh, từ thời Cựu Ước, người ta dùng từ “bình an” để chào hỏi nhau lúc gặp gỡ. Còn ngôn sứ Isaia thì tiên báo Đấng Messia sẽ là “Hoàng Tử Bình An”. Khi Chúa Giêsu sinh hạ nơi hang đá Bêlem, các thiên thần cũng đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình An dưới thế cho người Chúa thương”. Như thế, Chúa Giêsu chính là sự Bình An đích thực của Thiên Chúa, và sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống từ trời chính là ban bình an cho nhân loại.
Sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian qua lời thiên sứ hát mừng là “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”, thì nay khi sắp lìa bỏ những người Chúa thương mà trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng để lại ơn bình an ấy. Ơn bình an mà từ đây, những người theo Chúa thì không còn sợ hãi tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Thật vậy, khi có Chúa, Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay tự bây giờ, mà còn hi vọng được về “quê Bình An” vĩnh cửu trên trời.
Bình an là điều tốt lành ai ai cũng trông mong. Người sống trong chiến tranh mong hòa bình mau trở lại. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, lòng người vẫn khắc khoải trước bao thách đố xảy ra hằng ngày. Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ, cũng như cho cả chúng ta, sự bình an quý giá vô vàn so với thứ bình an không có chiến tranh.
Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì.” Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn luôn an bình thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn.
Bình an Chúa Giêsu trao ban là ân huệ phục sinh của Người. Hay nói cách khác: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2, 14). Ai có được Người thì chẳng còn thiết gì hơn nữa. Chỉ cần một lần được ẵm Chúa trên tay, cụ Simêon đã cảm thấy toại nguyện, nên bộc phát cầu nguyện: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 29).
Ngày hôm nay, có biết bao người đang sống trong bất an vì chiến tranh, bạo lực, ghen ghét, đố kỵ… Trong số đó, có người tìm kiếm hoặc cậy dựa vào thứ bình an giả tạo chóng qua, được xây dựng trên nền tảng của sự hưởng thụ vật chất và hào quang của địa vị, danh vọng trần thế. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết tìm đến với Chúa để đón nhận được nguồn bình an đích thực ngang qua việc biết tìm nương ẩn bên Chúa, sống trong sự hiện diện của Chúa và tín thác nơi sự quan phòng yêu thư ơng của Người.
Lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữa những tiếng ồn ào, huyên náo; nhưng thật sâu bên trong lại chẳng an tâm. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật.
2020
Yêu và giữ Lời
11.5.2020
Thứ hai tuần V PS
Ga 14, 21-26
YÊU VÀ GIỮ LỜI
Lời Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng hôm nay là một soi sáng cho chúng ta về căn bản của tình yêu mà mỗi người chúng ta cần phải có đối với Thiên Chúa: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc về tình cảm. Nếu có được những rung cảm ấy thật quí, chúng là các dấu chỉ cho phép tin tưởng rằng: chúng ta đang yêu mến Ngài.
Yêu và giữ lời người mình yêu, đó là một kinh nghiệm mà ai đó đang yêu hay đã trải qua tình yêu đều thấu hiểu. Khi yêu, ta muốn cho người mình yêu được hạnh phúc.
Một khi yêu thương một người cách đích thực, ta rất dễ dàng tự ý từ bỏ quan điểm riêng, sở thích riêng của mình để sống hòa hợp với ý muốn và ước vọng của người mình yêu. Nghĩa là, ta không còn chỉ sống cho riêng mình, nhưng sống cho và sống vì người mình yêu mến. “Yêu mến và giữ lời” đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đòi buộc nơi mỗi người. Nếu ai đó hỏi tôi, hay hỏi bạn rằng “bạn có yêu mến Chúa Giêsu không?” Thì chắc hẳn câu trả lời sẽ là “có, tôi yêu mến Người”. Tiếp đến, bạn có thể sẽ được hỏi “dấu chỉ nào chứng thực bạn yêu mến Chúa Giêsu”. Với câu hỏi này, chúng ta sẽ có rất nhiều những câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, câu trả lời đúng và đẹp lòng Chúa nhất có thể là “Tôi giữ lời Người truyền dạy cho tôi”.
Bằng chứng lòng mến Chúa là tuân giữ Lời Chúa. Tình yêu có tính cách hỗ tương, nên người yêu mến Chúa sẽ được Chúa yêu mến và tỏ mình ra cho. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21). Điều này cho thấy Thiên Chúa mà chúng ta yêu mến, không phải là một Thiên Chúa xa vời, nhưng Người ở rất gần, thậm chí là ở trong và ở với chúng ta “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Chúa tỏ mình ra cho những ai đón nhận Lời Chúa, những ai tự do chấp nhận Chúa. Người không đến cứu giúp cách lạ thường, không làm những điều kỳ diệu, ngoạn mục để áp lực con người tin theo Chúa. Chúa chỉ đến cư ngụ nơi nhà những ai vì tình yêu mở cửa đón Chúa trong thân tình. Những ai càng cặn kẽ giữ Lời Chúa, thì chứng tỏ lòng yêu mến Chúa đích thực, vì vậy, càng xứng đáng được Thiên Chúa ngự vào lòng kẻ ấy. Điều này làm chúng ta xác tín về diễm phúc được Thiên Chúa ngự trong ta, vì “Thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19).
Như vậy, khi chúng ta để cho Lời Chúa làm chủ và để Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng đời mình thì thân xác ta nên đền thờ, là nơi Chúa ngự và ở lại. Chỉ có đức tin được thúc đẩy bởi lòng mến mới có thể cảm nghiệm được diễm phúc có Chúa ở cùng, nhất là khi lãnh nhận Thánh Thể.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính…Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động ở thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy”. Mỗi lần, bạn ấy xin cha mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo: “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình: “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.
Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Chúa Giêsu và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được. Dù thế, chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Kitô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.
Tuy nhiên, nếu chưa có cũng chẳng nên bận tâm, vì chúng chỉ là những phản ứng trong cơ thể chứ không phải là điều kiện của tình yêu. Một tình yêu đúng nghĩa đòi buộc phải tìm đủ mọi cách để làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu. Dừng lại tất cả nơi rung cảm phần nào nói lên tâm trạng vị kỷ nơi con người muốn cho đi nhưng đồng thời lại bù đắp, cái tôi vẫn là tâm điểm của tình yêu.
Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu trở nên khuôn mẫu của tình yêu. Cuộc đời của Ngài là một thể hiện trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Ðối diện với Thập Giá và cái chết, Chúa Giêsu run sợ chẳng muốn nhận lấy, nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha. Sau cùng, Ngài đã uống cạn chén đắng để chu toàn trọn vẹn thánh ý Cha.
Chúa Giêsu đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ của Ngài đi lại con đường Ngài đã đi qua: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Giữ lời Chúa Giêsu cũng là yêu mến Thiên Chúa Cha. Vì lời Ngài là của Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Lời dạy của Chúa Giêsu là gì, nếu không phải là gì khác là biết quên mình vì Chúa và vì anh em, quên đi bản thân bằng cách dành cho Thiên Chúa và tha nhân một chỗ đứng ưu tiên trong tư tưởng và hành động.
2020
Tìm kiếm Thiên Chúa
9.5 Thứ Bảy
Ga 14, 7-14
TÌM KIẾM THIÊN CHÚA
Khi nghe Chúa Giêsu mạc khải về Chúa Cha, các môn đệ đã nêu ra một ước muốn không chỉ của các ông, nhưng còn là điều mơ ước của biết bao người: được tận mắt chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa Cha. Các ông vẫn chưa biết rằng “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” vì “chính Cha ở trong Thầy”. Chúa Giêsu chính là Lời, là Mạc Khải trọn vẹn của Chúa Cha. Như thế, muốn được thấy Chúa Cha thì phải đến với Chúa Giêsu. Ai không biết và yêu mến Chúa Giêsu thì không thể nhận ra dung mạo của Chúa Cha; ngược lại, ai càng gắn bó và thân thiết với Chúa Giêsu thì sẽ dàng nhìn thấy và yêu mến Chúa Cha.
Thánh Gioan lặp đi lặp lai từ “ở trong” để nói lên sự hiệp nhất ấy. Sứ vụ của Chúa Giêsu là: Ngài được Cha sai đến trần gian để thực hiện nhiệm cục cứu độ theo ý Cha và Ngài đã thực hiện điều đó không chỉ trong ý muốn, trong tình yêu mà cả trong hành động nữa bằng chính cái chết đau thương của Ngài. Vì yêu Cha nên ý Cha và ý Ngài trở thành một: “……nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”.
Tin mừng hôm nay ta thấy Philipphê, một trong nhóm mười hai đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Chắc hẳn khi nói điều đó Philipphê đã liên tưởng đến hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang Ngài trên núi Sinai, một Thiên Chúa mà Môsê chỉ được thấy phía sau lưng Ngài. Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc và thời giờ để để tìm đến những nơi xẩy ra sự lạ, đối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cho cả cuộc đời.
Đáp lại yêu cầu Philipphê, Chúa Giêsu đã đưa ra một khẳng định và một câu hỏi : trước hết Ngài nêu lên một chân lý : “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”, đó là một thực tại đã quá hiển nhiên : câu hỏi tiếp sau đó như một nhắc nhở cho Philipphê : Hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm, không phải là của Thầy, mà là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philipphê cũng là lời nhắc nhở chúng ta : đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xẩy ra trước mắt mà chẳng nhìn thấy : hằng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ, nhưng đã thấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài ? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Chúa Giêsu luôn là biểu lộ về Cha và Ngài luôn tìm mọi cách để hiệp nhất với Cha trong ý chí cũng như trong hành động. Đó cũng là lý tưởng sống của mọi Kitô hữu chúng ta: cuộc sống của ta phải là một biểu lộ không ngừng về Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Các Thánh đã sống cách sống ấy: một nông dân đã khai trước tòa án phong thánh về nhận định của ông đối với Cha Sở xứ Ars: “Tôi đã thấy Thiên Chúa hiện diện trong một con người”.
Thật thế, để sống được như vậy thì ta phải mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu là mọi suy nghĩ, hành động và ý chí đều phải quy về Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời… (Kinh Lạy Cha). Sống như thế không phải là “vong thân” như lời kết án của Nietzsche, Triết gia người Đức: “Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người càng đánh mất chính mình…vì thế, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.
Thật thế, không ai dám kết án Chúa Giêsu là vong thân khi cả cuộc đời của Ngài luôn sống và làm theo ý Chúa Cha, bởi Ngài sống và làm vì tình yêu Cha. Cũng như không ai dám kết án các linh mục, tu sĩ nam nữ đã đánh mất chính mình khi các ngài khấn giữ vâng lời, trinh khiết và khó nghèo, bởi các ngài khấn vì yêu.
Và không ai dám kết án một người chồng sẵn sàng hy sinh từ bỏ những tật xấu của mình như cờ bạc, rượu chè….là một người không sống đúng với bản tính thực của mình, một kẻ “sợ vợ”, bởi anh đã hy sinh vì yêu vợ. Có chăng chỉ có các bạn bài và bạn nhậu. Và càng không có ai dám kết án cuộc đời của một Kitô hữu là vô ích, là uổng phí, khi cả đời anh đã sống vì và cho Chúa; vì và cho tha nhân.
Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. Nhìn Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẽ tội lỗi…Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
Nhiều lúc chúng ta tự hỏi “tại sao tôi đã cố gắng rao giảng về Thiên Chúa, phục vụ tha nhân, nhưng tâm hồn vẫn chưa tìm được niềm vui và hạnh phúc?” Đó là vì chúng ta vẫn chưa nhận ra sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn chúng ta. Lời Chúa vẫn chưa thấm vào trong tâm hồn chúng ta. Thánh Thể Chúa chưa là của ăn nuôi dưỡng thực sự của chúng ta. Kinh Thánh chưa trở thành Lời yêu thương của Ngài dành cho chúng ta.
Nói cách khác, Thiên Chúa chưa phải là trung tâm của đời sống chúng ta. Chúng ta vẫn chưa tin và yêu mến Thiên Chúa đủ.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với tông đồ Philipphê cũng là lời Ngài muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay. Ðừng cho các quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là một điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm kiếm dấu lạ, nhưng rồi dấu lạ xảy ra trước mắt mà lại chẳng nhìn thấy. Hằng ngày qua lời truyền phép của linh mục, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trên bàn thờ mà đã mấy lúc chúng ta tỏ ra thái độ cung kính tin nhận Ngài. Và rồi trong cuộc sống, biết bao lời cầu khẩn, xin ơn được dâng lên Thiên Chúa, nhưng đã có lần nào chúng ta biết dừng lại để khám phá ra ơn lành của Ngài đã bị mất giữa chuỗi dài những quen thuộc thường xảy ra.
Ước gì chúng ta giữ mãi thái độ tìm kiếm, một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.