2020
Phục vụ tha nhân
7.5 Thứ Năm
Ga 13, 16-20
PHỤC VỤ THA NHÂN
Trong khung cảnh Bữa Tiệc Ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho các Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai đến là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy.”
Qua việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu dạy các ông về bài học phục vụ. Phục vụ không đơn thuần là làm việc này việc kia, nhưng trên hết là để nên giống Chúa Giêsu. Sự phục vụ không chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng là cả cuộc đời. Để sống theo gương phục vụ của Chúa Giêsu, các môn đệ đã trải qua nhiều gian nan vất vả, nhiều hy sinh, thậm chí đến mức hiến dâng mạng sống của mình. Các ngài đã được hưởng hạnh phúc Nước Trời mà Chúa hứa ban. Hạnh phúc đích thực đã đến với các môn đệ khi họ tiếp nối sứ mạng phục vụ của Chúa Giêsu, hạnh phúc đó cũng sẽ đến với những Kitô hữu biết đáp lại lời mời gọi của Ngài: “Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc” (Ga 13, 17).
Ngày nay, hai chữ “phục vụ” không có gì xa lạ với mọi người. Trên các bảng hiệu, các trang web, chúng ta nhìn thấy rất nhiều lần chữ “phục vụ”. Đi kèm với những mức độ phục vụ sang trọng là chi phí càng cao. Trong khi đó, Chúa Giêsu muốn mỗi người Kitô hữu có tinh thần phục vụ vô vị lợi, phục vụ vì danh Chúa. Giữa những bận rộn của bổn phận và công việc, làm sao có cơ hội phục vụ mọi người như Chúa mời gọi?
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi điều gì quá khả năng của chúng ta. Với tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn có thể chu toàn việc bổn phận với một thái độ mới mẻ: làm mọi việc cách chu đáo, hết mình không chỉ vì tiền lương nhưng để người khác được sử dụng những thành quả tốt nhất từ công việc của chúng ta. Chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc với người khác không chỉ vì công việc mà còn vì biết rằng họ là hình ảnh của Chúa. Qua những cử chỉ yêu thương, thái độ thân thiện, cách làm việc tận tụy, chăm chỉ, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô.
Bên các môn đệ thân tín, Chúa Giêsu đã trải lòng với các ông về những tâm tư của mình ; về những điều mà chính Ngài và các ông sẽ phải đối diện: Chúa Giêsu loan báo về sự phản bội của một môn đệ dù người này đã được tuyển chọn vào hàng những người thân tín. Thế nhưng chính ông lại phản bội Thầy mình: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”.
Trong khung cảnh của một giờ cùng chia sẻ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, Người đã nhắn nhủ các ông những lời lẽ chan chứa yêu thương. Các môn đệ cũng lắng nghe Chúa với cả con tim của mình. Hình ảnh này nhắc nhớ mỗi người chúng ta khi đến với Chúa Giêsu qua Thánh lễ, qua các giờ kinh hàng ngày, hàng tuần hay những phút giây ngắn ngủi bên Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là những giây phút thân tình bên Chúa.
Cuộc gặp gỡ đó nhiều lúc chỉ hời hợt, thờ ơ trước Chúa. Có những lúc, ta chỉ mong sao Thánh Lễ cho nhanh, đọc kinh cho lẹ. Giây phút đó thoảng qua, không để lại một chút suy tư lắng đọng trong tâm hồn, nó phản ánh cái trống rỗng trong tâm hồn, một tâm hồn thiếu vắng Giêsu. Nhưng cũng nhiều lúc ta cảm thấy ấm áp, thân tình với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo.
Cuộc gặp gỡ này mang lại cho ta sự bình an trong tâm hồn, giúp ta nếm cảm được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa. Những trải nghiệm của những phút giây gần gũi bên Chúa giúp ta biến đổi con người của mình nên con người mới. Cuộc gặp gỡ đó giúp ta sống thân tình hơn với tha nhân, nhìn tha nhân bằng cái nhìn cảm thông, yêu thương và dễ tha thứ.
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đón tiếp những người được Chúa sai đến: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ hành động thật rõ ràng; để đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến với nhân loại, ta phải đón tiếp những người được Chúa Giêsu sai đến. Trong cuộc sống hàng ngày, đã nhiều lần ta gặp gỡ những người được Chúa sai đến.
Đó là những người ẩn trong hình dáng của tha nhân chung quanh ta: một người hành khất, một người hàng xóm nghèo khổ đang sống cạnh ta; một người vô gia cư, một người đang phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo… Ta có vui vẻ, trân trọng đón nhận tất cả những người Chúa gửi đến cho ta, cho ta được tiếp xúc, gặp gỡ hàng ngày. Ta cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người ta không thích, những người luôn gây cho ta những phiền toái, những người ta luôn đố kỵ, ghen ghét, những người ta luôn muốn tránh mặt. Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài đã không loại trừ ai ra khỏi quỹ đạo yêu thương của Ngài. Chúa luôn mời gọi ta mở lòng đón tiếp mọi người, những người được Chúa sai đến, để nên giống Chúa trong mọi sự.
Trong hoàn cảnh nào Chúa cũng luôn mời gọi ta nên giống Chúa, nên giống Chúa qua việc yêu thương tha nhân, nhất là những người Chúa gửi đến cho ta. Chúa muốn ta đón tiếp Chúa qua họ. Để có thể đọc được thông điệp đó của Chúa, có thể nhận ra Chúa nơi tha nhân, chúng ta hãy ở lại bên Chúa trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những Lời Chúa dạy bảo, lắng nghe những chỉ dẫn của Chúa qua từng biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của ta.
2020
Tin vào Đức Giêsu Kitô – Đấng duy nhất cứu độ trần gian
Thứ Ba tuần IV PS
Ga 10, 22-30
TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ ĐẤNG DUY NHẤT CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, vì họ không thuộc về đoàn chiên của Ngài. Theo nghĩa phổ quát, mọi người đều là chiên của Chúa, vì mọi người đều được Chúa yêu thương dựng nên và hy sinh đổ máu cứu chuộc. Chúa Giê-su luôn thể hiện nguồn gốc của mình thuộc về Chúa Cha, bằng lời giảng dạy và việc làm. Đời sống của Ngài khiến những người đương thời nhìn nhận nơi Ngài không có điều gì gian dối, là “người vô tội” và là “Con Thiên Chúa”. Việc của Ngài làm chứng minh nguồn gốc của Ngài.
Người Do thái cần một câu trả lời dứt khoát xem Chúa Giêsu thực sự là ai, nhưng Ngài lại dẫn họ về căn nguyên của những gì Ngài làm. Đó là do sự ủy nhiệm tuyệt đối của Chúa Cha. Những gì Ngài nói và làm đều đã được lãnh nhận từ Cha. Không những thế, những kẻ thuộc về Ngài cũng được đưa vào mối quan hệ thân mật với Cha như Ngài vậy, vì Ngài và Cha là một. Do đó, ai thuộc về đoàn chiên của Ngài thì nghe tiếng Ngài và noi theo những hành động của Ngài, cho dù gặp phải những thiệt thòi, những khổ lụy và ngay cả những bách hại trên đường đời.
Tin nhận Chúa và chịu phép rửa tội. Vì giáo lý công giáo dạy: nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, được làm con Chúa, được gia nhập vào đoàn chiên Chúa là Giáo Hội. Và rồi phải nghe theo lời Chúa là mục tử tối cao, cũng như tuân giữ mọi điều răn và luật lệ Chúa truyền dạy với tình yêu mến.
Ðây là một thực tại cao cả nơi cuộc sống của những người tin vào Chúa, và Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những người Do Thái đến hỏi Chúa: “Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa, nếu ông là Ðức Kitô thì hãy nói trắng ra cho chúng tôi biết” (Ga 10,24). Thánh Gioan đã đặt những lời mạc khải trên của Chúa Giêsu về thực tại đời sống Ðức Tin của người Kitô hữu vào dịp lễ cung hiến Ðền Thờ Giêrusalem, và như ta đã biết, cổng đền thờ là nơi các thầy thông luật Do Thái đến để giải thích lề luật cho dân chúng, do đó Chúa Giêsu đến đây để giảng dạy cho dân chúng.
“Ta và Cha Ta, chúng ta là một”. Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Tin Mừng thánh Gioan: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả”. Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Hơn mọi sự, ta thấy Chúa Giêsu là một vị thầy hơn mọi vị thầy thông luật của Israel thời đó, vì Con Thiên Chúa Lam Người đã hiện diện nơi đó không những để giảng dạy lề luật, mà còn là Ðấng thay thế cho các bậc thầy vĩnh viễn. Như lời Chúa đã phán: “Chúng con không có vị thầy nào khác vì Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Ta thấy nhiều người Do Thái đã không thành tâm yêu mến Chúa, nên cho dù Chúa Giêsu ở giữa họ, có giảng dạy và làm nhiều phép lạ, họ vẫn không tin nhận, vì họ không thuộc đoàn chiên đích thực của Chúa.
Người Dothái không biết Đức Giêsu là bởi vì họ đã không nhận ra Ngài. Họ bị thói kiêu ngạo che lấp tâm trí, nên đứng trước biết bao nhiêu phép lạ, lời giảng dạy và nhiều mạc khải khác, họ vẫn bị mờ tối lương tâm nên không “biết” Đức Giêsu. Vì thế, khi được hỏi, Đức Giêsu đã khẳng khái trả lời cho họ biết nguyên nhân tại sao, đó là: “Vì họ không thuộc về đàn chiên của Ngài”. Bởi vì: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” Khi đã “biết” và nghe theo tiếng Chủ chiên là chính Đức Giêsu, thì sẽ được sự sống đời đời, không bao giờ diệt vong. Nhất là được đảm bảo khỏi sói dữ, quỷ thần ám hại, vì được ở trong vòng tay của Vị Mục Tử Nhân Lành.
Và đời Kitô hữu chúng ta khi theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão. Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ. Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày. Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn. Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu.
Chúng ta thuộc về đoàn chiên của Chúa Giêsu khi dõi bước theo Ngài, khi dám hành động theo những đòi hỏi của Ngài, và khi sống theo gương Ngài trong yêu thương, phục vụ và hiến thân mình cho người khác.
Là Ki-tô hữu nghĩa là được chọn để thuộc về Đức Ki-tô, thuộc về Thiên Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ quen thuộc, chúng ta dễ dàng để tuyên xưng như thế. Nhưng có những lúc rất ngại để nói mình là Ki-tô hữu, vì những việc chúng ta làm nghịch lại với nguồn gốc và ơn gọi của mình. Chính vì thế, ta phải xin thêm ơn để chúng ta tin và đáp lại đời sống đức tin của mình vào Đức Giêsu Kitô – Đấng duy nhất cứy độ trần gian.
2020
Mục tử nhân lành
Ga 10, 11-18
MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Gương mặt của Đức Kitô,vị mục tử đích thực đi ngược lại mọi hình thức quyền hành của con người chỉ biết tìm “xén lông” các kẻ khác vì lòng ích kỷ của mình hay vì trách nhiệm sứ vụ mà không quan niệm được như là tận hiến chính mình để phục vụ anh em. Chúa Giêsu tự nhận mình là người mục tử nhân lành, vì người biết các kẻ thuộc về mình và họ cũng biết Người.
Chúa Giêsu là mục tử đích thực và nhân lành, chỉ vì đời sống của Người hội nhập sự nhân lành và chân lý của Thiên Chúa Giao ước. Chỉ có Người muốn điều tốt lành và thánh thiện cho con người. Người đến chỉ vì điều này: ban cho họ sự sống tràn đầy. Thật vậy, đặc tính duy nhất của vị mục tử nhân lành – mà thánh Gioan lập lại 5 lần – là “ban sự sống mình cho đàn chiên”. Người nhân lành vì ban sự sống và “không có gì cao quí hơn để làm chứng cho tình yêu cho bằng trao ban sự sống cho người mình yêu.”
Chúa Giêsu là mục tử chăn dắt và yêu thương đàn chiên của mình. Có một mối tương giao giữa chủ chăn và đàn chiên. Chiên nghe tiếng chủ, và chủ chăn biết con chiên nào sót ngoài đồng. Mênh lệnh của Chúa Cha được Chúa Giêsu thực hành là hiến mạng sống vì đàn chiên, và Chúa Giêsu đã vâng lời đến chết trên thập giá.
Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Paléttin. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Chúa Giêsu tự ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ. Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô. Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Cha biết tôi và tôi biết Cha. Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều. Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.
Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do. Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo. Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.
Sau Phục Sinh, Chúa Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu. Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài. Chúa Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu. Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Mọi mục tử phải noi gương Ngài, dám chết để cho chiên được sống.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng và trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi.
Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, vì trong Người, mệnh lệnh và tự do đồng nhất với nhau : “Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta “(Ga 10, 18).
Chúa Giêsu yêu thương con người bằng một tình yêu thí mạng khi tự ví mình là “mục tử tốt lành”sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên. Người nói thẳng : “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Đối với Chúa Giêsu, tất cả là hiện tại, không có gì là quá khứ hay tương lai hết. Điều này đã được nói trong sách Khải Huyền : “Ta là Alpha và Ômêga chính là Ta, Chúa, Thiên Chúa phán, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, Đấng toàn năng!” (Kh 1, 8). Và trong sách Xuất Hành : “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: “Ta có” đã sai tôi đến với các người!” (Xh 3, 14).
“Ta là mục tử tốt lành”. Từ “mục tử” có nguồn gốc từ động từ “chăn nuôi”. Chúa Giêsu Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu mình hằng ngày trong bí tích Mình Thánh. Khi Samuen hỏi Giêsê, cha của Đavít : “Các cậu này tất cả là con trai của ông sao?” Ông đáp: “Còn đứa nhỏ nhất nữa; này nó đang phải chăn cừu!” (1S 16,11). Đavít, một con người bé nhỏ và khiêm nhu, đã chăn sóc đoàn chiên mình như một người mục tử.
Như vậy, mục tử thật thì luôn hết mình vì đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ lo vun vén cho bản thân. Mục tử thật không nói mà không làm, nhưng đi bước trước để chiên noi theo, hy sinh cho đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Kẻ chăn thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Người rong ruổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Người sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Người đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống, bởi như Người từng nói: “Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào”. Thực hiện mục đích ấy, Người đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.
Người “mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Những lời này tố cáo chúng ta ngày nay có không ít những mục tử giả hiệu,những kẻ bỏ rơi đàn chiên để chỉ lo cho bản thân. Như vậy họ là những mục tử dối trá họ đem tình yêu Thiên Chúa ra làm bức bình phong để lừa gạt, họ đã đẩy những con chiên hiền lành xuống vực thẳm khôn lường.
Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Người đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Người, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Người thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.
2020
Bánh Hằng Sống
Thứ Bảy tuần III PS
Ga 6, 52-59
BÁNH HẰNG SỐNG
Trang Tin mừng hôm nay nằm cuối trình thuật Bánh Hằng Sống, trong đó Chúa Giêsu tuyên bố Ngài chính là manna mới và đích thực, mang lại sự sống đời đời cho những ai “ăn thịt và uống máu” Ngài. Chúa Giêsu cố gắng thuyết phục người Do thái tin và đón nhận Ngài vì lợi ích của chính họ, nhưng thất bại. Lý do chủ yếu có lẽ nằm ở chỗ họ không thể vượt qua cách hiểu thông thường, vật chất về việc ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu, và cho đó là việc man rợ, mất nhân tính.
Tuy nhiên, ta cũng có thể nghĩ đến một lý do khác, đó là từ chỗ bất ngờ, họ đi đến chỗ nghi ngờ lòng yêu thương, nhân từ của Chúa Giêsu, Đấng tuyên bố hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của người khác.
Diễn từ về “Bánh Hằng Sống – Bánh Trường Sinh – Bánh Từ Trời…” khá dài nhưng nó đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu. Ở đây, Chúa Giêsu mạc khải căn tính của Người, đúng hơn là Người vén màn cho nhân loại thấy thiên tính của Người. Người chính là Ngôi Hai Thiên Chúa – Một chân lý mà sau này Giáo Hội phải mất một thời gian dài, mở các công đồng để xác định và chống lại các bè rối phủ nhận Chúa Giêsu có hai bản tính và Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói và nhấn mạnh “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống” (c. 53). Hậu quả của việc không đón nhận, không chấp nhận Người làm của ăn của uống nuôi dưỡng thân xác, thì kẻ ấy ắt phải chết. Có lẽ người Do Thái cảm thấy gớm ghiếc khi nói đến ăn thịt và uống máu một con người, huống chi đây lại khẳng định có vẻ ngạo mạn là : Nếu không ăn uống máu thịt Con Người ấy, thì sẽ chết.
Khi nghe Chúa nói như vậy, họ chỉ nghĩ về cái chết thể lý, nên họ cứng lòng. Họ chỉ quan tâm đến việc ăn thịt và uống máu con người Giêsu Nagiaret, nên họ không chịu tin. Họ không đào sâu tìm hiểu về Đấng Mêsia, về một vị Thiên Chúa đã làm người, về tình yêu Thiên Chúa đang tuôn tràn Ơn Cứu Độ, nên họ đã từ chối và có những lời lẽ, tư tưởng, hành vi xúc phạm đến Người.
Và ta thấy dù sao đi chăng nữa thì lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn bền vững. Chúac Giêsu vẫn kiên trì giải thích và dạy dỗ họ “Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời và kẻ ấy sẽ sống lại trong ngày sau hết” (c. 54). Chúa Giêsu đưa ra một chân lý mới. Chân lý này không khác chân lý trước, nhưng chỉ nói lên điều tích cực, nói lên niềm vui ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Ơn cứu độ này chính là cuộc sống muôn đời. Vì con người ai cũng “ham sống, sợ chết” và Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống sẽ thực hiện điều ấy cho những ai mở lòng đón nhận Ngài. Thiên Chúa là Đấng Trung Thành, Ngài không lừa dối ai bao giờ “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (c. 55).
Ta thấy chỉ có của ăn, của uống này mới nuôi sống con ngươì mà thôi. Của ăn của uống này mới thanh tẩy vết nhơ tội lỗi nơi con người do ông bà nguyên tổ gây nên và chính của ăn của uống ấy mới đưa con người tháp nhập vào đời sống vĩnh cửu của Ba Ngôi. Của ăn của uống này là “hàng thật”, đưa đến sự sống”thật”, vì đó chính là Thịt Máu của một con người đã nói “Tôi làm chứng cho Sự Thật. Ai nghe Sự Thật đứng về phía tôi”(Ga 18, 37), “Tôi là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống”(Ga 14, 6).
Hơn nữa, “nếu ai ăn thịt và uống máu, kẻ ấy sẽ ở lại trong Người và Người sẽ ở lại trong kẻ ấy”(c. 56). Như vậy, nếu chúng ta ăn và uống máu Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu sẽ sống trong ta và ta sống trong Chúa Giêsu. Lúc đó, ta và Chúa Giêsu sẽ nên một, như Đức Lang Quân kết hiệp với Hiền Thê. Thiên Chúa kết hiệp với con người. Khi đó, Chúa sẽ biến máu tội lỗi của ta sẽ trở thành máu công chính, thịt con người trở thành thịt của Con Thiên Chúa. Thân xác nhơ bẩn của ta sẽ nên sáng láng như thân xác phục sinh của Người. Trong chúng ta sẽ có giòng máu và sự sống của chính Thiên Chúa.
“Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà sống như vậy” (c. 57). Chúa Giêsu so sánh giữa việc kết hợp giữa Người với kẻ ăn thịt và uống máu Người như việc kết hợp giữa Chúa Con và Chúa Cha vậy. Nếu ta ăn thịt và uống máu Người, ta sẽ sống nhờ người như Người đã sống nhờ Cha. Từ đó, ta đi vào tương quan với Ba ngôi Thiên Chúa, được thông phần sự sống và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ba Ngôi. Vậy, khi ăn thịt và uống máu Chúa, ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là “ Đức Kitô sống trong ta” (Gal 2, 20).
Thế giới mà chúng ta đang sống vẫn bị đánh giá là ngày càng ích kỷ. Con người ngày càng thu mình lại, nhiều lúc vì lợi ích của mình mà bất chấp mọi điều khác. Sống trong một xã hội như thế, có nguy cơ con người không những không làm điều tốt cho người khác, nhưng tệ hơn, còn tỏ ra nghi ngờ, dè chừng trước những việc tốt của người khác, vì cho rằng nó trái “tự nhiên” và chỉ là vỏ bọc bên ngoài.
Như vậy, nhân loại sẽ không còn là cộng đồng hiệp thông, nhưng biến mình thành ốc đảo, thành “kẻ thù” của nhau. Người môn đệ Chúa Giêsu được mời gọi đem tinh thần yêu thương của Tin Mừng thấm nhập vào mọi thực tại của thế giới này, giới thiệu và giúp mọi người tiến tới Chúa Giêsu, Tình Yêu tự hiến và là khuôn mẫu của mọi tình yêu. Để làm được điều đó, người môn đệ trước hết phải cảm nhận cách sâu xa tình yêu trao ban của Chúa Giêsu qua việc siêng năng lãnh nhận Thánh Thể, và lấy đó làm khuôn mẫu cho mình.
Kết thúc trang Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc lại một lần nữa về chân lý mà người Do Thái không chịu tin nhận “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (c. 58).
Và rồi ta nhận ra lòng thương xót của Chúa Cha qua Chúa Giêsu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (3, 16), nhưng chúng ta vẫn dửng dưng và từ chối “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (1, 11).
Thực tế, nếu chúng ta đón nhận Con của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ (3, 17). Như người cha hằng mong đứa con đi hoang trở về, như người mục tử đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất, như bà goá soi đèn, quét nhà tìm thấy đồng bạc bị mất (Lc 15). Thiên Chúa cũng khắc khoải đi tìm con người và Ngài bao dung, rộng lượng đón nhận chúng ta trở về với Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa đã đi bước trước trong công cuộc hoà giải chúng ta với Ngài bằng giá máu của chính Con Một yêu dấu của Ngài. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con là kẻ có tội.