Mục tử nhân lành
Ga 10, 11-18
MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Gương mặt của Đức Kitô,vị mục tử đích thực đi ngược lại mọi hình thức quyền hành của con người chỉ biết tìm “xén lông” các kẻ khác vì lòng ích kỷ của mình hay vì trách nhiệm sứ vụ mà không quan niệm được như là tận hiến chính mình để phục vụ anh em. Chúa Giêsu tự nhận mình là người mục tử nhân lành, vì người biết các kẻ thuộc về mình và họ cũng biết Người.
Chúa Giêsu là mục tử đích thực và nhân lành, chỉ vì đời sống của Người hội nhập sự nhân lành và chân lý của Thiên Chúa Giao ước. Chỉ có Người muốn điều tốt lành và thánh thiện cho con người. Người đến chỉ vì điều này: ban cho họ sự sống tràn đầy. Thật vậy, đặc tính duy nhất của vị mục tử nhân lành – mà thánh Gioan lập lại 5 lần – là “ban sự sống mình cho đàn chiên”. Người nhân lành vì ban sự sống và “không có gì cao quí hơn để làm chứng cho tình yêu cho bằng trao ban sự sống cho người mình yêu.”
Chúa Giêsu là mục tử chăn dắt và yêu thương đàn chiên của mình. Có một mối tương giao giữa chủ chăn và đàn chiên. Chiên nghe tiếng chủ, và chủ chăn biết con chiên nào sót ngoài đồng. Mênh lệnh của Chúa Cha được Chúa Giêsu thực hành là hiến mạng sống vì đàn chiên, và Chúa Giêsu đã vâng lời đến chết trên thập giá.
Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Paléttin. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Chúa Giêsu tự ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ. Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô. Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Cha biết tôi và tôi biết Cha. Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều. Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.
Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do. Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo. Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.
Sau Phục Sinh, Chúa Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu. Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài. Chúa Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu. Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Mọi mục tử phải noi gương Ngài, dám chết để cho chiên được sống.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng và trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi.
Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, vì trong Người, mệnh lệnh và tự do đồng nhất với nhau : “Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta “(Ga 10, 18).
Chúa Giêsu yêu thương con người bằng một tình yêu thí mạng khi tự ví mình là “mục tử tốt lành”sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên. Người nói thẳng : “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Đối với Chúa Giêsu, tất cả là hiện tại, không có gì là quá khứ hay tương lai hết. Điều này đã được nói trong sách Khải Huyền : “Ta là Alpha và Ômêga chính là Ta, Chúa, Thiên Chúa phán, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, Đấng toàn năng!” (Kh 1, 8). Và trong sách Xuất Hành : “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: “Ta có” đã sai tôi đến với các người!” (Xh 3, 14).
“Ta là mục tử tốt lành”. Từ “mục tử” có nguồn gốc từ động từ “chăn nuôi”. Chúa Giêsu Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu mình hằng ngày trong bí tích Mình Thánh. Khi Samuen hỏi Giêsê, cha của Đavít : “Các cậu này tất cả là con trai của ông sao?” Ông đáp: “Còn đứa nhỏ nhất nữa; này nó đang phải chăn cừu!” (1S 16,11). Đavít, một con người bé nhỏ và khiêm nhu, đã chăn sóc đoàn chiên mình như một người mục tử.
Như vậy, mục tử thật thì luôn hết mình vì đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ lo vun vén cho bản thân. Mục tử thật không nói mà không làm, nhưng đi bước trước để chiên noi theo, hy sinh cho đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Kẻ chăn thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Người rong ruổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Người sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Người đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống, bởi như Người từng nói: “Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào”. Thực hiện mục đích ấy, Người đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.
Người “mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Những lời này tố cáo chúng ta ngày nay có không ít những mục tử giả hiệu,những kẻ bỏ rơi đàn chiên để chỉ lo cho bản thân. Như vậy họ là những mục tử dối trá họ đem tình yêu Thiên Chúa ra làm bức bình phong để lừa gạt, họ đã đẩy những con chiên hiền lành xuống vực thẳm khôn lường.
Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Người đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Người, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Người thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.