Đừng sát nhân nữa
1.6.2020 Thứ Hai
Mc 12, 1-12
ĐỪNG SÁT NHÂN NỮA
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “những người làm vườn nho sát nhân” để nói lên thực trạng thái độ của con người xưa và nay đối với lời mời gọi nên công chính của Thiên Chúa. Bằng cách dùng hình ảnh những tá điền sát nhân, Chúa Giêsu cho thấy thái độ phản nghịch và ngoan cố của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do Thái trước lời kêu gọi hoán cải và tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa, đã được loan báo qua các ngôn sứ và Người Con. Bằng cách nói: “người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ”, Chúa Giêsu ám chỉ chính Ngài là Con Thiên Chúa, Người được Thiên Chúa sai xuống thế làm người, để công bố Tin Mừng Nước Trời và để cứu độ nhân loại qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Mở đầu chương 12, tác giả cho thấy Chúa Giêsu miêu tả về một người chủ vườn nho. Ông ta có vẻ quí mến và quan tâm khá nhiều đến vườn nho của ông. “Ông rào giậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh…. rồi cho tá điền canh tác….” (c. 1). Trước khi đi xa, ông chủ đã bố trí, sắp dặt mọi công việc đến nỗi ông tin tưởng giao vườn nho cho các tá điền trong thời gian ông vắng mặt. Vì công việc bận rôn nơi phương xa, và không thể về để thu hoạch hoa lợi,nên ông phái đầy tớ của ông đến, thay mặt ông thu góp mùa màng (c. 2).
Ở đây chúng ta thấy rõ 2 thái cực đối lập. Ông chủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và các tá điền chỉ việc chăm sóc, thu hoạch không vất vả. Giậu đã rào. Bồn đã xây và có cả tháp canh để trông chừng kẻ cướp. Các tá điền chỉ việc tưới bón, cắt tỉa… đến mùa hái nho cho vào bồn đạp nho.
Vậy mà các tá điền không thu hoa lợi cho chủ. Họ muốn chiếm đoạt cho họ phần hoa lơị này và cả vườn nho nữa. Họ đánh đập những đầy tớ đến thu hoa lợi, đuổi họ ra về tay không. Ông chủ không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng họ nên sai đầy tớ khác đến, vì cho rằng : có lẽ đầy tớ trước không biết cách thu hoa lợi chăng ? Càng ngày ông càng sai nhiều nhóm đầy tớ khác nhau đến, nhưng kết quả “ tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.
Hơn nữa họ còn bị đánh đập, bị hạ nhục và bị giết chết (c. 3-5). đến nỗi ông không còn đầy tớ để sai đi nữa ( có lẽ một phần bị giết hại, một phần vì quá sợ… nên không ai dám làm việc cho chủ nữa). Cuối cùng, ông chỉ còn một người nữa oà người con yêu dấu. Ông quyết định cử cậu con trai yêu quí của mình đến gặp họ để giải quyết vấn đề vì nghĩ rằng : Ít ra chúng sẽ tôn trọng con trai ta (c. 6)
Công trình của Thiên Chúa khác hẳn với dự tính của chúng ta. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ. Tảng đá đó là Đức Giêsu. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm tảng đá góc, nối kết các dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa với dân Do Thái (người tin vào Chúa Giêsu). Nhờ Chúa Giêsu mà hai bức tường này đựơc liên kết dính liền với nhau, do đó bảo đảm sự vững chắc của chúng.
Sau một chuỗi giải thích và phân tích dụ ngôn, các thầy thượng tế, kinh sư chợt hiểu ra một điều là: Chúa Giêsu đang có ý nhằm nói đến họ. Và họ tìm cách bắt Chúa Giêsu vì sự xỉ nhục này, nhưng họ sợ đám đông, vì dân chúng đang say mê lắng nghe giáo thuyết của Ngài : một vị giảng sư có uy quyền trong lời nói và việc làm chứ không như các kinh sư của họ. Họ không bắt được Chúa Giêsu vì có lẽ chưa đến giờ của Ngài. Thế là họ đành bỏ Ngài mà đi. Họ bỏ đi để chờ dịp thuận tiện.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu lên án nhiều người Do Thái xưa và nhiều người thời nay luôn cứng lòng tin, luôn tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, và lôi kéo người khác làm theo, nhưng Thiên Chúa thì vẫn luôn yêu thương và nhẫn nại với họ. Thiên Chúa còn khẳng định rằng họ vẫn luôn cần đến Ngài qua con người và sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu xác nhận điều ấy bằng lời: “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”(Mc 12, 10-11). Dù con người có tin hay không, chấp nhận hay chối bỏ, thì sự thật vẫn là Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, và nhờ Ngài mà hết thảy những ai tin vào Kinh Thánh và sống như thế, sẽ được sống lại và sống đời đời.
Từ dụ ngôn ấy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khuôn mặt của mình ẩn núp đâu đó trong hình ảnh những tá điền sát nhân. Đó là khi chúng ta nghi ngờ sự hiện hữu hoặc tình yêu của Thiên Chúa. Đó là khi chúng ta chạy theo tiền bạc, của cải, những vui thú trần thế mà bỏ lơ lời mời gọi sống theo giới luật mến Chúa yêu người. Đó là khi chúng ta rơi vào não trạng duy lý, duy khoa học và duy thế tục, mà thực hành lối sống như thể đã chối bỏ đức tin của mình.
Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn ở đó, bên cạnh chúng ta, và luôn kiên nhẫn, chờ đợi chúng ta quay về. Ngài mãi yêu thương, tỏ mình cho chúng ta qua Hội Thánh hữu hình của Ngài, và qua chính những người sống quanh ta. Chúng ta được mời gọi để điều chỉnh lại lối sống của mình, cũng là để tái khám phá khuôn mặt nhân từ của Ngài vốn hằng hiện diện trong cuộc đời ta. Ngài muốn ta sống gắn bó với Ngài ngay giữa những thực tại trần thế này.
Qua và với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ các thủ lãnh tôn giáo Do thái đã khai thác vườn nho, đó là Dân Chúa, nhưng họ đã dùng hoa quả thiêng liêng để trục lợi vật chất. Mỗi lần Chúa gửi các sứ giả tới, để kéo dân chúng quy về với ơn gọi chân chính của mình, thì họ đã giết các sứ giả đó và giết luôn Con Một Thiên Chúa. Họ phải chuốc lấy thảm bại và hình phạt. Con Thiên Chúa sẽ trở nên viên đá góc một ngôi nhà mới là Hội Thánh. Dân Thiên Chúa, vườn nho của Chúa, sẽ được giao cho các thủ lãnh khác trong thời Tân ước. Cũng vậy, Thiên Chúa tôn trọng và tín nhiệm mỗi người chúng ta khi trao cho mỗi người trách nhiệm phù hợp với khả năng của mình: bậc sống, địa vị, tài năng, phương tiện sống…