2020
Ý hướng của Luật
10.6.2020 Thứ Tư
Mt 5, 17-19
Ý HƯỚNG CỦA LUẬT
Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, đã nhiều lần, nhóm Pharisêu và Kinh sư phê phán Chúa Giêsu, họ cho rằng Ngài xem thường lề luật. Thế nhưng, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại khẳng định, Ngài đến không phải để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật. Ngài kiện toàn lề luật bằng hai cách: Thứ nhất, Đức Giêsu cho thấy lề luật được lập ra nhằm phục vụ con người, chứ con người được tạo nên không phải để tuân giữ luật. Thứ hai, Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách nội tâm hóa lề luật. Nghĩa là lề luật được tuân giữ không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại cõi lòng con người. Từ hai nguyên tắc kiện toàn trên, Đức Giêsu lần lượt trưng dẫn một loạt các khoản luật Môsê, trưng dẫn không phải để hủy bỏ nhưng để cho thấy Ngài kiện toàn như thế nào.
Thoạt đầu, ki nghe những giáo huấn của Chúa Giêsu, nhiều người lầm tưởng là Ngài đến để hủy bỏ luật Môsê. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã khẳng định một cách rõ ràng rằng Ngài đến không phải để hủy bỏ nhưng để kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đến dạy cho con người biết tình yêu là giá trị và quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Chỉ khi có tình yêu thì lề luật mới làm cho con người cảm thấy tự do đích thực. Ngài dạy chúng ta biết giữ luật không phải vì bổn phận nhưng là vì lòng mến. Chúng ta phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở thành công dân Nước Trời.
Lề luật là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27). Đã là phương tiện thì phải nhằm phục vụ mục đích. Để đạt một mục đích thì không chỉ có một phương tiện duy nhất. Hơn nữa, khi không thể đạt mục đích hay đang đi lệch mục đích thì phương tiện không còn cần thiết và nhiều khi phải từ bỏ nó. Luật giao thông có ra là nhằm giúp những người tham gia giao thông được đi lại dễ dàng, thuận lợi và nhất là được an toàn.
Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới quy định “đi phía bên phải”. Giả dụ một người đang lái xe máy đang đi bên phải mà bỗng có một em bé từ lề phải chạy, người lái xe khi ấy vì không thắng kịp nên đã lái xe qua phía bên trái. Chắc chắn không một ai quy kết người kia lỗi luật giao thông. Cái phương tiện là luật đi bên phải lúc bấy giờ cần phải bỏ qua vì không thể đạt mục đích mà thậm chí còn trái với mục đích là bảo đảm an toàn giao thông.
Trên núi Sinai, Đức Chúa trao cho ông Môsê hai bia đá có khắc Mười điều luật để ông trao cho dân Ítraen như một giao ước thánh. Lề Luật Thiên Chúa ban ra là để phục vụ con người đồng thời giúp con người tìm về thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, luật đã bị méo mó do cách giải thích và thực hành quá tỉ mỉ và nặng hình thức của Pharisiêu và kinh sư. Lề Luật, thay vì diễn tả giao ước tình thương lại trở thành gánh nặng, thay vì phục vụ lại đè bẹp con người. Và khi chứng kiến những lời nói, hành động của Chúa Giêsu, những người này cho rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật của người Do Thái.
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê. Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con. Do vậy, Chúa Giêsu không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa. “Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”
Chúa đến không phải hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn. Chúa kiện toàn khi cho thấy không chỉ việc xâm phạm sự sống, mới là tội, nhưng cả khi làm hại tâm hồn cũng là một điều dữ. Xin cho chúng con đừng bao giờ làm hại phẩm giá tha nhân bằng những lời nói hành, nói xấu, vu khống, hoặc gây thiệt hại tâm hồn tha nhân, nhất là gương xấu cho giới trẻ. Chúa kiện toàn lề luật khi dạy chúng con: tội không chỉ là những hành động bên ngoài, mà tội còn đến từ lòng người, vì từ lòng người là nguồn tuôn đổ hành động. Nguồn có sạch thì hành động bên ngoài mới thiện hảo. Xin cho chúng con luôn nhớ tâm địa quanh co sao gặp được hạnh phúc, để chúng con tập sống công chính đẹp lòng Thiên Chúa để Chúa ngự trị và từ đó sẽ phát sinh những lời nói và hành động tốt lành.
Xã hội chúng ta đang sống cũng có biết bao nhiêu thứ luật lệ. Luật lệ được đặt ra nhằm đảm bảo cũng như phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Nhưng ngày nay cũng có những điều luật phá vỡ tình người, làm băng hoại đạo đức và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa như: cho phép ly dị, phá thai, hay chấp nhận hôn nhân đồng tính… Giáo hội không đồng tình với những đạo luật này. Là những người Kitô hữu, chúng ta có chọn đứng về phía Giáo Hội? Chúng ta có thấy những luật lệ của Giáo hội làm mất sự tự do của chúng ta chăng? Luật giữ ngày Chúa nhật hay luật hôn nhân Công giáo có làm mất đi sự thoải mái của chúng ta trong cuộc sống không? Thái độ của chúng ta trong việc thực thi những điều luật này như thế nào?
Luật yêu thương là luật tối thượng. Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Dù xác đinh là giới răn trọng nhất, nhưng chúa Giêsu đã phân thành hai điều trên dưới khác nhau là mến Chúa và yêu người. Chính nhờ biết kính mến Thiên Chúa nên chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân vượt quá cảm tính thường tình để rồi có thể yêu thương cả kẻ thù, yêu thương người bắt bớ, làm hại mình (Mt 5,43-48).
Tuy nhiên, tương tự như các bậc mẹ cha thường đón nhận việc con cái yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là cách thế báo hiếu mẹ cha tuyệt vời nhất thì Thiên Chúa đã đoái nhận việc con người yêu thương nhau thật tình là cách thể tỏ bày lòng mến Chúa tuyệt hảo. Sau khi giảng dạy dân chúng nhiều điều thì Chúa Giêsu đã tóm gọn: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12; Lc 6, 31).
Nhìn thực tế cuộc sống hôm nay, hầu như mọi người chúng ta đều vẫn giữ luật « Chớ giết người ». Nhưng chúng ta còn chưa biết tôn trọng tha nhân. Nhiều người tín hữu viết chửi bới nhau trên các phương tiện truyền thông như internet, facebook… Những lời bình luận của chúng ta nhiều khi gay gắt phê phán, đánh giá hồ đồ chủ quan đã gây hậu quả khó lường… Tuy chúng ta không ra tay giết người, nhưng do sự không tôn trọng phẩm giá của con người là tạo vật cao quý của Thiên Chúa, … là chúng ta cũng có thể đã giết người rồi đấy.
Ý nghĩa của lề luật và tinh thần giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là con đường dẫn người ta đến tình yêu, đến hiệp thông và đỡ nâng nhau. Chúa Giêsu mặc cho tinh thần giữ luật chiếc áo của tình yêu, để những ai biết giữ luật, người đó phải biết yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của mọi lề luật. Xin Chúa giúp chúng tan biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương tha nhân như chính mình.
2020
Anh em là muối cho đời
9.6.2020 Thứ Ba
Mt 5, 13-16
ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI
Trong cuộc sống hàng ngày, muối được dùng vào nhiều việc khác nhau. Chẳng hạn muối được dùng như một thứ phân bón để hạ phèn, muối được dùng để làm giảm cơn đau. Một người có nhiều kinh nghiệm sống trong tù cho tôi hay: Sau khi bị tra tấn dã man, người ta thường dùng muối để chà xát lên vết thương và người bị tra tấn sẽ không còn bị đau đớn nhức nhối nữa. Muối được dùng làm chất khử trùng. Khi trộn muối vào đồ ăn, nó sẽ giữ cho đồ ăn khỏi ươn thối. Và sau cùng muối sẽ làm cho đồ ăn tăng thêm hương vị đậm đà.
Muối là để làm gia vị, đèn là để soi sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội.
Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.
Nói đến muối, bạn nghĩ đến điều gì? Màu trắng, hạt nhỏ li ti hay vị mặn. Tôi chọn vị mặn. Vì nếu không còn mặn thì liệu rằng muối có còn là muối nữa không? Vị mặn làm nên sự khác biệt để phân biệt muối với các thứ khác. Nhờ vị mặn, muối trở thành thứ không thể thiếu trong các món ăn, làm cho món ăn trở nên đậm đà. Muối còn được dùng để bảo quản các thức ăn, giúp chúng khỏi bị hư thối. Nên khi đánh mất vị mặn thì muối sẽ trở thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài đường cho người ta chà đạp thôi (Mt 5, 13).
Thêm vào đó, hạt muối hiện diện cách ầm thầm đến nỗi khi nhìn vào các món ăn người ta chẳng để ý đến nó. Chúa Giêsu mời gọi bạn tôi hãy trở nên những hạt muối cho đời (x. Mt 5, 13). Qua bí tích rửa tội chúng ta được xoá bỏ mọi tội lỗi, tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội, trở thành con cái Thiên Chúa, và mang trong mình vị mặn của Thầy Giêsu. Vị mặn giúp ta làm cho nơi cho mình sống mỗi ngày một thêm đậm đà tình Chúa, mặn nồng tình người.
Hình ảnh muối và ánh sáng vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội? Ðã qua hơn 2020 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn 2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.
Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá, Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: “Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của Chúa”.
Có lần Chúa Giêsu đã xác quyết: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng đời đời. Và hôm nay Chúa dạy các môn đệ hãy bắt chước Ngài để trở nên ánh sáng thế gian: Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn hầu soi sáng cho mọi người trong nhà.
Chúng ta phải là đèn soi cho kẻ khác bằng lời nói, bằng việc làm và bằng gương sáng. Nếu Phúc Âm không được rao giảng người ta sẽ quên nó. Trái lại, nếu mỗi người chúng ta thắp lên cây đèn nhỏ của mình, thì không những nhà riêng của chúng ta mà cả thế giới sẽ được soi sáng. Sự sáng của các con sẽ chiếu soi trước mặt thiên hạ và mọi người sẽ ngợi khen Thiên Chúa.
Vị mặn giúp bảo vệ thế giới khỏi các hiểm hoạ của chiến tranh, khủng bố. Và như hạt muối hiện diện cách âm thầm nhưng thật hữu dụng, người Kitô hữu cũng được mời gọi hiện diện cách khiêm hạ trong yêu thương và phục vụ. Không khoe mình trong các lời quảng cáo hoành tráng, nhưng quên mình trong các hoạt động bác ái từ thiện. Nhưng tiếc thay, nhiều lúc bạn và tôi đã để cho hạt muối đời mình trở nên nhạt nhẽo.
Vì quá bận tâm lo lắng sự đời, để cho bả phù vân danh vọng, tiền tài lôi kéo. May thay, không như hạt muối vật lý đã nhạt đi thì chẳng có gì muối cho mặn lại, còn hạt muối Kitô hữu sẽ ướp mặn với Thầy Giêsu. Vậy ngay hôm nay bạn và tôi hãy đến bên Giêsu trong thánh lễ, trong các giờ kinh nguyện để làm mặn lại hạt muối đời mình. Có như thế, đời Kitô hữu mới trở nên hữu dụng cho mọi người và ngay sau hết không bị quăng ra ngoài.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
Người Kitô hữu phải là muối thế gian. Ngày nay hơn bao giờ Giáo Hội phải thâm nhập vào nền văn minh với những giá trị của đức tin, hầu cho thế gian khỏi tan rã và thoái hoá trong bạo lực. Người ta nói nhiều đến thuyết duy vật, thuyết duy sắc dục… Lắm người quảng đại chiến đấu cho một thế giới công bình hơn, nhưng không biết bên kia cái cùng đích họ theo đuổi còn có gì… Nếu bị bỏ mặc cho mình, thì thế giới sẽ nên hủ bại. Người Kitô hữu phải làm chứng về phẩm giá, và số mệnh con người, để góp phần cứu vớt thế gian.
Ta thấy trong tất cả đời sống xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chính trị kinh tế, họ phải nghĩ tưởng và hành động theo như lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô soi sáng thúc đẩy họ. Nếu không có can đảm làm như thế, nếu trở nên lạt lẽo, thì nó sẽ không chu toàn sứ mệnh và thế gian có thể lôi kéo họ vào sự ghê tởm. Bị ném ra ngoài cho người ta dày đạp dưới chân. Tin Mừng nói như vậy.
Người Kitô hữu phải là ánh sáng gian trần. Vấn đề không phải là phô trương mình ra. Những cũng là ánh sáng soi chiêu vì nó là nó, thì người Kitô hữu cũng phải toả ánh sáng Tin Mừng bằng cách là người Kitô hữu đích thực, thế thôi. Một điểm đáng cho ta lưu ý. Khi hoạt động với tư cách Kitô hữu, có nên che dấu “sự quy chiếu” của mình về Chúa Kitô và đặc nó dưới thùng hay không? Nói cách khác, ánh sáng mà người tin Chúa mang trong mình không phải loan báo Chúa Giêsu Kitô hay sao? Trả lời thực tế cho câu hỏi này không đơn giản đâu. Dù sao, theo Tin Mừng dạy thì hành động được thực hiện trong ánh sáng, phải dẫn đưa con người tới chỗ ngợi khen Cha trên trời.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy bản chất của người kytô hữu không phải là những gì cao xa nhưng chỉ là những hạt muối bé nhỏ hay chỉ là một chút ánh sáng lẻ loi. Thật bình thường và cũng thật tầm thường nhưng lại thật hữu ích cho đời sống con người. Không có muối làm sao có những bữa tiệc thơm ngon mặn mà. Không có ánh sáng làm sao con người có thể nhìn ngắm những vẻ đẹp muôn màu của vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên.
Là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, ta không thể quên lời Ngài đã quả quyết: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Xác tín vào Lời Chúa, ta sẽ gắng công dùng mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên Chúa ban để ướp mặn đời, để toả sáng cho mọi người bằng một cuộc sống thánh thiện xứng đáng với tư cách là những người con của Cha trên trời.
2020
Phúc thật
8.6.2020 Thứ Hai
Mt 5, 1-12
PHÚC THẬT
Bất cứ ai sống trên trần gian đều mong ước có hạnh phúc. Đó là điều người ta cũng thường xuyên cầu chúc cho nhau.
Đức Kitô đã đến để chỉ cho người ta biết hạnh phúc đích thực nằm ở đâu, ai là những người thật sự hạnh phúc ở đời này. Không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách, mà là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại,… mới hạnh phúc thật. Chẳng phải là Người muốn phá đổ các tiêu chí quen thuộc của loài người để gây chú ý đâu. Người chỉ muốn khẳng định lại cách sống con người phải theo để trở lại đúng với hình ảnh họ đã đánh mất khi phạm tội, để Thiên Chúa lại trở thành tất cả cho con người.
Ta thấy Chúa Giêsu được thánh Matthêu giới thiệu như một Môsê mới. Chúa lên núi và công bố một sứ điệp làm thỏa mãn nỗi khắc khoải của con người, sứ điệp về ‘Hạnh Phúc Trọn Hảo’. Đó là hạnh phúc trong Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Bài Giảng trên núi cũng diễn tả Tin Mừng về Nước Trời: đề tài Nước Trời là một trong những điểm nhấn mạnh của Bài Giảng. Ngay ở câu đầu của Bài Giảng, ta đã được đặt trong quan hệ với Nước Trời, với Mối Phúc đầu tiên. Bài “Huấn giáo” này (tức Bài Giảng trên núi) là một phần nối dài của kêrygma về Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không diễn tả các Mối Phúc theo kiểu tình cờ. Người trình bày nền tảng cụ thể của mỗi Mối Phúc. Như chúng ta đã nói, phần thứ ba của mỗi Mối Phúc nói về hành động của Thiên Chúa. Mối Phúc đầu tiên và Mối Phúc thứ tám có cùng một nền tảng: “vì Nước Trời là của họ”.
Thánh Matthêu nói về Nước Thiên Chúa chỉ trong một vài đoạn; thông thường tác giả dùng thành ngữ “Nước Trời” là kiểu nói của người Do Thái thời đó. “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời” có ý nghĩa như nhau: không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được tỏ bày ra trực tiếp rõ ràng.
Vậy “Nước Trời là của họ” có nghĩa là Thiên Chúa với quyền chúa tể là của họ; đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Người sẽ chứng tỏ rằng Vương quyền của Người vượt trên mọi thế lực hiện đang thống trị. Những ai sống theo lời Đức Giêsu dạy sẽ thuộc về Người, còn Người, đầy quyền năng và nhân ái, Người sẽ là của họ. Mối Phúc hoàn toàn dựa trên sự hiện diện trong uy quyền và nhân ái của Thiên Chúa. Chính vì thế thành ngữ “Nước Trời” được nói đến ở Mối Phúc đầu và Mối Phúc cuối như một lời mở và kết luận, và có giá trị cho tất cả các Mối Phúc khác
Mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám đều có cấu trúc “Phúc thay […] vì Nước Trời là của họ”. Cấu trúc này tạo thành bộ khung cho toàn bộ sứ điệp ‘Phúc Thật’ và diễn tả: con người chỉ thực sự hạnh phúc khi có được Nước Trời, nghĩa là được sống trong sự cai trị của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa hằng hữu đầy quyền năng và nhân ái mới có thể đem lại cho con người hạnh phúc bất diệt. Thiên Chúa ban hạnh phúc dạt dào khôn tả cho ta qua các hoạt động của Người: Thiên Chúa ban Đất Hứa cho con người làm gia nghiệp, an ủi những ai nghèo khó, làm thỏa lòng những ai khát khao nên công chính…
Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn con người đón nhận hồng ân lớn lao này cách thụ động như thể không có lý trí và tự do. Chúa Giêsu dạy cho con người cách sống đúng đắn với thánh ý Thiên Chúa để đón nhận được hạnh phúc. Nến tảng của đời sống này nằm trong mối phúc đầu tiên, “tâm hồn nghèo khó”.
Ở đây, Chúa không có ý nói đến nghèo khó vật chất cho bằng nghèo khó về tinh thần. Đó là những “kẻ bé mọn” (Mt 18,10) biết khiêm nhường nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và biết phó thác trọn bản thân cho Người. Con người ấy không chỉ hoàn toàn hướng về Thiên Chúa mà còn mở ra với tha nhân trong tình mến: cậy trông vào Thiên Chúa, khát khao nên người công chính, sống hiền lành …
Kết thúc những mối phúc, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc hay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Điều đó như một dự báo tiên tri đầy khó khăn cho những ai tuân giữ các mối phúc của Ngài.
Nói khác đi, những ai không tin, không thấy được cùng đích, không tin sự thưởng phạt, không tin sự sống đời sau, không thể nào cho đó là phúc được, ngược lại, đó là thảm họa! Chúng ta đang sống trong thực tại trần gian đầy cám dỗ, mỗi ngày qua đi đức tin của chúng ta bị hao mòn dần bởi chủ nghĩa thế tục và sự lên ngôi của quyền lực sự dữ, liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để theo đuổi triết lý “thiện thắng ác, hiền thắng dữ, ánh sáng thắng bóng tối…” không?
Sự nghèo khó, dù là về tinh thần thôi, ngày hôm nay bị người đời rẻ rúng và khinh miệt. Người ta đua nhau làm giàu và tìm đủ mọi cách để phô trương, dù chỉ là khoe mẽ và đua tranh. Nghèo như Chúa Giêsu và gia đình Nazareth ngày hôm nay, giữa thế kỷ 21 này, sẽ bị người đời coi khinh lắm. Điều căn bản ngày hôm nay người ta không chỉ đo sự giàu có để khẳng định đẳng cấp, mà người ta dùng cả tiền bạc để mua tất cả mọi sự. “Còn tiền còn bạc còn ông tôi; có tiền anh nói em nghe, không tiền anh nói em chê anh tồi…” Ngày nay người ta vẫn tôn sự thực dụng ấy đấy thôi.
Chúa Giêsu cũng chẳng văn hoa bóng bẩy, không cầu kỳ, dùng lời lẽ bình dị, ai cũng có thể hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Cuối cùng, Ngài còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 11-12).
Mỗi cá nhân sẽ cảm nghiệm được những mong manh của phận người và điều còn lại bên chúng ta là: “Tất cả sẽ qua đi, chỉ mình Chúa mới tồn tại muôn đời” (Thánh nữ Têrêxa Avilla). Có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ không thiếu thốn điều gì. Giữa những lao công vất vả, giữa những giọt mồ hôi và nước mắt, giữa những quyến rũ trần gian, thì đôi mắt chúng ta vẫn hướng nhìn về Chúa. Chỉ có một sự cần đó là sống cho Chúa để cứu rỗi linh hồn mình.
Khi sống các mối phúc, chúng ta được hứa ban Nước Trời, Đất hứa, ơn an ủi, lòng thương xót, được thấy Thiên Chúa và làm con Thiên Chúa. Nhưng vì các mối phúc không phải là những điều xa vời, cao siêu mà chúng ta phải cố vươn tới, nhưng diễn tả bản chất đích thật của con người, Vì thế, khi sống các mối phúc, chúng ta đã có kinh nghiệm ngay bây giờ niềm vui và hạnh phúc rồi.
2020
Lòng quảng đại
6.6.2020 Thứ Bảy
Mc 12, 38-44
LÒNG QUẢNG ĐẠI
Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu cho như một người Thầy, dạy cho chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm : “Hãy coi chừng (…) lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc “(Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất. Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một số người, (Mc 12, 44).
Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng tiền để giúp cho Đền thờ. Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Chúa Giêsu đặc biệt chú ý đến người đàn bà góa nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào hai đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma. Một số tiền dâng cúng vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng Chúa Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12, 43).
Tại sao Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết”?. Lý do để Đức Giêsu khen thật rõ ràng: Đó là số tiền mà dòng người kia tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng Đền thờ là những đồng tiền dư thừa. Số tiền mà họ bỏ vào dâng cúng không làm hụt đi tài sản và thanh thế của họ mà còn tô thêm uy danh cho kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà góa, trái lại, bà đã rút ra từ cái túng thiếu, cái nghèo đói của mình, từ giá trị của hai đồng tiền kẽm chính là tài sản duy nhất nuôi sống mình để dâng cúng vào Đền thờ.
Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng. Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh.
Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Hình ảnh bà góa với hai đồng tiền kẽm đã cho ta hai bài học: Thứ nhất, hãy biết cho đi, cho đi tất cả với một tấm lòng không toan tính, không vị kỷ. Với hai đồng tiền kẽm, bà góa đã cho đi tất cả, trao phó tất cả mạng sống cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi, bởi Ngài là nguồn mạch của mọi sự phú túc giàu sang và bởi bà đã nhận ra sự hiện hữu của bà nơi trần gian này là một món quà, là một tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành tặng cho bà. Do đó, Chúng ta cũng phải biết dâng cho Thiên Chúa không chỉ của lễ vật chất nhưng còn là chính cuộc đời của ta nữa. Như thế, khi chúng ta cho đi chính là lúc chúng ta nhận lãnh và Chúa sẽ đoái nhìn đến của lễ và tấm lòng của ta.
Bài học thứ hai, chúng ta phải có bổn phận trách nhiệm đóng góp công sức, của cải, tài chính vào việc xây dựng cộng đoàn, xây dựng Hội thánh. Bà góa nghèo đã thi hành bổn phận một cách chu toàn, triệt để, cho dù của cải của bà chẳng đáng là bao, cho dù bà phải hy sinh bà vẫn cố gắng… Bà có cầu danh tiếng hay ưu tiên gì đâu! Còn chúng ta, mỗi lần phải đóng góp hay dâng cúng để xây dựng cộng đoàn, lạc quyên cho người nghèo khó gọi là bác ái; chúng ta thật sự hy sinh vì bác ái chưa hay ta phản lại tinh thần bác ái của người tín hữu Chúa Kitô? Và trong tinh thần Kitô giáo chúng ta còn phải đóng ghóp bổn phận trách nhiệm để xây dựng con người và xã hội này ngày một thăng tiến và phát triển hơn.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng đã làm với tâm tình như thế, bà được Chúa Giêsu khen và còn lấy để làm gương cho các tông đồ. Lúc đó, Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi quan sát đám đông bỏ tiền vào thùng. Có những người giàu có bỏ vào đó số tiền khá lớn, Chúa Giêsu không khen những người này, vì thái độ và cách thức của họ khi dâng cúng làm giảm bớt giá trị của lễ họ dâng cúng.
Những người biệt phái và những người giàu trong câu chuyện khi dâng cúng họ đặt nặng hình thức bên ngoài để cho mọi người phải biết, phải thấy việc họ làm. Khi dâng cúng vào đền thờ, họ thiếu một thái độ quan trọng, đó là lòng biết ơn về tất cả những gì Chúa đã ban cho họ. Trái lại, họ bỏ tiền vào đền thờ như thể họ là người bố thí cho đền thờ, bố thí cho Thiên Chúa, mua chuộc Thiên Chúa. Khi đóng góp vào nhà thờ với thái độ huênh hoang như thế, thực ra họ đang đi mua lời khen từ nhừ những người chung quanh hơn là vì lòng yêu mến Thiên Chúa.
Đức tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 – 16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 – 44)
Lời Chúa cũng nhắc bảo chúng ta, nghĩa cử chia sẻ luôn có giá trị trước mặt Chúa và giúp bản thân chúng ta nên hoàn thiện. Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh. Những gì chúng ta giúp đỡ người bất hạnh, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an thanh thản trong tâm hồn. Nghĩa cử chia sẻ của chúng ta giống như lửa, càng cho đi, càng lan rộng mà không hề mất đi.
Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Chúa Giêsu đã dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, có khi ít mà là nhiều. Nhiều người dâng những số tiền rất lớn. Xem ra là rất nhiều nhưng Chúa lại bảo là ít vì họ dâng những cái dư thừa. Ngược lại một bà góa, bà chỉ bỏ vào hai đồng tiền nhỏ. Đó là đồng gọi là lepton, nghĩa đen là một đồng mỏng, là đồng tiền có giá trị nhỏ nhất trong các đồng tiền. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nói phần đóng góp đó là nhiều hơn tất cả mọi người khác, và Chúa cắt nghĩa: vì những người khác bỏ vào đó số tiền họ đã dành dụm được khá dễ dàng và vẫn còn giữ lại khá nhiều, trong khi bà góa nghèo này đã bỏ vào tất cả những gì bà có. Nhiều đối với Chúa không phải ở số lượng bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh của người dâng hiến.
Ta hãy theo gương bà góa trong Tin mừng, hãy biết cho đi, cho đi tất cả. Với hai đồng tiền kẽm, bà góa đã cho đi tất cả, trao phó tất cả mạng sống cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi. Vâng, khi chúng ta cho đi chính là lúc chúng ta nhận lãnh và nhận lãnh càng dồi dào những hồng ân của Thiên Chúa.