2020
Yêu kẻ thù
16.6.2020 Thứ Ba
Mt 5, 43-48
YÊU CẢ KẺ THÙ
Yêu người yêu thương mình, chào hỏi người chào hỏi mình đó là chuyện bình thường, trong lịch sự giao tiếp. Nhưng Chúa đòi hỏi người Kitô hữu phải đạt tới một mức độ cao hơn: yêu thương cách chân thành.
Trong trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa luật yêu thương đến mức hoàn thiện, nghĩa là không chỉ yêu người thân mà yêu cả kẻ thù. Đó chính là yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai, không phân biệt dân tộc, màu da, tiếng nói, tín ngưỡng… Và còn một việc mà chẳng có tôn giáo nào dạy: “Cầu nguyện cho kẻ thù”. Đây là dấu chỉ đích thực của sự tha thứ, nhớ đến họ khi cầu nguyện như chính những người thân yêu.
Chúa Giêsu trích dẫn lề luật cổ xưa dạy rằng: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù.” Những dòng chữ này không được tìm thấy như thế trong Cựu Ước. Nói đúng hơn đó là một câu hỏi tâm lý của thời đại, theo đó thì trong thực tế chẳng có vấn đề gì nếu mà người ta thù ghét kẻ địch thù của mình.
Chúa Giêsu đã không đồng ý và nói rằng: “Nhưng Ta bảo các con: Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vì thế, các con không được đặt giới hạn cho tình yêu của các con, như Cha các con trên trời đã không giới hạn tình yêu của Ngài”. Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta bằng chứng. Vào giờ phút lâm chung của mình, Chúa đã thực hành những gì Người giảng dạy.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh.
Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Điều Chúa dạy tưởng chừng nghịch lý: kẻ thù ta, kẻ làm hại ta, khiến ta phải đau khổ, điêu đứng, ngay cả việc nhìn mặt đã phát ghét, khó ưa thì làm sao có thể yêu cho nổi. Nhưng lịch sử đã chứng minh: hận thù chỉ kéo theo hận thù, chiến tranh, chết chóc, nghèo đói, bệnh tật, thất học… Hậu quả thật khủng khiếp và rồi sự trả thù không xóa đi lòng hận thù, nhưng chỉ có tình yêu mới hoá giải được tất cả.
Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo. Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần muốn làm hoảng sợ, bởi vì điều này sẽ vô ích. Người muốn thay đổi cách loài người sống chung với nhau. Sự đổi mới mà Người muốn xây dựng đến từ kinh nghiệm mới mà Người có với Thiên Chúa, Chúa Cha, đầy dịu dàng, Đấng chấp nhận tất cả mọi người! Những lời đe dọa đối với người giàu có không thể là cơ hội trả thù cho người nghèo. Chúa Giêsu ra lệnh rằng chúng ta phải có thái độ ngược lại: “Hãy yêu thương thù địch!” Tình yêu đích thực không thể phụ thuộc vào những gì mà người ta nhận được từ kẻ khác. Tình yêu là phải ước muốn điều tốt lành cho kẻ khác bất kể những gì họ đã làm cho tôi. Bởi vì đây là phương cách mà tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Chỉ trong sự tha thứ, tôi mới có thể họa lại nơi bản thân mình cái nhìn cảm hóa của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hòa, mà còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối: bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).
Chúa Giêsu cảm thấy buồn và đã cầu nguyện : “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!” Chúa Giêsu, trong tinh thần đoàn kết, gần như là xin lỗi cho những kẻ đang hành hạ và tra tấn mình. Chúa giống như một người anh đi với các người em sát nhân đến trước mặt Quan Tòa và, Người là nạn nhân của chính anh em mình, thưa với quan tòa: “Họ là các anh em của tôi, ngài biết là họ không biết gì. Xin hãy tha thứ cho họ! Họ sẽ trở nên tốt hơn!” Chúa đã yêu mến kẻ thù!
Luật Tình yêu kẻ thù đảo lộn các cách xử sự theo quy ước của loài người. Thường yêu thương là quan tâm đến những ai có cùng kiểu nhìn như mình, trình độ văn hóa như mình, địa vị xã hội như mình. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn ấy. Đức ái Kitô giáo không “cào bằng” các con người, nhưng tỏ ra kính trọng họ, thậm chí cả các giới hạn và khiếm khuyết của họ. Lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.
Luật Kitô hữu là luật yêu thương. Khi người môn đệ Chúa Kitô chấp nhận những từ bỏ do luật này đòi hỏi, luật yêu thương này chứng tỏ được tất cả trọng lượng của nó. Nếu các nguyên tắc được công bố ở đây đi vào trong xã hội, xã hội này hẳn là sẽ không bị tiêu vong, nhưng sẽ thấy các tương quan giữa con người được đổi mới, bởi vì các bất công và bạo động sẽ bị dập tắt dễ dàng nhờ sống theo luật này hơn là do sợ các biện pháp chế tài hình sự.
Thật ra đây chính là lối sống của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chết vì không nhường bước trước các áp lực của sự thận trọng hoặc của lương tri. Khi làm như thế, Người không đảo lộn trật tự xã hội, nhưng Người củng cố các tương quan giữa con người với con người. Bắt chước Thiên Chúa, và cũng là bắt chước Chúa Giêsu, là quy tắc duy nhất của lối cư xử của Kitô hữu, là con đường duy nhất để vượt qua nền luân lý Pharisêu.
Chúa dạy chúng ta không được đặt giới hạn cho tình yêu của các con, như Cha các con trên trời đã không giới hạn tình yêu của Ngài”. Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta bằng chứng. Vào giờ phút lâm chung của mình, Chúa đã thực hành những gì Người giảng dạy.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
2020
Lấy ân đền oán
15.6.2020 Thứ Hai
Mt 5, 38-42
LẤY ÂN ĐỀN OÁN
Trở về với Luật Cựu ước, ta thấy Luật đưa ra nguyên tắc dựa trên lẽ công bằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Chúa Giêsu đi xa hơn Luật cũ khi dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 44). Thái độ tự nhiên của con người thường “yêu bạn ghét thù”. Ai phạm đến tôi, tôi tìm trả đũa người ấy. Cuộc sống ăn miếng trả miếng.
Tuy nhiên, với trang Tin Mừng hôm nay, ta được mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Chúng ta đã chẳng được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa hay sao? Chúng ta đã chẳng được gọi là anh em với nhau vì là con cái Cha trên trời hay sao? Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện. Chính Chúa Giêsu đã không oán ghét một Giuđa phản bội, đã bao dung tha thứ cho những kẻ sỉ vả và đóng đinh người trên thập giá, và cũng yêu thương chúng ta hết thảy: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Câu nói rất phổ biến trong nhân gian: “Lấy ơn đền oán, oán oán tiêu tan. Lấy ác báo oán, oán oán chất chồng”. Vâng, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước làm gương, để dạy chúng ta về sự tha thứ cao thượng, khi Ngài bị quân dữ tra tấn đánh đòn…chịu mọi cực hình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, ấy thế nhưng Chúa vẫn cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm…”.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể nào tránh được những trường hợp người khác không có thiện cảm với mình. Khi đó, chúng ta sẽ đối xử với nhau ra sao? Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi mỗi người hãy trở nên biển cả của lòng từ nhân. Chỉ có sự quảng đại, bao dung và tha thứ mới đem đến bình an, hạnh phúc đích thực cho mỗi cá nhân và cộng đoàn.
Chúa muốn dạy chúng ta, đừng lấy oán báo oán khi chính mình bị xúc phạm. Tuy nhiên Người không cấm chúng ta chống lại những bất công, lại càng không cấm chúng ta bài trừ sự dữ, sự tội lỗi xấu xa ở trần gian. Cuộc sống nơi trần gian, biết sống trong Chúa là sống lý tưởng của sự hiền hòa, khiêm nhường hay tha thứ và yêu thương: vì tất cả đều là con cái một Cha trên trời, là Đấng hằng thi ân cho con cái và tất cả mọi người
“Mắt đền mắt, răng đền răng” – đó là luật báo thù, người ta xúc phạm làm thiệt hại tổn thương về tinh thần hay vật chất tôi bao nhiêu, theo lẽ công bằng phải đền trả tôi bấy nhiêu, đó là luật thế gian với góc độ con người đối xử với con người với nhau. Biết bao chiến tranh và bạo lực xảy ra trên thế giới cũng xuất phát từ những mâu thuẫn, sống tìm lợi ích, ích kỷ cho bản thân là sống như vậy, chỉ cần một chút thiệt hại về tiền bạc hay về tinh thần người ta sẵn sàng đạp đổ hay đổi mạng sống của nhau.
“Mắt đền mắt, răng đền răng” : ta thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước. Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù. Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng. Trong xã hội mang tính bộ tộc của Ítraen thuở ban đầu, “mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.
Chúa Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác, nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục. “Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39). Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải. Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều. Chúa Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67). “Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu, vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20). “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 21).
“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40). Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13). Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi. Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (Mt 27, 32). “Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).
Chúa Giêsu đưa điều răn yêu thương về lại với ý hướng của Đấng Lập pháp đầu tiên. Tình yêu buộc phải cung cấp cho mọi người những gì phải làm: sự tín nhiệm, sự trân trọng, sự trợ giúp. Cũng như trong những cặp đối nghĩa khác, Đức Giêsu không chỉ cho một lời khuyên, nhưng ban một lệnh mới cho các tương quan giữa con người.
Người môn đệ chỉ trở thành con của Chúa Cha trong mức độ người ấy mô phỏng lối xử sự của mình theo cách ứng xử của Chúa Cha, nghĩa là yêu thương người khác, kể cả kẻ thù, y như Chúa Cha vẫn yêu thương họ. Khi yêu thương mọi người không phân biệt kỳ thị, người Kitô hữu chứng tỏ cách chắc chắn và trung thực nhất dây quan hệ họ hàng với Thiên Chúa.
Câu “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) làm vọng lại lời mời gọi của sách Đnl (18,13): “Anh (em) phải sống trọn hảo với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em)” và của sách Lêvi (19,2): “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”.
Môn đệ Chúa Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng, chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc. Câu cuối của trang Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42). Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn, dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.
Không chỉ ngoài xã hội, nơi cộng đoàn hay gia đình ngày nay cũng vậy, họ có thể cũng sẵn sàng loại trừ nhau để đánh đổi chút danh hão huyền, thiếu đi sự yêu thương, cảm thông và tha thứ cho nhau. Nếu mọi người sống không còn thù oán, hiềm khích, biết sống ôn hòa, tha thứ cho nhau, tuy nhiên làm được điều đó quả thật rất khó, nhưng nơi mỗi người có được những đức tính này, thì nơi họ thể hiện bằng sự khiêm nhường, tha thứ, thiết tha trong lời cầu nguyện hay sống trong bí quyết diệu kỳ của Kinh Mân Côi là họ đã được “ từ ơn hoán cải đến ơn cứu độ”
Ta thấy Chúa Giêsu muốn kiện toàn khoản luật mới, đó luật yêu thương sống trong sự hoàn thiện biết đối xử, khoan dung với kẻ ác, cụ thể là với kẻ xúc phạm đến phẩm giá con người. Thầy bảo với anh em: “Đừng chống cự với người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39).
Quả thật rất nghịch lý, nhưng đây nghịch lý của tình thương. Người Kitô hữu sống Tin Mừng bằng cách không có khái niệm trả thù, sống trong tình thương sẽ lướt thắng họ, để giúp họ sống luật yêu thương trong đó bao gồm sự tha thứ, hy sinh, chịu đựng, thiệt thòi, từ tinh thần lẫn vật chất, luật yêu thương là cho đi không mong lãnh nhận, họ sẽ không ngoảnh mặt hay thờ ơ, lãnh đạm với bất kể ai, kể cả kẻ làm khó mình. Như Chúa nhắc nhở các môn đệ: “Ai xin anh hãy cho: ai muốn vay mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42).
Trang Tin Mừng hôm nay Chúa dạy cho các Tông Đồ hãy sống bác ái với chính kẻ thù như chính Ngài đã từng là mẫu gương cho lời dạy của mình. Cũng thế để thăng tiến trên con đường nhân đức, bác ái yêu thương và tha thứ, thì mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy nhìn và sống theo mẫu gương của Thầy Giêsu, Người Thầy đầy yêu thương và bác ái và nhất là hãy lấy ân để đền oán.
2020
Lương thực Thánh Thiêng
14.6.2020 Chúa Nhật
Mình Máu Thánh Chúa
Ga 6, 51-58
LƯƠNG THỰC THÁNH THIÊNG
Bí tích Thánh Thể vẫn được Giáo hội gọi là Bí tích của sự Hiệp thông (Holy Communion). Sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể tại nhà tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha ‘Xin cho họ nên một’ (Ut unum sint) như chúng ta là một. Chúng ta hãy bắt chước cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, như sách Tông đồ Công vụ thuật lại :‘Họ chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Họ sống hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung.
Bí tích Thánh Thể là bí tích Tình Yêu, là trung tâm của đời sống yêu thương của con người. Vì yêu thương Chúa Kitô đã có sáng kiến thiết lập bí tích Thánh Thể, Ngài dùng chính Thịt Máu Ngài để nuôi dưỡng loài người chúng ta. Ngày xưa dân Do Thái đi trong sa mạc sống nhờ ăn manna từ trời và uống nước từ tảng đá vọt ra nhưng họ vẫn phải chết. Còn hôm nay, con người sống trong thời đại mới, thời đại giao ước mới của Chúa Kitô, người kitô hữu được nuôi dưỡng bằng chính Thịt Máu Chúa Kitô, Thịt Máu con Vua Trời,…nơi bàn tiệc Thánh Thể.
Của ăn Thịt Máu Chúa Kitô sẽ làm cho chúng ta được sự sống đời đời như Chúa giêsu đã nói “Ai ăn Thịt Ta sẽ được sự sống đời đời”. Chúng ta sẽ sống chứ không phải chết nhờ ăn uống Thịt Máu Ngài. Chính Chúa Kitô đã xác quyết mạnh mẽ: “Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống” (Ga 6, 55). Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn và của uống là những thứ thường tình nhất của đời sống con người để đưa con người vào sự sống đời đời.
Toàn bộ chương VI của Tin Mừng thánh Gioan đặt các môn đệ trước thái độ quyết liệt này, các ông đã được thấy Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều (Ga 6, 1-10), rồi đi trên mặt nước và trong nháy mắt thuyền đã cập bến không cần chèo chống (Ga 6, 16-21). Rồi cuối bài giảng tại hội đường Capharna um, ở đó Chúa Giêsu xưng mình là Bánh Hằng Sống (Ga 6, 26-59). Bài Phúc Âm hôm nay rút từ bài diễn văn của Chúa tại Hội Đường Capharnaum: “Ta là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta đây để cho thế gian được sống”.
Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy ở trong Ta và Ta ở trong người ấy. Lời này của Chúa cho thấy rõ một sự hỗ tương quan trọng. Thực vậy, thoạt xét người ta có thể đơn giản nghĩ rằng Đức Kitô ở trong người nào ăn mình Ngài. Như thế chưa đủ, điều ngược lại cũng đúng. Người ước ao mình được ở trong Ngài, người ấy được đi vào và ở trong Đấng tạo dựng Cứu chuộc, viên mãn của mình. Làm sao nghĩ tưởng một điều như vậy?
Chúa đã muốn như thế. Ngài ban cho con người một khả năng phi thường hoà nhập vào Thần linh. Khi rước mình Đức Kitô, người tín hữu tiến dần đến sự hoà nhập với Đức Kitô. Nếu nghĩ rằng con người sẽ biến Thiên Chúa thành người thì được nuôi dưỡng bởi mình và máu Ngài thì thật là ấu trĩ. Con người được biến thành Thiên Chúa mới đúng. Con Thiên Chúa khi hiến thân làm lương thực thần hoá người nào ăn Ngài, Ngài cho người được tham dự vào bản tính Thần linh. Điều này khiến ta nghĩ đến câu tán tụng của mùa Giáng Sinh: Ôi trao đổi kỳ diệu, Thiên Chúa làm người để người được nên Thiên Chúa.
Ta là bánh sự sống từ trời xuống. Chúng ta có thể giải thích lời này như một mệnh đề phát biểu sự kiện Nhập thể. Sự sống đời đời hứa cho ai ăn bánh ấy là sự sống siêu nhiên, do Đức Kitô mang đến cho kẻ nào tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha sai đến. Nhưng lời ấy còn có ý nghĩa khác. Bánh Ta sẽ ban là thịt Ta chịu nộp cho thế gian được sống. Ở đây Chúa Giêsu nói về tương lai. “Bánh” cho đến đây có thể chỉ Chúa Giêsu lương thực đức tin, nay mang một ý nghĩa mới… Đức Kitô – Bánh ăn – đã trao nộp thịt mình cho thế gian được sống.
Điều ấy có nghĩa là nếu phép Thánh Thể là một lương thực, đồng thời cũng là lễ hy sinh. Đức Kitô tự nộp làm của lễ hy sinh trong cuộc Tử nạn và trên thập giá, Thánh Thể đồng hoá hy lễ ấy và tiếp nối cho đến mãi mãi. Chúng ta có nghĩ rằng khi tham dự vào bàn tiệc của Chúa, mối dây liên kết huynh đệ đầu tiên và chính yếu nhất nối liền chúng ta với Hy lễ của Ngài hay không? Những buổi cử hành phép Thánh Thể nối kết làm một sự thông hiệp của chúng ta với nhau. Đừng bao giờ chia cắt những gì Chúa đã liên kết. Các Thánh lễ của chúng ta, cử hành chia sẻ, cũng phải cử hành lòng thờ phượng.
Từ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ đưa chúng ta đến việc hiệp nhất với các anh chị em tín hữu. Vì liên kết với Chúa Kitô, nên chúng ta cũng liên kết với nhau để làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, điều mà Thánh Phaolô gọi là “Nhiệm thể Chúa Kitô”. Ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô là lãnh nhận một động lực mạnh mẽ nhất để dẹp bỏ và xua tan những mối bất đồng, những mâu thuẫn sâu xa nhất để chỉ còn trở nên với Chúa Kitô một thân xác và một linh hồn. Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô hữu trong Bí tích Thánh Thể có sức mạnh thu phục những khách bàng quan, những người xa lạ đến với Giáo Hội, như các tín hữu thời sơ khai đã từng chinh phục và đem lại ảnh hưởng lớn lao cho thế giới ngoại giáo: Họ nói với nhau: “Kìa xem coi họ (các tín hữu Kitô) yêu thương đoàn kết với nhau biết chừng nào!” (Cv 2, 42-47).
Được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh –là Thịt Máu Chúa Giêsu- chúng ta được mời gọi chia sẻ chén cơm hằng ngày cho anh em và dấn thân hoạt động cho một trật tự công bằng, huynh đệ, cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của mọi người trên thế giới hôm nay.
Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ. Chúng ta biết: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Ngài.
Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho nhau tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.
Thánh thể là Bí tích Tình Yêu. Khi mời gọi: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một mệnh lệnh được thi hành không chỉ trong thánh lễ với linh mục thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, nhưng còn được sống thánh lễ và cử hành bằng chính đời sống của các Kitô hữu nữa. Thánh Inhaxiô thành Antiokia đã nói: “Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Đây chính là bảo chứng của Vương Quốc tương lai, sự sống đời đời như lời Chúa phán hôm nay: “Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
Đứng trước mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng kinh ngạc nhưng không phải vì sự cao cả uy hùng của Thiên Chúa, nhưng là vì sự chiếu cố và tình yêu của Người đối với chúng ta. Bí tích Thánh Thể trước tiên chính là việc tưởng niệm một tình yêu không thể cao cả hơn, tình yêu hy sinh mạng sống cho bạn hữu mình.
Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa. Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta chia sẻ tình yêu của Chúa cho người chúng ta gặp gỡ.
2020
Trở nên môn đệ Chúa
11.6.2020 Thứ Năm Thánh Barnaba
Mt 10, 7-13
TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.
Thánh Barnaba quê ở đảo Sýp. Ít lâu sau lễ Ngũ Tuần, người có mặt trong cộng đoàn Giêrusalem, rồi ở Antiôkia, nơi người đã giới thiệu ông Saolê thành Tácxô với các anh em.
Người đã cùng với ông Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Sýp. Thánh Banaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.
Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.
Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu”.
Bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ để các ông ở với người, chứng kiến việc Người làm, rồi được sai đi rao giảng Tin Mừng. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được gia nhập vào Giáo Hội, trở nên người môn đệ của Chúa. Vì thế, mỗi người phải có bổn phận nói về Chúa cho mọi người.
Nước Trời là nơi Thiên Chúa hiện diện. Qua biến cố Nhập Thể, “Nước Trời” đã đến gần với con người. Đức Giêsu Kitô chính là sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, giữa Nước Trời với thế gian. Bởi đó, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã rao giảng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng sai các Tông Đồ ra đi và rao truyền cùng một sứ điệp: “Thiên Chúa yêu thương con người”. Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua việc Chúa Giêsu trao ban quyền năng cho các Tông Đồ để các ông có thể làm những điều vượt khả năng con người. Đó là làm cho người đau yếu được lành, người chết được sống lại, người phong hủi được sạch, người giam cầm được tự do. Qua đó, những ai đang đau khổ, buồn phiền, thất vọng, bị bỏ rơi được hưởng trọn vẹn tình yêu của Chúa.
Chúa Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng liêng hay qua các trung gian. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.
Ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong Cộng Đoàn và ngay cả trong xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở Cộng Đoàn này, chúng ta được qui tụ từ rất xa trong niềm vui sống ơn gọi như thế này.
Khi sai họ đi, Chúa Giêsu không đòi hỏi các Tông Đồ điều gì quá sức, chỉ là những gì “đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8b). Điều mà các Tông đồ nhận được cách nhưng không từ Chúa không gì khác hơn chính là tình yêu. Đến lượt mình, các Tông Đồ đã ra đi và loan báo tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người. Đó là truyền giáo. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi ra đi và làm cho môi trường chúng ta sinh sống trở thành nơi tình yêu Chúa hiện diện, cụ thể, trong gia đình, nơi xứ đạo, trường học, công xưởng và ngoài xã hội.
Lời rao giảng « Nước Trời đã đến gần » đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ « nhưng không » : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (c. 8). có thể nói, nếu chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không, không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời sẽ không hiện diện ở giữa chúng ta. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con trở nên hư hỏng.
Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không thể sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.
Thánh Barnaba là mẫu gương nhiệt thành trong đời sống tông đồ và hết lòng với tha nhân. Ước mong mỗi người đều học được nơi ngài những nhân đức cao cả đó, hầu trở nên chứng nhân của Chúa giữa cuộc đời.