2020
Xin cho Trái Tim ta nên như Trái Tim Mẹ
XIN CHO TA HÃY NÊN GIỐNG TRÁI TIM MẸ
Ta thấy rong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria…
Và rồi việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).
Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này.
Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ”để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ”. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng thuật lại rằng năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Thánh Gia cũng trẩy lễ Vượt Qua như các năm trước. Lễ Vượt Qua kép dài suốt bảy ngày. Ngày cuối cùng, khi mọi người phải ra về, Chúa Giêsu đưa Mẹ vào một cuộc thị kiến chí năng; giác quan Mẹ không còn cảm thấy gì xảy ra chung quanh nữa. Còn Thánh Giuse, Chúa nâng lên chiêm ngắm cao xa, trầm tư mặc tưởng những sự trên trời, cứ tin chắc rằng Chúa Giêsu đi với Mẹ Maria.
Trong khi đó, ở ngay cửa thành, Chúa Giêsu đã rời khỏi cha mẹ mà ở lại, không về. Tại Do Thái thời đó có tục là trong cuộc kính viếng Đền Thờ ấy, lúc ra về, nam giới đi riêng một ngả, và nữ giới cũng đi riêng một ngã; còn trẻ con muốn đi với ai cũng được.
Lúc thôi trầm mặc, không thấy Chúa Giêsu đi với mình, Thánh Giuse nghĩ rằng Chúa đi với Mẹ Maria, vì tin thật rằng Chúa và Mẹ không thể rời nhau được bao giờ. Còn Mẹ, khi ra khỏi thị kiến, không thấy Chúa Giêsu, lại nghĩ rằng Chúa tặng cho Bạn Thánh của mình được cái vui đồng hành, với niềm tin đó, cả hai đều bình thản mà đi suốt một ngày đường, như thánh ký Luca đã thuật lại. Nhưng khi tới nơi đã định gặp nhau trước để qua đêm, Mẹ và Thánh Giuse mới chết lịm vì Chúa chẳng đi với ai cả.
Và như thế thế là lạc mất Chúa rồi. Mẹ và Thánh Cả đau đớn qúa không sao nói được lên lời, ai cũng nhận là tại lỗi mình mà lạc mất Chúa. Đôi Bạn liền trở lại Thành Thánh ngay, hỏi han khắp nơi về Chúa. Không một ai đã gặp Ngài. Mỗi lúc đau đớn một tăng thêm, Mẹ đành hỏi thăm các Thiên Thần hầu cận các vị này trả lời một cách lững lờ không dứt khoát, làm lòng Mẹ càng thêm đoạn trường trăm khúc, nước mắt càng tuôn chảy tran hòa. Mẹ tự hỏi không biết có phải là Vua Arkêlau đã dò ra tung tích Chúa mà bắt giam rồi không; có lúc lại ngờ rằng Chúa đã vào sa mạc thăm Gioan tiền sứ của Ngài rồi. Mẹ nức nở trong lòng, than van những lời ảo não: “Ôi Con là Tình Yêu tha thiết của Mẹ, Mẹ biết tìm Con ở đâu bây giờ? Con lại muốn chia lìa Mẹ để Mẹ chết hay sao? Con hãy cho Mẹ biết phải làm gì để đáng tìm được con đi! Con đi đâu, Mẹ cũng muốn theo đến sống ở đó, dầu là nơi rừng thiên nước độc, dầu là nơi giáo nhọn gươm trần, dầu là chỗ ấy đầy đau thương khốn cực. Lúc con che khuất mắt Mẹ Thần Tính của Con, Mẹ còn được thấy ít là Nhân Tính của Con. Nhưng bây giờ, cả Thần Tính và Nhân Tính của con, Mẹ cũng không thấy. Mẹ chỉ biết sợ hãi khóc than thôi, Con ơi!”.
Ta thấy nỗi đau khổ của Mẹ trong những ngày ấy thật cao vượt hơn hết tất cả những khổ hình các vị tử đạo đã phải chịu. Nhưng một điều lạ lùng là Mẹ không bao giờ Mẹ mất sự bằng an trong tâm hồn, không ngớt ca tụng Thiên Chúa và trông cậy ở Ngài. Sau ba ngày tìm tòi uổng công, không ăn, không ngủ, không cả nghỉ ngơi, Mẹ có ý tưởng đi vào sa mạc tìm Chúa, nhưng các Thiên Thần ngăn cản lại. Mẹ liền định đi Bêlem, nghĩ rằng có thể Chúa Giêsu trở lại thăm nơi sinh hạ. Các Thiên Thần cũng khuyên Mẹ đừng đi thế là Mẹ phải quay về Giêrusalem. Vừa đi vừa hỏi thăm người ta, và tả ra dáng hình dung mạo Con mình.
Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse không hiểu được lời nói mầu nhiệm đó. Có như vậy là vì Mẹ và Thánh Cả đến quá muộn, nên không hiểu được mối liên lạc giữa lời nói ấy với bài dài Chúa nói trước. Ngoài ra, còn vì Mẹ và Thánh Cả được tràn ngập trong hạnh phúc tìm lại được con mình; và sau cùng, vì tấm màn che khuất không cho Mẹ nhìn thấy nội tâm Con Mẹ, nội tâm mà một ít lâu sau mới được tỏ ra. Dầu vậy, khi Mẹ được ở một mình với Chúa, Mẹ đã ẵm hôn Chúa mà nói: “Con của Mẹ, nếu Mẹ đã lạc mất con vì lỗi của Mẹ, xin con tha cho Mẹ. Rồi, xin con từ nay đừng bắt Mẹ phải vắng mặt con nữa”. Chúa Giêsu thoả lòng nhận lời Mẹ xin, và hứa sẽ là Thầy dạy, là Bạn thiết của Mẹ suốt trong thời gian còn lại cho tới khi vâng ý Chúa Cha. Lúc Thánh Gia đã ra khỏi Giêrusalem một quãng xa, nơi cánh đồng vắng vẻ Mẹ mới xấp mình mình xuống xin Chúa ban phép lành cho, vì lúc còn trong thành Mẹ chưa làm việc ấy. Chúa nâng Mẹ dậy cách nhân từ, mà mở tâm hồn ra cho Mẹ xem. Mẹ đã thấy tất cả những gì xảy ra trong suốt ba ngày Chúa vắng mặt và trong cuộc đàm luận với các luật sĩ. Sau một lát nghỉ ngơi, ăn uống chút ít, thánh gia lại lên đường, vừa đi Chúa vừa nói lại cho Mẹ nghe tất cả những gì Chúa đã nói với các luật sĩ, điều mà, Chúa vừa mới cho Mẹ nhìn thấy trong Linh Hồn mình. Chúa và Mẹ, trong cuộc trở về Nagiarét này cũng cải thiện một số lớn tội nhân và chữa lành nhiều người bệnh tật, theo thói quen vẫn có khi đi đường.
Và sau khi trở về nhà, Chúa Giêsu luôn luôn tùng phục Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thiên Chúa đã ban xuống cho Mẹ Maria nhiều ân sủng đặc biệt, dàn dụa linh hồn Mẹ, tràn sang cả Thánh Giuse, Người Cha Đồng Trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, để hai Đấng có đủ khả năng chỉ huy một Người Con cao trọng duy nhất trong loài người. Về phía Mẹ, Mẹ đáp lại sự Chúa tuân phục Mẹ bằng một đức khiêm nhượng, một lòng biết ơn, một sự mau mắn, một niềm tỉ mỉ và một tình yêu mến tế nhị làm Tâm Hồn Chúa phải ngây ngất. Chúa có thể sẽ ban cho Mẹ tràn ngập những khoái vui còn lớn lao hơn nữa, Nếu Chúa chỉ nghe theo có xu hướng lòng yêu vô cùng của mình. Nhưng Chúa lại không muốn sự tràn ngập ấy ngăn cản Mẹ lập đầy những công nghiệp Chúa đã định cho Mẹ, nên Chúa không tỏ cho Mẹ hết mọi thoả nguyện như lòng Chúa mong muốn.
Mẹ Maria dù đau khô nhưng vân vui lòng đón nhận tất cả. Xin Mẹ cho mỗi người chúng ta biết nhìn lên Mẹ để học gương chịu đón nhận những đau khổ như Mẹ để mai ngày được hưởng Nhan Thánh Chúa
2020
Trái tim không ngủ yên
19.6.2020 Thứ Sáu
Thánh Tâm
Lc 2, 41-52
TRÁI TIM KHÔNG NGỦ YÊN
Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy lòng thương xót đối với tội nhân. Chính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu khi còn trên Thánh Giá đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta (Ga 19, 31-37). Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong cảnh cơ hàn
Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim con người của Đấng là Con Thiên Chúa, qua đó, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chiêm ngưỡng dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi nhìn ra thế giới để thấy được thực trạng vô cảm đáng báo động của nhân loại hiện nay, từ đó, người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của trái Tim nhân hậu Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.
Vì quá yêu thương Thánh Tâm Chúa đã lo lắng, trăn trở vì chúng ta, và Ngài chỉ mong muốn những kẻ tội lỗi sớm quay đầu ăn năn để được ơn cứu độ mà thôi. Trong Cựu Ước Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Êgiekiel mà nói rằng: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết , nhưng Ta muốn nó ăn năn và được sống” (Ed 18, 23). Như vậy khi người tội lỗi biết thống hối ăn năn, thì cả triều thần thiên quốc đều hớn hở vui mừng. Điều này nói lên tầm quan trọng của sự sống đời sau: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích chi.”
Trái tim của Chúa Giêsu đã không dửng dưng đối với những người đang khao khát Lời Chân Lý, thế nên, Ngài đã lên tiếng giảng dạy họ (Mt 5, 1-12). Ngài cũng không thể không rung động trước sự đói khát của đám dân bần hàn, nên đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (Mc 8,1-10). Ngài cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh đám đông đem chôn một người con trai duy nhất của bà hóa thành Naim, vì thế, Ngài đã cho anh ta sống lại (Lc 7,11-17). Ngài cũng đã rơi lệ khi thấy Mátta và Maria khóc thương Lazarô chết (Ga 11,1-45).
Hơn nữa, trái tim của Chúa Giêsu luôn hướng tới những người tội lỗi để xót thương họ. Điều này đã được chính Chúa Giêsu minh định: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Thế nên, chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu thể hiện hành động cảm thông cho người phụ nữ ngoại tình và nói: “Tôi không kết án chị đâu” . Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Hay với Giakêu và Mátthêu, hai ông bị liệt vào tội bán nước hại dân ngang hàng với gái điếm, ấy vậy mà trái tim của Ngài đã đoái thương, nên đã chọn và gọi họ làm môn đệ.
Nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự vô cảm, dửng dưng này chính là con người đã không cảm nghiệm được lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, từ đó, họ cũng không biết xót thương ai…
Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay là phải luôn ý thức rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu hằng yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô bờ bến. Bởi thế, chúng ta phải biết trân trọng tình thương của Ngài mà sống một cuộc sống đúng với tâm tình con thảo. Và nhờ đó chúng ta được có sự sống đời đời, để công trình cứu chuộc của Ngài không trở thành vô ích nơi chúng ta.
Là môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể đứng chỉ tay năm ngón, hay dửng dưng không can hệ đến nỗi đau khổ của con người, hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi. Không bao giờ chúng ta được phép tự cho mình có những hành vi ấy, mà ngược lại, phải hiểu rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô”
Được Chúa xót thương tìm kiếm và tha thứ, được Chúa thông cảm và yêu thương, chúng cần phải mang trái tim của Chúa, biết chạnh thương với anh chị em chung quanh. Đừng bao giờ cố tình hay quá vô tình hắt hủi, xua đuổi, hoặc vì quá khắt khe, nghi kị, thiếu cảm thông khiến cho anh em mình phải xa đàn đến độ lạc đàn bỏ Chúa, bỏ Giáo hội. Hãy dùng ngôn ngữ và hành động do sự thúc đẩy của trái tim yêu thương để đối xử với nhau trong gia đình, với xóm giềng. Đừng để trái tim của mình trở lên lạnh lùng vô cảm hoặc khô cứng trước những nỗi đau của anh chị em.
Hôm nay cũng là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Ảnh hưởng của vật chất, khoa học công nghệ, đã biến một số linh mục trở nên như những người máy, vô hồn, vô cảm. Nếp sống tiêu cực của xã hội cũng đang ảnh hưởng trên các linh mục, khiến cho một số linh mục không còn là hình ảnh rõ nét của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ta cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục luôn biết để cho Chúa Giêsu huấn luyện, uốn nắn để các ngài trở nên giống Chúa Giêsu mục tử hơn. Xin cho các linh mục có được trái tim, đôi mắt và tâm hồn chạnh thương của Chúa, để các Ngài không mệt mỏi yêu thương, phục vụ và tìm kiếm dân Chúa. Amen.
2020
Lời kinh đẹp nhất
18.6.2020 Thứ Năm
Mc 6, 7-15
LỜI KINH ĐẸP NHẤT
Trong cuộc sống nhân sinh, chúng ta khó thoát khỏi cạm bẫy cám dỗ và những hệ lụy của tội lỗi. Chính Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà còn phải chịu cơn cám dỗ, huống nữa là chúng ta, là môn đệ của Người. Vấn đề ở chỗ chúng ta có tỉnh thức hay không trước mọi cơn cám dỗ mà ma quỷ giăng ra hòng tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Trong mọi thử thách, điều chúng ta muốn là làm sao những cạm bẫy, những mưu mô của thế lực ác thần không làm cho chúng ta sa ngã, không làm cho chúng ta rơi vào tay của chúng. Để được thế, chúng ta không ngừng chạy đến với Chúa và nhất là cầu nguyện để xin ơn trợ lực, giúp chúng ta vượt qua.
Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu của đời sống của mỗi người Kitô hữu. Cầu nguyện cần thiết đến nỗi ví được như cá cần sống trong nước.Ý tưởng này gợi lên cho chúng ta một sự liên tưởng bài Tin Mừng hôm nay về việc Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha” mà chúng ta quen đọc hằng ngày. Đó cũng chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Kinh Lạy Cha- một lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm- được thánh sử Luca đặt trong bối cảnh hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ, nơi mà ở đó, chính Người sẽ trút hơi thở sau hết cùng với lời nguyện cầu dâng lên Chúa Cha.
Theo thánh sử Mathêu, kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ gồm 7 lời cầu được chia làm hai phần: phần thứ nhất, gồm 3 lời đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha và còn dạy chúng ta gọi là Cha: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Sở dĩ gọi Thiên Chúa là Cha, bởi vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta, và Thánh Thần của Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó. Hơn nữa, gọi Thiên Chúa là Cha, chẳng những mời gọi chúng ta bước vào mối tương quan thân tình với Chúa Cha, mà còn gợi lên trong chúng ta tâm tình của người con thảo, với ý thức rằng chúng ta là con của Thiên Chúa, trong người Con chí ái của Người là Đức Giêsu Kitô.
“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”: là lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, vì những công trình Người đã thực hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Như Mẹ Maria ngày xưa đã ca tụng “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Ngài thật chí thánh chí tôn” thế nào, thì ngày nay, khi đọc lời kinh này, chúng ta cũng nâng tâm hồn và tâm trí chúng ta để nhận ra những việc diệu kỳ của Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta để tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, nhưng không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng chính đời sống thánh thiện và sự tốt lành của mỗi chúng ta.
“Triều đại Cha mau đến” :Theo thánh Tôma Aquinô, Nước Thiên Chúa ám chỉ vương quyền của Đức Kitô vào thời cánh chung. Nước Thiên Chúa còn được hiểu là vinh quang của các thánh trên thiên đàng và sau cùng, Nước Thiên Chúa còn là nơi Thiên Chúa ngự trị, đó là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Quả thật, nếu tâm hồn là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì chúng ta cần làm cho tâm hồn mình trở nên hiền hậu, khiêm tốn như Đức Kitô là Đấng nhân từ và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11, 29).
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”:Trước hết, ý muốn của Chúa Chađã được thể hiện cách tuyệt hảo nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Đấng được sai đến để cứu độ loàingười. Ngài đã làm những gì Cha muốn và thi hành ý muốn của Cha cho đến cùng. Noi gương Đức Kitô, chúng ta kết hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì ai làm theo ý Chúa, thì Chúa Cha cũng sẽ nhận lời người đó (x. GLCG số 2827).
Đó là cốt lõi của 3 lời cầu nguyện trong phần thứ nhất. Không những thế, phần thứ hai gồm 4 lời xin liên quan đến con người cũng đặt mọi sự trên nền tảng “Ý Cha”.
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” : Với lòng tin tưởng và phó thác, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và sống hạnh phúc. Nhưng không phải chỉ nhờ cơm bánh, chúng ta còn được sống bởi Lời vàcủa ăn của uống nhờ mình và máu Kitô, Con Cha. Bởi vì Cha là Đấng tốt lành vượt trên mọi sự tốt lành.
“Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” :Đây là lời cầu xin tha thứ. Chúng ta xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta vì nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Người, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha mọi tội lỗi” (Cl 1,14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ được nhận lời, nếu chúng ta cũng biết tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.
“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” :Ý thức mình là kẻ yếu đuối, chúng ta xin Thiên Chúa đừng để mình đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Trái lại, khi cầu xin như thế, chúng ta được Thánh Thần của Đức Giêsu hướng dẫn, dạy ta biết phân định giữa thử thách làm tăng trưởng trong sự thánh thiện và cơn cám dỗ dẫn chúng ta đến tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện, chúng ta cũng xin ơn trung thành với Đức Giêsu và luôn tỉnh thức trong cầu nguyện.
“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” : “Sự dữ” ám chỉ một kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa là Satan mà Kinh Thánh gọi là “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12, 9). Vì vậy, chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho gia đình nhân loại được thoát khỏi Satan và những việc làm đen tối của nó, đang khi chờ đợi ngày Đức Kitô trở lại để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ một cách dứt khoát.
Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này. Ước mong mỗi người chúng ta biết tận dụng món quà quý giá này, để không ngừng chạy đến với Chúa, trò chuyện, chia sẻ với Người. Chắc một điều, Chúa sẽ không quên chúng ta và không ngừng thi ân giáng phúc cho hết những ai chạy đến với Người.
2020
Loại bỏ thành kiến
17.6.2020 Thứ Tư
Mc 6, 1-6, 16-18
LOẠI BỎ THÀNH KIẾN
Theo tập tục thì mọi người Do Thái ở tuổi trưởng thành đều có thể lên tiếng khi tham gia phụng vụ tại hội đường. Chúa Giêsu đã sử dụng quyền này của Ngài và lên tiếng rao giảng Tin
Mừng. Nội dung rao giảng hẳn phải có một cái gì khác lạ với những điều từng được rao giảng tại đây.
Ngài trở về quê hương Nagiarét sau hơn một năm đi giảng dạy khắp nơi. Hôm ấy đúng vào ngày Sabat, mọi người đến hội đường để nghe đọc Kinh Thánh và nghe diễn giảng. Chúa Giêsu cũng vào đây để dự phụng vụ lời Chúa.
Và hôm nay, sau bài đọc, như luật cho phép, Ngài diễn giảng lời Chúa. Kết quả: dân chúng không nhận ra Ngài là ai và họ khinh khi Ngài, họ có thái độ hiểu lầm Ngài, hiểu lệch lạc về con người của Ngài. Bởi vì Ngài nói như một người có uy quyền, như bậc thầy nói với học trò, như một người muốn gây dựng cho mọi người lòng tín nhiệm nhau để tiến tới tin nhau. Điều Ngài dạy vượt mọi khuôn phép cổ truyền đến nỗi mọi người phải thắc mắc.
Nghĩa là trước những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, dân làng Nagiarét ngạc nhiên, vì họ thấy Ngài không đi học ở trường lớp nào mà sao lại có những lời lẽ khôn ngoan, cao siêu, mới lạ. Mặt khác, họ thấy Ngài chỉ là con bà Maria và bác Giuse thợ mộc, bản thân Ngài cũng chỉ là một anh phó mộc, mà sao có thể đảm nhận chương trình đại sự của Thiên Chúa được? Họ không thể ngờ được giữa bụi đất lại có kim cương, họ không thể hiểu được nơi Chúa có hai bản tính, họ không thể nhận ra yếu tố Thiên Chúa và con người, hữu hạn và vĩnh cửu, trời và đất, hạnh phúc và đau khổ giao hòa lại trong một thực tại duy nhất, là nơi con người Chúa Giêsu. Đó là điều làm cho họ vấp phạm, họ khinh thường Chúa và không thiết nghe lời chân lý của Ngài.
Khác đến độ mọi người đều có thể nhận ra và sửng sốt trước sự khôn ngoan của Ngài. Thực tế trước mắt đã khởi sự lay động họ, kéo họ ra khỏi giấc ngủ yên tĩnh giữa những cái biết rồi, đẩy họ vào con đường của những khám phá mới. Thế nhưng những câu hỏi chỉ loé lên trong thoáng chốc không đủ để chiếu sang cho họ tới được với Đấng đã đến giải phóng họ. Họ đã bỏ thực tế để trở về với lối lý luận thông thường của họ. Họ tưởng rằng họ đã biết quá rõ về Ngài khi nói ra được Ngài là con ai, đã làm gì và ai là những người thân thích với Ngài. Họ đã trở về với những cái họ đã nắm được để rồi quay lưng trước lời kêu gọi của thực tế trước mắt.
Điều họ mắt thấy tai nghe đã đánh động để họ phải đặt lại vấn đề, thế nhưng họ đã đóng chặt cửa lòng trước những cái mới mẻ đã từng làm cho họ sửng sốt và ngạc nhiên. Họ tự tách mình ra khỏi Nước Trời đang đến với họ. Tin Mừng còn ghi lại: thấy họ cứng lòng tin, Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào, nghĩa là Ngài đã không tỏ quyền năng của Nước Trời cho họ và Ngài đi rao giảng ở những làng xung quanh.
Tin Mừng lại cho thấy người đương thời của Chúa Giêsu, cụ thể là chính đồng hương của Chúa đã sai lầm vì cao ngạo. Chính cái lý lịch xem ra rất tầm thường của Chúa mà họ đã xúc phạm nặng nề với Chúa: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?”. Cũng chính cái lý lịch ấy, làm cho họ, thay vì được nhiều ơn lành từ Chúa Giêsu, thì ngược lại, họ đánh mất tất cả. “Người đã không làm phép lạ nào được”.
Có Thiên Chúa ở với mình, nhưng không biết đón nhận, vì thế, họ đã đánh mất cả Thiên Chúa: Không những không thể làm phép lạ, Chúa Giêsu còn bỏ ra đi. Người “qua các làng chung quanh mà giảng dạy”. Khi cố tình đẩy Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời mình, những người đồng hương của Chúa đã làm tổn thương mối liên hệ với Chúa Giêsu xét như một con người: tổn thương mối tương quan giữa người với người.
Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội, ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm do ta có thành kiến. Đó chính là khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta.
Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả không hay, sai lầm hoặc nguy hại. Thật vậy, ai đeo kính đen thì nhìn cái gì cũng tối hết; lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Lòng chúng ta có khuynh hướng mạnh về điều gì, thì mắt chúng ta hay tìm, trí chúng ta hay tưởng và rồi chúng ta phán đoán người khác cũng giống như chúng ta và hơi chút là chúng ta đoán về đàng đó liền.
Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hay căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Đánh giá một người theo bên ngoài có thể đúng nhưng cũng có thể sai lầm.
Câu nói: “Trông mặt mà bắt hình dong” không phải là nguyên tắc chính xác, nên chính Chúa Giêsu có lần khuyên chúng ta: “Đừng có xem mặt mà bắt hình dong”. Khổng Tử cũng xác nhận: “Người tôi yêu chưa chắc đã tốt; người tôi ghét chưa chắc đã xấu”. Phong dao cũng có câu: “Người xấu duyên lặn vào trong. Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. Lặn vào thì còn lại, bong ra thì mất đi rồi. Và hẳn chúng ta cũng không quên câu nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”,”Xanh vỏ mà đỏ lòng”. Cho nên, đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào bề ngoài có thể là nông nổi, thiển cận và nguy hiểm.
Thành kiến đã làm cho dân làng Nagiarét phán đoán sai về Chúa Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng cứu tinh. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người.
Vì thế, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì là thành kiến về bản thân để khỏi tự ti mặc cảm; cũng như thành kiến về những người chung quanh, để có được một cái nhìn đúng đắn hơn, một nhận xét chân thành hơn, một phán đoán khách quan hơn, và một đời sống yêu thương cởi mở hơn.