2020
Tuân giữ Lời
25.6.2020 Thứ Năm
Mt 7, 21-29
TUÂN GIỮ LỜI
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết điều kiện cần phải có để được vào Nước Trời, đó là: lắng nghe và thực hành lời Chúa. Việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.
Chúa Giêsu không nói thi hành “Lề Luật”, nhưng là thi hành “ý muốn của Cha Thầy”, và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện nơi Lề Luật, và ngang qua Lề Luật, ý muốn của Chúa Cha liên quan đến nguồn gốc, nền tảng và cùng đích của Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
Ai là người khôn và ai là kẻ dại? Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu: Người khôn là người chỉ nhắm hướng cuộc đời của mình đến hạnh phúc Nước Trời. Để đạt được mục tiêu đó, người ấy chuyên cần thực thi ý muốn của Chúa Cha là Đấng ngự trên trời.
Ngược lại kẻ dại là người chỉ giữ đạo ngoài môi miệng, có thể mang những chức vụ cao trong Hội Thánh như nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ, nhưng lại không thi hành ý muốn của Chúa Cha. Những người như thế sẽ bị tống đi cho khuất mắt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã minh họa hình ảnh người khôn kẻ dại bằng việc xây nhà trên nền đá hay trên nền cát, rất cụ thể, rất dễ hiểu. Sẽ còn lại gì sau mưa sa nước cuốn hay bão táp ập đến?
Như vậy, nếu chúng ta muốn được hưởng trọn vẹn hạnh phúc Nước Trời thì không chỉ có việc nghe và nói những lời hay ý đẹp, mà điều quan trọng là phải thực hiện những lời hay ý đẹp ấy trong đời sống.
Nói cách khác, chúng ta dừng lại ở việc chỉ nghe lời Chúa là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải thực hành lời Chúa. Bởi người nào thực hành lời Chúa thì được xem là người khôn ngoan, vì đã xây dựng ngôi nhà đời mình trên nền tảng vững chắc là nền đá, dù cho bão táp mưa sa cũng không sụp đổ. Ngược lại, người nào chỉ nghe và nói lời Chúa mà thôi, thì được xem như là người khờ dại, vì đã xây dựng ngôi nhà đời mình trên nền cát, nên khi bão táp mưa sa thì ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Thật ra, thi hành ý muốn của Chúa Cha là tất cả những gì bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ra và luôn là những lựa chọn khó khăn. Hãy xem cuộc đời của Chúa Giêsu, hãy hình dung những lời cầu nguyện và giờ phút Chúa hấp hối trong vườn Cây Dầu để biết thi hành ý muốn của Chúa Cha là như thế nào, và chúng ta biết phải nỗ lực biết chừng nào.
Nếu đức tin chỉ có nơi đầu môi chót lưỡi thì chưa đủ hoặc nếu người ta có nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ mà không chăm lo thực thi ý Chúa với lòng mến yêu chân thành thì cũng vẫn bị vào số những người bị Thiên Chúa từ chối: “Ta không biết các ngươi là ai, xéo đi cho khuất mắt ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7, 23).
Chỉ những ai đón nhận Lời Chúa, hiểu được ý Chúa và chuyển hóa thành hành động cụ thể mới xứng đáng vào Nước Trời. Họ được ví như người khôn ngoan, xây nhà trên đá dù mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào thì nhà ấy cũng không bao giờ sụp đổ.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thi hành «ý muốn của Chúa Cha». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Chúa Giêsu đã không rao giảng bằng lời nói suông nhưng bằng hành động cụ thể. Ngài đã trở thành con người bằng xương bằng thịt. Ngài đã không chỉ ngắm nhìn lịch sử nhân loại như khách bàng quan, nhưng Ngài đã nhập cuộc làm một với nhân loại, đã chung chia vui buồn sướng khổ của phận người. Ngài không rao giảng thập giá như một lý thuyết, nhưng đã thực sự đón nhận thập giá, vác lấy và bước đi.
Sau cùng, Ngài chấp nhận chịu chết trên thập giá để chia sẻ trọn vẹn sự đau khổ của con người. Ngài đã Phục Sinh để thánh hóa và biến đổi đau khổ thành niềm vui, cái chết thành sự sống đời đời viên mãn. Do đó, không thể có niềm tin Kitô giáo đích thực nếu không có dấn thân. Không thể rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông, không thể là Kitô hữu chân chính nếu không cố gắng nên hoàn thiện mỗi ngày như Cha trên Trời và đi vào con đường Chúa Giêsu đã đi, con đường yêu thương phục vụ vô vị lợi.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ.
Nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này, không chỉ ở mức độ cá nhân, nhưng ở mức độ « căn nhà », nghĩa là cả « gia đình ». Như Chúa Giêsu nói : “Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (c. 27).
Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.
Ta cũng xin Chúa giúp chúng ta biết quý trọng lời Chúa dạy và tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời mình. Nhờ đó, chúng ta mới có thể hy vọng đón nhận được tình thương của Chúa và được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
2020
Để Chúa lớn lên
24.6.2020 Thứ Tư
Sinh nhật Thánh Gioan
Lc 1, 57-60.80
ĐỂ CHÚA LỚN LÊN
“Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa”(Ga 1, 6-7 ; Lc 1, 17).
Hôm nay, Hội Thánh mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng cứu thế.
Mỗi người sinh ra, đều được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Trong Kinh Thánh, tên gọi các nhân vật lớn thường rất giàu ý nghĩa, tên gọi ấy có khi phản ánh tình trạng của tập thể gia đình, hoặc phản ánh tình trạng của chính cá nhân đương sự, hoặc nói lên số phận hay hoạt động của người mang tên.
Thế nên, cùng với tên gọi là hàm ý một dự phóng cho tương lại, có khi chỉ một ước vọng, đôi khi gợi lên tình cảm lúc sinh ra hoặc tương lai mà cha mẹ thấy được, và thường khi là cả một sứ mạng, sứ mạng đó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn thực hiện giữa dân Người. Trường hợp của Gioan Tẩy Giả là một ví dụ, khi sinh ra được cha mẹ đặt tên theo lời Sứ thần đã loan báo. Danh xưng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa biểu lộ tình thương.
Cuộc đời của Thánh Gioan và Chúa Giêsu rất lạ thường: Sự thụ thai của hai con trẻ được báo trước bởi cùng một Thiên Thần Gabriel; Cả hai được sinh ra bởi hai người nữ đáng lẽ không thể có con: bà Elizabeth tuổi đã già trong khi Đức Mẹ khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam; Cả hai con trẻ được đặt tên và trao nhiệm vụ từ lúc còn trong lòng mẹ: Gioan/Đấng Tiền Hô và Giêsu/Đấng Cứu Thế (Lc 1, 5 & 1, 26); Cuối đời Thánh Gioan chịu chết vì đức tin và nhiệm vụ của Ông trước khi Chúa Giesu chịu chết vì tội nhân loại chúng ta trên Thánh Giá.
Qua tưởng thuật của Kinh Thánh, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa về Gioan đã được biểu lộ hiển nhiên ngay từ giây phút ông được thụ thai, rồi trong việc ông sinh ra, việc đặt tên cho ông, việc mẹ ông và mẹ Chúa Cứu Thế gặp nhau vv..
Trong các biến cố đó, ta thấy có sự can thiệp lạ lùng của Chúa vào trong cuộc đời của Gioan để định hướng cho nó. Điều đáng nói hơn là về phần ông, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, Gioan Tẩy Giả không còn biết gì khác hơn là sống trọn vẹn cho sứ mạng đó một cách lô-gic, kiên quyết, trọn vẹn, cho tới cùng.
Gioan rút lui sớm vào hoang địa, sống khắc khổ xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian là để được sống trọn vẹn hướng về Đấng Cứu thế mà ông phải làm kẻ “dọn đường”. Ông rao giảng bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc, mạnh mẽ để lôi kéo người ta sám hối đổi đời vì thời gian không còn nhiều, Nước Thiên Chúa sắp tới. Sau khi thiên hạ đã rời ông để quay sang Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, ông âm thầm rút lui vào bóng tối vì đã hoàn thành nhiệm vụ “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”, ông tuyên bố như thế (Ga 3, 30). Rồi cả cái chết của ông cũng là một phần không thể tách lìa của sứ mạng của một kẻ “dọn đường” và “làm chứng cho ánh sáng và sự thật”.
Dọn đường để chào đón một nhân vật quan trọng là một hình ảnh quen thuộc. Đường sá thì ghồ ghề khó đi, dân làng được huy động để san bằng những chỗ lồi lõm. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ đi trên những con đường xứ Palestine, mà Ngài còn muốn đến với cõi lòng của mỗi người. Và như thế, công việc dọn đường của Gioan có nghĩa là rao giảng sự hoán cải trong dân để được tha thứ: lưỡi rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh hoa kết trái thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.
Tin mừng đã mô tả Gioan như một vị tiên tri. Ông được xức dầu một cách thiêng liêng ngay từ trong lòng mẹ để hiến dâng cho Thiên Chúa. Ông được đầy tràn Thánh Thần và có được những đặc điểm của một vị tiên tri. Và như các vị tiên tri khác, ông có nhiệm vụ rao giảng sự sám hối ăn năn.
Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống của Ngài trong câu nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là là cao cả nhất trong lịch sử Isreal ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã quy tụ được… Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và một cái chết bỉ ổi.
Gương can đảm nói lên sự thật cho dù sự thật kéo theo sinh mạng của Ngài, thánh Gioan đã thật hiên ngang loan báo cái chết của Đức Kitô để cứu độ nhân loại. Nhân loại trong đó có mỗi người chúng ta liệu có nhạy cảm và quảng đại, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô hay không ? Thánh Gioan đã viết: “Sự thật sẽ giải phóng con người”. Mỗi người chúng ta có để cho Chúa lớn lên trong ta hay chúng ta để cho bóng tối, tội lỗi, ích kỷ xâm lấn đời sống chúng ta ? Thập giá có là nguồn sống để chúng ta vươn tiến hay chúng ta tránh né và sợ thập giá ? Đẩy lùi những cản trở của hận thù, của ích kỷ, của hờn căm, Chúa mới thực sự lớn lên trong ta.
Hôm nay mừng kính sinh nhật thánh Gioan, Chúa cũng muốn ta trở nên tiền hô cho Chúa: rao giảng Chúa Giêsu cho người khác, đem Chúa Giêsu cho người khác, và đem người khác đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là mục đích đời ta, Chúa Giêsu cũng là mục đích của người khác. Còn tôi chỉ là người môi giới, là phương tiện Chúa dùng, để đem người khác đến với Chúa chứ không phải đem người ta đến với tôi mà quên Chúa, cũng không phải đem người ta đến với tôi mà xa Chúa.
Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy nhớ lại ngày sinh nhật của chúng ta. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất đời. Ngày ấy, cha mẹ, ông bà, cô bác đều mừng vui vì ta được sinh ra đời. Ai cũng muốn nhìn ta, ai cũng mỉm cười với ta, ai cũng muốn bồng ẵm ta… và ai cũng đặt nơi ta một niềm hy vọng: “Trẻ này rồi sẽ nên như thế nào?” Cha mẹ và bà con hy vọng ta sẽ có tương lai xán lạn, hy vọng ta sẽ đem lại danh giá cho gia đình và họ hàng.
2020
Đường vào Nước Trời
23.6.2020 Thứ Ba
Mt 7, 6.12-14
ĐƯỜNG VÀO NƯỚC TRỜI
Cuộc đời là một chuyến đi dài, trên hành trình ấy mỗi người là một lữ khách. Người lữ hành khi bước vào chuyến đi thì đã chọn cho mình một hướng nhất định để đến đích họ muốn. Người lữ hành mang danh Kitô hữu lên đường cho chuyến đi dài và xa ấy từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội. Trên hành trình đi có những trạm tiếp sức nhờ các ơn thánh qua các Bí tích chúng ta được lãnh nhận. Như vậy, con đường ta đi là con đường mang tên Giêsu.
Trên con đường đó, “Lời Ngài sẽ là đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (Tv 119, 110). Nhưng đường Giêsu không thênh thang, không phân thành nhiều len, không có cỏ hoa trang trí. Đường thì chật, cửa vào thì hẹp, đòi hỏi phải bỏ mình và vác lấy thập giá, do đó mà ít người theo đường này. Còn “cửa rộng và lối thênh thang thì dễ đưa ta đến hố diệt vong” (Mt 7, 13), nhưng trớ trêu thay lại có nhiều người thích đi. Được vào Nước Trời hay bị rơi vào hố diệt vong bắt đầu từ chọn lựa hôm nay của chúng ta, và đã lên đường thì sự chọn lựa không còn nằm trong trí tưởng nhưng là qua cách sống, lối sống mà Tin Mừng đòi hỏi.
Cửa hẹp là hình ảnh dùng để diễn tả những khó khăn trước mắt phải cô gắng vượt qua; rồi sau đó mới đạt được kết quả tốt đẹp.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp” và “đường chật” (Mt 7, 13-14) trong Tin Mừng hôm nay để dạy các tông đồ cần phải biết từ bỏ những ham muốn, những quyến rũ thoải mái, bất chính của bản thân mình. Thay vào đó là hãy lựa chọn những hy sinh, hãm mình, kiêng khem tiện nghi vật chất, biết từ bỏ ý riêng của bản thân, sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, chấp nhận chương trình cứu độ bằng khổ nạn thập giá để rồi nhờ cuộc phục sinh của Đức Ki-tô đưa các ông đến sự sống đời đời.
Quả vậy, không ai muốn đưa mình đến sự chết nhưng đều chọn về cõi sống. Ngặt một nỗi đường đến sự sống thì chật hẹp, gồ ghề, bị cản trở bởi ngăn sông cách núi, đòi hỏi từ bỏ nhiều và chỉ có tình yêu dẫn lối. Tình yêu Chúa để nhận ra “chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Ngài sẽ là đường và là người dẫn đường, để khi vấp ngã, lúc mỏi mệt hay phải mang gánh nặng nề, ta được Ngài cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Ngài sẽ kiên nhẫn nâng ta dậy, ấp ủ ta “như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh” (Mt 23, 37).
Tình yêu tha nhân cũng là động lực thúc đẩy ta tiến bước, đó không còn là rào cản bước chân ta. Yêu thương anh em là bước đi trong ánh sáng (1 Ga 2, 10). Một cuộc sống đầy yêu thương và quảng đại để xoa dịu nỗi đau của tha nhân, làm cho họ những gì họ muốn, đồng hành trong từng nhịp bước với họ và nhất là dìu nhau vào Nước Trời.
Con người hôm nay sống giữa một xã hội vật chất tiện nghi, ai cũng thích dễ dãi, tự do, chẳng ai muốn vác lấy khó khăn, kỉ luật, hy sinh. Lắng nghe lời Chúa hôm nay chúng ta ý thức con đường đưa tới sự sống vĩnh cửu là chính Chúa Giêsu. Đường ấy là đường khổ giá đau thương. Bước trên con đường ấy thì “phải đương đầu với sức mạnh”, sức mạnh của danh vọng, lạc thú, tiền tài, hưởng thụ nhưng “ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 11).
Con người ngày nay thích an nhàn hưởng thụ hơn là cố gắng hướng thiện, sống thánh; thích thỏa mãn bản năng của thân xác càng nhiều càng tốt; muốn hưởng thụ tiện nghi vật chất tối đa. Chỉ biết tôn thờ thân xác, của cải vật chất và xem thường đời sống tâm linh của chính mình…
Vô hình chung con người trở nên nô lệ cho thân xác, và vật chất; quên mất phẩm giá linh thánh của mình. Quên mất căn tính của mình là con của Đấng Tối Cao, được chung hưởng hạnh phúc, và có bổn phận phụng sự Người trong chân lý.
Con người ta đã quên nhớ con đường bên trong, con đường nội tâm mới thực sự dẫn con người trở về với con người thật của mình. Để dù muốn hay không, cũng phải nhận chân thực tại tự thân: Nhìn lại con người thật của mình với những hệ lụy đúng sai mà nhận ra thiện ác…
Và ta được mời gọi tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa và đáp lại lời mời gọi của Ngài, chúng ta cùng tìm cho mình một con đường, một lối đi chật hẹp mang tên Giêsu; và nhanh chân bước theo cách xác tín “vì chúng ta biết chúng ta tin vào ai” (Tm 1,12). Đồng thời cùng mở lòng và đưa dẫn bao người chưa biết tin vào ai, hay còn hoài nghi chưa chịu bước theo đường Giêsu.
Chúa Giêsu dạy rằng: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!” (Mt 7, 12) và Người mời gọi: “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy” (Mt 7, 13-14). Đó là lối sống mà Kitô hữu chúng ta cần phải chọn lựa để sống trong tương quan với Chúa và với tha nhân.
Chúa Giêsu giáo huấn : con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật chung của cuộc sống. “Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong”. Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: “Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát”. Nếu viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá, con đường sống vị tha, sống vì tha nhân bằng cả tấm lòng yêu mến chân thành, dù cho sẽ phải gặp nhiều gian truân và đau khổ; đồng thời, chúng ta hãy luôn xác tín rằng, đó là con đường dẫn chúng ta đến niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá, con đường sống vị tha, sống vì tha nhân bằng cả tấm lòng yêu mến chân thành.
2020
Đừng đoán xét
22.6.2020 Thứ Hai
Mt 7, 1-5
ĐỪNG ĐOÁN XÉT
Để sống công chính theo Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ đừng xét đoán ai. Xét đoán người khác, ta sẽ bị người khác xét đoán lại, đó là lẽ tự nhiên, nhưng ở đây cái hại lớn hơn là ta sẽ bị Thiên Chúa xét đoán. Xét đoán người khác thường gây ra sự bất công. Người ta dễ tin và dễ thấy khuyết điểm của người khác hơn khuyết điểm của mình. Vì lẽ đó, xét đoán người khác một cách sai trái là phạm vào luật bác ái và công bằng. Mỗi người cần tự xét mình, “hãy gỡ cái xà ra khỏi mắt mình, rồi mới lấy cái rác ra khỏi mắt người khác”.
Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Chữ xét đoán ở đây hiểu nghĩa là chỉ trích phê bình đạp đổ, là lên án bất công nhục nhã nghiêm khắc. Những người lên án như thế là nhóm người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu, thường là ra vẻ đạo đức, hay lên án người khác và cho rằng chỉ có mình mới tốt còn mọi anh em khác là tội nhân đáng bị khai trừ. Đó là thái độ lên án và đáng bị lên án trước.
Chúa nói: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (c.1) nghĩa là đừng xét đoán vu khống, đừng chụp mũ trong sự bất công, phá đổ anh em mình. Như vậy, Chúa cho xét đoán phê bình để sửa chữa, để thăng tiến, để xây dựng, chứ không phải để đạp đổ. Phê bình với tình yêu để cảm hóa, chứ không xỉ nhục, rồi nhìn họ với cặp mắt khinh thường. Cần và rất cần cho người khác biết rằng họ đang ở trong tình trạng sai lạc với con đường của Chúa. Cần phải thức tỉnh và sửa sai. Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau là để bù đắp xây dựng cho nhau. Phần sửa sai cho nhau để thăng tiến, đó là phần của mọi người. Còn việc lên án là phần của Chúa.
Chúa nói “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (c.1). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không xét đoán ai, thì ngày sau Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta dù chúng ta bê bối cách mấy. Ăn miếng trả miếng là thói thường. Chúng ta cư xử với người làm sao thì người ta đối xử với chúng ta như vậy. Tuy nhiên cách chúng ta đối xử với anh em, cũng được Thiên Chúa thẩm xét vì lý do anh em là con cái Thiên Chúa và Chúa đã từng nói “Ai làm cho một trong anh em hèn mọn, là làm cho chính Ngài” (Mt 25,31tt).
“Chúng ta là những tội nhân” (Đức Thánh Cha Phanxicô), ý thức như thế không những giúp ta tránh thái độ thỏa hiệp với tội lỗi, mà còn ngăn ta khỏi cơn cám dỗ phê phán người khác: tôi có là gì, có đáng gì mà dám lên án người anh em của tôi? Thực tế cho ta kinh nghiệm về những người thực sự đạo đức: họ cẩn trọng khi nói về một người khác. Điều này không đồng nghĩa với việc họ ngây ngô không biết đúng sai, phải trái, nhưng ngược lại, cho thấy sự thận trọng trong suy nghĩ theo gương Đức Giêsu Kitô.
Là con người, chúng ta không tránh khỏi lỗi lầm, nhưng hãy dùng tình người mà nâng đỡ nhau và tin tưởng vào tình thương, ơn biển đổi nơi Thiên Chúa. Hãy dành thời gian bên Giêsu để nhìn lại nội tâm con người mình hầu nhận ra và gỡ bỏ “cây đà” đang án ngữ trong mắt ta, đang che khuất ánh nhìn yêu thương mà Thiên Chúa đặt nơi ta. Hãy khiêm nhường và trao dâng cho Thiên Chúa quyền xét xử người khác.
Trang Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ cho ta về một cố tật của con người: tính thích phê phán, quy tội và lên án người khác.Theo khoa tâm lý học, điều xấu mà ta dễ nhận ra và lên án nơi người khác chính là điều xấu căn cốt mà ta mang trong mình. Chúa Giêsu không dạy ta phải bịt mắt mình lại trước cái xấu, nhưng việc ta cần làm trước tiên là liệu xem “tầm nhìn” của mình có “thông thoáng” không trước khi nhận định một điều gì về người khác.
Chúa Giêsu đã không nói: “Trong mắt bạn ngươi không hề có cái rác như ngươi nói!”. Nhưng Người nói: “Hãy lấy cái đà trong mắt ngươi ra trước đã!”. “Người bạn kia của con có tội của họ, phải, điều đó không sai, nhưng con hãy xem lại mình đi, tội của con còn ngàn lần lớn hơn, nặng hơn tội của họ”.
Ta thấy Chúa Giêsu nói ra lời nào cũng được xem như là một bài học, một huấn dụ có giá trị, vì những điều Ngài nói thường nhắm vào nội tâm con người. Nhờ bản tính Thiên Chúa, nên Ngài có thể nhìn thấu lòng dạ con người. Lý do Chúa Giêsu dạy không nên xét đoán một mặt Ngài muốn giúp các môn đệ không nên xoi mói, bắt bẻ hành động của người khác nhưng biết dành thời gian đi vào thâm sâu cõi lòng mình. Hãy lấy cái xà trong mắt mình trước khi giúp người khác lấy cái rác trong mắt họ.
Hơn nữa, khi một ai đó cho mình có quyền dạy người khác, xét đoán lương tâm người khác là đã tự cho rằng mình đạo đức hơn. Đó là thái độ tự mãn, tự kiêu, trước mặt Thiên Chúa là một tính xấu không nên có. Chúa Giêsu không cấm nhận xét phải trái về hành vi của người khác, nhưng nếu chỉ dựa vào những gì bề ngoài mắt phàm thấy được mà qui kết tội người khác là ta vi phạm thẩm quyền Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có đủ khả năng và thẩm quyền để xét đoán một người là có tội hay không.
Con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.
Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Zakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải; Mađalêna dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.
Bình thường, ta thấy ta gieo nhân nào thì gặt quả đó, chúng ta mong nhận được kết quả tốt thì trước tiên phải hành động tốt vì : “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 4, 2). Ngài biết mỗi khi ta phạm sai lầm thì vị luật sư sẽ lên tiếng bao biện hòng che đậy, không muốn để ai biết về lỗi lầm đó, nếu chẳng may bị lộ thì rất mong nhận được sự thông cảm của người khác. Ngược lại, thay vì thông cảm, bỏ qua, chúng ta lại hay để ý đến những sai sót của người khác và thậm chí muốn nói cho nhiều người về lỗi lầm của họ càng nhanh càng tốt.
Trước lời dạy của Chúa Giêsu :“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7, 3). Điều này cho thấy, ta rất nhạy bén trước lỗi nhỏ nơi người khác nhưng cái lỗi to trong ta lại không thấy. Thái độ cần có khi đứng trước sai sót của tha nhân là thông cảm và nâng đỡ để họ biết đứng lên và tiếp tục tiến bước. Nhưng còn khôn ngoan hơn nữa, nếu từ vấp ngã của người khác ta biết nhìn lại mình để nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa. Nhờ đó ta sẽ được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Còn nếu chẳng may vì phận sự mà phải xét xử, hãy rộng lượng và đối xét theo hướng dẫn của Đức Khôn ngoan. Hãy nhớ lời cảnh cáo : “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”
Chúa Giêsu quả quyết: “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” Ta hãy ghi khắc lời dạy này của Chúa, xác tín Chúa sẽ dùng chính cái đấu ta đong với người khác mà áp dụng cho mình. Từ hôm nay, ta hãy dần dần từ bỏ thói xấu này, thay đổi cái nhìn về người khác, để không bị Chúa xét đoán, cũng như để sống công bằng hơn với anh chị em chung quanh ta.