2020
Cuộc trừ quỷ quá đắt
1.7 Thứ Tư
Mt 8, 28-34
CUỘC TRỪ QUỶ QUÁ ĐẮT
Chúa Giêsu đến với người dân miền Giêrasa, nhưng họ đã khước từ Người. Chúa đã thực hiện dấu lạ chữa lành hai người bị quỷ ám và cho quỷ nhập vào đàn heo. Chúa giải thoát hai con người khỏi quyền lực ma quỷ và giải phóng dân làng khỏi nỗi sợ hãi trên con đường mà trước đây “không ai dám qua đường ấy”, nhưng họ đã xin Người rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế có lẽ vì sợ phải gánh chịu thêm những thiệt hại vật chất do sự hiện diện của Chúa. Họ vẫn biết uy quyền trổi vượt của Người, nhưng lại tiếc đàn heo, sợ mất mát của cải vật chất. Họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và như thế, họ đánh mất nhiều điều lớn lao hơn nữa.
Và ta thấy việc trừ quỷ này thật ‘đắt đỏ’: để chữa lành cho hai người, mất toi cả đàn heo! Phản ứng của dân thành cũng thật quyết liệt: xin Người rời khỏi vùng đất của họ, bởi vì biết đâu Người chẳng chữa thêm vài người bị quỷ ám nữa, và họ lại có thể phải mất thêm vài đàn heo khác! Bậc thang giá trị của họ thật rõ ràng: đàn heo quý hơn sinh mạng con người. Hình như nhiều lúc chúng mình cũng cư xử y như dân thành Gadara đó thôi! Coi trọng vật chất hơn con người, quyền lợi của mình hơn cả sự sống của người khác. Có thể không đến nỗi “đốt nhà hàng xóm chỉ để luộc chín một quả trứng” như phát biểu của một nhà văn, thế nhưng, chúng mình cũng thật ích kỷ khi chấp nhận tình trạng ai chết mặc ai, miễn là quyền lợi, tài sản tôi không xuy xuyển chút nào!
Phép lạ vừa được kể lại cho chúng ta có thể bị chúng ta coi như hơi kỳ quặc. Lúc ấy Chúa Giêsu muốn giải thoát cho hai người bị quỷ ám. Hai người này đã khuấy động đời sống dân làng vì không ai dám lại gần họ và qua lại lối ấy.
Thật là ý tưởng ngộ nghĩnh khi cho bọn quỷ nhập vào bầy heo và khiến chúng lao xuống biển! Chẳng lẽ Chúa Giêsu không có thể làm cách khác sao? Tại sao Chúa đã không đơn giản ra lệnh cho các thần ô uế buộc chúng phải cút đi ngay? Khi cho quỷ nhập vào bầy heo. Người đã làm cho dân chúng nơi đó phải sợ hãi. Những người chủ bầy heo hẳn đã phát điên lên khi nhìn đoàn vật chết chìm dưới biển. Kết cục là họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
Ma quỉ dường như muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su và có thể nói, ma quỉ muốn đề nghị với Người ứng xử theo nguyên tắc “nước giếng không phạm nước sông: “Hỡi con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Nhưng Chúa Giêsu là sự sống chiến thắng sự chết, vừa được diễn ta bằng biến cố Người vượt qua biển hồ, chiến thắng sóng to gió lớn, vốn là biểu tượng của sự chết. Chúa Giêsu đi tới đâu sự chết bị đánh tan đến đó, giống như ánh sáng đánh tan bóng tối. Chúa Giêsu còn là Ngôi Lời sáng tạo (Ga 1, 3).
Ta hãy nhìn ngắm hình ảnh rất ngoạn mục : đạo binh qủi, đàn heo, từ sườn núi lao xuống biển và chết hết. Đó chính là nơi chốn và năng động của ma quỉ : thú tính, bạo lực và sự chết ; chứ không phải là nhân tính, hiền lành và sự sống.
Chúa đến giải thoát con người khỏi thần ô uế, khỏi thú tính, khỏi bạo lực và sự chết. Nhưng ở một quan điểm khác, Ngài đến quấy nhiễu trật tự vốn là như thế của con người, của chúng ta, của cuộc đời tôi ; Ngài buộc tôi phải trả giá quá lớn, đến cả “bầy heo” ! Vì thế, người ta kinh ngạc, nhưng cũng thấy sợ hãi, mệt mỏi, phiền hà và mất mát ; nên họ mời Ngài đi nơi khác.
Theo Sáng Thế chương 1, Lời Thiên Chúa không chỉ sáng tạo từ hư vô, nhưng còn là đưa trật tự vào cõi hỗn mang, phá tan cái tình trạng hàm hồ bằng cách tách ánh sáng khỏi bóng tối, sự sống khỏi sự chết, nhân tính khỏi thú tính. Thật vậy, khi Ngài nói: “Đi đi!” Chúng (ma quỉ) liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo (thú tính).
Con người thường dễ có khuynh hướng như thế, thà khước từ Chúa hơn là khước từ vật chất; thà chấp nhận sống dưới sự cai trị của tội lỗi, miễn là được sung túc, tiện nghi, giàu có. Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa. Có nhiều lúc, con người thấy Chúa đáng sợ và không muốn Chúa đến gần mình, nhất là khi Người đòi họ phải từ bỏ, hay khi Người muốn trục xuất một tên quỷ dữ lâu nay đang trú ẩn trong họ.
Chúa có ý dạy ta điều này: để giải thoát con người khỏi sự dữ, đôi khi Chúa đòi người ta phải trả giá một chút cho ơn giải thoát ấy. Chắc chắn những người dân làng ấy mong cho hai người bị quỷ ám kia được cứu thoát. Nhưng muốn cho điều ấy xảy ra, mà họ đã không sẵn sàng chịu tốn công tốn của một chút.
Những gì xảy ra thời Đức Giêsu khi xưa, thì trong xã hội hôm nay cũng đã, đang và sẽ xảy đến với chúng ta. Thật vậy, vẫn còn đó những cám dỗ về tiền tài, danh vọng và xác thịt do ma quỷ gây nên. Vẫn còn đó những thửa đất và môi trường thuận lợi cho ma quỷ hoành hành. Những thửa đất đó là: ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, bất nhân nơi nhân tâm của con người.
Bên cạnh đó, hình ảnh chốn chạy của những người chăn heo vẫn còn tái diễn nơi những người thiếu trách nhiệm, sống vô kỷ luật và tán tận lương tâm. Và, vẫn còn đó hình ảnh những người sẵn sàng tin Chúa, nhưng không chấp nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời như dân thành khi xưa đã mời Chúa ra khỏi nơi ở của họ.
Những thứ mà con người hôm nay hay lựa chọn thay cho những giá trị Tin Mừng là: tiền bạc bất chính, danh vọng hư ảo, hận thù ghét ghen, ma men tối ngày, ma đề triền miên, ma xác thịt , quỷ dâm loạn … Mỗi lần chúng ta lựa chọn các điều xấu xa như thế, ấy là lúc hình ảnh những người trong thành ra đón Chúa nhưng lại không thích Chúa ở lại trong thành của họ vì biết bao điều khuất tất họ đang làm lại tái diễn cách sống động nơi chúng ta.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mời gọi chúng ta rằng “đừng sợ”. Đừng sợ Chúa Kitô, nhưng “hãy mở, hãy mở rộng cửa cho Người, […] vì Người chẳng bao giờ lấy mất cái gì của chúng ta. Người sẽ đem lại cho chúng ta muôn nghìn điều quý giá hơn bao giờ hết”.
2020
Sự quan phòng của Thiên Chúa
30.6.2020 Thứ Ba
Mt 8, 23-27
SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn bão tố xảy ra trong cuộc sống để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Điều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời mình, dù có lúc xem ra Ngài đang ngủ, không màng chi đến nguy hiểm đang xảy ra. Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xảy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa.
Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn bão tố xảy ra trong cuộc sống con người để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Ðiều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng chi đến nguy hiểm đang xảy ra. Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xẩy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa.
Cơn bão xảy ra đã làm cho các Tông Ðồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình; trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa.
Các Môn đệ đã thật sự hoảng sợ khi gặp giông tố, thế mà Chúa Giêsu lại đang ngủ. Cơn bão đến khiến cho các môn đệ không còn bám víu vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền, cũng như các ông không còn tự phụ vào sức mạnh và khả năng chèo thuyền vượt biển của mình. Trái lại, các môn đệ đã chạy đến Chúa: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!”. Chính nhờ lời cầu xin trong lúc không còn hy vọng, các môn đệ được chứng kiến phép lạ và uy quyền của Chúa Giêsu. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy vững tin rằng: ra khơi với Chúa, các ông sẽ được bình an.
Trước cơn sóng gào gió rít dữ dội, những ngư dân dầy dạn kinh nghiệm như các môn đệ của Chúa Giê-su cũng phải kinh hoàng sợ hãi. Thế mà Ngài vẫn ngủ. Các ông vội vã đánh thức Ngài, xin Ngài cứu họ. Nhưng Đức Giê-su không vội dẹp yên sóng gió như lời các ông yêu cầu; đối lại, Ngài đánh thức các ông, đánh thức đức tin đang ngủ mê của họ: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Đức Giêsu vẫn hiện diện đó. Người có ngủ, nhưng Người biết những gì đang xảy ra và biết cần làm gì. Làm cho sóng biển yên lặng là cần, nhưng đánh thức lòng tin của các môn đệ còn cần hơn; đó là điều phải làm trước hết.
Chuyện Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên thuyền vượt qua biển hồ thì gặp phải cơn bão, biển động mạnh dữ dội, sóng nước ập vào thuyền. Tuy nhiên, cơn bão không phải là nguyên nhân chính gây ra nỗi kinh hoàng sợ hãi cho các môn đệ. Nó chỉ là mối đe dọa từ bên ngoài, chỉ làm sợ hãi thêm chứ không phải là điều gây thảm kịch. Nguyên nhân chính là vì các môn đệ đã thiếu lòng tin vào Chúa.
Cơn bão xảy ra đã làm cho các môn đệ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình. Trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa và cầu xin với Ngài: “Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”. Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các môn đệ được chứng kiến phép lạ và nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu.
Sau cơn bão, lòng tin của các môn đệ đã lớn hẳn lên. Khủng hoảng hay thử thách đức tin cũng là dịp tôi luyện để chúng ta có thể lớn lên và trưởng thành. Vì thế, đừng chỉ nhìn vào những khó khăn, thử thách bên ngoài mà lo sợ, than vãn. Nhưng phải giữ vững lòng tin, khơi lên ngọn lửa thật sáng trong chính lòng mình.
Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn bão tố xảy ra trong cuộc sống con người để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Điều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng cho đến nguy hiểm đang xảy ra. Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xảy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa.
Cơn bão đã xảy ra đã làm cho các Tông đồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình, trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa. “Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất.” Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các Tông đồ được chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa.
Đức tin không chỉ là chấp nhận một số chân lý ghi trong sách vở nhưng là nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình, và khám phá ra quyền năng của Ngài trước mỗi biến cố cuộc sống. Vì thế, nhất quyết phải bám chặt vào Ngài là “điểm tựa” vững chắc, trong lúc chính bản thân mình và mọi cái quanh mình đều nhỏ bé, mong manh, mỏng giòn, yếu đuối, tròng trành, trôi dạt, bấp bênh.
Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng gặp những “cơn giông tố” của thế gian. Những lúc ấy chúng ta cảm thấy hình như Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta; hoặc Ngài đang ở đó nhưng Ngài đang ngủ. Ta được nhắc nhở rằng: thử thách xảy ra là để chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối và mỏng giòn của mình, để chúng ta đừng chỉ cậy dựa vào sức mình; nhưng hãy cậy dựa vào Thiên Chúa, thì phép lạ dẹp tan giông tố sẽ đến bên đời chúng ta.
Khi thuyền gặp sóng to gió lớn ở giữa biển, các môn đệ hoảng sợ kêu xin Chúa cứu giúp; còn Đức Giêsu vẫn thiếp ngủ. Đức Giêsu tỉnh giấc và dùng quyền năng làm cho sóng yên biển lặng. Còn các môn đệ càng thêm vững lòng tin vào Thầy của họ.
Lúc cuộc đời gian truân, khốn khó hoặc khi phải đối diện với cái chết, lòng tin vào Chúa của chúng ta cũng dễ chao đảo, vấp ngã. Chính khi ấy, cầu nguyện là phương cách tốt nhất để Chúa có thể lắng nghe nỗi lòng của chúng ta. Bởi vì, chính Đức Giêsu đã bảo đảm: “Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em”. (Ga 15, 16)
Ước gì chúng ta cũng có thái độ như các Tông đồ ngày xưa: “Lạy Thầy, xin cứu chúng con.” Xin Chúa mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức rằng chúng ta cần đến Chúa hơn cơm bánh hàng ngày, hơn không khí để thở. Chúa là sức mạnh, là khiên thuẫn chở che, xin Ngài giữ chúng ta luôn vững mạnh trong đức tin giữa những cơn thử thách.
2020
Lòng tin của Đại Đội Trưởng – lòng tin của ta
LÒNG TIN CỦA ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG – LÒNG TIN CỦA TA
Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe Mt 8, 5-17, ta thấy niềm tin tưởng và tín thác gần như tuyệt đối của viên đại đội trưởng vào Chúa Giêsu khi ông đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8, 8).
Lời tuyên xưng của viên bách quản là kết quả hiểu biết đúng đắn về bản thân và quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Ðể có sự hiểu biết đúng đắn cần phải có thái độ khiêm nhường và thành thật. Vì con người là một tinh thần kết hợp với thể xác: thể xác bị ràng buộc bởi các điều kiện không gian và thời gian, còn tinh thần chẳng bị một ràng buộc nào; thể xác đang nằm sát đất, nhưng tinh thần có thể vươn tới trời cao; thể xác đang ở hiện tại, nhưng tinh thần có thể lùi lại quá khứ hoặc hướng tới tương lai rất xa.
Viên đội trưởng cầm đầu một toán quân lính, chắc hẳn là người ngoại đạo. Thế mà trong cuộc gặp gỡ và đối thoại ngắn ngủi với Chúa Giêsu, chúng ta thấy toát lên nơi ông một tấm lòng kính trọng với Chúa, một đức tin mạnh mẽ, một lòng tín thác nồng nàn và đầy vẻ chân thành. Việc ông nói ông đủ thẩm quyền để sai khiến các người thuộc cấp, và ông tin Chúa cũng đủ quyền năng để làm cho đầy tớ ông khỏi cơn đau đớn, đó là cả một sự tin tưởng tuyệt đối.
Và rồi đứng trước lòng chân thành và sự tin tưởng tuyệt đối này, Chúa Giêsu liên tưởng đến những người gọi là dân của Chúa, thế mà lòng tin của họ lại không bằng viên đội trưởng ngoại đạo này. Sự liên tưởng có tính so sánh ấy chắc chắn làm Chúa thấy chạnh lòng. Vì dân riêng của Chúa đã trở nên chai cứng, lòng tin có khi bị biến dạng, và tôn giáo có khi trở thành vụ lợi.
Với lời khen ông đại đội trưởng, ta thấy là lời khen dành cho người ngoại giáo, nhưng cũng là lời xót xa Chúa trao gởi cho những người “có đạo”. Làm sao ra nông nỗi này? Chắc chắn có vấn đề trong lối sống đạo của người Công Giáo. Một lối sống bị tù hãm trong thói quen vô hồn. Một sự hiểu biết nông cạn về giáo lý, Kinh Thánh và Giáo Hội, dễ đưa chúng ta đến một lối thực hành Đạo máy móc, vô nghĩa vì thiếu vắng tình yêu.
Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên bách quản này còn mạnh hơn nhiều: Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”.
Chúa Giêsu chưa hề gặp một người dân Isreal nào bộc lộ được một lòng tin như ông này. Ông là một người ngoại, có nghĩa là một người đã không được giáo dục theo văn hóa và tín ngưỡng Do thái, một người không biết đến Kinh thánh, và tất nhiên không biết có Đức Chúa là Thiên Chúa chân thật. Chính ông ta là một con người như thế mà lại đã thẳng thắn bộc lộ lòng tin vào Chúa Giêsu là một người Do thái!
Ta thấy khi nhận ra điều đó, Chúa Giêsu cũng thốt lên đầy chua chát: “con cái Nước Trời sẽ bị quăng ra bên ngoài”. Lời này của Chúa thực sự cảnh tỉnh cho chính chúng ta hôm nay: Tôi là Kitô hữu, là người môn đệ theo Chúa, liệu tôi có thực sự tin vào Chúa cách mạnh mẽ, có được tấm lòng chân thành và tín thác như người ngoại giáo kia không? Câu hỏi này chất vấn tôi hằng ngày. Lời của Chúa hôm nay phải là lời cảnh tỉnh tôi mọi lúc.
Ta thấy qua lòng tin và sự khiêm nhường của ông mà người đầy tớ đã được Chúa cứu chữa. Chính Chúa Giêsu cũng đã ngạc nhiên về niềm tin của ông vào Chúa, khi Người nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8, 10). Hằng ngày, khi chúng ta cầu nguyện, tham dự thánh Lễ, làm các việc tông đồ… vì lòng tin vào Chúa chứ không phải vì lợi ích, vì hư danh ấy là lúc chúng ta đang tiến gần đến Nước Trời.
Đức tin không phải là tổng hợp các tín điều và nghi thức mà chúng ta chấp nhận vì thói quen. Nhưng tin là sự sống. Sống niềm tin trong mọi chuyện vui buồn của kiếp người. Sống đức tin là đón nhận Ý Chúa đang thể hịên trong cuộc sống, qua những vui buồn, thành công hoặc thất bại mà lòng trí chúng ta xác tín Chúa đang ở với Chúng ta. Tin là một sự gặp gỡ sống động, luôn đổi mới chúng ta nhờ gặp được Chúa Giêsu trong từng ngày.
Một điều thực hành chúng ta cần ghi nhớ, đó là đức tin của người này đem lại những điều tốt lành cho người khác. Đức tin sống động của người cấp trên, là ân huệ bảo vệ người cấp dưới. Đức tin vững vàng, phong phú của cha mẹ, là ân huệ để Chúa chữa lành bệnh tật cho con. Biết như thế, để chúng ta sống trách nhiệm với những người chúng ta có liên hệ. Biết như thế, để chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu, như người đại đội trưởng đã xin ơn cho người tôi tớ của mình.
Trong cuộc sống, ít khi ta chấp nhận đau khổ, mấy khi ta nhớ đến Chúa và bám vào Chúa khi ta thất bại, bệnh tật, khổ đau. Đó là do ta còn giữ cái tôi ích kỷ, còn bám vào thế gian và chưa hiểu hết tình thương của Chúa. Chúa muốn chúng ta thấy một điều rằng qua đau khổ mang ta đến với Chúa, qua đau khổ ta mới cậy trông nơi Chúa.
Hãy làm bất cứ công việc gì trong bổn phận của mình với lòng chân thành, làm với trách nhiệm của người có niềm tin. Hãy học nơi người đại đội trưởng biết quan tâm tới tất cả mọi người, không phân biệt họ là người trên hay kẻ dưới để rồi có thể học được bài học yêu thương của Thầy Giêsu đã dạy chúng ta.
Hãy gìn giữ và tăng triển đức tin của mình qua từng ngày sống, để rồi chúng ta sẽ cùng với mọi người từ phương đông phương tây đến dự tiệc cùng các tổ phụ trong Nước Trời, chứ không phải bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài Nước Trời để phải khóc lóc và nghiến răng.
Chớ gì và ước mong lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở chúng ta trong công việc hằng ngày, giúp chúng ta vững tin và nhận ra mọi ơn lành đến từ Chúa và dâng lời cảm tạ Ngài.
2020
Tin tưởng & lòng biết ơn
26.6.2020 Thứ Sáu
Mt 8, 1-4
TIN TƯỞNG & LÒNG BIẾT ƠN
Chứng bệnh phong đối với người Do Thái xưa là bệnh nan y không thể chữa được. Ai mắc bệnh đó liền bị ô uế. Vì là bệnh truyền nhiễm nên bệnh nhân phải cách ly khỏi xã hội, cộng đoàn, đi tới đâu phải tự kêu từ xa cho người ta biết mà tránh xa mình. Người ta quan niệm đó là hình phạt do tội lỗi. Người mắc bệnh vừa khổ sở thể xác, tinh thần còn khổ đau gấp bội vì bị cô lập, xa tránh, ghê tởm, bị loại trừ khỏi cộng đoàn, hội đường.
Một trong những nỗi khổ đau, cay đắng của con người là bị kỳ thị, ruồng bỏ bởi chính đồng loại của mình. Trong trang Tin mừng hôm nay, người bệnh phong bị rơi vào tình cảnh đó. Người bệnh không chỉ chịu nỗi đau về thể xác như ung nhọt, ghẻ lở mà còn chịu những đau khổ về tinh thần, bị mọi người xa lánh, bị đẩy ra lề cộng đồng.
Bệnh phong thể xác đã gây ra bao đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần nhưng bệnh phong thiêng liêng còn khủng khiếp hơn nhiều. Đó là những tội trọng mà chúng ta vấp phạm làm mất lòng Chúa. Bệnh phong thiêng liêng này không chỉ làm ta mất ân sủng trước nhan Chúa mà còn mất tình liên đới với tha nhân. Vì thế, mỗi người chúng ta phải nhìn lại lòng mình, nhìn lại thực trạng tâm hồn mình để nhận dạng căn bệnh trầm kha này và mau mắn chạy đến với Chúa để được chữa lành và được phục hồi như người bệnh phong trong Tin Mừng.
Trong Tin Mừng hôm nay, trước đám đông lũ lượt, một người phong hủi dám tiến lại mà xin với Chúa Giêsu thật là khiêm tốn: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh không còn chỗ trong cộng đoàn và chẳng được hòa nhập xã hội. Giữa cảnh cùng đường tuyệt vọng, dù biết thân phận và sợ sệt, nhưng với sự khát khao đến cháy lòng, anh nhận ra, tin tưởng vào lòng thương xót và uy quyền của Thiên Chúa nơi Ngài. Trước lòng tin tưởng và thái độ khiêm tốn của anh, làm sao Ngài lại không muốn cho được? Ngài giơ tay “đụng” vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Ngay lập tức anh được sạch trơn căn bệnh đáng sợ và vô phương chữa trị ấy.
Ở đây, mười người phong cùi còn xưng đích danh Chúa Giêsu. Họ không sợ “phạm húy”. Họ muốn nói lên lòng tín nhiệm muốn kéo Người lại gần mình, như người trộm lành sau này cũng kêu tên Chúa Giêsu như thế để được chia phần số phận với Người, vì thực ra âm thầm họ ý thức được bệnh tình của họ chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới chữa được. Họ như nói lên niềm tin của dân Chúa đang trông chờ ơn cứu độ lòng Chúa thương xót, tức là nhờ Chúa là Ðấng thương xót.
Chắc chắn Chúa Giêsu đã coi lời họ xin là biểu thị lòng tin, nên bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Người bị bệnh phong cùi chỉ đi trình diện các tư tế khi đã khỏi bệnh để được các bậc nắm giữ pháp luật xác nhận là đã lành sạch. Bảo họ đi trình diện tức là Chúa Giêsu đã cam kết chữa họ. Thế mà Người chỉ làm phép lạ khi thấy lòng tin của người ta. Do đó Người đã chắc chắn về lòng tin của 10 bệnh nhân này.
Và quả thực, họ tin Người đến nỗi lập tức đã ra đi trình diện khi chưa thấy mình sạch. Ðó là niềm tin có thể dời núi chuyển non, như Lời Chúa đã hứa. Và thật vậy, trong khi họ đi họ đã được “sạch”, tức là được khỏi bệnh. Chúng ta cảm phục lòng tin của họ; nhưng thiết tưởng chúng ta phải kính yêu Chúa Giêsu hơn nữa. Người đã chữa 10 kẻ phong cùi khỏi bệnh dễ dàng như vậy và nhất là khiêm tốn như thế. Khác hẳn với những tên tự xưng là cao tay làm phép lạ nhưng thật sự chỉ là những tên bịp bợm. Nhưng chúng ta hãy trở về với 10 người phong cùi.
Cung cách khi đến với Chúa Giêsu của anh là bài học lớn cho mỗi chúng ta hôm nay. Đang khát cháy lòng chuyện khỏi bệnh mà anh vừa xin vừa tôn trọng ý muốn của Ngài. Anh đặt số phận được hay không trong ý muốn của Ngài. Ngày nay nhiều khi chúng con cầu nguyện, lòng dạ chỉ một niềm muốn Chúa thực hiện cho được ý muốn của mình, chứ Chúa mà làm khác thì buồn sầu thất vọng…
Vì lòng xót thương, Ngài không ngần ngại “đụng” vào anh mà chẳng sợ lây bệnh. Ngài bẻ gãy hàng rào ngăn cách giữa những “người trong sạch” và những “người ô uế”. Lời “tôi muốn” chứng tỏ quyền năng của Ngài trên bệnh tật và tội lỗi, vượt lên trên hàng rào luật lệ. Lời ấy chứng minh rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể và anh sẽ được lành sạch. Người thực là Đấng có thể đưa anh trở lại hòa nhập cộng đoàn mà anh đã bị xa tránh loại trừ. Nhớ lại cuộc đời của Abraham, ta thấy ông Abraham khó tin nên cười và nghĩ bụng: “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Sara đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?… Nhưng Thiên Chúa phán: “Không đâu! Chính Sara, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac.”
Chúa Giêsu đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Nhìn lại, đời chúng ta là kết tinh của bao công ơn, chúng ta phải biết ơn, cám ơn mọi người có liên hệ gần xa với chúng ta, tất cả đều là những ân nhân của chúng ta. Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải biết ơn và cảm tạ Chúa luôn luôn, bởi vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là những ơn Chúa ban. Cảm tạ Chúa là một sự công bằng, hợp lý, không bao giờ đủ, cả đời sống dương thế để mà tạ ơn Chúa cũng không đủ, huống chi chúng ta chỉ thỉnh thoảng cám ơn, thậm chí quên bẵng luôn những việc tạ ơn, thì thật là bất hiếu, bất kính biết bao.
Ta hãy tạ ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận. Cám ơn là đi vào luồng tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài. Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có. Công trình cứu độ của Chúa Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.