2020
Hiền lành và khiêm nhường
5.7 Chúa Nhật
Mt 11, 25-30
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Trước hiện trạng đời sống con người và thế giới đang ngày càng vắng bóng hiền lành và khiêm nhường, sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao, bạo lực được phổ biến và có mặt khắp nơi, trên báo chí cũng như trên phim ảnh và truyền hình, thì lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay về đức hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó được chấp nhận, nếu không muốn nói là chướng tai và ngược đời.
Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về đời sống đức tin và siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và do đó sẽ thành công trong cuộc đời.
Thế giới rộng lớn ngày nay là một thế giới chạy theo quy luật “mạnh được yếu thua”, “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, hoặc “được làm vua thua làm giặc”, gần như là tất yếu và phổ biến.
Con người ngày nay, nhất là người trẻ, sự dịu dàng hiền lành đang dần vắng bóng, mà thay vào đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng hiếm hoi, khi người trẻ sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi.
“Hãy học cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh thập giá.
Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Ai muốn làm đầu, thì phải trở nên rốt hết và hầu hạ mọi người. Chính Người, trong suốt cả cuộc đời, đã sống khiêm nhu và trong giờ từ biệt các môn đệ, để ra đi chịu chết, Người đã không ngần ngại quì xuống rửa chân cho các ông, để nêu gương khiêm nhường, đồng thời kèm theo đó là bài học bác ái yêu thương, như lời Người đã phán: Con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành để tha nhân dễ gần chúng ta và khiêm tốn để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Tuy hai nhưng là một mục đích. Tạo cơ hội cho chúng ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại để chơi. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác ai cũng chạy xa. Chúa Giêsu Ngài hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài cũng có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người. Từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến kẻ hèn. Từ người công chính đến tội lỗi.
Như thế, hiền lành và khiêm nhương không phải là thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình. Chỉ kẻ khiêm nhường mới có khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ kẻ yêu thương thực sự mới thích sống hiền hậu và khiêm nhường.
Trong cuộc sống hôm nay, đây là hai bài học căn bản, vạch dẫn cho chúng ta con đường vươn tới hoàn thiện, nhưng quả là rất khó để thực hành. Ai trong chúng ta cũng có cái tôi to đùng, thích được người ta nể trọng. Mọi người đều biết rằng, Thập gía là lý tưởng của mọi Kitô hữu và Chúa Giêsu vẫn nhắc đi nhắc lại lời mời gọi của Ngài : “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Biết thế, nhưng thực hành không phải là chuyện giản đơn.
Còn sự tự cao tự đại thường đi đôi với lòng tàn bạo và bất nhân. Bởi vì kẻ kiêu căng thường bắt mọi người phải khuất phục mình, làm nô lệ cho mình và không ngần ngại dùng bạo lực để đàn áp, chế ngự và tiêu diệt những ai không chịu khuất phục. Và nguy hiểm hơn cả là chính sự tự cao tự phụ ấy đã ngăn cản, đã che mờ đôi mắt làm họ không còn nhận ra Thiên Chúa và những mạc khải của Người.
Nhân loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học, những nhà hiền triết thông hiểu những điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để mặc khải chân lý của Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài.
Là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy lấy tình thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau, thay vì tàn nhẫn, xâu xé lẫn nhau. Hãy khiêm tốn phục vụ nhau, thay vì tự tôn, tự phụ mà đè đầu cỡi cổ người khác. Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm tốn. Cũng chính tình yêu làm cho con người sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho người khác, hơn làm khổ cho người mình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài.
2020
Dứt khoát để theo Chúa
4.5 Thứ Bảy
Mt 9, 14-17
DỨT KHOÁT ĐỂ THEO CHÚA
Khi có mấy môn đệ của ông Gioan đến gặp Chúa Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu giải thích cho họ biết thêm vì “khách dự tiệc cưới không thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn”.
Khi khẳng định điều này, Chúa Giêsu quả là một người quan sát tinh tế vì ở thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Chúa Giêsu còn dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng.
Có thể nói đây là một cuộc cách mạng lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ lề luật để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì việc ấy có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì nào có ích gì.
Trên bước đường theo Chúa, ta thấy Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước.
Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo Chúa là phải chấp nhận hy sinh, từ bỏ. Phải ra khỏi những sự ổn định của cuộc sống để ưu tiên cho sứ mạng. Ngài báo cho anh ta biết như thế để phần nào phá tan những tâm tưởng của nhiều người và có thể là của chính anh về một Đấng Mêsia quyền thế, giàu sang, ổn định theo kiểu người đời. Những lối hiểu như thế không đúng về con người và sứ vụ của Đấng Thiên Sai.
Thật thế, Chúa Giêsu không có gì làm của riêng cho chính mình. Từng lời rao giảng, từng phép lạ và cả cuộc đời của Ngài là thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha cho trọn vẹn. Vì vậy, nếu anh thanh niên này muốn theo Ngài, thì cũng phải đón nhận cuộc sống như Ngài đã sống. Một cuộc sống mà theo lối nói của Việt Nam thì: “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Có lẽ Chúa Giêsu cũng nhìn mỗi người chúng ta và muốn chúng ta tỏ bày cái thái độ dứt khoát. Thế nhưng, có lẽ chúng ta đã phải cúi mặt xuống, bởi vì mặc dù mang tiếng là người có đạo, là kẻ đã tin theo Chúa, nhưng cuộc đời chúng ta vẫn còn chồng chất quá nhiều tội lỗi, bản thân chúng ta vẫn thường xuyên nhượng bộ cho những cám dỗ, những khuynh hướng xấu xa. Chúng ta vừa muốn phụng thờ Chúa, vừa muốn phụng thờ ma quỷ. Vừa muốn bước theo Chúa lại vừa muốn phạm tội.
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước.
Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Muốn thực sự theo Chúa Giêsu, người tín hữu cần có một tâm hồn tự do và thái độ cương quyết. Tự do với tiền của, với công việc và với mọi giá trị trần thế hay không để tâm hồn bị trói buộc bởi chúng. Cương quyết với những gì cản trở ơn gọi và sứ mạng tông đồ như những gì thánh Phaolô đã kể ra là loại bỏ tính xác thịt và sống theo Thần Khí của Đức Kitô. Hỏi rằng là kitô hữu hay là môn đệ của Ngài, chúng ta đã cương quyết theo Chúa và sống ơn gọi của mình ra sao, có dứt khoát theo Chúa đến cùng trong mọi hoàn cảnh không, đã triệt để sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí chưa? Nguyện xin Chúa tha thứ những thiếu sót và lỗi lầm của chúng ta. Xin Ngài ban cho chúng ta dồi dào ân sủng để mỗi người luôn bền đỗ đến cùng trong ơn gọi làm môn đệ của mình
Hãy có một thái độ và một lập trường dứt khoát. Hãy dâng hiến cho Chúa trọn vẹn cả tâm hồn lẫn thể xác bởi vì nếu chúng ta nói rằng mình yêu mến Chúa, mà còn giữ lại một xó góc con tim cho tội lỗi, dù là một xó góc nhỏ bé nhất, thì đó là một dấu chỉ chắc chắn nhất chứng tỏ chúng ta chưa hề yêu mến Chúa.
2020
Tin vào Chúa như Thánh Tôma
Thánh Tôma tông đồ
Ga 20, 24-29
Thánh Tôma là người Do thái ở miền Galilê. Mặc dầu ít học, nhưng ngài có óc tìm tòi, một ý chí kiên vững, một tinh thần tận tụy hy sinh. Khi được Chúa gọi, ngài đã sẵn sàng bỏ mọi sự đi theo Chúa, và được chọn vào số các Tông đồ.
Tôma đã không tin lời chứng của các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã sống lại qua việc Ngài hiện ra với họ. Đức tin của cộng đoàn các môn đệ, những người bạn thân thiết đã cùng ông theo Chúa nhiều năm tháng, không giúp ông tin vào sự sống lại của Chúa. Ông khẳng định mình chỉ có thể tin nếu chính ông được gặp Chúa hiện ra, để xác nhận rằng đó chính là Chúa Giêsu thật qua các vết thương của Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa hiện ra với ông, Tôma đã không cần thực hiện việc ‘xác nhận’ đó nhưng vẫn tin Chúa đã thực sự sống lại.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tôma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
“Sự hồ nghi của Tôma” là điều mà không ít Kitô hữu ngày nay đang gặp phải, đặc biệt là các bạn trẻ phải rời xa gia đình, xa cộng đoàn giáo xứ thân quen để bước vào môi trường học tập, làm việc mới, nơi có những chủ trương, lối sống, học thuyết dễ khiến đức tin của họ bị chao đảo. Khi đó, họ cũng có cùng tâm trạng với thánh Tôma khi xưa, đó là cảm thấy đức tin của cộng đoàn mà mình đã và đang sống chung không giúp gì cho họ trong việc tìm lại niềm xác tín vào Chúa. Có thể họ vẫn đi lễ, vẫn tham dự các cử hành phụng vụ cùng với cộng đoàn, nhưng lại cảm thấy lạc lõng giữa những người đang sốt sắng cầu nguyện, ca ngợi Chúa. Cái họ cần là một cảm nghiệm cá vị với Chúa.
Khi xưa, Chúa đã đáp ứng “yêu cầu” chính đáng này của thánh Tôma, nhưng Ngài không hiện ra với một mình ông, nhưng là với cộng đoàn các môn đệ có Tôma ở đó. Điều này có nghĩa là hành trình tìm kiếm niềm xác tín cá nhân không thể tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng phải được thực hiện trong cộng đoàn và nhờ sự trợ giúp của cộng đoàn. Ngày nay, có lẽ Chúa sẽ không hiện ra cách tỏ tường với mỗi cá nhân để đáp lại mọi yêu cầu phải nhìn thấy Chúa thì mới tin vào Ngài, nhưng Chúa chắc chắn cho ta gặp được Ngài qua những gương sáng sống đức tin ngay trong chính cộng đoàn: đó có thể là một cụ già ít học, lọm khọm chống gậy đến nhà thờ mỗi ngày dù trời mưa gió; hay đó cũng có thể là một người đồng trang lứa, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để làm việc bác ái.
Cuộc đời chúng ta nếu không có Chúa sẽ “trở lại đường xưa lối cũ” của mê lầm tội lỗi. Không có Chúa mọi nỗ lực cố gắng về đường thiêng liêng trở thành luống công vô ích; nếu vắng bóng Chúa thì tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”.
Lời khẩn cầu của Tôma là lời khẩn cầu Chúa thương xót, cũng là lời khẩn cầu của từng người chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, và đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1). Chính vết thương nơi Thánh Tâm Chúa trên Thánh Giá là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, là Nguồn Mạch Lòng Thương Xót.
Sự cứng tin của Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. “Đừng cứng lòng!” phải chăng là lời gọi hãy tránh xa những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”
Thánh nhân đã công khai tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa, với một niềm tin vững vàng mạnh mẽ, giúp cho mọi người tin thật Chúa Giêsu đã sống lại, như lời Thánh Ghêgôriô Cả đã nói: “Không phải tình cờ, nhưng Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao cả của Người đã hành động một cách tuyệt vời, để nhờ người môn đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương cứng lòng tin ở nơi ta được chữa khỏi. Sự cứng lòng tin của Tôma còn giúp ích cho lòng tin của ta hơn là đức tin của các tông đồ khác. Bởi vì ông đã sờ vào Chúa rồi mới tin, nên tâm trí ta cũng rũ bỏ được mọi nghi nan và trở nên vững vàng trong đức tin. Quả vậy, người môn đệ ấy khi nghi nan mà sờ mó thì đã trở thành nhân chứng của sự kiện phục sinh”.
Niềm tin cần phải được kiểm chứng, đó cũng là thái độ của con người ngày hôm nay. Có lẽ do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được cân đong đo đếm. Thế nhưng, họ không biết được rằng, trong cuộc sống, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể chứng minh một cách rạch ròi, đó là chưa kể đến những lãnh vực nhạy cảm như: tình cảm, tình yêu, sự hy sinh, lòng vị tha, sự quảng đại…
Niềm tin vào Chúa phục Sinh đã giúp ông biến đổi cuộc đời. Từ việc ông đòi hỏi phải được nhìn thấy bằng mắt, phải sờ được bằng đôi tay, thì giờ đây, bằng đôi mắt của đức tin và sự cảm nghiệm thiêng liêng, ông đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành cho Chúa. Tương truyền rằng, ngài đã đi sang tận miền Ấn Độ xa xôi để truyền giảng Tin Mừng ơn cứu độ và chịu tử đạo ở đó.
Chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và thực hiện lời của Người. Bởi vì có Chúa thì mọi công lao vất vả của chúng ta sẽ được ban thưởng như mẻ cá ắp đầy lạ lùng. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).
Noi gương Thánh Tôma Tông đồ, chúng ta luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng được tin thật Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.
2020
Lòng tin
2.7 Thứ Năm
Mt 9, 1-8
LÒNG TIN
Tin Mừng hôm nay thuật lại một phép lạ xẩy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người tê liệt được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Tin Mừng Maccô và Luca cho thấy rõ hơn quang cảnh của phép lạ này: vì không có chỗ để chen vào, người ta leo lên gỡ mái nhà và thòng người tê liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người tê liệt, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.
Người bại liệt được khiêng đến với Đức Giê-su ngay khi Ngài xuất hiện. Hẳn họ đã chờ đợi Ngài từ lâu, vì tin vào khả năng chữa lành của Ngài. Thế nhưng, cũng có những kẻ chờ đợi Ngài, không phải để được chữa bệnh, mà là để kiếm cớ bắt bẻ Ngài. Vin vào câu nói “Tội con được tha” của Chúa Giêsu, họ cho rằng Ngài phạm thượng.
Nếu Chúa Giêsu phạm thượng, thì chắc chắn lời của Ngài không đủ hiệu năng để chữa lành, đang khi lời ấy đã làm cho người bại liệt đứng dậy vác giường mà đi. Vậy mà họ vẫn cố chấp, xúc phạm đến Ngài. Họ mới đúng là những kẻ phạm thượng, vì không tin quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động nơi Chúa Giêsu.
Điểm mấu chốt cho sự việc phép lạ được Chúa thực hiên, trước tiên đòi hỏi người ta phải có lòng tin nơi Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu làm các phép lạ dựa vào niềm tin của người đến xin Ngài. Do đó, Chúa thường nói trước khi Ngài thực hiện phép lạ là: “lòng tin của anh đã cứu anh”. Hôm nay cũng thế: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: Này con, cứ\yên tâm, con đã được tha tội rồi…”
Như vậy, nếu ta muốn được Chúa Cứu chuộc và tha thứ những tội lỗi trước hết chúng ta phải đặt niềm tin trọn vẹn và tuyệt đối nơi Thiên Chúa, bởi chỉ có Ngài mới có quyền tha thứ và chữa lành bệnh tật hồn xác cho chúng ta mà thôi!
Thực ra trước mắt chúng ta, hàng ngày vẫn xảy ra bao điều kỳ diệu mà chúng ta có thể coi như phép lạ. Đó là những trật tự lạ lùng trong vũ trụ; Gió mưa, sấm sét… hay như ngay trong thân thể của chúng ta đang diễn ra bao điều lạ lùng mà chúng ta không không thể hiểu thấu được. Từ việc tuần hoàn của máu và sự hấp thụ tiêu hóa… Tất cả những việc đó xảy ra đều do sự an bài, quan phòng, điều khiển của Thiên Chúa!
Dấu lạ đòi hỏi lòng tin. Một khi lòng tin đã đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, thì con người sẽ dễ dàng gặp được dấu lạ và lòng tin có thể chuyển dấu lạ hay ơn lành sang cho người khác. Với đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, thì việc đưa bệnh nhân đến gần Ngài quả là một cố gắng vượt mức. Nhìn vào cố gắng này, chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Ngài là ai mà con người phải cố gắng tìm gặp đến thế? Ðặt câu hỏi tức là đã bắt đầu tiến đến gần Thiên Chúa.
Phép lạ được Chúa thực hiện qua lòng tin mạnh mẽ của người bệnh cũng như những kẻ đã khiêng bệnh nhân này đến với Chúa. Nhưng ngoài việc chữa lành bệnh tật nơi thân xác. Chúa Giêsu còn hướng lòng trí mọi người lên tầm cao hơn. Đó là Người còn có quyền phép chữa bệnh tật tâm hồn và quyền năng tha thứ những tội lỗi trên mọi con người.
Với biến cố này, ta thấy chính Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta, Chúa có quyền trên thân xác và linh hồn của mỗi người chúng ta. Trước mặt Chúa, chúng ta như người bại liệt, không làm chủ được mình, mà phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng nhân lành của Chúa.
Ta cũng thấy được giá trị của sự hiệp thông trong cộng đoàn. Đức tin của chúng ta có được không phải nhờ vào chính bản thân của mình, nhưng trước hết là nhờ vào ông bà, cha mẹ và gia đình. Khi chúng ta lớn lên, đức tin đó được nuôi dưỡng trong cộng đoàn, bởi đời sống tốt lành của nhiều người.
Từ đó nhắc nhở chúng ta sống không phải chỉ cho riêng mình, mà còn để hiệp thông với những người chung quanh nữa. Vì vậy lối sống tưởng như của riêng mỗi người lại liên đới với mọi người. Nếu sống đức tin một cách nhu nhược thì hậu quả không chỉ có mình gánh chịu, mà cả cộng đoàn và cả Giáo Hội cũng phải bị ảnh hưởng. Ngược lại, khi sống đức tin một cách manh mẽ thì những người sống chung quanh cũng sẽ được hưởng nhờ..
Một mình người bất toại không thể đi gặp Chúa Giêsu, vì anh chẳng có sức cất bước. Anh phải để kẻ khác đỡ nâng, khiêng vác mình. Nhìn nhận các giới hạn, khiếm khuyết của chúng ta, khiêm tốn chấp nhận sự giúp đỡ cộng tác của anh em là phương thế chắc chắn nhất giúp chúng ta đến gặp Chúa. Và một khi được kẻ khác giúp đỡ, đến lượt chúng ta cũng hãy mau mắn giúp kẻ khác như vậy.
Chúa Giêsu thán phục niềm tin của người bất toại cũng như của những kẻ khiêng anh ta đến: vì muốn gặp Chúa, họ đã vận dụng mọi cách để làm cho kỳ được. Ngày nay ai muốn gặp Chúa, cũng phải biết hy sinh dẹp bỏ mọi chướng ngại vật quanh mình và trong bản thân mình. Có như vậy mới thể hiện được lòng khao khát đến với Chúa của từng người chúng ta.
Qua phép lạ chữa cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại : ”Tội lỗi của con đã được tha”.