2020
Trả giá vì danh Chúa
10.7 Thứ Sáu
Mt 10, 16-23
TRẢ GIÁ VÌ DANH CHÚA
Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.
Tin mừng cho ta thấy Chúa Giêsu biết trước trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng , các Tông đồ sẽ gặp bách hại, thất bại, ghen ghét và chống đối. Sự chống đối này còn xảy ra ngay trong gia đình nơi thân thương gần gũi với mình. Nên Ngài không những trấn an các ông đừng lo sợ vì có Thiên Chúa ở cùng nâng đỡ mà còn dạy các ông cần phải biết Khôn ngoan như rắn và đơn sơ như Chim câu. Điều này đòi hỏi người môn đẽ phải luon có đời sống cầu nguyện và tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, rắn là loài vật luồn lách rất giỏi, tinh ranh và khôn ngoan, quỷ quyệt (St 3). Nó có thể cắn chết người (rắn lửa trong sa mac) và cứu người (con rắn đồng của Môisê). Xưa cũng như nay, người ta còn dùng rắn để chữa nhiều bệnh. Chúa Giê su mượn hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ cũng như những ai muốn làm môn đệ Ngài khi thi hành sứ vụ phải biết khôn ngoan cẩn trọng nhưng không quỷ quyệt, luồn lách, thâm độc, Sự khôn ngoan này phải xuất phát từ tấm lòng từ bi chân thành, ngay thẳng, đơn sơ như chim bồ câu.
Nói đến chim câu là nói đến sự trung thành (St 8, 8-12), hiền lành, trong trắng , đơn sơ là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, của hòa bình, an lành. Chúa Giê su dùng hình ảnh này không những để khuyến khích các tông đồ mà cả chúng ta nữa, những người muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa phải luôn thành thưc, tín trung và phó thác vào tình yêu Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh của cuộc sông.
Thật vậy, thời nào cũng có những cuộc bách hại gây khó khăn cho người môn đệ. Nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại đầy dẫy những bất công, con người chỉ muốn sống tự do, hưởng thụ an nhàn tự tại cho riêng mình. Thời đại mà người công chính, lương thiện, người bênh vực chân lý thì mất dần tiếng nói trong xã hội, trong các công sở. Nếu không khôn ngoan như con rắn để phân định sự kiện. Nếu không đơn sơ như chim câu mở rộng tâm hồn đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trung thành, tín thác vào tình yêu của Chúa. Người môn đệ dễ bị chán nãn thất vọng trước nhựng thất bại, chống đối ghét ghen, phản bội, kết án của xã hôi, bạn bè và ngay cả chính những người thân trong gia đình.
Chúa Giêsu nói, Ngài sai các môn đệ đi như “chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.
Mọi sự các môn đệ đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.“ Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha. Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Việc chấp nhận hy sinh, thua thiệt, nghèo khó, bắt bớ và ngay cả khi mất mạng sống là để đạt được mục đích cuối cùng là Tin mừng của Chúa được rao giảng khắp chốn. Cuộc đời gắn liền với sứ mạng này tựa như quá trình thối đi của hạt giống để trổ sinh nhiều hoa trái đồng thời lãnh chắc được phần thưởng lớn lao mà Đức Kitô đã hứa ban.
Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp”.
Người môn đệ Chúa Kitô là những người lội ngược dòng đời : mang trong mình hành trang gọn nhẹ không gì khác là Lời Chúa ; bị khinh chê, ngược đãi và bắt bớ ; thậm chí bị cả người thân trong gia đình đẩy đưa đến bờ vực của bắt bớ và sát hại; hoàn toàn phó thác cuộc đời, tương lai và mạng sống nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và sức mạnh cộng thêm sự khôn ngoan nơi Chúa Thánh Thần.
Làm chứng nhân của Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với Ki-tô hữu. Như Chúa Giê-su đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa. Thánh Phê-rô và Gio-an đã bị người Do Thái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng. Người Ki-tô hữu thời đại hôm nay vẫn đang bị sự cấm đoán vô hình đến nỗi không dám mang theo mình một cuốn Thánh Kinh, không dám làm dấu thánh giá trước mặt mọi người trong một đám tiệc.
Nỗi sợ hãi làm cho nhiều người không còn nghe được tiếng Chúa mời gọi làm chứng cho Ngài và tưởng rằng họ sẽ tìm được bình an trong sự lẩn trốn. Nhưng, người ta không thể làm chứng cho Chúa mà không có can đảm và hy sinh, như Barclay quả quyết; và cần phải biết rằng con đường dễ dãi không thu hút người ta; trái lại những gì đòi hỏi sự dũng cảm rốt cuộc sẽ có sức thuyết phục hơn.
Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội Chúa ban cho chúng ta để làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian thách thức đức tin của chúng ta vào Chúa và thách đố lòng trung thành của chúng ta vào việc làm chứng cho Chúa.
2020
Chọn và gọi
8.7 Thứ Tư
Mt 10, 1-7
CHỌN VÀ GỌI
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Giêsu không chọn những người tài cao và học rộng, giàu sang và quí phái, chức vụ và uy quyền trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn người có tấm lòng và thiện chí. Chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo liệu.
Các tông đồ được chọn không phải vì các ngài có tấm lòng và thiện chí như tiêu chuẩn của Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương họ trước cả khi họ biết Chúa. Các tông đồ được Chúa chọn cũng không phải vì các ông có quả tim tinh tuyền như Chúa đòi hỏi, nhưng vì lòng nhân từ của Ngài mà Ngài hy vọng sẽ hướng dẫn, dạy dỗ họ, để họ đổi mới mà thành những chứng nhân tông đồ cho muôn dân.
Với thánh sử Máccô và Luca chỉ nêu danh sách 12 tông đồ khi Chúa gọi các ngài; còn Matthêu thì nhắc đến nhóm 12, khi Chúa sai các ông đi rao giảng. Như vậy, Matthêu đã nhấn mạnh đến sứ mạng của nhóm 12 hơn là việc kêu gọi các ngài, và đề cao mối liên lạc mật thiết giữa tông đồ đoàn và sứ mạng truyền giáo. Họ là những chứng nhân tiêu biểu, đã được Chúa Giêsu huấn luyện, trao quyền hành và nhiệm vụ truyền giáo, như chính Người đã được Chúa Cha sai đi.
Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông đồ làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm nền tảng cho Giáo hội. Các ông không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; Trái lại, các ông chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê, có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế, tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Ta thấy từ mười hai người này, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của Ngài. Nền tảng của Giáo hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Đấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo hội đứng vững đến độ sức mạnh hỏa ngục không làm lay chuyển nổi.
Chúa Giêsu chọn các Tông đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: Matthêu người thu thuế. Tất cả mọi người đều coi Matthêu là người phản quốc (làm việc cho ngoại bang), như một người làm tay sai cho những chủ nhân chiếm xứ mình để cầu lợi. Trái ngược với Matthêu, một người ái quốc thương dân là Simon (người nhiệt thành). Nếu Simon người cuồng tín đó gặp Matthêu tại một nơi nào khác ngoài tập thể của Chúa Giêsu, thì chắc chắn giữa hai ông sẽ xảy ra án mạng. Rồi một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói.
Và một Toma từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao. Tại dây có một chân lý trọng đại là những người thù ghét lẫn nhau lại có thể thương yêu nhau, khi cả hai đều mang sứ điệp Tin Mừng. Trái lại trong bài đọc một gia đình tổ phụ Giacob chúng ta thấy: Anh em trong nhà lại ám hại nhau.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô.
Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Chúa Giêsu không tìm kiếm những người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để làm việc một cách rất phi thường. Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ. Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.
Sự chọn gọi các môn đệ của Chúa Giêsu là có chủ đích: Đó là để sai đi, công bố Tin Mừng Nước Trời, cùng với sứ mạng, các môn đệ được trao cho quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đây là dấu chỉ của thời đại Nước Trời đã đến, Tin Mừng thắng được sự dữ, Tin Mừng đến để phục vụ, để cứu chữa.
Kể từ khi được khai sinh, Giáo Hội vẫn trung thành và nhiệt tâm thực thi lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho các giám mục, linh mục và tu sĩ luôn trung thành, nhiệt huyết với ơn gọi. Chúng ta cũng luôn cộng tác với các ngài trong sứ vụ truyền giáo. Cộng tác qua cách sống hằng ngày trong gia đình, lối xóm, quê hương. Một lối sống thể hiện là con cái Thiên Chúa. Một lối sống mà khi nhìn vào dân ngoại biết chúng ta đang mang gương mặt, trái tim, tình yêu của Đức Kitô.
Đồng thời, chúng ta cũng phải biết sẻ chia, giúp đỡ và đón nhận dân ngoại bằng tinh thần yêu thương, qua đó họ sẽ nhận biết và tin vào Thiên Chúa. Chúng ta hướng lòng về Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo đầy thách thức hôm nay với tinh thần cầu nguyện, hiệp thông. Cầu nguyện cho những người xa Chúa biết trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ. Hiệp thông trong sứ mạng chung bằng cách góp phần nhỏ bé của mình.
Lệnh sai đi của Chúa Giêsu năm xưa vẫn còn hiệu lực cho Giáo Hội hôm nay, người kitô hữu có bổn phận đến với muôn dân, mang Tin Mừng của Chúa đến bằng sự phục vụ, yêu thương và cứu chữa. Như trong bài đọc một. Giuse nhận ra kẻ thù là anh em, sẵn sàng chia sẻ khi anh em gặp khốn khó, cấp dưỡng khi anh em bị bỏ rơi.
2020
Chúa chạnh thương
7.7 Thứ Ba
Mt 9, 32-38
CHÚA CHẠNH THƯƠNG
Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Giêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Matthêô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh câm cho một người bị quỷ ám. Người này hẳn trước kia bình thường nói năng tự nhiên, khi bị quỷ ám thì anh đã mất khả năng ăn nói. Cho nên, khi được Chúa chữa lành, anh liền nói được ngay. Sau khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này, chúng ta thấy xảy ra hai phản ứng.
Tin Mừng Nước Trời gắn liền với dấu chỉ phục vụ cho sự sống: ở đâu có Nước Trời, ở đó có sự phục vụ cho sự sống; và ở đâu có sự phục vụ cho sự sống, ở đó Nước Trời hiện diện. Đức Ki-tô đã phục vụ cho sự sống của loài người và từng người chúng ta “cho đến cùng”, nghĩa là trở thành “Bánh” nuôi dưỡng chúng ta, trở thành hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta; và Ngài mời gọi mỗi chúng ta đích thân đón nhận sự phục vụ của Ngài, để có thể phục vụ như Ngài. Đó chính là cách thức Đức Ki-tô loan báo Tin Mừng và làm cho Nước của Thiên Chúa Cha trị đến.
Ta có thể rút ra bài học: bất cứ một việc gì dù tốt lành đến đâu, cũng vẫn có thể bị hiểu lầm và cắt nghĩa sai đi. Trong khi thi hành sứ vụ mục tử, chúng ta cũng không thể tránh khỏi lời này tiếng nọ từ những người có óc thành kiến hay ganh tị. Chúng ta hãy nhớ Đức Giêsu – Thầy chúng ta – cũng đã từng bị người ta gán ghép là “khùng”, “bị quỷ nhập”, thậm chí là “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.
Trước sự cứng lòng của những người biệt phái, Chúa Giêsu tỏ thái độ đau xót, không phải cho Ngài, nhưng cho đám đông dân chúng theo Ngài. Ngài thương họ bơ vơ lạc lõng. Ngài ví họ đáng thương như một bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài lại dùng hình ảnh đồng lúa chín vàng để nói lên tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.
Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, và Ngài nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử: chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi; chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi ; và kết cục, không sớm thì muộn, cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại. Vào thời của Đức Giê-su, đã có những đám đông như thế; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay.
Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.
Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc giảng dạy trong các hội đường. Là người tông đồ, chúng ta phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường và tiếp xúc với mọi hạng người để phục vụ và rao giảng về Chúa cho họ. Chúa thấy đám đông và chạnh lòng thương xót: Chúa nhạy cảm trong việc biểu lộ tình thương trong tâm tư, lời nói và việc làm. Người tông đồ cũng phải đến với anh em với cả tâm hồn để nhận biết và bày tỏ tình thương cách hợp tình, hợp lý và hợp cách.
Chúa mời gọi các môn đệ và cả chính chúng ta nữa: «Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» ! Như thế, Ngài mời gọi chúng ta tham gia, chia sẻ trách nhiệm của Ngài đối với mùa gặt. Nhưng trong thực tế, Ngài không đợi các môn đệ xin, nhưng tức khắc, Ngài gọi các môn đệ, trao quyền và sai đi (đó là nội dung của bài Tin Mừng ngày mai : Mt 10, 1-8). Đơn giản vì đó là chuyện khẩn cấp ! Hình ảnh «bầy chiên không người chăn» và hình ảnh “mùa gặt đã đến” diễn tả thật rõ ràng khía cạnh khẩn cấp của sứ vụ. Và Ngài đã sai chính những người xin Ngài sai thợ ra gặt lúa về ! Điều này có nghĩa là, họ không chỉ xin Chúa sai người khác, nhưng còn ước ao cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và xin Ngài sai chính họ.
Chúng ta cũng vậy, chính khi chúng ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh chúng ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính chúng ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi xếp loại, phân loại, phân cấp, xét đoán hay lên án, chúng ta đi trong niềm vui và hi vọng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.
2020
Lòng tin và sức mạnh
6.7 Thứ Hai
Mt 9, 18-26
LÒNG TIN & SỨC MẠNH
Con người khao khát Thiên Chúa, hay đúng hơn Thiên Chúa đã tạo dựng con người, với nỗi khao khát vô biên ấy. Con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu của Ngài vượt trên mọi thước đo, mọi dự đoán, mọi tưởng tượng của con người, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để mạc khải cho con người.
Theo quan niệm của người Do Thái xưa thì bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, cũng như thời nay người ta cho rằng, ai vướng vào bệnh HIV đa số là do thói chơi bời trác táng, xì ke ma túy…Như vừa rồi có một bạn trai mới xa gia đình đi học nghề để kiếm sống, chẳng may giao du với bọn xấu, chơi hàng đá hít say mê mụ mị đến quên cả đường đi lối về, quên luôn mình là người công giáo. Bố mẹ dò la đi kiếm và rất đau lòng khi thấy con trai mình bệ rạc lở loét lết bết ngoài đầu đường xó chợ. Hai ông bà đã đưa con mình vào trại cai nghiện…và mời Cha chú tới sau đó để giúp con hồi tâm sám hối, xin được ơn Chúa chữa lành hồn xác. Nửa năm thanh luyện phục hồi nhân phẩm, bạn đã tìm lại lòng tin và nhận được ơn Chúa giúp hồn an xác mạnh, giờ biết đứng lên làm lại cuộc đời.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa.
Ta thấy vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: “Ðức tin của con đã cứu chữa con”, nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.
Lòng tin của người phụ nữ hôm nay thật đơn sơ, khiêm tốn, chất phác gần như mê tín. Chính tinh thần đó đã làm nổi bật sức mạnh niềm tin của người đàn bà bị băng huyết đối với Chúa Giêsu. Bà tin vào quyền năng của Người đến nỗi bà chỉ cần “ sờ được vào áo của Người thôi ” thì bà cũng sẽ được khỏi bệnh. Niềm tin của bà thật đơn sơ và chất phác. Vì thế chúng ta không nên chỉ trích và khinh dễ những cử chỉ đạo đức, đơn sơ, chất phác và khiêm tốn của các ông bà già, vì Chúa thấu suốt tâm can và cõi lòng của những người đến với Chúa.
Chúa Giêsu yêu thương con người, nên Ngài càng dứt khoát tiêu diệt tội lỗi. Ngài đến chữa con người khỏi những bệnh tật, tội lỗi, và dẫn đưa họ tới miền ánh sáng tự do. Ai có lòng tin sẽ được cứu.
Đức tin được củng cố những tâm hồn khô khan nguội lạnh, có đức tin được nhận ra Chúa qua người khổ đau bất hạnh, đức tin càng vững vàng, thì lời cầu nguyện càng vững chắc. Việc thực hành việc đạo đức này, qua lời cầu nguyện, lòng tin càng tôi luyện bao nhiêu, thì chúng ta lại càng cầu nguyện xác tín qua lời kinh Mân côi, với lời cầu nguyện ngợi khen qua kinh Mân côi mang lại cho chúng ta khoa học nhận biết Chúa Kitô, bằng cách dạy ta cách suy gẫm về cuộc đời Ngài, cuộc khổ nạn và vinh quang vinh phúc của Ngài, giúp chúng ta có một đức tin kiên cường mạnh mẽ, hầu cuộc sống trần gian này chỉ là cõi tạm, với lòng tin qua lời cầu nguyện để chúng ta hướng về cõi phúc: “Đó là sự sống đời đời” (Ga 17,3)
Hàng ngày chúng ta bôn ba vội vã lao vào vòng xoáy cuộc đời, cà đó luôn là cớ để ta tránh xa Chúa. Có lúc chỉ cần chút thử thách cơn bệnh tật gởi tới, ta đã vội vàng tìm những kiểu chữa bệnh theo quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” đặt lên hàng đầu, bỏ mặc Thiên Chúa, hay đã mê muội tin vào mê tín, bùa ngãi, cúng vái. Ta tìm mọi cách cố sao cho khỏi bệnh, đôi khi có thể đánh đổi lòng tin của mình. Hoặc có nhiều lúc ta chạm đến Chúa qua bí tích Thánh Thể qua rước Mình Máu Thánh Chúa, chạm đến Chúa qua Thánh Lễ, qua cầu nguyện, nhưng tâm hồn ta hời hợt, tâm trí suy nghĩ viễn vông chỉ là hình thức bề ngoài đạo đức vì thói quen hay cho bằng mọi người.
Và cũng có lúc ta chạm đến Chúa qua người anh em nghèo khó, hay bị bỏ rơi, nhưng với họ đã không làm ta lay động, không để dấu ấn trong ta, nếu có làm cho họ vì danh mình. Nếu tôi biết sống trong niềm tin vào Thiên Chúa, thì sự biến đổi chính mình luôn đổi mới được chấp nhận trong tôi, bằng tình yêu, bằng sự khiêm nhường trong đức tin. Như lời Kinh Thánh nói “Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Rm 10, 11)
Mọi người chúng ta muốn đến được với Chúa rất cần một sự can đảm và liều lĩnh, nhất là khi chúng ta đang sống trong sự bi đát của tội lỗi, sống tách biệt với cộng đoàn đã lâu năm, bị mọi ngăn trở xã hội và cả tôn giáo tạo nên ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Hãy can đảm đứng lên, mau chạy đến Bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành thương tích linh hồn, để hoà nhập với cộng đồng. Hãy chạy đến Bí tích Thánh Thể để tâm hồn được chạm đến Chúa Giêsu và sinh lực từ Thánh Thể sẽ phát ra làm cho chúng ta nên mạnh mẽ.
Qua một cơn hải trình cam go, những người có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương. Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ nâng của Chúa.