Chúa chạnh thương
7.7 Thứ Ba
Mt 9, 32-38
CHÚA CHẠNH THƯƠNG
Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Giêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Matthêô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh câm cho một người bị quỷ ám. Người này hẳn trước kia bình thường nói năng tự nhiên, khi bị quỷ ám thì anh đã mất khả năng ăn nói. Cho nên, khi được Chúa chữa lành, anh liền nói được ngay. Sau khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này, chúng ta thấy xảy ra hai phản ứng.
Tin Mừng Nước Trời gắn liền với dấu chỉ phục vụ cho sự sống: ở đâu có Nước Trời, ở đó có sự phục vụ cho sự sống; và ở đâu có sự phục vụ cho sự sống, ở đó Nước Trời hiện diện. Đức Ki-tô đã phục vụ cho sự sống của loài người và từng người chúng ta “cho đến cùng”, nghĩa là trở thành “Bánh” nuôi dưỡng chúng ta, trở thành hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta; và Ngài mời gọi mỗi chúng ta đích thân đón nhận sự phục vụ của Ngài, để có thể phục vụ như Ngài. Đó chính là cách thức Đức Ki-tô loan báo Tin Mừng và làm cho Nước của Thiên Chúa Cha trị đến.
Ta có thể rút ra bài học: bất cứ một việc gì dù tốt lành đến đâu, cũng vẫn có thể bị hiểu lầm và cắt nghĩa sai đi. Trong khi thi hành sứ vụ mục tử, chúng ta cũng không thể tránh khỏi lời này tiếng nọ từ những người có óc thành kiến hay ganh tị. Chúng ta hãy nhớ Đức Giêsu – Thầy chúng ta – cũng đã từng bị người ta gán ghép là “khùng”, “bị quỷ nhập”, thậm chí là “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.
Trước sự cứng lòng của những người biệt phái, Chúa Giêsu tỏ thái độ đau xót, không phải cho Ngài, nhưng cho đám đông dân chúng theo Ngài. Ngài thương họ bơ vơ lạc lõng. Ngài ví họ đáng thương như một bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài lại dùng hình ảnh đồng lúa chín vàng để nói lên tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.
Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, và Ngài nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử: chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi; chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi ; và kết cục, không sớm thì muộn, cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại. Vào thời của Đức Giê-su, đã có những đám đông như thế; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay.
Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.
Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc giảng dạy trong các hội đường. Là người tông đồ, chúng ta phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường và tiếp xúc với mọi hạng người để phục vụ và rao giảng về Chúa cho họ. Chúa thấy đám đông và chạnh lòng thương xót: Chúa nhạy cảm trong việc biểu lộ tình thương trong tâm tư, lời nói và việc làm. Người tông đồ cũng phải đến với anh em với cả tâm hồn để nhận biết và bày tỏ tình thương cách hợp tình, hợp lý và hợp cách.
Chúa mời gọi các môn đệ và cả chính chúng ta nữa: «Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» ! Như thế, Ngài mời gọi chúng ta tham gia, chia sẻ trách nhiệm của Ngài đối với mùa gặt. Nhưng trong thực tế, Ngài không đợi các môn đệ xin, nhưng tức khắc, Ngài gọi các môn đệ, trao quyền và sai đi (đó là nội dung của bài Tin Mừng ngày mai : Mt 10, 1-8). Đơn giản vì đó là chuyện khẩn cấp ! Hình ảnh «bầy chiên không người chăn» và hình ảnh “mùa gặt đã đến” diễn tả thật rõ ràng khía cạnh khẩn cấp của sứ vụ. Và Ngài đã sai chính những người xin Ngài sai thợ ra gặt lúa về ! Điều này có nghĩa là, họ không chỉ xin Chúa sai người khác, nhưng còn ước ao cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và xin Ngài sai chính họ.
Chúng ta cũng vậy, chính khi chúng ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh chúng ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính chúng ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi xếp loại, phân loại, phân cấp, xét đoán hay lên án, chúng ta đi trong niềm vui và hi vọng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.