2020
Sám hối
14.7 Thứ Ba
Mt 11, 20-24
SÁM HỐI
Sám hối – một từ quá quen thuộc, người ta có thể rất hay nói về nó, có thể dùng nhiều từ hoa mỹ để diễn tả, hoặc đọc kinh để sám hối, hay xưng tội để sám hối…,nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Vì đã sám hối là phải canh tân, là cuộc sống phải biến đổi. Muốn sám hối người ta phải có lòng khiêm tốn biết mình, nhận ra ân huệ và tình thương Chúa dành cho mình trong cuộc sống, nhận ra tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và tình thương yêu của Người, nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, thật lòng thống hối và quyết tâm sửa chữa. Giáo lý nhà phật coi sám hối như là một cách tu luyện để được tái sinh: “Chỉ có sám hối nghiệp chướng của mình thề không tái tạo, mới được vãng sanh…đoạn ác tu thiện mới chính là sám hối.” (văn phát nguyện sám hối).
Chúa Giêsu mời gọi sám hối – Ngài đã thiết lập bí tích hòa giải, hay còn gọi là bí tích sám hối như một phương thế để người Ki-tô hữu có điểm dừng, có hồi tâm xét mình để biết mình, để hoán cải sửa chữa những lầm lỗi. Thế nhưng có được bao người Ki-tô hữu lãnh nhận bí tích hòa giải trong tinh thần sám hối thực sự, hay coi đó chỉ như hành vi đi “đổ rác”, hoặc để giữ luật, hoặc chỉ vì gượng ép…. Vì thế mà tội xưng xong thì “mèo lại vẫn hoàn mèo” – Không có gì đổi mới, không có gì canh tân.
Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là ba thành phố nằm gần biển hồ, là những nơi mà Chúa Giêsu thường đến rao giảng và làm phép lạ. Vì vậy, các thành này được diễm phúc chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Nhưng thay vì tin vào Chúa qua các phép lạ đó, thì dân cư của các thành này lại cứng lòng, không chịu sám hối. Thậm chí, Capharnaum còn bị Chúa Giêsu nêu rõ tội danh là kiêu ngạo, “nhắc mình lên tận trời cao”.
Đối nghịch với ba thành này là ba thành khác được nêu danh để so sánh, đó là Tyrô, Siđôn và Sôđôma. Tyrô và Siđôn là hai thành thuộc miền dân ngoại, họ không được nghe Chúa Giêsu giảng, cũng không được chứng kiến phép lạ Chúa làm. Hơn nữa, trong Cựu ước, hai thành này được nêu danh như là đối tượng cho sự trừng phạt của Thiên Chúa. Còn Sôđôma được nhắc đến trong sách Sáng Thế, là một thành hết sức tội lỗi và bị lửa thiêu đốt do tội của họ.
Chúa Giêsu lấy ba thành này để so sánh với Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum để làm nổi bật sự cứng lòng của họ. Ba thành kia bị liệt kê là xấu, thế nhưng nếu họ được chứng kiến các phép lạ đã xảy ra ở Corazain, Bethsaiđa và Capharnaum thì họ ăn năn sám hối chứ không như dân của ba thành cứng lòng này.
Tin và sám hối là hai việc làm đi đôi, là tương quan hai chiều. Tôi chưa sám hối bởi đức tin của tôi yếu kém, đã khô héo hoặc đã chết. Tin vào Chúa Giêsu, vào Tin mừng của Ngài chúng ta không thể tiếp tục ‘đường xưa lối cũ’. Nếu sám hối thực sự, Ki-tô hữu sẽ “nên thánh như Cha trên trời là Đấng thánh”. Sám hối làm cho St. Phê-rô đã từng ba lần chối Chúa được lên tông đồ cả; đã làm cho Madalena – một cô gái điếm trở nên chứng nhân loan báo tin mừng phục sinh đầu tiên, cho Thánh Augustinô từng rối đạo, mê lầm trong tội lỗi trở nên người bảo hộ đức tin giáo hội qua tổng luận thần học và được tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh….
Sám hối là trở về với Cha, công nhận quyền tối thượng của Người trên cuộc đời mình, sẵn sàng vâng mệnh, thi hành thánh ý của Người trong cuộc sống; là biết nói không với những gì có thể kéo ta xa rời Thiên Chúa. Sám hối là mở rộng tâm hồn mình cho hồng ân Chúa đến như mưa tuôn thấm nhuận làm cho đất khô cằn trở nên phì nhiêu phát sinh hoa thơm trái tốt.
Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.
Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục kêu mời và gởi đến chúng ta nhiều dấu chỉ để chúng ta tin Ngài mà ăn năn sám hối.
Chúa kêu mời chúng ta qua lời giảng dạy của các mục tử, qua những lần chúng ta đọc Thánh Kinh…
Chúa gởi đến chúng ta những dấu chỉ là các biến cố trong cuộc sống. Thí dụ, cái chết của một người nào đó cũng là dấu chỉ mời gọi chúng ta sám hối…
Sám hối tuy là một tiến trình, nhưng nó cần có một khởi điểm. Khởi điểm này là lời đáp trả ban đầu đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, một đáp trả dứt khoát chứ không chần chừ, quyết liệt chứ không hứa hẹn. Ngay từ bước khởi đầu, hối nhân để cho ân sủng Chúa thấm vào tâm hồn bị thương tích của mình và chấp nhận chỗi dậy bước đi trong tiến trình chữa lành.
Sẽ không có một tiến trình trở về với Chúa, nếu không có bước khởi đầu này. Bước khởi đầu này dù chỉ là một dấu chấm, nhưng là một dấu chấm quan trọng, không thể thiếu, để khởi dẫn cho nhiều dấu chấm khác, làm thành một đường thẳng tắp hướng về trời. Dân thành Tia và Xi-đôn nhanh chóng khởi đầu hành trình sám hối của họ sau khi nghe Lời Chúa, không tính toán, do dự. Đối với họ, hạnh phúc bắt đầu từ bước khởi đầu đó.
Mong sao ta luôn nhớ rằng: Chúa sẽ ‘đòi’ ta theo những gì Ngài đã ban cho ta. Mong sao, ta luôn nhạy bén để nhận ra những ân lộc mà Chúa đã dành cho ta mỗi ngày. Và mong sao, ta luôn rộng rãi chia sẻ những ân lộc mà ta được lãnh nhận cho anh chị em ta.
2020
Thiệt thòi của người môn đệ
13.7 Thứ Hai
Mt 10, 34-11,1
THIỆT THÒI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. “Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng”. Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều kiện để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu thật gắt gao và quyết liệt; vì để có thể trung thành sống theo ý Chúa người ta phải hy sinh, phải vác thập giá và phải hy hiến thậm chí cả mạng sống mình. Tại sao đòi hỏi của Chúa lại có vẻ khắc nghiệt như thế, Ngài không có sự nhân nhượng nào sao? Thưa vì tình yêu Chúa dành cho con người thật cao sâu nhiệm lạ. Người yêu thương con người và muốn cho họ được hạnh phúc thật, và hạnh phúc đó chỉ có được khi con người sống theo đường lối và thánh ý của Người.
(34) “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. (35) Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. (36) Kẻ thù của mình chính là người nhà. (37) “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.
Thoạt nghe qua những lời trên, chúng ta cảm thấy thật lạ lùng. Đức Giê-su chẳng phải là vua bình an sao? Chẳng phải Người chúc phúc cho những kẻ xây dựng hòa bình và Người không muốn chiến tranh, thù hận, gây hấn? Vâng đúng vậy, Người là vua bình an và Người muốn con Người luôn sống trong bình an. Do đó, chúng ta phải hiểu nội dung ý nghĩa thực sự của bản văn Lời Chúa:
Tình cảm giữa cha mẹ, con cái và giữa những người thân là một tình cảm thiêng liêng cao quí, chắc chắn Chúa không bao giờ cấm đoán, nhưng thậm chí Ngài còn muốn chúng ta phải tôn trọng, bảo vệ và vun đắp; bởi vì Chúa muốn chúng ta yêu thương tất cả mọi người kể cả kẻ thù huống hồ là những người thân yêu, thương mến của ta. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải có những lựa chọn thật quyết liệt giữa việc thực thi ý muốn của Chúa và việc làm đẹp lòng những người thân yêu nhất của chúng ta. Nếu tình cảm ấy khiến chúng ta không thể thi hành thánh ý Thiên Chúa, hay đối nghịch với ý Chúa thì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát, phải hy sinh những tình cảm ấy để sống theo thánh ý của Người cho dù điều đó có thể gây mâu thuẫn, chống đối trong tương quan với tha nhân, ví dụ: chồng hay cha mẹ bắt người phụ nữ phá thai vì mang thai ngoài ý muốn….
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, người tôi tớ tốt lành của Thiên Chúa có nói: dù chỉ là một sợi chỉ nhỏ ràng buộc nơi chân con chim sẻ cũng khiến nó không thể bay được vào khung trời tự do. Vì vậy ta không thể tự do để tiến lên tới Chúa nếu tâm hồn ta còn bị những ràng buộc trì trệ; hay con thuyền đời ta còn bị những dây thừng dây cáp của những tình cảm, những đam mê trói buộc thì làm sao nó có thể tự do để lướt trôi trên biển cả mênh mông đầy những bão dông thử thách của cuộc đời để cập đến bến bờ quê hương vĩnh cửu bình an.
Từ bỏ những gì là ngoài thân mà ta quyến luyến gắn bó đã là khó, từ bỏ chính mình còn ngàn lần khó hơn gấp bội. Theo Chúa phải vác thập giá, tức là chấp nhận những khó khăn, gian khổ và hy sinh. Đời người có muôn ngàn những thập giá lớn nhỏ mà ta phải vác lấy. Tuy nhiên, thập giá sẽ vơi nhẹ nếu ta đón nhận cách tự nguyện và bước theo Đức Ki-tô trong niềm tin yêu và tín thác. Chỉ có tình yêu mới khiến cho người ta dám hy sinh, tự nguyện hy sinh. Yêu mến và hiệp thông với Thiên Chúa, con người sẽ có tình yêu Thiên Chúa chảy tràn trong mình – tình yêu khiến con người tự do chấp nhận và sẵn sàng cho đi tất cả, kể cả mạng sống mình – tình yêu làm sống động và nảy sinh nhiều hoa trái yêu thương trong cuộc sống.
Cuối cùng Chúa hứa ban thưởng xứng đáng cho tình yêu và lòng quảng đại của chúng ta dành cho tất cả mọi con người dù là người bé nhỏ nhất (c. 40- 42). Thường Đức Giê-su không dạy hay đòi hỏi chúng ta phải đọc bao nhiêu kinh, dâng bao nhiêu thánh lễ, làm được bao nhiêu việc thiện, thực hiện được bao nhiêu công trình… để được thưởng công, tuy đó là những công việc tốt đẹp mà bổn phận chúng ta phải làm để thờ phượng Chúa và làm ích cho tha nhân và cuộc sống; nhưng Ngài lại đòi hỏi và ban thưởng khi chúng ta thực thi những điều tốt đẹp cho tha nhân xuất phát từ tấm lòng yêu thương mến thương – Người coi đó như là việc làm cho chính Người và có giá trị hơn tất cả (Mt 25, 31-46)
Chính khi từ bỏ không còn gì để bám víu, không còn gì để lo giữ hoặc sợ mất ; Chính khi dấn thân đến quên mình và vác Thánh Giá đi theo Chúa. Người môn đệ trở nên giống Chúa hoàn toàn. Khi ấy người môn đệ sẽ được phần phúc vinh quang với Chúa. Vì như Chúa đã nói : Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.
2020
Đừng sợ !
11.7 Thứ Bảy
Mt 10, 24-33
Ðừng Sợ !
Lời Chúa hôm nay ở trong bối cảnh sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu. Sau khi tuyển chọn các môn đệ, Chúa sai họ đi với định hướng duy nhất là loan báo Nước Trời đã đến gần trong thái độ tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúa cũng tiên báo cho họ về những cuộc bách hại họ sẽ phải trải qua như bị nộp, bị thù ghét vì danh Chúa và họ sẽ đồng số phận bị loại bỏ như Chúa. Chúa biết điều đó làm cho các ông rất sợ hãi nên Chúa đã trấn an và khuyến khích: “Đừng sợ!” vì Chúa luôn hiện diện bên họ. Chúa trấn an họ: một khi đã đặt niềm tin vào Chúa, họ sẽ được yêu thương chăm sóc vì mạng sống con người còn quí hơn chim trời và hoa cỏ đồng nội. Qua đó, chúng ta cũng cảm được Chúa Kitô đang khuyến khích chúng ta đừng sợ trước những thách đố khi làm chứng cho Người giữa lòng xã hội hôm nay.
Ta thấy Chúa đã giúp các môn đệ vượt qua sự sợ hãi và ta sẽ nhận ra bí quyết của Chúa chính là phấn chấn các ông tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa ở với các ông mọi lúc. Vì Thiên Chúa là Cha yêu thương, luôn quan tâm săn sóc đến các tạo thành của Ngài, ngay cả những sinh vật nhỏ bé như chim sẻ và hoa đồng nội. Đây là một điểm giáo lý quan trọng nên Chúa Giêsu thường nhắc lại với các môn đệ trong những tình huống cụ thể. Như khi các ông hoảng sợ vì biển động, Chúa đã đến trấn an: “Chính Thầy đây đừng sợ!” (Ga 6,20); hoặc trong bài diễn từ sau bữa tiệc ly, Chúa cũng nói với các ông: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33).
Nhờ sự phấn khích của Chúa, các ông đã trung thành theo Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng. Mặc dầu đức tin của các ông có bị thử thách khi Chúa đi vào cuộc khổ nạn, nhưng trong chính tình huống đó, Chúa vẫn tỏ cho các ông tình yêu thương xót, cảm thông, tha thứ của Thiên Chúa và tiếp tục tín nhiệm ban sức mạnh Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi làm chứng nhân cho Chúa.
“Đừng sợ!”, là lời Thiên Chúa đã nói hơn 365 lần trong Thánh Kinh để trấn an dân Chúa trong lịch sử cứu độ; và cũng là lời Chúa Giêsu liên tục củng cố niềm tin cho các môn đệ của Người. Vì thế, là những Kitô hữu trong ơn gọi bước theo sứ mạng của Chúa Giêsu giữa lòng thế giới đầy tràn những biến động hiện nay, chúng ta hãy tin rằng: Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người chúng ta: Đừng sợ! “Lòng anh em đường xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14,1). Đây là một lời trấn an rất cần thiết và có sức nâng đỡ tuyệt vời nhất cho thân phận yếu hèn của mỗi người chúng ta.
Khi đăng quang trong ngôi vị giáo hoàng, cả hai Đức Thánh Cha: Gioan Phaolô II và Bênêđitô XVI đều nhận lãnh sứ vụ trong thái độ nương tựa vào lời Chúa: “Đừng sợ!” Vâng, chính niềm xác tín vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Giáo Hội như Đầu nhiệm thể của Người, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở nên một nhân vật xây dựng hòa bình được toàn thế giới mến phục và Đức Bênêđictô XVI mới dám can đảm nhận chức Giáo Hoàng khi đã cao niên. Từ kinh nghiệm này, trong vai trò đại diện cho Chúa Kitô, các ngài lại tiếp tục trấn an các tín hữu: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” (ĐTC GP II), và “Hãy mở rộng ra những cánh cửa cho Chúa Kitô, và các con sẽ tìm thấy sự sống thật.” (ĐTC Bênêđictô XVI).
Ta đã thắng thế gian”: Biến cố phục sinh đã cho chúng ta thấy một bằng chứng hùng hồn là qua đau khổ và sự chết Đức Giêsu đã đi trước mở đường cho tất cả chúng ta là những kẻ tin theo Người. Niềm hy vọng của chúng ta là những người đang từng ngày chịu những khó khăn đau khổ, bất công, hiểu lầm, chúng ta vững tin rằng lòng thương xót của Chúa luôn tuôn tràn trên chúng ta, Ngài luôn ở bên chúng ta và đồng hành với chúng ta trong mọi cảnh vực của cuộc sống hiện sịnh này.
“Can đảm lên”: Chúng ta không bao giờ được tuyệt vọng dẫu đang sống trong đau khổ do bệnh tật, do sự hiểu lầm, hay đang vất. Nếu chúng ta phải chiến đấu liên lỉ vì Chúa và vì Tin Mừng thì chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chiến thắng thế gian. Nhờ sức mạnh của đức tin, chúng ta sẽ vượt thắng tất cả dẫu phải trăm chiều khó khăn ở đời này. Chúng ta hãy can đảm lên, đừng sợ.
Vững tin vào Lời Chúa phán cùng với sứ mạng đã đón nhận là hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, nhất là sự xác tín vào niềm vui Nước Trời sau cuộc sống trần gian, các môn đệ đã không sợ gì nguy khốn, các ngài đã băng rừng, vượt suối và chấp nhận mọi sự đau khổ, ngay cả cái chết để loan báo về Tin Mừng tình thương, chân lý và sự sống cho mọi người, để ai tin và đón nhận thì cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như mình.
Trong cuộc sống của người Kitô hữu ngày nay, hẳn mỗi người cũng đều cảm thấy khó khăn trong việc sống đạo! Thật thế, hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối diện với những trào lưu tục hóa trên diện rộng, mọi nơi và mọi lúc. Trào lưu đó có thể là một hệ tư tưởng; có thể vì giá trị đạo đức bị đảo lộn; cũng có thể vì miếng cơm manh áo… mà người ta bắt chúng ta phải tin và hành động theo… Những lúc như thế, Lương Tâm lên tiếng và chúng ta được mời gọi sống những giá trị Tin Mừng ngay trong những thực tại đó. Vẫn biết đây là khó, nhưng hãy cam đảm lên, vì Chúa đã thắng.
“Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ”. Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
2020
Trả giá vì danh Chúa
10.7 Thứ Sáu
Mt 10, 16-23
TRẢ GIÁ VÌ DANH CHÚA
Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.
Tin mừng cho ta thấy Chúa Giêsu biết trước trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng , các Tông đồ sẽ gặp bách hại, thất bại, ghen ghét và chống đối. Sự chống đối này còn xảy ra ngay trong gia đình nơi thân thương gần gũi với mình. Nên Ngài không những trấn an các ông đừng lo sợ vì có Thiên Chúa ở cùng nâng đỡ mà còn dạy các ông cần phải biết Khôn ngoan như rắn và đơn sơ như Chim câu. Điều này đòi hỏi người môn đẽ phải luon có đời sống cầu nguyện và tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, rắn là loài vật luồn lách rất giỏi, tinh ranh và khôn ngoan, quỷ quyệt (St 3). Nó có thể cắn chết người (rắn lửa trong sa mac) và cứu người (con rắn đồng của Môisê). Xưa cũng như nay, người ta còn dùng rắn để chữa nhiều bệnh. Chúa Giê su mượn hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ cũng như những ai muốn làm môn đệ Ngài khi thi hành sứ vụ phải biết khôn ngoan cẩn trọng nhưng không quỷ quyệt, luồn lách, thâm độc, Sự khôn ngoan này phải xuất phát từ tấm lòng từ bi chân thành, ngay thẳng, đơn sơ như chim bồ câu.
Nói đến chim câu là nói đến sự trung thành (St 8, 8-12), hiền lành, trong trắng , đơn sơ là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, của hòa bình, an lành. Chúa Giê su dùng hình ảnh này không những để khuyến khích các tông đồ mà cả chúng ta nữa, những người muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa phải luôn thành thưc, tín trung và phó thác vào tình yêu Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh của cuộc sông.
Thật vậy, thời nào cũng có những cuộc bách hại gây khó khăn cho người môn đệ. Nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại đầy dẫy những bất công, con người chỉ muốn sống tự do, hưởng thụ an nhàn tự tại cho riêng mình. Thời đại mà người công chính, lương thiện, người bênh vực chân lý thì mất dần tiếng nói trong xã hội, trong các công sở. Nếu không khôn ngoan như con rắn để phân định sự kiện. Nếu không đơn sơ như chim câu mở rộng tâm hồn đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trung thành, tín thác vào tình yêu của Chúa. Người môn đệ dễ bị chán nãn thất vọng trước nhựng thất bại, chống đối ghét ghen, phản bội, kết án của xã hôi, bạn bè và ngay cả chính những người thân trong gia đình.
Chúa Giêsu nói, Ngài sai các môn đệ đi như “chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.
Mọi sự các môn đệ đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.“ Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha. Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Việc chấp nhận hy sinh, thua thiệt, nghèo khó, bắt bớ và ngay cả khi mất mạng sống là để đạt được mục đích cuối cùng là Tin mừng của Chúa được rao giảng khắp chốn. Cuộc đời gắn liền với sứ mạng này tựa như quá trình thối đi của hạt giống để trổ sinh nhiều hoa trái đồng thời lãnh chắc được phần thưởng lớn lao mà Đức Kitô đã hứa ban.
Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp”.
Người môn đệ Chúa Kitô là những người lội ngược dòng đời : mang trong mình hành trang gọn nhẹ không gì khác là Lời Chúa ; bị khinh chê, ngược đãi và bắt bớ ; thậm chí bị cả người thân trong gia đình đẩy đưa đến bờ vực của bắt bớ và sát hại; hoàn toàn phó thác cuộc đời, tương lai và mạng sống nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và sức mạnh cộng thêm sự khôn ngoan nơi Chúa Thánh Thần.
Làm chứng nhân của Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với Ki-tô hữu. Như Chúa Giê-su đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa. Thánh Phê-rô và Gio-an đã bị người Do Thái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng. Người Ki-tô hữu thời đại hôm nay vẫn đang bị sự cấm đoán vô hình đến nỗi không dám mang theo mình một cuốn Thánh Kinh, không dám làm dấu thánh giá trước mặt mọi người trong một đám tiệc.
Nỗi sợ hãi làm cho nhiều người không còn nghe được tiếng Chúa mời gọi làm chứng cho Ngài và tưởng rằng họ sẽ tìm được bình an trong sự lẩn trốn. Nhưng, người ta không thể làm chứng cho Chúa mà không có can đảm và hy sinh, như Barclay quả quyết; và cần phải biết rằng con đường dễ dãi không thu hút người ta; trái lại những gì đòi hỏi sự dũng cảm rốt cuộc sẽ có sức thuyết phục hơn.
Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội Chúa ban cho chúng ta để làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian thách thức đức tin của chúng ta vào Chúa và thách đố lòng trung thành của chúng ta vào việc làm chứng cho Chúa.