2020
Người tôi trung hiền lành
18/07/2020
Thứ Bảy Tuần XV Mùa Thường Niên
Mt 12, 14-21
NGƯỜI TÔI TRUNG HIỀN LÀNH
Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Mở đầu bài Tin Mừng là một lời cảnh cáo, đe dọa “Ra khỏi hội đường, nhóm Pharisêu bàn bạc tìm cách giết Đức Giêsu” (c.14) vì Chúa Giêsu đã chữa người bại tay trong ngày sabat, một ngày mà theo luật Môsê không được làm bất cứ công việc gì, dù là chữa bệnh. Thánh sử nói tiếp “biết vậy, Chúa Giêsu lánh khỏi đó” (15a). Đây là sự khôn ngoan của người rao giảng Tin Mừng: bị bắt ở thành này trốn sang thành nọ, để Tin Mừng được nuôi dưỡng và sống động.
Các người cầm quyền thì tìm cách bắt giết Chúa Giêsu, còn dân chúng thì lũ lượt đi theo Ngài và Ngài đã chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của họ. Chúng ta thấy thái độ hồ hởi, ủng hộ của dân chúng trái ngược với lòng thù hằn, ghen ghét của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chúa Giêsu tránh né nhóm Pharisiêu, nhưng Ngài cũng không hài lòng về thái độ của dân chúng. Ngài cấm họ không được tiết lộ Ngài là Đấng Mêsia: Tôi Trung của Thiên Chúa như trong sách Isaia đã nói: Đây là một bức tranh đẹp cho những nhà truyền giáo: Một Đấng Mêsia khiêm tốn, âm thầm, giản dị, hòa đồng, thương cảm người nghèo khổ.
Người Tôi Trung: được tuyển chọn – Người yêu dấu – làm hài lòng chủ nhân (c.18a). Đọc câu này ta thấy một tương quan tốt đẹp giữa chủ nhân và người Tôi Tớ trung thành này. Người Tôi Tớ hết lòng hết sức với chủ, còn chủ nhân yêu mến, tuyển lựa và rất hài lòng về người Tôi Tớ của mình. Người Tôi Tờ này được ban Thần Khí. Sứ mệnh của Người là loan báo công lý cho mọi người, nghĩa là ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Người không cãi vã nói lên tính hiền lành, không kêu to là sự âm thâm khiêm tốn. Danh Ngài không được biết đến nơi phố xá, đô thị. Nhưng Ngài có một lòng thương xót vô bờ bến, nâng đỡ và thương cảm ngay cả những kẻ chống đối, thù nghịch với mình “cây lau bị giập, không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét chẳng nợ tắt đi”.
Nói tóm lại, người Tôi Trung dùng chính tình yêu thương và lòng khiêm tốn mà loan báo Tin Mừng Nước Trời, làm cho Nước Cha trị đến trên toàn thế giới này. Điều đó đem lại niềm hy vọng cho Israel nói riêng và toàn dân trên mặt đất này nói chung, mỗi khi kêu cầu danh Thánh Ngài.
Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: “Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Ngài luôn quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại”, và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Người loan báo Tin Mừng hôm nay cần soi chiếu đời mình và cung cách rao giảng theo Người Tôi Trung mẫu này. Phần đông chúng ta vẫn còn thái độ “cha chú” hay tỏ ra “oai phong lẫm liệt” khiến cho Tin Mừng của Đức Kitô không thấm sâu vào lòng người nghe, khiến hình ảnh của Người Tôi Trung bị lệch lạc, méo mó. Bên cạnh đó, có một số nhà truyền giáo đã lao mình vào đoàn chiên, đã “bắt mùi” của chiên và họ đã giúp chiên nhận ra tiếng Tình Yêu và đi theo. Họ là những mục tử tốt lành sống chết cho đoàn chiên, ngăn chặn các sói dữ và nhất là họ có một lòng yêu thương, chăm sóc chữa trị từng con chiên.
Chúa không đến để khinh dể người những ngườu yếu đuối, tội lỗi nhưng để thông cảm với họ, Chúa Giêsu đến không phải để làm nản lòng con người mà là để khích lệ và khơi lên niềm hy vọng. Khi các biệt phái đưa người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu để hỏi ý kiến Ngài nhưng Chúa Giêsu im lặng…Và Ngài chỉ nói: “Tôi không kết án chị, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”(Ga 8,3-11)
Bổn phận của mỗi người Kitô hữu là giới thiệu Chúa cho người khác. Nếu không rao giảng bằng lời nói thì vẫn còn có nhiều cách khác âm thầm nhưng không kém hữu hiệu.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.
2020
Lòng nhân
17/07/2020
Thứ Sáu Tuần XV Mùa Thường Niên
Mt 12, 1-8
LÒNG NHÂN
Tin Mừng hôm nay nằm trong phần đầu của chương 12. Một chương nói nhiều về luật ngày Sabát : không được làm việc trong ngày sabát, ngay cả khi đó là một công việc tốt cho tha nhân. Kế đó, Chúa Giêsu cũng tỏ lộ Người là tôi trung của Thiên Chúa qua việc tiên báo dấu lạ ngôn sứ Giôna. Nhưng người pharisiêu cho rằng Chúa Giêsu dùng quyền lực ma quỷ khi Người xua trừ thần dữ.
Chúa Giêsu kết luận : nếu tư tưởng và trong thâm sâu cõi lòng con người chứa đầy sự xấu xa, thì ắt sẽ tràn ra bờ môi, thể hiện trong lời nói và hành động. Cuối chương 12, Chúa Giêsu khẳng định : Ai thi hành ý Chúa Cha, người đó sẽ thuộc về gia đình Chúa Giêsu, thuộc dòng dõi Thiên Chúa… Nhưng ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một khía cạnh khác ngoài cụm từ “ ngày sabát” nổi cộm ở trên, đó là lòng nhân của Thiên Chúa.
Mở đầu trang bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn trong một câu mà thánh sử đã giới thiệu về: thời điểm “ngày sabát”, về các nhân vật “Chúa Giêsu và các môn đệ”, về địa thế “một cánh đồng lúa” và sự kiện “đói, bứt lúa ăn”. Cùng một vấn đề mà Chúa Giêsu và người Pharisiêu có những quan điểm đối nghịch. Người Pharisiêu nói với Chúa Giêsu “ các môn đệ của ông đã làm điều không được phép”, nghĩa là: các ông ấy đã vi phạm luật; phần ông là thầy của họ, ông đã không dạy đồ đệ của mình giữ luật cho thật tốt. Họ kể cho Chúa Giêsu nghe lỗi của các môn đệ nhưng đồng thời muốn “dằn mặt” ông thầy về việc tuân giữ luật lệ tổ tiên.
Vào lúc này, Chúa Giêsu mới mở tâm trí cho họ hiểu ý nghĩa những điều đã viết trong Sách Thánh, sách mà họ đọc hàng ngày, sách mà họ đeo nơi tua áo, mang vác trên người “các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?”. Chúa Giêsu đã dẫn chứng một trường hợp cụ thể, rất gần với hiện trạng đói bụng của các môn đệ. Người nói : “Đavít vào nhà Thiên Chúa và cùng thuộc hạ ăn bánh tiến, thứ bánh chỉ dành riêng cho tư tế mà thôi”.
Thật thế, do lòng nhân từ của Thiên Chúa, Ngài không thể chịu được nỗi khốn cùng của kẻ Ngài tuyển chọn. Họ ăn bánh tiến, họ đã bứt lúa, chỉ vì… họ đói. Ở đây, Chúa Giêsu thể hiện gương mặt Thiên Chúa nhân từ, Người muốn trở nên giống anh em mình trong mọi sự, để cảm nghiệm sự khốn cùng của kẻ mà Người cứu vớt. Vì thế, lời nói và dẫn chứng của Người cũng là cách phô diễn lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà đối tượng Chúa ưu đãi luôn là người nghèo. Như thế, tình thương Chúa lan tràn và bao trùm mọi người, không phân biệt, không loại trừ và ơn cứu độ tuôn đổ dồi dào trên khắp mặt đất.
Ở câu 5, Chúa Giêsu còn dẫn chứng rằng “ Trong ngày sabát, các tư tế trong đền thờ vi phạm luật mà không mắc tội”. Người tỏ lộ quyền năng của một vị Thiên Chúa “ở đây còn lớn hơn Đền Thờ và Người làm chủ ngày sabát, làm chủ luật lệ…”. Nếu Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là chỗ con người tụ họp thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa; còn luật lệ là kim chỉ nam hướng dẫn con người tôn thờ Thiên Chúa cho tốt, biết cách đối xử với nhau bằng tình yêu… thì cớ gì Đền Thờ là nơi chúng ta bị “bắt lỗi” hay bị trừng phạt ? Còn luật lệ lại trở thành sợi dây ích kỷ trói buộc tình yêu tha nhân, biến con người trở nên những cỗ máy vô cảm trước sự đói khổ của anh em đồng loại? Chúa Giêsu nhấn mạnh cho họ điều cốt lõi của luật, đó là: Thiên Chúa muốn lòng nhân, chứ không cần lễ tế.
Vua Đavít đã cảm nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa qua thánh vịnh 50: “Lạy Thiên Chúa, Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, Mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm..” và thánh vương đã xin được “rơi vào tay Giavê còn hơn là vào tay con người, vì Giavê có lòng nhân từ vĩ đại..” (2 Sm 24, 14). Phải, điều Thiên Chúa muốn chính là người ta phải vâng giữ giới luật “tình yêu huynh đệ” hơn cả hy lễ toàn thiêu và lễ xá tội (Hs 4, 2) và khi thực hành đức công chính, là ta hoàn tất bằng một tình yêu âu yếm (Mk 6, 8).
Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người để cướp ngựa… Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người.
Thiên Chúa là Đấng nhân từ và Ngài cũng đòi hỏi con người cần có lòng thương cảm lẫn nhau “anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Đó cũng là điều kiện cần thiết để vào Nước Trời. Tình thương ấy như người Samaritano tốt lành, đến gần và giúp đỡ người khốn khổ, dù không quen biết (Lc 10, 30-37); tình thương ấy là tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình (Mt 18, 23-35), chỉ vì tôi được Thiên Chúa thương xót và tình yêu của Thiên Chúa chỉ có nơi những người thực thi Lòng thương xót (1Ga 3, 17)
2020
Hiền lành và khiêm nhường
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Camêlô được coi như ngọn núi thánh. Hơn 700 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, Elia đã lên núi này để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại, cũng như đã đào tạo những tâm hồn trung thành với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu ra đời, nhiệt tình của Elia như vẫn còn cháy trong lòng các người khắc kỷ (Esseniô). Người ta nói rằng ngày lễ hiện xuống, những người này nhờ lời rao giảng và phép rửa của thánh Gioan Tẩy giả đã hợp lực với các tông đồ để truyền bá Tin Mừng.
Camêlô khi ấy vẫn còn là nơi tụ họp những tâm hồn muốn hiến thân cho Thiên Chúa. Camêlô lại chỉ cách Nazareth chừng một ngày đường, nên những người họp thành cộng đoàn ở núi này hướng về Mẹ Maria như mẫu gương sống và như nguồn ơn phù trợ. Thời thập tự quân, Camêlô là nơi đón tiếp nhiều vị ẩn tu. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ XII, Đức Thượng phụ Giáo chủ Albertô thành Giêrusalem đã qui tụ tất cả thành một nhà dòng, ban hành cho họ một qui luật được Đức giáo hoàng chuẩn y năm 1226. Cũng năm ấy, Đức Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể trong dòng lễ Đức Bà Camêlô.
Khi lên làm bề trên nhà dòng, thánh Simon Stock đã tha thiết xin Đức Mẹ một dấu chỉ tỏ lòng săn sóc ưu ái của Mẹ đối với nhà dòng. Sau nhiều lời cầu nguyện lâu dài, ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra trao cho thánh nhân bộ áo dòng mà nói:
“Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời dời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”.
Trước khi cử chỉ ưu ái này, không biết bao nhiêu người mọi thời đã xin lãnh “áo Đức bà” để được sống dưới sự chở che của Đức Mẹ. Người ta hướng về Đức Mẹ núi Camêlô như hướng về nguồn ơn phúc để tạ ơn. Vì thế lễ mừng Đức Trinh Nữ Maria núi Camêlô ngày càng lan rộng tới các nước có vua công giáo ngày 21 tháng 11 năm 1674 và năm sau tới các nước vương quốc Áo, Bồ Đào Nha mừng từ năm 1679, các nước thuộc quyền Đức giáo hoàng mừng năm 1725.
Đức giáo hoàng Bênêdictô XIII phổ biến lễ này trong toàn Giáo hội do sắc lệnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1726. Ngày 15 tháng 5 năm 1892, Đức giáo hoàng Lêo XIII đã ban đặc ân “Portiuncula” (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này.
Trở về với Tin Mừng, ta thấy nNhững kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái.
“Tất cả những ai đang vất vả làm việc và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Đây là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, vì không ai có thể tránh được đau khổ: phần hồn cũng như phần xác. Khi con người làm việc mệt nhọc, con người cần được nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe; Chúa Giêsu hứa sẽ cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe cho con người. Những điều Chúa Giêsu giúp chúng ta là BT Giao Hòa và Thánh Thể, Lời Chúa, và các ơn lành hồn xác. Ngài đã mang lấy các bệnh tật của con người và chữa lành mọi vết thương hồn xác.
Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài.
Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Bài học hiền hậu: Đây là mối phúc thứ hai trong Bát Phúc, chỉ sau bài học khó nghèo. Nếu con người muốn có sự bình an thực sự trong tâm hồn, họ phải học cho được bài học hiền hậu này. Theo gương Đức Kitô, người hiền hậu không dễ dàng nóng nảy với tha nhân, ngay cả với kẻ thù. Trong chương 5 của Tin Mừng Matthew, Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ, làm ơn, và cầu nguyện cho những ai ngược đãi mình. Ai cũng biết sự nóng nảy và tức giận gây đau khổ và thiệt hại thế nào cho thân thể; hơn nữa, nếu một trong hai bên không thỏa thuận làm lành, thù hận có thể đưa tới cái chết của một trong hai người, và gây nhiều thiệt hại cho cả hai gia đình.
Bài học khiêm nhường: Có thể nói đa số các đau khổ của con người là hậu quả của tính tự kiêu tự đại, không chịu biết mình. Tục ngữ Việt-nam có câu “trèo cao té đau.” Nếu con người chịu bằng lòng với số phận cứ ở dưới đất, đừng leo lên cây, làm sao có thể té được? Dĩ nhiên Chúa không dạy chúng ta bạc nhược, hay không có tinh thần cầu tiến; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đừng bao giờ theo thời để rồi ganh đua sát ván, người ta sống làm sao mình phải được như vậy hay hơn người. Một cuộc chạy đua như thế sẽ làm chúng ta mệt mỏi và đau khổ xảy ra khi chúng ta không đạt được điều chúng ta mong ước.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Mỗi người tín hữu chúng ta cũng cần ngẫm nhìn Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian, ở giữa loài người chúng ta để làm theo ý Thiên Chúa Cha. Chúng ta ngẫm nhìn Người để biết, hiểu, yêu và noi gương Người. Người: “hiền hậu và khiêm nhường”. nhờ ơn Người, chúng ta được trở nên giống Người; một “Kitô khác”, có đủ nghị lực sống theo ý Người trên những bước đi êm ái, nhẹ nhàng. Đi về trong hạnh phúc của Người.
2020
Trở nên bé mọn
15.7 Thứ Tư
Mt 11, 25-27
TRỞ NÊN BÉ MỌN
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Trẻ con không cần biết cha mẹ giàu hay nghèo, chỉ biết có cha mẹ là đủ. Dù có bom đạn, dù có đói rách hiểm nguy, miễn là có cha mẹ, trẻ ngủ thiếp đi bằng an. Nó nương náu nơi tình yêu hầu như toàn năng của cha mẹ. Con hãy phó thác như vậy! (Đường Hy Vọng, 721).
Chúa Giêsu đã trở nên bé mọn ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó; và Chúa Cha nói về Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người”.
Những người bé mọn được Chúa Cha mạc khải mầu nhiệm Nước Trời là chính các môn đệ. Và khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ là? những kẻ bé mọn? được Chúa Cha yêu mến.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: “Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn”.
Theo quan niệm của Do Thái, người khôn ngoan thông thái ở đây là những kinh sư kiêu căng tự cho mình là công chính, có nhiều kiến thức và am hiểu sách Luật. Họ như chiếc bình đóng kín nên không thể đổ thêm điều gì nữa.
Còn người bé mọn là ai? Họ chính là những người “vô danh tiểu tốt”, tầm thường không được ai biết đến. Họ là những bà góa không ai bảo vệ, những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người thất học, bệnh tật bị xã hội bỏ rơi. Những người nghèo thường có thái độ đơn sơ khiêm tốn biết mình còn thiếu thốn, họ sẵn sàng mở lòng ra để lắng nghe tiếng Chúa. Họ như mảnh đất khô mong đợi những cơn mưa mùa hạ.
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu là vị thánh trổi vượt về tinh thần đơn sơ phó thác. Thánh nữ luôn tin tưởng tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và đã xác tín rằng: “Tất cả những gì Thiên Chúa ban cho con, con đều ưa thích, ngay cả những sự xem ra không tốt lành và không đẹp đẽ bằng những điều Chúa ban cho người khác”.
Người bé mọn là người nhận thức được những giới hạn của chính mình trước ân huệ cao quý đến từ Thiên Chúa. Đây phải là thái độ cần có đối với những ai muốn lãnh nhận mầu nhiệm Nước Trời. Đức hồng y Henri Nouwen chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm sống gắn bó với Thiên Chúa để lãnh nhận mặc khải Nước Trời: “Có những chuyện bạn hoàn toàn bất lực và không thể tự mình làm được.
Hãy bắt đầu bằng việc thú nhận mình không thể tự chữa lành. Bạn phải hoàn toàn nhận mình bất lực để Thiên Chúa chữa lành. Khi chấp nhận mình bất lực là bắt đầu bạn để Thiên Chúa hành động. Hãy xem mình như một hạt giống nhỏ bé được gieo trong miếng đất màu mỡ. Tất cả những gì bạn phải làm là cứ ở đó tin tưởng rằng miếng đất có mọi thứ bạn cần để được lớn lên. Hãy bình tĩnh nhận mình bất lực và tin chắc có ngày bạn sẽ nhận được nhiều đến chừng nào”.
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái.
Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn. Ta hãy bám vào Chúa và xin Chúa cho ta luôn mặc lấy tâm tình bé mọn như Chúa mời gọi.