2020
Lạc Quan
Thứ Sáu Tuần XVI Mùa Thường Niên
Mt 13, 18-23
Lạc Quan
Lẽ thường, không ai muốn mình là mảnh đất xấu, ai cũng muốn mình được nhìn nhận là người đạo hạnh hay ít ra là chấp nhận được. Nhưng thực tế đời sống nhiều khi lại cho thấy sự trái ngược đến khó hiểu: ta vẫn đọc kinh, vẫn đi lễ, vẫn cố gắng sửa mình nhưng dường như đời ta vẫn cằn cỗi, thui chột.
Ta thấy hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai.
Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.
Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cr. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: “Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên”.
Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.
Tuy không phải là đất tốt, nhưng vườn hồn ta cũng có những góc đã là đất tốt cùng với những góc cần được cải tạo hoặc lâu nay bị bỏ quên và Lời Chúa chưa đến được. Tuy phận người vốn mỏng dòn yếu đuối, gai góc đá sỏi cũng gắn liền với phận người và không dễ để dọn dẹp, nhưng không phải là đời đời không có thay đổi.
Ngẫm lại mà xem, nhiều lúc ta giống cái vệ đường chai lì đầy đá sỏi vì đã chẳng hiểu hoặc không muốn hiểu sứ điệp Lời Chúa dành cho ta. Một lời mời tha thứ, một tiếng gọi quảng đại với tha nhân không khó để ta hiểu, vậy mà rất có thể nhiều lần ta đã giả điếc làm ngơ hoặc giải nai chẳng hiểu chăng?
Nhiều lúc ta cũng không khác gì đám đất mệt chứa đầy những gai góc. Ta mỏi kiệt quệ vì đã dành quá nhiều thì giờ, công sức và tiền của cho công việc, nghề nghiệp, thú vui và địa vị hơn là đến với các lớp giáo lý, hơn là cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa.
Suy niệm đến đây, hẳn ta đã hiểu vì sao ta có cảm giác buồn vì đời mình chẳng được là mảnh đất tốt; và hẳn ta cũng cảm thấy khao khát hơn lúc nào hết muốn cho đất hồn mình hóa tốt.
Mảnh đất tâm hồn sẽ được biến đổi nếu bản thân ta thực sự khao khát và tích cực cộng tác với ơn Chúa. Niềm khao khát của ta phải kèm theo sự kiên nhẫn, phải đi cùng thời gian và phải biết chờ đợi. Thái độ cộng tác của ta phải tỏ lộ qua việc làm. Việc làm cần thiết nhất và trước nhất phải là cầu nguyện. Vì qua cầu nguyện, ta được Chúa ban ơn để biết kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn trả giá và đánh đổi, nhất là để có cơ hội hiểu được Lời Chúa, nếm được sự ngọn ngào của Lời Chúa và cảm nhận sức mạnh tái sinh của Lời Chúa.
Với và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, hẳn ta đã được soi sáng để nhận ra rằng giữa mảnh đất tâm hồn (nghĩa bóng) và mảnh đất thiên nhiên (nghĩa đen) vừa có một sự khác biệt rất lớn lại vừa có một sự tương đồng đến bất ngờ. Khác biệt ấy là mảnh đất vật chất không muốn và cũng không biết muốn cho mình tốt hơn; đang khi đó, con người có thể khao khát, nỗ lực và đón nhận sự trợ giúp để đổi đời, để trở thành mảnh đất tốt hơn và tốt nhất. Đất tâm hồn và đất thiên nhiên giống nhau ở chỗ: tùy vào ông chủ mà chất đất có thể thay đổi chứ không phải mãi mãi là tốt hoặc mãi mãi là xấu.
2020
Tại Sao Dùng Dụ Ngôn
23/07/2020
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường Niên
Mt 13, 10-17
Tại Sao Dùng Dụ Ngôn
Nếu không phải là người hiểu biết nghệ thuật tranh vẽ, chúng ta sẽ thấy vô vị khi chiêm ngắm những bức tranh nổi tiếng của hoa sĩ tài ba Picasso. Chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa thâm thuý mà người nghệ sỹ diễn tả qua nét cọ của mình.
Điều này cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì”. Khi nhắc lại những lời trên đây của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu không có ý che dấu mọi sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta, nhưng vì chúng ta là những người thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Chúng ta không thể lãnh hội được những tư tưởng của Chúa, vì lòng dạ chúng ta chai đá.
Thiên Chúa chỉ mặc khải những bí mật về Nước Thiên Chúa cho ai có lòng khiêm tốn và tin tưởng cũng như những người có lòng ước ao muốn biết về chân lý của Chúa. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu sẽ soi sáng cho chúng ta nếu chúng ta đón nhận với một tâm trí và con tim cởi mở. Nếu chúng ta tiếp cận Lời Chúa với sự thờ ơ, hoài nghi thì chúng ta cũng sẽ “nghe mà không hiểu”, “nhìn mà không thấy.”
Lời Chúa chỉ có thể cắm rễ trong tâm hồn những ai sẵng lòng đón nhận và hết lòng tin tưởng. Nếu chúng ta muốn nghe và hiểu Lời Chúa, chúng ta phải có thái độ tôn kính và lòng tin.
Và rồi trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Ðể hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”.
Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe”.
Tin Mừng hôm nay phần nào giải đáp thắc mắc cho chúng ta khi ghi lại lời Chúa Giêsu: “Phần các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”. Mối phúc ấy, Chúa dành cho những người đơn sơ, bé mọn như có lần Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn”.
Kẻ bé mọn ở đây không phải là người nhỏ bé về thể lý hay nhỏ tuổi mà là người đơn sơ, chân thành, khiêm hạ. Thật vậy, khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói về nước trời thì những người khôn ngoan, thông thái như các luật sĩ và biệt phái không những không hiểu mà còn tìm cách bắt lỗi Chúa; trong khi những người nghèo khó, đơn sơ, chất phác lại đón nhận và tin theo Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi nói với các tông đồ: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”.
Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời gọi nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng ta.
Thật thế, nếu chúng ta nghe ra sứ điệp được truyền đạt “ngày này cho ngày kia” và “đêm này cho đêm kia” kể từ khởi nguyên của thế giới sáng tạo, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Và ngược lại, nếu chúng ta đón nhận sứ điệp Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp của ngày và đêm. Bởi lẽ, cả hai, công trình sáng tạo và Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, có cùng một nội dung, đó là Ngôi Lời Thiên Chúa; và Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,và không có Người,thì chẳng có gì được tạo thành.(Ga 1, 3)
2020
Hoán cải
22/07/2020
Thứ Tư Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm chẵn
Thánh nữ Maria Mađalêna
HOÁN CẢI
Ga 20, 1. 11-18
Lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên “Maria” buổi sáng phục sinh.
Hôm nay chúng ta cử hành lễ nhớ Thánh Maria Mađalêna. Khi nhắc đến người phụ nữ này, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến người đàn bà tội lỗi. Người phụ nữ đã được Chúa Giê-su cứu thoát khỏi tay những người muốn ném đá cô.
Tuy tội lỗi nhưng cô đã ăn năn hối cải. Sau khi hoán cải cô đã trở nên người tông đồ nhiệt thành của Chúa. Maria đã cùng đồng hành với chúa trên con đường rao giảng Tin Mừng; theo sát chân Chúa đến đồi Can-vê. Một Maria tội lỗi suốt ngày chỉ ở trong bóng tối, giờ đây đã được Chúa giải thoát mang cô ra ánh sáng. Đó chính là ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trên cô.
Tin Mừng theo thánh Gioan vừa nhắc đến Thánh nữ Maria Mađalêna, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay. Bà là người nữ được diễm phúc gặp Chúa Giêsu phục sinh đầu tiên. Khi gặp được Chúa, bà vui sướng reo mừng, bà đi báo cho các môn đệ rằng : “Tôi đã thấy Chúa”. Rồi bà kể lại cho các ông những điều Chúa đã nói với bà. Tuy nhiên thật tiếc thay, bà Maria Mađalêna đã không nhận ra được Chúa phục sinh, ngay từ phút giây đầu tiên khi Chúa xuất hiện trước mặt bà. Chúa đứng đó nhưng bà đã không nhận ra Chúa, mà phải trải qua một tiến trình với nhiều dấu hiệu, đến khi Chúa gọi tên bà, lúc ấy bà mới nhận ra Chúa.
Chúng ta tự hỏi, điều gì đã ngăn cản cản bà Maria Mađalêna không nhận ra Chúa ngay từ phút đầu tiên ấy. Thánh Gioan cho chúng ta thấy qua các dấu hiệu :
Bà Maria Mađalêna đến mộ từ sáng sớm, bà thấy dấu hiệu đầu tiên đó là “tảng đá lăn khỏi mộ”, bà không còn thấy Chúa. Với suy nghĩ của loài người, bà chỉ nghĩ được rằng “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ và các bà chẳng biết họ để Người ở đâu ?” Bà không đủ sáng suốt để nghĩ về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành bà khỏi bảy quỷ, giờ đây hẳn Ngài thực hiện quyền năng của Ngài như đã báo trước. Bà tối tăm sầu buồn đến nỗi đâu còn nhớ Chúa có đủ quyền năng, làm cho đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim cũng như Lazaro chết chôn trong mồ được sống lại. Bà chỉ suy nghĩ và lý giải theo cách hiểu, cách nhìn rất trần thế của bà. Tảng đá được lăn ra, mồ trống, nghĩa là Người ta đem Chúa đi. Với lối suy nghĩ về Thiên Chúa theo cách suy luận của con người, thật khó để nhận ra Chúa.
Khi bà Maria Mađalêna đến mộ lần thứ hai cùng với hai môn đệ, bà không thấy mọi sự diễn ra như bà suy tính, bà buồn rồi khóc. Bỗng bà thấy dấu hiệu nữa là : hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Chúa Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên Thần hỏi “sao bà khóc”. Thấy Thiên Thần, vậy mà bà chưa mở lòng để suy nghĩ thêm : Thiên Thần đâu dễ xuất hiện trong cuộc sống đời thường, phải có điều gì đó rất đặc biệt Thiên Thần mới xuất hiện chứ ? Rồi bà vẫn trả lời một câu y như lần trước, một câu nói như đã lập trình sẵn trong suy nghĩ kiểu loài người của bà. Bà nói với Thiên Thần : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !”. Với lối suy tính và chờ mong mọi sự diễn ra theo ý mình, mà không chịu mở lòng ra với các dấu hiệu Chúa gởi đến trong cuộc đời, chắc hẳn sẽ không nhận ra Chúa.
Và rồi, khi thấy dấu hiệu là chính Chúa Giêsu đứng đó. Chúa Giêsu nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà đang vẽ ra trong đầu suy nghĩ của mình về Thiên Chúa. Nên bà tưởng Chúa là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. Bà cứ mải miết bám vào các dữ liệu trần thế theo cách nhìn của bà, rằng đã có ai đó lấy xác Chúa. Giờ đây bà thấy ông này dáng vẻ người làm vườn, với suy nghĩ không đổi bà trả lời cũng vẫn bằng một câu trả lời không thay đổi, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết… Với lối tưởng tượng và suy đoán theo cách của con người, làm sao có thể nhận ra Chúa.
Sau khi Chúa về Trời, Mađalêna vốn tiếp tục sống cuộc đời thánh thiện. Cùng với các tông đồ, và cùng với hai anh chị em là Lagiarô và Matta, bà tích cực tham gia mở mang nước Chúa. Không ai được biết bà tạ thế ngày nào, nhưng theo một truyền thuyết đông phương đáng tin cậy thì ông Lagiarô đã tạ thế tại đảo Chyprô vào năm 899, di hài ngài được cải táng về Constantinôpôli. Còn xác thánh Mađalêna khi tạ thế đã được mai táng tại Êphêsô, đến thế kỷ thứ VI cũng được di chuyển về Contantinôpôlị
Kính xin thánh nữ Maria Mađalêna cầu cho chúng ta nhất là những ai đã chọn ngài làm thánh bổn mạng, được theo gương ngài mà ăn năn thống hối tội xưa, đồng thời quyết một lòng sắt đá bước theo Chúa Giêsu vì Ngài là chân lý, sự sống, và là đường dẫn nhân loại tới hạnh phúc vô biên.
2020
Nghe và thực hành
21/07/2020
Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên
Mt 12, 46-50
NGHE VÀ THỰC HÀNH
Trong Tin Mừng Luca, ta thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Chúa Giê-su vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn.
Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giê-su muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa. Cũng như kinh nghiệm của Bật Thứ Thiên trong câu chuyện trên, khi tận tình cho công việc chung của triều đình, tương quan của Ông rộng và sâu hơn.
Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại.
Trang Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời (Mt 12,50).
“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” ( c.50). Thế đã rõ câu trả lời của Chúa Giêsu khi xác nhận ai là họ hàng với Ngài : đó là những người thi hành ý Chúa Cha, là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hiện.
Chắc hẳn lúc đó Mẹ Maria vui lắm, vì Mẹ biết không những Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu trong máu huyết nhưng còn được Chúa ưu ái đón nhận là Mẹ của Ngài, khi Mẹ “ ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng” ( Lc 2,19). Khi Mẹ ghi nhớ và suy niệm thì chắc hẳn Mẹ đã sống tận căn Lời Chúa, đến nỗi Mẹ đã đứng hiên ngang dưới cây thập giá, đồng công cứu chuộc với con của Mẹ.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.