2020
Phục vụ nhưng không quên cầu nguyện
29/07/2020
Thứ Tư Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Thánh Mácta
Lc 10, 38-42
PHỤC VỤ NHƯNG KHÔNG QUÊN CẦU NGUYỆN
Ta biết chắc về thánh Mácta qua 2 giai thoại trong Tin Mừng. Khi bà nhiệt thành đón rước Chúa Giêsu (Lc 10, 38-42) hay khi bà tín thác vô giới hạn vào Chúa Giêsu trước cái chết của Laxarô (Ga 11,1-44). Mácta, theo tiếng tramêô, có nghĩa là bà chủ. Bà hai anh em Maria và Lazarô ở làng Bêtania, là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu. Người hay đến trú ngụ ở nhà họ để nghỉ ngơi sau những chuyến hành trình mệt nhọc.
Mácta đóng vai gia chủ, đã tỏ ra rất hiếu khách và tận tụy. Ngày kia, trong lúc bận rộn với việc phục dịch, bà nói: – Thưa Thầy, Thày không màng nghĩ tới sao, em tôi để cho tôi một mình phục dịch? Vậy xin Thầy bảo nó đỡ đần tôi.
Chính Matta đã phục vụ Chúa Giêsu qua các bữa ăn ngon, khi Người đến thăm gia đình Matta. Chúng ta có thể nhận thấy Mácta đã phải bận rộn sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Người như thế nào. Đến nỗi Matta phải xin Chúa Giêsu nhắc cho cô em Maria phụ giúp mình một tay, vì Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta.
Tuy vậy, Người muốn cho Mácta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Mácta, Mácta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!” (Lc 10, 42).
Thật dễ thương và hiếu khách, Mácta chào đón vào Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe vào Chúa Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin vào Chúa Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. vào Chúa Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người.
Ta thấy Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mácta đang làm, nhưng Ngài trực tỉnh Mácta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.
Việc lắng nghe có ưu tiên hơn “vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy” (Mt 4, 4). Tuy vậy, Chúa Giêsu không đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mácta hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất của Maria thôi.
Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời “những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta” (Mt 12, 50).
Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.
Cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta hôm nay luôn phải đối diện với biết bao thử thách. Chúng ta đang bị nền văn hóa của hưởng thụ tác động với sự lôi cuốn hấp dẫn của tiền của và vật chất. Những phương tiện hiện đại và thông minh như sự thông minh của những chiếc Iphone Xs, của những chiếc mấy tính bảng, v.v.làm mê hoặc chúng ta. Sự hấp dẫn của những món ăn, thức uống đủ loại. Tất cả những cuốn hút ấy làm chúng ta chỉ nghĩ đến cuộc sống hiện tại và coi đó là cùng đích. Không còn niềm tin vào cuộc sống sau cái chết.
Mừng lễ thánh nữ Mácta hôm nay, ta cùng nguyện xin Chúa qua lời cầu bầu của thánh Matta, ban cho chúng ta sống theo mẫu gương của thánh nữ, luôn ân cần đón tiếp Chúa và sẵn sàng hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Đón tiếp Chúa bằng việc lắng nghe lời Chúa, suy gẫm và cầu nguyện. Đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể để có sự sống của Ngài hun đúc tinh thần tông đồ, nuôi dưỡng đời sống đạo. Đón tiếp Chúa với lòng yêu mến chân thành, sẽ giúp chúng ta được gần bên Chúa, gần gũi tha nhân. Đồng thời, theo gương thánh nữ Matta, ta sống đức tin mạnh mẽ giữa những cơn thử thách của cuộc sống. Nhờ đó, ta cố gắng vượt qua những thử thách hiện tại và hướng đến sự phục sinh vinh quang với Chúa Kitô.
2020
Thiên Chúa nhẫn nại
28/07/2020
Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Mt 13, 36-43
THIÊN CHÚA NHẪN NẠI
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Cỏ lùng có hình dáng chẳng khác gì cây lúa nên dù là nông dân “chính hiệu con nai vàng”, dạn dày kinh nghiệm cũng khó lòng mà phân biệt được. Cỏ cũng phát triển lớn lên, ôm đòng giống hệt cây lúa, và chỉ cho đến lúc trổ bông người ta mới biết được đâu là cỏ, đâu là lúa; nhưng như thế, để không làm tổn hại đến lúa, người ta chỉ còn cách chờ đến mùa gặt – lúa gặt được thì cho vào kho lẫm, còn cỏ thì phải đốt đi.
Trên cánh đồng trần gian, tình trạng cũng không khác mấy, người lành, kẻ xấu cùng sống cạnh nhau trên hành tinh này. Có đủ thứ loại người xấu mà người ta có thể nhận ra rõ ràng vì các hành động và thái độ sống không đẹp của họ; nhưng đáng ngại nhất vẫn là những người xấu mà khoác vẻ bề ngoài tốt lành với những công việc và cách sống rất ư là “đẹp”.
Tuy thế, sự phá hoại và tội ác tiềm ẩn của họ rất ghê gớm mà khó ai có thể nhận ra; hoặc những hành động ‘đẹp’ của họ lại ẩn chứa những thói kiêu căng, tự mãn, hay nhắm kiếm cho mình một lợi ích cá nhân nào đó lớn hơn…. Vì sự khó nhận ra như thế nên việc xét đoán con người không thuộc thẩm quyền con người mà chỉ ở nơi Thiên Chúa, và điều duy nhất con người nên làm là kiểm điểm chính bản thân mình để loại đi cỏ dại ở nơi chính mình.
Mặt khác, dụ ngôn “cỏ lùng – lúa tốt” mà Đức Giê-su đưa ra trong trình thuật Tin mừng hôm nay nhắm đến một điều còn lớn hơn, đó là lòng từ bi, thương xót, kiên nhẫn, bao dung, quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta thường có khuynh hướng chung là muốn tiêu diệt sự dữ ngay tức khắc: “Sao Chúa không phạt cho nó méo miệng khi nó nói xấu bôi nhọ con trong khi con vô tội!” “cầu cho nó ra đường xe đụng bởi nó độc ác làm hại mọi người!”, hoặc “cái thứ xấu xa như ngữ ấy sống làm gì cho chật đất.”….Và dường như trong những tư tưởng, những mong ước xem ra rất là “hợp lý và tự nhiên” ấy lại tiềm ẩn một tư tưởng báo thù – ‘xin Chúa Trời báo oán!’ Nhưng Thiên Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lối của ta.” (Tv.)
Và tư tưởng của Thiên Chúa thì khác xa với tư tưởng con người. Vì không như những cánh đồng trần gian, cỏ muôn đời là cỏ mà lúa vạn kiếp vẫn là lúa, nơi cánh đồng tâm linh con người, cỏ vẫn có khả năng cải tạo thành lúa tốt (gương những vị thánh như Maria Ma-đa-lê-na, Phao-lô, Au-gus-ti-nô, Inhaxio…) mà lúa cũng có thể biến thành cỏ dại. Do đó mà Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi, và Người luôn mong chờ nơi cánh đồng của Người một mùa gặt bội thu.
Thiên Chúa đã ban ân sủng cũng như Lời của Người cho con người. Tâm hồn con người như một cánh đồng bao la huyền nhiệm đón nhận ân sủng và hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy có được phát triển phong nhiêu, sinh nhiều hoa thơm trái tốt hay không là tùy tình trạng của mảnh đất tâm hồn này. Mảnh đất tâm hồn con người có được cày xới, chăm chút bằng sự giáo dục đúng đắn của gia đình, của xã hội và của giáo hội, thì dù ma quỉ có gieo cỏ lùng là những gương xấu, những chủ trương, triết thuyết sai lầm lôi kéo…cũng không thể lấn át được sự phát triển của hạt giống tốt trong tâm hồn.
Vì vậy, mỗi Ki-tô hữu phải được bồi dưỡng, trang bị cho mình những kiến thức thánh kinh, luân lý và giáo huấn của Giáo hội, nuôi dưỡng bằng các bí tích và đời sống cầu nguyện để có một đức tin mạnh mẽ, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam, làm lẽ sống để lấn át và tiêu diệt cỏ lùng. Đồng thời xin Chúa ban cho chúng ta có được tấm lòng nhân hậu và trái tim đầy tình yêu thương của Chúa, để chúng ta biết mong muốn điều tốt lành nơi anh chị em mình, để chúng ta biết kiên nhẫn, biết thứ tha trước những lỗi lầm, khuyết điểm của tha nhân; và xin cho mỗi Ki-tô hữu là hạt giống tốt, nên như gương sáng, như muối, như men cho đời thêm phong phú đẹp tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm”. Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
2020
Sức mạnh của Nước Trời
27/07/2020
Thứ Hai Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Mt 13, 31-35
SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI
“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”
Hạt cải nhỏ xíu mọc lên từ lòng đất, phát triển thành cây lớn (cải bên tây) đến nỗi chim trời có thể “làm nhà” trên cành, mức độ “lớn lên” không tưởng ! Chúa Giêsu ví sự phát triển của Nước Trời cũng giống như vậy, bắt đầu từ nhỏ bé âm thầm mà mạnh mẽ phi thường !
Hạt cải và nắm men cùng giống như một hòn sỏi ở chỗ đều bé nhỏ. Nhưng hạt cải và nắm men khác hòn sỏi ở chỗ chúng có sức sống bên trong. Ném hòn sỏi xuống đất thì nó vẫn trơ trơ, còn ném hạt cải xuống đất hay vùi nắm men vào thúng bột thì kết quả khác hẳn. Như thế, điều khác nhau và cũng là điều kỳ diệu là sức sống bên trong.
Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi”. Bởi vì thánh sử viết Tin Mừng sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.
Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi”. Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu tựa như Hạt Cải đầu tiên được gieo vào trần thế, chỉ nho nhỏ be bé lặng lẽ trong nhà Na-za-rét nào ai biết tới. Tới khi “bùng lên” trong công cuộc rao giảng người ta vẫn như không thấy nên thỉnh thoảng Ngài lại nhắc : “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Một chìa khóa nhỏ bé có thể mở toang cánh cửa lớn để bước vào ngôi nhà rộng thênh thang. Trong con người rất “người” Chúa Giêsu chứa đựng sức sống của Thiên Chúa. Sức sống này phát triển sang 12 tông đồ ít học, rồi vài trăm tín hữu đầu tiên, sau ngày lễ Hiện Xuống cả ba ngàn người…và ngày nay Giáo Hội rộng khắp năm châu bốn bể.
“Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Chỉ một nắm men tác động êm đềm kín đáo, mà lây lan dậy men cả thúng bột thành bánh ăn nuôi cả nhà. Ơn thánh từ các Bí tích người ta lãnh nhận từ Chúa, tỏa lan êm dịu từ bên trong, làm thay đổi lòng người và tràn sang những người họ gặp gỡ, tiếp xúc. Những việc làm mưu cầu lợi ích cho anh em, những nghĩa cử nhân ái với mọi người, quảng đại hy sinh, sẵn sàng nhận thua thiệt mất mát sẽ làm thế giới này lan tỏa men nồng yêu thương. Mọi người sẽ được tận hưởng Nước Trời ngay giây phút hiện tại. Nhưng nếu chút men này bị hư hỏng cũng sẽ lây lan làm hỏng cả “thúng bột” đấy.
Ngày nay qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người Ki-tô hữu chúng con như một hạt cải nhỏ mà chứa đựng sự sống của Con Thiên Chúa, như nắm men ẩn trong khối bột trần đời. Giữa cuộc đời nhỏ bé âm thầm này, nếu chúng con luôn sống mối tương quan đậm đà với Chúa, luôn ở lại trong Chúa, chúng con sẽ sống bằng chính sức sống của Chúa. Nhờ Sức Sống dịu êm nhưng mạnh mẽ từ bên trong này, nơi con người trần tục phàm hèn, chúng con sẽ lớn “bùng lên” thành cây cải xanh tươi trong lòng Hội Thánh, bởi vì “Tôi trồng, A-pô-lô tưới, còn Thiên Chúa cho mọc lên”(1Cr 3, 6).
2020
Đừng đam mê quyền lực
Thứ Bảy Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm chẵn
THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ
Mt 20, 20-28
ĐỪNG ĐAM MÊ QUYỀN LỰC
Thánh Giacôbê, quê quán tại Bethsaida, là con ông Giêbêđê và là anh em với thánh Gioan. Ngài là một trong ba Tông đồ, ngoài những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa, còn được phúc chứng kiến sự kiện biến hình trên núi Tabor và thảm cảnh trong vườn Cây Dầu. Lòng nhiệt thành của hai anh em đã khiến Chúa đặt cho cái tên là ‘Con Sấm Sét’.
Thánh Giacôbê đã tiến hành công cuộc tông đồ tại Giuđêa và Samaria. Theo truyền tụng, thánh nhân đã đến rao giảng Phúc Âm tại Tây Ban Nha. Khi trở lại Palestine vào năm 44, ngài đã trở thành vị Tông Đồ đầu tiên được phúc tử vì đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa. Thi hài thánh nhân được cải về Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha, và nơi đây đã trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời Trung Cổ, và là một đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.
Khi đang đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu nhìn thấy Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đang vá lưới, Người đã gọi họ, và đặt cho tên là Boannerges, nghĩa là “con của sấm sét”.
Mọi sự bắt đầu khi một số ngư phủ trên biển hồ Tibêria được Chúa Giêsu thành Nagiarét mời gọi theo Người. Họ đã đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo, và sống với Người gần ba năm trời. Họ đã chia sẻ đời sống thường nhật của Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho những lời cầu nguyện, cũng như lòng nhân lành và quyền năng của Người dành cho các tội nhân và những người đau khổ. Họ chăm chú lắng nghe lời Chúa, những lời họ chưa từng bao giờ được nghe.
Suốt ba năm chung sống với Chúa, các Tông Đồ cảm nghiệm một thực tại rồi ra sẽ chiếm đoạt họ mãi mãi, đó là cuộc sống với Chúa Giêsu. Đó là một kinh nghiệm phá vỡ nếp sống trước kia của họ; họ phải từ bỏ mọi sự – gia đình, nghề nghiệp, và tài sản của họ – để đi theo Người. Tóm lại, họ đã được dẫn vào một con đường sống hoàn toàn mới mẻ.
Một ngày nọ, Chúa Giêsu mời gọi Giacôbê đi theo Người. Giacôbê là anh của Gioan, và là con của bà Salômê, một phụ nữ đã dùng tài sản để giúp Chúa Giêsu và sau cùng cũng có mặt trên núi Canvê. Giacôbê đã biết Chúa Giêsu trước khi được Chúa gọi. Cùng với Phêrô và em trai mình, Giacôbê được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng. Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Biến Hình trên núi Tabor. Ngài cũng có mặt khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, và là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương khó.
Theo các trình thuật Phúc Âm, như các Tông đồ, Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con tim vĩ đại. Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ.
Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời kích lệ như thế nào. Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không? Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’ Tưởng nghĩ đến việc uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn. Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”
Xu hướng tự nhiên khiến con người thích được người khác phục vụ. Những ai càng được nhiều người phục vụ, cung phụng thì càng có thế giá, cao trọng và được kính nể. Còn những ai nai lưng ra phục vụ người khác thì chẳng có giá trị bao nhiêu; Họ bị xem là những kẻ thấp hèn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta cài nhìn rất mới mẻ. Cái nhìn đó cho thấy người cao trọng, người đáng ca ngợi là người biết phục người khác. Có thể nói đây là một cái nhìn làm thay đổi toàn bộ tương quan của con người với nhau. Tương quan của con người giờ đây được xây dựng bằng sự phục vụ lẫn nhau chứ không phải bằng sự áp đặt. Giá trị của con người giờ đây không căn cứ trên quyền lực hay chức quyền nữa nhưng căn cứ trên sự phục vụ. Ai càng phục vụ nhiều thì càng trở nên người cao trọng.
Cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Người. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.
Khi suy niệm về cuộc đời thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được lợi rất nhiều khi nhìn thấy những khuyết điểm của Thánh nhân cũng như của các Tông đồ khác. Các Ngài không can trường, không khôn ngoan, mà cũng chẳng đơn sơ. Chúng ta thấy các ngài đôi khi rất ham hố, hay tranh cãi, và thiếu đức tin. Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên được tử đạo.
Như thế, hiển nhiên là sự phù trợ của Thiên Chúa cũng có thể thực hiện những phép lạ nơi chúng ta. Ngày nay trên thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn ngài trên con đường khác với con đường ngài đã mơ tưởng trước đó. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và đầy yêu thương vượt quá trí tưởng của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, Người không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin, nhưng đó lại là điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.