2020
Hãy vững tin
3.8 Thứ Hai tuần XVIII Thường niên
Jr 28, 1-17; Mt 14, 13-21
Hoặc Mt 14, 22-36 (nếu Chúa nhật trước đó là năm A)
HÃY VỮNG TIN
Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng: “Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả cây số, bị sóng đánh vì ngược gió”. Đang đi giữa biển thì cuồng phong nổi lên như muốn nhận chìm con thuyền nhỏ khiến các môn đệ vô cùng hoảng sợ, trong khi đó Đức Giêsu vẫn bình tĩnh cầu nguyện.
Sở dĩ các môn đệ sợ hãi vì các ông tin tưởng vào sức riêng mình. Vốn là những ngư dân rành nghề, các ông am hiểu biển cả, thuộc từng con sóng và chỗ nào nước sâu có nhiều cá. Vì thế dù có ra giữa biển khơi, các ông vẫn tự tin lướt sóng. Chúa Giêsu đã để sóng gió nổi lên như muốn thử thách đức tin yếu kém của các môn đệ. Thái độ hoài nghi đã làm con mắt các môn đệ trở nên mờ tối khiến các ông không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa. Các ông chỉ còn nhìn thấy bóng ma của sự tối tăm và chết chóc.
Sau khi nghe các môn đệ cầu cứu, Chúa Giêsu đã đi trên mặt biển đến và trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Sau đó Chúa Giêsu truyền cho ông Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Người. Nhưng Phêrô vẫn hoảng sợ đễn nỗi Đức Giêsu phải đưa tay ra nắm lấy ông.
Qua biến cố này, Chúa Giêsu đã biểu lộ cho các môn đệ thấy quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa khiến mọi thế lực trần gian phải khuất phục. Đồng thời Người cũng nhắc nhở các ông sao yếu lòng tin vì còn hoài nghi ngờ vực. Sau khi sóng yên biển lặng, mọi người trong thuyền đều phải bái phục Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu có sứ mạng quan trọng là đến trần gian để cứu chuộc loài người. Vì thế những bệnh nhân và những ai có lòng tin tưởng đều được Chúa Giêsu cứu chữa.
Chẳng bao giờ Chúa Giêsu bỏ rơi các môn đệ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Người vẫn hiện diện bên cạnh để giáo huấn và nâng đỡ đức tin cho các ông. Như người cha luôn nắm chặt bàn tay của đứa con gái nhỏ, Thiên Chúa không bao giờ từ chối lời cầu xin của chúng ta bởi chúng ta là đối tượng được Người yêu thương và cứu chuộc. Tình yêu Thiên Chúa có sức mạnh kỳ diệu, mạnh hơn sự chết, cao hơn những suy tưởng và sâu hơn những yếu đuối của loài người. Nói như thánh Gioan tông đồ “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại một tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” (1 Ga 4, 18). Chúa Giêsu đã yêu chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, Ngài gánh lấy mọi tội lỗi và chịu chết để đem ơn cứu độ cho chúng ta. Nếu thực sự yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ sợ hãi thất vọng.
Đã bao lần trong đời sống chúng ta từ chối tình yêu Thiên Chúa đó là chúng ta từ chối cái “nắm tay” của Người. Chúng ta tự mãn nghĩ mình có đủ tài năng chèo chống con thuyền của cuộc đời mình bằng tiền của vật chất, bằng sức mạnh của thế gian để rồi bị trượt ngã thảm thương. Chúng ta tự quyết định con đường tương lai và vận mệnh đời mình mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa. Chúng ta không phải là thiên thần để bước đi theo Chúa một cách thanh thoát. Chúng ta bước đi bằng đôi chân nặng nề của đam mê tội lỗi khiến đôi chân ấy cứ lún sâu xuống khiến chúng ta muốn ngã quỵ. Chúng ta không dám tin tưởng để cho Chúa dẫn dắt mà chỉ lo bám vào thế lực của con người, ngó ngác trông đợi mong bám vào một nhánh cây khô mục ruỗng. Chúng ta không nhìn lên phía trước để tiến bước mà cứ nhìn xuống vực sâu, nhìn vào dòng nước cuồn cuộn để rồi sợ hãi khốn khổ.
Nhân loại và Giáo Hội hôm nay cũng đang đối mặt với nhiều sóng gió của thế lực trần gian, nhiều tư tưởng sai lạc khiến niềm tin chao đảo. Người tín hữu đang phải gánh chịu những sự bất công, hận thù chia rẽ. Đời sống các gia đình đang gặp nhiều khủng hoảng khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt. Ước gì chúng ta biết đặt trọn niềm tin cậy nơi Thiên Chúa và trung thành sống theo những giá trị của Tin Mừng.
2020
Nên muối men cho đời như Cha Thánh Anphongsô
1.8 Thánh Alphongsô Maria Liguori, giám mục, tiến sĩ
Rm 8, 1-4; Mt 5, 13-19
NÊN MUỐI MEN CHO ĐỜI NHƯ CHA THÁNH ANPHONGSÔ
Hôm nay mồng 1 tháng 8 Dòng Chúa Cứu Thế trên Toàn Cầu Mừng Lễ Thánh Tổ Anphongsô Maria Liguori: Thánh Anphongsô sinh tại Marianella ngày 27-12-1696. Vào đại học hoàng gia năm 12 tuổi, nhận thanh kiếm hiệp sĩ lúc lên 14 tuổi, đậu hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời năm 16 tuổi, làm luật sư và chánh án khi 20 tuổi, “Hãy bỏ thế gian và hiến toàn thân cho Ta”. Ngày 19 tháng 8 năm 1723 người rút thanh gươm nhà quý tộc thường đeo, đặt trước bàn thờ Đức Mẹ; rời bỏ pháp đình để đi theo tiếng Chúa “Hỡi thế gian, ta đã biết ngươi rồi!” Ngày 21-12-1726, Anphongsô được thụ phong linh mục. Ngài thường nói: “Chính Đức Mẹ đã cứu tôi khỏi thế gian và đưa tôi vào hàng giáo sĩ”.
Tháng 11 năm 1732, Anphongsô ngồi trên lưng một con lừa, từ biệt thủ đô Naples để lên đường đi lập Dòng và ngày 9 thánh 11 năm 1732, trong chính ngày lễ Chúa Cứu Thế, tại Scala, Dòng Chúa Cứu Thế được chính thức thành lập với năm Tu Sĩ đầu tiên….
Ngày 1 tháng 8 năm 1787, trong khi chuông nhà thờ Pagfani báo hiệu Kinh Truyền Tin thì Anphongsô qua đời, trong tay cầm mẫu ảnh Đức Mẹ, nguồn hy vọng. Theo truyền thống của Dòng, ngày một anh em qua đời là ngày nghỉ, ngày vui, ngày sinh nhật của Anphongsô trên trời. Thánh Anphongsô hưởng thọ 91 tuổi, và ngài được tôn phong hiển thánh năm 1839 và Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
Sống trong một thế giới, trong một xã hội mà con người đua đòi, chạy theo con đường ăn chơi, xa xỉ, phung phí tiền của. Sống trong một giai đoạn mà ngay cả giới nhà tu cũng tranh nhau qui tụ về chốn đô thị để hưởng thụ, thỏa hiệp và sống dễ dãi. Đời sống đạo đức ở nhiều nơi bị sa sút trầm trọng, bè rối hoành hành giữa lòng Hội Thánh. Con người tưởng chừng không đâu tìm ra lối thoát giữa một xã hội xem ra bị chìm lỉm, ngụp lặn trong tội lỗi. Anphongsô đệ Liguoriô xuất hiện.
Chàng Anphongsô có mặt như vị anh hùng của thế kỷ. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, với lòng đạo đức, thánh thiện, với thiện chí và lòng tin sắt đá, Anphongsô đã như hừng hực lửa Thánh Thần, bằng những tác phẩm giá trị và qua những lời giảng đầy lửa, đanh thép, Anphongsô đang vực dậy cả một Giáo Hội đang lâm nguy. Con người của Anphongsô sở dĩ có được tinh thần ấy và cảm nghiệm ấy bởi Anphongsô đã say mến Thiên Chúa. Ngài đã say mê Thiên Chúa với tất cả con người, với tất cả con tim rực cháy của mình. Mà chúng ta không xem Ngài như một con người kỳ diệu sao được khi Ngài có đủ điều kiện, đủ tài đức để sống vinh thân phì gia trong đất nước Ý Đại Lợi lúc đó: nhà giầu, cha mẹ quí phái, có chức có quyền trong triều đình, Anphongsô lại học giỏi mau chóng thành đạt với tuổi rất trẻ, mới 16 tuổi đời, Anphongsô đã đậu cả hai bằng tiến sĩ đời và đạo. Với một tương lai rực sáng như thế, Anphongsô quả có đầy đủ tất cả để hưởng thụ một đời sống xa hoa, phú quí với nhà lầu, danh vọng, vợ đẹp, con khôn…
Thánh Anphongsô quả là ngọn lửa say mến Chúa Giêsu và từ ngọn lửa say mến ấy, Ngài đã đốt lên, đốt mãi không ngừng trong tâm hồn các sĩ tử của Ngài và cũng ngọn lửa ấy luôn được thắp lên trong mọi tâm hồn những người thành tâm tìm kiếm Chúa.
Thánh Anphongsô dù đã là Giám Mục, Ngài vẫn luôn sống khó nghèo và nơi Ngài luôn tỏa sáng ngọn lửa say mến Thiên Chúa. Thánh Anphongsô có lòng yêu mến Đức Mẹ, Ngài đã thực hành và truyền lệnh cho các sĩ tử của Ngài luôn phải sùng kính Đức Mẹ và rao truyền về Đức Mẹ. Ngài đã làm gương cho các sĩ tử và mọi người về việc lần chuỗi Mân Côi, Ngài nói:”Chuỗi Mân Côi là giây bền đỗ…”.
Quan đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải trở nên muối ướp và đèn soi. Bằng hai hình ảnh cụ thể này, Ngài phác hoạ một luật sống mà các môn đệ phải tuân theo khi Ngài gởi họ đi vào đời.
Muối là vật dụng thường thức dùng trong việc nấu nướng. Không có muối, đồ ăn thiếu hương vị và lạt lẽo. Nhưng người Do Thái còn dùng muối làm phân bón. Vì vậy mà Ngài bảo: Các con là muối đất. Trong Kinh Thánh, muối là hình ảnh được nhắc lại nhiều lần. Từ vụ vợ ông Lót nhìn lại đàng sau mà biến thành tượng muối, đến chút muối mà thánh Phaolô căn dặn nên đặt vào trong lời ăn tiếng nói cho có hương vị khi giao tiếp với anh em.
Các con là muối, nghĩa là chúng ta hãy sống đạo dức, thực thi những điều Ngài dạy, để thánh hoá bản thân, nêu gương sáng cho người khác, hâm nóng những cõi lòng đã nguội lạnh. Nếu chúng ta không sống Lời Chúa trọn vẹn, thì chúng ta như muối đã nhạt, không ích lợi gì, chỉ đáng đem đổ ra ngoài đường cho người ta dày đạp. Người Do Thái ngày xưa đổ rác cả ra đường phố cho khách qua lại dẫm lên.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,13). Đây là lời mời gọi tuyệt vời dành cho người Kitô, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Chúa Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8, 12). Vậy ta muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, ta phải ở gần Ngài: gần đèn thì ta được toả sáng.
Ánh sáng không thiên vị một ai, không thích người này và cũng không chê người kia. Ánh sáng của mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Ánh sáng của người Kitô cũng vậy,”ánh sáng của anh em phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).
Ánh sáng của cây nến tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ toả sáng cả một căn phòng, làm cho bóng tối phải lùi bước. Một khi ánh sáng của ngọn nến bừng lên, đó cũng là lúc ngọn nến bị đốt cháy, bị tan biến đi. Người Kitô cũng vậy, phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để “Ánh Sáng Chúa Kitô” được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà, khắp mọi tâm hồn.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Anphongsô để rồi mỗi người chúng ta cũng trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian như lòng Chúa mong muốn.
2020
Thích nhìn bề ngoài
31/07/2020
Thứ Sáu Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Mt 13, 54-58
THÍCH NHÌN BỀ NGOÀI
Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến.
Chúa Giêsu trở về quê hương Nazarét và giảng dạy trong Hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất xứ của Ngài: Vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Đấng Messia. Do người ta không tin nên Chúa Giêsu không làm phép lạ nhiều.
Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?
Ta thấy họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bởi đâu ông ngày được như thế. Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?”Sở dĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu gần như “bó tay” không thể nào làm phép lạ tại đó. Người đã bị thất bại ngay trên “sân nhà”. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng của người đời, bị từ chối, ganh ghét và bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, sẵn sàng gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là người gần gũi hàng xóm láng giềng và cả những môn đệ thân tín nhất.
Giáo hội, hiện thân của Chúa ở trần gian cũng phải chịu số phận như Chúa. Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo để trở thành dấu của tình thương Thiên Chúa cho nhiều người. Thế nhưng thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.
“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn lành và tình thương của Thiên Chúa. Không có gì đau đớn bằng sự phản bội của những người thân. Chúng ta có thể trách móc những người đồng hương của Chúa, nhưng chính chúng ta cũng phải đấm ngực ăn năn vì thái độ thờ ơ của chính mình. Hàng ngày Chúa vẫn thi ân giáng phúc, Chúa vẫn bao bọc chở che, vỗ về an ủi nhưng chúng ta không nhận ra những ơn ấy mà chỉ lo chạy theo tiếng gọi của thế gian, của đam mê xác thịt. Chúng ta sống bên cạnh nhau như những người “quen biết xa lạ” để rồi đánh mất ý nghĩa cao quý của mối tương giao huynh đệ với tha nhân, đánh mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
Có thể ở bên ngoài chúng ta không từ chối Chúa nhưng tận sâu trong đáy lòng và ước muốn, chúng ta không còn tin nhận quyền năng và tình thương của Chúa nữa. Nhân loại đang phải đối đầu với một cơn cám dỗ khốc liệt về niềm tin. Ngay trong gia đình cha mẹ và con cái không còn tin tưởng lẫn nhau. Ngoài xã hội đâu đâu cũng nhan nhản những chuyện bất công và những thói xấu cũng đang len lỏi vào cả trong Giáo hội. Đọc lời Chúa hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước để có thái độ sống xứng hợp Tin Mừng.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời,sẽ gặp thất bại, bị bách hại, bắt bớ… Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy.
Hơn nữa nhìn xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của cuộc sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theonhững phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
Tóm tắt một lời, ta thấy những người Nazarét đã ngạc nhiên và thán phục Chúa Giêsu. Họ đã tiến gần đến đức tin. Nhưng rất tiếc hành trình ấy bị chặn lại vì thành kiến. Họ nghĩ: một con người có cha mẹ và anh em là những kẻ nghèo nàn và tầm thường như thế không thể nào là Đấng Messia được.
Có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.
Phải chăng nhiều lần tôi cũng đánh giá người khác theo những thành kiến: Anh ấy, chị ấy không thể nào khác được! Con người như thế đó mà làm được cái gì! Ta hãy bỏ khỏi mình những định kiến, những cách nhìn bề ngoài
2020
Sống tinh thần mới của ngôn sứ
30/07/2020
Thứ Năm Tuần XVII Mùa Thường Niên
Mt 13, 47-53
SỐNG TINH THẦN MỚI CỦA NGÔN SỨ
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Mầu Nhiệm Nước Trời là một điều thật khó hiểu cho người nghe Lời Chúa, ở đó diễn tả một mô mẫu của vương quốc hạnh phúc mà thực tại trần thế không có được, là điều mà trong suy tư tự nhiên của con người khó chạm đến cách thấu đáo. Chính vì thế, khi Đức Giê-su nói về Nước Trời Ngài luôn dùng dụ ngôn để diễn tả, cho người nghe có thể thấu cảm về một thực tại họ không nhìn thấy và rất khó để suy tưởng.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao.
Hôm nay, ta lưu ý đến một chi tiết khá thú vị. Đó là lời kết thúc các dụ ngôn về Nước Trời. “Anh em có hiểu tất cả những điều đó không?”, tức là hiểu về mầu nhiệm Nước trời, hiểu về sứ mạng công bố Nước Trời cho thiên hạ, nhiệm vụ mà mỗi người môn đệ phải thi hành trong sứ mạng của mình. Sứ mạng ngôn sứ mà mỗi chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Các môn đệ sau bao ngày tháng theo Chúa Giêsu đã trả lời, “Thưa hiểu” và các ông đã sống chứng tá cách hào hùng bởi lời thưa đáp ấy.
Phần chúng ta, những ki-tô hữu, bao ngày tháng học hỏi Kinh Thánh, học giáo lý và sống mầu nhiệm đức tin, chúng ta có thực sự hiểu về mầu nhiệm Nước Trời chưa? Hay chúng ta, miệng thì thưa “Hiểu” nhưng hành động thì trái chiều với tinh thần đức tin, giữ đạo thì hời hợt, sống tinh thần bác ái thì miễn cưỡng, thực thi lòng xót thương thì gượng gạo khó khăn…
Quả thế, những người đã học hiểu về mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ nên những người môn đệ đích thực. “bất kỳ kinh sư nào đã học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tang của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. Những ai đã được học hỏi về Nước Chúa, thì họ sẽ nên những thầy dạy cho người khác, kho tàng mà họ có không chỉ là những điều luật của Cựu ước (Thập giới) nhưng có cả tinh thần mới của Tân Ước. Có kho tàng ấy, người thầy dạy không còn chất lên vai người khác những gánh nặng của lề luật, nhưng cùng với người khác sống tinh thần của luật, đó là thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã nêu gương.
Như thế, đạo lý của Tin mừng hôm nay muốn nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, hãy biết sống tinh thần mới của người ngôn sứ, tinh thần của một thầy dạy trọn hảo sống theo tinh thần mới của Đức Giê-su trong luật mang lại sự sống, “luật cũ trong tinh thần mới”. Bởi lẽ, sứ mạng ngôn sứ ấy sẽ được thẩm vấn khi đến thời đến buổi của công nghi phán xét muôn dân, ngày chung thẩm để nhận hạnh phúc thật hay án phạt.
Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Đức Kitô đang hiện diện trong Hội Thánh và trong mỗi người như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung. Bạn hãy sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ đối với mọi người. Vì chưng, không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không có sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta gia nhập vào Hội Thánh để được thánh hoá và được kêu gọi để nên thánh. Nhưng chúng ta phải chiến đấu với các khuynh hướng xấu tốt vẫn tồn tại trong con người chúng ta. Do đó, qua dụ ngôn chiếc lưới, Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta phải có thái độ bao dung và tha thứ với người tội lỗi, đồng thời tự nhận biết mình cũng là tội nhân. Việc sàng lọc, phân định kẻ tốt người xấu chỉ được thực hiện vào thời cánh chung mà thôi.