2020
Đừng sợ !
Ngày 7 tháng Tám Thánh Xystô II, giáo hoàng, và các bạn, tử đạo
Kn 3, 1-9; Mt 10, 28-33
ĐỪNG SỢ
Thánh Gaetanô (Cajetan) là một trong những khuôn mặt lớn đặt nền tảng cho cuộc canh tân Giáo hội tại Ý vào thế kỷ 16. Ngài sinh năm 1480 tại Vicenza, trong một gia đình giầu có và quí phái. Năm 1504, Ngài đậu bằng tiến sĩ luật và giáo luật tại Padua và năm 1508 tham phần vào việc điều khiển Giáo hội tại Roma. Đức Juliô rất quí chuộng Ngài và có lẽ Ngài đã được Đức Giáo hoàng này cử đi thương thuyết với vương quốc Venice, thời kỳ ký hiệp ước Cambray và thời kỳ hậu chiến 1509 -1516.
Có thể những hoàn cảnh này đã gợi lên trong Gaetanô lần đầu tiên ước muốn chấn hưng đạo đức thật sự. Năm 1516 Ngài nhập dòng tình yêu Thiên Chúa ở Roma, một tu hội tìm bảo đảm đời sống thiêng liêng của hội viên bằng kinh nguyện, việc năng lãnh nhận bí tích và thực hiện các công cuộc từ thiện tại các nhà thương, cô nhi viện, trại cải huấn… Ngài thụ phong linh mục ngày 30 tháng 9 năm 1516. Ngài dâng lễ mở tay mấy tháng sau đó và bắt dầu dâng lễ hàng ngày, một thực hành bất thường vào thời đó. Do một người bạn từ Brescia tên là Bartolômeô Stella, Ngài chịu ảnh hưởng của nữ tu Laura Mignani, trong dòng Augustinô. Ngài thường xuyên liên lạc thư từ với chị, nhưng có lẽ không bao giờ gặp mặt chị.
Năm 1517, Ngài trở về Vicenza, nuôi bệnh mẹ lần cuối. Tại đây Ngài chọn cha Fra Batttista Carieni da Grema, một cha dòng Daminh nổi tiếng làm cha giải tội, từ đây Ngài hiến trọn đời phục vụ Thiên Chúa. Sau khi dàn xếp xong câu chuyện và từ bỏ sự tiến cử trong Giáo hội, Ngài hiến 6 năm tiếp làm việc thiêng liêng và bác ái trong các cộng đoàn ở Vicenza, Verona và Venice. Nơi đây, Ngài truyền bá việc rước lễ thường xuyên, lòng tôn sùng Thánh thể, đời sống cầu nguyện hãm mình. Ngài trở thành người hướng dẫn tinh thần và gương mẫu thúc đẩy thánh Hiêrônimô Emilimô lập dòng Somaco.
Dầu vậy năm 1523, khi trở về Roma và dưới sự hứơng dẫn của cha Fra Battista, cha Gaeta gặp các bạn và lập một dòng mới vào năm 1524. Nhân vật chính trong số các bạn của Ngài là Pietro Carafa, sau này sẽ là Đức Phaolô IV. Hai người tính tự nhiên khác hẳn nhau, nhưng lại hợp nhất trong một nhiệt tình muốn canh tân Giáo hội, nhất là ở Roma. Bề trên tiên khởi của dòng là Pietro Crafa, lúc ấy đang làm Tổng giám mục Chicti. Bởi đấy dòng được gọi là Theatinus. Dầu là các linh mục triều, sống thành cộng đoàn và dấn thân làm việc mục vụ. Các hội viên vẫn giữ lời khấn nghèo khó, vâng lời và trong sạch. Từ chối sở hữu mọi của cải, họ không đi ăn xin và chỉ sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Đây là một cuộc mạo hiểm chống lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ thời đó và tìm tái lập nét đẹp tinh thần của chức linh mục.
Cộng đoàn ở Rôma nhỏ bé nhưng đã trở nên trung tâm đạo đức, bác ái và nghiên cứu Phụng vụ. (Năm 1527 bị xâm chiếm. Nhà dòng phải trốn về Venice. Các hội viên nhất là chính cha Gaetanô bị người Tây Ban Nha hành hạ dã man. Mãi tới năm 1555, khi đức Hồng y Carafa lên làm giáo hoàng và cha Gaetanô đã chết nhà dòng mới trở lại Roma)
Cha Gaetanô là bề trên thứ hai của nhà dòng. Linh đạo của cha đã in nét tối hậu tạo thành nếp sống của dòng. Linh đạo này hoà hợp đời mục vụ với đời sống chiêm niệm. Trong khi Đức cha càng ngày càng tích cực với các hoạt động công khai thì cha Gaetanô không ngừng lui vào đời sống ẩn dật. Sự khiêm nhường rất mực của cha Gaetanô trở nên như huyền thoại. Ngài để lại một ít thư từ và không có một tác phẩm nào.
Dầu vậy, Ngài đã đạt tới đỉnh cao thánh thiện và được kính nể nnhư một bậc thánh nhân ngay khi còn sống. Cầu nguyện và rao giảng không biết mệt, tôn sùng Thánh Thể và sống đời nhiệm nhặt, không ngừng làm việc bác ái tông đồ, tất cả những đặc điểm ấy của Ngài ghi dấu vào cuộc canh tân tinh thần của Giáo hội. Ngoài ra, Ngài rất tinh tế trong việc phụng vụ. Nhiều chuyện còn kể các phép lạ Ngài làm khi còn sống. Trong một lá thứ gởi cho chị Mignami, chính Ngài đã kể lại việc Đức Mẹ trao cho Ngài săn sóc Chúa Hài Đồng.
Trên giường bệnh Ngài nói rằng mình phải chịu mọi cực hình thánh giá. Thánh Gaetanô qua đời tại Naples năm 1547, được phong chân phước năm 1629 và năm 1691 Đức Innocentê XII tuyên phong hiển thánh.
“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần. Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10). Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27). Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7). Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36). Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10). Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh. Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng, không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời. Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà, điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27). Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận. Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy, vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28). Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ. Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình, khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.
Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu. Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ. “Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29). Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30). Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18). Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì. Nhưng là biết sợ ai. “Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?” Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40). Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ, để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.
2020
HIển dung như Chúa
Ngày 6 tháng Tám Chúa Hiển Dung
Đn 7, 9-10. 13-14; 2Pr 1, 16-19; Mt 17, 1-9
HIỂN DUNG NHƯ CHÚA
Cuộc Hiển Dung là cuộc tôn vinh được sống trước của Chúa Giêsu. Người đã xuất hiện trong tất cả những phẩm tính của Người: Con Người, tôi trung của Đức Chúa, Messiah, Con Thiên Chúa, và với tất cả các liên hệ của Người trong lịch sử cứu độ. Cuộc Hiển Dung vừa tăng cường uy tín cho sứ mạng của Đức Giêsu vừa củng cố quyền bính của các tông đồ. Nếu quyền hành của Phêrô (16,18) và của Nhóm Mười Hai (Mt 18,18) lên tới trời là bởi vì ở dưới thế này, Đức Kitô đã đăng quang, nhằm xác nhận các quyết định của các ông.
Tin Mừng thánh Luca trình bày quang cảnh Chúa Giêsu Hiển Dung để tỏ bày vinh quang của Người. Qua đó, Người khích lệ và nâng đỡ cho niềm tin của các môn đệ cũng như của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu Hiển Dung khi Người đang “cầu nguyện”, trong sự kết hợp thân mật với Chúa Cha “dung mạo của Người bỗng đổi khác”. Chúa Cha đã làm cho vinh quang của Chúa Con được chiếu tỏa trên núi thánh, để xác nhận về sứ mạng đã giao phó cho Người: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Tin Mừng Luca sử dụng thuật ngữ “người được tuyển chọn” từ bài ca thứ hai về Người Tôi tớ, trong lúc Hiển dung và khi trên thập giá (x. Lc 23,35), để nhấn mạnh mối liên hệ giữa cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Người chính là “Đấng Thánh của Israel” bị “người đời khinh chê” (Is 49,7).
Dung mạo Thiên Chúa được hiển dung nơi Chúa Giêsu Na-da-rét trên ngọn núi cao đã làm cho tâm hồn ba môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô biên. Vì thế, Phêrô muốn sống mãi giờ khắc tuyệt vời ấy và không muốn rời bỏ khung cảnh thần tiên đó. Ông đề nghị dựng lều ở lại lâu dài trên núi: “Bấy giờ ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.”
Sau khi biến hình sáng chói, Chúa Giêsu và các tông đồ phải đi xuống núi và trở về cuộc sống thực tế hằng ngày. Chúa Giêsu không muốn đi theo con đường tắt dễ dàng. Ngài muốn đi trọn con đường và sứ mệnh mà Cha đã trao phó. Sứ mệnh cứu độ không chỉ qua sự giảng dạy và thực hành các phép lạ, nhưng là chấp nhận đau khổ và cái chết. Không có một hy lễ nào cao trọng hơn hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Con Thiên Chúa đã đi đến cùng tận trong tất cả mọi trạng huống của cuộc đời. Từ khi Chúa hạ thân nghèo hèn trong máng cỏ cho tới lúc thân trần treo trên thập giá. Không có một con người nào dám bươc xuống thẳm sâu như Chúa. Chúa đã bước xuống và cứu con người lên.
Chúng ta không thể đi con đường tắt để đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt từng phút giây mà Chúa đã ban. Hoàn tất tốt giây phút hiện tại trong yêu thương tha thứ và chia sẻ bác ái. Hãy ngước nhìn lên thập giá của Chúa để tìm nguồn ủi an và gắn kết yêu thương. Chúa sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng phải qua thánh giá mới đạt tới vinh quang.
Đồng thời, chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa hơn nơi biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu: Người đến để hoàn thành toàn bộ lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước. Sự hiện diện của ông Môsê đại diện cho Lề luật và của ông Êlia đại diện cho các Ngôn sứ nhằm mục đích làm sáng tỏ công trình cứu độ Chúa Giêsu thực hiện. Các ngài nói về sự “chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem”; hình ảnh “núi” và “mây che phủ”, cùng với nỗi sợ hãi của các môn đệ, nhắc nhớ về biến cố Thiên Chúa hiện ra trên núi Sinai. “Lều” mà Phêrô xin được dựng gợi lại hình ảnh dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc tiến vào đất hứa. Chúa Giêsu chính là Môsê mới, hướng dẫn dân Israel mới là toàn thể nhân loại đi về Đất hứa là Nước Trời; Ngài cũng tiếp tục công việc của ngôn sứ Êlia là đưa con người ra khỏi tình trạng thờ ngẫu tượng để quay về với Thiên Chúa.
Lễ Hiển Dung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.
Qua biến cố Hiển Dung, Chúa Giêsu muốn khích lệ và nâng đỡ cho niềm tin của các môn đệ. Chính ba môn đệ này cũng chứng kiến đau khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu sau này (x. Mt 26,37). Cả hai trường hợp các ông đều ngủ. Sức nặng của những khổ đau đã đè nặng các ông. Vì thế, biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nếm trước vinh quang thần linh của Người, giúp các ông hiểu rằng để đến vinh quang phục sinh phải qua đau khổ thập giá.
Như thế, cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu giúp chúng ta ý thức về một nguy hiểm: đó là sự chán nản, nhụt chí, thất vọng khi gặp những khó khăn thử thách và đau khổ trong đời sống đức tin. Để vượt qua mối nguy hiểm này và để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, chúng ta cần biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để sống xứng đáng là người được Thiên Chúa tuyển chọn.
2020
Hãy để tâm hồn ta là Đền Chúa ngự
Ngày 5 tháng Tám Cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả
Kh 21, 1-5a; Lc 11, 27-28
HÃY ĐỂ TÂM HỒN TA LÀ ĐỀN CHÚA NGỰ
Đền thờ đầu tiên được cung hiến để kính Đức Trinh Nữ ở Roma, ngày nay gọi là đền thờ Đức Bà cả. Truyện kể lại rằng, có hai vợ chồng không con nuôi nấng, muốn dâng gia tài của mình cho Đức Mẹ. Trong khoảng đêm 4 hay 5 tháng 8, Đức Trinh nữ đã hiện ra với họ, cùng một lúc với Đức Thánh Cha Libêriô, bày tỏ ý muốn được thấy mọc lên trên núi Esquilin, một thánh đường dâng kính Ngài.
Hôm sau, Đức Thánh Cha cùng với hàng giáo sĩ ở Roma đi lên núi Esquilin. Lúc ấy trời nóng nực nhưng tuyết vẫn còn phủ đầy một góc núi. Theo ý Đức Trinh Nữ, Đức Thánh Cha phác họa một thánh đường, xây cất bằng tiền của cặp vợ chồng không con dâng cúng, lấy tên là đền thờ Đức Bà xuống tuyết để ghi nhớ phép lạ trên.
Truyện kể lại như vậy, nhưng tính chất chân thực của câu chuyện vẫn còn bị nghi ngờ, thực sự ở Roma đã có một đền thờ Đức Bà cổ, còn cổ kính hơn cả đền thờ Đức Thánh Cha Libêriô (352 – 366) cho xây cất nữa. Và đền thờ này được Đức Sixtô Israel (436 – 440) tái thiết. Ngài đặt tên là đền thờ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn là để ghi nhớ công đồng Ephêsô (431) biến cố dẫn tới tín điều Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa.
Ngoài danh xưng là đền thờ Đức Bà xuống tuyết và đền thờ Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa, ngôi đền này còn mang tên đền thờ Đức Bà Máng cỏ, vì nơi đây lưu giữ máng cỏ Chúa Giêsu sinh ra. Máng cỏ được đặt trong một cái hộp bằng bạc. Vào ngày lễ Giáng sinh, máng cỏ được đưa ra cho mọi người kính viếng.
Ngày nay, người ta thường gọi là đền thờ Đức Bà cả. Danh hiệu nầy nhắc nhớ thứ bậc của đền thờ này trong các các thánh đường dâng kính Đức Maria tại kinh thành muôn thuở. Đối với Giám mục Roma, đây cũng chính là nhà thờ chính tòa thứ hai.
Nhiều đền thờ trong số những đền thờ này đều ghi nhớ một giai thoại đạo đức như một ảnh lạ, vài ơn phúc đặc biệt mà tình yêu của Đức Trinh nữ đã thực hiện. Các tín hữu đến đây cầu nguyện để bày tỏ niềm cậy trông chân thành với Thiên Chúa và Đức Trinh nữ Maria.
Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: “Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu đã chỉnh lại : “Đúng ra phải nói : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Trả lời như vậy Chúa Giêsu đã hướng những người nghe vào điều trọng tâm của việc nghe Người giảng đó là : phải đón nhận lời của Thiên Chúa và đem ra thực hành, chứ không chỉ coi những lời Người chỉ là những lời nói hay và thích thú theo kiểu thế gian. Chính thái độ lắng nghe như thế mới đem lại hạnh phúc cho mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
Chúa Giêsu không phủ nhận sự nâng niu, nuôi dưỡng của Mẹ Ngài và còn gián tiếp ca ngợi Đức Maria nữa vì Mẹ nghe lời và tuân giữ lời Chúa hơn ai hết. Câu trả lời của Chúa Giêsu còn nhắc nhở cho những người đang nghe Chúa nói và cho mỗi người chúng ta hôm nay, khi nghe lời Chúa, chúng ta có để cho lời Chúa vào tâm hồn mình rồi đem ra thực hành không hay chỉ nghe lời Chúa như lời người bình thường, chỉ thấy đó như là những lời hay ý đẹp của người phàm, chỉ thấy đó làm điều thích thú.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh.
Tin mừng hôm nay Chúa tiếp tục dùng “liệu pháp sốc” để mọi người ý thức về sự cao cả của người biết lắng nghe và thực hành lời Chúa như mẹ của Ngài. Chắc chắn Chúa không bao giờ hạ giá mẹ Ngài, vì hơn ai hết Chúa biết rõ Mẹ là người hằng lắng nghe và thực hành lời Chúa hơn ai hết.
Lắng nghe bài Tin mừng hôm nay, bạn và tôi có thể bị sốc trước lời của Chúa, nhưng Chúa muốn vậy để lay tỉnh tâm hồn ta. Chúa muốn ta suy gẫm về cuộc đời của Mẹ Ngài – một con người luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa và trở thành người có phúc nhất trần gian! Bạn và tôi cũng lại có cơ hội trong thánh Mân côi này suy gẫm cuộc đời của Mẹ gắn với cuộc đời của Chúa qua những mầu nhiệm được suy niệm trong kinh Mân Côi. Ước gì chúng ta luôn biết noi gương Mẹ trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa để chúng ta cũng được hưởng lời chúc phúc của Chúa như Mẹ: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
2020
Chúa có cách của Chúa
Ngày 4 tháng Tám Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục
Ez 3, 16-21; Mt 9, 35 – 10, 1
CHÚA CÓ CÁCH CỦA CHÚA
Linh mục Gioan Vanney sinh tại Dardilly, gần Lyon, Nước Pháp năm 1786, là con thứ ba trong 6 người con. Cha mẹ ngài đạo đức, thương người, không ngại lén đi lễ ở nơi xa, giữa thời kỳ cấm cách và phá đạo năng nề tại nước Pháp. Gioan được rước lễ lần đầu năm 13 tuổi, và cho tới khi chịu thêm sức, ngài phải chứng kiến cảnh cử hành Thánh lễ, dạy giáo lý đầy can đảm của các linh mục trước bất cứ đe dọa nào từ chính quyền. Chính từ đó phát sinh ơn gọi linh mục của Gioan.
Năm 1802, lúc 20 tuổi, Gioan Vianney mới bắt đầu việc học chuẩn bị vào chủng viện, dưới trướng của cha Balley. Dù Gioan chỉ thông minh ở mức bình thường, nhưng các thầy dạy anh không bao giờ nghi ngờ về ơn gọi linh mục của anh. Anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc học Latinh. Bạn học của anh, sau này làm Giám mục Dubuque, giúp anh cách riêng trong việc học Latinh.
Chiến tranh Pháp – Tây Ban Nha nổ ra, Gioan Vianney phải ngưng học, và được gọi nhập ngũ. Nhưng buổi sáng lên đường nhập ngũ, vì Gioan Vianney đến nhà thờ cầu nguyện, nên đến trễ, và các tân binh đã lên đường. Sau đó người dẫn đường cho cậu tới trại lính lại dẫn lầm lên nơi làng hẻo lánh có những người trốn lính tập trung. Cậu phải lưu lại đó, lấy tên giả, làm giáo viên dạy trẻ nghèo. Sau này nhờ em cậu đi lính thay, cậu mới được thoát khỏi cảnh trốn lánh và trở lại với việc học.
Năm 1812, gia nhập chủng viện, với tuổi 30, cậu buộc phải học triết học bằng tiếng Pháp, thay vì Latinh. Có lần thi trượt, cậu lại phải thi lại và may là qua được kỳ thi thành công. Ba năm sau, cậu được thụ phong linh mục.
Một con người được ơn thấu thị (vision) để nắm chắc ơn gọi của mình thì thắng vượt các trở ngại và hoàn thành được những việc xem ra là không thể làm được. Thánh Gioan Baotixita Vianney (còn được gọi là cha sở họ Ars) là một người có có ơn “thấy và thấu hiểu” này: Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng ngài phải vượt thắng được nền học vấn trường lớp nghèo nàn không chuẩn bị thích đáng cho ngài tiếp thu các môn học của chủng viện.
Việc ngài không hiểu được tiếng Latinh buộc ngài phải gián đoạn việc học tại chủng viện. Nhưng ơn thấu thị về ơn gọi linh mục của ngài thúc đẩy ngài tìm kiếm sự dạy kèm riêng tư, cách riêng là của cha Balley, người đã dạy dỗ ngài xưa kia. Sau một cuộc chiến đấu dài với các sách vở, Gioan đã được thụ phong linh mục.
Các hoàn cảnh đòi hỏi những hành vi “ngoài sức tưởng tượng” đi theo ngài ở khắp nơi. Trong tư cách mục tử xứ Ars, một giáo xứ hẻo lánh, chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp, lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy ải các linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu của họ. Sự thấu thị về ơn gọi linh mục của ngài dẫn ngài đến những việc ăn chay nhiệm nhặt và những đêm ngủ ít. (Có những thứ quỷ chỉ có thể đuổi đi nhờ cầu nguyện và chay tịnh.)
Không bao lâu họ thấy có những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều tham dự Thánh lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cày cấy nơi đồng áng.
Và rồi hôm nay trong ngày mừng lễ Thánh Gioan M. Vianney ta thấy trang Tin Mừng hôm nay ghi : “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Chính sự ra đi mà Chúa Giêsu đã thấy được một bức tranh tổng thể của cuộc sống, vì thế Ngài đã thao thức thốt lên: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Thật thế, trong suốt hành trình rao giảng, trên những nẻo đường, nơi đâu Ngài cũng thấy được những con người lầm than vất vưởng, họ không tìm thấy được mục đích của cuộc sống, không tìm thấy được một nơi để nương tựa, một chân lý để sống. Chúa đã chạnh lòng trước đám đông, và thôi thúc Ngài một chương trình mục vụ: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Ta thấy chính Chúa đã đốt lên trong lòng nhóm mười hai ngọn lửa hy vọng, để các ông trở thành đôi tay và trái tim của Chúa, mang lửa tình yêu và hy vọng đến các hang cùng ngõ hẻm. Mảng đen của bức tranh cuộc sống đã được tô sáng lên bởi những tông đồ nhiệt thành. Nơi mảng tối của Calcutta giờ đã có mẹ Têrêsa, nơi kia thì có nhà Dòng nọ, nơi khác thì có cộng đoàn giáo xứ . . . Tất cả đều chung một lời mời gọi của Chúa Giêsu, xóa đi mảng đen của cuộc sống.
Ta thấy Chúa Giêsu đã đến trền gian hơn hai ngàn năm, những mảng đen tối vẫn còn đó, điều này không có nghĩa Ngài bất lực trước nhân loại, không có nghĩa là Ngài kém toàn năng. Nhưng Ngài đang hướng đến nhân loại một niềm hy vọng phổ quát. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa tạo dựng con người Ngài không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người Ngài cần con người”.
Chính vì lẽ đó con người cần được thanh luyện và dạy dỗ như lời loan báo của tiên tri Isaia: “Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng, nhưng Đấng dạy dỗ người sẽ không lìa bỏ ngươi, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi”. Kitô hữu phải kỳ vọng vào Thiên Chúa tình thương, để được Ngài sửa dạy trước khi có trái tim và đôi tay như Ngài. Ngài sẽ thức tỉnh lương tâm con người, phải làm gì cho vũ trụ, cho môi trường, để hạt giống được nẩy mầm, đất đai sinh lương thực béo tốt, gia sức có cỏ non, biển xanh có cá, khe núi có mạch nước mát trong lành, cho những người anh em đau khổ.
Tất cả những điều này chỉ có thể làm được khi con người biết quay trở về với Thiên Chúa, và như thế nhân loại sẽ bước vào mùa hy vọng phổ quát trong niềm vui và bình an, chứ không phải trong sự đau thương và hoảng loạn.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để mỗi người quay về với Chúa và nhất là nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa để đi tìm. Ta cũng hãy nhìn lên gương của Cha Thánh Gioan Vanney hôm nay chúng ta mừng Lễ cho chúng ta biết hăng say đi tìm và cứu các linh hồn như Ngài. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các Cha Sở vì hôm nay là ngày mừng bổn mạng của các Ngài.