2020
Sửa lỗi nhau
Ngày 12 tháng Tám
Thánh Gioana Phanxica Chantal, nữ tu
Cn 31, 10-13. 19-20. 30-31; Mt 18, 15-20
SỬA LỖI NHAU
Thánh nữ Francoise (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414.
Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Francoise sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ.
Dù rất tất bật trong gia đình, Francoise cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chít đời sống của Bà.
Khi chồng qua đời, Francoise bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các Người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđictô, trong nhà Tor de’ Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái.
Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Francoise sống rất mật thiết với Thiên Thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà: “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô.”
Được phong thánh vào năm 1608, Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà goá và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên Thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.
Trở về với Tin Mừng hôm nay. Chương 18 Tin Mừng Mátthêu gồm những giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của người môn đệ trong cộng đoàn. Ở đây chúng ta đọc thấy điểm căn bản cho giáo lý về Giáo Hội như một sự hiệp thông, một cộng đoàn, một thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”. Ðây là yếu tố quyết định cho lời cầu xin của chúng ta, vì chính Chúa Giêsu mới là Ðấng làm cho lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời.
Một điểm nữa được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đó là thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, có thể lỗi phạm.
Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn.
Lời Chúa cho ta phương thức về cách sửa lỗi anh em mình. Sửa lỗi cho người khác quả là điều không dễ, vì, hoặc ta viện lý “tôi là ai mà dám làm điều đó ?”, hoặc thái độ lạnh cảm “đâu can gì đến tôi”, hoặc sợ “làm ơn mắc oán”, hoặc lên mặt sửa lỗi một cách quá đáng để rồi nhấn chìm người anh em của mình!
Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, những người theo Ngài, phải và biết sửa lỗi cho anh em của mình khi biết họ đang đi lạc hướng. Nhưng phải sửa như thế nào ? Quả là một vấn đề !
“Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi”. (18, 15) Đây là phương thức đầu tiên mà Chúa Giêsu dạy. Khi sửa lỗi cho anh em, ta phải có tâm tình đơn sơ, nhẹ nhàng, tế nhị và phải tâm niệm rằng : “nhân vô thập toàn”. Trước tiên hãy nói chuyện với người anh em của mình như một người bạn. Không gì dễ nghe hơn là những lời tâm sự nhẹ nhàng, tế nhị và đầy tôn trọng.
Đó cũng là điều dễ hiểu thôi, vì con người có lòng tự ái và thích được cảm thông, tôn trọng, hơn là phải lắng nghe những lời chỉ trích cay cú. Nếu không tế nhị trong chuyện này, thay vì mang một người tội lỗi trở lại với cộng đoàn, ta lại vô tình đánh mất người anh em của mình trong giây lát. Thiết nghĩ trong việc này cần có cả một nghệ thuật lẫn một tình yêu cao thượng!
Nếu không có tấm lòng yêu thương, chúng ta khó mà làm được bất cứ điều gì, huống chi khi chúng ta muốn đưa người anh em của mình trở về với yêu thương và sống trong sự thật. Thánh giáo phụ Augustinô khuyên dạy: “Hãy yêu và làm những gì bạn muốn ; nếu bạn thinh lặng, hãy thinh lặng vì yêu ; nếu bạn nói, hãy nói vì yêu ; nếu bạn sửa lỗi, hãy sửa lỗi vì yêu ; nếu bạn tha thứ, hãy tha thứ vì yêu ; hãy nắm giữ trong sâu thẳm con tim bạn gốc rễ của tình yêu … “.
Chúa Giêsu giới thiệu một phương pháp sửa lỗi anh em. Sai lỗi là điều không thể tránh trong cuộc sống hàng ngày (có “chung” thì phải “đụng”!), giữa những người vốn thân thiết như vợ chồng, anh em, huống gì trong tập thể rộng lớn hơn như hàng xóm láng giềng, cộng đoàn xứ đạo. Có sai thì phải sửa. Thông thường ai cũng ngại sửa lỗi người khác, vì chính mình cũng sai lỗi lúc này lúc khác. Chúa Giêsu giới thiệu ba bước sửa lỗi nhau: bằng cá nhân giữa ta với người ấy; nếu không được, thì nhờ đến người thứ ba để phân giải; nếu vẫn không ổn, thì mới đưa ra cộng đoàn. Trong mọi bước, luôn luôn biết tôn trọng người anh em và với tình bác ái. Thiết tưởng chỉ có người cố chấp mới không nhìn thấy thiện chí của người hết lòng muốn cho mình nên tốt hơn.
Trong cộng đoàn các tín hữu, mọi người đều được liên kết vào các quy tắc chung và mọi người phải cảm thấy mình có trách nhiệm về việc không được để một ai bị hư mất. Khởi đi từ mối quan tâm huynh đệ này, là một hình thái cốt yếu của tình yêu đối với người thân cận tùy thuộc ý muốn của Thiên Chúa, có thể là cần phải nhắc đến đòi buộc quan tâm đến một người anh em lầm lạc và mời người ấy hoán cải.
Vâng, tình yêu là cội nguồn, là chìa khóa của tất cả và có thể chắp cánh cho những thứ khác vươn xa!
2020
Đơn sơ nhỏ bé
11, 8Thứ Ba tuần XIX Thường niên
Ngày 11 tháng Tám
Thánh Clara, trinh nữ
Pl 3, 8-14; Mt 18, 1-5. 10. 12-14
ĐƠN SƠ NHỎ BÉ
Thánh nữ Clara qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253 tại Saint-Damien và được Đức giáo hoàng Alexandre IV phong thánh hai năm sau. Ngày lễ thánh nữ đưa ta lên tới cội nguồn dòng Phan sinh và giúp ta hiểu được lý tưởng của Poverello (Anh Nghèo, thánh Phanxicô) mà thánh nữ đã thể hiện một cách tuyệt diệu. Chính thánh nữ thường cũng đã tự gọi mình là “cây bé nhỏ do Phanxicô trồng” .
Clara sinh tại Assise khoảng năm 1193, con gái hiệp sĩ Favarone và phu nhân Ortolana. Hồi còn là thiếu nữ, Clara đã gặp gỡ cha linh hồn nhiều lần. Năm 1208 Phanxicô trở lại và trở thành “người điên có lời nói rực lửa và những việc làm siêu nhân”. Đêm lễ lá năm 1212, sau khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa và nhận cành lá từ tay Đức giám mục, cùng với người em họ là Philippa, Clara trốn khỏi nhà, đến với thánh Phanxicô tại Sainte Marie-des-Anges, ngôi nhà thờ bé nhỏ thánh nhân vừa sửa chữa lại. Chính tại đây Poverello cắt tóc cho Clara, đội cho một chiếc lúp và mặc một cái áo vải thô để đánh dấu việc trút bỏ trần gian và tận hiến cho Đức Kitô. Thánh Phanxicô tìm cho Clara một chỗ tạm lánh thân, trước hết là ở nhà dòng các bà Biển Đức.
Tại đây em gái của Clara là Agnes cũng đến theo chị. Sau nhà dòng các bà Biển Đức là một căn nhà cũ gần nhà thờ Saint-Damien cạnh cổng thành Assise. Đây là nơi khai sinh Dòng các nữ tu nghèo hay nữ tu Clara, cũng còn gọi là Dòng Hai Phan sinh. Trong bốn mươi ba năm tu dòng ở Saint-Damien, trong đó hai mươi chín năm bệnh tật đau đớn, Clara đã thực hiện trọn vẹn ơn gọi theo lý tưởng thánh Phanxicô qui định thành một “công thức sống” do Poverello thành Assise và được Đức Giáo Hoàng Innocent IV phê chuẩn. Ngày 5 tháng 10 năm 1226, tại Saint-Damien, Clara chào từ biệt lần cuối thi hài thánh Phanxicô. Trước đó Poverello lúc ấy đã rất đau yếu đã được đón về và săn sóc ở một căn lều dành riêng trong khu vườn nhà dòng suốt mùa thu năm trước.
Nơi thánh Clara, lòng bác ái đó cũng trở thành tình thắm thiết như thấy trong lời chúc của thánh nữ: “chị Clara, môn đệ của Chúa Kitô, là cây nhỏ do thánh Phanxicô trồng, người chị, cùng là mẹ của em cũng như của các chị em nữ tu nghèo khác mặc dầu chị bất xứng … chị chúc lành cho em khi còn sống cũng như sau khi chị qua đời hết sức có thể và cả hơn sức có thể”. Tương tự như thế, những lời Bà nói với linh hồn mình lúc gần chết chứng tỏ sự thắm thiết đó: “Hãy yên tâm tiến bước, vì em đã đi đúng đường tin tưởng mà bước tới, bởi vì Chúa tạo hóa đã thánh hiến em, gìn giữ em không ngơi, đã yêu thương em với tất cả sự dịu dàng của một bà mẹ đối với con mình. Ôi lạy Chúa, con ca ngợi Chúa vì Ngài đã dựng nên con!”
Suốt ba năm đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ cũng có cao vọng muốn được trở thành người lớn nhất trong Nước Trời nên đã đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”.Hiểu được tâm tư ấy, Chúa Giêsu liền dạy các ông một bài học thật ý nghĩa đó là “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất cụ thể đó là trở nên khiêm tốn đơn sơ như trẻ thơ. Khiêm tốn là một đức tính cao quý của con người. Người người có tâm hồn trẻ thơ thì tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa,khiêm tốn không cậy dựa sức riêng nhưng biết nhìn nhận những giới hạn của mình.
Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc hay hình thức bên ngoài nhưng dựa vào thái độ chúng ta đối xử với mọi người. Chúng ta không sống như một ốc đảo nhưng là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ nên Thiên Chúa không thể ban thêm điều gì, trái lại người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt yêu thích người có tâm hồn khiêm tốn. Chúa sẽ không mạc khải cho những bậc khôn ngoan thông thái biết về mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đón nhận người khác như đón nhận chính Chúa, vì “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20).
Vì thế mỗi người chúng ta cũng đừng tự mãn cho mình là người có đầy đủ mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Trái lại chúng ta là một thụ tạo với đầy khuyết điểm và tính hư nết xấu. Mang trong mình di chứng của tội nguyên tổ, chúng ta luôn bị cám dỗ chiều theo sự xấu. Nhận ra điều này để chúng ta biết cậy nhờ vào ơn Chúa giúp mà hoàn thiện chính mình.
Và để minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ về người chủ chăn đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc. Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi.
Ai khiêm tốn nhận mình là yếu hèn tội lỗi thì Thiên Chúa càng ban ơn giúp sức. Thánh Phaolô tông đồ có nhiều kinh nghiệm về điều này, thánh nhân đã khiêm tốn nhận mình là tôi tớ yếu đuối chẳng có gì để vênh vang.Chúng ta có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa. Còn thánh Augustinô thì xác quyết: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau, chính sự khác biệt đó càng diễn tả quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.Hình dáng bên ngoài của một người dù đẹp hay xấu, cao hay thấp, trắng hay đen…đối với Chúa không có gì là xấu.Điều quan trọng nằm ở tâm hồn và thái độ sống của mỗi người. Dù nhỏ bé xấu xí nghèo hèn đến đâu, con người đều có phẩm giá và nhân vị vì họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhận biết được điều này, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ. Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: “Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta được chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa.
2020
Như hạt lúa mì
10.8 Thứ Hai tuần XIX Thường niên Thánh Laurensô, phó tế, tử đạo
2Cr 9, 6-10, Ga 12, 24-26
NHƯ HẠT LÚA MÌ
Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550).
Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài : Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.
Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa : “Đây là tài sản của Giáo hội !”.
Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình : “Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông”. Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa : “Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi”. Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài : “đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô”.
Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc … quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.
Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.
Tin Mừng hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Lôrensô vì tình yêu Chúa.
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó trương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải trương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng.
Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Ngài. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn đông đảo được hưởng ơn cứu độ.
Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu bung vẩy trày xước vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới, như thánh Phaolô nói : “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào (2Cr 9,10).
“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Chúa Giêsu quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”.
Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ – “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Chúa Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng ta cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.
2020
Để Thầy lo hết
Ngày 8 tháng Tám Thánh Đaminh, linh mục
1Cr 2, 1-10a; Lc 9, 57-62
ĐỂ THẦY LO HẾT
Thánh Đaminh sinh tại Calaruega miền Castilien, nước Tây Ban Nha khoảng năm 1172-1173. Sau khi học triết và Thần học , ngài trở thành Kinh sĩ ở Osma. Thời trai trẻ Ngài đã yêu sự khó nghèo cũng như người nghèo, thích cầu nguyện và ham học, hai lần phải dọc ngang Châu Âu đã giúp Ngài mở rộng tầm mắt và quyết định cuộc đời tương lai của mình. Trước nhất, Ngài nhìn thấy và bắt đầu hiểu sự nguy hiểm của nhiều lạc thuyết đang đe dọa Hội Thánh.
Cùng với người bạn tên là Didacus thành Acebedo, ngài bắt đầu đi rao giảng, giúp cải hối những người theo rối Albigeois. Khi Didacus qua đời, ngài lãnh đạo cơ quan truyền giáo do Didacus lập ở Toulouse miền nam nước Pháp . Ngài cùng với anh em giảng thuyết thực tập xám hối, đi chân không, tổ chức nhều buổi đối thoại kéo dài ngày. Thế nhưng thất bại, nhóm Albigois cùng nhóm Catare đã không chấp nhận lý luận, họ đòi canh tân Hội Thánh và ly khai, thế là Đức Innocence III đã quyết định dung binh lực để truy lùng lạc giáo. Cuộc chiến tiêu diệt bè Albigeois kéo dài từ 1208 đến 1213 gây biết bao tang tóc cho cả miền nam nước Pháp.
Năm 1215 Đaminh sang Rôma để xin công nhận dòng Giảng Thuyết do ngài thành lập, mục đích là với lời rao giảng và mẫu gương đời sống khó nghèo, tập thể theo tu luật thánh Âu Tinh có thể cải hối những người theo bè rối. Đức Thánh cha Honorius III đã châu phê luật dòng ngày 22.10.1216. từ đó dòng trở thành một sức lực canh tân mạnh mẽ trong Hội Thánh. Thánh Đaminh qua đời tại Bologna ngày 6.8.1221. Ngày 3. 7. 1231 Ngài được Đức Thánh Cha Gregonio IX, bạn than của thánh nhân, tuyên phong ngài lên hàng hiển thánh.
Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
Khi Đức Giêsu mời gọi người khác theo, thì anh do dự mặc cả lần khất với Thầy: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59b). Anh cũng muốn theo Thầy nhưng còn đang “khó” cái bổn phận làm con cha mẹ ở nhà. Chắc anh quên rằng “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”!!! Nghĩa là phải “lấy Đức Chúa Trời làm hơn của cải, hơn cha mẹ, hơn mình cùng thà chết chẳng thà mất lòng Đức Chúa Trời.” (Chúng con học từ ngày xửa ngày xưa). Không được đặt bổn phận đối với con người lên trên bổn phận đối với Thiên Chúa. Phải đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên hết ý hướng của con người, dù là tình cha mẹ, máu mủ ruột thịt. Thầy đã từng dạy: “Tiên vàn, các con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác, Ngài sẽ quan phòng lo liệu cho các con sau” (Mt 6, 32). Nên Thầy bảo anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9, 60b).
Ngày nay nếu chúng ta sống gắn bó với tình Thầy, Thầy là lý tưởng sống mà chúng ta đã lựa chọn. Trong Thầy tự nhiên mọi sự đều trở thành thứ yếu đối với chúng con. Nhờ sức sống nơi Thầy luân chuyển, con tim của chúng tan sẽ được thanh lọc đổi máu, chúng ta sẽ hăng hái hân hoan theo Thầy mỗi ngày cho đến cùng đời, còn gia tài, nhà cửa, anh em… đã có Thầy lo hết.