Đừng sợ !
Ngày 7 tháng Tám Thánh Xystô II, giáo hoàng, và các bạn, tử đạo
Kn 3, 1-9; Mt 10, 28-33
ĐỪNG SỢ
Thánh Gaetanô (Cajetan) là một trong những khuôn mặt lớn đặt nền tảng cho cuộc canh tân Giáo hội tại Ý vào thế kỷ 16. Ngài sinh năm 1480 tại Vicenza, trong một gia đình giầu có và quí phái. Năm 1504, Ngài đậu bằng tiến sĩ luật và giáo luật tại Padua và năm 1508 tham phần vào việc điều khiển Giáo hội tại Roma. Đức Juliô rất quí chuộng Ngài và có lẽ Ngài đã được Đức Giáo hoàng này cử đi thương thuyết với vương quốc Venice, thời kỳ ký hiệp ước Cambray và thời kỳ hậu chiến 1509 -1516.
Có thể những hoàn cảnh này đã gợi lên trong Gaetanô lần đầu tiên ước muốn chấn hưng đạo đức thật sự. Năm 1516 Ngài nhập dòng tình yêu Thiên Chúa ở Roma, một tu hội tìm bảo đảm đời sống thiêng liêng của hội viên bằng kinh nguyện, việc năng lãnh nhận bí tích và thực hiện các công cuộc từ thiện tại các nhà thương, cô nhi viện, trại cải huấn… Ngài thụ phong linh mục ngày 30 tháng 9 năm 1516. Ngài dâng lễ mở tay mấy tháng sau đó và bắt dầu dâng lễ hàng ngày, một thực hành bất thường vào thời đó. Do một người bạn từ Brescia tên là Bartolômeô Stella, Ngài chịu ảnh hưởng của nữ tu Laura Mignani, trong dòng Augustinô. Ngài thường xuyên liên lạc thư từ với chị, nhưng có lẽ không bao giờ gặp mặt chị.
Năm 1517, Ngài trở về Vicenza, nuôi bệnh mẹ lần cuối. Tại đây Ngài chọn cha Fra Batttista Carieni da Grema, một cha dòng Daminh nổi tiếng làm cha giải tội, từ đây Ngài hiến trọn đời phục vụ Thiên Chúa. Sau khi dàn xếp xong câu chuyện và từ bỏ sự tiến cử trong Giáo hội, Ngài hiến 6 năm tiếp làm việc thiêng liêng và bác ái trong các cộng đoàn ở Vicenza, Verona và Venice. Nơi đây, Ngài truyền bá việc rước lễ thường xuyên, lòng tôn sùng Thánh thể, đời sống cầu nguyện hãm mình. Ngài trở thành người hướng dẫn tinh thần và gương mẫu thúc đẩy thánh Hiêrônimô Emilimô lập dòng Somaco.
Dầu vậy năm 1523, khi trở về Roma và dưới sự hứơng dẫn của cha Fra Battista, cha Gaeta gặp các bạn và lập một dòng mới vào năm 1524. Nhân vật chính trong số các bạn của Ngài là Pietro Carafa, sau này sẽ là Đức Phaolô IV. Hai người tính tự nhiên khác hẳn nhau, nhưng lại hợp nhất trong một nhiệt tình muốn canh tân Giáo hội, nhất là ở Roma. Bề trên tiên khởi của dòng là Pietro Crafa, lúc ấy đang làm Tổng giám mục Chicti. Bởi đấy dòng được gọi là Theatinus. Dầu là các linh mục triều, sống thành cộng đoàn và dấn thân làm việc mục vụ. Các hội viên vẫn giữ lời khấn nghèo khó, vâng lời và trong sạch. Từ chối sở hữu mọi của cải, họ không đi ăn xin và chỉ sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Đây là một cuộc mạo hiểm chống lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ thời đó và tìm tái lập nét đẹp tinh thần của chức linh mục.
Cộng đoàn ở Rôma nhỏ bé nhưng đã trở nên trung tâm đạo đức, bác ái và nghiên cứu Phụng vụ. (Năm 1527 bị xâm chiếm. Nhà dòng phải trốn về Venice. Các hội viên nhất là chính cha Gaetanô bị người Tây Ban Nha hành hạ dã man. Mãi tới năm 1555, khi đức Hồng y Carafa lên làm giáo hoàng và cha Gaetanô đã chết nhà dòng mới trở lại Roma)
Cha Gaetanô là bề trên thứ hai của nhà dòng. Linh đạo của cha đã in nét tối hậu tạo thành nếp sống của dòng. Linh đạo này hoà hợp đời mục vụ với đời sống chiêm niệm. Trong khi Đức cha càng ngày càng tích cực với các hoạt động công khai thì cha Gaetanô không ngừng lui vào đời sống ẩn dật. Sự khiêm nhường rất mực của cha Gaetanô trở nên như huyền thoại. Ngài để lại một ít thư từ và không có một tác phẩm nào.
Dầu vậy, Ngài đã đạt tới đỉnh cao thánh thiện và được kính nể nnhư một bậc thánh nhân ngay khi còn sống. Cầu nguyện và rao giảng không biết mệt, tôn sùng Thánh Thể và sống đời nhiệm nhặt, không ngừng làm việc bác ái tông đồ, tất cả những đặc điểm ấy của Ngài ghi dấu vào cuộc canh tân tinh thần của Giáo hội. Ngoài ra, Ngài rất tinh tế trong việc phụng vụ. Nhiều chuyện còn kể các phép lạ Ngài làm khi còn sống. Trong một lá thứ gởi cho chị Mignami, chính Ngài đã kể lại việc Đức Mẹ trao cho Ngài săn sóc Chúa Hài Đồng.
Trên giường bệnh Ngài nói rằng mình phải chịu mọi cực hình thánh giá. Thánh Gaetanô qua đời tại Naples năm 1547, được phong chân phước năm 1629 và năm 1691 Đức Innocentê XII tuyên phong hiển thánh.
“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần. Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10). Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27). Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7). Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36). Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10). Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh. Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng, không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời. Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà, điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27). Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận. Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy, vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28). Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ. Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình, khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.
Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu. Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ. “Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29). Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30). Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18). Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì. Nhưng là biết sợ ai. “Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?” Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40). Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ, để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.