Hiền lành và khiêm nhường
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Camêlô được coi như ngọn núi thánh. Hơn 700 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, Elia đã lên núi này để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại, cũng như đã đào tạo những tâm hồn trung thành với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu ra đời, nhiệt tình của Elia như vẫn còn cháy trong lòng các người khắc kỷ (Esseniô). Người ta nói rằng ngày lễ hiện xuống, những người này nhờ lời rao giảng và phép rửa của thánh Gioan Tẩy giả đã hợp lực với các tông đồ để truyền bá Tin Mừng.
Camêlô khi ấy vẫn còn là nơi tụ họp những tâm hồn muốn hiến thân cho Thiên Chúa. Camêlô lại chỉ cách Nazareth chừng một ngày đường, nên những người họp thành cộng đoàn ở núi này hướng về Mẹ Maria như mẫu gương sống và như nguồn ơn phù trợ. Thời thập tự quân, Camêlô là nơi đón tiếp nhiều vị ẩn tu. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ XII, Đức Thượng phụ Giáo chủ Albertô thành Giêrusalem đã qui tụ tất cả thành một nhà dòng, ban hành cho họ một qui luật được Đức giáo hoàng chuẩn y năm 1226. Cũng năm ấy, Đức Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể trong dòng lễ Đức Bà Camêlô.
Khi lên làm bề trên nhà dòng, thánh Simon Stock đã tha thiết xin Đức Mẹ một dấu chỉ tỏ lòng săn sóc ưu ái của Mẹ đối với nhà dòng. Sau nhiều lời cầu nguyện lâu dài, ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra trao cho thánh nhân bộ áo dòng mà nói:
“Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời dời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”.
Trước khi cử chỉ ưu ái này, không biết bao nhiêu người mọi thời đã xin lãnh “áo Đức bà” để được sống dưới sự chở che của Đức Mẹ. Người ta hướng về Đức Mẹ núi Camêlô như hướng về nguồn ơn phúc để tạ ơn. Vì thế lễ mừng Đức Trinh Nữ Maria núi Camêlô ngày càng lan rộng tới các nước có vua công giáo ngày 21 tháng 11 năm 1674 và năm sau tới các nước vương quốc Áo, Bồ Đào Nha mừng từ năm 1679, các nước thuộc quyền Đức giáo hoàng mừng năm 1725.
Đức giáo hoàng Bênêdictô XIII phổ biến lễ này trong toàn Giáo hội do sắc lệnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1726. Ngày 15 tháng 5 năm 1892, Đức giáo hoàng Lêo XIII đã ban đặc ân “Portiuncula” (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này.
Trở về với Tin Mừng, ta thấy nNhững kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái.
“Tất cả những ai đang vất vả làm việc và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Đây là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, vì không ai có thể tránh được đau khổ: phần hồn cũng như phần xác. Khi con người làm việc mệt nhọc, con người cần được nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe; Chúa Giêsu hứa sẽ cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe cho con người. Những điều Chúa Giêsu giúp chúng ta là BT Giao Hòa và Thánh Thể, Lời Chúa, và các ơn lành hồn xác. Ngài đã mang lấy các bệnh tật của con người và chữa lành mọi vết thương hồn xác.
Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài.
Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Bài học hiền hậu: Đây là mối phúc thứ hai trong Bát Phúc, chỉ sau bài học khó nghèo. Nếu con người muốn có sự bình an thực sự trong tâm hồn, họ phải học cho được bài học hiền hậu này. Theo gương Đức Kitô, người hiền hậu không dễ dàng nóng nảy với tha nhân, ngay cả với kẻ thù. Trong chương 5 của Tin Mừng Matthew, Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ, làm ơn, và cầu nguyện cho những ai ngược đãi mình. Ai cũng biết sự nóng nảy và tức giận gây đau khổ và thiệt hại thế nào cho thân thể; hơn nữa, nếu một trong hai bên không thỏa thuận làm lành, thù hận có thể đưa tới cái chết của một trong hai người, và gây nhiều thiệt hại cho cả hai gia đình.
Bài học khiêm nhường: Có thể nói đa số các đau khổ của con người là hậu quả của tính tự kiêu tự đại, không chịu biết mình. Tục ngữ Việt-nam có câu “trèo cao té đau.” Nếu con người chịu bằng lòng với số phận cứ ở dưới đất, đừng leo lên cây, làm sao có thể té được? Dĩ nhiên Chúa không dạy chúng ta bạc nhược, hay không có tinh thần cầu tiến; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đừng bao giờ theo thời để rồi ganh đua sát ván, người ta sống làm sao mình phải được như vậy hay hơn người. Một cuộc chạy đua như thế sẽ làm chúng ta mệt mỏi và đau khổ xảy ra khi chúng ta không đạt được điều chúng ta mong ước.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Mỗi người tín hữu chúng ta cũng cần ngẫm nhìn Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian, ở giữa loài người chúng ta để làm theo ý Thiên Chúa Cha. Chúng ta ngẫm nhìn Người để biết, hiểu, yêu và noi gương Người. Người: “hiền hậu và khiêm nhường”. nhờ ơn Người, chúng ta được trở nên giống Người; một “Kitô khác”, có đủ nghị lực sống theo ý Người trên những bước đi êm ái, nhẹ nhàng. Đi về trong hạnh phúc của Người.