Yêu như Chúa dạy
4.6.2020 Thứ Năm
Mc 12, 28-34
YÊU NHƯ CHÚA DẠY
Hôm nay, nhà luật sĩ đến hỏi Chúa: “Trong các điều răn, điều nào trọng nhất?” Chúa đáp: “Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi” (Đnl 6, 4-5). Nhưng điều mới mẻ là Chúa đem chắp nối với một câu khác trích ở Sách Lêvi (19, 18), dạy rằng “ngươi không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình”. Chúa đã cách mạng hóa Luật Bác Ái yêu thương.
Xưa nay, trước Chúa Giêsu, chưa ai đặt ngang hàng sự mến Chúa và yêu người. Ngài đã hợp nhất lại thành một lề luật duy nhất và đó là lề luật mới, là đặc điểm của Tin Mừng : mến Chúa và yêu người; yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em. Nhưng Thiên Chúa, Người chỉ có một, là Ðấng duy nhất, còn anh em tôi là ai? Phải chăng chỉ quan niệm như người Do thái? Anh em tôi là người thân, là người đồng bào, là người đồng hương. Anh em tôi, theo quan niệm của Chúa, là tất cả: là người ngoại bang Samaritanô, là người đàn bà ngoại tình, là mụ đàn bà chua ngoa bên bờ giếng Giacóp, là người đất Cananeen, là tất cả mọi người.
Với Tin Mừng hôm nay, nhiều khi chúng ta có tâm trạng ngượng ngịu như ông luật sĩ Do thái. Chúa dạy phải mến yêu Thiên Chúa hết trí khôn, hết linh hồn. Chúng ta dễ dàng nói: Lạy Chúa, con xin vâng. Nhưng “ngươi hãy thương yêu anh chị em ngươi như chính mình ngươi!”
Chúa Giêsu đã tháo gỡ khó khăn đó với lời giải đáp và quy hướng tất cả vào hai giới răn nền tảng quan trọng nhất mà “tất cả luật Mô-sê và các ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào” (Mt 22, 40) là “mến Chúa – yêu người”. Hai giới răn nối kết nhau cách sâu đậm, gói gọn trong hạn từ “tình yêu”. Chúa Giêsu không chỉ dạy nhưng Ngài còn sống trọn vẹn hai giới răn ấy.
Suốt hành trình dương thế, Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong tình yêu qua đời sống cầu nguyện và vâng phục thánh ý Người trong mọi sự: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 26). Với con người, Ngài đã chấp nhận tự hạ để nhận lấy thân phận yếu đuối mọn hèn. Ngài chia sẻ tình yêu qua việc an ủi người đau khổ, chữa lành những ai bệnh tật và nâng dậy kẻ tội nhân. Ngài đã yêu bằng một tình yêu trao hiến đến tận cùng mà đỉnh cao là cái chết đầy tủi nhục trên thập giá. Ngài mời mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Nhưng Luật Bác Ái là điều răn mới, là luật tình thương của Chúa, không còn được xét đi xét lại, xét tới,xét lui… gì nữa: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi và thương yêu anh em như chính mình ngươi”.
Sau này, Chúa Giêsu lại bước thêm một bước nữa, khi Người dạy chúng ta phải yêu mến Chúa và thương yêu anh em như Ngài đã thương yêu (Ga 15, 13-14). Tình yêu ấy không còn chỉ là một việc noi gương Chúa mà là một sự hiệp nhất với Ngài.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ gặp thấy những phiền phức, những thử thách đòi buộc lòng bác ái nhỏ hẹp của chúng ta phải mở rộng thêm ra. Trong các đức tính nhân phẩm của mỗi người, không có hai người giống nhau, đừng vơ đũa cả nắm. Ðời người không phải là một cuốn băng Cassette đã được sang từng sơ-ry giống nhau. Bác ái không có biên giới, nếu có biên giới thì không còn là bác ái nữa.
Chúng ta cần có một con tim rộng mở như Chúa, để có thể yêu thương như Ngài và cùng với Ngài chúng ta thực thi đức bác ái. Ðức ái không nên có hậu ý hay vụ lợi. Sao con trách móc khi người ta phủi ơn con. Công nghiệp của con mất đi sao? Hay là con bắt Chúa cám ơn con: “Ai làm cho người hèn mọn ngất trong các anh em là làm cho chính Ta”.
Chúng ta mến Chúa và yêu người với chính tình yêu của Ngài, tình yêu Ngài tiếp nhận từ Ðức Chúa Cha và thúc đẩy Ngài hy sinh mạng sống. Không phải chỉ yêu mình nơi kẻ khác mà là yêu mến Chúa nơi họ, không phải chỉ hiến bản thân mình là tận hiến tất cả cho Chúa. Ðó là chìa khóa mở cửa vào Nước Trời Tình Yêu.
Ta thấy loài chim nếu không có đôi cánh vỗ đập đồng điệu hài hoà thì không thể bay bổng được; con người nếu không có đôi chân cân đối thì bước đi sẽ lệch lạc khập khiễng. Giới răn “mến Chúa yêu người” mà Chúa dạy chúng ta hôm nay “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” không chỉ vì ngoài chúng ra “không có điều răn nào lớn hơn” mà còn vì chúng giống nhau (Mt 22, 39) đến độ cần có sự hài hoà, đồng điệu và cân đối, không thể mến Chúa nếu không yêu người: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20).
Yêu thương người là như thế, là mất mát, là thiệt thòi, là liên lụy vì anh em mình. Một khía cạnh của yêu thương anh em là cho đi, cho đi bằng việc làm. Việc làm đây hiểu là sự giúp đỡ bằng lời nói can thiệp, bằng đời sống phục vụ tha nhân, bằng sức khỏe, bằng tiền của, bằng thời gian… Thật ra ý muốn tốt mà ta cho dù vô hình khó kiểm chứng được. Cho đi, bằng thái độ có thể bị coi là giả tạo bôi bác. Nhưng cho đi bằng tận tâm giúp đỡ, bằng chấp nhận gian khổ thì thấy rõ và dễ gây kết quả tốt. Và đó là cho người khác thấy được Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu người đang nhìn qua chúng ta để thấy được Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã cách mạng hóa nhân loại bằng tình yêu hết cỡ của Ngài. Ai bằng lòng đi theo Ngài là lập tức bước vào ngay con đường tình yêu trải rộng ấy. Cũng chính nhờ tình yêu mà chúng ta đang sống và đang phục vụ. Cũng chính vì tình yêu mà chúng ta được giao tế và liên hệ với Ngài và anh em của Ngài. Không còn gì thúc đẩy chúng ta hơn tình yêu nữa đâu. Tình yêu của Chúa đồng nghĩa với những hy sinh, từ bỏ, thiệt thòi, can đảm, tha thứ, dâng hiến… tất cả những đức tính đó phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đang nói chuyện với nhau hôm nay đây không ngoài mục đích nào khác là mời nhau nhận ra tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa qua anh em trong giữa mùa chay này.
Yêu Chúa trong Cựu Ước là thờ lạy, là vâng phục Ngài. Trong Tân Ước, thập giới Sinai vẫn còn giá trị. Yêu Chúa là yêu hết linh hồn, là giữ trọn Lời Chúa, là thực thi Lời Chúa và theo Chúa bằng con đường từ bỏ, và không gì dứt lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, cho dù là đau khổ, hoạn nạn, thử thách. Tình yêu mạnh hơn sự chết nữa.
Với mùa Chay ta đang sống, mỗi tín hữu được kêu gọi thể hiện sống động giới luật yêu thương qua ba việc làm đã được Chúa Giêsu chỉ dạy: cầu nguyện, chay tịnh và thực hành bác ái. Qua cầu nguyện, chúng ta thật sự cảm nghiệm được tình yêu Chúa để rồi đáp trả bằng sự quy phục tận hiến với “hết lòng, hết trí khôn và hết sức mình” cùng việc hy sinh từ bỏ ý riêng để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Chính khi con tim chấp nhận từ bỏ mọi thứ để được lấp đầy và nung nấu trong tình yêu chân thật sẽ thôi thúc chúng ta trao ban tình yêu ấy cho tha nhân bằng việc lành phúc đức với những đòi hỏi cao cả nhất, ngay cả với chính mạng sống mình, bởi “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).