Tin vào đời sau
3.6.2020 Thứ Tư
Mc 12, 18-27
TIN VÀO ĐỜI SAU
Trong thân phận làm người, ai cũng phải chết. Nhưng không phải mọi người đều có cái nhìn như nhau về sự kiện này. Có nhiều người tin rằng chết là hết. Nhưng cũng có nhiều người tin đó chỉ là một bước chuyển tiếp cần thiết để đưa người ta vào một cuộc sống mới. Phái Sa-đốc trong Tin Mừng hôm nay đã chủ trương không có sự sống đời sau.
Trước quan điểm của họ, Chúa Giêsu đã khiển trách sự sai lầm đó là do họ đã không tìm hiểu Kinh Thánh và không tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài cho biết, sau khi sống lại, con người sẽ giống như các thiên thần, không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đó là một cuộc sống mới chứ không phải là trở lại cuộc sống trần thế. Chính Chúa Giêsu đã minh chứng lời của Ngài bằng cái chết và sự phục sinh của mình. Đó chính là một bảo chứng chắc chắn cho đức tin của chúng ta.
Trong câu 18, thánh sử giới thiệu về các nhân vật. Đó là nhóm Xađốc và Chúa Giêsu. Thánh sử cũng nói về quan điểm và niềm tin của nhóm này: không tin có sự sống lại. Chúng ta cũng theo dõi cuộc tranh luận gay go này trong câu tiếp theo. Phái Xađốc mở đầu bằng một vấn nạn mà trong luật Môsê cho phép : khi người chồng chết, nếu vợ của anh ta vẫn chưa có con trai, thì người anh hoặc em trai của người chết đó phải cưới bà này để nối dõi tông đường (Dnl 25, 5-10). Luật này khá phổ biến trong thời bấy giờ nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống và đảm bảo việc thụ hưởng tài sản kế thừa: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình” (c.19).
Kế đó, họ giả thử một trường hợp nhà có 7 anh em trai, lần lượt cưới người vợ của người đi trước, rồi tất cả đều chết mà không có mụn con nào và sau đó người phụ nữ ấy cũng chết, thì ở đời sau, bà ta sẽ là vợ của người nào, vì cả 7 anh em đều lấy nàng làm vợ” (c.20-23). Một vấn nạn hy hữu được đặt ra từ cửa miệng của các Xa-đốc với mục đích bôi nhọ và nhạo báng niềm tin vào cuộc sông mai sau của nhóm biệt phái và của Chúa Giêsu.
Trước tình huống này chúng ta thấy giáo thuyết về sự sống lại như lâm vào ngõ cụt. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu giải thích vấn nạn này thế nào:
“Chúa Giêsu nói: Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (c.24). Chúa Giêsu cho họ thấy niềm tin của họ vào Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa chỉ là hình thức, ngoài môi miệng. Vì nếu họ đọc Kinh Thánh, hẳn họ đã thấy các tổ phụ, cha ông họ tin vào sự sống lại.
Ở đây, chính họ xem nhẹ quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa có quyền năng tạo dựng muôn vật, muôn loài từ hư không, bằng chính Lời của Ngài. Vậy bây giờ, Ngài lại không đủ quyền phép để cho con người có cuộc sống vĩnh cửu hay sao? Đến câu 25, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định con người từ cõi chết sống lại sẽ bước vào một đời sống mới, đời sống tinh thần chứ không dựng vợ gả chồng như họ đã sống trong cuộc sống trần gian tạm bợ này. Sự liên kết theo xác thịt không có ở nơi cuộc sống mai sau nữa. Cách thế tồn tại của con người đã được biến thể.
Chúa Giêsu còn dẫn chứng Kinh Thánh qua Sách Xuất hành là cuốn sách mà họ công nhận. Trong chương 3 có nói về bụi gai bốc cháy, nơi Thiên Chúa gặp gỡ Môsê. … để khẳng định niềm tin sai lệch của họ. Thiên Chúa phán với Môsê: “Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”. Theo truyền thống xa xưa, các tổ phụ là những người đối thoại với Thiên Chúa trong khoảnh khắc, khi đó họ bước vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định: Người là Thiên Chủa của kẻ sống, chứ không của kẻ chết (c.27) và Ngài đúc kết bằng một lời cứng cõi, đanh thép: Các ông lầm to!
Chúa Giêsu đã trả lời cho họ về sự sống lại và sự sống đời sau. Sự sống lại và sự sống đời sau không giống như sự sống tự nhiên nơi trần gian này: ai là vợ của ai mà cuộc sống đời sau sẽ giống như cuộc sống của các thiên thần. Người ta từ cõi chết sống lại không còn lấy chồng lấy vợ nữa. Họ hoàn toàn sống một đời sống thiêng liêng, sự sống của chính Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, không mong manh nhất thời chóng qua.
Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn minh chứng cho họ về sự sống lại qua việc Thiên Chúa là Chúa kẻ sống chứ không phải là Chúa kẻ chết. Vì Ngài là sự sống, cội nguồn của sự sống, Đấng làm chủ sự sống và sự chết nên Ngài có quyền trao ban sự sống đời đời ấy cho những ai tin vào Ngài “Thiên Chúa phán: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.
Nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống và là Thiên Chúa hằng sống thì Ngài có quyền trao ban sự sống ấy cho những ai tin vào Ngài. Tuy nhiên, sự sống đời đời ấy đã được ban tặng cho Đức Giêsu và cho những ai tin vào Ngài “Như Ta sống bởi Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta cũng sẽ sống nhờ Ta như vậy”.
Ta thường gặp những đau khổ, những thử thách. Chúng ta không được hạnh phúc trong đời sống gia đình và gặp nhiều những bất hạnh khác. Thường chúng ta hay thất vọng, thậm chí có người tìm đến cái chết để được giải thoát. Hoặc chúng ta vững vàng hơn, nhưng lại có suy nghĩ tiêu cực: “Ráng sống cho hết ngày đoạn tháng!”… Tất cả những điều đó là không đúng đắn. Giây phút hiện tại sẽ là hạnh phúc nếu có Chúa. Đau khổ, thử thách, bất hạnh của chúng ta sẽ được giải gỡ nếu có Chúa.
Ta vẫn tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại trong kinh Tin Kính. Đây quả thực không phải là một công thức sáo rỗng, nhưng chứa đựng một niềm tin lớn lao. Nó như bánh lái cho cuộc đời hiện tại của chúng ta. Vì đức tin không đơn thuần là việc đồng ý với một ý niệm, nhưng là chấp nhận một chân lý, là chấp nhận đặt cược cuộc đời mình cho điều ta tuyên xưng và thiết lập một tương quan yêu thương với Đấng làm nên cuộc đời chúng ta. Đó chính là nhào nặn cuộc đời mình cho được thẩm thấu lòng yêu mến Chúa và lòng yêu thương anh em.