2020
Đừng phản bội như Giuđa
8.4 Thứ Tư
Ga 13, 21-32
ĐỪNG PHẢN BỘI NHƯ GIUĐA
Trang Tin Mừng Ga 13,1-32 mở đầu các diễn từ ly biệt, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết ý nghĩa của cuộc Thương khó sắp tới. Mặc dù biết trước những đau khổ và sự dữ phía trước – đặc biệt là cái chết khổ nhục trên thập giá – Chúa Giêsu vẫn tự nguyện bước vào cuộc Thương khó với tư thế chủ động của một Đấng quyền năng. Vì các môn đệ không biết, không hiểu nên Ngài đã tỏ lộ cho các ông ý nghĩa của cuộc Thương khó qua hành động rửa chân.
Đơn giản là khi làm người ở đời, ai chẳng có lúc xao xuyến. Chúa Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27). Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33). Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27). Trong bữa tối này, Chúa Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21). Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.
Thông qua đó cũng biểu lộ cho các ông tình yêu thương “đến cùng” của Chúa Giêsu dành cho nhân loại nói chung và cách riêng là các môn đệ, bởi biết là mình sẽ phải chết cho những người tội lỗi nhưng Ngài vẫn sẵn sàng và tự do để thi hành thánh ý Chúa Cha là hy sinh mạng sống để chuộc tội cho loài người.
Khi Chúa Giêsu cho biết một người trong nhóm các môn đệ sẽ nộp Người thì các ông lại cũng không biết người này là ai (13, 22-24). Ngay cả khi Chúa Giêsu chỉ ra người đó rồi thì các môn đệ lại rơi vào sự không biết khác – đó là các ông không hiểu lời Chúa Giêsu nói với Giuđa: “anh làm gì thì làm mau đi” (13, 27) và họ còn hiểu sai về lời đó.
Ngay cả khi có sự xuất hiện của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, thì dù có mối tương quan gần gũi với Người, ông vẫn không hiểu tâm trạng của Thầy mình vào lúc này, mà vẫn hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” (13, 25). Cuối cùng, các môn đệ không hiểu phản ứng của Giuđa, người thuật chuyện kể: “Không một ai trong những người đang dùng bữa biết tại sao Người lại nói với ông ấy như thế” (13, 28). Một sự xác định rất rõ là “không một ai trong các môn đệ” hiểu những gì đang xảy ra.
Như vậy, bằng cách dùng kĩ thuật hành văn, người thuật chuyện cho thấy “sự không biết” của các môn đệ cứ tăng dần lên và đó cũng là điều để cho thấy các môn đệ đang rơi vào khủng hoảng. Sự khủng hoảng này còn lặp lại nơi cộng đoàn người tin- đặc biệt là khi cộng đoàn gặp thử thách, khó khăn hay bị bách hại.
Nhìn chung, “sự không biết” của các môn đệ trong đoạn Tin Mừng 13,1 -32 là nhằm làm nổi bật “sự biết” của Chúa Giêsu – đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong văn chương của Tin Mừng Gioan. Sự tương phản này cho thấy đứng trước biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, không dễ gì người ta có thể hiểu được và vì thế xuất hiện sự khủng hoảng.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đi bước trước chuẩn bị cho các môn đệ tâm thế đón nhận biến cố, cũng như giúp họ không ngã lòng khi gặp thử thách gian nan. Ngài đã biết trước hết những khó khăn và ngay cả cái chết đang chờ phía trước, nhưng Ngài vẫn tiến bước một cách tự nguyện và hoàn toàn làm chủ tình thế. Ngay hành động rửa chân – một hình ảnh báo trước cái chết và phục sinh của mình, Chúa Giêsu vẫn thực hiện một cách điềm đạm và hoàn toàn tự do.
Chúa Giêsu “đã yêu thương những kẻ thuộc về mình”, và “người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). Để thể hiện tình yêu ấy, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Hành vi rửa chân làm một cử chỉ quen thuộc bên phương Đông thời đó (St 18, 4; Lc7,44).
Đây là một cử chỉ diễn tả lòng hiếu khách và hành động này thường được làm trước khi người ta ngồi vào bữa ăn. Trong Tin Mừng Gioan, hành động rửa chân của Chúa Giêsu là một hành động bất thường vì ở đây cử chỉ rửa chân được thực hiện khi người ta đã ngồi vào bàn để dùng bữa.
Hành động rửa chân của Chúa Giêsu cũng khác thường vì chỉ có những người thấp kém hoặc nô lệ mới phải rửa chân cho chủ Chúa Giêsu đi ngược lại với điều đó, khiến cho Phêrô cảm thấy lúng túng và khăng khăng phản đối vì ông không thể tin được những gì mình đang thấy (Ga 13, 6.8). Sự xuất hiện đột ngột của Phêrô cùng với những thắc mắc của ông là cơ hội để Chúa Giêsu giải thích hành động rửa chân và mặc khải “giờ đã đến”.
Để diễn tả hành động rửa chân của Chúa Giêsu, tác giả Tin Mừng thứ tư đã dùng ba động từ: “cởi”-“ mặc” áo ngoài (13, 4.12) và “thắt lưng” mình (13, 4), hành động này cũng được dùng để mô tả cái chết của Chúa Giêsu và sự tử đạo của Phêrô. Hành vi này biểu tượng cho những gì Chúa Giêsu sẽ làm cho các môn đệ Ngài qua cái chết của Ngài trên thập giá. Như thế, có sự móc nối giữa việc rửa chân của Chúa Giêsu với cái chết của Ngài trên thập giá và sau đó là việc Ngài sống lại.
Dù yêu như vậy nhưng quá đau đớn và không gì đau đớn cho bằng nỗi đau của người Thầy bị trò từ chối, phản bội, thế mà Chúa Giê su Ngài vẫn bình tĩnh, không nao núng , không bỏ cuộc để rồi Ngài bước vào “bàn tiệc ly” với tất cả tình yêu chân thành dành cho các môn đệ mà Ngài hằng luôn yêu qúy. Tin mừng thuật lại: tâm thần Người xao xuyến, Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13, 21).
Chúng ta thấy Chúa thật tế nhị và tâm lý, Ngài không nói rõ tên nhưng lại làm dấu hiệu qua cử chỉ trao tấm bánh cho Giuđa và bảo: “Anh làm gì thì làm mau đi”. Thế nhưng Giu đa chẳng để ý gì đến nỗi niềm khát khao của Chúa đang chờ đợi sự hoán cải nơi ông. Ông đã chối từ tình yêu Chúa và lợi dụng chức “quản lý” của mình mà cất bước ra đi trong đêm tối. không một ai nghi ngờ, riêng chỉ có Chúa biết. Nhưng Chúa đành để ông ra đi vì Ngài tôn trọng sự tự do và lựa chọn mù quáng của ông
Trong cuộc sống của chúng ta, không nhiều thì ít, chúng ta cũng có những giây phút phản bội nhau một cách ý thức hay vô tình, chưa chung thủy trong bậc sống của mình, hôn nhân hay tu trì. Chúng ta chưa trung thành trong ơn gọi làm con Chúa giữa lòng Giáo hội.
Trang Tin Mừung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào tình yêu Chúa, vì “Tình yêu Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi”, Ngài luôn chờ đợi ta quay bước trở về với Ngài, như người Cha mong chờ con trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15 ,11-32). Ngài hằng sẵn sàng tha thứ cho ta ngay cả khi chúng ta đang phạm tội, chống đối, chối từ hay phản bội Ngài đi nữa. Vấn đề là chúng ta có mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Ngài hay không?
2020
Một Tình Yêu Còn Bị Bội Phản
Thứ Ba Tuần Thánh Mùa Coronavirus
Một Tình Yêu Còn Bị Bội Phản
Thật khó tưởng tượng một người như Đức Giêsu lại có những giờ phút xao xuyến như khi Người đứng trước mồ Ladaro (Ga 11,33), lời báo về kẻ phản bội trong bữa tiệc ly ở đây và lúc cầu nguyện trong vườn dầu (x.Lc 22,44)
Đức Giêsu xao xuyến vì đã thấy viễn cảnh Giuđa sẽ nộp Người, Phêrô sẽ chối Thầy và các môn đệ khác sẽ bỏ trốn (x. Mt 26, 56)
Xao xuyến là sự chao đảo của tâm hồn, là sự rung động mãnh liệt của những cảm xúc trước một điều gì quan trọng sắp xảy ra. Sự điềm tĩnh của Đức Giêsu trước mọi biến cố, nghịch cảnh, mọi nỗi đau của con người không phải vì Người vô cảm. Trái lại, Người cũng có một trái tim như chúng ta, cũng bồi hồi, thổn thức và xót thương, cũng lo lắng, âu sầu và xao xuyến (x.Mt 26,37b)
Mang trong mình một trái tim loài người, Đức Giêsu dùng trái tim ấy để yêu thương các môn đệ, với Giuđa, bằng một tình yêu cao cả diệu vợi của Thiên Chúa. Tâm hồn Đức Giêsu xao xuyến vì không thể làm được gì hơn để thay đổi lòng dạ của Giuđa, giữ ông lại trong tình thương của Người, chứ không phải vì thái độ giận dữ, cay đắng bởi Giuđa phản bội.
Giuđa có tự do và với sự tự do ấy, Giuđa quyết định chọn phản bội thày giữa bữa ăn cuối cùng thắm tình đậm nghĩa. Công bố điều kinh khủng, có một người trong nhóm sẽ nộp mình làm Đức Giêsu cảm thấy tâm thần bị chấn động, xao xuyến, các môn đệ khác ngỡ ngàng và bối rối, nhưng Giuđa thì hiểu.
Dù khéo léo che đậy dã tâm trong vở kịch hoàn hảo, Giuđa không thể dấu được sự nhạy bén tinh tế trong ánh mắt yêu thương của Thầy. Nhưng ông đã phớt lờ sự ưu ái ấy.
Sự bi thảm chính là đây, khi Đức Giêsu không tìm cách cứu mình, mà chỉ muốn cứu Giuđa khỏi việc bội phản ông sắp làm. Người thấy ông bình thản ăn hết miếng bánh Người trao như cạn tình tuyệt nghĩa, và Satan nhập vào ông. Ông đi ra, lúc đó trời đã tối.
Đức Giêsu thấy Giuđa lao mình vào trong cảnh tối tăm của đất trời như hòa trộn vào mầu nhiệm sự dữ cùng sự hả hê đắc thắng của Satan. Đó là sự bi thảm nhất của cuộc đời Đức Giêsu, lúc giờ của sự tội, của thế gian, của Satan chụp xuống trên Người, nhưng lạ thay, lúc Giuđa đã đi ra và khổ nạn chắc chắn sẽ đến, Đức Giêsu lại thấy đó là Giờ mà Người được tôn vinh, và Chúa Cha cũng được tôn vinh nơi Người.
Vì thế, Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó trong tư thế chủ động của một Người Con hoàn toàn vâng lời và phó mình trong tay Chúa Cha. Các môn đệ sẽ thấy con đường Thầy đi, thấy điểm cuối con đường ấy, nhưng nơi Người đến, bây giờ họ không thể đến được.
Phêrô khẳng khái muốn đi theo Thầy dù phải bỏ mạng, nhưng Đức Giêsu trong tình thương mến, cho ông biết về con người thật của ông: ý chí thì mạnh mẽ nhưng hành vi lại yếu hèn. Dù vậy, Người vẫn quý mến bản chất trung thực và lòng mến của ông đối với Người.
Báo trước sự vấp ngã của Phêrô, Đức Giêsu không có ý làm tổn thương ông, nhưng cho thấy không những Người biết rõ về ông, mà còn biết rõ con người ông sẽ trở thành.
Chưa bao giờ người Kitô hữu có kinh nghiệm về sự bấp bênh của sự sống mình vào thời điểm đại dịch coronavirus này. Đây là thời điểm để chúng ta thấy những thứ an toàn giả tạo trước đây chúng ta đeo đuổi, tìm kiếm tan rã, ngay cả việc thờ phượng bàm víu vào hình thức, vụ luật và khoe khoang, cả sự ngoan cố cứng lòng chối từ thập giá bước theo Chúa Kitô.
Hôm nay, không có nhiều chọn lựa, mọi người đều “bình đẳng”, mọi sự đều “như nhau”, không thánh lễ, không các bí tích, chỉ còn kinh nguyện đượm thấm tình yêu mến chứng tỏ chúng ta là ai, tình yêu chúng ta dành cho ai? và Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người là gì đối với mỗi người ?
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Ta là ai trong các nhân vật Tin Mừng hôm nay
6.4 Thứ hai
Ga 12, 1-11
TA LÀ AI TRONG CÁC NHÂN VẬT TRONG TIN MỪNG HÔM NAY
Chúng ta đã tiến vào Tuần Thánh, tuần lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu, về việc Người phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha.
Phần Phụng Vụ hôm nay đặt trước chúng ta đoạn mở đầu chương 12 của Tin Mừng theo thánh Gioan, được dùng như là một nối kết giữa Sách các Dấu Lạ và Sách của sự Tôn Vinh. Tại cuối của “Sách các Dấu Lạ” thấy có xuất hiện, rất rõ ràng sự căng thẳng giữa Chúa Giêsu và các chức sắc tôn giáo đương thời (Ga 10, 19-21, 39) và sự nguy hiểm mà Chúa Giêsu đang phải đối mặt. Nhiều lần họ đã cố gắng giết Chúa đến nỗi mà hầu như Chúa Giêsu phải sống một cuộc sống bí mật, bởi vì Người có thể bị bắt bất cứ lúc nào.
Trong 3 ngày đầu Tuần Thánh, các bài đọc thứ nhất đều trích từ sách ngôn sứ Isaia, viết về người tôi tớ Thiên Chúa, chịu đau khổ một cách nhẫn nhục để chuộc tội loài người. Còn các bài Tin Mừng thì thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn.
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania, “Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua,” tức là sáu ngày trước khi Ngài chết. Có 3 vai đáng chú ý:
Maria: Việc cô lấy một cân dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau biểu lộ lòng yêu mến (không tiếc tiền của), và sự kính trọng (lấy tóc lau chân) đối với Ngài. Phần Chúa Giêsu thì coi việc làm này có ý nghĩa cử hành trước nghi thức mai táng Ngài.
Đây là lần thứ hai Maria được tường thuật ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Một lần trong Tin Mừng Luca, cô được Chúa Giêsu khen, vì đã ngồi dưới dân Chúa để nghe lời Người trong khi cô chị Mácta bận rộn để phục vụ (Lc 10, 38-42). Lần này, cô tỏ bày tình yêu với Chúa Giêsu bằng cách lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu. Cô xoã mái tóc mình ra mà lau, đây là điều cấm kỵ, không một phụ nữ Do Thái nào dám làm ở nơi đông người. Maria không bận tâm người ta nghĩ gì, nói gì. Cô chỉ chú tâm vào Đức Giêsu, chỉ muốn diễn tả lòng quý mến với Ngài. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Đức Giêsu những gì quý giá nhất của mình. Sự hào phóng, cho đi mà không tính toán, so đo, đó chính là dấu hiệu của tình yêu thật sự.
Ta thấy hành động của cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Dù trước mặt mọi người, hành động của Maria có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Kitô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Kitô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.
Có lẽ, Maria đã làm với một tấm lòng yêu mến, đáp trả lại tình yêu thương của Chúa “Tình yêu, đáp đền tình yêu”. Bởi gia đình cô thật diễm phúc được Chúa viếng thăm, em cô vừa được Ngài cho sống lại từ cõi chết (Ga 11, 1-44) và chính cô được Chúa đưa ra khỏi cái quá khứ đen tối, đầy tội lỗi. Chứ Maria cũng không hiểu thấu tâm trạng Chúa lúc này, Ngài đang xao xuyến trong tâm hồn biết chừng nào?
Trái ngược với Maria là một Giuđa Iscariot luôn tính toán và phê bình: Thấy hành động của cô, ông liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. Ông để lộ chân tướng hẹp hòi, ích kỷ của mình. Ông bực tức, phản đối hành động của cô Maria. Ông che đậy lòng tham của mình, viện cớ để số tiền ấy giúp người nghèo nhưng thực chất là để thỏa lòng ham tiền, hám lợi của chính mình. Ông theo Chúa nhưng lòng trí ở xa Chúa.
Thánh Sử chú giải rằng Giuđa không hề lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà hắn ta là một tên trộm cắp. Họ có một cái quỹ chung và hắn ta đã bớt xén tiền ở trong đó. Một lời lên án mạnh mẽ về Giuđa. Lời lên án không phải vì y không quan tâm đến người nghèo khó, mà là sự đạo đức giả lợi dụng người nghèo khó để tự quảng cáo và làm giàu cho chính mình. Giuđa, trong lợi ích vị kỷ của hắn ta, chỉ nghĩ về tiền bạc. Đây là lý do tại sao hắn ta đã không nhận thức được những gì bà Maria đang nghĩ ở trong lòng. Chúa Giêsu đọc được điều này và bênh vực bà Maria.
Giuđa người môn đệ cùng ở với Chúa. Hàng ngày đồng bàn với Ngài. Nhưng không đồng lòng với Ngài, không đón nhận lời yêu thương từ nơi Ngài. nên chẳng những ông không nhìn thấy nỗi lo lắng thẳm sâu trong lòng Chúa để đồng cảm, yêu thương. Trái lại, ông chỉ thấy tiếc xót bình dầu và trách cứ Maria đã phung phí (Ga 12, 5). Tiền bạc đã làm ông mù quáng, đã dẫn ông đến chỗ phản bội Thầy sau này (Ga 12, 4)
Và nhìn lại Giuđa, lời ông chỉ trích Maria phí của biểu lộ lòng tham tiền của ông. Đối với Giuđa lúc này, tiền của còn quý hơn tình nghĩa đối với Chúa Giêsu. Chính vì thế thánh Gioan là người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những thứ gì người ta bỏ vào quỹ chung.”
Các Thượng tế: Họ “quyết định giết luôn cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu.” Rõ ràng họ đang bị tính ghen ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa Giêsu là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Ladarô rõ ràng là vì uy tín của Chúa Giêsu vượt hơn uy tín của họ.
“Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu.” Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta hai điều: Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào; Đừng viện cớ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa.
Đám đông và chính quyền. Là bạn của Chúa Giêsu có thể bị nguy hại. Ông Lagiarô có nguy cơ bị tử vong vì đời sống mới nhận được từ Chúa Giêsu. Người Do Thái đã quyết định ra tay giết ông. Lagiarô còn sống là một bằng chứng sống động rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Đây là lý do tại sao đám đông đang lùng kiếm ông, bởi vì người ta muốn thử nghiệm chặt chẽ bằng chứng sống động về quyền năng của Chúa Giêsu. Một cộng đoàn sống động có nguy cơ bị tiêu diệt bởi vì nó là bằng chứng sống của Tin Mừng Thiên Chúa!
Dành những phút thinh lặng, đặt mình vào vị trí của Mácta, Maria, Ladarô, Giuđa… để chiêm ngắm Chúa Giêsu những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình… và xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.
2020
Chết thay cho người mình yêu
CHẾT THAY CHO NGƯỜI MÌNH YÊU
Ga 11, 45-56
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy các Thượng hội đồng Do Thái đã “quyết định giết Chúa Giêsu” thể theo lời khuyến cáo mang tính tiên tri của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Đối với họ, đó là cách giải quyết gọn nhất, ít hao tổn xương máu nhất. Thế nhưng, trong cái nhìn của Thánh Gioan, thì cái chết của Đức Giêsu là một đảm bảo ơn cứu độ cho toàn dân Israen và cũng “để quy tụ con cái của Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Lời tiên tri của Thượng tế Caipha đã được ứng nghiệm: “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Chúa Giêsu chết thay cho tất cả chúng ta: cho người nam cũng như cho người nữ, người già lẫn người trẻ, người giàu cũng như kẻ nghèo, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Người chết thay cho tôi và cho bạn.
Chính nhờ cây thập giá, Chúa Giêsu tẩy rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. “Tội lỗi của chúng ta chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi chết với tội, chúng ta được nên công chính. Vì Người phải mang thương tích mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 24). Qua thập giá, Chúa Giêsu quy tụ nhân loại về tôn thờ Thiên Chúa duy nhất.
Những người Do Thái không tin đã nhìn nhận những hành động của Chúa Giêsu trong một lăng kính phàm trần, đầy màu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì Người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta”. Chúng ta lưu ý lối lý luận lộn xộn của người Do Thái không tin rằng: “Nếu dân chúng tin Thiên Chúa thì quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy thành Giêrusalem và dân tộc Do Thái”.
Dân chúng tin theo Chúa là việc thuộc lãnh vực tôn giáo, còn quân đội Rôma đến phá hủy là việc chính trị. Vậy làm sao việc tôn giáo có thể kéo theo hậu quả của việc chính trị như vậy được? Nhà cầm quyền Rôma thời đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, mà quan Philatô đâu có muốn kết án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo, vì những tranh tụng tôn giáo giữa Chúa và những vị lãnh đạo của dân chúng đối chất. Trước mặt quan Philatô, họ phải tố cáo Chúa Giêsu về một tội chính trị, đó là xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Xêsarê.
Với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái.
Thế nhưng rồi ta thấy trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: “Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
Chúa đã sống trọn kiếp người ba chìm bảy nổi và đầy sóng gió nguy nan. Chúa đã trải qua những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ. Chúa âm thầm sống theo từng lứa tuổi để yêu thương và cảm thông với chúng con. Cuộc đời Chúa không thiếu những lời khen và cũng không ít những lời chê. Chúa đã từng làm ơn để rồi bị mắc oán. Chúa cũng cảm nghiệm nỗi đau của sự vong ân bội nghĩa của tha nhân. Nhưng Chúa đã vượt qua tất cả nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người tín hữu chết thay cho anh em mình khi hi sinh thời gian, sức khỏe, tiền bạc để giúp đỡ những con người đau khổ, bệnh tật. Trong mỗi gia đình, mỗi người sống là hiện thân của Chúa Giêsu. Chồng chết thay cho vợ khi biết khước từ những lời mời gọi xấu xa: nhậu nhẹt, cờ bạc… Vợ chết thay cho chồng khi từ bỏ một tật xấu, tập tính dịu dàng, nết na, nhân hậu… Bố mẹ chết thay cho con cái khi biết yêu thương, dạy dỗ và lắng nghe trong sự chân thành và cởi mở… Con cái chết thay cho bố mẹ khi cố gắng học hành chăm chỉ, vâng lời và hiếu kính với những bậc sinh thành… trong đời sống cá nhân, mỗi người cố từ bỏ những tính hư tật xấu: kiêu ngạo, ganh ghét, lười biếng, tham lam, nói hành nói xấu… Có như thế, thập giá của Chúa Giêsu mới trở nên hữu ích là đem lại nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.