2020
Sự Khiêm Hạ Của Một Tình Yêu
Thứ năm Tuần Thánh Mùa Coronavirus
Sự Khiêm Hạ Của Một Tình Yêu
Tin mừng Gioan viết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1)
Những lời ngắn ngủi này gói gọn cuộc đời Đức Giêsu, và cho đến tận thế, Người vẫn trao cho từng người tất cả tình yêu mà Người diễn tả ở đây, dù chẳng được bảo đảm, tình yêu ấy sẽ được đáp đền.
Nếu ai đó than rằng đọc Phúc âm chán và khó hiểu, cũng giống như kẻ suốt đời chẳng biết đến tình yêu. Nếu Tin mừng Đức Giêsu Kitô được đọc trong cái nhìn tình yêu, người ta sẽ thấy từng trang sách chứa cả khối tình Đức Giêsu dành cho mình và cho cả nhân loại, bất chấp những lỗi lầm và khiếm khuyết. Như thể nếu không có họ Người không thể sống, và nếu được sống với họ, Người sẵn sàng chết cho họ, chỉ vì yêu.
Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã làm cho tình yêu, thứ mà không ai có thể định nghĩa, trở nên dễ hiểu và cụ thể; trở thành chân lý và mẫu mực. Đắm mình trong tình yêu Đức Giêsu, người ta sẽ thấu hiểu tình yêu thuộc về Thiên Chúa và tình yêu chỉ tồn tại trong Thiên Chúa. Ai có Thiên Chúa, người ấy có tình yêu trong mọi chiều kích nhiệm mầu: chiều cao đến với Chúa, chiều ngang dàn trải cho tha nhân và chiều sâu là tình yêu Chúa dành riêng cho họ.
Đức Giêsu thể hiện tình yêu trọn vẹn và lạ lùng cho mọi người, ngay cả đối với Giuđa, con Simon Íchcariốt, kẻ bị ma quỷ gieo vào lòng ý định nộp Đức Giêsu, để ngầm cho thấy tình yêu ấy không loại trừ ai, không bao giờ thất bại, kể cả cuộc khổ nạn sắp đến cũng không phải là thất bại, vì “Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người. Người từ nơi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,2-3)
Nếu một cuộc sống ngập tràn tình yêu còn có gai góc, thì một cuộc đời không có tình yêu sẽ chẳng có đóa hồng nào. Nếu con người làm tổn thương Đức Giêsu bao nhiêu, Người lại càng thương yêu họ bấy nhiêu, vẫn tin tưởng và hy vọng. Thi sỹ R. Tagore có nói: “Nếu kẻ chết tìm sự bất tử trong danh vọng, thì người sống tìm sự bất tử trong tình yêu”
Tin mừng Gioan không nói đến hành vi “quỳ xuống rửa chân” của Đức Giêsu, mà chỉ nói Người “cởi áo ngoài” như cởi bỏ đi cương vị, bỏ những giá trị vốn dĩ thuộc về Người trên trời và dưới thế, vinh quang và địa vị, danh dự và uy quyền (Pl 2,6-7)
Quỳ là thái độ tôn thờ, là hành vi của loài thụ tạo suy phục Đấng Tạo Hoá, là tư thế của kẻ dưới, thấp hèn. Người ta có thể quỳ trước người quyền quý, để van xin ân huệ, không hề quỳ trước những kẻ thấp kém hơn mình. Người Do thái không bao giờ làm việc này, vì đó là một sự sỉ nhục ghê gớm, nhưng Gioan “ngầm” cho thấy Đức Giêsu “lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ” như người nô lệ quỳ gối rửa chân chủ mình. Còn vị trí nào thấp hơn bàn chân nơi thân thể con người? Thực hiện điều này, Đức Giêsu cho thấy thế nào là sự quý trọng, là sự khiêm hạ của tình yêu.
Nếu thân xác cần được rửa để sạch, tâm hồn cũng cần được rửa để làm sạch những vết nhơ tội lỗi (x.Dt 10,22). Chỉ tình yêu Đức Giêsu mới hoán cải được lòng người và tình yêu ấy mới là tiếng nói sau cùng và có giá trị tuyệt đối. Nếu Giuđa mà Đức Giêsu còn rửa chân cho, thì tôi là ai mà dám khước từ?
Vì thế nghi thức rửa chân không phải là diễn lại, nhưng trong tinh thần sự Khiêm Hạ của một Tình yêu, tôi được Chúa mời gọi mở toang cõi lòng để Người rửa sạch mọi tội lỗi. Việc này phải được đóng ấn vào tâm hồn tôi, để mai ngày, dù có lỡ bước vào vũng bùn nhơ, tôi vẫn tin rằng tình yêu cao cả của Đức Giêsu, luôn trong tư thế của người nô lệ sẵn sàng phục vụ, sẽ lại thánh hoá và tẩy rửa tôi thanh sạch.
Hôm nay Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho tôi, để tôi cũng biết hạ mình rửa chân cho người khác, biết giúp nhau tẩy sạch những lỗi lầm luôn xảy ra trong cuộc sống, nhất là trong tình trạng “cách ly toàn xã hội”, khi các gia đình có cơ hội gần gũi để biết nhau hơn, dành thời giờ để bù đắp những lỗi lầm, băng bó những tổn thương, chữa lành những vết sẹo gây ra trước đây. Tất cả phải thực hiện trong tình yêu Chúa Kitô. Đấy mới là phương thuốc chữa lành hiệu nghiệm nhất.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Chúc thư tình
Tâm tình Thứ Năm Tuần Thánh
Yêu là gì mà khiến người ta muốn ở bên nhau mãi mãi? Yêu là gì mà khi không thể ở với nhau người ta lại muốn để lại một dấu ấn khiến đối phương nghĩ về nhau luôn mãi? Yêu là gì mà khiến người ta cứ yêu dù biết yêu là đau khổ, là hy sinh là hiến dâng? Yêu là gì mà khiến cho người ta dám sống và chết vì người mình yêu?
Với tôi, tình yêu là tự do. Tự do để cho đi và tự do để nhận lãnh. Tôi cho người khác cái mình có và tôi nhận lại thì không hẳn là nhận được từ sự đáp trả của người khác nhưng là từ chính bản thân tôi. Tôi cho người khác một nụ cười thì chính tôi lại nhận được niềm vui và sự bình an trong tôi. Tôi trao cho người khác một cái nhìn cảm thông thì chính tôi lại nhận được sự cảm thông với chính bản thân mình.
Tình yêu thì không biên giới nên vì yêu các môn đệ mà Thầy Giêsu đã để lại cho các ông một “Chúc thư tình”, để các ông biết vị Thầy yêu dấu của các ông ở cùng các ông luôn mãi.
Trên đường chập chững bước theo Thầy Giêsu, tôi được đọc “Chúc thư tình” của Người. “Chúc thư tình” ấy được Người viết vào chiều thứ Năm trong bữa tiệc ly năm xưa. Trong “Chúc thư tình” ấy, Người cho tôi biết tôi “là người được yêu”, và tôi đã cảm nhận được điều này khi tiếng lòng tôi vang lên: Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn thuở; con là con gái yêu quý nhất của Ta. Cảm nếm trong tiếng lòng vang lên ấy, thật sự tôi thấy mình “là người được yêu”. Nếu tôi không phải là người được yêu thì tôi đã chẳng hiện diện trên cõi đời này. Tôi đã chẳng được tạo dựng từ hư vô, để trở thành một bào thai trong dạ mẹ đó sao. Tôi được chăm sóc, được quan tâm, dạy dỗ và nhất là một Đấng đã luôn ở bên tôi. Đấng ấy biết rõ tôi làm gì, nói gì, suy nghĩ gì. Đấng ấy đã cho tôi được hiện diện từ sự hư vô, Người là Cha trên trời. nếu tôi không phải là người được yêu thì tại sao Đấng quyền năng lại trở nên người phàm trong lòng một người nữ để đến bày tỏ tình yêu với tôi. Người đã đến với tôi, chịu đau khổ vì tôi, hy sinh vì tôi, chết cho tôi. Người là Đức Giêsu mà tôi hằng khao khát được thuộc về.
“Là người được yêu”, có lẽ tôi chỉ mới dừng lại ở chiều lãnh nhận. Bạn có nhận thấy mình “là người được yêu” không? Khi bạn được hiện diện và đón nhận tình yêu từ sự quan tâm, dù khác tôi ở hoàn cảnh hay thời điểm. Tôi tin rằng bạn và tôi, chúng ta “là người được yêu”. Nhưng mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận mình là người được yêu một cách rất riêng.
“Chúc thư tình” ấy đã khơi dậy và giúp tôi bước thêm một bước trong tình yêu: đó là khi tôi “được yêu người”. Khi tôi được yêu người thì cũng là lúc tôi nhận ra tôi được chọn và tách riêng ra. Điều này không có nghĩa là tôi bị loại trừ. Trong cảm nghiệm của Thánh Linh: “Ta sẽ quyến rũ nàng, đưa nàng vào sa mạc để cùng thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16), sa mạc hay đồi núi là nơi Thiên Chúa thổ lộ tâm tình, vì sự vắng vẻ và tĩnh mịch sẽ giúp tôi nghe rõ được tiếng Người. Ở đây, nơi ngọn đồi của Đam bri, và trong sa mạc của tâm hồn này, tôi lần dở “Chúc thư tình”, chúc thư cũng đã nói với tôi: khi “được yêu Người” tôi trở nên một người luôn biết bước ra, đi tới, bẻ ra và trao ban.
Người được yêu không ở lại trong con người của mình mà bước ra khỏi mình, khỏi cái tôi của riêng mình, bước ra khỏi vị trí của mình. Đức Giêsu đã bước ra khỏi vị trí của Thiên Chúa để đến với con người. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu rời bàn ăn để đến rửa chân cho các môn đệ trong sự khiêm tốn và phục vụ. Khi ở nơi đồi núi và trong sa mạc tình yêu, khi được yêu người, tôi được sống sự bước ra: bước ra từ một con người kiêu căng, để trở nên một người khiêm tốn và quảng đại dâng hiến; bước ra từ những vết thương để được tình yêu của Đức Giêsu chữa lành và lấp đầy bằng tình yêu của Người; bước ra từ những con sóng ồn ào trong cõi lòng thẳm sâu, để có một sự tĩnh lặng và bình an trong tâm hồn; bước ra từ một sự đổ vỡ trong tương quan của cuộc sống để hàn gắn, làm mới lại bằng một tương quan trong Đức Giêsu; bước ra từ một con người tội lỗi để trở nên con người biết ăn năn sám hối, sống tốt lành, thánh thiện.
Là người được yêu, bạn có muốn khám phá sự tròn đầy trong tình yêu không? Trái tim tôi đang mách bảo rằng: Đức Giêsu đã bước ra và đang chờ bạn, chờ tôi bước ra khỏi tất cả những gì cần bước ra từ chính con người và cuộc sống của mình. Bước ra để đi đến với người khác như Chúa Giêsu. “Chúc thư tình” đã cho tôi nhận thấy Chúa Giêsu đi đến với những người bên cạnh là các môn đệ, với tất cả mọi người, đi đến cùng Chúa Cha. “ Đi đến” không chỉ ở những người xa cách tôi về khoảng cách địa lí, mà có thể một người nào đó ở ngay bên cạnh tôi, trong cùng một mái nhà, người tôi luôn cảm thấy họ “thật xa”, người mà tôi ít nói chuyện với hoặc không nói chuyện bao giờ. Tôi muốn bước tới tương quan với họ.
Khi yêu Người, tôi sẽ chủ động đến với những người sống ngay bên cạnh tôi, đi đến với những người mà tôi không ưa, người làm tôi tổn thương, với những người khó khăn, thử thách, đau khổ. Khi yêu Người, tôi sẵn sàng đi đến tất cả những nơi cần phải đến, theo lời mời gọi của Thầy Giêsu dành cho tôi. Khi yêu Người, tôi được lớn lên trong tình yêu, tôi chấp nhận bẻ ra tấm bánh cuộc đời của mình cho người khác. Ngôn ngữ của từ “bẻ ra” trong tình yêu đó chính là sự hiến mình trong tình yêu. Hiến mình trong tình yêu là khi tôi nhận lấy sự thua thiệt về mình, để người khác được bảo đảm. Khi tôi chấp nhận một sự hiểu lầm, đau khổ do người khác gây ra; khi tôi chấp nhận lùi lại một bước để biển lặng sóng yên, khi tôi chấp nhận tha thứ để người khác có được sự thứ tha mặc dù họ là người có lỗi; tôi chấp nhận vất vả mệt nhọc hy sinh để người khác được an vui. Khi tôi hiến mình thì không có nghĩa là chịu sự mất mát, nhưng chính là lúc tôi cho đi là tôi được nhận lãnh; chính lúc chết đi là khi được sống (trích trong ca khúc Quảng đại Hiến dâng). Đó chính là lễ vật dâng Chúa và là món quà cho người khác.
Đã bước ra, đã đi đến, đã bẻ ra thì sao lại không “ trao ban”. Tôi chẳng tài giỏi, cũng chẳng làm được việc gì lớn lao. Tình yêu trong sự trao ban nhiều khi chẳng đòi hỏi tôi như thế. Trong cuộc sống, tôi trao ban một nụ cười với tình yêu dành cho người khác; một thái độ lắng nghe và sẻ chia với chị em; một sự quan tâm bằng những việc nhỏ bé như lấy một ly nước, quét một cái nhà, lau một cái bàn học giúp người khác. Tất cả được đặt trong tình yêu và trao ban bằng tình yêu. Tôi khám phá ra giá trị của sự trao ban không hệ tại ở những gì làm cho người khác, mà là tôi đã cho đi bao nhiêu ở trong đó.
Bà goá nghèo đã bỏ hai đồng xu vào thùng dâng cúng trong Đền thờ, và còn những người khác thì dâng rất nhiều tiền. Thế nhưng, Thầy Giêsu đã nói: bà goá này đã dâng nhiều hơn tất cả. Những gì bà dâng là cả cuộc sống, sự nghèo túng của bà. Thầy Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của mình trở thành những người nghèo của Tin Mừng. Ngài nêu gương cho họ về tình yêu phục vụ. Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong Bữa tiệc ly và tha thứ cho người học trò phản bội. Tình yêu là thế đó. Những gì bạn có, tôi có là do Cha trên trời luôn yêu thương và ban cho chúng ta một cách nhưng không, chẳng đòi hỏi và cũng không mong được đáp đền.
Tự sức ta không thể yêu như Chúa muốn. Hãy ở với Giêsu, hãy học với Giêsu, hãy yêu như Giêsu, bạn sẽ hiểu được yêu là gì.
2020
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh trong mùa dịch Covid–19: Những cuộc chia ly nhiều lưu luyến
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN THÁNH TRONG MÙA DỊCH COVID-19
Những cuộc chia ly nhiều lưu luyến
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày của chia ly. Đức Giêsu, người Thầy yêu mến của các môn đệ, phải nói lời sau cùng với cả nhóm. Để chuẩn bị cho cuộc chia ly này, Đức Giêsu đã cho người sửa soạn một nơi khá riêng tư và kín đáo, chỉ có các thầy trò. (Lc 22,19). Đó là một phòng ăn rộng rãi ở trên lầu.
Vì tính chất của buổi tối sau cùng ngày hôm ấy, nên phòng này còn được gọi là Nhà Tiệc Ly. Tuy không ở đó, nhưng chúng ta có thể mường tượng được qua lời kể của thánh sử Gioan, người đã ngồi cạnh Đức Giêsu trong bàn tiệc.
Tôi muốn đề cập đến cuộc chia ly ấy, để thấy Thiên Chúa cũng có kinh nghiệm để chia sẻ nỗi đau với con người trong dịch bệnh lần này. Mỗi người chết vì Covid–19 có những cuộc chia ly với gia đình, bạn thân và các y bác sĩ. Có người chết trong cô quạnh chẳng kịp nói lời sau cùng với ai. Có người đang chịu nỗi đau quằn quại vì cơn bệnh đến nỗi không thể nói lời vĩnh biệt. Người thân cũng chẳng thể gặp mặt để tạm biệt lần cuối. Trong muôn vàn cách thế chia ly đó, mẫu số chung là những giọt nước mắt lăn dài trên má! Nỗi đau lòng, bất hạnh, khổ sở và niềm tuyệt vọng của những người còn sống cố tìm kiếm lý do giải thích.
Chúa Giêsu của chúng ta cũng thế. Ngài biết giờ của Ngài sắp đến, giờ phải về với Chúa Cha. Ngài đã chuẩn bị cho giờ này rất lâu rồi. Ngài chuẩn bị cả một di chúc dài để trao cho các môn đệ. Bản di chúc ấy thánh Gioan đã cẩn thận ghi lại (x. Ga chương 13–17). Chúng ta có thể tóm gọn di chúc này trong vài từ chính yếu: phục vụ, tình yêu, bí tích Thánh Thể, Đấng Bảo trợ sẽ đến, Thầy Giêsu sẽ trở lại, v.v.
– Rửa chân và tinh thần phục vụ trong mùa dịch:
Trong mùa dịch, ước sao có nhiều người noi gương Đức Giêsu trong lúc này, cúi xuống phục vụ những ai nhiễm bệnh. Nhớ lại bài chia sẻ hôm ban phép lành ngoại thường cho toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến cầu nguyện và phục vụ âm thầm. Đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta. Những người đang xả thân phục vụ trong những ngày tháng này là: các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác. Họ thực sự đang cố gắng chia sẻ nỗi đau với bao người. Họ đang khóc với người khóc!
– Nguồn sức mạnh nơi thánh lễ trực tuyến [online]:
Chúng ta phải tham dự thánh lễ trực tuyến [online] tại nhà. Đó là Bí Tích mà Đức Giêsu đã lập trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Trong điều kiện ấy chúng ta cũng đang phải tạm chia ly với cộng đoàn giáo xứ, với nhà thờ thân yêu. Trong hoàn cảnh ấy, giáo dân và linh mục tin rằng Thiên Chúa cũng đang liên kết mỗi người nơi thánh lễ trực tuyến [online]. Dẫu sao, nhờ phương tiện truyền thông, thánh lễ vẫn có thể trở nên nguồn an ủi với mỗi người trong lúc này.
– Chúa Thánh Thần sẽ đến:
Đó là lời hứa của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với nhân loại trong ngày lễ Ngũ Tuần. Hơn lúc nào hết, chúng ta cũng khẩn xin Ngài soi sáng cho các nhà nghiên cứu sớm tìm ra thuốc chủng ngừa và thuốc chữa trị. Chỉ khi đó người ta mới an tâm như chưa hề có cuộc chia ly. Khi ấy con người không phải khóc thương vì bệnh Covid–19 nữa. Xin Thánh Thần mau đến. Amen.
Tiếc là chúng ta không thể đi vào chi tiết của những lời chia tay ngày hôm ấy. Thực tế cuộc chia ly này diễn ra khá dài, đủ giờ để Đức Giêsu nói với các môn đệ những gì cần thiết. Hằng năm chúng ta cũng được cử hành lại cuộc chia ly này. Khi đó vài lời di chúc của Thầy Giêsu cũng được Giáo Hội nhắc lại. Năm nay vì đại dịch Covid–19, chúng ta ở nhà cùng với nhau tham dự trực tuyến cuộc cử hành này.
Chúng ta chẳng thể liệt kê nổi bao nhiêu cuộc biệt ly trong vội vã của người thân với các bệnh nhân. Khi nhiễm bệnh, họ được đem đi cấp cứu và tuyệt đối cách ly. Phần lớn là những người già cả. Chắc họ cũng có gia đình, con cháu và họ hàng. Khi virus tấn công, chắc không đủ thời gian để họ nói những lời cần thiết với người còn ở lại. Cuộc chia ly như thế luôn đọng lại nhiều nước mắt, hoài niệm và đau lòng cho cả hai bên. Biết sao được khi dịch bệnh đang lan tràn. Người ta chẳng biết khi nào mình phải bị cách ly hoặc nhập viện.
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, chắc mỗi người dừng lại đôi chút để chiêm ngắm những cuộc chia ly như thế. Chúa cũng đau nỗi đau của con người; Ngài cũng buồn nỗi buồn của nhân loại. Tin Mừng không cho thấy các môn đệ hoặc Thầy Giêsu khóc. Họ có xao xuyến, nghẹn ngào và xúc động. Những dòng cảm xúc ấy đủ cho thấy tâm trạng của mỗi người trong lúc này. Đúng là lời nào buồn hơn phút chia tay! Nhất là chia ly trong vĩnh biệt!
Hãy chia ly trong Chúa
Giáo Hội hiểu việc cử hành Bí Tích Thánh thể không chỉ là để nhớ lại biến cố lịch sử Bữa Tiệc Ly, mà còn hiện tại hóa sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại. Theo ý nghĩa này, lúc nào chúng ta cũng có cuộc chia ly như thế. Lúc nào Đức Giêsu cũng đang hiến tế chính mình để cứu độ nhân loại. Trong niềm tin, chúng ta tin Đức Giêsu đang ở trong cuộc chia ly của nhiều người. Nơi đó, “giọt nước mắt sẽ nên nụ cười và tiếng hát vang dậy trời cao”.
Cụ Nguyễn Du năm xưa viết rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Năm nay và trong Tuần Thánh này, Đức Giêsu nói với mỗi người: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20).
2020
Học gương Thầy
9.4 Thứ Năm
Ga 13, 1-15
HỌC GƯƠNG THẦY
Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể.
Ngày hôm nay, ta cùng hiệp ý với Chúa Giêsu trong Bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Do thái với các môn đệ. Nhưng trước và sau bữa tiệc ấy, Người thết đãi họ thêm một món ăn và một món uống làm thành Bữa Tiệc Thánh Thể ám chỉ cuộc Vượt qua của Người. Chính Người không ăn bữa tiệc phụ trội ấy, vì người vừa là chủ đãi tiệc vừa là của ăn đem ra thết đãi thực khách; Người vừa là tư tế vừa là của lễ.
Ta nhận ra rằng trình thuật này sẽ được sáng tỏ hơn nếu đặt nó trong tương quan với biến cố vượt qua. Sự giải thoát của chúng ta, sự vượt qua từ cái chết đến sự sống, được đảm bảo nhờ chính cuộc vượt qua mà Đức Kitô đã thực hiện bằng viêc tự hạ mang lấy thập giá: việc tự hạ này được tiên báo trong cử chỉ khiêm tốn phục vụ thay thế các tông đồ.
“Trước lễ Vượt qua”, những chữ đầu tiên này rất quan trọng. Dầu người ta có giải quyết thế nào về vấn đề niên hiệu các ngày sau cùng, của cuộc đời Chúa Giêsu dưới thế này (đối với phúc âm nhất lãm, bữa tiệc ly xem ra trùng hợp với ngày lễ vượt qua của người Do thái, trong khi đó đối với Gioan, bữa tiệc ly xảy ra truóc đó một ngày), hình như chắc Gioan muốn trình bày cho chúng ta nội dung của chương 13-17 trong bối cảnh lễ vượt qua Do thái.
Trong bữa tiệc Vượt qua truyền thống Do Thái, người gia trưởng chủ tọa cuộc lễ, nhưng ông không phải là của lễ. Cả cộng đoàn cùng làm hành động tế tự ấy, vì tất cả đều tham dự vào chức tư tế phổ quát của dân được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến. Trái lại khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hành động với tư cách tư tế thượng phẩm, nhưng là một tư tế thượng phẩm độc đáo, vì Người tự hiến tế mình như của lễ để làm lương thực cho các môn đệ trong bữa tiệc hiệp thông của Giao ước mới. Người là tư tế nhưng chỉ là tư tế của Giao ước mới.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà.
Theo truyền thống Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói : Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.
Chiều tiệc ly được thánh Gioan ghi lại tỉ mỉ và gợi hình. Chúa Giêsu làm bảy cử điệu rõ ràng: đứng dậy, cởi áo, lấy khăn, thắt lưng, đổ nước, rửa chân và lau lọt. Khi cởi áo choàng ngoài Chúa Giêsu đã làm cử chỉ của một người nô lệ hay ít ra của một người thợ bắt tay vào việc. Thời đó, phận sự của nô lệ, đặc biệt các nô lệ không phải là người Do thái có nhiệm vụ rửa chân cho khách tới nhà (1 Sm 25, 41).
Đây là một việc làm hoàn toàn tự nguyện của Chúa. Ngay cử chỉ Chúa cởi áo và tự lấy mặc lại (c. 12) làm chúng ta liên tưởng đến những lời Chúa đã nói (Ga 10, 17-18) để nói đến cái chết hoàn toàn tự nguyện và sự sống lại uy quyền của riêng Ngài. Khi Chúa Giêsu vừa làm xong công việc của một nô lệ, thì Chúa muốn nhấn mạnh đến sự bất tương xứng tự nhiên giữa công việc ấy đối với một vì Thiên Chúa (c. 14), là họ thực sự là những môn đệ phục vụ hoàn toàn cho nước Trời, phục vụ cho đến chết, như lời Chúa nói “Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn kẻ sai mình” (Mt 10, 14 Lc 6,40. Ga 15, 20). Đấy chúng ta thấy một vì Thiên Chúa thực hiện câu “Ta đến để phục vụ…” (Mt 20, 28). Rất có thể có một ông vua trần thế làm công việc khiêm tốn ấy cho bầy tôi trước khi từ giã rút lui khỏi ngai vàng của mình.
Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương.
Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu : “Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng”, nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán.
Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua Bí tích thánh thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.
Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. “Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta”. Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà con chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài.
Và ta thấy rằng không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.
Bằng một cử chỉ sống động bày tỏ tâm tình vẫn có nơi Ngài, Ngài bưng một chậu nước cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Cảm nghiệm tâm tình của Chúa qua cử chỉ này, thánh Gio-an đã nhận định : “Ngài vẫn thương yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và thương yêu họ đến cùng.” Sau đó Ngài bảo họ phải đối xử với nhau như Ngài đã đối xử với họ.
Ngài dùng chữ điều răn mới trong lời Ngài nói với họ như một lời từ giã. Đó là điều răn mà lãnh tụ Môsê tóm tắt trong luật pháp, nhưng đã được Chúa Giê-su làm mới lại bằng cách ban cho nó một tiêu chuẩn mới, một động lực mới : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em.” Ngài sắp bước vào chuyến đi mà không ai có thể theo được, Ngài phải lên đường một mình, trước khi ra đi, Ngài truyền cho họ một mệnh lệnh là phải yêu mến nhau như Ngài đã yêu mến họ
Bằng dấu hiệu rửa chân lạ thường, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài hoàn toàn phục vụ con người, và phục vụ bằng chính cái chết trên thập giá. Cũng như Ngài đã cởi áo và mặc áo lại để phục vụ họ, Ngài sẽ thí mạng sống và lấy lại mạng sống (10, 18) vì lợi ích của họ. Qua cử chỉ rửa chân Đức Kitô mạc khải cho chúng ta nhân cách sâu xa của Ngài: Ngài là Đấng hiện hữu cho kẻ khác, là Đấng phục vụ hoàn toàn cho anh em đồng loại.
Khi ra lệnh cho các môn đệ “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 11, 24-25; Lc 22, 19), Chúa Giêsu muốn rằng cộng đoàn Kitô hữu phải cử hành bữa tiệc Giao ước mới và vĩnh viễn ấy để tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người : Người vượt qua cái chết để Phục sinh và về với Chúa Cha (Ga 13, 1).
Qua cái chết tự nguyện và vô tội để đền tội và chết thay cho ta, Người tháo gỡ khỏi ta dây tròng ràng buộc của tội và giải thoát ta khỏi cái chết vĩnh cửu là hậu quả của tội. Khi ta tin vào Người và để cho Người giải hòa ta với Chúa Cha, thì ta được dẫn vào cõi trường sinh bằng cách tham dự vào cuộc Phục sinh của Người. Bữa tiệc Thánh Thể nhằm mục đích tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu. Bởi thế dự tiệc Thánh Thể là thông phần vào mầu nhiệm vượt qua của Người.
“Ta nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi. Các ngươi cũng làm như vậy” (c. 15), “Phúc cho các ngươi, nếu các ngươi làm như vậy” (c. 17). Theo gương Chúa Giêsu không phải là làm lại một cách vật chất cử chỉ khiêm nhượng mà Ngài đã làm. Nhưng đúng hơn là luôn qui hướng đến việc hiến mạng sống mình, ý hướng được cụ thể hóa qua việc rửa chân.